Tào Tặc

Chương 455: Loạn Lương Châu (3)




Huyện Võ Uy nằm ở bên bờ Hưu Chư Trạch, cách Võ Bảo một trăm hai mươi dặm, cách Phượng Minh Bảo bảy mươi sáu dặm, nằm ở vùng đất cực bắc của quận Võ Uy.

Nó tọa lạc giữa hai tòa Trường Thành của Tần Hán, vừa vặn trấn thủ ngay mạn nam của Hưu Chư Trạch.

Lúc ban đầu, huyện Võ Uy là lãnh địa của người Hưu Chư Các, nằm ở phía tây Trường Thành của nhà Tần. Vào thời Hán Vũ Đế, phiêu kỵ đại tướng quân Hoắc Khứ Bệnh vì muốn ra uy với nước khác, mà lập ra huyện Võ Uy, rồi sau đó lại xây thêm trường thành của nhà Hán, bao bọc lấy huyện Võ Uy vào bên trong. Mục đích ban đầu khi bố trí huyện Võ Uy, là muốn dùng nó để chống lại sự xâm chiếm của người Hưu Chư Các trên Hưu Chư Trạch. Nhưng sau đó, dần dần biến thành nơi cư trú của người Khương Hồ. Sau khi người Hưu Chư Các bị đuổi đi, Hưu Chư Trạch bèn trở thành nơi tụ tập cư trú của người Khương, có thanh thế rất lớn...

Tuy nhiên, do mối quan hệ giữa Mã Đằng và Khương Hồ, khiến cho mối quan hệ giữa người Hán và người Hồ ngày càng dịu xuống.

Nhằm biểu thị thiện ý, Mã Đằng đã nhượng lại huyện Võ Uy, không cho binh mã đồn trú, người Khương Hồ cũng có thể sinh sống ở huyện thành, người Khương người Hán chung sống với nhau.

Sau trận chiến ở bãi Phượng Minh, Đường Đề thảm bại, đổ bệnh không gượng dậy được.

<!--Ambient video inpage desktop-->

Người Khương Hồ lập tức rơi vào cảnh đen tối ảm đạm. Một trong tứ đại hào khi xưa là Việt Cát, bắt đầu ngo ngoe động tĩnh. Sau khi Đường Đề chiến bại, uy danh sút giảm, còn Tứ đại hào thì sao? Hiện giờ chỉ còn lại một mình Việt Cát y, nên càng có giá trị hơn.

Tháng mười một, năm Kiến An thứ tám, nổi lên cuộc loạn Thiêu Qua Khương.

Một trong tứ đại hào thũng năm xưa, Thiêu Qua, chính là người chết trận trong trận chiến ở bãi Phượng Minh, khiến Thiêu Qua Khương chia làm hai phái.. Một phái chủ trương cầu hòa với Hán thất, một phái thì kiên trì chủ trương báo thù cho Thiêu Qua. Cuộc tranh cãi giữa hai bên càng lúc càng trở nên kịch liệt, đến cuối cùng, diễn biến thành một cuộc xung đột vũ trang. Hai bên đều ra sức đánh, không chết không ngừng, thậm chí khiến cho rất nhiều bộ lạc Khương Hồ khác cũng phải chịu liên lụy, và ảnh hưởng.

Việt Cát lấy danh nghĩa của Khương Vương Đường Đề, phụng mệnh dẹp yên phản loạn.

Trong vòng mười một ngày dẹp yên cuộc loạn Thiêu Qua Khương, những bộ lạc đại nhân thực hiện cầu hòa đều bị giết sạch không còn một ai. Tuy nhiên, Việt Cát không chịu thu binh, mà nhân cơ hội, thâu tóm luôn Thiêu Qua Khương, thoắt chốc trở thành bộ lạc có thực lực mạnh nhất trong số các bộ lạc Khương Hồ.

Dùng từ “mạnh nhất” thì cũng có thể hơi quá!

Chí ít thì nhân số của bộ lạc Đường Đề cũng vẫn chiếm vị trí số một.

Nhưng do Đường Đề bị bệnh nặng không thể xử lý công việc, cho nên nhân số trong bộ lạc của Đường Đề tuy nhiều, nhưng lại không thể ngưng kết thành một khối.

Chỉ xét riêng về điểm này, Việt Cát sau khi thâu tóm bộ lạc của Thiêu Qua Khương rồi, tuy số người không nhiều bằng Đường Đề, nhưng năng lực chiến đấu thì lại không hề thua kém bộ lạc của Đường Đề.

Triệt Lý Cát phủ phục trong đại sảnh huyện Giải, huyện thành Võ Uy, khóc rống lên, vừa khóc vừa kể lể.

Ngay giữa đại sảnh, một nam tử đang ngồi ngay ngắn. Thân hình y cao đến hơn bảy thước, nhìn có vẻ rất cao to lực lưỡng. Mái tóc gọt còn một chòm, được kết thành một vòng bện dài, bộ râu quai nón tủa tủa như kim đâm, đầy vể uy nghi oai võ. Chỉ có điều khí sắc của y không được tốt lắm, toàn thân toát ra một vẻ uể oải, không phấn chấn. Y ngồi ngay ngắn ở đại sảnh, nhưng thần sắc đờ đẫn.

- Đại nhân, chúng ta nên làm thế nào mới phải?

Triệt Lý Cát đợi hồi lâu không nghe thấy động tĩnh gì, bèn ngẩng đầu nhìn lên.

Nam tử đó cười chua xót mà rằng:

- Triệt Lý Cát, tại sao người lại dẫn người rút lui về huyện Võ Uy?

- Kể từ khi đại nhân mất tích, Khương vương lâm bệnh nặng, căn bản không để ý đến sự vụ. Đến nay mọi việc đều do một tay Việt Cát nắm giữ. Trong Vương trướng từ lớn đến bé, có đến quá nửa đều là người của Việt Cát... Việt Cát lúc trước cũng có ý định chiêu mộ ta, nhưng ta không đồng ý. Tên đó vốn có ý định dùng binh, nhưng không ngờ vợ của Thiêu Qua chạy về quê nhà, mời viện binh đến. Cộng thêm bộ lạc Nga Già Tắc cũng bất mãn đối với Việt Cát, cho nên Việt Cát cũng không giám tùy tiện xuống tay với ta...

Đại nhân không có ở đây, mọi người trong bộ lạc đều hoảng sợ.

Nhiều người có ý định muốn chạy qua bên chỗ Việt Cát, ta thấy tình hình không ổn, nên chủ động giao nộp khu chăn nuôi, lui về huyện Võ Uy này.

Ít ra thì ở đây còn có thành trì có thể dựa vào. Những khu chăn nuôi xung quanh tuy không quá tươi tốt, nhưng cũng đủ để nuôi sống bọn ta. Cho dù Việt Cát có ý định thâu tóm bọn ta, thì bọn ta vẫn có thể dựa vào thành trì này, giằng co với hắn, rồi cho người đi cầu viện Khương vương và Mã Đằng.

Nam tử nghe vậy, nhắm mắt lại, rất lâu sau không nói gì.

Nam tử này, rõ ràng là một trong Tứ đại hào thũng của Khương Hồ - Nhã Đan.

Trong trận chiến trên bãi Phượng Minh, Nhã Đan đã bị bắt giữ, không biết tại sao lại xuất hiện ở huyện thành Võ Uy này.

Y trầm ngầm hồi lâu, đột nhiên hỏi:

- Triệt Lý Cát, ngươi nói xem, nếu Việt Cát công đánh bọn ta, liệu Mã Đằng có ra mặt không?

- Việc này...

Nhã Đan cười khổ:

- Hắn tuyệt đối sẽ không ra mặt đâu!

- Đại nhân, ý của người là...

- Ta dám nói, Việt Cát sở dĩ dám to gan lộ liễu thâu tóm các bộ lạc như thế này, thậm chí không coi Đại vương ra gì, không lý gì bên trong không có sự ủng hộ ngấm ngầm của Mã Đằng. Thiệu Qua Khương Hừ, nói không chừng là do Việt Cát xúi giục ở bên trong, rồi sau đó kiếm cớ xuất binh.

Triệt Lý Cát, Đại vương già rồi!

Người đã không còn có thể tiếp tục khống chế mấy trăm ngàn bộ hạ Khương Hồ ở vùng Tây Lương này nữa rồi. Khi trước tại sao Mã Đằng lại tỏ ra giao hảo với bọn ta? Là bởi vì Khương Hồ trên dưới một lòng. Nhưng bây giờ, Khương Hồ đã chia năm xẻ bảy, vừa đúng ý của Mã Đằng hắn. Ta dám khẳng định, Mã Đằng sớm đã muốn thâu tóm bọn ta, chỉ là hắn chưa có cơ hội mà thôi. Sau trận đánh ở bãi Phượng Minh, hắn đã tìm thấy cơ hội.

Triệt Lý Cát ngạc nhiên nhìn Nhã Đan, một lúc lâu sau mới nhẹ giọng nói:

- Đại nhân, Mã tướng quân không thể nào... người là bạn của chúng ta.

- Bạn hữu?

Nhã Đan đột nhiên giận giữ nói:

- Nếu hắn là bạn, tại sao khi ta chiến bại trên bãi Phượng Minh, hắn lại án binh bất động, không chịu xuất binh cứu viện? Nếu như lúc đó hắn tăng cường đánh vào Hồng Trạch, thì chí ít cũng giúp chúng ta có cơ hội để thở. Nhưng, hắn không những không có động thái gì, lại còn lui binh ba mươi dặm... khi tộc Khương của Thiêu Qua hỗn loạn, bị Việt Cát thâu tóm, sao hắn không ra mặt ngăn cản? Hắn và Đại vương đã có mối giao tình nhiều năm, lẽ nào không phải là bạn sao? Thế nhưng hắn không hề để ý tới.

Triệt Lý Cát lập tức không còn gì để nói.

Nhã Đan nói:

- Hiện này bộ lạc Nga Già Tắc đang kiềm chế được Việt Cát, nhưng sẽ không được lâu.

Đợi sau khi Việt Cát xử lý xong vợ của Thiệu Qua rồi, tất sẽ thu phục bộ lạ Nga Già Tắc. Một khi bộ lạc Nga Già Tắc bị thâu tóm, thì cho dù chúng ta có lui về huyện thành Võ Uy, cũng e không phải là đối thủ của Việt Cát. Nhiều nhất là hai năm nữa thôi, đến lúc đó, e là đến ngay cả Đại vương cũng không thể giữ được nữa. Đến khi đó, Hưu Chư Trạch này sẽ là, sẽ là... Việt Cát một tay che trời, rồi toàn bộ Tây Lương, rồi sẽ thuộc về tay Mã Đằng. Triệt Lý Cát, người rất thông minh, tiếc là lại không nhìn rõ được đại cuộc.

Triệt Lý Cát trầm mặc không nói năng gì, mặt lộ vẻ như đang suy nghĩ.

- Lần này ta còn sống được trở về, là nhờ vào ân nghĩa của triều đình.

Tào tướng quân không những không gây khó dễ cho ta, mà còn dùng sự thấu hiểu và lý lẽ mà đối đãi. Trước khi xuất binh đánh Hồng Thủy Tập, hắn và ta đã có một cuộc nói chuyện. Việt Cát, không đáng tin; Mã Đằng, càng không thể tin. Hắn đã đánh cược với ta, nói Việt Cát nhất định sẽ tiến hành thâu tóm. Lúc đó, ta không tin lắm... nhưng những chuyện sảy ra sau đó, khiến cho ta không thể không tin hắn, mà tin triều đình.

- Đại nhân lần này trở về, chẳng lẽ là...

Nhã Đan gật đầu.

- Tào tướng quân nói, nếu ta còn không về, nhà ta tất sẽ bị Việt Cát thâu tóm.

Triệt Lý Cát trầm ngâm hồi lâu, khẽ hỏi:

- Đại nhân, bọn nhà Hán có đáng tin không?

Nhã Đan liu riu con mắt, nghĩ một hồi, thấp giọng đáp:

- Người khác thì ta không dám bảo đảm, nhưng Tào tướng quân, thì ta tin...

Nói đến đây, y đột nhiên bật cười.

- Triệt Lý Cát, người có thể tưởng tượng được không, đường đường là Thái thú quận Hà Tây, Bắc Trung Lang Tướng, thế mà khi nói chuyện với ta lại dùng tiếng Khương. Chỉ có điều là tiếng Khương của hắn nói rất khó nghe, liên tục nói sai, khiến ta bật cười... nhưng chính vì như thế, khiến cho ta cảm thấy, Tào tướng quân là người trân thành, còn cả tấm lòng bao dung rộng lớn của hắn nữa. Ít nhất trong số những người Hán mà chúng ta biết, không một ai chịu học tiếng Khương để giao lưu với chúng ta cả.... bọn người Mã Đằng, sinh sống ở đây, biết tiếng Khương thì không lấy gì làm lạ. Nhưng vị Tào tướng quân đó, là một danh sỹ Trung Nguyên, không ngờ lại chịu tìm tòi học hỏi. Tháng Giêng, hắn còn mời ta ăn, mời ta ăn... à, Sủi cảo! Mùi vị đó thật tuyệt vời.

Nghe nói, là phu nhân của hắn đích thân làm...

Triệt Lý Cát, ngươi từng nghe nói qua chuyện quan viên nhà Hán, để vợ mình làm thức ăn cho tù binh ăn bao giờ chưa?

Triệt Lý Cát không khỏi biến đổi sắc mặt, một lúc lâu sau mới gật đầu nói:

- Nếu đúng như lời đại nhân nói, thì vị Tào tướng quân này rất khác người.

Nhã Đan mỉm cười!

Chuyện đã nói đến nước này, nếu như Triệt Lý Cát còn không hiểu được ẩn ý, vậy thì y quả là tên ngốc....

“Đại nhân rõ ràng là muốn quy thuận quân Hán!”

Hoặc là nói, y muốn quy thuận vị Thái thú Hà Tây kia.

- Đại nhân, Tào tướng quân tuy tốt, nhưng dù sao cũng là Thái thú quận Hà Tây. Trong khi đó gốc rễ của chúng ta, lại là ở Tây Lương này... nếu như đến nương tựa chỗ Tào tướng quân, chẳng lẽ đành phải vứt bỏ gốc rễ của chúng ta sao? Hơn nữa, Tào tướng quân dù sao cũng là người của triều đình, cho dù có khoan hồng với người, nhưng còn đối với nhưng người khác... ta có nghe nói, Hán dân ở quận Hà Tây không hề ít đâu.

Sự lo lắng của Triệt Lý Cát cũng không phải là không có lý.

Dù sao đi nữa, giữa Khương và Hán vẫn có mối thù không nhỏ, bất luận là về thói quen trong cuộc sống, hay là các phương diện khác, đều khác biệt rất lớn.

Những mâu thuẫn giữa Khương và Hán, sâu xa đều bắt nguồn từ những chi tiết nhỏ.

Hơn nữa sự chèn ép của triều đình đối với người Khương cũng quá là khốc liệt. Năm xưa người Khương bạo động, cũng chính vì nguyên nhân này...

Trăm năm trước, người Khương thần phục triều đình nhà Hán, thậm chí còn cam tâm tình nguyện làm lính hầu trước mũi ngựa cho triều đình.

Nhưng triều đình không ngừng chưng bắt binh lính người Khương, lại cộng thêm lao dịch và thuế má nặng nề, khiến cho người Khương hết sức phẫn nộ. Cuối cùng bất đắc dĩ, người Khương đành phải phát động bạo động, khiến cho Hà Tây... bao gồm toàn bộ khu vực Lương Châu, chìm vào cuộc chiến loạn kéo dài trăm năm không dứt. Từ năm Vĩnh Nguyên thứ mười đến nay, vừa tròn một trăm lẻ năm năm, mối thù hận đó ngày càng tăng thêm.

Nhã Đan ra hiệu cho Triệt Lý Cát ngồi xuống:

- Ngươi có biết về thương hội quận Hà Tây?

- Cái này, có nghe nói qua.

- Vậy người có biết chuyện, trong hội chợ do thương hội quận Hà Tây tổ chức, nô dịch người Khương ở Hà Tây dùng tám trăm còn bò Tây Tạng và sáu trăm con chiến mã loại tốt, thông qua thương hội quận Hà Tây, đổi lấy hai trăm thạch muối thô, và ba ngàn con Long Tước?

- Hả?

- Hồ Bảo và bộ lạc Kha Lý Hán, vì việc bị người Hán khai khẩn khu chăn nuôi mà tạo thành xung đột.

Kết quả Tào tướng quân phân xử, hai mươi mẫu đất mà dân Hán khai khẩn ra, định giá hai trăm quan mà bồi thường cho Kha Lý Hán, còn về phần những người Hán gây nên xung đột, thì phạt đòn hai mươi trượng, phạt làm việc ba tháng. Trong hội chợ lần này, người Kha Lý Hán dùng một ngàn con bò Tây Tạng và hai ngàn con chiến mã, đổi được năm trăm gánh muối thô, và ba trăm ngàn mũi tên, cùng với ba ngàn cây trường mâu.

Trước kia, khi chúng ta giao dịch với người Hán, đều luôn lo sợ bị mắc mưu, bị lừa.

Nhưng đến nay, những bộ lạc ở Hà Tây, nhờ có thương hội dưới trướng của Tào tướng quân đảm bảo, cuối cùng cũng đạt được kết quả như ý.

Hà Tây có hai trăm tám mươi ngàn nhân khẩu, trong đó người Khương Hồ chiếm tỷ lệ trên sáu phần mười. Nhưng tất cả những người Khương Hồ quy thuận về đó, không ai là không khen ngợi sự công bằng của Tào tướng quân. Nói hắn là bạn tốt của người Khương Hồ, là quan viên tốt đáng tin cậy... ngươi nói xem?

Triệt Lý Cát chỉ nghe, không nói thêm gì nữa.

Nhã Đan tiếp tục nói:

- Về phần Võ Uy Hà Tây... hài, nói trắng ra đều là nằm dưới sự cai trị của triều đình.

Tào tướng quân nói rất phải, khắp gầm trời này đều là đất của vua, bờ bãi nào cũng là đất của vua. Thiên hạ này là thiên hạ của triều đình, mà triều đình hiện nay, làị do thúc phụ của Tào tướng quân, Tào tư không kiểm soát. Theo như ta thấy, thì thiên hạ này sớm muộn rồi cũng đổi họ thành họ Tào. Võ Uy sẽ là của Tào tướng quân, vấn đề chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Mã Đằng muốn đối phó với Tào tướng quân, nói không phải xem thường, chứ ta thấy y quả thật không có bản lĩnh đó, càng không có được sự quyết đoán đó. Bây giờ chúng ta nương tựa chỗ Tào tướng quân, người Hán có cây nói thế nào nhỉ? “đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi”! Chứ đợi đến lúc Tào tướng quân quật khởi rồi mới chạy qua, thì e là muộn mất rồi...

Nhã Đan bị bắt làm tù binh ba tháng, lời lẽ và kiến thức dường như đã thay đổi rất nhiều.

Ngay cả Triệt Lý Cát cũng nhận thấy, đại nhân nhà mình lợi hại hơn nhiều so với trước kia.

Hơn nữa, nghe y nói như vậy, dường như đầu quân về quận Hà Tây là một lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, từ trong lời nói của Nhã Đan, Triệt Lý Cát còn nghe ra một ẩn ý nữa: đầu quân cho Tào tướng quân, dường như không cần phải rời xa quê hương.

- Đại nhân, vậy người nói xem, chúng ta nên làm như thế nào?

- Người lập tức phái người, bí mật liên lạc với vợ của Thiêu Qua, nói bọn họ dùng mọi cách để cầm chân Việt Cát.

- Việc này thì dễ, vợ Thiêu Qua từng phái người đến cầu viện ta, chỉ có điều lúc đó ta không dám nhận lời, nhưng cũng không cự tuyệt.

- Triệt Lý Cát, người làm tốt lắm.

Sau khi liên lạc được với vợ của Thiêu Qua rồi, người nhất định phải khiêu khích để bộ lạc Nga Già Tắc cùng tham dự vào. Hưu Chư Trạch này càng loạn, thì càng tốt cho chúng ta. Đợi đến lúc quận Võ Uy có biến, cũng chính là lúc quật khởi của chúng ta, đến lúc đó công đầu sẽ thuộc về ngươi.

Triệt Lý Cát nghe nói mừng rỡ, gật đầu lia lịa.

Năm Kiến An thứ chín, tháng ba, chiến sự ở Hà Đông đến hồi gay cấn.

Cao Can coi cuộc chiến ở Hà Đông như một lẽ tất nhiên, không tiếc đầu tư binh lực đổ vào. Trong mười mấy ngày ngắn ngủi, Cao Can đốc binh mã lên đến gần một trăm ngàn người, vượt qua núi Thông Thiên, đến đồn trú ở huyện Bồ Tử. Binh lực ở Hà Đông trở nên bé nhỏ. Tào Nhân không còn cách nào khác, đành thêm một lần nữa cầu viện Vệ Ký, xin rút hai mươi ngàn người ngựa từ Quan Trung, kết hợp với binh mã ở Hà Đông thành một đội quân...

Tào Nhân đích thân cầm soái ấn, đốc chiến Lâm Phần.

Trung lang tướng Cam Ninh thì đem mười ngàn binh mã, tiến vào chiếm giữ huyện Vĩnh An. Vừa liều chết bảo vệ Lâm Thủy, đồng thời phải bảo vệ phòng tuyến Hoắc Đại Sơn, đề phòng Ô Hoàn kỵ binh của quận Thượng Đảng tập kích bất ngờ. Chiến cuộc ở Hà Đông bỗng chốc trở nên khẩn trương... họ Tào sau khi biết tin, cũng không khỏi cảm thấy lo lắng cho Hà Đông. Y có ý muốn điều động binh mã Lương Châu đến trợ chiến, không ngờ người Khương Hồ ở Hà Hoàng đột nhiên công chiếm Hà Quan, ép thẳng vào quận Lũng Tây. Đồng thời, Hàn Toại xuất binh từ quận Kim Thành, chiếm lĩnh Mục Uyển, khiến tình thế ở Lương Châu trở nên vô cũng khẩn trương. Vốn còn trông mong là Vệ Ký có thể điều động binh mã, nhưng Hàn Toại vừa động, liền khiến cho Quan Trung thay đổi bất ngờ.

Nam Dương, Tân Dã.

Tháng ba ở Nam Dương đang độ xuân ấm hoa nở.

Khắp núi phủ kín sắc hồng của hoa Đào và sắc trắng của hoa mận, rung động lòng người...

Lưu Bị ngồi trên bậu cửa, những ngón tay thon dài linh hoạt chuyển động, không đầy thoáng chốc, đã bện xong một chiếc giày cỏ.

Thoáng cái đã bốn năm!

Từ sau trận chiến bại ở Đông Hải, trốn chạy đến Kinh Châu, ăn nhờ ở đậu, mới đó mà đã bốn năm.

Bốn năm qua, thời gian trôi qua thật yên bình. Chỉ có điều, cuộc sống yên bình này lại không phải là điều mà Lưu Bị mong muốn.

Điều hắn mong là kim khôi thiết mà, khao khát gầy dựng công huân.

Đường đường là hoàng thúc nhà Hán, không lẽ cả đời này cứ phải ăn nhờ ở đậu cửa người như thế này, rồi giết thời gian bằng việc ngồi bện giày cỏ?

- Chủ công!

Đúng lúc Lưu Bị đang ngồi than ngắn thở dài, từ bên ngoài có mấy người vội vàng bước vào.

Hai người đi đầu chính là Tuân Kham và Gia Cát Lượng. Hai người vừa bước vào, lập tức chắp tay cười nói:

- Chủ công, cơ hội đến rồi!