Tay Súng Cuối Cùng

Chương 11




Fred Watkins mệt mỏi bước ra khỏi xe, hôm nay là một ngày vất vả đối với vị cộng tố của chính phủ Hoa Kỳ. Mỗi ngày ông phải mất cả tiếng rưỡi đồng hồ lái xe từ nhà mình ở vùng ngoại ô phía bắc Virginia đến Washington, và mất thêm ngần ấy nữa để về nhà. Chín mươi phút cho một chặng đường có mười lăm dặm, ông mệt mỏi lắc đầu ngán ngẩm. Công việc của ông cũng chưa xong. Mặc dù hôm nay ông đã phải dậy từ bốn giờ sáng, làm việc không nghỉ suốt mười giờ liền, ông vẫn còn ít nhất ba tiếng chờ đợi phía trước nữa trong thư viện nhỏ mà ông dùng làm phòng làm việc trong nhà mình. Một bữa tối ấm áp và chút thư giãn quý giá với vợ và hai cậu con trai xong là ông sẽ phải chong đèn làm việc. Watkins là công tố viên chuyên về việc điều tra những hoạt động làm ăn bất chính ở cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ tại Washington sau một thời gian dài dặt dẹo làm một luật sư cộng đồng khiêm tốn ở Richmond, truy tố bất kỳ tên vô lại nhãi nhép nào ông tóm được. Ông yêu thích công việc của mình và luôn cảm thấy rằng ông đang thực sự phục cho đất nước mình. Ông tin rằng mình đã được đền đáp xứng đáng với công sức bỏ ra, đủ cho thời gian làm việc có hơi dài và căng thẳng, nhưng cuộc sống của ông vẫn khá ổn thỏa. Con trai lớn của ông sẽ vào đại học mùa thu năm nay, và sau hai năm nữa là đến lượt cậu út. Ông và vợ đã có kế hoạch đi du lịch, để được chiêm ngưỡng những vùng đất trên thế giới mà hai người mới chỉ được nhìn thấy qua các tạp chí du lịch. Watkins cũng đã nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm và trở thành giáo sư thỉnh giảng về ngành luật tại trường Đại học Virginia, nơi ông đã nhận bằng luật sư. Ông và vợ cũng đang cân nhắc đến khả năng một ngày nào đó sẽ chuyển hẳn về sống ở Charlottesville tránh xa cuộc sống ngột ngạt và tình trạng giao thông khủng khiếp ở bắc Virginia.

Ông xoa cổ và thích thú hít thở bầu không khí của một buổi tối trong trẻo và mát lạnh. Đó là một kế hoạch tổng thể rất hấp dẫn; ít nhất thì ông và vợ cũng đã có một kế hoạch. Nhiều đồng nghiệp của ông chẳng bao giờ quan tâm đến ngày mai, chứ đừng nói gì đến cả nhiều năm sắp tới.

Nhưng xưa nay Watkins vẫn là một người thực tế và lo xa. Quan điểm đó được ông áp dụng trong cả trong công việc và cuộc sống.

Ông đóng cửa xe và rảo bước trên lối đi dẫn vào nhà. Trên đường đi ông vẫy tay chào một người hàng xóm cũng đang tấp xe vào giữa. Một người hàng xóm khác đang làm món thịt nướng thơm điếc mũi. Chà. có lẽ tối nay ông cũng phải làm món thịt nướng ngoài trời mới được.

Như hầu hết mọi người ở khu vực Washington, Watkins đã biết về vụ phục kích đẫm máu của đơn vị HRT với sự quan tâm và đau đớn sâu sắc. Ông đã từng làm việc với một số người thuộc đơn vị này trong các vụ án và không thể nói gì khác ngoài những lời tốt đẹp nhất về sự dũng cảm và tính chuyên nghiệp của họ. Những anh chàng này thực sự là người giỏi nhất, ít nhất là trong cuốn sách của ông, và họ đã làm một công việc mà hầu như không ai khác muốn làm. Watkins vẫn nghĩ rằng mình làm việc vất vả cho đến khi ông chứng kiến những gì mà các anh chàng này đã trải qua. Ông đặc biệt thấy thông cảm cho gia đình của họ và thậm chí còn nghĩ đến việc tìm hiểu xem đã có một quỹ đặc biệt nào được lập ra cho họ hay chưa. Nếu chưa có một quỹ nào như vậy, Watkins sẽ cân nhắc đến việc đứng ra kêu gọi thành lập. Lại thêm một dòng nữa trong danh sách những việc phải làm cũ rích, nhưng cuộc sống là như thế, ông tự nhủ.

Ông không trông thấy một con chim cho đến khi nó bay vụt lên khỏi bụi cây và lao thẳng về phía ông. Watkins kêu rú lên và hụp đầu xuống tránh. Con chim bay sát sạt qua đầu ông; vẫn là con chim giẻ cùi khốn kiếp màu xanh đó. Có vẻ như đêm nào nó cũng nằm đợi ông, hay nó đang làm hết sức để ông bị đau tim đây nhỉ? "Không phải đêm nay đâu, đồ quỷ" Watkins đắc thắng nói với con chim đang bay vụt qua. "Không bao giờ. Tao sẽ tóm được mày trước khi mày chơi tao." Ông lắc đầu cười khùng khục và bước tới trước mái hiên. Đang loay hoay mở cửa thì điện thoại di động của ông bỗng đổ chuông. Gì nữa đây, ông nghĩ bụng.

Không nhiều người biết số này. Hay là vợ ông. Nhưng chắc chắn bà sẽ không gọi vì bà biết rằng giờ này ông đang vào nhà rồi. Thế thì là điện thoại của văn phòng. Và nếu là điện thoại của văn phòng thì nhất định phải là chuyện quan trọng, sẽ khiến ông mất cả buổi tối, hoặc thậm chí là quay xe lại thành phố cũng nên.

Ông rút điện thoại ra và nhận thấy là trên màn hình không hiện số người gọi, ông đã nghĩ đến chuyện thôi không nghe máy nữa. Nhưng Fred Watkins không phải người như vậy. Biết đâu có chuyện quan trọng thì sao, nhưng cũng có thể ai đó gọi nhầm số. Thôi được rồi, coi như là không có bữa thịt nướng tối nay nữa, ông vừa nghĩ vừa bấm phím nghe máy, sẵn sàng chấp nhận tất cả những tin xấu nhất.

°

Người ta tìm thấy phần còn lại của Fred Watkins trong bụi cây nhà người hàng xóm bên kia đường, sau khi vụ nổ làm nhà ông nát vụn và bắn xác ông qua đó. Đúng lúc ông nhấn nút trả lời thì một tia lửa điện li ti trong điện thoại của ông đã làm nổ bùng khí gas đã đặc quánh trong nhà ông. Rất khó để Watkins có thể phát hiện ra mùi gas vì mùi thịt nướng của nhà hàng xóm bên cạnh đang bốc lên thơm nức. Không hiểu sao chiếc cặp tài liệu vẫn không bị hư hỏng, vẫn còn được nắm chặt trong một bàn tay giờ thực ra chỉ còn toàn xương. Những tài liệu quý giá vẫn còn nguyên vẹn và sẽ sớm được bàn giao cho một công tố viên khác thay thế người luật sư xấu số. Người ta cũng tìm thấy thi thể của vợ và hai con ông trong đống đổ nát. Kết quả giám định pháp y cho thấy cả ba người đã chết từ trước đó vì bị ngạt thở. Phải mất bốn giờ mới dập được hoàn toàn đám cháy, hai ngôi nhà bên cạnh cũng bị bén lửa. Cũng may là không có người nào khác bị thương nặng. Chỉ có cả gia đình Watkins xấu số là không còn ai sống sót. Câu hỏi về việc ông và vợ mình sẽ tận hưởng những năm tháng nghỉ hưu như thế nào sau cả một đời làm việc vất vả cũng sẽ yên nghỉ mãi mãi cùng với họ. Người ta không gặp khó khăn nào trong việc tìm điện thoại của Watkins, vì nó đã chảy ra, dính chặt trên tay ông.

Vào thời điểm cuộc sống của Fred Watkins đang dần chấm dứt; cách đó chín mươi dặm về phía nam ở Richmond, thẩm phán Louis Leadbetter đang ngồi vào băng ghế sau của một chiếc xe công dưới sự canh gác cẩn mật của một cảnh sát tư pháp Hoa Kỳ. Leadbetter là một thẩm phán liên bang, một cương vị mà ông đảm nhiệm từ hai năm nay sau khi giữ chức vụ Chánh án tòa án lưu động Richmond. Với tuổi đời còn rất trẻ - ông mới chỉ 46 tuổi - cùng năng lực nổi bật của ông, rất nhiều nhân vật trong các vị trí quyền lực nhất đã để ý đến Leadbetter như một ứng cử viên sáng giá cho chức Chánh án Tòa án Phúc thẩm Lưu động thứ tư, và có lẽ một ngày nào đó chiếc ghế trong Tòa án Tối cao của nước Mỹ cũng sẽ thuộc về ông. Với tư cách là một vị thẩm phán trong cuộc chiến pháp lý, Leadbetter đã làm chủ tọa trong không biết bao nhiêu phiên tòa cực kỳ phức tạp, với đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái ố. Nhiều kẻ bị ông tống vào tù căm hận thề có ngày lấy mạng ông. Thậm chí đã có lần ông suýt là nạn nhân của một vụ tấn công bằng bom thư, mà thủ phạm là một tổ chức kỳ thị chủng tộc cực kỳ căm ghét Leadbetter vì quan điểm sắt đá của ông rằng tất cả mọi người, bất chấp tín ngưỡng, màu da và sắc tộc đều bình đẳng trước Chúa và luật pháp. Những mối đe dọa thường trực đó đủ là lý do để người ta phải lo đến chuyện tăng cường an ninh cho Leadbetter. Và nhất là lại vừa có một động thái mới làm tăng thêm sự quan ngại về việc bảo đảm an toàn cho ông.

Vừa xảy ra một vụ vượt ngục cực kỳ táo bạo - thủ phạm là một kẻ đã từng thề sẽ trả thù Leadbetter. Nhà tù nơi giam giữ tên này cách đây rất xa và lời đe dọa cũng đã được đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng các cơ quan chức năng vẫn không thể mạo hiểm với tính mạng của vị chánh án trẻ tuổi. Về phần mình, Leadbetter chỉ muốn cuộc sống bình thường của mình như từ trước đến nay, và việc tăng cường các biện pháp an ninh không làm ông thấy thích thú cho lắm. Tuy nhiên, sau khi chết hụt một lần, ông cũng đủ thực tế để nhận ra rằng mối đe dọa đó là hoàn toàn có thật; và ông không hề muốn chết vì tay của một kẻ rác rưởi nào đó lẽ ra đang phải thối rữa trong xà lim; thẩm phán Leadbetter sẽ không đời nào để hắn được toại nguyện.

"Có tin gì về Free không?" Ông hỏi người cảnh sát.

Đó là tên của kẻ vừa vượt ngục. Free vẫn luôn làm Leadbetter ăn không ngon ngủ không yên. Ernest B. Free. Phần họ và tên đệm viết tắt ở giữa của hắn tất nhiên không phải là tên thật. Hắn đã nộp đơn yêu cầu thay đổi họ của mình một cách hợp pháp sau khi hắn tham gia một nhóm tân bảo thủ bán vũ trang, trong đó tên của các thành viên đều được coi là biểu tượng cho cuộc đấu tranh giành tự do 1. Và tên gọi của nhóm cực đoan này là Hội Tự Do, điều lố bịch là ở chỗ chúng hành xử cực kỳ bạo lực và không dung thứ cho bất kỳ ai trông không giống chúng hoặc bất đồng với những tư tưởng bạo lực của hội. Rõ ràng đây là một loại tổ chức chẳng lợi lộc gì cho nước Mỹ, nhưng chúng cũng là một ví dụ nổi bật cho những loại tổ chức và nhóm hội đủ loại mà Tu chính án thứ nhất 2 của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được viết ra để bảo vệ chúng. Nhưng tất nhiên là không phải khi chúng giết người. Không, không bao giờ pháp luật dung thứ cho chúng giết người. Không mảnh giấy nào, cho dù là mảnh giấy được ngưỡng vọng nhất có thể bảo vệ những kẻ reo rắc bạo lực và chết chóc.

Free và những thành viên khác của nhóm này đã đột nhập vào một trường học, bắn chết hai giáo viên và bắt giữ nhiều học sinh và cả giáo viên làm con tin. Cảnh sát địa phương đã phong tỏa ngôi trường. Một đội SWAT được huy động, nhưng Free và đồng bọn được trang bị đến tận răng bằng vũ khí tự động và cả áo giáp chống đạn. Do đó về sau người ta phải huy động cả lực lượng giải cứu con tin chuyên nghiệp của FBI từ Quantico đến. Ban đầu mọi việc diễn biến tốt đẹp, tưởng chừng như tất cả sẽ kết thúc trong hòa bình, nhưng tiếng súng đã nổ ra từ bên trong trường học và Đội Giải cứu con tin HRT đã phải vào trong. Một cuộc giao tranh dữ dội đã diễn ra. Leadbetter vẫn còn hình dung rõ mồn một hình ảnh thương tâm của một cậu bé nằm chết trên hè, cạnh xác hai giáo viên.

Tên Ernest B. Free bị thương nặng và đã phải đầu hàng sau khi đồng bọn của hắn đã bị bắn hạ.

Đã có những tranh cãi xung quanh việc tên Free sẽ được đưa ra xét xử ở tòa án của bang hay liên bang. Người ta cho rằng ngôi trường nói trên trở thành mục tiêu tấn công vì nó là hình mẫu thành công của sự hòa hợp và tăng cường quan hệ sắc tộc, trong khi quan điểm kỳ thị sắc tộc của Free đã quá rõ ràng, tuy nhiên Leadbetter đã nhận thấy là cũng khó chứng minh được lập luận này. Thứ nhất, cả ba người bị giết - hai giáo viên và một học sinh - đều là người da trắng, do đó truy tố Free theo điều luật của liên bang về tội phân biệt chủng tộc thì sẽ không đủ yếu tố vững chắc để buộc tội hắn. Và thứ hai nữa là, mặc dù về mặt danh nghĩa hoàn toàn có thể truy tố hắn vì tội tấn công người thi hành công vụ, nhưng có lẽ tốt nhất vẫn là đơn giản hóa mọi chuyện bằng cách xét xử hắn tại tòa án của bang và đề nghị án tử hình cho hắn vì tội sát hạt nhiều người. Kết quả là nằm ngoài dự kiến của tất cả mọi người.

"Không, thưa thẩm phán," người cảnh sát trả lời làm Leadbetter giật mình thoát khỏi dòng suy tưởng. Viên cảnh sát tư pháp này đã bảo vệ Leadbetter một thời gian và hai người đã nhanh chóng xây dựng một mối quan hệ khá gần gũi. "Nếu ông đã hỏi, thì có vẻ kế hoạch của hắn là trốn xuống Mexico, rồi từ đó đi tiếp xuống Nam Mỹ. Hắn đang muốn tìm đến những phần tử Quốc xã, cùng loại người như hắn."

"Hừ, tôi hy vọng người ta sẽ bắt được hắn và tống hắn trở lại nơi hắn phải đến."

"Ồ, vâng, nhất định rồi. Lực lượng liên bang đang truy lùng hắn và chắc chắn họ đã lần ra manh mối."

"Tôi đã muốn tên khốn kiếp đó phải lĩnh án tử hình. Tội của hắn thì đáng phải nhận hình phạt đó."

Đó là một trong những điều nuối tiếc hiếm hoi của Leadbetter trên cương vị một chánh án tòa án lưu động. Nhưng tất nhiên là luật sư bào chữa của Free đã viện lý do hắn bị tâm thần, và thậm chí còn tìm cách thuyết phục bồi thẳm đoàn rằng thân chủ của ông đã bị tẩy não khi tham gia vào "giáo phái", ông ta gọi tổ chức của Free như thế.

Tất nhiên là tay luật sư chỉ làm công việc của mình. Và ngần ấy là đủ để làm lung lay ý chí của bên công tố. Họ không còn dám chắc là hắn sẽ nhận được một bản án xứng đáng, và thế là bên công tố đã có thỏa thuận với luật sư bào chữa của Free ngay trước khi bồi thẩm đoàn nhóm họp xong.

Thay vì án tử hình, Free chỉ phải nhận 20 năm tù cùng hy vọng là một ngày nào đó hắn sẽ được ân xá trước thời hạn. Leadbetter không đồng với thỏa thuận dàn xếp này, nhưng ông thực sự không có lựa chọn nào khác là ký vào bản án. Sau đó giới truyền thông đã tiến hành một cuộc điều tra không chính thức với bồi thẩm đoàn. Hóa ra Free thực sự là kẻ đắc lợi. Tất cả các thành viên đoàn bồi thẩm đều đã bỏ phiếu kết tội hắn và đều sẵn sàng đề nghị mức án tử hình. Báo chí đã làm um lên với kết quả đó Tất cả mọi người đều chưng hửng. Vì nhiều lý do. Free đã được chuyển đến một nhà tù được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt ở Trung Tây.

Đó chính là nơi mà hắn vừa đào thoát.

Leadbetter xem qua lại cặp tài liệu. Xếp ngay ngắn bên trong là một tờ New York Times mà ông rất thích đọc. Leadbetter đã sinh ra và đi học ở thành phố New York trước khi chuyển xuống miền Nam và ở hẳn lại Richmond. Tay Yankee tha hương cũng rất yêu quê hương mới của mình, nhưng mỗi tối về đến nhà ông lại dành đúng một tiếng để đọc tờ Times. Đó đã là thói quen của ông suốt bao năm làm thẩm phán và bao giờ tờ báo của ông cũng được chuyển đến tòa án trước khi ông rời nhiệm sở mỗi ngày. Đó là một trong những nguồn giải trí hiếm hoi mà người đàn ông đáng kính này còn được hưởng trên đời.

Khi người cảnh sát đang lái xe ra khỏi gara của tòa án, điện thoại của anh ta chợt rung lên, anh ta nghe máy. "Có chuyện gì ạ? Vâng thưa thẩm phán. Vâng, thưa ông, tôi sẽ nói với ông ấy." Anh ta đặt máy xuống và nói, "Thẩm phán Mackey vừa gọi, ông ấy bảo ông xem phần cuối của trang đầu tiên của tờ Times, có thông tin gì đó thú vị lắm thì phải."

"Ông ấy có nói cụ thể là gì không?"

"Không, thưa ông, chỉ bảo ông xem đi rồi gọi lại cho ông ấy ngay."

Leadbetter liếc nhìn tờ báo, mỗi lúc một tò mò. Mackey là một người bạn tốt và có nhiều quan điểm tương đồng với Leadbetter. Nếu Mackey đã cho điều gì đó là thú vị thì chắc chắn là Leadbetter cũng thấy vậy. Lúc này xe đang dừng lại trước đèn đỏ. Thật là thuận tiện vì Leadbetter không thể đọc trong lúc xe đang chạy, ông chỉ chực buồn nôn. Ông lấy hẳn tờ báo ra, nhưng trong xe quá tối. Ông với tay bật chiếc đèn đọc sách trong xe và mở tờ báo.

Viên cảnh sát cau mặt quay lại và nói, "Thẩm phán, tôi đã bảo ông bao nhiêu lần là đúng có bật cái đèn đó lên. Nó khiến ông trở thành một cái bia khốn kiếp cho…"

Tiếng kính vỡ loảng xoảng làm người cảnh sát chết lặng, không nói hết câu, trước mặt anh ta là cảnh Thẩm phán Louis Leadbetter đổ úp mặt lên tờ báo New York Times quý giá của mình, những trang báo loang máu đỏ lòm.

Chú thích

1. Free trong tiếng Anh có nghĩa là "Tự do".

2. Tu chính án thứ nhất (First Amendment) là một phần của bản Tuyên ngôn Nhân quyền ( Bill of Rights) được nước Mỹ thông qua ngày 15 tháng 12 năm 1791 trong đó tuyên bố bảo vệ những quyền cơ bản của con người như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do hội họp một cách hòa bình, tự do báo chí, tự do bày tỏ quan điểm…