TÔI LÀ ORHAN
Siyah hỏi: "Có thực là họ đã giết anh ta không?"
Siyah này thì cao, gầy, và hơi hoảng sợ. Tôi đang đi về phía chỗ họ ngồi nói chuyện trong xưởng họa ở tầng hai có cửa màu xanh thì ông ngoại tôi nói, "Có thể họ đã giết anh ta." Rồi ông nhìn thấy tôi. "Con làm gì ở đây vậy?"
Ông nhìn tôi theo một cách khiến tôi chỉ biết trèo lên đùi ông mà không dám trả lời. Sau đó ông đặt tôi xuống ngay.
"Hôn tay Siyah đi," ông bảo.
Tôi hôn mu bàn tay Siyah và áp nó vào trán tôi. Nó không có mùi khó chịu.
"Nó duyên thế nhỉ." Siyah nói và hôn lên má tôi. "Mai mốt nó sẽ trở thành một chàng trai dũng cảm."
"Nó là Orhan, sáu tuổi. Nó có một đứa anh nữa, Shevket, bảy tuổi. Thằng nhóc đó bướng ghê lắm."
"Cháu đi ngược tới con phố cổ ở Aksaray", Siyah nói. "Trời thật lạnh, mọi thứ phủ đầy tuyết. Nhưng có vẻ như chẳng có gì thay đổi cả"
"Ôi! Mọi thứ đều thay đổi, mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn", ông ngoại tôi nói. "Hết sức tồi tệ." Ông quay sang tôi. "Anh con đâu?"
"Anh ấy ở với ông thầy nhà mình, ông thầy đóng sách ấy."
"Vậy con làm gì ở đây?"
"Thầy ấy bảo con, làm tốt đấy, giờ cháu đi chơi được rồi."
"Rồi con về đây một mình à?" Ông tôi hỏi. "Anh con phải đi với con chứ?" Rồi ông nói với Siyah. "Có một thợ đóng sách bạn của ta, tụi nhỏ làm việc với ông ấy một tuần hai lần sau buổi học kinh Koran. Tụi nó là thợ học việc của ông ta. học nghề đóng sách."
"Cháu có thích vẽ tranh minh họa giống ông ngoại không?" Siyah hỏi.
Tôi không trả lời chú ấy.
"Vậy được rồi," ông tôi nói. "Giờ con đi chỗ khác chơi đi."
Hơi nóng từ lò than để sưởi căn phòng quá dễ chịu đến độ tôi không muốn rời đi. Tôi đứng yên một lát hít mùi sơn và keo. Tôi ngửi thấy cả mùi cà phê nữa.
"Những việc minh họa theo cách mới có biểu hiện một cách nhìn mới không?" ông tôi bắt đầu. "Đây là lý do khiến họ giết tay thợ mạ vàng đáng thương đó bất chấp chuyện anh ta vẫn làm việc theo phong cách cũ. Thậm chí ta chưa dám chắc rằng anh ta đã bị giết, chỉ chắc rằng anh ta hiện mất tích thôi. Họ đang minh họa một câu chuyện tưởng niệm bằng thơ, cuốn Sur-nama 1 cho Đức vua theo lệnh của thầy Osman Trưởng ban Trang trí. Mỗi nhà tiểu họa làm việc tại nhà riêng của họ. Tuy nhiên thầy Osman chiếm một chỗ trong xưởng làm sách nghệ thuật của cung điện. Để bắt đầu ta muốn cháu đến đó quan sát mọi thứ. Ta lo rằng những người kia, những tay vẽ tiểu họa ấy, đã đi tới chỗ cãi cọ và giết lẫn nhau. Họ có nghệ danh được thầy Osman đặt cho cách nay nhiều năm: "Kelebek", "Zeytin," "Leylek"... Cháu cũng nên đi quan sát khi họ làm việc tại nhà."
Thay vì xuống cầu thang, tôi vòng lại. Có tiếng động phát ra từ phòng kế cạnh, có tủ âm tường, nơi Hayriye ngủ. Tôi bước vào. Trong phòng không có Hayriye, chỉ là mẹ tôi. Bà bối rối khi thấy tôi. Bà đang đứng nửa người trong tủ.
"Nãy giờ con ở đâu?" bà hỏi.
Nhưng bà biết tôi ở đâu. Ở lưng tủ có một lỗ nhỏ qua đó người ta có thể nhìn thấy xưởng làm việc của ông ngoại tôi, và nếu cửa xưởng mở thì thấy được cả hành lang rộng và phòng ngủ của ông tôi bên kia hành lang cạnh cầu thang - dĩ nhiên là nếu cửa phòng ngủ của ông tôi cũng mở.
"Con ở chỗ ông ngoại." tôi nói. "Mẹ ơi mẹ đang làm gì trong đấy vậy?
"Mẹ chưa nói với con là ông ngoại có khách và con không được quấy ông sao?" Bà rầy tôi, nhưng không lớn tiếng, bởi bà không muốn khách nghe. "Họ đang làm gì vậy?" sau đó bà hỏi, giọng ngọt ngào.
"Họ ngồi. Nhưng không bày thuốc màu ra. Ông thì nói, còn người kia nghe."
"Ông khách ngồi kiểu nào?"
Tôi ngồi xuống sàn và bắt chước dáng điệu của vị khách: "Giờ con là một người nghiêm trang lắm đây nghe, mẹ nhìn nè. Con nhíu mày nghe ông ngoại nói, cứ như con đang nghe đọc sử thi giáng thế ấy. Lâu lâu con lại gật đầu, rất nghiêm trang giống y như ông khách đó."
"Xuống nhà đi", mẹ tôi nói, tìm Hayriye lập tức."
Bà ngồi xuống và bắt đầu viết vào một mẩu giấy nhỏ trên cái bàn bà đã bày ra.
"Mẹ ơi mẹ viết gì vậy?"
"Nhanh lên. Mẹ bảo con xuống nhà tìm Hayriye mà?"
Tôi xuống nhà bếp. Anh tôi, Shevket, đã về. Hayriye đặt trước mặt anh ấy một đĩa cơm làm sẵn định dành cho khách.
"Thằng phản thùng," anh tôi nói. "Mày bỏ đi để tao ở lại với ông thầy. Tao phải một mình làm hết việc gấp giấy để đóng sách. Mấy ngón tay tao bầm tím hết rồi."
"Hayriye, mẹ em kêu chị kìa."
"Chừng nào ăn xong tao sẽ cho mày một trận", anh tôi nói. "Mày phải đền cái tội lười biếng và phản bội của mày."
Khi Hayriye đi khỏi, anh tôi đứng lên bước về phía tôi với vẻ đầy đe dọa, anh thậm chí còn chưa ăn xong đĩa cơm. Tôi bỏ chạy không kịp. Anh ấy chộp lấy cổ tay tôi mà vặn.
"Thôi đi, Shevket, đừng, anh làm em đau."
"Mày còn trốn việc rồi bỏ đi chơi nữa không?"
"Không, em không bỏ đi nữa."
"Thề đi."
"Em thề."
"Thề trên kinh Koran."
"Trên kinh Koran."
Anh ấy không buông tay tôi ra. Anh ấy lôi tôi đến trước cái mâm lớn bằng đồng mà chúng tôi dùng làm bàn ăn và bắt tôi quỳ xuống. Anh ấy đủ khỏe để ăn đĩa cơm trong khi vẫn tiếp tục vặn cánh tay tôi.
"Dẹp trò hành hạ em đi, đồ bạo chúa," Hayriye nói. Chị ta khoác áo ấm rồi đi ra ngoài. "Để nó yên."
"Lo việc của chị đi, cô tớ gái," anh tôi nói. Anh ấy vẫn vặn cánh tay tôi. "Chị đi đâu vậy?"
"Mua chanh," Hayriye nói.
"Chị nói dối," anh tôi nói. "Trong tủ còn đầy nhóc chanh."
Khi anh ấy thả lỏng tay tôi, tôi đột nhiên vùng thoát ra được.
Tôi đá anh ấy và chộp lấy chân giá cắm nến, nhưng anh ấy bổ nhào lên tôi, làm tôi nghẹt thở. Anh ấy đá văng giá cắm nến, và cái mâm đồng rơi xuống.
"Hai đứa bay là tai họa Thượng đế giáng xuống!" mẹ tôi nói. Bà hạ thấp giọng để khách không nghe. Làm thế nào bà băng qua cánh cửa mở của xưởng vẽ, qua hành lang, và xuống cầu thang mà không bị Siyah thấy?
Bà tách chúng tôi ra. "Hai đứa tiếp tục làm khổ mẹ, phải không?"
"Orhan nói dối thầy đóng sách," Shevket nói. "Nó bỏ con ở lại làm hết mọi chuyện."
"Sụyttt!" mẹ nói, tát anh ấy một cái.
Bà đánh anh ấy nhẹ hều. Anh không khóc. "Con muốn ba về", anh ấy nói. "Chừng nào ba về ba sẽ lấy lại cây gươm có chuôi nạm ngọc của chú Hasan, rồi nhà mình lại dọn về sống với chú Hasan."
"Im mồm"' mẹ tôi nói. Bất ngờ bà nổi giận đến độ bà nắm cánh tay Shevket và lôi anh ngang nhà bếp, qua cầu thang tới căn phòng quay ra phía có bóng mát của khoảng sân. Tôi đi theo. Mẹ tôi mở cửa. Khi thấy tôi, bà nói, "Vào trong, cả hai đứa".
"Nhưng con có làm gì đâu," tôi nói. Nhưng tôi cũng bước vào. Mẹ đóng cửa lại sau lưng chúng tôi. Dù trong phòng không tối đen - có ánh sáng yếu ớt len qua những khe cửa chớp đối diện với cây lựu ở sân sau - nhưng tôi thấy sợ.
"Mở cửa ra đi mẹ," tôi nói. "Con lạnh."
"Dẹp cái trò rên rỉ đi, thằng nhát gan," Shevket nói. "Chút xíu mẹ mở liền mà."
Mẹ mở cửa. "Các con có chịu ngoan ngoãn đàng hoàng cho đến khi khách về không?" bà nói. "Được rồi, tụi con sẽ ngồi trong bếp cạnh bếp lò cho đến khi ông Siyah về, mà các con không được lên lầu, hiểu không?
"Trong đây chán lắm," Shevket nói. "Hayriye đi đâu vậy mẹ?"
"Đừng có xen vào chuyện người khác đi ngoài", mẹ nói.
Chúng tôi nghe một con trong lũ ngựa hí ngoài chuồng. Con ngựa lại hí. Nó không phải là con ngựa của ông ngoại tôi, mà của Siyah. Chúng tôi mệt vì vui đùa, như thể đó là một ngày đẹp. Mẹ mỉm cười, và muốn chúng tôi cũng mỉm cười. Bước tới hai bước, bà mở cửa chuồng ngựa vốn đối diện với cầu thang bên ngoài nhà bếp.
"Xuỵt", bà kêu chõ vào chuồng ngựa.
Bà quay qua dẫn chúng tôi vào nhà bếp đầy chuột và mùi dầu mỡ của Hayriye. Bà bắt chúng tôi ngồi xuống. "Ngồi yên đây cho tới khi khách ra về. Mà cũng đừng đánh nhau kẻo người ta lại nghĩ là tụi con hư."
"Mẹ ơi," tôi nói với bà trước khi bà đóng cửa nhà bếp. "Con muốn nói cái này cho mẹ nghe: Người ta giết ông thợ mạ vàng của ông ngoại rồi."
--- ------ ------ ------ -------
1 Có hai bản Sur-nama (còn viết là Sumama-i Humayun), một về các lễ hội dưới triều vua Armet III (1673-1736) được hoàn tất năm 1720 , và một về lễ hội dưới triều vua Murad III (1574-1595) hoàn tất năm 1582. Cả hai đều có nhiều minh họa. Tranh trong cuốn thứ nhất đã chịu ảnh hưởng của hội họa phương Tây nên ở đây tác giả muốn nói đến cuốn thứ nhì.