Dịch: Rin
Nửa đêm, mưa rơi lất phất, điểm tô những vệt nhỏ lên màn trời tối đen, một vầng trăng lạnh lẽo nhô lên giắt ngang trời. Trên ngọn núi Thương Mang cao nhất Đông Triều, nơi luôn được trăng sao chiếu rọi, bao phủ quanh nó một lớp sương mù màu bạc mỏng manh như lụa, trông giống như một viên ngọc bích tọa lạc trên bình nguyên vừa vương giả, tôn quý vừa hùng vĩ mà thanh khiết, không thẹn với danh xưng “Vương Sơn” của nó.
Cao cao trên đỉnh núi, lúc này có hai lão giả đang ngồi, tuổi đều chừng sáu mươi, tướng mạo thanh quắc, đôi mắt lộ nét bình thản mà trí tuệ quang mang. Một người vận áo bào trắng, người còn lại thì vận áo bào đen, ngồi cách nhau khoảng một trượng, chính giữa là một khối đá lớn hình vuông, trên bề mặt không biết bị mài mòn bằng vật gì, được khắc họa thành hình bàn cờ. Trên mặt bàn bố trí rất nhiều quân cờ, mỗi một viên đá đều là một quân cờ lớn nhỏ.
Đây là ván cờ đã hạ được một nửa, thế lực hai bên ngang nhau, chưa phân rõ thắng bại.
“Đã lâu không thấy bầu trời sao trong sáng như thế này!”. Lão giả vận áo bào trắng ngồi bên trái trầm ngâm nhìn ván cờ đang đánh dang dở rồi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đầy sao, trong lòng ngàn vạn cảm khái.
“Thời buổi loạn thế, khó mà trong sáng!”. Lão giả mặc áo bào đen cũng đưa mắt nhìn vào khoảng không: “Giờ tý đã qua, cũng nên đến rồi.”.Trong giọng nói của ông có một chút mong chờ.
Lão giả vừa dứt lời thì trên bầu trời bỗng nhiên xuất hiện một ngôi sao Tinh (1) lướt qua, ánh sáng chói lọi xuyên thẳng chín tầng trời, một khắc kia, hào quang của nó lấn át cả mặt trăng, nháy mắt chiếu sáng toàn bộ trời đất!
(1) ngôi sao Tinh: một ngôi sao mang điềm báo trong nhị thập bát tú.
“Xuất hiện rồi! Xuất hiện rồi!”
Ánh mắt lão giả mặc áo bào trắng sáng ngời nhìn chăm chú ngôi sao kia, trên khuôn mặt vốn bình tĩnh, lạnh nhạt của lão chợt có một chút kích động không thể kiềm chế.
Nhưng vào lúc này, trên màn trời chợt có một ngôi sao khác vụt qua, hào quang vạn trượng giống như vì sao kia, rực rỡ lóa mắt, tựa như trong toàn bộ thiên địa chỉ có thể dung chứa một mình nó, ngạo nghễ không ai bì nổi!
“Xem kìa! Cũng xuất hiện rồi! Cũng xuất hiện rồi!” Lão giả mặc áo đen cũng kích động dứng dậy, ngón tay chỉ lên ngôi sao trên trời.
“Rốt cuộc cũng xuất hiện cùng một lúc!” Lão giả áo trắng cũng đứng dậy, nhìn hai vì sao rực rỡ như trăng kia, chúng tương đối xa nhau nhưng cả hai lại cùng nhau tỏa sáng chói lọi trên một bầu trời.
“Cuối cùng cũng xuất hiện! Loạn thế đời này cũng đã kết thúc!” Lão giả áo đen thì thào nhìn hai ngôi sao trên trời, nét mặt đầy sinh động, hưng phấn.
“Loạn thế sẽ chấm dứt trên tay chúng, trên chín tầng trời chỉ có thể tồn tại một Vương Tinh! Hai sao gặp nhau, ai sẽ là người ngã xuống?” Lão giả áo trắng đưa tay lên cao như muốn xoa nhẹ ngôi sao phía chân trời, trong giọng nói có chút xúc động cũng như nghi ngờ và hi vọng.
Mà trên bầu trời kia hai ngôi sao bỗng chậm rãi thu dần ánh hào quang, không còn chói mắt như trước, nhưng vẫn sáng ngời so với tinh tú xung quanh chúng.
“Hai sao gặp nhau, ai sẽ ngã xuống? Chuyện đó để vận mệnh định đoạt!” Lão giả áo đen thu lời, cõi lòng kích động, ánh mắt nhìn về phía chân trời, âm thanh phảng phất như từ thời viễn cổ truyền về, ngân nga mà thâm trầm.
“Vân mệnh sao?” Lão giả áo trắng quyến luyến nhìn hai vì sao trên trời, ánh mắt ẩn chứa sự buồn bã và tiếc hận khôn nguôi.
“ Bàn cờ này có nên hạ không?” Lão giả áo đen thu hồi ánh mắt, nhìn về phía bàn cờ.
“Không được.” Lão giả mặc áo trắng liếc nhìn, sau đó hướng ngón tay lên trời. “Ván cờ này chờ họ đến hạ!”.
“Bọn họ sao?” Lão giả áo đen nhìn bàn cờ rồi lại nhìn trời cao, cười nhẹ: “Cũng tốt, vậy để họ đến hạ đi.”.
“Xuống núi thôi, ông và ta nên đi tìm họ rồi.”. Lão giả mặc áo trắng liếc nhìn trời cao lần nữa, sau đó xoay người chuẩn bị xuống núi.
“Sau khi tìm được họ, có phải thắng bại của họ cũng là thắng bại của chúng ta?”. Ánh mắt vốn bình thản của lão giả mặc áo đen bỗng phát ra một tia sắc bén.
“Còn phải nói sao? Ta và ông tranh chấp hơn mười năm nay, cả hai đều bất phân thắng bại, ván cờ này chờ họ đến hạ, định thắng bại của chúng ta, cũng định – quyền nắm thiên hạ!”. Lão giả mặc áo trắng quay đầu cười, nét mặt vân đạm phong kinh lại chứa đầy ẩn ý.
“Được.”. Lão giả áo đen vuốt cằm.
Hai người cứ thế phiêu nhiên bay đi, để lại trên đỉnh núi Thương Mang một ván cờ dang dở.
Về sau có người đi lên núi Thương Mang nhìn thấy ván cờ kia liền kinh ngạc không thôi, nhưng cũng không một ai dám động vào nó. Bởi lẽ, người có thể lên được ngọn “Vương Sơn” cao nhất Đông triều này không nhiều, mà đã lên được tức không phải hạng người phàm tục. Nay đã có người lưu lại tàn cục, ắt sẽ có người tới kết thúc.
Rất nhiều năm sau đó, có hai người đi theo vận mệnh của mình rốt cục gặp gỡ nhau trên đỉnh Thương Mang, đối mặt với ván cờ định mệnh sắp đặt cho họ.
Thời điểm này là năm của Đông triều Kì Đế.
Đông triều tự Thủy Đế lập quốc truyền tới tay Kì Đế đã được ba trăm năm. Thủy Đế hùng tài đại lược, võ công cái thế, đánh Đông dẹp Bắc, phạt địch thảo chúng, lập nên Đông triều đế quốc rộng lớn.
Đế quốc sau khi thành lập, Thủy Đế luận công khen thưởng, phong bảy vị thuộc hạ công tích hiển hách nhất thành vương, phân chia quyền sở hữu thuộc địa, lấy tên họ làm nước, chia làm “Hoàng, Ninh, Hắc Phong, Bạch, Hoa, Bạch Phong, Nam” quốc. Cũng lấy Thủy Thiết sâu dưới biển Đông Hải đúc thành tám tấm huyền lệnh, tấm lớn nhất là Huyền Tôn Lệnh do chính vua giữ, còn lại bảy tấm huyền lệnh màu đen nhỏ hơn phân cho vương đứng đầu bảy nước. Lúc phân lệnh, Đế cùng bảy vị vương lấy máu ăn thề: Huyền Tôn Lệnh xuất ra, bảy nước đều cúi đầu!
Hậu Thủy Đế, Thành Đế, Quan Đế, Ngôn Đế mỗi đời đều là một đại minh chủ, thu nạp nhân tài, thể nghiệm và quan sát dân tình, giảm sưu thuế, trị vì đất nước thanh minh. Các nước chư hầu an phận, trung thành với vua và bảy nước. Đông triều ở trong tay bọn họ ngày càng hùng mạnh và hưng thịnh.
Giữa thời Chí Đế, Ích Đế, Tề Đế, Triệu Đế đều không có tài cán gì, có thể gìn giữ quốc gia đã là khó. Tới thời Gia Đế, Hỉ Đế, Di Đế là những kẻ hoang phí vô độ, tham an nhàn hưởng lạc, mặc chính sự cho một đám gian thần thao túng triều chính, Đông triều đế quốc cường thịnh ngày một đi xuống.
Sau tới Lễ Đế, thích lớn hám to, phung phí xa hoa, mỗi lần ra ngoài thường đến những hành cung xa hoa, hao tài tốn của. Hai lần huy động quân xuất chinh Mông thành đều đại bại trở về, trong thành biến loạn, dân chúng lầm than, tiếng oán giận nổi lên khắp nơi. Các nước chư hầu cũng bắt đầu sinh ra dị tâm. Đầu tiên là Ninh Quốc Ninh vương xua quân dựng cờ, muốn tạo phản giết vua, chiếm lấy Đế Đô. Mà Lễ Đế cũng không chờ Ninh quân đuổi tới Kim Loan điện, thân thể sớm bị tửu sắc ăn mòn kia do hoảng sợ quá độ đã băng hà trong Trì Long cung mỹ lệ xa hoa.
Cảnh Thái Tử đăng cơ thế vua. Cảnh Đế phát ra Huyền Tôn Lệnh, hiệu lệnh sáu nước chư hầu còn lại, chỉ huy đại quân sáu nước đánh lui Ninh quân. Ninh vương bại trận mà chôn thân, đất phong vào tay tam quốc Hoàng, Bạch Phong, Hắc Phong giáp đó.
Sau khi bình định phản loạn Ninh Quốc, các thế lực chư hầu phát triển lớn mạnh, Cảnh Đế tuy có chí lớn, nhưng lo ngại Đông triều vốn đã suy yếu, trong loạn thế ở Ninh vương bị trúng một tên, nằm triền miên trên giường bệnh ba năm liền băng hà, không có con nối dõi. Hoàng đệ Lệ vương kế vị, lấy hiệu là Lệ Đế.
Lệ Đế tính tình tàn bạo, không thích vàng bạc mỹ nữ, lại chỉ thích đi săn, mà không phải săn thú, chính là săn người! Bắt người sống phân tán trong khu vực săn bắn, dẫn quần thần tướng sĩ đi săn, ai săn được nhiều đầu người sẽ thắng! Nếu săn được người sống, thì khi mổ bụng sẽ uống rượu ăn mừng, lấy việc giết người làm niềm vui!
Dân chúng trong nước phẫn nộ, nghĩa quân nổi dậy khắp nơi. Đông triều hai lần tiến đánh Mông thành thất bại, lại thêm loạn Ninh vương, đại quân Đế đô gần như hao tổn toàn bộ, Lệ Đế đành phải thỉnh chư hầu xuất binh trấn áp, các chư hầu liền nhân cơ hội chiêu binh mãi mã, tranh nhau thảo phạt, giành giật đất đai, mở rộng lãnh thổ và tài phú của mình, có khi đánh chiếm lẫn nhau, mà Đế lúc này đã mất đi năng lực quản thúc các quốc gia.
Lệ Đế năm thứ mười một, tại lễ mừng săn bắn bị bạo dân vây sát, Đế bị băm thây vạn đoạn, sử xưng là “Thu cát săn biến”.
Sau loạn này, Kỳ thái tử đăng cơ phát hiện Huyền Tôn Lệnh mất tích, vì thế các quốc gia bất tuân, danh hoàng đế liền biến thành thùng rỗng kêu to. Đông triều đế quốc hùng mạnh chia năm xẻ bảy, lục quốc tự làm theo ý mình, thời kỳ loạn thế đấu tranh bắt đầu.
Đông triều lãnh thổ rộng lớn, lấy Đế Đô làm trung tâm, mười châu lãnh thổ thuộc quản chế của hoàng đế; xung quanh là Bạch Quốc phương Bắc, thổ địa một ngàn lý, mười tòa thành trì; Hắc Phong Quốc phương Tây, thổ địa ba ngàn lý, ba mươi sáu tòa thành trì; Bạch Phong Quốc sở tại Tây Nam, thổ địa hai ngàn hai trăm lý, hai mươi tòa thành trì; phía Nam Hoàng Quốc, thổ địa ba ngàn lý, ba mươi bốn tòa thành trì; Hoa Quốc nằm giữa Phong Quốc và Hoàng Quốc, thổ địa hai ngàn lý, hai mươi tòa thành trì; Đông là Nam Quốc, thổ địa một ngàn hai trăm lý, mười tòa thành trì. Trong sáu nước, Hoàng quốc, Hắc Phong quốc lãnh thổ rộng nhất, quốc lực mạnh nhất, Hoa Quốc giàu có nhất, Bạch Phong Quốc hạng trung, còn Bạch Quốc, Nam Quốc yếu kém nhất.
Huyền Tôn Lệnh sau khi mất tích, thiên hạ quần hùng ai cũng muốn đoạt được, hiệu lệnh thiên hạ.