Tan Băng Rồi Đó Anh

Chương 27: Hồi ức




Ngõ khuya vắng người qua lại, quán cà phê còn thưa thớt vài người khách. Tại một bàn nhỏ góc quán, Phan ngồi một mình trầm ngâm bên ly trà đã vơi gần hết, đĩa hạt hướng dương còn một nửa với vốc vỏ hạt kế bên. Trên bàn còn một ly trà còn đầy nguyên nữa. Đó là ly trà của Thảo.

Chủ quán mấy lần đi qua nhìn anh với ánh mắt thông cảm. Ban nãy anh đã giải thích rằng:

“Chắc bạn em không đến được rồi”

“Sao anh không gọi điện xem sao?”

“À, bạn em không nghe máy, không biết có chuyện gì”. Phan đã phải nói dối để hóa giải ánh mắt tò mò của họ.

Anh đã ngồi thế này lâu lắm rồi, không biết là đã một tiếng hay hai tiếng trôi qua nữa. May rằng quán này mới mở còn vắng khách nên một người như anh vẫn được coi là khách quý, vì ít ra thì cũng là sự cổ vũ. Và với anh cũng thật là may mắn vì giờ đây, chỉ có nơi này mới giúp anh được trọn vẹn đắm chìm trong cảm xúc.

Năm năm trước, anh đã có một buổi tối đầy kỷ niệm với Thảo. Đó là ngày anh nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học Xây dựng. Anh và cả nhà đã thật vô cùng sung sướng, nhưng hồi ấy kinh tế gia đình cạn kiệt đến nỗi cha mẹ anh không thể tổ chức nổi một bữa liên hoan. Thế là anh rủ Thảo đi “ăn khao” bằng cốc trà chanh. Cả hai đứa đều chẳng biết gì về quán xá, thế là cứ lóc cóc đi bộ mãi để tìm quán và cuối cùng cũng tìm được một quán cách nhà khá xa. Quán đó cũng mới mở và hai đứa cũng được coi là khách quý rồi tranh thủ ngồi đó hàng giờ.

“Ôi, trà chanh ngon thế!” ngay khi nhấp ngụm chè đầu tiên Thảo đã thốt lên như vậy. Đôi mắt thì sao mà sáng long lanh và trong veo như mắt trẻ con. Hình ảnh này cứ làm Phan nhớ mãi. Phan cười thầm trong lòng, khi đó, tuy chỉ có hai cốc trà chanh và gói hướng dương như thế này thôi nhưng với hai đứa cũng là thứ xa xỉ lắm. Hôm ấy, trước ánh mắt ngưỡng mộ, vui sướng, tự hào của Thảo, Phan giống như một ngôi sao vĩ đại nhất trên đời này. Thảo cũng thật thà thổ lộ nhiều lần muốn ngồi quán chè nhâm nhi thế này cho đời lãng mạn nên mong được Phan khao nhiều lần như thế nữa. Trời ơi, mỗi khi cảm xúc này dội về là mỗi lần lòng Phan thắt lại:

“Ừ nhất định Phan sẽ phấn đấu, Thảo chuẩn bị tinh thần ăn khao tiếp nhé!”.

Thế mà sau lần đó có khi nào hai đứa có được những giây phút đó nữa đâu, dù có bao lý do để khao nhưng không khi nào có cơ hội. Phan vẫn cảnh vừa học vừa làm nên rất bận, chỉ về thăm nhà được chớp nhoáng, còn Thảo thì lúc nào Thảo cũng bận đi làm, nên hai đứa chỉ sang nhà mà gặp đươc nhau đã là quý lắm rồi.

Bây giờ thì nhiều thứ đã đổi thay. Anh đã trở thành nhân viên của CDI – một công ty xây dựng lớn- là một thằng con trai trưởng thành, có bằng cấp, có trình độ và công việc nhiều người mong ước. Dù biết những gì đến với mình là hiển nhiên nhưng anh không sao hết được hồi hộp vui sướng. Vừa mới ra trường thì thật may cho anh, CDI đăng tin tuyển kỹ sư xây dưng mới ra trường, anh lập tức lao hồ sơ. Qua nhiều vòng thi gắt gao hôm nay anh đã nhận được thông báo trúng tuyển.

Được làm việc tại nơi đã bao lần nuôi mơ ước, anh vui sướng báo tin ngay cho bố mẹ và định lên đường về quê ăn bữa liên hoan với cả nhà. Nhưng thật tội nghiệp khi ý này của anh lập tức bị mẹ gạt bỏ “Không được! Khi nào lão Mạnh lấy được con Thảo đã rồi hẵng về!”. Anh nghẹn lòng vì người muốn liên hoan nhất vẫn là mẹ anh, nhưng bà đã phải kìm nén vì lo cho anh. Chuyện con trai bị đánh máu chảy ròng ròng trên đầu lần trước cùng với những tai tiếng theo sau đã khiến bà quyết tâm dằn lại mọi cảm xúc.

Nỗi vui sướng tồn tại chưa lâu thì thực tế lại đẩy anh sang tâm trạng khác. Anh nhớ Thảo, anh muốn chia vui với Thảo, dù biết điều này là càng không thể được. Anh chỉ muốn có cánh, bay ngay về lén lút gặp Thảo, bí mật đưa Thảo đi uống trà chanh, cắn hạt hướng dương và làm bất cứ điều gì nếu Thảo thích. Nhưng mà, cổ họng anh đắng ngắt, anh thấy mình thật là hèn hạ vì đã không làm nổi điều gì, chỉ biết ngồi đây, im như pho tượng.

Anh hồi ức về thời thơ ấu của hai đứa, nghèo khó, vất vả và cùng quẫn khôn cùng. Anh đã phải bỏ học khi cha bị tai nạn lao động, còn Thảo thì đôi mắt đỏ hoe chờ bố về nhà. Lúc ấy sao mà anh thấy căm ghét bố Thảo thế, sao lại có người cha gì mà bỏ đi biền biệt để con gái ở nhà chờ mong khóc hết nước mắt. Không biết bao nhiêu lần anh phải đi tìm Thảo vì chỉ có anh mới biết Thảo trốn ở đâu. Nếu anh không tìm thì đôi mắt kia không biết còn sưng mọng đến bao giờ. Thời gian trôi qua Thảo đã quen dần với lời dèm pha “bố đi với gái” thì cũng là lúc Phan luôn mâu thuẫn với lão chủ thợ. Thật anh đã tức lồng lộn lên khi lão cắt xén tiền công của anh chỉ vì lý do anh chưa đủ tuổi lao động. Đánh nhau chửi tục là tất cả những gì mà một thằng bé 11 tuổi làm để trút cho hả nỗi uất ức. Chưa đủ anh theo đám choai choai trong làng học mấy thói du côn để đòi tiền lão chủ. Rồi lũ du côn đàn anh ấy đã kéo đến áp đảo ông chủ khiến ông ta phải nhè tiền trả anh, cầm nắm tiền nhàu nhĩ trong tay về hăm hở đưa mẹ, còn dặn bà phải lấy tiền này mua thuốc cho bố ngay, xong tìm Thảo khoe chiến công hiển hách thì không ngờ mặt Thảo cứ ngơ ra mà nghe chứ chẳng cười tẹo nào. Suốt thời gian sau cũng không thấy dáng Thảo lẩn quẩn bên anh như thường ngày nữa. Mãi sau anh mới biết đó là anh bị Thảo hít le, vì cái tội anh đi kết bạn với mấy thằng hay gây gổ đánh nhau trong làng. Cơ mà hít le thì hít le, ảnh hưởng gì đâu chứ, mới 11 tuổi đã có một đống hảo hán bên cạnh bảo vệ cho, anh tự thấy mình oai chẳng khác gì vị anh hùng!

Nhưng mà không hiểu sao bố anh cứ bắt anh phải chấm dứt giao du với các vị hảo hán đó chứ. Và anh thì ương lắm, thế là cái mông chịu trận, hết lần này đến lần khác bị bố lấy dây thừng vụt bầm tím. Mà bố anh bệnh kiểu gì lạ ghê, bình thường thì đến việc đi lại còn phải có người dìu, vậy mà lúc đánh anh thì sao khỏe thế. Kinh khủng nhất là lần ông cố bật dậy bước hùng hổ như người khỏe mạnh, lao theo anh để trút mưa roi, xong sau đó thì ông nằm vật ra đất bất tỉnh. Lúc đó dù toàn thân đau buốt nhưng anh vẫn biết gào ầm ĩ xóm làng sang cứu bố. Bố anh đã tỉnh lại vì được cấp cứu kịp thời, nhưng bệnh ông đã nặng lên sau cơn thịnh nộ đó.

Trong khi cả gia đình bấn loạn nên để chữa chạy cho bố, anh phát hiện ra chính Thảo là gián điệp làm anh phải hứng bao trận đòn. Mà anh cũng không ngờ là mình bị xì đều bởi đứa con gái này, trong khi anh vẫn đang tìm xem mình bị thằng nào trong hội chơi khăm. Thảo cũng có một lũ “bạn”, từ mầm non đến cả cấp hai, thế nên dù không xuất hiện mà vẫn biết anh làm gì rồi về mách bố. Thật đáng ghét, ngày đó anh xem Thảo như kẻ thù, gặp là chỉ muốn đánh, may mà nó là con gái nên chưa bị anh táng cho phát nào.

Thảo thì tỏ ra biết lỗi và nem nép khi thấy anh đi qua. Anh cũng điên lắm vì bố thì nằm đó, còn mẹ chạy hớt hơ hớt hải lo tiền. “Chuyện này là do nó. Tại nó bép xép nên bố mình mới bị thế này!” Lúc đó anh cứ đổ diệt hết lỗi cho Thảo, nhưng dù vậy không hiểu sao việc anh giao du với đám du côn làng vẫn tự chấm dứt từ đấy, không cần lời nhắc nhở của ai, không cần một cái roi nào.

Hai năm ròng hì hục làm phụ hồ, mới hơn mười tuổi đầu anh nếm đủ vất vả và oan ức. Trong đầu thằng bé lúc ấy chỉ biết không nhịn thì người ta không nhận làm, và sẽ không có tiền đỡ mẹ. Rồi thì đi hết công trình này đến công trình nọ, mấy tháng mới được về thăm bố mẹ và em gái lấy một lần. Trước mắt anh bấy giờ lúc nào cũng chỉ có cát, gạch, xi măng, sắt thép… và mưa nắng, cơ thể thì gầy quắt đến nỗi về sau anh không dám về thăm nhà vì sợ sẽ không được bố mẹ cho đi nữa. Cứ thế anh bôn ba với nhóm thợ xây quen thuộc, tiền kiếm được đành nhờ người gửi về.

Tự dưng đến một ngày anh thấy mình như mê mẩn trước mỗi ngôi nhà đẹp mới hoàn thành. Anh thấy yêu đời khi ngắm chúng, đêm anh cũng mơ về chúng. Những lúc rỗi rãi anh còn lấy đá dăm vẽ ra trên nền đất một ngôi nhà mà trong trí tưởng tượng của anh thì nó nguy nga tráng lệ vô cùng. Anh còn thổ lộ với một chú thợ xây là anh thích xây cho cha mẹ một ngôi nhà như thế. Thế là các anh các chú các bác thợ xây được dịp cười hô hố vào tâm sự của một thằng oắt con. Trong tiếng cười ấy anh còn thấy có cả dòng nước mắt ứa ra trên khuôn mặt của bác thợ cả. Thỉnh thoảng bác cũng khoanh tay ngắm mấy cái hình ngôi nhà được vẽ nghuệch ngoạc trên đất rồi gật gù cười cười xoa đầu thằng bé, nó tưởng được khen cứ sướng mê tơi rồi lại càng hay tranh thủ vẽ vời. Nhưng có lần vì mải tưởng tượng nó quên cả công việc bị các chú thợ quát: “Làm đi, vẽ vẽ cái gì thế, vẽ thì xấu bỏ mẹ!”. Nó buồn và hỏi bác thợ cả “Cháu vẽ xấu lắm hở bác?”. “Ừ, nhưng tao thấy ý tưởng thì cũng được”; “Thế ý tưởng là cái gì ạ?” – Nó ngơ ra hỏi lại.

“Ý tưởng là gì? Có xây nhà được không?” Nó háo hức đi hỏi những người thợ khác. Xong chỉ làm cho mọi người buồn cười trêu chọc lại hoặc bực bội mắng cho vài câu. Nhưng chẳng ai chịu cho nó câu giải đáp, cuối cùng vẫn là bác thợ cả.

“Ý tưởng tức là cái ban đầu, tức mày muốn xây cái gì?”

“Vậy cháu có ý tưởng rồi, cháu xây được không?”

“Không. Phải đi học con ạ” – Bác lắc đầu cười buồn – “Nhưng nhà mày nghèo thế, đi học thế nào được”.

Nó tiu nghỉu, lặng lẽ làm việc. Những ngày sau, nó vẫn một thái độ như thế, chỉ lầm lì làm việc, không vẽ vời, không hỏi chuyện xây nhà nữa, mọi người tưởng từ nay thằng cu con này sẽ hết mơ tưởng, hết gây trò cười. Không ngờ chỉ vài hôm sau, thằng cu con ấy đến trước mặt ông thợ cả, nghiêm chỉnh xin nghỉ làm để về đi học! Làm cho tất cả đều ngỡ ngàng.

Phan trở về đòi đi học lại mà cứ thấy mẹ lặng lẽ quệt nước mắt. Phan hiểu tại vì mẹ xót mình quá. So với đám bạn cùng trang lứa, Phan như khác giống khác loài. Chiều cao vọt hơn hẳn nhưng mà gầy giơ xương, trước ngực sau lưng hằn lên từng cái xương sườn, da đen bóng, tóc cháy vàng, hai con mắt thô lố trên gương mặt hốc hác…

Sau này Phan mới biết bà còn khóc vì bất lực trước mơ ước ngây thơ của con. Phan đi học, khó khăn sẽ lại càng chồng chất, việc Phan tiếp tục cắp sách tới trường cũng chỉ biết được ngày nào hay ngày ấy.

Trở lại trường, trong khi các bạn cùng trang lứa đã lên lớp 8, Phan phải vào học từ lớp 6, vì đó là năm Phan bỏ học. Khi ấy Thảo cũng vừa lên cấp hai, thế là mẹ Phan xin cho Phan học cùng lớp Thảo luôn. Bà nhờ Thảo kèm cặp Phan vì sợ Phan bỏ học đã lâu, giờ khó mà theo nổi.

Anh còn nhớ mãi con bé Thảo ngày đó cứ nhìn anh cái kiểu xa lánh cứ như hủi ý. Không những thế, lại cái tội “láo” nữa, tự dưng nó đổi xưng hô sang cậu tớ. “Học cùng lớp thì phải là bạn bè chứ”. Vai trò “anh Phan” đã bị hạ bễ vô lý như vậy đấy! Tức thật, đã thế lại càng phải bám theo. Thứ nhất, để tha hồ hỏi bài nó. Thứ hai, dù sao mối thù hai năm trước vẫn còn chưa trả. Cho nên cứ việc bắt nó chịu đựng cái thằng bẩn bẩn xấu xí này. Đã thế còn bảo mẹ xin cô cho ngồi cạnh nó hẳn hoi, thế mới bõ ghét.

Ngày ngày cắp cặp theo Thảo đi học, tới lớp lại ngồi cạnh Thảo, Phan luôn tranh thủ hỏi bài, ôn lại kiến thức, bất chấp Thảo rất khó chịu. Thỉnh thoảng lại ngứa ngáy kiếm chuyện trêu tức, thường là cái trò mượn đồ, rồi làm lung tung đồ đạc của nó lên, lúc nhìn cái mặt nó xịu ra sao mà thấy sướng. Mà nó cũng hiền, không thấy mách lẻo bao giờ. Chắc tại chuyện hai năm về trước vẫn còn khiến nó sợ. Nó định lấy công chuộc tội chăng? Hay là nó thích oai, muốn được làm “cô giáo” của anh?

Chẳng bao lâu sau, Phan tự dưng phát hiện ra “cô giáo” của mình “ngu cực kỳ”. Sau khi bồi đắp xong kiến thức cũ, Phan nhanh chóng đuổi kịp Thảo, rồi thấy càng hỏi Thảo càng tắc tị, thế là đành tự mày mò vậy. Cứ thế sức học Phan vượt lên dần, vượt Thảo, rồi vượt được cả mấy đứa học kha khá, rồi ngoi lên hàng học sinh khá giỏi của lớp. Và cũng từ lúc nào không hay biết, vị trí hai đứa tự nhiên hoán đổi, “cô giáo” biến thành học trò, học trò biến thành thầy giáo.

Vị trí thay đổi, tình thế cũng thay đổi luôn, Phan không thèm chọc tức Thảo nữa. Gì chứ có đứa con gái cun cút đi theo hỏi bài kể cũng oách. Năm tháng trôi qua, càng lên lớp trên Thảo càng phục Phan sát đất. Bởi ngoài giờ học ngày nào Phan cũng làm quần quật, khi thì phụ giúp việc cho mẹ, khi thì làm thuê, thế nhưng sức học vẫn đứng đầu lớp! Còn Thảo dù có nhiều thời gian học hơn Phan nhưng sức học chỉ trung bình, mà đấy là đã có Phan kèm cặp. Điển hình là vào năm học lớp 12, khi mẹ Thảo bỗng hay đau ốm, Thảo phải đi làm thay mẹ để có thu nhập. Từ đó Thảo học đuối hẳn, báo hại Phan phải mất bao nhiêu thời gian để ốp Thảo học, nhờ vậy Thảo đã vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp trung học năm ấy.

Vào đại học, xa Thảo rồi Phan mới thấy nhớ, nhớ kinh khủng. Càng ngày Phan càng thấy tình cảm mình lớn lên rõ rệt, anh hiểu vì sao anh hay lo cho Thảo, lo như lo cho bản thân mình, mà có khi còn hơn cả bản thân. Nhưng mà đó cũng là thời điểm Thảo dính vào ông Mạnh. Trong lòng Phan, ý chí giúp Thảo luôn thường trực mà lực bất tòng tâm. Sự thật vẫn càng ngày càng chua chát.

Phan vẫn ngồi yên bên ly trà, bây giờ anh chỉ có một mong ước là được gặp Thảo. Chỉ một chuyến xe khách là anh được toại nguyện, nhưng rào cản từ gia đình thật là lớn. Giờ anh chỉ có thể gọi tên Thảo trong tim, bằng tất cả nỗi nhớ nhung và khao khát “Thảo ơi. Có biết rằng anh đang rất nhớ em không?”.