Tế Điên Hòa Thượng

Chương 194




Binh thụt ống dương oai phá yêu thuật

Tế trưởng lão mạo hiểm bắt tặc nhân

Nghe quan binh bị trận cuồng phong yêu thuật mở mắt không ra kêu cứu, Tế Điên lập tức miệng niệm lục tự chân ngôn "Án ma ni bát mê hồng! Án sắc lịnh hích!", lấy tay chỉ một cái, gió liền ngưng ngaỵ Thất tinh chân nhân dòm lại thấy một ông Hòa thượng kiếc, sợ quá quay đầu chạy lộn về. Bát quái chân nhân Tạ thiên Cơ la lên:

- Vô lượng Phật, hiền đệ tránh qua một bên, để ta bắt nó.

Nói rồi đưa tay rúy kiếm xông tới trước, nói:

- Kẻ mới tới đó có phải là Tế Điên không?

- Chính ta là Tế Điên đây.

- Mi không biết Tổ sư gia của mi lợi hại à? Nếu mi thức thời thì hãy quỳ xuống dập đầu kêu ta ba tiếng "Tổ sư gia", sơn nhân ta lấy một phần đức hiếu sinh, tha cho khỏi chết! Nếu không, ta sẽ kết thúc tính mạng mi đấy.

- Hay cho lão đạo lộn sòng kia! Mi dập đầu lạy và gọi Hòa thượng ta ba tiếng "Tổ tông gia", ta cũng không tha cho mi nữa là!

Bát quái chân nhân Tạ Thiên Cơ thấy Tế Điên là một kẻ phàm phu tục tử, ông ta làm sao thấy được chân tướng, vì Tế Điên đã che mất Phật quang, linh quang, kim quang rồi. Lão đạo sĩ hươi kiếm nhắm ngay Tế Điên chém xuống. Tế Điên né qua vói tay kéo lão đạo sĩ một cái, ông ta quày kiếm chém một nhát nhưng không trúng. Tế Điên lúc kéo, lúc xô, lúc đẩy. Lão đạo sĩ tức quá, miệng niệm lâm râm, tức thì một trận quái phong nổi lên, từ trên hư không vô số độc xà quái mãng thỏ nai hồ ly đổ xô về phía quan binh giương nanh múa vút chực cắn làm cho quan binh sợ hãi lật đật tháo lui. Tế Điên lấy tay chỉ, miệng niệm lục tự chân ngôn "Án ma ni bát mê hồng! Án sắc lịnh hích!". Lập tức từ trong tay phóng ra một luồng hào quang, những con vật kinh khiếp ấy đều hiện nguyên hình bằng giấy rơi lả tả xuống đất.

Bát quái nhân thấy sự tình bất ổn, vội chạy ngược về, nói:

- Thưa Tổ sư gia, bọn tôi pháp lực qúa kém, địch không lại Hòa thượng, xin Tổ sư gia triển khai giúp pháp thuật ra bắt Hòa thượng đi!

Thiệu Hoa Phong thấy vậy, gầm lên một tiếng, rút bửu kiếm bước ra tới trước, hét:

- Hay cho Tế Điên, sơn nhân ta cùng mi xưa kia không oán, gần đây không cừu, mi vô cớ lại đối địch với tạ Hôm nay Tổ sư gia sẽ bắt mi băm thành trăm khúc mới hả được cái giận của ta.

- Hay cho đồ nghiệt súc, mi có phải là Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong không?

- Ta chính là Tổ sư gia của mi đây.

- Chính ta muốn bắt mi đây! Mi là người xuất gia đáng lẽ phải thờ vua giữ phận, vượt ngoài ba cõi, chẳng ở trong ngũ hành, một trần không nhiễm, vạn lự đều không, quét đất chẳng nỡ hại mạng trùng dế, che đèn để khỏi uổng mạng phi ngạ Đáng nhẽ phải trừ tham sân ác dục, mi lại vô cớ dùng lời yêu ma gạt chúng, sát hại sinh linh, chiêu tập giang dương đại đạo chốn lục lâm, bán hương xông thuốc mê, di hại bốn phương, sai người đi khắp nơi bắt cóc, làm bại hoại gái nhà lành, phân ly gia đình cốt nhục, trên thì trời giận, dưới thì người hờn. Trời làm tai nghiệt có thể tránh được, chính mình gây ngược ắt khó sống còn! Hòa thượng ta đâu muốn xen vào việc đời, chỉ vì mi độc ác cùng cực. Diệt ác tức là tu thiện niệm, Hòa thượng ta mới đến đây trừ khử kẻ tội ác đầy trời, chấp mê không bỏ, cưỡng dục hoành hành như mi.

Lão đạo sĩ nghe nói giận đến ứa gan, mắt long sòng sọc, rút bửu kiếm nhắm ngay đầu Tế Điên chém xuống. Tế Điên tràn mình thánh khỏi, chạy loanh quanh thoạt trước thoạt sau. Tế Điên thân thể linh hoạt, lão đạo sĩ chém mãi không trúng, giận quá nhảy sang một bên, nói:

- Hay cho Tế Điên, mi chọc ta tức chết đi thôi! Để sơn nhân dùng bửu bối bắt mi.

- Mi cứ đem bửu bối ra cho ta xem!

Lão đạo sĩ móc từ sau lưng ra một cái hồ lô, bên trong có 500 âm hồn của những người chưa tới số mà trước đây các lão đạo sĩ luyện bách cốt nhân ma hại người bắt về. Hôm nay lão đạo gấp quá, trong miệng niệm chú lâm râm, giở nắp hồ lô, thả 500 âm binh ra. Tức thời thiên hôn địa ám, mặt trời không ánh sáng, quỷ khóc thần kêu, áp về phía quan binh. Tế Điên lật đật bảo quan binh đưa đội thụt ống đồng đến. Quan binh lập tức sử dụng ống thụt đồng. Nước dơ thụt ra phá hết tà thuật, trong chớp mắt âm binh tứ tán hóa làm tro baỵ Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong thấy Tế Điên phá mất Âm binh trận của mình, tức thì cả kinh định niệm chú giữ lại. Tế Điên lại kêu quan binh thụt ngay nước dơ về phía các đạo sĩ. Cả mình dính đầy nước dơ, các đạo sĩ niệm chú không còn linh nghiệm nữa, vội kêu lên:

- Tổ sư gia ơi, không xong rồi!

Thiệu Hoa Phong hô:

- Hãy chạy theo ta!

Các đạo sĩ quay đầu rùng rùng chạy về Từ vân quán. Tế Điên hô:

- Đuổi theo!

Quan binh tức thời đuổi thẳng đến ngoài cửa Từ Vân quán. Tế Điên dặn các quan binh vây chặt ba phía Đông Tây Nam. Lục Trung truyền lệnh vây miếu, nhưng quan binh dù có hơn ngàn người mà địa thế Từ vân quán quá rộng, binh sĩ không thể vây giáp được, đành phải đóng ở phía trước. Tế Điên nói:

- Lục đại nhân, Cố đại nhân, hãy theo tôi vào miếu.

Hai vị đái lãnh bọn thân tùng tiến vài miếu xem. Miếu này chánh Bắc là năm gian đại điện, có nguyệt đài, hai bên đều có phối điện, ở hai bên đại điện có hai cái đình bát giác, bên trong có hình dáng giống như hai miệng giếng. Tế Điên vào cái đình phía Đông đi xuống để xem thử, mọi người nói:

- Chắc chắn là bọn yêu đạo chạy trốn từ giếng này, có thể là địa đạo cũng nên.

Nói chưa dứt lời thì thấy từ trong miệng giếng thò ra một cánh tay lớn độ 5,6 thước, cánh tay lông lá đen sì đưa ra chộp óc Tế Điên. Kế nghe Tế Điên la:

- Mi muốn đòi mạng Hòa thượng ta hả?

Cánh tay ấy nắm kéo Hòa thượng lôi tuột xuống giếng. Tri phủ Cố Quốc Chương và mọi người sợ mất hồn, nói:

- Bậy bạ thiệt! Chắc phen này Tế Điên tiêu rồi!

Lúc đó bọn Lôi Minh, Trần Lượng thấy vậy không khác nào muôn dao xẻ lòng, giáo đâm ngũ tạng, loạn tiễn nát tim. Lôi Minh vốn là người trực tính trung hậu, nghĩ thầm: "Sư phó đối với bọn mình ơn dày như núi, mấy lần cứu tánh mạng bọn ta, bây giờ bị bàn tay lớn bắt lôi vào trong giếng, không biết sống chết ra sao, cái mạng của ta đây không cần gì nữa, phải nhảy xuống xem bên trong sự tình thế nào cho biết?"

Lôi Minh nghĩ rồi cất bước chạy vào đình, co giò nhảy xuống giếng. Trần Lượng nhìn thấy vội chạy tới níu không kịp, trong lòng buồn bã tự nghĩ: "Nhị ca đã nhảy xuống rồi! Trên đời này ai cũng biết hễ có Lôi Minh là có Trần Lượng, hễ có Trần Lượng là có Lôi Minh. Hai ta sống cùng ở một nơi, chết xuống cùng làm quỷ một chỗ".

Nghĩ rồi chạy tới trước. Quan Tri phủ Cố Quốc Chương cố ngăn lại, chưa kịp nói ra đã thấy Trần Lượng chạy đi trước. Cố Quốc Chương tự nghĩ: "Tế Điên, Lôi Minh, Trần Lượng đại khái chắc là tiêu mạng rồi. Nếu lão đạo sĩ đi ra nữa thì ai đối địch đây?".

Quan binh lúc đó không ai còn lòng dạ nào chiến đấu nữa. Cố Quốc Chương tự nghĩ: "Phận làm con phải hết lòng hiếu thảo, làm quan phải một dạ trung lương; đã thọ bổng lộc của quốc gia lý ưng phải báo đền ơn vua, đem thân đền nợ nước, vì quan chức mà quên mình, chi bằng ta cũng nhảy xuống, một khi chết rồi muôn sự kể như không!".

Đang nghĩ tới đó thì bên đại điện có tiếng hô lớn:

- Vô lượng Phật! Thiện tai! thiện tai! Bọn bay: "Thiên đường có nẻo không tìm tới, Địa ngục kín bưng cứ lủi vào!".

Các quan binh ngước đầu dòm lên thì thấy từ phía sau đi ra một lão đạo sĩ đầu đội khăn đạo sĩ cửu lương bằng đoạn xanh, mình mặc đạo bào bằng đoạn màu lam, khắp áo thêu hình bát quái: Càn tam liên, Khôn lục đoạn, Ly trung hư, Khảm trung mãn..., giữa bát quái là Thái cực đồ. Vị này mặt đỏ tía, mày hung mắt ác làm cho quan quân nhìn thấy sợ đến hồn bất phụ thể.

Lão đạo sĩ này ở đâu xuất hiện thế?

Nguyên Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong và các yêu đạo bị đội quân ống đồng thụt nước dơ vào mình lật đật chạy ra phía sau. Thiệu Hoa Phong nói:

- Cái này là không được rồi! Hay cho Tế Điên! Dám thi triển kế độc hại này phá mất pháp thuật của tạ Các vị cùng ta tắm rửa sạch sẽ rồi tính. Sơn nhân đâu để cho Tế Điên làm mưa làm gió như vậy được?

Mọi người vội vàng chạy đi tắm rửa sạch sẽ. Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong nói:

- Các vị, ai đi thám dọ tình hình thử xem?

Càn pháp chân nhân Triệu Vĩnh Minh nói:

- Để tôi đi cho.

Thiệu Hoa Phong nói:

- Ông kề tai tôi dặn: làm như vầy, như vầy...

Triệu Vĩnh Minh gật đầu ưng thuận và hỏi:

- Có ai chịu đi thám dọ với tôi không?

- Để tôi đi với! Hắc hổ chân nhân Lục Thiên Lâm kế bên bước ra xin đi.

Lập tức hai người bước ra ngoài. Vừa đến lớp cửa thứ hai, có hai tùng nhân hỏi:

- Chân nhân đi đâu vậy? Vừa rồi Hòa thượng bị bàn tay bắt xuống đây rồi, cả hai tên họ Lôi họ Trần cũng nhảy xuống giếng trong đình nốt!

Lục Thiên Lâm nghe nói, bảo:

- Thế thì buồn cười thật! Để ta đến xem thử.

Lão đạo sĩ vừa mới bước ra ngoài đứng ở đại điện nhìn ra. Không bao lâu, từ trong giếng văng ra một cánh tay máu còn chảy ròng ròng, rõ ràng là mới bị chặt. Lão đạo sĩ ở chánh điện nhìn thấy rõ ràng bèn vỗ tay cười lớn. Binh mã Đô giám Lục Trung và Tri phủ Cố Quốc Chương cũng đều thấy rõ, sợ đền xanh cả mặt. Tri phủ cố Quốc Chương nói:

- Chắc là không xong rồi! Đại khái Tế Công bị bọn giặc hại rồi, chúng chặt cánh tay quăng lên đó.

Binh mã Đô giám Lục đại nhân nói:

- Cố đại nhân xem lại đi! Cánh tay đó không phải của Tế Công đâu.

- Quan Đô giám làm sao biết được?

- Nếu là cánh tay của Tế Công tất phải có bùn đất, mà nước da đâu có trắng trẻo như vậy.

Cố Quốc Chương nghĩ lại cũng có lý bèn nói:

- Nếu không phải của Tế Công thì chắc là của Lôi Minh, Trần Lượng! Đáng tiếc hai vị anh hùng hiệp nghĩa, một là không vì danh, hai là không vì lợi, trong một sớm bị chết về tay yêu đạo!

Đương lúc than thở bỗng thấy trong giếng quăng ra một cái một cái đùi lớn, cũng còn máu tươi chảy ròng ròng, trông phát khiếp! Lão đạo Hắc hổ chân nhân Lục Thiên Lâm nhìn hồi lâu, bỗng cất tiếng cười như điên, nói:

- Hay cho tên Tri phủ lớn mật này, dám đút đầu vào đây chịu chết chớ! Sơn nhân ta hôm nay kết thúc tánh mạng cả bọn bây cho rồi!

Nói rồi lão đạo sĩ rút kiếm xông ra trước, trong miệng niệm chú lâm râm. Cố Quốc Chương nhìn thấy sự tình không ổn, lật đật thét gọi:

- Các ngươi mau thụt ống đồng...

Câu nói chưa xong thì nghe ở cửa nghách phía Tây có tiếng nói lớn:

- Eo ôi, A Di Đà Phật! Hay cho tên nghiệt súc, lại dám đến đây tác quái hưng yêu hử? Để ta đến bắt ngươi đây!

Quan binh ngước đầu nhìn xem thì thấy Tế Điên thất tha thất thưởng, bước thấp bước cao đi ra trước đại điện. Mọi người ngạc nhiên há hốc mồm, chẳng biết La Hán gia từ đâu tới...