Táo Chua

Quyển 4 - Chương 33




Lúc Lữ Tân Nghiêu chưa thừa nhận tôi là em trai tôi đã bắt đầu lẽo đẽo theo anh. Theo lưng anh từ nhà qua cầu rồi đến trường, lớn hơn chút nữa thì theo anh vào sân trượt băng, quán bi-a và phòng karaoke, thậm chí còn theo dõi anh và Mai Thanh Thanh trong lễ đường.

Bây giờ tôi lại theo đuôi hàng nhái của anh. Tôi giữ khoảng cách không gần, cứ mơ hồ đi tiếp, chính bản thân cũng chẳng hiểu tại sao mình lại làm vậy, cũng chẳng màng đích đến, cứ như đi theo anh là một loại bản năng.

Tôi thấy sự vật trên đường bắt đầu theo dòng chảy, đường lớn, sạp hàng, quầy trái cây, xe cộ, con người, tất cả đều lưu động, chỉ có bóng lưng phía trước là tĩnh lặng, chợt tối chợt sáng. Cảnh tượng này làm tôi nhớ lại cảnh tôi đi theo Lữ Tân Nghiêu lúc nhỏ.

Ban đầu, xung quanh Lữ Tân Nghiêu lúc nào cũng có đám bạn xấu của anh, bọn họ không thích tôi theo cùng. Lữ Tân Nghiêu cũng không thích tôi cứ bám lấy anh, có khi tâm trạng anh không tốt sẽ bảo tôi cút.

Lúc đó anh vẫn chưa tuyệt giao với Phan Quế Chi, Phan Quế Chi nhắm vào điểm này, hắn thường lấy cớ làm khó tôi.

Có lần bọn họ phát hiện một cái da rắn, Phan Quế Chi bắt đầu giở trò trước mặt bọn họ: “Em trai, nhặt cái da rắn ấy lên.” Tôi không muốn đi, Phan Quế Chi lại đá vào gót chân hối thúc tôi, đi nhanh, bọn này không muốn dẫn đứa nhát gan theo.

Tôi nhìn Lữ Tân Nghiêu, Lữ Tân Nghiêu không nói gì, mặc nhận lời Phan Quế Chi. Qua một lúc sau, bởi vì tôi cứ đứng yên tại chỗ, bọn họ mất hứng bỏ đi. Phan Quế Chi vừa đi vừa nói, không dám thì thôi, ai ép mày đâu, nhát gan thì đừng đi theo.

Tôi đứng yên tại chỗ một lúc lâu, nhìn bóng lưng Lữ Tân Nghiêu ngày càng xa, trước khi anh biến mất trong tầm mắt, tôi nhìn cái da rắn trắng bệch đó, ôm lòng sợ hãi và nhục nhã hạ quyết tâm, ngồi xuống nhặt nó lên rồi chạy đến trước mặt Lữ Tân Nghiêu, giơ cái da rắn lên cho anh xem.

Tôi đã nhặt da rắn nhưng vẫn biểu hiện như kẻ nhát gan, lúc đó tay tôi run bần bật, Phan Quế Chi cười trêu chọc: “Em trai, em bị rắn cắn à? Sao run thế?”

Lữ Tân Nghiêu không cười, kinh ngạc trong mắt anh chốc lát biết mất, trong tiếng cười của đám người, anh giật cái da rắn trong tay tôi ném xuống mương.

Sau đó tôi vẫn đi theo anh rất nhiều năm. Tôi tận mắt chứng kiến bóng lưng ấy dần cao lớn, cũng từng nằm trên đó, dùng đôi vai anh lau nước mắt. Nhưng giờ khắc này, thế mà tôi lại không phân biệt được. Lẽ nào chỉ có ba năm mà tôi đã quên đi bóng lưng suốt cả mười năm.

Tôi cứ đi theo sau người đó, qua ngã tư đến một tòa nhà, từ nhỏ tôi đã rèn kỹ năng theo dõi trên người anh, bây giờ lại có chút xa lạ. Có lẽ vì hoàn cảnh xung quanh đã trở nên xa lạ, qua một khúc cua, tôi lạc mất người phía trước.

Tôi có chút hoang mang, trước mắt là hàng loạt tòa nhà giống nhau, có tận sáu bảy tòa, tôi không biết người đó đã vào tòa nào. Tôi mất dấu rồi. Trái tim chìm vào trống rỗng, tôi ngơ ngác chẳng biết làm sao. Lẽ nào đây chính là lời cổ nhận ‘không có được, đừng cưỡng cầu’? Định mệnh đã sắp đặt vô duyên, vô danh phận, cả đời cũng không có được người này.

Tôi bước đến dưới một tòa nhà, ngẩng đầu nhìn khung cửa sổ, có cái tối có cái sáng, lập lòa lóa mắt, lúc này, tôi nhìn thấy cầu thang của một tòa nhà bật sáng đèn. Đèn tự động từ thấp đến cao, từng tầng từng tầng dần sáng lên. Nó thắp sáng một tầng là trái tim tôi lại nảy lên một nhịp. Đến tầng thứ tư, cửa sổ của căn phòng sáng đèn.

Là căn đó sao? Tôi nhìn cửa sổ sáng rỡ, là tòa thứ ba từ phải qua, tầng bốn, căn phòng tận cùng bên trái. Đúng rồi, là nó, cứ như gần ngay trước mắt. Nhưng đã theo đến bước này, tiếp theo nên làm gì? Đi lên? Tôi ngây ngốc đứng dưới lầu, đột nhiên nhìn mà sợ.

Tôi không dám gõ cửa.

Nếu như nhận nhầm người thì sao? Nhưng nếu như đúng là anh thì sao? Không đúng, chẳng có nếu như. Rõ ràng anh không muốn nhìn thấy tôi nên chắc chắn anh sẽ không đến.

Tôi sợ hãi từ đầu đến cuối, cứ như một kẻ nghiện đặt cược, không dám mở lá bài cuối. Phập phồng lo sợ.

Nhưng tôi không ngờ được, lúc tôi còn đang phân vân, định mệnh đã thay tôi đưa ra quyết định. Bóng lưng mà tôi đi theo một được, lúc đó không đứng sau cánh cửa nào mà đứng ngay sau lưng tôi.

Lúc tôi nhìn lên cửa sổ, cuối cùng anh cũng nhìn thấy kẻ đã theo dõi mình.

Bảy trăm ngày đêm đã chết, di cốt hằn trong nhật ký, Lữ Tân Nghiêu không báo trước mà xuất hiện trước mắt tôi.

Gió thổi cành cây bên đường xào xạt, in bóng lên người anh, từng đốm ánh sáng rơi trên người anh, cứ như đã rời khỏi nhân thế.

Tôi ngây ngẩn. Mắt không nhận ra, hoặc là não chưa kịp phản ứng. Tôi nghe thấy giọng anh gọi tên mình.

Ba năm, tiếng ‘Mạnh Lê’ thật xa xôi.

Tôi như ngừng thở, hồn phách đảo điên, chẳng biết là mộng hay là thực.

Thôn Bạch Tước và Nam Đinh, cách bốn ngàn dặm trăng và mây, chỉ có trong mộng anh mới đến tìm tôi hỏi ‘nhớ anh không’.

Nhưng khuôn mặt trước mắt không phải khuôn mặt trong mộng, chỗ nào thay đổi nhỉ?

Sẹo cũ vẫn còn in, đôi mắt đa tình, đôi mắt của hàng nhái… mũi xỏ khuyên, lúc cúi đầu trông giống như một giọt nước mắt lấp lánh, đẹp không phân được thật giả.

Người trước mắt tôi không phải là hàng nhái mà là Lữ Tân Nghiêu thật.

Lúc vừa mới đi khỏi nhà bốn năm, tôi từng trông mong anh đột nhiên xuất hiện nhặt tôi về, nhưng bây giờ tôi lại muốn chạy trốn.

“Bỏ nhà đi thì đừng quay đầu lại!”

Đây là đạo lý Mao Lâm dạy tôi, cũng là đạo lý mà cha mẹ nuôi hắn dạy cho hắn.

Lúc Mao Lâm bỏ nhà đi có lén lút chạy về một lần, chính tai nghe đôi vợ chồng ấy nói với người khác: “Con ruột dám bỏ đi thì nắm đầu nó về đánh gãy chân nó! Con nhăt thì thôi kệ, chạy cũng tốt, đỡ tốn!”

Tôi là do anh nhặt về, không dám trở lại nữa. Tôi muốn chạy, nhưng lúc đó tôi đã không còn đường lui. Có lẽ là có đường, dưới chân đều là đường, nhưng anh đứng đó, chân tôi cứ như ghim vào đất. Tôi đứng im dưới ánh mắt của anh.

Anh bước đến gần tôi, gần cứ như thể muốn ôm tôi vào lòng không cho tôi trốn. Nhưng Lữ Tân Nghiêu không ôm tôi, tay anh nân cầm tôi, vẫn mạnh mẽ như ngày nào, có khi còn mạnh hơn ngày trước. Giống như trong mộng, anh mở môi tôi thật dễ dàng.

Tôi không chống lại được. Hàm thả lỏng, chẳng chống lại được.

“Anh.” Lúc tôi thốt lên chữ này, tôi chỉ muốn tát mình một cái.

Nhất định anh không muốn nghe, nhưng tôi không sửa được. Cho dù ba năm trôi qua, tôi cũng không thể xóa lời nguyền ‘Lữ Tân Nghiêu là anh tôi’ ra khỏi não, nó giống như Lữ Tân Nghiêu đã thâm căn cố đế trong cơ thể tôi.

Tiếng ‘anh’ không đầu không đuôi, tôi thấy mắt Lữ Tân Nghiêu rung động, đôi đồng tử đen thẫm bị hàng mi che lấp, đáy mắt càng sâu hoắm. Đôi mắt anh đa tình hơn anh nhiều, làm lòng người mơ màng, một ánh mắt đưa người ta qua thật nhiệu năm, đa tình lại vô tình.

Tôi thấp thỏm, anh có đáp lời tôi không? Anh có thừa nhận tôi không? Nếu tôi chạy nữa, anh có đánh gãy chân tôi không?

Tôi hi vọng anh đánh gãy chân tôi.

Tôi nghĩ như thế, nhưng chẳng dám hó hé một lời, chỉ để mặc anh sờ cằm tôi, tôi chỉ biết cắn lưỡi đè lại xung động trong cơ thể không hé miệng li.ếm ngón tay anh.

Đến khi Lữ Tân Nghiêu buông tay, anh vẫn không đáp lời tôi. Anh hỏi: “Tại sao lại theo anh, em đang tìm anh sao?”

Tôi không biết nên đáp thế nào, anh vừa mở miệng là tôi biến thành kẻ câm. Tôi không tìm Lữ Tân Nghiêu, tôi đang tìm một người rất giống anh, nhưng nếu lúc ban đầu tôi biết đó là anh, tôi còn dám đi theo không?

Tôi nghĩ thật lâu, đầu óc vẫn hỗn loạn, tôi theo bản năng lắc đầu: “Em tưởng không phải anh, anh tưởng anh sẽ không đến đây.” Trừ việc đi tìm tôi, tôi không tìm ra được lý do nào khác cho sự xuất hiện của Lữ Tân Nghiêu ở Nam Đinh.

Nhưng tôi đã đánh giá anh quá thấp, anh có việc cần làm ở Nam Đinh, dù sao thì anh cũng nói với tôi như thế.

Tôi không nói nữa.

Tôi từng tưởng tượng ra nhiều khung cảnh tôi gặp anh, tôi có rất nhiều chuyện muốn nói cho anh nghe. Ví dụ như, anh này, sau khi em đi anh có tìm em không? Tìm không được em thì có tức giận không, sau khi nguôi giận thì có nhớ em không… Còn có, anh đã kết hôn chưa?

Nhưng tôi không ngờ đến, chân chính đến ngày này, tôi sẽ biến thành kẻ câm, cái gì cũng không dám nói, mà anh lại không nói với tôi gì hết. Giữa chúng tôi không có gì để nói.

“Em đang ở đâu?” Tôi không nói, anh cũng không ép hỏi, im lặng một lúc lại nói: “Anh đưa em về.”

Thế mà anh lại dùng từ ‘về’. Về đâu cơ chứ?

Nhất thời, tôi hiểu ra, lời Mao Lâm nói không sai, Lữ Tân Nghiêu không cần tôi nữa. Bây giờ tôi không phải là em trai anh, tình cảm của chúng tôi như nước trong bình vỡ, từng giọt từng giọt, ba năm trôi qua sớm đã chảy sạch. Đối với anh mà nói, tôi chỉ là một gánh nặng không rõ ràng, thế nên đường hẹp gặp nhau, anh lại muốn vứt tôi đi.

Tôi không dám phản kháng anh. Lữ Tân Nghiêu đưa tôi về, trên đường, tôi theo sau lưng anh, chúng tôi cách nhau rất gần nhưng anh lại cho tôi cảm giác rất xa xôi. Khoảng cách mà chính tay anh tôi kéo lại gần hiện lên trước mắt, tôi phát hiện dù chúng tôi ở cùng một không gian nhưng vẫn cách một khoảng thời gian thật dài.

Đêm càng lúc càng lạnh. Lữ Tân Nghiêu mua cho tôi một trái bắp nướng, cuối cùng cũng có hứng nói chuyện với tôi. Quá khứ đối với anh đã mất đi ý nghĩa, nên anh không truy cứu chuyện tôi bỏ nhà đi, cũng không nhắc đến chuyện lúc trước mà chỉ hỏi tôi sống có tốt không.

Tôi thầm nghĩ, không tốt chút nào, từng có ý định chết, biến thành quỷ đến tìm anh, báo mộng dày vò anh, nhìn xem hai vết sẹo trên người anh có tiếp tục đau vì tôi hay không. Nhưng tôi không nói thế, tôi biến thành Mạnh Lê phiền phức như lúc ban đầu, lại nói dối với Lữ Tân Nghiêu.

Tôi không kể chuyện tôi đi lừa gạt với Mao Lâm, cũng không kể chuyện tôi bị hắn lừa rồi vứt bỏ, tôi nói với anh tôi đã tìm được việc, có một người hàng xóm lương thiện là Uông Xuân Lục, các quán ăn đêm bên bờ sông Lân bán đồ ăn rất ngon.

Đây không phải là đối thoại mà là hàn huyên, chuyện lẽ ra sẽ không phát sinh giữa tôi và anh.

Tôi không thích như thế nhưng có vẻ Lữ Tân Nghiêu rất hài lòng, anh kiên nhẫn nghe tôi nói hết rồi nói: “Mạnh Lê, em lớn thật rồi.”

Lúc này Lữ Tân Nghiêu làm tôi nhớ đến Tôn Nguyệt Mi, cuối cùng anh cũng giống con trai Tôn Nguyệt Mi, nói chuyện giống nhau.

Tôi rất hối hận vì nói dối anh.

Phòng Uông Xuân Lục vẫn còn mở cửa, chị ngồi bên trong, mắt ngóng ra hành lanh. Vừa về là tôi nhìn thấy chị, chị cũng nhìn thấy tôi, đôi mắt lo âu nhìn đến Lữ Tân Nghiêu thì khựng lại. Uông Xuân Lục nhìn tôi, phát ra câu hỏi vô thanh.

Tôi không nói gì, có lẽ Uông Xuân Lục cũng đoán được, nhưng chị không nói nhiều, chỉ mỉm cười ôn hòa.

Lữ Tân Nghiêu đưa đống phiền phức là tôi về xong thì cũng hoàn thành trách nhiệm, anh ở trong phòng một lúc, nhìn qua cái giường trống của Mao Lâm rồi nhìn tôi: “Có người khác ở đây sao?”

Anh cứ hỏi không đầu không đuôi như thế. Uất hận và ấm ức dâng lên trong lòng tôi, chặn ngang chóp mũi và khóe mắt tôi, vừa cay vừa đau.

Tôi lắc đầu với Lữ Tân Nghiêu: “Không có ai hết. Hắn đi mất rồi.” Trong lòng có cảm giác quái dị, cứ như tôi đang cáo trạng với anh tôi là Mao Lâm bắt nạt tôi. Xém chút nữa thì rớt nước mắt.

Chỉ một câu nói ngắn gọn không thể kể lể hết cả câu chuyện dài dòng, tôi cũng không thể cáo trạng hắn như lúc ban đầu tôi mách tội Phan Quế Chi cho anh nghe, Lữ Tân Nghiêu không biết gì hết.

Mắt thấy anh sắp rời đi, tôi theo anh ra cửa, lại muốn giữ anh lại: Anh có thể ở lại thêm chút nữa không? Nhưng tôi không nói thành lời, miệng không dám nói, chỉ có thể trân trân nhìn anh.

Đột nhiên Lữ Tân Nghiêu quay đầu lại, dưới tầm mắt mông lung của tôi, dường như anh để lộ chút dịu dàng, anh bước trở lại, ngón tay làm động tác tựa như lau nước mắt trong quá khứ, nhưng lần này anh không làm thế, Lữ Tân Nghiêu chỉ hỏi: “Ngày mai mấy giờ đi làm?”

Tôi đáp tám giờ, anh lại gật đầu, dặn dò tôi ngủ sớm rồi chỉ chừa lại cho tôi một lưng.

Ngày tháng dài rộng cứ như thể chẳng có gì hoàn thành, trùng phùng lại ngắn ngủi không đủ cấu thành một giấc mộng. Tiếng bước chân xa dần, tôi tỉnh lại.

Tôi tỉnh lại rồi.

Đại cục đã định, tôi là gánh nặng của anh, không thể quay đầu nữa.