Tần Nhượng Thư

Chương 5: An Dương Lã thị mưu chung đỉnh - Chính Khí khai trang huyết mãn môn




Theo đúng lễ chị dâu em chồng dù kết nghĩa, cũng không được làm thế. Thiết Kình Ngư nóng mũi nói bâng quơ :

- Chốn đông người mong nhị vị cẩn trọng để tránh hiểu lầm.

Ngọc Trâm tái mặt, lén liếc nhìn Nhương Thư, thấy chàng vẫn thản nhiên nhìn lên lôi đài, nàng mới yên tâm.

Thực ra, Nhương Thư đã nhìn thấy hết, vì nghĩ rằng cặp uyên ương kia rất xứng đôi Tuy hơi cay đắng nhưng lại hợp lý vì chàng đã quyết liều thân với Lã Tập Hiền.

Qua trận giao đấu lúc nãy, chàng tự hiểu rằng mình khó thắng họ Lã, chỉ có cách đổi mạng.

Song không phải hôm nay, vì cặp đấu thứ hai là Hán bang Liễu Văn Chiêu và Võ Di sơn chủ Từ Bạch Âu.

Sàn lôi đài đã được rửa sạch vết máu và hai cao thủ sắp sửa ra tay.

Võ Di là một danh sơn ở đất Phúc Kiến, Từ Bạch Âu dựng nhà trên ấy, tự xưng là Sơn chủ! Cũng như Bang chủ Hán bang, họ Từ ít khi xuất thủ nên võ lâm không thể ước lượng được bản lãnh của họ.

Đây là lần đầu hai người này biểu diễn võ thuật trước mặt quần hùng.

Những người tham gia cá cược chỉ có thể dựa vào tuổi tác mà đánh giá cao Từ Sơn chủ. Lão hơn họ Liễu hai tuổi, một khoảng cách rất nhỏ bé không có ý nghĩa quan trọng.

Võ Di sơn chủ có vóc người tròn trịa, phương phi, mặt hồng hào phúc hậu, râu năm chòm điểm bạc trông rất đẹp lão.

Ông thấp hơn Liễu Văn Chiêu nửa xích nhưng to ngang hơn.

Vũ khí của họ Từ là cây Tam Tiết côn bằng ống thép dầy, gồm ba đoạn được nối vào nhau bằng những khoeo sắt. Mỗi đoạn còn có chiều dài tương với trường kiếm, thân to bằng cổ tay trẻ con mới sinh Tam Tiết côn là vũ khí độc môn, xếp hàng thứ tám trong binh khí phổ, ít được làng võ ưa chuộng vì cồng kềnh, thô kệch và khó học. Chỉ có Võ Di sơn chủ là người giỏi nhất trong nghề đánh Tam Tiết côn.

Loại vũ khí này lợi hại ở chỗ có thể vươn xa đến hơn trượng, khi cận chiến thì trở thành đoản côn hoặc song đoản côn.

Quần hùng vô cùng cao hứng được chứng kiến thần oai của một loại binh khí hiếm hoi, reo hò thúc giục như chợ vỡ.

Nhưng kẻ được quyền xuất thủ trước lại là Bang chủ Hán bang Liêu Văn Chiêu, lão đã khiến cử tọa bàng hoàng bằng một đòn Ngự kiếm thượng thừa.

Lưỡi kiếm của lão mạ vàng nên kiếm quang rực rỡ đến chói mắt, dường như còn có tác dụng che giấu lộ số.

Chắc các vị đọc giả thắc mắc muốn biết thời xưa người ta mạ vàng vào kim loại bằng cách nào? Xin thưa rằng rất đơn giản, họ mài vàng thành hạt nhỏ, ngâm trong thủy ngân, là chất có thể hòa tan được vàng. Sau đó họ quét thứ hỗn hợp này lên mặt ngoài những vật cần mạ, rồi dùng lửa hơ khiến thủy ngân bốc hơi, chỉ còn lại vàng bám chặt. Cuối cùng, họ dùng mã não mài ép, làm lớp vàng mỏng kia thành sáng bóng.

Người Trung Hoa cổ xưa đã biết phương pháp mạ vàng này từ thới Xuân Thu - Chiến quốc, tồn tại qua các đời không hề gián đoạn. Thủy ngân thì chẳng thiếu vì ở đất Quý châu có rất nhiều hồ lớn chứa đầy thứ kim loại lỏng ấy.

Giờ hãy quay lại với lôi đài để xem Võ Di sơn chủ đối phó thế nào trước chiêu kiếm óng ánh sắc hoàng kim kia.

Từ Bạch Âu không hề lúng túng, song thủ nắm chặt đoạn giữa, vũ hợp hai đoạn ngoài, dựng nên bức tường thép cực kỳ kiên cố và kín đáo như da trời.

Hai ống thép nặng nề xoay tít như chong chóng, giáng những đòn nặng như búa tạ vào lưới kiếm, đánh văng Liễu Vân Chiêu ra xa!

Quần hùng hoan hô Từ lão nhiệt liệt, xuýt xoa tán dương côn thuật núi Võ Di.

Từ Bạch Âu phấn khởi, vũ lộng Tam Tiết côn phản kích bằng bốn chiêu liên hoàn, đẩy lùi họ Liễu hơn trượng.

Lúc này cử tọa mới biết Võ Di sơn chủ thần lực kinh nhân, dẫu tuổi đã gần thất thập Lão sử dụng cây côn ba khúc, nặng bốn chục cân rất nhẹ nhàng, thoải mái.

Liễu Văn Chiêu cắn răng chống đỡ những nhát côn như trời giáng, hoặc tận dụng khinh công mà né tránh, dùng phép du đấu, chờ cơ hội phản đòn.

Dưới này, Nhương Thư dần dần nhận ra sự quen thuộc trong kiếm pháp của Liễu Văn Chiêu. Nó rất giống với pho Hạo Thiên kiếm pháp mà Đệ tứ châu khanh của Tứ Phạn Thiên cung đã thi triển ở Điền gia trang.

Thì ra Liêu Văn Chiêu là người của Thiên cung. Lão mạ vàng trường kiếm để che những vệt sáng đặc trưng trong Hạo Thiên kiếm pháp.

Nhương Thư là người duy nhất so kiếm với cao thủ Thiên cung, trong suốt mười ba năm qua, chàng lại có ký ức rất tốt nên mới khám phá ra quỷ kế.

Thấy Bang chủ Hán bang đang cố tìm cách di chuyển về hướng Tây, chiếm vị trí đầu ngọn gió, Nhương Thư vội vận công nói lớn :

- Từ sơn chủ không được để cho họ Liễu chiếm hướng gió! Lão ta sắp phóng Vô Hình Chi Độc đấy!

Từ lão hoảng hồn, liền mở rộng lưới côn, quét văng Liêu Văn Chiêu trở lại hướng Đông.

Quần hùng nghe nói đến Vô Hình Chi Độc sợ đến đứng cả lên, ồn ào khôn tả.

Vô Ưu Cái nói ngay :

- Tần thiếu hiệp! Chẳng lẽ Liễu Văn Chiêu là người của Tứ Phạn Thiên cung?

Nhương Thư nghiêm giọng đáp!

- Tại hạ đoan chắc như thế! Họ Liễu đang thi triển Hạo Thiên kiếm pháp!

Từ khi biết Nhương Thư là học trò của vị thánh tăng núi Ngũ Đài sơn, quần hùng vô cùng ngưỡng mộ và tin tưởng.

Trong số họ có không ít người trực tiếp hay gián tiếp mang ơn Phật Đăng Thượng Nhân. Vì thế, mọi người hô vang :

- Giết gian tế!

Rồi họ nhảy xổ vào mười ba gã tùy tùng của Liễu Van Chiêu đang ngồi quanh bàn tiệc.

Kể tiên phong chính là Bạch Thúy Sơn và Tào Ưng. Họ Bạch quả xứng danh Vạn Lý Thần Điêu, từ bàn mình bốc lên cao, bay chếch hai trượng, bủa lưới thép xuống đầu kẻ địch. Trường kiếm của gã quét ngang theo hình nan quạt, đâm thủng đầu ba gã Hán bang.

Thiết Kình Ngư Tào Ưng chậm hơn một bước nhưng cũng đâm thủng ngực được một tên. Chín gã còn lại rút kiếm chống cự nhưng rốt cuộc cũng chết sạch dưới sự phẫn nộ của đám đông.

Cũng lúc ấy, có hai bóng người phi thân lên lôi đài, nam mặc áo xanh thẫm, nữ võ phục lam nhạt.

Nữ nhân áo lam nhạt ấy chính là Bạch Ngọc Tiên Tử Lam Đại Ngọc, Phó trang chủ Chính Khí trang. Nàng nhanh chân hơn nên lên trước Nhương Thư, vung Thiết địch lướt đến tấn công hậu tâm Bang chủ Hán bang.

Nhương Thư đành đứng một bên quan chiến, đề phòng họ Liễu đào tẩu. Chàng kinh ngạc khi nhận ra nét căm hờn trên gương mặt của Tiên tử. Dường như nàng có mối thù sâu đậm với Thiên cung vậy!

Cây Thiết địch đen bóng có hoa văn khảm chỉ vàng kia chính là vũ khí thành danh của Địch Thánh Dư Minh Thiều, nó không dầy nhưng được làm bằng huyền thiết nên rất rắn chắc. Phải chăng Địch Thánh đã tạ thế mới trao vật tùy thân cho đệ tử?

Địch Thánh đứng hàng thứ ba trong Vũ Nội tứ thần, nhưng do tính lão ôn nhu, văn nhã, không hiếu tháng, nên khó biết bản lãnh thực như thế nào? Họ Dư từng đánh thắng Hồng Diện Tôn Giả, song lại tự nhận mình kém Đao Đế và Phật Đăng Thượng Nhân, dù không hề tỷ thí.

Nay Nhương Thư được tận mắt chứng kiến chiêu sáo của Đại Ngọc, lòng tự nhủ rằng chưa chắc Đao Đế xứng với vị trí thứ hai.

Cây Huyền Thiết địch kia rít lên, hóa thành trăm bóng ảnh, uy hiếp từ đầu đến đùi sau của họ Liêu.

Trước sau đều ngộ địch, Bang chủ Hán bang chỉ còn cách mở đường máu đào vong.

Lão nghiến răng đánh bạt cây côn của Võ Di sơn chủ rồi quay ngoắt lại đối phó với Bạch Ngọc Tiên Tử.

Chẳng cần phải giấu diếm võ công nữa, họ Liễu xuất chiêu “Mãn Thiên Tinh Đẩu”, kiếm quang hiện rõ những vệt sáng dọc ngang như ngàn sao đang băng qua bầu trời.

Nếu Hạo Thiên kiếm pháp tầm thường thì Tứ Phạn Thiên cung đã chẳng nổi danh, cộng với công lực thâm hậu, họ Liêu đã giải phá được chiêu sáo của Bạch Ngọc Tiên Tử. Kiếm chạm Thiết địch vang lên những âm thanh trong trẻo và thọc mũi vào ngực Lâm Đại Ngọc.

Tiên Tử thất kinh, đảo bộ lùi xa để né tránh Liễu Văn Chiêu như hổ dữ cùng đường, lập tức tung mình xông đến, toan hạ thủ để rộng đường thoát thân.

Nhương Thư thấy lão cụp năm ngón tay của bàn tay tả lại, đặt dưới rốn, liền nhớ ra rằng Đệ tứ châu khanh cũng từng có động tác ấy, và sau đó chàng trúng độc. Chàng vội vung kiếm, xuất chiêu “Minh Đăng Thất Hiện”, lao vào mé hữu của lão.

Khi kiếm của Liễu Văn Chiêu vừa chạm lưới sáo của Lâm Đại Ngọc thì lão kín đáo vung tả thủ lên. Nhưng Nhương Thư đã đến nơi, trường kiếm vẽ nên bảy bóng ảnh sáng trắng, lung linh như ngọn lửa.

Liễu Văn Chiêu vội xoay kiếm chống trả, điểm liền mười tám thức, nhưng không sao giải phá được tuyệt học Ngũ Đài sơn. Lão rú lên thảm thiết, ngã ngửa ra sàn đày giãy giụa, máu từ hai vết thương nơi ngực tuôn như suối.

Quần hùng hân hoan reo cười, không để ý rằng Bạch Ngọc Tiên Tử đã quy xuống vì trúng độc. Nhương Thư đã can thiệp kịp thời nên nàng chỉ hít phải có một ít, song cũng không đứng vững nổi, phải ngồi xuống vận công trục ra ngay.

Nhương Thư cau mày bước đến nói :

- Cô nương hãy dồn chân khí vào kinh Thủ Thái Âm Phế, tại hạ sẽ giúp một tay.

Nói xong, chàng ngồi xuống sau lưng nạn nhân, hữu thủ áp vào Mệnh Môn, tả thủ đặt lên vai trái, ngón trỏ bấm vào huyệt Vân Môn, ở bờ dưới đầu ngoài xương đòn.

Luồng chân nguyên hùng hậu của Nhương Thư trút vào người Tiên tử như thác lũ, giúp nàng nhanh chóng trục hết dư độc ra ngoài cơ thể theo mồ hôi.

Hổ Hồng Nhan Điền Ngọc Trâm đã lên đến, cầm kiếm đứng cạnh hai người, tư thế thì như hết lòng bảo vệ, mà lòng thì hậm hực, chỉ muốn đâm cho Bạch Ngọc Tiên Tử một nhát chết toi. Nàng trẻ đẹp thế này mà còn mê chàng, huống hồ gì cô ả gái già kia?

Ngọc Trâm ghen cũng phải vì nhan sắc của Lâm Đại Ngọc cũng thuộc hàng nhất lưu và thân thể đương nhiên nảy nở, hấp dẫn hơn Hổ Hồng Nhan.

Thời gian sao trôi qua quá chậm, phải chăng ả họ Lâm kia đã khỏe mà cố tình ngồi lì để được kề cận Nhương Thư?

Đúng khắc sau, Nhương Thư mới thu tay về, nhắm mắt điều tức, tái tạo lại số chân nguyên hao hụt.

Bạch Ngọc Tiên Tử thoát chết, quỳ lên bò ra xa một chút rồi quay lại, lạy tạ ân nhân. Nhưng nàng không bỏ đi mà cứ quỳ như thế để chờ đợi, mắt dán vào gương mặt nhân từ đôn hậu của chàng trai có đôi tai Phật.

Ngọc Trâm nghe máu ghen dồn lên óc, cười nhạt bảo :

- Thuyết phu thi ân bất cầu báo, cô nương bất tất phải chờ đợi! Hơn nữa, y phục của cô nương đã ướt đẫm và hôi hám, cần phải thay rồi đấy.

Bạch Ngọc Tiên Tử ngửi được mùi dấm chua của ghen tuông, tủm tỉm trả đũa :

- Ối chà! Té ra Tần công tử đây là trượng phu của Điền đại tiểu thư đấy sao? Thế mà mấy hôm nay ta cứ tưởng Bạch Thúy Sơn mới là rể của họ Điền! Không phải mình ta mà nhiều người cũng hiểu lẩm như thế đấy!

Đòn đau điếng này khiến mặt Ngọc Trâm lúc đỏ lúc tái xanh. Nàng giận dữ nạt :

- Tiện tỳ chớ nói càn!

Bị mạt sát, Tiên tử đứng phắt dậy, chỉ mặt Hổ Hồng Nhan gằn giọng :

- Thân nhi nữ dù học võ cũng giữ lễ! Nay nàng buông tuồng nhởn nhơ dạo phố với trai tơ, còn dám mắng người nữa sao? Nếu không nể Tần công tử thì ta đã xé rách miệng nàng ra rồi!

Ngọc Trâm thẹn quá hóa giận, rút kiếm định chém Tiên tử thì Tào Ưng nhảy vào giữa hai người. Gã lạnh lùng bảo :

- Lâm cô nương nói rất chí lý, sao tiểu thư lại phát tác?

Ngọc Trâm chết điếng khóc lóc :

- Đến Tào Ưng đại ca mà cũng nghi ngờ tiểu muội nữa sao? Chẳng qua tiểu muội muốn thử lòng Thúy Sơn để phòng sau này y gặp mặt ba đứa em gái của tiểu muội. Nếu họ Bạch có chút tà ý là tiểu muội sẽ có cớ đuổi đi ngay! Vẻ anh tuấn của Thúy Sơn chính là tai họa cho Nhương Thư đấy!

Tào Ưng nghe cũng có lý, gãi đầu nói :

- Sao nàng không nói trước? Hơn nữa, có những việc phải mà vẫn chẳng được phép làm, đi qua ruộng dưa thì chớ cúi xuống sửa giày, để lâm vào cảnh tình ngay lý gian.

Bạch Ngọc Tiên Tử mỉa mai :

- Bắt cá hai tay mà còn giả đò chính chuyên, thúi thực!

Hổ Hồng Nhan chưa kịp nổi tam bành thì Nhương Thư đã đứng lên, ôm nàng vỗ về :

- Ta đã hiểu tấm lòng của hiền muội.

Ngọc Trâm gục vào ngực chàng khóc rấm rức, lòng vô cùng hối hận. Nàng quen thói ngang ngạnh, nghĩ mình đúng là cứ làm nên mới có cảnh này.

Bạch Ngọc Tiên Tử nghiêng mình bái rối nói :

- Ơn cứu mạng hôm nay thiếp chẳng dám quên.

Dứt lời nàng nhảy xuống đất đi mất.

Bọn Nhương Thư cũng đã hạ đài được quần hùng xúm lại tán dương.

Vô Ưu Cái khám xác Liễu Văn Chiêu, phát hiện lão có mang mặt nạ, và trong cổ tay tả có giấu một túi the mỏng chứa độc phấn cực mịn.

Ông rất hân hoan trước chiến lợi phẩm này, dùng đũa gắp bỏ lọ sành mang về cho các danh y nghiên cứu cách giải độc.

Đã cuối giờ Tý nên Hầu bang chủ tuyên bố nghỉ trưa, đầu giờ Thân sẽ đấu trận của Nhương Thư và Quảng Đông Thần Đao Cốc Hậu Nhan.

Cơn trưa được dọn ra, dĩ nhiên không ngon lành bằng tiệc của Chính Khí trang ngày khai đàn.

Người võ lâm chỉ cần nhiều rượu là đủ nên chẳng hề phàn nàn. Họ vừa ăn uống vừa tranh luận về diễn biến bất ngờ lúc nãy. Dĩ nhiên là họ hết lời ca tụng Tần Nhương Thư, người đã phát hiện ra âm mưu của Tứ Phạn Thiên cung. Từ nay, thanh danh của chàng lẫy lừng tứ hải, dù có trở thành quyền Minh chủ hay không.

Nhưng Nhương Thư đã sớm rời khỏi Lã gia trang, quay lại thành An Dương nghỉ ngơi, thời gian hai canh giờ quá dài để ngồi nghe người khác tán tụng mình.

Bạch Thúy Sơn đã nghe được lời bộc bạch của Ngọc Trâm nên xấu hổ rủ Tào Ưng ở lại.

Về đến chỗ trọ, tắm táp và ăn uống xong, Hổ Hồng Nhan chui vào phòng đóng cửa lại, nằm khóc tỷ tê!

Khu phòng dành cho khách nam giới ở khá xa nên Nhương Thư không nghe thấy tiếng khóc, thản nhiên cởi áo ngả lưng cho khỏe.

Chẳng lẽ la làng lên để bị dám gia nhân trong nhà biểu huynh cười, Ngọc Trâm nín khóc, cắn môi suy nghĩ một lúc lâu rồi sang phòng Nhương Thư.

Cửa không đóng, Hổ Hồng Nhan bước vào, gài then cẩn thận, đi qua bức bình phong, đến trước giường của tình lang.

Nhương Thư đã ngồi lên, cười hỏi :

- Sao mắt của hiền muội đẫm lệ thế kia?

Điền Ngọc Trâm quị xuống, gục mặt vào gối Nhương Thư mà khóc thút thít.

Nàng mới gội đầu nên mái tóc huyền còn ẩm, buông xõa trên lưng và thoang thoảng mùi hương thơm của hoa lài.

Người ta đã tẩm tinh dầu hoa lài vài những viên bồ kết để thân thể và tóc được thơm tho. Chỉ có những giàu mới dám dùng loại này.

Trễ lắm là vào thời nhà Đường, người Trung Hoa đã biết dùng bồ kết để tắm gội. cách chế biến viên bồ kết rất đơn giản, còn được ghi lại trong bản thảo cương mục của danh y lý thời Trân Triều minh: “Tháng mười hái bồ kết về, đun chín, giã nát, hòa với bột mì trắng và hương liệu rồi viên lại!”

Nhương Thư vuốt tóc nàng rồi đỡ lên, đặt ngồi vào lòng. Thân hình mềm mại, ấm nóng và ngát hương của Ngọc Trâm đã khiến tâm hồn chàng lâng lâng một cảm giác hạnh phúc diệu kỳ.

Chàng ở trần để lộ thân trên săn chắc, bắp thịt không nở nang nhưng nắm lại thành múi rất rõ. Người học võ, ngoài việc luyện nội công còn phải nâng cao sức chịu đựng của cơ bắp và khung xương. Ví như kẻ bẩy đá, dù khỏe mạnh mà dùng đòn bằng gỗ nhỏ, yếu thì thất bại vì đòn bị gậy.

Tóm lại, các đại cao thủ đều kiêm thông nội công và ngoại công! Nhương Thư cũng vậy nên cơ thể rất đẹp, khiến cho Ngọc Trâm bị quyến rũ, dù đầy những vết thương chưa liền miệng. Nàng chìm dần vào trạng thái say đắm, run rẩy vuốt ve bờ ngực trái của chàng.

Nhương Thư có định lực rất thâm hậu, nhờ trai giới suốt mười mấy năm ròng, tuy xao xuyến nhưng vẫn không nổi tà tâm.

Hổ Hồng Nhan mỗi lúc thêm háo hức, nhìn chàng đắm đuối và đỏ mặt thì thầm :

- Đại ca! Tiểu muội xin dâng hiến để chứng tỏ lòng mình.

Nhương Thư mỉm cười :

- Nàng chứng tỏ tình yêu bằng cách ấy chỉ tổ khiến ta kiệt lực, tứ chi bải hoải, làm sao chiều nay có sức mà thượng đài?

Ngọc Trâm thẹn chín người, nhe răng cắn vào vai Nhương Thư rồi hờn dỗi bỏ về phòng mình.

Giữa giờ Mùi, hai người lên ngựa đi đến Lã gia trang. Được vài dặm, đường quan đạo nhỏ xuyên qua cánh rừng Hoàng Đàn già nua, vươn ra đến gần giữa lộ, tỉa mùi thơm thoang thoảng.

Hoàng Đàn thuộc họ long não, là loài thân gỗ lớn, thường xanh, thu về không rụng lá như ngô đồng. Chính vì thế, lữ khách khó có thể nhận ra những tên thích khách mặc y phục xanh lục ẩn mình trên cây. May thay, do giận dỗi nên Hổ Hồng Nhan chẳng thèm chuyện trò với Nhương Thư, giả đò ngắm nghía phong cảnh.

Nàng tức tối và hổ thẹn vì đã lỡ miệng hiến thân cho gã ngốc kia, để bẽ mặt vì bị chối từ!.. Dù rằng, lòng nàng rất khâm phục nhân phẩm của Nhương Thư, nếu là nam nhân khác thì chẳng mèo nào chê mỡ! Là nàng chợt nghĩ đến cảnh bụng mình to ra khi chưa cưới hỏi liền bật cười khúc khích! Rồi ánh mắt nàng chạm phải một đống lù lù trên tán cây bên đường, kinh hãi thét lên :

- Đại ca! Coi chừng mai phục!

Cả hai gò cương, rút kiếm phòng thân.

Thấy đã bị lộ, bọn thích khách đành nhảy xuống, chạy đến tấn công. Chúng đông độ hai chục tên, toàn thân phủ kín bàng vải màu xanh lá, chỉ chừa hai lỗ mắt, tay lăm lăm kiếm tuốt trần, chẳng hiệu thuộc bang hội nào?

Nhương Thư quắt mắt nói mau :

- Trâm muội cứ tìm cách thoát đi trước, để ta đoạn hậu cho.

Hổ Hồng Nhan lắc đầu :

- Không! Uyên ương sống chết có đôi!

Dứt lời, nàng thúc gót giầy vào bụng ngựa, tuấn mã chồm lên, lao vào hàng ngũ đối phương. Nhương Thư cũng phải bám theo ngay.

Đôi ngựa phi song song nên mỗi người chỉ phải đề phòng một phía, và trước mặt.

Nhương Thư nhoài người vung kiếm chém vào một tên vừa áp sát. Gã cử gươm đỡ đòn, nào ngờ nhát kiếm kia nặng tựa nghìn cân, lại từ trên cao giáng xuống, đã đánh văng vũ khí của gã, tên sát thủ chưa kịp thoái hậu thì mũi kiếm đối phương đã biến thế đâm thủng trán.

Bên kia, Hổ Hồng Nhan cũng đả thương được một gã, hứng chí tiến lên.

Nhưng bọn phục binh đã vung tay phóng ám khí như mưa, khiến Nhương Thư và Ngọc Trâm phải loang kiếm bảo vệ châu thân. Họ không thọ thương nhưng đôi ngựa hí lên não ruột, khuỵu xuống vì chân cắm đầy những mũi phi tiêu tẩm độc.

Phi tiêu là loại ám khí rất phổ biến, chế tạo dễ dàng và thủ pháp phóng cũng không khó. Nó cấu tạo bởi một đoạn thép dẹp, nhọn, dài nửa gang, đuôi cột chùm tơ để luôn bay thẳng. Chùm tơ ấy có tác dụng như những cái cánh ở đuôi trường tiễn. Nhờ thế, bất cứ ai cũng có thể phóng phi tiêu sau hơn tháng luyện tập.

Tiếng ngựa hí bi thương kia dường như đã đánh thức một kỷ niệm đẫm máu trong quá khứ của Nhương Thư! Ngày ấy, bọn bịt mặt cũng đã dùng ám khí đánh đòn phủ đầu, giết chết tuấn mã của cha chàng, khiến ông phải cõng chàng mà phá vây.

Sau này, khi điều tra ra lai lịch của Nhương Thư, Phật Đăng Thượng Nhân đã đến Trường Sa rước thân mẫu chàng đi Ngũ Đài sơn sum họp. Chính bà cũng không biết vì sao có kẻ lại muốn giết một kiếm sĩ chưa thành danh như Tần Tử Chính?

Cái chết oan uổng, đầy nghi vấn của ông đã khiến kỷ niệm xưa càng hằn sâu tâm hồn Nhương Thư. Giờ đây, sát khí phủ mờ gương mặt nhân hậu và mắt chàng lập lòe những tia oán độc.

Nhương Thư lại biến thành kẻ say máu, phóng tay chém giết. Nhưng trong phe đối phương có đến sáu, bảy cao thủ, bản lãnh tương đương hoặc hơn Thiết Kình Ngư.

Chỉ sau vài chiêu, chàng đã nhận ra gốc tích phe địch. Những sóng âm quái dị đang công phá màng nhĩ chàng chính là đặc tính của Huyết Tâm kiếm pháp.

Vậy là Lã Tập Hiền quả thật đã trở thành Giáo chủ Huyết Tâm giáo. Lão e ngại Nhương Thư nên cho thủ hạ diệt trừ, hoặc để tìm hiểu xem chàng có kháng cự nổi ma thanh như Phật Đăng Thượng Nhân hay không?

Năm xưa, Huyết Tâm Đế Quân vong mạng, tan nát cơ đồ cũng vì có kẻ giỏi nghề giả điếc như Phật Đăng!

Tuy tận mắt chứng kiến Nhương Thư phải lấy máu đổi mạng Hạt Nhãn Thần Ma, tức bản lãnh kém xa mình, song họ Lã vân chưa yên tâm! Trong võ lâm, không ai biết chắc pho kiếm pháp Phật Đăng có bao nhiêu chiêu, dường như cứ mỗi lần đụng phải đi thủ cao cường hơn là Thượng nhân lại ló ra một chiêu ảo diệu hơn.

Phật Đăng là bậc kỳ tài trong võ học, đã dựa trên sở học Ngũ Đài sơn mà sáng tạo ra Phật Đăng kiếm pháp và Nhiên Đăng tâm pháp, khiến cả võ lâm đê đầu bái phục!

Nhiên Đăng chân khí màu nhiệm vô song, giải trừ bách độc và các thứ tà pháp trên đời. Nhờ thiên bẩm và Quỷ Nấm, Nhương Thư đã luyện xong lớp thứ bảy của thần công, nên không chết bởi Vô Hình Chi Độc và xem thường ma âm của Huyết Tâm giáo.

Chàng dồn công lực tạo thành màn cương khí bảo vệ toàn thân, nhảy xổ vào gã sát thủ đối diện. Gã không ngờ đối phương chẳng hề hấn gì trước sáu đạo ma âm, kinh hãi cử kiếm đón chiêu.

Có thể nói rằng khi rơi vào trạng thái khát máu, đường kiếm của Nhương Thư lợi hại hơn bình thường. Những chiêu kiếm nhu hòa đã biến hóa theo hướng hiểm độc, không chừa một vị trí nào!

Ánh mắt dã thú của Nhương Thư đã khiến đối thủ rợn mình, song mũi kiếm của chàng mới mang đến sự chết chóc.

Chiêu “Nghiệp Chướng Nan Đào” chỉ có mười tám thức, đơn giản nên nhanh như chớp giật, trổ một lỗ lẻ loi trên ngực trái nạn nhân.

Đồng đảng của gã đâu chịu đứng im, ba tên liên thủ uy hiếp hậu tâm và tả hữu của Nhương Thư. Đối với kiếm thủ thượng thừa, vũ khí chẳng bao giờ lưu lại trong xác chết quá lâu, nên kiếm của Nhương Thư đã sớm rút về, hóa thành chiếc tán che thân.

Không chỉ đơn giản là dỡ đòn, mà là chiêu “Dạ Xoa Tán Hoa”, rải muôn nghìn đóa kiếm ảnh chặn đứng ba lưỡi kiếm kia và trùm lấy tên mé hữu. Gã cắn răng giữ tấn trụ lại chứ không lùi, loang kiếm tự vệ, hy vọng hai đồng bọn giải vây.

Lòng dũng cảm của gã đã thành vô ích vì Nhương Thư vừa thọc kiếm vào bụng dưới của gã xong là đề khí bốc lên cao ngay. Lưng chàng vướng kiếm đau rát nhưng không sâu, vẫn hung hãn sà xuống tấn công hai đối thủ của Hổ Hồng Nhan ở gần đấy. Hành động bất ngờ này đã thu được lãi to, Nhương Thư dễ dàng rạch đứt gáy hai gã xấu số, giải tỏa bớt áp lực cho Ngọc Trâm.

Hổ Hồng Nhan nãy giờ chiến đấu kiên cường, tóc tai rũ rượi, y phục vương đầy máu của ba gã áo lục thuộc hàng tốt đen, và bờ mông trái mơn mởn của nàng đã bị phe đối phương đâm thủng.

Vết thương ở phần thịt mềm nên không đau đớn lắm, chỉ chảy máu nhiều và khiến Hổ Hồng Nhan tức giận, lo lắng.

Đối với nàng, một vết sẹo dù ở chỗ nào cũng làm giảm đi nhan sắc khuynh thành.

Do vậy, khi được Nhương Thư sát cánh, nàng hùng hổ lao vào hàng ngũ địch để trút hận.

Tuy nhiên, có lẽ vì quá khiếp đảm kiếm pháp của Nhương Thư nên mười hai tên còn sống sót thay đổi đấu pháp.

Chúng vây chặt lấy hai người, khi kẻ nào bị tấn công thì hai gã bên cạnh lập tức liên thủ chống chọi, và cùng lùi lại. Nhờ vậy, chúng giảm thiểu được thương vong, cầm chân đối thủ.

Ngọc Trâm thức ngộ ra, la lên :

- Đại ca! Chúng không muốn ta đến đại hội kịp giờ!

Nhương Thư gật đầu :

- Nàng hãy bám sát ta mà phá vây!

Dứt lời, chàng dũng mãnh xông lên, tiếng kình rít lên như tiếng xé lụa, kiếm quang loang loáng dưới ánh nàng gắt làm hoa mắt người.

Nhương Thư đã dồn hết công lực thi triển phép khoái kiếm đến độ chót để mở đường máu. Chàng giết liến hai gã dại dột cản đường, đả thương thêm hai gã nữa, phá thủng vòng vây, dẫn Ngọc Trâm đào thoát, Bọn sát thủ kinh tâm táng đởm không dám có ý định duỗi theo, rút cả vào rừng.

Chạy được hai dặm, Ngọc Trâm nói :

- Đại ca! Chúng ta ghé vào rừng băng bó vết thương chứ! Chẳng lẽ để thế này mà chường mặt trước mấy ngàn người?

Nhương Thư gật đầu, cùng nàng rẽ phải vào rừng Hoàng Đàn, đến chỗ có suối nước liền dừng lại, chàng nóng ruột vì sợ trễ nên nói ngay :

- Nhanh tay lên, không thì trễ mất!

Ngọc Trâm thẹn thùng :

- Đại ca nhắm mắt lại đi!

Nhương Thư bật cười :

- Nhắm mắt làm sao thấy đường chăm sóc vết thương? Lúc trưa thì nồng nhiệt mà giờ thì bẽn lẽn, thực là khó hiểu!

Hổ Hồng Nhan đỏ mặt càng bội phần xinh đẹp Nhương Thư động lòng, bước đến cởi dải thắt lưng hộ nàng. Ngọc Trâm chỉ còn cách nhắm mắt để mặc chàng hành động, giọt lệ thẹn thùng ứa ra.

Đứng phơi trên bờ e không tiện, Nhương Thư bồng nàng mà đi xuống dòng suối, chọn chỗ nước xâm xấp đến mông, đặt Ngọc Trâm đứng xuống.

Thấy vết thương chẳng đáng gì, chàng cười bảo :

- Vết rách không sâu, tắm xong băng cũng được! Nàng tự cởi áo hay nhờ ta?

Một liều ba bảy cũng liều, Ngọc Trâm mở mắt, cởi bỏ chiếc áo đầy máu, chỉ còn lại yếm đào.

Dường như, sau mỗi lần bị kích động bởi cơn say máu, định lực của Nhương Thư giảm đi. Chàng say đắm bước đến hôn hít, vuốt ve gương mặt và thân hình ngà ngọc của mỹ nhân! Yếm đào cũng sớm trôi theo gióng nước suối!

Hổ Hồng Nhan rạo rực, ngất ngây ôm lấy tình lang, lát sau nàng sực tỉnh, khẽ nhắc :

- Đại ca! Sắp đến giờ Thân rồi!

Nhương Thư chỉ gật đầu mà chẳng chịu buông, định gầy cuộc ái ân. Ngọc Trâm bắt đầu sợ, nhắc thêm :

- Tiểu muội không tiếc thân nhưng chiều nay chàng còn thượng đài nữa!

Nhương Thư cười mát :

- Dầu có hai lão Quảng Đông Thần Đao ta cũng chấp!

Tuy nói thế nhưng chàng đã kiềm chế được dục vọng, bồng nàng lên. Hai người xức thuốc kim sang cho nhau, mặc lại y phục ướt rồi lên đường. May mà họ đã ném chúng lên bờ.

Trong lúc ấy, đại hội võ lâm xôn xao vì sự vắng mặt của Nhương Thư. Vô Ưu Cái nhấp nhổm như ngồi trên bàn chông.

Qua đầu giờ Thân chừng nửa khắc, Lã Tập Hiền lên tiếng :

- Có lẽ Tần công tử đã bỏ cuộc! Xin hội đồng võ lâm tuyên bố Quảng Đông Thần Đao thắng trận này!

Bạch Thúy Sơn vội lên tiếng bênh vực :

- Lã trang chủ sợ y hay sao mà lại gấp thế? Ít ra cũng phải chờ đúng một khắc rồi sẽ tính!

Quần hùng yêu mến Nhương Thư nên lên tiếng tán thành! Thời gian nặng nề trôi qua theo làn gió nhẹ của cây hương trên bàn giám đài. Nó vừa cháy đến vạch một khắc thì Quảng Đông Thần Đao Cốc Hậu Nhan lạnh lùng nói :

- Mong ban giám đài giữ đạo công bằng cho! Nếu không, Cốc mỗ chẳng để yên đâu!

Vô Ưu Cái rầu rĩ rời bàn, đi ra giữa đài, chuẩn bị tuyên cáo. Nào ngờ, từ phía ngoài cổng trang vọng vào tiếng quát trầm hùng :

- Khoan đã!

Hầu bang chủ thở phào, mặt tươi tỉnh hẳn lên. Nhương Thư và Ngọc Trâm vào đến nơi, y phục rách rưới và ẩm ướt, khiến mọi người ngỡ ngàng.

Có kẻ nói đùa :

- Chắc đôi uyên ương này mải mê quần thảo với nhau nên quên cả giờ giấc!

Cử tọa phát lên cường hô hố, khiến Ngọc Trâm đỏ mặt ngượng ngùng. Họ đã nói đúng một phần sự thật nên nàng không thể cãi! Nếu hai người không ôm ấp nhau dưới suối thì đâu đến nỗi trễ!

Nhương Thư phi thân lên đài, vòng tay nghiêm giọng :

- Kính cáo ban giám đài và chư vị đồng đạo! Tại hạ gặp mai phục ở cánh rừng Hoàng Đàn nên mới chậm chân!

Toàn trường sửng sốt ồ lên phẫn nộ khi Nhương Thư cởi áo để lộ vết thương dài sau lưng.

Một tay có lòng thương hương tiếc ngọc nào đó đã tỏ dạ quan tâm :

- Tần công tử mà còn thọ thương thì chắc Điền tiểu thư khó toàn vẹn.

Ai đó mừng rỡ thét lên :

- Ta thấy rồi! Quần của nàng bị rách ở mông!

Hổ Hồng Nhan vội quấn chặt áo choàng, ngồi gục đầu xuống bàn, chẳng dám ngẩn lên, chết lịm vì tiếng cười diễu cợt của mấy ngàn gã nam nhân khả ố!

Vô Ưu Cái ra hiệu cho họ im rồi hỏi :

- Tần công tử có nhận ra lai lịch của họ hay không?

Nhương Thư gật đầu, chậm rãi đáp, nhấn mạnh từng chữ :

- Huyết... Tâm.. giáo...!

Bọn thanh niên không biết nhưng đám võ sĩ già đều tái mặt, xầm xì bàn tán.

Ngọc Trâm giật mình ngẩng lên vì nghe giọng thánh thót ngọt ngào của Bạch Ngọc Tiên Tử Lâm Đại Ngọc :

- Công tử có chắc không? Và vì sao họ lại chặn đường chàng?

Đây cũng là thắc mắc chung nên toàn trường im lặng lắng nghe. Nhương Thư điềm đạm đáp :

- Huyết Tâm kiếm pháp phát ra tà âm công phá não bộ đối phương qua đường thính giác, đặc điểm này thì ai cũng biết! Còn về lý do khiến họ muốn giết tại hạ chính là vì chức danh quyền Minh chủ võ lâm!

Chàng không thể chỉ mặt tố cáo Lã Tập Hiền vì nhân chứng duy nhất là Hoàng Nghi Tuyệt đã bỏ đi. Gã bị hại bởi ma âm mà không biết đấy là sở học của Huyết Tâm giáo. Nếu gã có mặt, tất sẽ làm chứng rằng Lã Tập Hiền đã đả bại mình bằng một thứ âm thanh quái dị.

Song như thế cũng đủ để quần hùng nghi ngờ họ Lã và hai ứng cử viên còn lại là Quảng Đông Thần Đao và Võ Di sơn chủ!

Lã Tập Hiền phá lên cười khanh khách :

- Ngươi quả là khéo ngậm máu phun người! Huyết Tâm Đế Quân đã chết và biệt tích gần ba mươi năm, làm gì còn nữa?

Nhương Thư không phải là người giỏi khẩu chiến liền im tiếng, quay sang vái Quảng Đông Thần Đao :

- Tại hạ đã khiến Cốc đại hiệp phải chờ lâu, thật đắc tội!

Họ Cốc tươi cười hỏi :

- Tần thiếu hiệp đã thọ thương, liệu có giao đấu được không?

Nhương Thư gật đầu, rút kiếm chào rồi thủ thế. Cốc Hậu Nhan cũng rút bảo đao chờ đợi, vì đối phương được quyền xuất chiêu trước.

Không thù, không oán, Nhương Thư chậm rãi lướt đến tấn công, bằng một chiêu rất ôn hòa. Họ Cốc giải phá dễ dàng, đáp lễ bằng những đường đao đơn giản, dường như muốn thăm dò sở học của đối phương.

Lát sau, vết thương nơi lưng Nhương Thư bật máu khiến chàng phải dấy nhanh tốc dộ trận đánh, kết liễu sớm để còn băng lại.

Quảng Đông Thần Đao Cốc Hậu Nhan đang ở tuổi tứ thập, tướng mạo mập mạp, mặt phúng phính phúc hậu. Gã mở trường dạy võ ở Các Châu, đệ tử đông đến gần ngàn, tính tình hào sảng được xem là bậc hiệp sĩ.

Do vậy, Nhương Thư không có ý định máu lan nhanh. Dĩ nhiên, chân khí chàng giảm sút mau chóng, đường gươm mất uy lực, lúc này Cốc Hậu Nhan bắt đầu phản công quyết liệt, giáng những đòn như sấm sét. Nụ cười vẫn nở trên môi, song ánh mắt gã thấp thoáng những tia ác độc.

Nhương Thư thức ngộ rằng mình đã trúng độc của Quảng Đông Thần Đao, một kẻ Phật diện xà tâm! Chàng cố nén phẫn nộ, đứng im vận khí trục độc, điều khiển trường kiếm bằng sức mạnh của cơ bắp.

Nhiên Đăng tâm pháp mầu nhiệm ở chỗ có thể điều tức bằng mọi tư thế, dù đứng, nằm hay đang bước.

Quần hào kinh ngạc khi thấy cục diện trận đấu đã hoàn toàn đảo ngược. Giờ đây, Nhương Thư yếu ớt như cây liễu ngả nghiêng trước gió, di chuyển những bước thật ngắn, cố chống chọi với cơn bão thép của đối phương.

Nhưng cũng chính lúc này mới thấy được hết trình độ kiếm thuật siêu phàm của Nhương Thư. Đường kiếm của chàng không nhanh, không mạnh nhưng cực kỳ chuẩn xác, mỗi nhát kiếm đều nhắm đúng sơ hở trong nước đao, khiến họ Cốc khiếp vía phải bỏ lỡ chiêu công mà chống đỡ.

Kỳ diệu ở chỗ là kiếm của chàng chẳng hề chạm vào đao, nếu không đã bị đánh văng ra.

Tuy nhiên, Nhương Thư cũng chẳng phải là hoàn toàn lành lặn. Lưỡi đao của họ Cốc đã rạch mười mấy đường trên vai, ngực bụng, đùi Nhương Thư, dẫu chỉ rách da nhưng cũng đủ khiến chàng tả tơi, thê thảm, y phục đứt nát.

Ngọc Trâm đau lòng khóc ngất và gọi vang :

- Đại ca chịu thua đi!

Quần hùng và các Chưởng môn ngơ ngác, không hiểu điều gì đang xảy ra. Khi cây nhang cháy gần đến giới hạn hai khắc thì Vô Ưu Cái mới thức ngộ được ẩn tình, thất thanh :

- Nhương Thư trúng độc!

Khánh Hỉ đại sư liền vận thần công “Sư Tử Hống” quát vang như sấm :

- Dừng tay!

Quảng Đông Thần Đao Cốc Hậu Nhan còn kém xa Hạt Nhãn Thần Ma nên giật bắn mình, tay chân bủn rủn. Đúng lúc này, Nhương Thư ập đến xuất chiêu “Tu La Hiến Bảo”, mũi kiếm hóa thành chín đốm sáng, rực rỡ như châu ngọc.

Họ Cốc cố gượng lùi lại và cử đao đỡ gạt nhưng không còn kịp nữa. Gã rú lên thê thiết, buông đao ôm ngực, lảo đảo quy xuống.

Nhương Thư cũng buông gươm ngồi xuống sàn lôi đài, xếp bằng trục nốt dư độc. Dầu sao thì ngồi kiết già vẫn hơn.

Phổ Chứng thiền sư, Chưởng môn phái Nga Mi, vội rời bàn, bước đến ngồi xuống sau lưng chàng, truyền công hỗ trợ. Người thân của Nhương Thư đã nhảy lên vây quanh, gồm Ngọc Trâm, Tào Ưng, Thúy Sơn và... Bạch Ngọc Tiên Tử.

Vô Ưu Cái thì cùng ba vị Chưởng môn kia đến cạnh xác Cốc Hậu Nham khám xét Quảng Đông Thần Đao không mang mặt nạ nhưng trong chùm tơ xanh ở chuôi đao lại có giấu một túi the nhỏ chứa chất độc, còn trong thắt lưng lại giấu mảnh ngọc bội hình trái tim bằng mã não đỏ, trên khắc bốn chữ: Nam đường Đường chủ!

Vô Ưu Cái thở dài nói nhỏ :

- Có thể là Huyết Tâm giáo và Tứ Phạn Thiên cung đã liên kết với nhau! Dã tâm của Lã Tập Hiền thật đáng sợ!

Nhưng không có cách gì để chứng minh, bốn vị Chưởng môn đành trở về bàn giám đài để thương lượng, tính toán.

Ba khác sau Nhương Thư mới thoát hiểm hoàn toàn. Chàng nghiêng mình vái tạ Phổ Chứng thiền sư :

- Đệ từ đội ơn thiền sư đã ra tay tế độ!

Phổ Chứng cười hiền :

- Sao lại xưng hô như thế? Ngươi phải gọi ta là sư huynh mới đúng chứ!

Nga Mi, Thiếu Lâm, Phật Quang đều là chùa thiền tông, có quan hệ rất mật thiết, thường qua lại thăm hỏi và bàn luận bàn luận kinh điển. Nhương Thư là sư đệ của trụ trì chùa Phật Quang, vì Phật Đăng Thượng Nhân là sư thúc của Chân Không đại sư! Mà Phổ Chứng thì ngang hàng với Chân Không, ở vai sư huynh của Nhương Thư là phải.

Nhương Thư mỉm cười :

- Phật huynh để râu dài bạc trắng nên tiểu đệ ngượng miệng.

Quần hùng chưa rõ sự việc nên nhao nhao hỏi han :

- Tần công tử! Phải chăng lão họ Cốc kia đã phóng độc?

Nhương Thư quay xuống, vòng tay đáp :

- Thưa phải! Lão ta dùng chất độc đặc biệt, ngửi thì không sao nhưng gặp vết thương là theo máu mà xâm nhập.

Trong cử tọa cũng có người trí giả, người này đưa ra cao luận :

- Lão phu cho rằng đây là bước tiếp theo của trận mai phục mà công tử đã gặp! Đối phương không hy vọng giết được công tử, chỉ mong cầm chân, hoặc gây thương tích để Quảng Đông Thần Đao hoàn tất âm mưu!

Mọi người rất khâm phục suy luận ấy, và có kẻ đã nhận ra lai lịch bậc cao nhân, mừng rỡ gọi vang :

- Bất Trí thư sinh!

Tuy mang danh Bất Trí nhưng Cao Trường Toản lại là người thông minh tuyệt thế, kình địch số một của Ngọa Long Tú Sĩ.

Họ Cao năm mươi lăm tuổi, trước giờ ẩn cư ở núi Tử Kim, đất Tứ Xuyên. Lão mang tướng ngũ bộ, xấu xí, thô kệch, dung mạo kém xa Ngọa Long Tú Sĩ, nhưng tài cán thì chưa biết ai hơn ai?

Bất Trí thư sinh tinh thông tam giáo, mặc áo học trò nhưng thông hiểu cả Đạo Tạng lẫn kinh điển nhà Phật. Lão thường đến những chùa lớn, cùng các bậc cao tăng đàm đạo về Phật pháp, biểu lộ một trí tuệ siêu phàm, khiến ai cũng phải kính phục.

Cao Trường Toản cũng tìm đến các phái đạo giáo như Võ Đang, Hoa Sơn, Thiên Sư, Toàn Chân.. mà học hỏi tư tưởng Lão Trang. Thực ra, họ Cao còn giỏi hơn bọn đạo sĩ, làm họ kinh ngạc, lắc đầu Cao Trường Toản còn là bạn vong niên của Bang chủ Cái bang, xưng hô là huynh đệ mà kính nhau như bằng hữu! Nay họ Cao đột nhiên xuất hiện chốn này, Hầu Mộ Thiên mừng rỡ gọi :

- Cao hiền đệ! Ngươi mau lên đây ngồi với bọn ta!

Bốn Chưởng môn kia cũng mời mọc nên Bất Trí thư sinh đành tuân mệnh.

Trong lúc ấy, bọn gia nhân Lã gia trang dọn dẹp lôi đài, mang xác Quảng Đông Thần Đao ra phía sau. Phần Nhương Thư thì được đưa vào chỗ kín đáo để chăm sóc vết thương.

Thiết Kình Ngư Tào Ưng cau mày bảo :

- Điền tiểu thư hãy tránh mặt để ta và Thúy Sơn làm được rồi! Nàng là gái ở đây không tiện.

Chẳng lẽ khai ra rằng mình và Nhương Thư đã từng lõa thể ôm ấp nhau, Ngọc Trâm đành bỏ di.

Bạch Thúy Sơn cứ đứng im như phỗng khiến Tào Ưng bực bội nạt :

- Sao không phụ ta cởi y phục của công tử?

Thúy Sơn vội bước đến, dùng kiếm cắt quần, gỡ những mảnh vải tang thương ra khỏi các vết thương.

Lát sau, cơ thể của Nhương Thư chẳng còn chút gì che đậy, lồ lộ trước ánh mắt ngượng ngùng của Vạn Lý Thần Điêu. Gã đỏ mặt, hổ thẹn đến nỗi run tay. Tào Ưng phì cười :

- Nam nhân với nhau có gì mà ngươi phải xấu hổ! Sẽ có ngày đến lượt ngươi phải thọ thương thì cơ thể cũng phơi ra thôi.

Họ Tào xách vò rượu năm cân lấy từ bàn tiệc, mở nắp rồi nói tiếp :

- Ta sẽ rưới rượu lên thương tích, còn ngươi dùng vải sạch lau hết máu me đi.

Thúy Sơn líu ríu tuân lệnh, nhưng run như cầy sấy. Gã cắn răng lau chùi huyết tích, không dám nhìn vào dương v*t của Nhương Thư.

Tào Ưng còn cười khà khà, tấm tắc khen :

- Tần công tử có thân hình rắn chắc và thần thương thật dễ nề! Ai mà làm vợ công tử thì phúc bảy mươi đời!

Nhương Thư cũng hơi ngượng ngùng nhưng không để lộ ra. Chàng chỉ cười đáp :

- Ai mà chả thế, chúng ta là võ sĩ mà!

Tào Ưng bác ngay :

- Không phải! Như gã họ Bạch này tuy là đệ tử danh gia, có đến ba mươi năm công lực mà thân hình gầy ốm, mảnh khảnh, cơ bắp nhỏ xíu, có gì đẹp đâu.

Bạch Thúy Sơn lí nhí biện bạch :

- Ta ghét vẻ vai u thịt bắp nên không luyện ngoại công.

Tào Ưng mỉa mai :

- Ngươi lười biếng thì có! Sau này khi lâm vào hoàn cảnh tương tự như Tần công tử, làm sao có đủ sức cầm vững kiếm mà chống chọi.

Thúy Sơn lặng im không dám cãi, chăm chú làm việc! Thấy các vết thương phía trên đã sạch máu và rượu bẩn còn dính đầy hạ thể của Nhương Thư, Tào Ưng nói :

- Giờ rửa đến phần dưới!

Thúy Sơn run bắn người, ấp úng :

- Ta không làm được đâu!

Nhương Thư cũng thấy kỳ :

- Để ta tự rửa cũng được!

Tào Ưng liền trao vò rượu cho Thúy Sơn :

- Ngươi hãy đổ rượu để công tử rửa! Ta đi tìm Chưởng môn phái Hoa Sơn xin thuốc kim sang! Sinh nhục tán của họ tốt nhất võ lâm!

Thúy Sơn máy móc đưa tay nhận lấy vò rượu, ngẩn ngơ như người trong mộng, nhìn theo bước chân của họ Tào.

Luật âm dương chi phối vạn vật, trong dương có âm và ngược lại. Do vậy, một số nam nhân lại giàu nữ tính, không đến mức đồng tình luyến ái nhưng rất hay xấu hổ trước người cùng phái.

Nhương Thư hiểu điều ấy nên an ủi Thúy Sơn :

- Bạch hiền đệ chớ quá mềm yếu như thế! Đã dấn thân vào giang hồ là phải cứng cỏi, dầy dạn. Người không bỏ được tính cả thẹn thì sẽ mất dần tính nam nhi đấy! Chúng ta là huynh đệ chứ đâu phải xa lạ.

Thúy Sơn thở dài, hít một hơi lấy dũng khí, nâng và đổ rượu vào chỗ kín của Nhương Thư. Họ Bạch cúi gầm mặt nên chàng không thể nhìn thấy ánh mắt kỳ quái của gã.

Tào người đã trở lại, hớn hở vì xin được thuốc quý. Gã cẩn trọng rắc loại thuốc bột màu xám kia lên thương tích của Nhương Thư.

Chư vị độc giả đọc truyện võ hiệp sẽ thường thấy nhắc đến linh đan trị nội thương và thuốc kim sang dùng ngoài da của bọn khách giang hồ. Thực ra, loại này đều có chung một dược vị chính, đó là sâm tam thất!

Tam thất cùng họ với ngũ gia bì, là loài thân thảo, sống nhiều năm, tác dụng dược lý của nó và nhân sâm không hoàn toàn giống nhau, nhưng hình thái thì tương tự, nên gọi là sâm tam thất.

Tam thất có thân rễ thịt bò ngang, đầu thân có lá hẹp hình bàn tay xòe mọc rộng, mùa hạ ra hoa nhỏ màu vàng lục nhạt.

Loài dược thảo quý này mọc ở Vân Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Tây Tạng của Trung Hoa, và có cả ở việt Nam và miền Bắc Ấn Độ!

Tam thất rút ngắn thời gian đông máu, tăng thêm tiểu cầu, làm liền vết thương, giảm đau, tan chỗ bầm sưng nên trở thành thuốc kim sang.

Ngoài ra, bột tam thất còn có tác dụng làm tan hòa khối trong máu, chủ trị té ngã, dập thương và các chứng xuất huyết nội. Người té ngã từ trên cao xuống, cả người bầm tím, sưng vù đau đớn, hoặc bị đánh hộc máu tươi, dùng bột tam thất mà trong uống ngoài thoa là thoát hiểm.

Tóm lại, người học võ đã dùng bột tam thất làm dược vị chủ yếu trong thuốc trị nội, ngoại thương. Tùy theo trình độ y thuật của từng phái, người ta thêm vào một ít những dược vị khác để làm tăng công dụng.

Sinh Nhục tán của Hoa Sơn cũng bào chế bằng bột tam thất, song nhờ phối hợp chung trong một toa bí truyền, nên diệu dụng như thần, nổi tiếng võ lâm.

Nhương Thư khoan khoái nghe vết thương mát rượi và chẳng còn đau đớn, và Thúy Sơn dùng những dải vải sạch quấn chặt thân thể chàng, Nhương Thư hỏi :

- Trận so tài giữa Lã Tập Hiền và Võ Di sơn chủ sao rồi?

Tào Ưng đáp :

- Lúc Tào mỗ vào đến thì họ vừa nhập cuộc!

Nhương Thư lộ vẻ lo lắng :

- Tội nghiệp cho Võ Di sơn chủ, ta sợ rằng ông ta không thoát khỏi độc thủ của họ Lã! Tập Hiền nhất định sẽ giết lão để diệt khẩu, để che giấu việc thi triển ma âm.

Quả đúng như chàng dự đoán, tiếng thét lìa đời thảm khốc của Từ Bạch Âu đã vọng đến, ngay lúc Nhương Thư vừa mặc xong y phục. Chàng đã phải mượn áo quần của Thiết Kình Ngư.

Ba người rời khỏi vườn hoa, phi thân trở lại khu lôi đài, đau lòng nhận ra Võ Di sơn chủ đã toi mạng. Nhương Thư phẫn nộ nhảy lên lôi đài, nhận ra đôi mắt họ Từ trợn trừng, đầy vẻ oan khuất.

Chàng vuốt mắt cho lão rồi thầm khấn :

- Tại hạ thề sẽ báo thù cho lão bá!

Chàng đứng lên, chỉ vào mặt Lã Tập Hiền và mắng :

- Quân cẩu tặc! Lão lấy được Huyết Tâm lệnh kỳ, luyện thành Huyết Tâm kiếm pháp, âm mưu đoạt ngôi Minh chủ, dùng tàn dư Huyết Tâm giáo để thống trị võ lâm! Âm mưu ấy đã bị lộ rồi, khôn hồn thì bẻ kiếm qui ẩn đi, ta không để lão đắc ý đâu!

Tuy không có bằng chứng song cũng đủ để lòng người chấn động, nghi ngờ và chán ghét Lã Tập Hiền. Vả lại, họ đâu có mù mà không thấy việc Võ Di sơn chủ đột nhiên xuống sức trong lúc giữ thế quân bình?

Toàn trường xôn xao, nói lên nhận xét của mình. Riêng Bạch Ngọc Tiên Tử thì phản ứng rất gay gắt. Nàng nhảy lên lôi đài, vòng tay nói :

- Kính cáo võ lâm! Kể từ nay Lâm Đại Ngọc không còn là người của Chính Khí trang nữa!

Quần hùng liền vỗ tay hoan hô sự thức tỉnh của nàng. Lã Tập Hiền giận run, không ngờ sự có mặt của Nhương Thư lại khiến cơ đồ của lão sắp tan tành. Khi chuẩn bị khởi nghiệp, lão không hề tính đến gã đồ đệ của Phật Đăng Thượng Nhân!

Lã Tập Hiền chưa kịp quạt lại Nhương Thư thì Vô Ưu Cái đã đứng lên, lạnh lùng tuyên bố :

- Hội đồng võ lâm cảm thấy rằng cái chết của Võ Di sơn chủ có điều khuất tất. Vì vậy hội đồng quyết định giải tán đại hội và sẽ tiến hành điều tra! Nếu quả thực Lã trang chủ có tội đúng như lời tố cáo của Tần Nhương Thư thì vụ việc sẽ được đưa ra công đường phủ Hà Bắc!

Cử tọa đồng thanh tán thành nên Lã Tập Hiền cứng họng. Lão trút hận lên đầu Nhương Thư, gằn giọng bảo :

- Ngươi vu oan giá họa, làm nhục lão phu và tông môn họ Lã. Thù này không thể bỏ qua, lão phu chính thức hẹn ngươi tử đấu vào đúng giờ Tỵ ngày đầu tháng hai tại đỉnh Sáp Vân, gần Nam Dương!

Quần hùng có dịp la hét, đốc thúc Nhương Thư nhận lời! Chàng điềm tĩnh gật đầu :

- Được! Tại hạ cũng đang muốn diệt trừ tai họa cho võ lâm!