Thạch Kiếm

Chương 40: Yến nương




Hải Chính Hành đã say. Mặt lầm lì tái ngắt, ông đăm đăm nhìn tờ giấy hoa tiên không chữ để trước kỷ, lẩm bẩm:

- Thế này thì quá lắm ! Cậy có quyền thế muốn làm gì cũng được sao !

Hải Chính Hành chống tay toan đứng dậy, nhưng lảo đảo ngã ngồi xuống. Cúc Nương, ái thiếp ông, che miệng cười khúc khích. Ông nhìn nàng, chữa thẹn:

- Nàng cười ta say chăng ? Chưa, ta chưa say, nhưng có say cũng chẳng hề gì. Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh. Phải thế không, ái nương ?

Nàng Cúc mỉm cười. Những cảnh này nàng đã chứng kiến nhiều lần. Khách đến đây giải trí, mặc sức say sưa vì ở đa số, cơn say của họ vô hại. Quan niệm chung, rượu cũng là một thứ giải trí tao nhã, miễn người uống vẫn giữ được vẻ phong lưu, đĩnh đạt.

Hải Chính Hành là nhà buôn, nhưng có máu nghệ sĩ, ưa đùa cợt. Ông biết hài hóa những tật xấu của mình thành ra dễ gây hảo cảm. Rồi vì dư dả tiền bạc, mua chuộc kết thân với giới quyền quý, nên được kính nể chẳng khác gì các bậc vương tôn khác.

Nhưng đêm nay ông không hài lòng vì không được Yến Nương chiếu cố, mặc dầu đã cho người ân cần mời mọc. Điều ấy làm Hải Chính Hành cảm thấy như bị cự tuyệt.

Ông buồn rầu bảo người kỹ nữ:

- Sao vắng vẻ thế này ? Họ đi đâu cả ?

Cúc Nương không đáp, kéo tấm chăn mỏng choàng lên vai ông, ân cần khuyên giải:

- Khuya rồi, tiên sinh đi nghỉ, bận tâm làm gì ?

Nhưng ông không nghe, gạt tay nàng ra, gượng đứng dậy lảo đảo một lúc mới vịn được vào vách.

- Tiên sinh định đi đâu ?

- Ta đến phòng Cô lãnh đại gia.

Qua dãy hàng lang đèn sáng lờ mờ, Cúc nương dìu ông đến trước một gian đại sảnh, rồi gõ cửa. Tiếng đàn ca, sênh phách bên trong ồn ào vọng ra tận ngoài. Gõ mấy lần mới thấy cửa mở. Một tráng niên vóc dáng trung bình, đầu cạo trọc dáng tựa thiền sư nhưng trang phục lại theo lối thế tục, bước ra.

Tráng niên nhìn Hải Chính Hành, ông cũng trố mắt nhìn lại. Bỗng nhiên cả hai cùng phá lên cười ha hả:

- Ha ha ! Đại Quán ! Ngươi làm gì ở đây thế này ?

- Mô Phật ! Ngỡ ai hóa ra lão huynh. Thì ra lão huynh đặt thương điếm ở đây đấy hả ?

- Chứ sao ! Chốn này lạc cảnh, nếu dung được đệ tử của nhà Phật thì hẹp gì chẳng có chỗ cho thương điếm của tại hạ !

Nói xong lại cười ngất. Sự ngạc nhiên thích thú làm Bạch Phát lão thi sĩ tỉnh cơn say quên cả mối sầu trước đó.

Hàn huyên một lúc, mãi đến khi Đại Quán hỏi Hải Chính Hành đến đây làm gì, ông mới sực nhớ mục đích của mình. Ghé tai nhà sư, ông hỏi nhỏ:

- Tôn đại gia có trong ấy không ?

- Ngài về rồi. Chỉ còn tướng công Lưu Cát và ngài Từ Miễn.

Lưu Cát và Từ Miễn đều thuộc hoàng tộc. Lưu Cát, tước Tả Xuyên Hầu, giữ chức vụ lớn tại đế kinh, bổng lộc cao hàng mấy vạn gia. lúa đồng niên nhưng vẫn chẳng đủ tiêu dùng. Lưu Cát tướng công tính phóng túng, ưa vui chơi, thích được mỹ nữ chiều chuộng nên ít khi có mặt tại công đường. Hình như chỉ ở những chỗ như thế này, thoát khỏi mọi ràng buộc của chức vụ, ông mới thoải mái. Lưu Cát chẳngiấu gì điều ấy. Có lần ông đã nói:

Chức vụ cao mà làm gì. Bình sinh ta chỉ muốn luôn luôn ngồi bên người đẹp, mùa xuân ngắm hoa, mùa thu thưởng trăng, rồi nếu có phải chết đi thì được lìa trần với bát rượu trên tay, thế là mãn nguyện.

Bởi tiếp Lưu tướng công là danh kỹ Yến Nương, tuy đã gấp hai tuổi trăng tròn mà phong tư dung mạo còn rất tươi đẹp, thiếu nữ đôi tám chưa chắc đã ăn đứt.

Mặt hoa hơi cúi dường e thẹn, môi mọng đỏ như trái anh đào, mái tóc đen mượt chải cầu kỳ làm tôn màu trắng phớt hồng của làn da nhồi phấn trang điểm theo lối đương thời, trông nàng chẳng khác gì pho tượng quý.

Nghe cười ha hả ở phòng ngoài, Lưu tướng công quay hỏi nàng Yến:

- Phải chăng Bạch Phát thi sĩ đấy ?

Yến Nương cắn môi khẽ gật, mi mắt chớp mau. Nếu ông già này đến kéo nàng đi thì quả thật nàng chẳng còn biết xử trí ra sao nữa. Hai bên cùng là khách quý, cùng hào sảng như nhau, nàng chẳng muốn vì bên này mà bên kia phải mất lòng.

Đang bối rối, Đại Quán đã khoác vai Hải Chính Hành nghiêng ngả bước vào. Yến Nương toan đứng dậy thi lễ, Lưu tướng công kéo áo nàng nói nhỏ:

“Bất tất”, rồi với giọng làm ra vẻ thành thật:

- Chà ! Lâu lắm không gặp tôn huynh. Hôm nay sao may mắn thế này, thật là đại hạnh !

Hải lão công kính cẩn đáp lễ rồi không khách sáo, tiến đến trước mặt Lưu Cát và Từ Miễn ngồi ngay xuống:

- Đa tạ tướng công. Lão phu cũng thế, không ngờ được diện kiến tướng công lại còn may mắn gặp ông bạn cố tri này nữa.

Hải Chính Hành vừa nói vừa chỉ tay vào Đại Quán.

Nữ tỳ mang thêm rượu. Chén thù chén tạc, sau những lời chúc tụng thường lệ, trong câu chuyện đôi khi đã có ngụ ý châm chọc, khích bác.

Hải Chính Hành rót rượu cho Đại Quán, nói:

- Trong cuộc đời ô trọc này, thiền sư thế mà là người khôn ngoan nhất. Không bị ràng buộc lợi danh mà vẫn luôn luôn hưởng lạc thú, như thế chẳng phải là điều đáng mong ước lắm sao ?

- Phải lắm. Lưu Cát xen vào. Như phái quý tộc ta mới đáng buồn. Danh cương lợi tỏa, làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau, thật chẳng vao giờ được thỏa chí.

Hải Chính Hành cười ra vẻ không tin:

- Tướng công nói quá. Quyền thế như tướng công muốn gì chẳng được. Chẳng hạn nàng Yến đây nếu không sợ Oai tướng công, đâu có thích ngồi chỗ này mãi.

Tiếng cười khỏa lấp ý chế giễu, làm như chỉ là nói đùa. Nhưng Lưu tướng công khó chịu. Ông hơi đỏ mặt:

- Đấy là Yến Nương tự chọn đấy chứ. Dĩ nhiên trong cuộc vui chơi, chẳng ai muốn ngồi bên một ông già lẩm cẩm.

- Vị tất đã đúng. Để xin hỏi nàng Yến.

Nàng Yến chỉ lặng thinh. Vẻ bối rối hiện trên khuôn mặt. Sự ganh tị giữa hai ông khách đã đến lúc gay go, cần được giải tỏa. Đại Quán vội nói:

- Hai vị đều là những bậc phong lưu nhã khách cả. Bần tăng đề nghị cách này, hai vị nghĩ sao ?

Mọi người lặng yên chú ý.

- Ta đặt một trò chơi, hai vị đấu với nhau, người nào thắng, nàng Yến sẽ chuốc rượu.

Tiếng vỗ tay hưởng ứng rào rào. Từ Miễn cũng thêm:

- Vậy xin mời đại sư làm trọng tài khảo sát. Như thế mới công bằng.

- Nhưng chơi trò gì mới được chứ ?

- Vi kỳ.

- Ồ, vi kỳ mệt trí. Tìm trò gì thoải mái hơn, chỗ này vui chơi chẳng nên gò bó quá !

Bàn tán một lúc, mọi người đều đồng ý thi uống rượu. Mặc dầu Bạch Phát thi sĩ đã say khướt nhưng ông vẫn tự cho đủ sức thắng đối phương nên không phản đối.

Hai bình rượu lớn được bưng ra. Đại Quán kiểm soát dung tích và nồng độ, rồi để mặc các đối thủ tự rót uống. Chén đầy chén cạn, chẳng bao lâu, mắt Hải Chính Hành và Lưu Cát đều đỏ hoe, giọng nói lè nhè. Đã đến lúc rượu đối với họ không còn mùi vị gì nữa, chỉ đắng ngắt. Yến Nương mượn cớ vào nhà trong, bỏ đi từ lúc nào.

oo Thạch Đạt Lang trở lại Lạc Thiên quán sau khi tạt qua cửa hàng bách hóa lấy chiếc áo đã gửi. Căn phòng cũ vắng hoe, trên kỷ trơ khay rượu với hai cái chén nhỏ. Hắn ngồi xuống rót rượu uống một mình.

Bỗng cửa xịch mở. Một nữ tỳ bước vào. Trông ra thì là tiểu tỳ hầu hạ Yến Nương, đã cho hắn ăn cơm khi nãy.

- Khách quan đã về đấy ư ?

- Ừ, ta vừa về.

- Khách quan đi lối nào vậy ?

- Cửa sau.

- Cửa sau đóng khóa mà. Sao vào được ?

Thạch Đạt Lang không đáp, chỉ mỉm cười hỏi lại:

- Họ đi đâu hết ? Sao phòng vắng tanh thế này ?

- Các vị ấy sang đông sảnh, đang cùng Lưu tướng công chơi trò thi uống rượu.

- Cả Kim Phong tiên sinh nữa ?

- Không. Không thấy Kim Phong tiên sinh đâu.

- Có lẽ tiên sinh về nhà rồi. Nếu thế thì ta cũng về thôi.

- Không phải. Tiểu nữ không tin ngài đã về. Mà quý khách cũng không tự tiện về được. Lệ Ở đây ai về, cô nương cháu cũng đến cáo biệt.

- Lệ gì khắt khe thế ?

- Nếu không, lần sau cô nương cháu không tiếp đâu.

- Chà ! Cô nương ngươi khó quá nhỉ !

Lần đầu tiên đến chốn ăn chơi, tiếp xúc với giai cấp thượng lưu, Thạch Đạt Lang gặp nhiều điều phiền toái. So với nếp sống giang hồ của hắn, muốn đến là đế n, muốn đi là đi, không gì kềm tỏa, hắn thấy chẳng sung sướng bằng. Hắn cau mặt:

- Có lẽ ta phải phá lệ này mất !

Vừa hay Đại Quán ở ngoài bước vào.

- Thạch Đạt Lang ! Nghe tiếng quen, quả là ngươi. Đến đây hồi nào thế ?

Vừa nói vừa vỗ vai hắn, thân mật. Thạch Đạt Lang ngạc nhiên lui khỏi bàn rượu, chống hai tay xuống chiếu, rạp đầu kính cẩn:

- Đại Quán ! Không ngờ con cũng gặp thầy ở đây !

Nhưng Đại Quán đã cúi xuống nâng dậy và nói:

- Đừng ! Chỗ này là nơi giải trí, đến đây cốt để mua sự thảnh thơi, chẳng nên có những nghi lễ phiền phức. Nghe nói Cổ tiên sinh ở phòng này, ta muốn gặp. Tiên sinh đâu sao không thấy ?

- Lúc nãy còn ngồi ở đây, không biết bây giờ đâu.

- Thạch Đạt Lang ! Ta nghe nhiều chuyện về ngươi, muốn nói với ngươi vài điều, nhưng chỗ này không tiện. Thôi để khi khác. Giờ hãy tìm Cổ tiên sinh đã.

Dứt lời, đẩy tấm bình phong, đi ra phía sau. Thì thấy Cổ Huy Đạo bình thản nằm ngủ trong góc.

Đại Quán không tiện đánh thức, toan lui ra, nhưng Cổ Huy Đạo đã cựa mình mở mắt. Nhìn thiền sư, ông ngạc nhiên nhỏm dậy có ý hỏi. Đại Quán giải thích về sự có mặt của mình nhân đến thăm và cùng đi với tướng công Lưu Cát. Ra phòng ngoài, Cổ Huy Đạo nói:

- Nếu có Lưu tướng công thì lão phu cũng sang bên ấy vấn an nhân thể.

Rồi quay về phía Thạch Đạt Lang:

- Cả tráng sĩ nữa ! Về làm gì vội, sáng mai về cũng chưa muộn.

Thế là cả ba bỏ sang đại sảnh phía đông.

Đến nơi, Hải Chính Hành và Lưu Cát không còn ai uống rượu nữa. Cả hai ngồi yên lặng nhìn nhau, đờ đẫn như đắm chìm trong một nỗi buồn vạn cổ. Bọn kỹ nữ cũng đã bỏ đi, chỉ còn Cúc nương ủ rũ trong góc, tay vẫn ôm đàn, thỉnh thoảng nhấn một cung, nghe nghẹn ngào và xót xa như tiếng nức nở.

Cổ tiên sinh nhìn cảnh này không khỏi lẩm bẩm:

- Tịch mịch quá ! Hay ta về quách !

Mọi người phân vân. Nghĩ cho cùng, thế cũng phải. Kéo dài thêm cái không khí “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” này ra làm gì, mất hứng thú. Bèn chẳng ai bảo ai, lục tục đứng dậy sửa mũ áo.

Bỗng có tiếng gõ cửa. Một tỳ nữ bước vào vừa thở dốc vừa nói:

- Xin quý khách lưu lại chút nữa. Cô nương cháu muốn mời quý khách quá bộ lại tư thất.

- A ! Ai thế ? Phải Yến Nương chăng ?

- Dạ phải. Cô nương cháu xin tạ lỗi và xin quý tôn khách thông cảm cho cô cháu chẳng thể chiều lòng riêng một ai. Nếu bồi tiếp Lưu tướng công thì Bạch Phát tiên sinh buồn, mà chiều Bạch Phát tiên sinh thì để Lưu tướng công ngồi một mình sao đành dạ !

Nên cô nương cháu xin thỉnh tất cả quý tôn khách đến tư thất để cô nương cháu được hân hạnh hầu tiếp.

Mọi người, trừ Thạch Đạt Lang ra, nhìn nhau ngạc nhiên, không tin điều ả thị tỳ vừa nói. Vì Yến Nương là danh kỹ đất thần kinh, rất được sủng ái, từ trước đến nay không tiếp ai tại tư gia bao giờ, dù người đó là bậc công khanh có thế lực đến đâu đi nữa. Nay lại mời cả bọn về nhà là có ý gì ?

Nhưng dịp may chẳng muốn bỏ lỡ, ai cũng vui vẻ nhận lời. Lưu Cát và Hải Chính Hành tỉnh hẳn rượu, bảo ả tỳ nữ:

- Nhà cô nương ngươi gần đây không ?

- Dạ cũng không xa, ngay cuối trang viện này. Xin quý khách theo tiểu nữ.

Thạch Đạt Lang không có ý kiến, nhưng nghe lời Cổ Huy Đạo khuyên cũng đi. Bèn gọi người mang giày cỏ để đi tuyết đến, rồi cả năm người theo chân ả nữ tỳ ra ngoài.

Tuy là khách quen. Hải Chính Hành và Cổ Huy Đạo không biết chỗ ở của Yến Nương. Cả hai đoán nàng sẽ đãi trà vì được biết Yến Nương cũng là một đệ tử trung thành của trà đạo. Phải rồi ! Giời lạnh thế này, ngồi uống trà trong phòng ấm với mỹ nhân, còn gì thú hơn nữa.

Quanh co mãi, khỏi đường lớn, đến một khu đất cây cối lưa thưa, tuyết phủ đầy, vẫn chưa thấy nhà cửa gì, Hải Chính Hành sốt ruột hỏi:

- Ngươi dẫn chúng ta đi đâu mà đến chỗ toàn gai góc thế này ?

- Không phải gai đâu, thưa khách quan. Đây là vườn mẫu đơn. Tư thất của cô nương cháu ngay sau vườn này. Đến cuối xuân, mẫu đơn nở, chúng cháu thường hay bắc ghế ra ngoài vườn ngồi ngắm hoa, thích lắm.

- Ờ ! Nhưng giờ khác. Trời thế này mà cứ ở ngoài lạnh lỡ cảm hàn thì khốn.

- Dạ cũng gần đến rồi.

Quả nhiên lát sau đã thấy một căn nhà gỗ hiện ra. Trước nhà có miếng vườn nhỏ.

Cây đèn đá trong góc tỏa vòng ánh sáng tròn chiếu mấy khóm mẫu đơn đã bắt đầu trổ nụ. Bên hiên, cây tùng nghênh khách đứng nghiêm chỉnh, tuyết còn nặng trĩu trên cành chưa rụng.

Cả bọn năm người bước lên thềm, tháo giày cỏ rồi lần lượt theo ả nữ tỳ vào phòng.

Phòng bài trí thật đơn sơ, không ai ngờ đây là tư thất của một danh kỹ đương thời.

Trong góc, lò sưởi cháy bập bùng. Xà nhà màu nâu gụ, có lẽ dựng đã lâu nên nhiều chỗ nứt nẻ và khói ám đen nhưng được giữ rất sạch sẽ. Không có bàn ghế gì, chỉ có sáu cái bồ đoàn và một cái kỷ thấp dùng làm chỗ ngồi chơi. Trên vách, đối diện với chiếc kỷ, treo bức thư họa, vẽ đôi chim nhạn đang bay, nét chữ trên bài thơ cực kỳ xương kính.

Phía dưới đặt lọ hoa nhỏ men xanh, cắm độc nhất một bông trà. Bên cạnh, dựa vào vách là cây đàn tỳ đã cũ.

Chủ nhân bước ra, mặc kimono vàng nhạt, thắt lưng lụa đen. Nàng trang điểm rất giản dị, mái tóc cầu kỳ không còn nữa, làn suối mun được buông lơi, thả tự nhiên cho chảy xuống lưng và chỉ buộc hờ bằng một sợi dây lụa đỏ. Phấn hồng phớt nhẹ trên má và mắt nàng để tự nhiên, long lanh như nước hồ thu, nét đan thanh không bút nào tả xiết.

- Ồ ! Yến Nương ! Sao duyên dáng và yêu kiều đến thế !

- Đẹp lắm ! Mà cũng tân kỳ nữa. Nàng định mời chúng ta gì đây ?

Trong khung cảnh này, quả thật chẳng cần phấn son và trang phục rườm rà, Yến Nương đã gây xúc động. Cổ Huy Đạo là người khó tính cũng phải khen:

- Khéo lắm ! Chủ nhân thật có khiếu thẩm mỹ.

Yến Nương khiêm tốn cảm tạ. Phân ngôi chủ khách xong, nàng gọi con hầu sửa soạn đồ trà, rồi nói:

- Tiện nữ mời tôn khách đến đây cốt để tạ lỗi. Tệ xá nghèo nàn chẳng có gì trân quý kính dâng, chỉ có lửa ấm và trà ngon. Thiển nghĩ tôn khách chẳng nỡ từ chối vì lửa ấm cũng như lòng thành trong một đêm lạnh như đêm nay thì người nghèo cũng như người giàu ai ai cũng mong ước cả.

Mọi người gật gù, tán thưởng. Hơi ấm trong lò tỏa ra phả vào mặt, Cổ Huy Đạo nghĩ đến lần đạp tuyết vừa qua, càng cảm thấy ấm áp hơn, như người đang đói được dự một bữa tiệc thịnh soạn. Chắc đó cũng là chủ ý của Yến Nương. Càng nghĩ ông càng thấy nàng quả là một thiếu phụ đặc sắc và tế nhị.

Thạch Đạt Lang ngồi trên chiếc bồ đoàn trong góc. Bản tính hắn vốn e thẹn trước mặt đàn bà con gái, vả lúc sơ kiến hắn chẳng muốn có những hành động sỗ sàng.

- Đại hiệp nữa ! Xin mời đại hiệp lại gần đây sưởi ấm.

Hắn chỉ ậm ừ. Lần đầu tiên tiếp xúc với một người mà cả đất thần kinh coi như đệ nhất danh kỹ, trong một không khí phong lưu, thanh lịch cùng với các bậc tiền bối hắn ngưỡng mộ, Thạch Đạt Lang dè dặt trịnh trọng. Hắn mang mặc cảm tự coi mình quê mùa, không lấy làm thích thú như lúc được ngồi trong một quán nhỏ ven đường, bên chiếc bàn gỗ tạp, ăn uống tự do.

Mời mọc mấy lần, Yến Nương phải đến kéo hắn tới bên lò sưởi, hắn mới làm theo, miễn cưỡng giơ tay ra trước ngọn lửa. Nhìn tay áo Thạch Đạt Lang, Yến Nương thấy một vết loang đỏ. Nhân khi mọi người mãi chuyện vãn, nàng rút khăn ra lau vết loang ấy.

- Đa tạ cô nương.

Nếu Thạch Đạt Lang im lặng đừng cảm ơn thì chẳng ai để ý. Nhưng nghe hắn nói, mọi người quay nhìn. Mắt mở lớn ngạc nhiên, Lưu tướng công hỏi:

- Máu phải không ?

Yến Nương mỉm cười:

- Không. Chỉ là cánh mẫu đơn nở sớm.