Tế Điên Hòa Thượng

Chương 158




Lý Hàm Linh xem tướng độ quần mê

Vương Thái Hòa tài sắc chẳng mê lòng

Lão đạo sĩ sau khi nghe Vương Thái Hòa bảo nói đi, bèn nói:

- Xem tướng mạo các hạ không giống với người ta: trán không có chủ cốt, cặp mắt láo liêng, chân mày thưa mỏng, chủ về anh em không nhờ cậy được; sơn căn thấp lõm, chủ về không giữ được tổ nghiệp; chuẩn đầu là thổ tinh, chủ về kho của, bên trái là giếng, bên phải là bếp, giếng và bếp quá trống trải, có của mà không có kho chứa, các hạ suốt đời không thể giữ của được; lằn đằng xà vào miệng, tương lai chủ về bị chết đói. Các hạ 7 tuổi mất cha, 9 tuổi mất mẹ, 16 tuổi phạm phải sao Dịch Mã, mấy năm nay bôn ba cực nhọc bên ngoài, may nhờ còn biết cần kiệm nên không đến đỗi nào. Từ nay về sau, mỗi ngày một khác đi. Tướng mạo của tôn giá, bần đạo không phải nói thêm nữa.

Vương Thái Hòa nghe lão đạo sĩ nói những việc đã qua không sai một điểm, đại khái những việc vị lai chắc cũng có trúng, bèn trả tiền quẻ, trở về chùa Chuẩn Đề, nghĩ thầm: "Mình rốt cuộc bị chết đói thì còn chạy đôn chạy đáo nhọc nhằn làm chỉ Chi bằng mình trở về nhà xin bãi hôn sự và nói nhạc phụ gả cô nương cho mối khác, mạng số mình đã không may như vậy, đừng để liên lụy đến người khác tốt hơn!". Càng nghĩ càng thấy buồn, chẳng khác nào bị muôn nhác dao khứa vào tim, không lòng dạ nào buôn bán được nữa, Vương Thái Hòa mới giao phòng lại cho chùa Chuẩn Đề rồi gánh rương sáp từ Tòng Giang trở về nhà. Hôm đó đi đến nửa đường, vốn là người không thích màu mè, đi đường xa cũng cảm thấy mệt nhọc, bèn đến một rừng cây bên đường nghỉ tạm.

Vừa vào rừng cây, nhìn thấy có một bao bằng đoạn màu vàng. Vương Thái Hòa thả gánh xuống, lượm bao ấy mở ra xem, thấy trong bao có một hộp gỗ cứng khóa kỹ lưỡng và một túi nhỏ bằng đoạn màu vàng, bên trong để chìa khóa. Vương Thái Hòa lấy chìa khóa mở ra xem. Bên trong hộp gỗ là 2 đôi vòng, mỗi đôi khoảng 8 lượng, kim giắt đầu mỗi chiếc 5,6 lượng. Chiếc hộp có trá trị tổng cộng hơn 1.000 lượng bạc. Vương Thái Hòa nghĩ thầm: "Ta rốt cuộc rồi bị chết đói thì đừng làm hại đến người khác làm chị Nếu những thứ này là của chủ nhân làm rớt cũng không quan trọng lắm, thảng như đó là gia nhân giúp việc cho chủ, hoặc cầm giùm cho người mà đánh rơi thì sẽ có nguy hiểm đến tánh mạng. Chi bằng mình đợi ở đây, có ai đến tìm mình sẽ trả lại cho người ta". Nghĩ rồi gói lại cẩn thận, cất vào trong rương sách.

Vương Thái Hòa ngồi dưới đất chờ không bao lâu thì thấy từ phía Bắc, một người cỡi ngựa phi tới, ngựa này là ngựa ô nên chạy rất mau! Khi đã đến gần, ngựa dừng lại, người ấy lật đật nhảy xuống ngựa. Ngựa này trang phục theo lối tùy tùng, khoảng hơn 20 tuổi. Mồ hôi chảy ròng ròng trên gương mặt tái xanh vì nỗi kinh hoàng. Xuống ngựa xong, người này đến trước Vương Thái Hòa, ôm quyền thi lễ, nói:

- Tại hạ họ Tô gọi là Tô Hưng, là tùng nhân của Tô Bắc Sơn viên ngoại. Hôm nay vâng lệnh viên ngoại của chúng tôi đến nhà bà cô ở phủ Tòng Giang lấy một bao đồ, bên trong có 2 đôi vòng vàng, 2 cây giắt đầu. Khi đến đây, ngựa của tôi thấy ngã ba, sợ nhảy dựng lên làm rơi bao đồ xuống. Tôi cũng không xuống ngựa được, tới chừng kìm ngựa dừng lại, tôi mới trở lui tìm bao đồ nhưng không gặp người qua đường nào cả. Thưa tiên sinh, nếu tiên sinh có thấy bao đồ ấy thì xin cứu tôi với! Tôi nếu bị mất bao đồ này chắc phải chết thôi. Lão nhân gia nếu có lượm bao đồ, xin cho lại tôi là cứu tánh mạng tôi đó! Tương lai tôi không dám quên người!

Vương Thái Hòa gật gật đầu, mở rương sách lấy bao đồ ra, nói:

- Chú xem lại coi, mấy thứ này có đúng không?

Tô Hưng xem rồi nói:

- Tiên sinh thiệt là cha mẹ đẻ tôi lần thứ hai, đã cứu mạng sống của tôi! Nếu không có lại những thứ này chắc tôi phải chết. Đó cũng là do lão nhân gia là người tốt, ngàn vàng không tối mắt! Tôi chưa được lãnh giáo tên họ của tiên sinh.

- Tôi là Vương Thái Hòa, người ở Hưng Long trang, huyện Thạch Kháng.

- Lão nhân gia chừng nào đến thành Lâm An, ngàn muôn lần xin đến nhà Tô Bắc Sơn viên ngoại ở đường số 4, ngõ hẻm Thanh Trúc tìm tôi. Tôi tên là Tô Hưng.

- Vâng, tôi nhớ.

Tô Hưng trong lòng cảm thấy quá áy náy, bèn lấy ra 5 lượng bạc, nói:

- Thưa tiên sinh, cái này thật là không dám nói là đền ơn tiên sinh, chỉ gọi là chút lòng thành để tiên sinh mua cân trà ngon để điểm tâm.

Vương Thái Hòa mỉm cười, nói:

- Chú đừng bày vẽ! Ta nếu muốn lấy bạc của chú thì lượm được gói đồ ta trả chú làm gì? Thôi, chú hãy cất bạc đi.

Tô Hưng thấy Vương Thái Hòa quyết ý không chịu nhận, chính mình cũng không biết phải làm sao, bèn nói:

- Thưa tiên sinh, tiên sinh đã không muốn, tôi cũng không dám nài ép, bao giờ đến Lâm An ngàn muôn lần nên nể mặt đến tìm tôi.

Nói rồi bò xuống đất dập đầu lạy tạ Vương Thái Hòa rồi mới cáo từ trở về. Vương Thái Hòa còn lại một mình, trong lòng càng thêm sầu muộn: "Lão đạo sĩ nói mình 7 tuổi mất cha, 9 tuổi mất mẹ, 16 tuổi phạm phải sao Dịch Mã, nói như thần tiên, chưa đến mà biết cả mọi việc!". Thật ra, lão đạo sĩ có vẻ đại lộ hoạt thần tiên ấy chính là Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh ở Vân Hà quán trên núi Vạn Tòng. Ông ta xuống núi không phải coi bói xem tướng kiếm tiên mà để phổ độ quần mê, giáo hóa chúng sanh, coi đoán việc như thấy trước mắt. Vương Thái Hòa làm sao biết lai lịch của lão đạo sĩ! Hôm nay, sau khi Tô Hưng đi rồi, Vương Thái Hòa buồn bã gánh rương sách trở về. Hôm đó đang đi đến khúc vắng, xa không thấy xóm làng, gần không gặp quán trọ. Trời đang nắng ráo, bỗng nhiên mây đùn từ Tây bắc, mịt mù hướng Đông nam, gió to mưa lớn ập xuống, Vương Thái Hòa đành phải kiếm chỗ trú đỡ, thấy trước mặt có một tòa miếu hoang, tường vách lở lói hết, trong đó ba gian đại điện còn có thể đụt mưa được. Vương Thái Hòa đến gần, vừa muốn bước vào chánh điện thì thấy một cô gái chừng 17,18 tuổi rất là xinh đẹp đang đụt mưa ở đó. Vương Thái Hòa nhìn thấy rất lấy làm ngạc nhiên, nhưng lại nghĩ: "Nam nữ thọ thọ bất thân, tuy là ở nơi vắng vẻ không người, ta đâu thể tránh sự hiềm nghi làm hư danh tiết của người ta! Chi bằng đứng ở ngoài hiên đại điện đụt mưa cho xong". Nghĩ rồi Vương Thái Hòa ngồi xổm ngoài hiên đại điện, cũng không nói với cô gái ấy tiếng nào. Ngờ đâu mưa càng lúc càng lớn, mãi cho tới canh năm mới ngưng, đất bằng ngập sâu mấy thước, may mắn là ở sơn đạo nước rút khá nhanh. Trời sáng đã không còn thấy nước nữa. Vương Thái Hòa cất gánh lên vai định đi thì nghe cô gái hỏi:

Xin hỏi tôn tánh của quân tử là gì?

- Tôi họ Vương.

- Tôn giá là người tốt. Nô gia họ Mã tên là Mã Ngọc Dung, nhà ở Mã gia trang gần đây, mong nhờ tôn giá đưa giùm cho mấy bước.

- Cũng được, có hề chi!

Nói rồi đưa cô gái về Mã gia trang. Nhà cô này có cha mẹ anh em đủ cả. Cô gái này đang ở nhà cậu mợ, nhân cãi với mợ mấy câu, giận bỏ về nhà, về đến nửa đường gặp mưa phải trú lại. Vương Thái Hòa đưa cô gái về đến cửa định đi, cô gái vào nhà nói với cha mẹ việc trú mưa trong miếu gặp được Vương Thái Hòa là người tốt, không bước chân vào đại điện cũng không nói chuyện, hôm nay đưa cô về nhà. Nghe cô gái kể, cha mẹ cô lật đật chạy theo mời Vương Thái Hòa trở lại đặt tiệc khoản đãi. Cả nhà lớn nhỏ đều cảm kích. Cha cô gái hỏi:

- Qúy tánh của tôn giá là gì? Là người ở đâu? Hôm qua tiểu nữ ở nhà đằng cậu mợ nó, nhân vì cãi vả một vài câu, con gái tính quá nóng nảy, mợ nó không kêu trở lại, nên giữa đường gặp mưa phải đụt lại trong miếu. May gặp được tôn giá là người quân tử chánh trực, nếu gặp phải người xấu không biết sẽ làm sao!

- Tôi họ Vương, kêu là Vương Thái Hòa, nguyên là người ở Hưng Long trang. Về sau đừng để cô nương đi một mình, phải có ai đi theo cô tốt hơn.

Mã lão trượng nói:

- Vâng, phải phải! Vương tiên sinh ở lại thêm vài ngày nữa nhé!

- Tôi còn có việc bận.

Nói rồi cáo từ. Cha mẹ cô gái đưa tiễn cảm tạ không thôi. Vương Thái Hòa thuận theo đường lớn trở về. Hôm ấy về đến nhà thì đã có người nghèo khổ ở trong thôn đến ở. Khi Vương Thái Hòa về, tự nhiên người ấy phải nhường nhà lại. Để gánh sách xuống, Vương Thái Hòa cảm thấy quá buồn bã, ăn uống qua loa rồi đánh một giấc dài. Sáng hôm sau, anh ta đích thân đến nhà Hàn viên ngoại thối hôn. Hàn viên ngoại từ khi hắn còn nhỏ đã hứa gả con gái cho, bây giờ Hàn viên ngoại vẫn còn có tiền. Từ khi cha mẹ Vương Thái Hòa qua đời, gia cảnh hắn mỗi năm sa sút thêm, về sau nghe hắn nói ra ngoài buôn bán. Nhà Hàn viên ngoại có mấy khoảng ruộng, cũng có thể coi là tài chủ trong làng, không thể gả con gái cho ai khác được, đành phải đợi hắn. Cô gái đồng tuổi với Vương Thái Hòa lại là người hay nghĩ ngợi, cho rằng chính mình có mạng số không may, về sau về làm dâu nhà người lại càng thêm khổ sở! Ngày qua tháng lại, lòng lo lắng sinh ra bịnh mắt, đến nỗi mù luôn không thấy gì nữa. Vương Thái Hòa đâu biết việc ấy. Hôm nay gặp Hàn viên ngoại, sau vài câu nắng mưa mở đầu, Vương Thái Hòa mới nói:

- Tôi tính xin lão nhân gia đem cô nương gả chỗ khác! Mạng tôi cũng khổ rồi, đừng bắt tội cô nương cùng khổ vì tôi! Những sính lễ ngày xưa tôi không cần lấy lại.

Hàn viên ngoại nói:

- Đâu có được, hiện giờ con gái ta đã mù rồi. Con hãy chọn ngày giờ tốt đi, nếu không nó tàn tật ta cũng không gả cho ai được. Con nên mau mau rước nó về rồi chậm chậm sẽ tính. Nếu con buôn bán nhỏ cần hai ba trăm lượng bạc, ta có thể cho con được. Con chịu khó cần kiệm mà không có gạo ăn sao?

Vương Thái Hòa nghe cô nương đã mù mắt, bèn nghĩ thầm: "Không phải người một nhà làm sao bước qua cửa được? Tới chừng đi xin cơm, ta đi trước dẫn theo một người mù, chẳng là hay lắm sao?". Nghĩ rồi bèn nói:

- Thưa nhạc phụ, cô nương đã mù rồi, con không thể nói là không cần được. Xin nhạc phụ hoàn thành chọ Con cũng không có nhiều tiền để tổ chức rình rang. Tốt hơn là con thuê kiệu rước cô ấy về.

Vương Thái Hòa không còn cách nào hơn, chỉ có mấy lượng bạc về nhà giăng màn làm lễ, định ngày tốt rước vợ về. Lúc này hắn ta không có bà con thân thích nào để vãng lai trình báo. Hàn viên ngoại tính sau khi gả con vài tháng sẽ cho Vương Thái Hòa tiền để buôn bán. Dè đâu Vương Thái Hòa cưới vợ về chưa được nửa tháng, bỗng ngủ không được vì nhớ lại những việc đã qua! Nằm lăn qua trở lại căng cả mắt, thấy dưới đất có cục lửa lăn đến góc tường Nam rồi biến mất. Liên tiếp ba hôm như vậy, Vương Thái Hòa mới nói với vợ:

- Dưới đất có cục lửa lăn tới lăn lui mãi, không biết đó là ý nghĩa gì!

- Có thể là của chìm đấy! Vợ hắn nó:

- Cũng có thể lắm.

- Anh xem đúng chỗ nào rồi lấy cây trâm vàng cắm xuống đó làm dấu. Hôm sau đào lên coi thử.

Vương Thái Hòa quả nhiên lấy trâm vàng cắm xuống đó làm dấu, hôm sau lấy xẻng đào lên. Đào sâu chừng hai thước thì "cộp" một tiếng, Vương Thái Hòa nhìn kỹ lại, mắt mở trừng trừng!