Tên Của Đóa Hồng

Chương 64




KINH ĐẦU

Tác giả: Umberto Eco

Nicholas kể nhiều điều

khi thầy tôi đến thăm

hầm kho tàng

Nicholas nhận trách nhiệm mới là quản hầm, Huynh đang ban chỉ thị cho các đầu bếp và họ báo cáo cho Huynh nghe các hoạt động của nhà bếp. Thầy William muốn nói chuyện với Nicholas, nhưng Huynh bảo chúng tôi đợi một lát, cho đến khi Huynh xuống hầm kho tàng để trông coi việc đánh bóng các hộp kính, vì đó vẫn còn là nhiệm vụ của Huynh. Ở đấy, chúng tôi sẽ có nhiều thì giờ để nói chuyện hơn.

Quả nhiên, một lát sau, Nicholas bảo chúng tôi đi theo, Huynh đi vào nhà thờ, đi ra sau bàn thờ chính xuống một cầu thang nhỏ trong khi đó các tu sĩ đang dựng bục đặt quan tài trong gian giữa giáo đường để canh xác Malachi. Đến cuối thang, chúng tôi lọt vào một căn phòng có vòm trần rất thấp, chống đỡ bằng những cột to bằng đá thô. Chúng tôi đang ở trong nhà hầm, nơi cất giữ tài sản của tu viện, nơi Tu viện trưởng bo bo giữ gìn và chỉ cho phép mở cửa trong những dịp thật đặc biệt đón khách quý.

Khắp nơi là các hộp đủ cỡ, trong đó chứa những báu vật đẹp lộng lẫy rực sáng lên dưới ánh đuốc của hai người phụ tá tin cẩn của Nicholas, những bộ trang phục bằng vàng, vương miện vàng nạm ngọc, rương bằng nhiều kim loại khác nhau có chạm hình, những đồ bằng ngà và men huyền. Nicholas khoái trá đưa chúng tôi xem một quyển Phúc âm bìa làm bằng những miếng men cực đẹp, gồm những chương được sắp xếp theo thứ tự và sơn màu khác nhau, có viền vàng và chạm trổ lộng lẫy, đóng lại bằng đá núi hình như cái đinh. Huynh còn cho chúng tôi xem một bộ tranh ngà cẩn vàng gồm năm bức, vẽ năm cảnh của cuộc đời Chúa Ki-tô, ở chính giữa có một ngọn đèn thần, gồm những ngăn mạ bạc cẩn kính, một hình ảnh duy nhất đầy màu sắc trên nền màu bạch lạp.

Khi Nicholas khoe với chúng tôi những vật này, gương mặt và cử chỉ của Huynh rạng rỡ, đầy vẻ tự hào. Thầy William ca ngợi những vật vừa được xem, rồi hỏi Nicholas: Malachi là loại người thế nào.

Nicholas liếm một ngón tay và chà lên một mặt pha lê chưa được đánh bóng kỹ, rồi không nhìn thầy, gượng cười đáp:

- Nhiều người bảo Malachi là người sâu sắc, nhưng ngược lại, Huynh ấy rất nông cạn. Còn Alinardo cho Huynh ấy là một tên ngốc.

- Alinardo có oán thù gì với một kẻ nào đó thời xa xưa khi Huynh ấy bị từ chối không cho làm quản thư viện không?

- Tôi cũng nghe nói như vậy, nhưng đó là chuyện xưa, ít ra là năm mươi năm rồi. Khi tôi đến đây thì quản thư viện là Robert xứ Bobbio, và các tu sĩ có xầm xì về việc bất công đối với Alinardo. Robert có một phụ tá, sau này đã chết, và Malachi tuy còn rất trẻ lại được bổ nhiệm thay thế người ấy. Nhiều người cho rằng Malachi không xứng đáng, mặc dù Huynh ấy tuyên bố mình biết tiếng Hy Lạp và Ả Rập nhưng không đúng. Huynh ấy chỉ giỏi bắt chước và sao lại các bản viết bằng những ngôn ngữ ấy với tuồng chữ thật đẹp, mà chẳng biết mình đang chép gì. Alinardo nói bóng gió rằng Malachi được bổ nhiệm vào chức đó để ủng hộ mưu đồ của kẻ thù của Alinardo. Nhưng tôi không hiểu lão Huynh ấy định ám chỉ ai. Đó là toàn bộ câu chuyện. Lúc nào người ta cũng xầm xì rằng Malachi canh tu viện như một con chó giữ nhà mà không biết mình đang bảo vệ cái gì. Vì thế, người ta cũng thì thầm chống đối Berengar khi Malachi chọn Huynh ấy làm phụ tá. Người ta bảo chàng trai trẻ đó cũng chẳng khôn ngoan gì hơn ông thầy mình, y chỉ là một tên mưu sỉ. Họ cũng nói – chắc hẳn (đến?) nay Huynh cũng nghe đồn về việc này rồi – rằng có mối quan hệ lạ lùng giữa Berengar và Malachi… Chuyện đồn đãi xưa rồi. Và như Huynh biết đấy, họ lại bàn tán về Berengar và Adelmo, các thầy ký trẻ bảo Malachi âm thầm chịu đựng sự ghen tuông kinh khủng… Họ cũng lào xào về sự liên hệ giữa Malachi và Jorge. Không, không phải theo kiểu Huynh nghĩ đâu – chưa ai xì xào về đạo đức của Jorge cả! – nhưng Malachi, với chức vụ quản thư viện, theo truyền thống, đáng lẽ phải xưng tội với Tu viện trưởng, còn các tu sĩ khác sẽ đến xưng tội với Jorge hay với Alinardo, nhưng bây giờ lão huynh ấy đã gần như mất trí nhớ rồi… Thế nhưng, họ bảo trái lại, Malachi lại bàn bạc quá nhiều với Jorge, tựa như Tu viện trưởng nắm phần hồn của Malachi, còn Jorge lại giữ phần xác, phần hành động và công việc của Huynh ấy. Quả thực, như Huynh biết và thấy đấy, nếu ai đó muốn biết vị trí của một quyển sách xưa chẳng còn ai nhớ đến thì người ấy sẽ không hỏi Malachi mà hỏi Jorge. Malachi giữ thư mục và đi lên thư viện, nhưng Jorge mới là người biết mỗi tựa sách có ý nghĩa gì…

- Tại sao Jorge lại biết quá nhiều điều về Thư viện?

- Sau Alinardo, Huynh ấy là người cao niên nhất, và đã ở đây từ thời trẻ. Jorge phải trên tám mươi tuổi rồi, và họ bảo Huynh ấy đã mù gần bốn mươi năm, có lẽ lâu hơn nữa…

- Làm thế nào sau khi mù, Huynh ấy lại trở nên uyên bác như vậy?

- Ồ, có nhiều huyền thoại về Huynh ấy – Dường như ngay từ hồi còn bé, Huynh ấy đã được ban ân phước và đã đọc được sách của các học giả Hy Lạp và Ả Rập bằng tiếng Castile mẹ đẻ của mình. Từ sau khi bị mù đến nay, Huynh ấy ngày ngày ngồi nhiều giờ trong Thư viện và bảo người khác đọc thư mục và mang sách đến cho mình, rồi một tu sinh đọc to nó lên cho Huynh nghe suốt giờ này sang giờ kia.

- Bây giờ Malachi và Berengar đã chết, còn ai nắm được các bí mật của Thư viện?

- Tu viện trưởng, và Cha ấy sẽ phải truyền chúng lại cho Benno.. nếu Cha muốn…

- Sao Huynh lại bảo “nếu Cha muốn”?

- Vì Benno còn trẻ và được phong phụ tá khi Malachi vẫn còn sống, làm phụ tá quản thư khác với làm quản thư nhiều. Theo truyền thống, quản thư viện về sau sẽ trở thành Tu viện trưởng…

- À, ra thế… Thảo nào người ta ham muốn chức quản thư viện đến vậy. Thế Tu viện trưởng có dạo đã là quản thư viện à?

- Không, không phải Viện trưởng này. Cha Bề trên đã được chỉ định trước khi tôi đến đây. Tính đến nay đã ba mươi năm rồi. Trước lúc đó, Tu viện trưởng là Paul xứ Rimini, họ kể nhiều câu chuyện lạ lùng về con người kỳ dị này. Dường như đó là một kẻ ngốn sách kinh khủng nhất, ông ấy thuộc nằm lòng tất cả mọi cuốn sách trong thư viện, nhưng ông ấy mắc một chứng yếu đuối rất lạ: ông ấy không viết được. Họ gọi ông ấy là “Abbas agraphicus”[1]… Ông trở thành Tu viện trưởng lúc còn rất trẻ, người ta bảo ông được Algirdas xứ Cluny ủy hộ… Nhưng đó chỉ là chuyện phiếm của mấy tu sĩ già. Dầu sao, Paul lên làm Tu viện trưởng, và Robert xứ Bobbio thế chỗ của ông trong thư viện, nhưng người này mắc bệnh rồi yếu dần, họ biết Robert sẽ không đủ khả năng điều hành tu viện nữa. Rồi Paul xứ Rimini biến mất…

- Ông chết à?

- Không, ông ấy biến mất, tôi không biết tại sao. Một ngày nọ ông lên đường du hành và chẳng bao giờ trở lại nữa, có lẽ ông ta bị bọn cướp giết chết dọc đường đi… Dầu sao, khi Paul mất tích thì Robert không thể thế chỗ ông và những âm mưu mờ ám đã xảy ra. Người ta nói, Cha bề trên ngày nay là con hoang của một lãnh chúa vùng này. Cha lớn lên trong một tu viện ở Fossanova, người ta kể rằng khi còn trẻ, Cha đã chăm sóc Thánh Thomas khi Ngài mất tại đó, và được giao nhiệm vụ mang cái xác khổng lồ của Ngài xuống cầu thang của một ngọn tháp chật hẹp đến nỗi không đưa thi hài qua được… bọn ác ở đây xầm xì rằng đó là giây phút vinh quang của Cha… Sự thật là Cha được bầu làm Tu viện trưởng và mặc dầu chưa bao giờ làm quản thư viện, nhưng Cha đã được một người mà tôi nghĩ là Robert, chỉ giáo cho biết những bí ẩn trong thư viện. Bây giờ, Huynh hiểu tại sao tôi không biết Tu viện trưởng có muốn chỉ giáo cho Benno hay không: thế cũng giống như phong cho một tên trai trẻ vô tâm, một nhà ngữ pháp học bán khai từ phương Bắc đến làm người kế vị của mình. Benno biết gì về xứ này, về tu viện và các mối liên hệ của nó với các lãnh chúa trong vùng?

- Nhưng Malachi và Berengar cũng đâu phải người Ý, thế mà cả hai đều được bổ nhiệm vào Thư viện.

- Đó là một điều bí ẩn đối với Huynh. Các tu sĩ thắc mắc rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, tu viện đã từ bỏ truyền thống cũ… Thế nên năm mươi năm qua, có lẽ còn lâu hơn nữa, Alinardo đã háo hức chức quản thư viện. Trước đây, quản thư viện luôn luôn là người Ý – trong xứ này đâu có thiếu đầu óc uyên bác. Vả lại, Huynh thấy…

Nói đến đây, Nicholas ngập ngừng, như không dám nói điều mình muốn:

- … Huynh thấy đó, Malachi và Berengar chết rồi, có lẽ để họ không thể trở thành Tu viện trưởng

Nicholas lúng túng xua tay trước mặt như để đuổi đi ý nghĩ không được thật thà lắm, rồi làm dấu thánh giá:

- Tôi nói gì thế nhỉ? Huynh thấy không, trong những năm qua, nước này đã xảy ra lắm điều nhục nhã, ngay cả trong các tu viện, trong triều đình Giáo hoàng, trong những nhà thờ… Đấu tranh để giành quyền lực, tố cáo dị giáo để đoạt đất đai có lộc thánh.. Xấu xa biết bao! Tôi mất niềm tin ở loài người, đâu đâu tôi cũng thấy mưu mô và thông đồng. Tu viện của chúng ta sẽ hóa thành một ổ rắn độc trỗi dậy nhờ phép mầu huyền bí ở nơi trước kia là thắng lợi của những con người thánh thiện. Hãy nhìn đây: quá khứ của tu viện này!

Huynh chỉ vào những báu vật nằm rải rác khắp nơi. Để lại các thập giá cùng các lọ thánh khác, Huynh dẫn chúng tôi đến xem những hộp đựng thánh tích tượng trưng cho vinh quang của nơi này.

- Hãy xem, đây là đầu chiếc thương đã đâm vào sườn của Chúa Cứu Chuộc! – Chúng tôi trông thấy một cái hộp vàng, nắp bằng pha lê, đựng một cái gói màu tím, trên đặt một mảnh sắt hình tam giác, trước đây bị gỉ sét, nhưng nay đã sáng bóng nhờ bôi nhiều dầu và sáp. Nhưng nó cũng chưa đáng kể. Trong một chiếc hộp bằng bạc nạm thạch anh tím khác, qua lớp vỏ ngoài trong suốt, tôi trông thấy một mảnh gỗ tôn kính của thập giá thiêng liêng do chính Hoàng hậu Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine mang đến tu viện. Bà đã đi hành hương đến những thánh địa, khai quật đồi Golgotha và mộ Chúa, rồi xây một đại giáo đường trên đó.

Rồi Nicholas chỉ chúng tôi xem các vật khác nữa mà tôi không thể miêu tả tất cả số lượng và độ quý hiếm của chúng. Một chiếc hộp bằng ngọc xanh nước biển đựng một cái đinh của thánh giá. Trong một cái ống nằm trên cái gối bằng những bông hồng héo, có một đoạn vòng gai. Và trong một hộp khác, cũng trên lớp lót bằng những đóa hoa khô, là một mảnh vải màu vàng từ chiếc khăn bàn trong bữa tiệc cuối cùng. Rồi có những chiếc túi với các vòng xích bằng bạc của Thánh Matthew, và trong một cái ống cột bằng một giải lụa đã mục nát vì thời gian và niêm lại bằng vàng là mảnh xương tay của Thánh Anne.

Lại có những vật khác tuy không phải là thánh tích, nhưng vẫn mãi mãi chứng thực cho những kỳ tích và các điều lạ lùng từ phương xa, chúng được mang đến tu viện do các tu sĩ đã du hành đến những cực xa xôi nhất của thế giới. Còn có những thánh tích khác mà tôi không nhận ra, đựng trong những cái hộp cổ lỗ còn quý hơn chúng nữa, vài chiếc hộp rất cổ xưa. Tất cả những vật này, kể cả vật khiêm tốn nhất, đều đáng để Hoàng đế đánh đổi cả một lâu đài, chúng không chỉ tượng trưng cho danh giá bao la của tu viện mà còn là kho báu thực sự của nơi gìn giữ chúng.

Tôi cứ sững sờ dạo quanh ngắm nghía, vì Nicholas đã thôi không giải thích về các báu vật nữa, dẫu sao mỗi thứ đã có một bản miêu tả rồi. Tôi được tự do lang thang giữa đống của cải quý hiếm vô giá đó, lúc thì được ngắm chúng dưới ánh sáng rực rỡ, lúc thì chỉ nhìn được loáng thoáng dưới ánh sáng lờ mờ, vì các người phụ tá của Nicholas đã đem đuốc đến một nơi khác trong hầm. Tôi say mê ngắm nhìn những mẩu sụn đã ngả vàng, trông vừa huyền ảo vừa ghê sợ, vừa biểu hiện vừa bí ẩn; những mảnh áo từ một thời xa xăm ngàn xưa giờ đã sờn chỉ bạc phếch, đôi khi được cuộn lên đựng trong lọ như một bản giấy nhạt màu, những vật liệu nhăn nhúm lẫn với tấm vải giường. Phải chăng đó là cách thân thể của các vị thánh được chôn để chờ sự hồi sinh của xác thịt? Từ những mẫu rã rời đó, phải chăng sẽ tạo lại được các cơ thể mà dưới sự rực rỡ của hư ảnh tuyệt đẹp, sẽ hồi phục các cảm giác tinh nhạy tự nhiên, sẽ ngửi thấy – như Pipernus viết – các mùi vị khác nhau[2]?

Thầy William chạm vào vai tôi, kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ, và nói:

- Thầy lên phòng thư tịch đây. Thầy còn phải xem vài thứ…

- Nhưng không thể lấy được sách đâu. Benno được lệnh…

- Thầy chỉ phải xem lại các cuốn sách đang đọc hôm trước; tất cả vẫn còn ở trong phòng thư tịch, trên bàn Venantius. Nếu muốn, con cứ ở đây. Hầm này là một hình ảnh đẹp thu tóm những cuộc tranh luận về cơ nghèo mà con đã theo dõi mấy ngày nay. Bây giờ chắc con hiểu tại sao các sư huynh xâu xé lẫn nhau để giành chức Tu viện trưởng.

- Nhưng thầy có tin điều Nicholas ám chỉ không? Các án mạng có liên hệ với cuộc tranh đấu giành sự phong quyền không?

- Thầy đã bảo con rằng, lúc này thầy không muốn đưa ra các giả thuyết. Nicholas đã nói nhiều điều, có vài điều khiến ta quan tâm. Bây giờ thầy sẽ lần theo một dấu vết khác, hay có lẽ cũng là dấu vết đó, nhưng từ một hướng khác. Chớ để mấy cái hộp này hớp hồn con đấy. Thầy đã thấy nhiều thập giá trong những giáo đường khác. Nếu tất cả những cái đó đều thật cả thì Chúa của chúng ta không thể bị đọa đày trên hai tấm ván đóng đinh với nhau, mà là trên cả một khu rừng.

- Ôi thầy! – Tôi sững sờ nói.

- Đúng thế đấy, Adso ạ. Và thậm chí, còn có nhiều kho tàng phong phú hơn. Cách đây một thời gian, trong đại giáo đường xứ Cologne, thầy đã trông thấy cái sọ của John-Người rửa tội[3] lúc mười hai tuổi.

- Thực hả thầy? – Tôi kinh ngạc thốt lên, rồi ngờ vực hỏi thêm – Nhưng Người rửa tội bị xử tội vào tuổi già hơn kia mà.

- Cái sọ kia hẳn ở trong một kho tàng khác, - thầy William nghiêm nghị nói. Tôi thật chẳng hiểu lúc nào thầy đùa. Ở xứ tôi, khi đùa thì người ta cười vang, rồi mọi người cùng chung vui. Còn thầy Willam chỉ cười khi nói những điều nghiêm túc, và rất nghiêm nghị khi nói những điều đáng cười.

Chú thích:

[1] Cha Bề trên mắc bệnh mất khả năng viết.

[2] Differentias odorum.

[3] Người đã rửa tội cho Chúa Ki-tô, bị vua Herod giết.