TÔI LÀ MỘT ĐỒNG TIỀN VÀNG
Nhìn này! Tôi là một đồng vàng Ottoman Sultani hai mươi hai carat, và tôi mang huy hiệu vinh quang của Đức vua, Người che chở thế giới. Ở đây, giữa đêm trong quán cà phê ngon này tràn ngập nỗi buồn tang chế, Leylek, một trong những thợ cả vĩ đại của Đức vua, vừa vẽ xong bức tranh về tôi, dù anh ta chưa trang điểm cho tôi bằng lớp sơn lót vàng - tôi sẽ để điều đó cho các vị tùy ý tưởng tượng. Hình ảnh tôi ở đây trước mặt các vị, nhưng chính tôi thì có mặt trong chiếc ví của người anh em yêu quý của các vị, Leylek, nhà tiểu họa lừng danh. Giờ anh ta đang đứng dậy, rút tôi khỏi ví và khoe tôi với từng người trong các vị. Xin chào, xin chào, những lời chào dành cho mọi họa sĩ bậc thầy và các loại khách. Đôi mắt của các vị sẽ mở to khi các vị nhìn vẻ lấp lánh của tôi, các vị rùng mình khi tôi lung linh trong ánh đèn dầu, và cuối cùng các vị tức tối ghen tỵ với chủ nhân của tôi, Thợ cả Leylek. Các vị cũng chính đáng khi xử sự như thế, vì không có cái thước nào đo tài năng của nhà minh họa tốt hơn tôi.
Trong ba tháng qua, Thợ cả Leylek đã kiếm được chính xác bốn mươi bảy đồng vàng giống như tôi. Tất cả chúng tôi nằm trong ví tiền này và Thợ cả Leylek, các vị tự nhìn xem, không giấu tôi với bất cứ ai; anh ta biết không ai trong giới tiểu họa Istanbul kiếm được nhiều tiền hơn anh ta. Tôi tự hào vì được giới họa sĩ coi là thước đo tài năng và vì chấm dứt được những cuộc tranh cãi không cần thiết. Hồi xưa, trước khi chúng ta quen với cà phê và đầu óc chúng ta trở nên nhạy bén hơn, những nhà tiểu họa ngu ngốc không hài lòng với việc dành những buổi tối để tranh cãi xem ai là người tài năng nhất và ai có cảm thức nhạy bén nhất trước màu sắc, ai có thể vẽ một cái cây hay nhất, hoặc ai lão luyện nhất trong việc vẽ mây; không, họ cũng quay ra đánh nhau vì những vấn đề như thế, đấm gãy răng nhau khi đánh lộn. Bây giờ ý kiến của tôi quyết định mọi thứ, có một sự hòa hợp ngọt ngào trong họa xưởng, và hơn thế nữa, có một bầu không khí hợp với những bậc thầy xưa của Herat.
Ngoài việc ghi nhận sự hòa hợp và không khí do ý kiến của tôi mang lại, hãy để tôi liệt kê những điều khác mà tôi có thể đánh đổi được: bàn chân của một nữ nô lệ trẻ đẹp, vốn tương đương với khoảng một phần năm mươi con người cô; một chiếc gương của anh thợ cạo có khung bằng gỗ dái ngựa tốt, mép cẩn ngà; một chiếc tủ nhiều ngăn kéo được sơn phết kỹ và trang trí bằng họa tiết mặt trời tỏa sáng và lá bạc trị giá chín mươi đồng bạc; 120 ổ bánh mì mới ra lò; một huyệt mộ và ba quan tài; một băng đeo tay bằng bạc; một phần mười con ngựa; cặp chân của một nàng hầu già và mập; một con bê; hai món đồ sứ chất lượng cao; một tháng lương của nhà tiểu họa Ba Tư Mehmet phái khổ tu ở Tabriz và phần lớn những người giống ông ta làm việc trong xưởng vẽ của Đức vua, một con chim ưng săn tốt kèm cái lồng; mười vò rượu nho của Panayot; một giờ tuyệt vời với Mahmut, một trong những chàng trai có sắc đẹp lừng danh thế giới, và nhiều cơ hội khác không thể kể xiết.
Trước khi đến đây, tôi đã trải qua mười ngày trong chiếc túi bẩn thỉu của một thợ học nghề đóng giày nghèo khổ. Mỗi đêm, con người bất hạnh này vẫn ngủ trên giường của anh ta, kể tên vô số thứ anh ta có thể mua bằng tôi. Những dòng của bài sử thi này, ngọt ngào như một bài hát ru, cho tôi thấy rằng không có chỗ nào trên trái đất này mà một đồng tiền không thể đến.
Điều đó đã gợi tôi nhớ lại. Nếu tôi kể lại tất cả những gì đã xảy ra với tôi trước khi đến đây thì hẳn phải tốn nhiều tập sách. Không hề có người lạ trong số chúng tôi, tất cả chúng tôi đều là bạn bè; miễn là các vị hứa không nói với bất cứ ai, và miễn là Leylek Kính mến không phật lòng, tôi sẽ nói với các vị một bí mật. Các vị có thề là không nói với ai không?
Vậy để tôi nói. Tôi không phải là đồng tiền vàng Ottoman Sultani hai mươi hai carat đích thực được đúc tại Xưởng đúc tiền Chemberliash. Tôi là đồng tiền giả. Người ta làm tôi ở Venice bằng cách sử dụng vàng chưa đủ tuổi và mang tôi đến đây, mạo nhận tôi là đồng vàng Ottoman hai mươi hai carat. Tôi rất cảm kích trước sự thấu hiểu và cảm thông của các vị.
Dựa trên những gì tôi thu thập được khi ở trong xưởng đúc tiền ở Venice thì công việc này diễn ra đã nhiều năm. Cho đến gần đây những đồng vàng thấp tuổi mà dân ngoại giáo Venice mang đến phương Đông để tiêu thụ là những đồng ducat xứ Venice đó ( đúc ở cùng xưởng đó. Những người Ottoman chúng tôi, mãi mãi tôn trọng những gì được viết ra, không chú ý đến lượng vàng trong mỗi đồng ducat - miễn là lời khắc trên đó vẫn giống nhau - nên những đồng vàng Venice giả này tràn khắp Istanbul. Sau đó, nhận ra rằng những đồng tiền ít vàng mà nhiều đồng thì cứng hơn, chúng tôi bắt đầu phân biệt những đồng tiền bằng cách cắn. Ví dụ, các vị đang cháy bỏng yêu đương; các vị chạy vội đến Mahmut, chàng trai có vẻ đẹp không ai sánh bằng và được mọi người yêu mến đó; trước tiên anh chàng bỏ đồng tiền - chứ không phải thứ gì khác - vào cái miệng mềm mại của anh ta rồi cắn và tuyên bố nó là đồ giả. Kết quả là anh chàng sẽ đưa các vị lên Thiên đàng chỉ trong nửa giờ thay vì trọn một giờ. Những kẻ ngoại giáo Venice, khi nhận ra rằng những đồng tiền của họ gây ra những bất lợi như thế bèn quyết định rằng họ cũng có thể làm giả những đồng Ottoman, lập luận rằng người Ottoman sẽ bị lừa lại.
Bây giờ hãy cho tôi lưu ý các vị về một điều hoàn toàn kỳ quái: Khi những kẻ ngoại giáo Venice này vẽ, cứ như họ không hề vẽ mà là đang thực sự tạo ra cái vật thể họ đang vẽ ấy. Tuy nhiên, khi đụng đến tiền bạc thì thay vì làm ra thứ thật, họ lại làm những đồng tiền giả.
Chúng tôi được chất vào hòm sắt, đưa lên tàu và lăn qua lộn lại suốt chuyến đi từ Venice đến Istanbul. Tôi thấy mình nằm trong một cửa hàng đổi tiền, trong cái miệng đầy mùi tỏi của ông chủ cửa hàng. Chúng tôi chờ một lát, và một nông dân chất phác bước vào muốn đổi một số vàng. Tay đổi tiền bậc thầy, một kẻ lừa đảo thật sự, tuyên bố rằng hắn phải cắn đồng tiền để xem có phải là tiền giả không. Thế là hắn lấy đồng tiền của người nông dân và bỏ vào miệng.
Khi chúng tôi gặp nhau trong miệng hắn, tôi nhận ra đồng tiền của người nông dân là đồng tiền Ottoman Sultani đích thục.
Y thấy tôi trong mùi tỏi hôi rình đó và nói, "Mày chỉ là một đồng tiền giả." Y đúng, nhưng thái độ kiêu ngạo của y đụng chạm tự ái tôi và tôi nói láo với y. "Thật ra thì, người anh em ạ, chính anh mới là đồng bạc giả."
Trong khi đó, người nông dân cứ kiêu hãnh khẳng định, "Làm sao đồng tiền của tôi lại là tiền giả được? Tôi đã chôn nó dưới đất cách nay hai mươi năm, hồi đó thứ tệ nạn như làm tiền giả đã có rồi sao?"
Tôi đang tự hỏi kết quả sẽ ra sao thì tay đổi tiền lôi tôi ra khỏi miệng thay vì đồng vàng của người nông dân. "Mang đồng vàng của ông đi, tôi chẳng thèm thứ tiền giả đáng tởm của bọn ngoại giáo Venice," hắn nói, "ông không thấy xấu hổ sao?" Người nông dân đáp lại bằng những lời lẽ gay gắt, rồi cầm lấy tôi bước ra khỏi cửa. Sau khi nghe cùng lời tuyên bố tương tự từ những người đổi tiền khác, người nông dân mất tinh thần và ông ta đổi tôi như một đồng tiền kém chất lượng để lấy vỏn vẹn chín mươi đồng bạc. Thiên truyền kỳ bảy năm lang thang vô tận từ tay người này sang tay người khác của tôi đã mở đầu như thế.
Hãy cho phép tôi thừa nhận với lòng tự hào rằng tôi đã trải qua phần lớn thời gian ở Istanbul này để lang thang từ ví tiền này sang ví tiền khác, từ khăn quàng đến túi, phù hợp với một đồng tiền thông minh. Cơn ác mộng tệ hại nhất của tôi là bị bỏ vào một cái lọ và chôn chết dí mấy năm dưới một tảng đá trong một khu vườn tôi không phủ nhận rằng chuyện đó không xảy ra với tôi, nhưng vì lý do nào đó, những lúc như thế không kéo dài lâu.
Nhiều người có tôi lại muốn tống khứ tôi càng sớm càng tốt, nhất là khi họ phát hiện ra tôi là giả. Tuy nhiên tôi chưa tình cờ gặp người nào chịu cảnh báo người mua cả tin rằng tôi là đồ giả. Một người môi giới, không nhận ra tôi là đồ giả, đã đếm ra một trăm hai mươi đồng bạc để đổi lấy tôi, rồi nguyền rủa chính mình trong cơn thịnh nộ, rầu rĩ và bồn chồn ngay khi hắn biết mình bị lừa, và những cơn giận dữ này không chịu nguôi ngoai cho đến khi hắn tống khứ được tôi bằng cách lừa người khác. Trong cơn khó khăn này, cả khi hắn cố gắng lừa đảo người khác nhiều lần, mỗi lần lại mỗi thất bại vì sự vội vàng và giận dữ của hắn, hắn lại tiếp tục luôn mồm nguyền rủa kẻ "bất nhân" nào đã lừa đảo hắn đầu tiên.
Suốt bảy năm qua ở Istanbul, tôi đã được trao tay năm trăm sáu mươi lần, và không có ngôi nhà, cửa hàng, chợ, quầy sạp, thánh đường, nhà thờ hay giáo đường Do Thái nào mà tôi chưa vào. Khi lang thang, tôi biết được rằng số chuyện tầm phào được lan truyền, số truyền thuyết được kể lại và số lời nói dối xoay quanh tên tôi vượt hơn mức tôi tưởng rất nhiều. Tôi liên tục bị trách cứ: Chẳng có gì được cho là có giá trị hơn ngoài tôi ra, tôi thật tàn nhẫn, tôi mù quáng, thậm chí bản thân tôi cũng mê tiền, thế giới bất hạnh này xoay quanh không phải Thượng đế mà quanh tôi, và chẳng có gì mà tôi không mua được - ấy là chưa nói gì đến bản chất hèn hạ, tầm thường và bẩn thỉu của tôi. Và những ai biết tôi là đồ giả thậm chí còn đưa ra nhưng lời nhận xét khó nghe hơn. Tuy nhiên khi giá trị thực sự của tôi tụt xuống thì giá trị ẩn dụ của tôi lại tăng lên - ấy là bằng chứng rằng thơ ca là nguồn an ủi đối với những khốn khổ của cuộc đời. Nhưng bất chấp sự so sánh vô cảm và sự vu khống thiếu suy nghĩ như thế, tôi vẫn nhận thấy rằng đại đa số thật sự yêu quý tôi. Trong thời đại đầy hằn thù này, tâm tình cảm thông như thế - thậm chí đến mức tha thiết - hẳn đã khiến tất cả chúng tôi vui sướng.
Tôi đã thấy từng mét vuông đất ở Istanbul, từng con phố và từng quận huyện; tôi biết tất cả bàn tay từ người Do Thái đến người Abkhazia và từ người Ẳ Rập đến Mingeria. Tôi từng rời Istanbul trong ví tiền của một nhà thuyết giáo đi từ Edirne đến Manisa. Trên đường đi, chúng tôi tình cờ bị bọn cướp tấn công.
Một đứa trong bọn chúng la lên, "Đưa tiền hoặc nộp mạng!" Hoảng hồn, tay thuyết giáo khốn khổ đó bèn giấu tôi trong lỗ đít. Nơi này, mà hắn cho là an toàn nhất, có mùi khủng khiếp hơn cả miệng của tay ưa tỏi và hoàn toàn không dễ chịu chút nào. Nhưng tình huống nhanh chóng tệ hại hơn khi thay vì "Đưa tiền hoặc nộp mạng!" bọn cướp bắt đầu gào "Phẩm tiết hay cái mạng của mày!" Chúng xếp hàng thay phiên hãm hiếp hắn ta. Tôi không dám mô tả cái trạng thái thống khổ mà chúng tôi phải chịu trong cái lỗ chật hẹp đó. Vì lý do này mà tôi không thích rời Istanbul.
Tôi từng được hân hoan đón nhận ở Istanbul. Các thiếu nữ hôn tôi như thể tôi là người chồng trong mơ của họ, họ giấu tôi dưới gối, giữa cặp ngực đồ sộ và trong đồ lót; thậm chí họ vuốt ve tôi trong giấc ngủ để chắc rằng tôi vẫn còn ở đó. Tôi được cất cạnh lò sưởi trong nhà tắm công cộng, trong một chiếc ủng, dưới đáy một chai nhỏ trong một cửa hàng xạ hương có mùi tuyệt diệu, và trong một cái túi bí mật may vào bao đựng đậu của người đầu bếp. Tôi từng lang thang khắp Istanbul trong những thắt lưng làm bằng da lạc đà, những lớp lót áo khoác làm từ vải ca rô Ai Cập, trong lớp vải lót giày và trong góc khuất những quần thụng nhiều màu. Tay thợ sửa đồng hồ tài hoa Petro giấu tôi vào một ngăn bí mật trong cái đồng hồ quả lắc, và một chủ tiệm tạp hóa Hy Lạp nhét thẳng tôi vào một tảng phô mai kashari. Tôi được giấu cùng với châu báu, con dấu và những chìa khóa được quấn trong miếng vải dày xếp gọn vào ống khói, bếp lò dưới bậu cửa sổ, trong những chiếc nệm nhồi rơm khô, trong những căn phòng ngầm và những ngăn tủ bí mật. Tôi biết những ông bố thường đứng lên rời bàn ăn để kiểm tra xem tôi còn ở chỗ cũ không, những phụ nữ ngậm tôi như ngậm kẹo chẳng vì lý do gì, bọn trẻ áp tôi lên mũi mà ngửi và người già sắp xuống lỗ không thể nào thư thái trừ khi họ lôi tôi ra khỏi chiếc ví da cừu ít nhất bảy lần một ngày. Có những phụ nữ Circassia tỉ mẩn, sau khi bỏ cả ngày để lau chùi nhà cửa, lấy những đồng tiền vàng chúng tôi ra khỏi ví mà cọ rửa tôi bằng bàn chải thô. Tôi nhớ người đổi tiền chột mắt thường xếp chúng tôi thành những ngọn tháp; người phu khuân vác có mùi hoa khiên ngưu, cùng với gia đình ông ta thường ngắm nhìn chúng tôi như thể nhìn một quang cảnh tuyệt vời, và tay thợ mạ vàng nay không còn sống nữa - không cần nêu tên - thường dành những buổi tối xếp chúng tôi thành những mẫu thiết kế khác nhau. Tôi đã ngao du trên những con thuyền bằng gỗ dái ngựa; tôi đã đến thăm cung điện các vua chúa; tôi được giấu trong những bìa sách làm ở Herat, trong gót những chiếc giày tỏa mùi hoa hồng và trong những tấm phủ yên ngựa thồ. Tôi từng biết hàng trăm bàn tay: bẩn thỉu, lông lá, bụ bẫm, đầy dầu mỡ, run rẩy và già nua. Tôi từng sực mùi các ổ thuốc phiện, những cửa hàng bán nến, cá thu chiên và mồ hôi của mọi người Istanbul. Sau khi trải qua sự kích động và chấn động như thế, một tên cướp đê tiện đã cắt cổ nạn nhân của hắn trong đêm tối và nhét tôi vào ví hắn, rồi khi về đến ngôi nhà đáng nguyền rủa của hắn, đã nhổ vào mặt tôi và càu nhàu, "Mồ tổ mày, tất cả cũng chỉ vì mày." Tôi đã bị xúc phạm, bị tổn thương, đến độ tôi chẳng muốn gì hơn là biến mất.
Tuy nhiên, nếu tôi không tồn tại, thì không ai có thể phân biệt một họa sĩ giỏi với một họa sĩ tồi, và điều này sẽ dẫn đến hỗn loạn trong giới tiểu họa; họ sẽ lao vào túm cổ nhau. Vì vậy tôi đã không biến mất. Tôi đã đi vào ví tiền của người tài năng nhất và thông minh nhất trong giới tiểu họa và đến được đây.
Nếu các vị nghĩ các vị giỏi hơn Leylek, vậy hãy cố mà đoạt lấy tôi bằng mọi cách.