Tặng Người Câu Chuyện Cổ Tích

Chương 2




Khả năng cao Ôn Nhiễm sẽ không mở cửa cho anh.

Trong bộ phim truyền hình nào đó, anh từng thấy một câu thế này: Đối với người bình thường, thế giới này do nhiều cá nhân chung tay tạo thành, còn trong thế giới của người tự kỷ thì chỉ có họ thôi.

Thế nên, họ rất khó thiết lập mối quan hệ tình cảm với người khác, ngoại trừ một vài người thân kề bên họ trong khoảng thời gian dài, thì người ngoài sẽ không dễ dàng bước vào khoảng trời vùng đất riêng của họ.

Thuở bé, Ôn Nhiễm từng thực hiện các quá trình trị liệu bệnh tự kỷ chuyên nghiệp, dù sao gia đình cô cũng có điều kiện. Bắt đầu từ thời thơ ấu, việc điều trị và giáo dục mà cô nên nhận được chưa từng thiếu một bước nào.

Người thân của cô từng nói cô có thiên phú nhất định trong lĩnh vực nghệ thuật, đây là tài năng khá đặc biệt của nhóm bệnh nhân tự kỷ, còn được gọi là hội chứng bác học [*]: Người bệnh mắc chướng ngại về mặt nhận thức, nhưng ở một số khía cạnh khác, họ lại tài năng vượt xa người thường. Trên thực tế, trong số những bệnh nhân tự kỷ, chỉ có 10% mắc hội chứng bác học, họ thường vượt trội hơn người thường trong một vài kiểm tra đặc biệt. Ôn Nhiễm chính là người nằm trong số 10% này.

[*] Hội chứng bác học: người bệnh có một hoặc vài khả năng xuất chúng, vượt xa mức trung bình. Những khả năng xuất sắc của người bệnh thường thể hiện ở khả năng tính toán nhanh, nhớ nhiều, chơi nhạc cụ và sáng tác rất tài giỏi, hoặc khả năng hội họa khác thường. Những người mắc bệnh nói chung có rối loạn thần kinh như rối loạn phổ tự kỷ do di truyền (bẩm sinh) hoặc do bị chấn thương não.

Nhưng cũng không đồng nghĩa, cô sẽ trưởng thành khỏe mạnh giống người bình thường.

Vào năm bốn tuổi, cô đã được chẩn đoán chính xác là rối loạn phổ tự kỷ. Còn trước đó, cô chỉ là một bé gái xinh xắn dễ thương, sẽ nép vào lòng mẹ, thi thoảng sẽ cười sẽ khóc. Nhưng dần dà, bố mẹ cô phát hiện ra, đứa trẻ đáng yêu này chưa từng hào hứng với ai ngoại trừ bản thân mình, ngay cả bố mẹ cũng không ngoại lệ.

Thậm chí cô còn chưa bao giờ cất tiếng gọi họ bố ơi mẹ ơi. Trong bất cứ trường hợp nào, cô chỉ luôn chú ý tới thứ mà mình thấy hứng thú, như một bức tranh, một chiếc ly, hay đồng hồ hoạt động không ngừng. Cô có thể quan sát chúng lâu thật lâu, hễ ai cắt ngang cũng sẽ khiến cô bực bội, thậm chí khóc ré lên. Mãi đến khi quay về trạng thái cô thích ban nãy một lần nữa, cô mới có thể yên tĩnh lại.

Cho tới lúc này, bố mẹ Ôn Nhiễm buộc phải đưa cô đi tiến hành giám định chuyên nghiệp. Cuối cùng họ đã nhận được kết quả mà họ không muốn nhất, nhưng cũng nằm trong dự đoán từ trước của họ.

Một kết quả đủ để khiến một gia đình bình thường sụp đổ.

Từ lúc hai người kết hôn đến nay, Ôn Nhiễm chưa từng giống một người vợ bình thường. Khi chung sống với người chồng Tạ Vân Lễ, cô cũng không hề giao tiếp xã hội bình thường. Cuộc sống của cô khép kín, kể từ lúc ở biệt thự này, cô chưa bao giờ đặt chân ra khỏi cửa một bước.

Mấy lần tới biệt thự trước đây, anh chỉ có thể thấy bóng dáng thoáng qua của cô và nụ cười áy náy của dì Chúc.

Sau khi nhấn chuông, quả nhiên bên trong không hề có động tĩnh, hệ thống chuông cửa cũng không truyền đến bất cứ âm thanh nào. Tạ Vân Lễ không lưỡng lự nữa, nhập mật mã vào.

Tạ Vân Lễ nhìn lướt qua, vẫn giống trước kia, sân nhỏ đơn điệu sạch sẽ, không thay đổi mấy, có điều bên cạnh gốc cây ban đầu trong sân nở một vài bông hoa, cũng không biết có phải do dì Chúc trồng không, trông chúng tương tự hoa dại ven đường.

Anh mở cửa vào, cố ý tạo ra âm thanh.

“Việc trị liệu nào có thể làm thì đã làm hết, nhưng cháu cũng biết đấy, bệnh này khó điều trị lắm. Chú dì không tài nào trông mong vào việc con bé sống giống một cô gái bình thường được, nó có thể tự lo liệu sinh hoạt, có thể giao tiếp đơn giản với người khác đã rất khó rồi, đa số thời điểm nó vẫn ở trong thế giới của mình. Chưa kể, dạo trước trong vô số phương pháp can thiệp và trị liệu, một vài cách đã tạo nên tổn thương cho con bé ở một mức độ nhất định. Thế nên, xin cháu hãy cố gắng hết sức, nhẫn nại chung sống với con bé…”

Đây là lời mà một người lớn của nhà họ Ôn đã gửi gắm đến Tạ Vân Lễ.

Kết hôn hơn hai năm, không phải anh chưa từng thử tiếp xúc với cô, nhưng sau khi người mẹ thân thiết nhất với cô trên đời này nhắm mắt xuôi tay, hình như không còn một ai có thể bước vào vùng trời riêng của cô nữa.

“Vốn dĩ với quá trình chăm sóc và đồng hành tận lực của chúng ta, con bé đã có thể tiếp xúc bình thường với người khác như bao cô gái ngoài kia, cũng đã có khả năng tự sinh hoạt, biết tự ăn cơm, biết bộc bạch nhu cầu của mình, những chuyện nên làm trong cuộc sống nó sẽ biết làm cả. Ấy mà giờ đây, con bé không còn muốn gần gũi với bất cứ ai nữa.”

“Đừng xem con bé như bệnh nhân, mặc dù mắc bệnh tự kỷ nhưng nó không ngốc. Ngoại trừ có chứng tự kỷ bẩm sinh, con bé không hề kém các cô gái bình thường, hy vọng cháu có thể kiên nhẫn với nó nhiều một chút…”

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Tạ Vân Lễ bật công tắc phòng khách lên, cách bài trí không hề thay đổi.

Phòng khách rộng lớn, dùng tông màu trắng gạo làm chủ đạo, bên cạnh một vài đồ dùng thiết yếu thì cũng không trang trí gì nhiều.

Để cô thích ứng với môi trường mới là việc không dễ, vậy nên nơi này được sắp xếp gần giống ngôi nhà ban đầu của cô, ngay cả cây dương cầm của mẹ Ôn Nhiễm thuở sinh thời cũng được chuyển tới đây.

Từng món đồ thân thuộc của cô đều được để ngay ngắn, dựa vào khoảng cách đặc biệt mà bày ở chỗ phù hợp với thói quen của cô. Nếu tự ý thay đổi vị trí, có lẽ cô sẽ không tài nào thích ứng được.

Chứng tỏ cô có khả năng ghi nhớ rõ khoảng cách và vị trí giữa các món đồ, trí nhớ của cô đã xuất sắc từ nhỏ.

“Ôn Nhiễm, em có ở đây không?”

Tạ Vân Lễ tìm trong phòng khách một vòng, lầu dưới không có ai, phòng trên tầng hai cũng không mở đèn. Anh lên lầu gõ cửa phòng ngủ: “Ôn Nhiễm, em đang ngủ à? Anh là Tạ Vân Lễ, là…”

Chồng của em.

Tạ Vân Lễ khựng lại. Trong mắt họ, tư cách này hình như chẳng quan trọng mấy, bất kể đối với cô hay với chính anh.



Cửa phòng ngủ không khóa, bên trong không một bóng người.

Chẳng lẽ vì dì Chúc chậm chạp chưa về nên cô tự ra ngoài rồi?

Nghĩ đến đây, Tạ Vân Lễ lập tức xuống lầu. Định lấy di động ra chuẩn bị gọi điện sắp xếp tìm người, anh bỗng nghe thấy tiếng vang truyền từ dưới tầng lên.

Tầng dưới cùng của biệt thự ba tầng thật ra là tầng hầm, trước kia để rượu vang đỏ và một vài đồ lặt vặt, về sau đã được dọn sạch hết, trong đó ắt hẳn không có thứ gì mới đúng.

Tạ Vân Lễ bước tới, khi sắp mở đèn lên, bất chợt một bóng người xuất hiện, di chuyển từ cầu thang tầng hầm lên lầu.

Cô mặc váy ngủ, mái tóc rối bù, hai tay xách làn váy dài. Cô vừa chạy lên thì đối mặt với dáng người cao lớn của Tạ Vân Lễ.

Thời gian như ngưng đọng.

Cả hai đứng ở đầu cầu thang, một người vẫn còn đang duy trì tư thế chạy lên trên.

Trong hành lang mờ tối, đôi mắt hoảng hốt của cô nhìn anh một giây, sau đó cô lập tức né tránh ánh mắt anh.

Cũng trong thời gian hơn một giây như thế:

Rõ ràng cô bị giật mình, dép lê dưới chân trượt đi, cô suýt té ngã.

Tạ Vân Lễ định đưa tay đỡ cô, nhưng cô đã tự lảo đảo vịn tường. Cô vẫn chưa kịp định thần, chỉ đứng ở đó, lúc cô lên tiếng, ngay cả giọng nói cũng run rẩy: “... Tạ Vân Lễ? Sao anh lại… ở đây?”

Anh hơi bất ngờ.

Vì đây là lần đầu tiên cô chủ động cất tiếng trong hơn hai năm nay.

Phát âm vẫn non nớt chưa rõ. Giống nhiều đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ khi trưởng thành khác, cô cũng có chứng rối loạn ngôn ngữ nhất định, cứ như vẫn dừng ở thời kỳ vừa tập nói thuở nhỏ, từ đó về sau giọng nói và ngôn ngữ không phát triển thêm.

Một vài người bệnh tự kỷ luôn có phương pháp sử dụng ngôn ngữ thuộc về riêng mình, thậm chí một số người còn không thể dùng ngôn ngữ bình thường để bày tỏ cảm xúc của bản thân. Thế nên qua từng lời nói lẫn hành động, rất dễ để có thể phát hiện sự tồn tại của họ giữa biển người.

Tạ Vân Lễ bảo: “Dì Chúc không khỏe, bây giờ đang nghỉ ngơi trong bệnh viện, dì ấy không yên tâm về em nên gọi điện cho anh.”

Anh chạm vào công tắc trên tường rồi mở lên, diện mạo cô chợt rõ ràng hơn phần nào, khắp người cũng co rúm.

Trước kia gặp mặt, hai người chưa từng cách nhau gần như thế, nhưng thoạt trông cô không thay đổi mấy. Ở nhà quanh năm khiến làn da cô trắng bóc, suối tóc đen hiếm khi cắt đã dài đến mức gần như có thể che phủ toàn bộ tấm lưng mảnh mai của cô. Nhìn cô gầy gò mong manh, trong bộ váy ngủ rộng rãi ấy, cảm giác như cô lung lay sắp đổ.

Đôi mắt chưa từng tiếp xúc chính diện với ai đấy hơi lóe lên, không biết cô đang nhìn nơi nào, hai tay bứt rứt bất an giấu bên người, cứ như bất cứ lúc nào cô cũng có thể xoay người chạy trốn.

Nhưng cô vẫn xinh đẹp, dù đã hơn hai mươi tuổi nhưng trên người cô luôn toát lên khí chất thiếu nữ độc đáo. Đối với người khác, diện mạo cuốn hút là ưu thế, nhưng trong mắt Ôn Nhiễm, điều cô không hy vọng nhất chính là khiến người khác chú ý tới. Thế nên, đây cũng là một trong những nguyên nhân cô không thể ra ngoài một mình. Với dung nhan này, cộng thêm chướng ngại giao tiếp nghiêm trọng, một khi khiến người khác chú ý, nhiều khả năng sẽ kéo tới phiền phức không cần thiết.

Tựa như cô phải đột ngột tìm kiếm câu từ thích hợp, sau mấy giây, giọng nói yếu ớt của cô mới vang lên lần nữa: “Dì Chúc… ở bệnh viện, bị bệnh sao?”

“Dì ấy không sao, không nghiêm trọng, em ăn cơm chưa?”

Tạ Vân Lễ xoay người tiến vài bước, anh biết nếu mình tiếp tục đứng tại chỗ, cô sẽ quay đầu chạy trốn, hoặc vẫn sẽ chôn chân ở đó không nhúc nhích.

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Khi không hiểu được ý nghĩa của hôn nhân, đột nhiên xuất hiện thêm một người chồng, đến người thường còn hoang mang, huống chi là Ôn Nhiễm mắc bệnh tự kỷ.

Nhưng dường như cô cũng chưa bao giờ để ý đến việc này.

Có điều, dì Chúc cũng lo lắng quá rồi, dù sao cô đã lớn, dựa vào tình trạng bây giờ của cô, ở trong biệt thự một mình một ngày cũng khó khăn gì với cô.

“Chưa, em chưa ăn.” Tốc độ nói chợt tăng nhẹ, cô lắp bắp: “Dì Chúc… Dì Chúc bảo sẽ mau chóng quay về, nhưng dì ấy mãi chưa về, em đang chờ dì ấy dùng bữa chung, chờ dì ấy…”

Nói xong mấy lời này, cô chậm rãi dừng lại, xung quanh trở nên yên tĩnh.



Quả nhiên là thế.

Dì Chúc đã từng nói, ngoại trừ cơm dì nấu, Ôn Nhiễm sẽ không ăn đồ gì khác, vì trên đời này chỉ mỗi mẹ cô và dì Chúc mới biết rõ món cô thích, đồng thời sắp xếp đồ ăn trước mặt theo đúng ý cô, bằng không cô sẽ thấy bối rối. Theo quá trình trưởng thành của cô, việc này đã cải thiện hơn, nhưng kể từ thời điểm mẹ Ôn Nhiễm qua đời, sự chuyển biến tốt đẹp của cô sau khi điều trị giống hệt một hòn đá chìm nghỉm dưới nước. Ngoại trừ trò chuyện đơn giản với dì Chúc, hầu như cô sẽ không để ý tới người ngoài.

Đây cũng là lý do khiến dì Chúc lo lắng khi để cô ở đây một mình.

Mẹ cô qua đời, mang theo luôn cả sợi dây liên kết yếu ớt mà cô không dễ gì mới tạo dựng được với thế giới này.

Tạ Vân Lễ quay đầu nhìn, thấy cô hơi cúi đầu, đan chặt hai tay vào nhau: “... Mẹ dặn em phải ăn thật ngon, nên em phải cố gắng ăn cơm. Em đang chờ dì Chúc về ăn chung, mẹ nói nếu em không ăn uống đầy đủ thì mẹ sẽ buồn, em không muốn mẹ buồn…”

Lời nói mang tính lặp lại, người thường nghe được sẽ thấy không có ý nghĩa gì, thậm chí còn khó hiểu. Nhưng đối với nhóm người đặc biệt, đây là hệ thống ngôn ngữ thuộc về riêng họ.

Nhiều khi, việc kiểm soát tâm trạng và tư duy là điều cực kỳ khó khăn với họ.

Đợi cô dứt lời, Tạ Vân Lễ cố gắng thả chậm tốc độ nói một chút: “Được, vậy em muốn ăn gì? Ngoại trừ đồ dì Chúc nấu, em còn thèm món nào khác không?”

Trong mắt Ôn Nhiễm, vấn đề này hình như hơi khó. Lúc cô đang cúi đầu tự hỏi, điện thoại của Tạ Vân Lễ bỗng dưng vang lên.

Anh quên chỉnh điện thoại sang chế độ im lặng, trong hành lang yên ắng, tiếng chuông điện thoại đột ngột này nghe khá chói tai.

Nhưng phản ứng đầu tiên của anh không phải nghe máy, mà là nhìn Ôn Nhiễm.

Quả nhiên, sau khi chuông điện thoại kêu vang, ánh mắt cô lập tức trở nên sững sờ.

Tạ Vân Lễ nhanh chóng nhớ ra.

Anh biết rõ cô sẽ sợ một vài âm thanh bất chợt xuất hiện, ví dụ như tiếng chuông chói tai.

Giới hạn phản ứng của bệnh nhân tự kỷ thấp hơn hẳn người thường, bẩm sinh họ đã sở hữu giác quan nhạy cảm. Rốt cuộc họ cảm nhận thế giới thế nào, người thường sẽ không bao giờ hiểu được. Dù đấy chỉ là một trung tâm thương mại ồn ào, hay một tiếng rền vang đột ngột của ô tô, cũng sẽ khiến cảm quan của họ quá tải, dẫn đến nỗi sợ sệt và suy nghĩ cực đoan.

Tạ Vân Lễ biết cô có cảm giác sợ hãi với tiếng chuông điện thoại thình lình, có thể vì bắt nguồn từ ký ức nào đó trong não bộ của cô.

Tạ Vân Lễ lấy điện thoại ra định nhấn tắt máy, lại sơ ý nhấn vào nút nghe máy. Giọng Chu Duy truyền đến: “Sếp Tạ, dì Chúc nói dì ấy đang trên đường về…”

Tạ Vân Lễ cầm điện thoại vào phòng, hỏi Chu Duy: “Bao lâu nữa tới?”

“Bệnh viện hơi xa, nếu dì ấy bắt taxi thì nhanh nhất cũng mất hơn nửa tiếng…” Chu Duy nói: “Hình như dì ấy lén chạy ra khỏi bệnh viện, vì không yên tâm để cô Ôn một mình.”

Thực tình, sao mà dì Chúc yên lòng nổi chứ?

Cô như thế, hiển nhiên anh không ứng phó được rồi.

“Ừ, dì ấy về nhanh cũng tốt.”

Chu Duy nhận ra ẩn ý khác, anh ta định hỏi một câu Ôn Nhiễm thế nào, Tạ Vân Lễ đã dứt khoát cúp máy.

Trái tim đập điên cuồng vì muốn hóng hớt chuyện của Chu Duy bỗng bình lặng lại.

Trước đây, vào một lần nọ do tò mò quá, anh ta đã vô tình nhắc đến cô một câu, bấy giờ sắc mặt Tạ Vân Lễ đã thoáng thay đổi. Từ đó về sau, Chu Duy không chủ động nhắc tới Ôn Nhiễm một lần nào nữa, anh ta không dám.

Tạ Vân Lễ không phải người khiến người ta sợ đến mức không dám nói đùa trước mặt anh. Nhưng khi nhìn anh, Chu Duy vẫn có thể nhận ra, anh không muốn nghe tới chủ đề xoay quanh Ôn Nhiễm, cũng không muốn đề cập đến.

Cúp máy xong, Tạ Vân Lễ rời phòng.

“... Ôn Nhiễm?”

Tạ Vân Lễ không thấy cô đâu, tìm một vòng thì bắt gặp góc áo phía sau sô pha.

Cô nấp sau sô pha, như thể làm thế thì có thể giấu bản thân trong vùng đất riêng của mình, ngăn chặn tất cả mọi âm thanh làm cô e ngại.

Có lẽ, điều khiến cô muốn cách xa nhất không chỉ có mỗi tiếng chuông đột nhiên reo vang, mà còn cả người đột nhiên xuất hiện là anh đây.