Tâm Tự

Chương 35: Q.2 - Chương 5






Du Thiến Thiến ngồi trên ghế phượng, bàn tay cẩn đầy trang sức đang mân mê tách trà. Nàng im lặng, gian phòng im lặng, ruồi cũng không dám đập cánh. Thiến Thiến lạnh nhạt nhìn xuống người quỳ bên dưới. Áo trắng, ánh mắt tĩnh lặng, sống lưng thẳng tắp. Nhìn thế nào cũng không giống bộ dạng người tới nhận tội mà cứ như hiền triết ngồi giảng đạo. Thái tử phi đặt mạnh tách trà xuống bàn, cung nữ sau lưng giật thót, thái giám run run cúi thấp đầu, chỉ có hắn – chầm chậm nhìn lên, giống như trách nàng làm gián đoạn mạch suy nghĩ.
-Bổn cung nhớ mình không gọi Ngũ hoàng tôn tới. Ngươi quỳ ở đây là ý gì? Thái tử nhìn thấy lại nói ta nhỏ mọn, hạch sách con chồng. Tội này lớn quá, ta gánh không nổi!
Nhan Nghiêm mím môi, từ tốn đối đáp
-Ngũ tôn tức còn nhỏ dại, trong lúc vui đùa không cẩn thận làm Tứ tỷ bị thương. Nhi thần dạy vợ không nghiêm, tự biết phải bồi tội với mẫu phi.

-Hừ, mười ba tuổi không nhỏ dại gì nữa, nàng cũng gả đi năm sáu năm rồi, có thể dùng từ “nhỏ dại” hết lần này tới lần khác biện minh cho lỗi lầm hay sao? Ngươi không dạy được nàng thì để bổn cung dạy. Trở về gọi Thẩm Thanh tới đây, chuyện này không trách ngươi.
Thấy Nhan Nghiêm trơ như tượng, Du Thiến Thiến tức đỏ mắt. Nàng lăn lộn trong cung mấy chục năm, xử lý qua bao nhiêu người nhưng đối với đứa con danh nghĩa này thường kích động mất khôn. Cái chính là hắn luôn bình tĩnh, lý trí vượt quá tuổi tác. Nhiều lúc đối mặt với Nhan Nghiêm, Thiến Thiến cảm thấy mình giống con ngốc tự biên tự diễn, đôi mắt kia cứ vô cảm nhìn nàng, man mán như chế giễu lại như thâm trầm… thật sự là không chịu nổi! Về mặt này Nhan Tấn còn kém rất xa. Chỉ cần thấy sắc mặt nàng không tốt là hắn đã tỏ ra bồn chồn lo âu. Nhìn thấy cây roi đã la oai oái, roi chưa chạm đít đã kêu cha gọi mẹ, thật là thiếu tiền đồ! Nhan Nghiêm càng hơn Nhan Tấn bao nhiêu, Thái tử phi càng chướng mắt bấy nhiêu. Tương lai khi Nhan Thiện lên ngôi, nàng nhất quyết phải thuyết phục chồng đẩy Nhan Nghiêm đi thật xa, phong vương cắt đất gì cũng được, chỉ cần không ở trong kinh thành nữa, không trở thành mối đe dọa cho Nhan Tấn nữa…
Thái tử phi cố nén cơn bùng phát, tỏ ra độ lượng khuyên nhủ Nhan Nghiêm:
-Bổn cung cũng là nghĩ cho hoàng tôn. Thân là con cháu Nhan gia, nhất cử nhất động đều ảnh hưởng tới mặt mũi hoàng tộc. Ngày xưa Thi muội muội vừa mắt nàng, bổn cung đã khuyên không biết bao nhiêu lần. Gia thế nhà họ Phận như vậy, rõ ràng là nàng đang trèo cao, đã vậy còn không biết an phận, lễ nghi thì không chịu học, tính nết thì hoang dã, cứ thế này người ta nhìn vào sẽ nói bổn cung không biết dạy dâu, cả ngươi cũng bị mất mặt. Cho nên Ngũ hoàng tôn không cần bao biện giúp nàng nữa, cũng là muốn tốt cho nàng! Ngày xưa mẹ ngươi cưới xin vội vã, không biết chọn người. Ta thấy tuổi ngươi bây giờ đã lớn, nên tính đến chuyện nạp thêm vài vị di nương. Bổn cung có đứa cháu gái tên là Tố Hà, công dung ngôn hạnh đều tốt, vừa qua tuổi cặp kê. Xét thấy làm mẫu phi mà xưa nay chưa chủ trì được đại sự gì cho ngươi, bổn cung rất áy náy. Lựa ngày lành ta sẽ đi nói chuyện với phụ mẫu nàng, nhà họ là Phán sử ba đời có địa vị trong triều, gả nàng làm thiếp thì hơi thiệt, nhưng có thể làm bình thê. Nếu hoàng tôn không đành lòng hưu con bé kia, đây coi như một giải pháp tốt…
Du Thiến Thiến nói hăng say, từ chuyện dạy con dâu bay qua chuyện tìm thiếp thất. Phán sử đại nhân là ai, chẳng phải là biểu ca của nàng sao? Nói cách khác chính là “sân sau” của Du gia, cưới Tố Hà khác gì dẫn giặc vào nhà? Tuổi của Nhan Nghiêm cũng không “lớn” như lời nàng nói. Bằng chứng là Nhan Tấn hơn Nhan Nghiêm hai tuổi mà còn chưa thành thân. Thái tử phi không cho Nhan Tấn gần nữ sắc sớm, tránh bị sa đọa bỏ bê sự nghiệp. Vậy mà nàng lại nhiệt tình thái quá đối với chuyện vợ con của Nhan Nghiêm.
Nhan Nghiêm trấn tĩnh nghe hết, sau đó mới cười nhạt nhìn thẳng vào mắt Thái tử phi
-Tại gia tồng phụ, xuất giá tồng phu, phu tử tồng tử. Thẩm Thanh đã cùng thần nhi bái đường, nàng hiển nhiên là thê tử, thê tử chỉ cần theo chồng là tròn đạo. Thần nhi không có chê trách gì nàng, cần dạy đã dạy rồi, cần khuyên đã khuyên rồi. Ta cảm thấy Thẩm Thanh bây giờ rất tốt, cũng như mẫu phi chỉ cần hoàng phụ thấy tốt là đạt tiêu chuẩn rồi, không lẽ hoàng tổ mẫu còn có ý kiến khác?
Du Thiến Thiến trợn ngược mắt. Ý hắn… ý hắn muốn so sánh nàng với hoàng hậu? Bà ấy không phải chết yểu sao? Hắn trù nàng chết yểu?!? Du Thiến Thiến há miệng, Nhan Nghiêm đã giành nói tiếp:
-Hơn nữa trước kia chính mẫu phi đã mời cao nhân về xem bát tự cho ta, nói rằng ngoài Phận Thẩm Thanh thì không thể cưới ai khác. Tam hoàng huynh vẫn chưa có chính thất, phận làm đệ đệ mà vợ lớn vợ nhỏ đùm đề thì mặt mũi huynh ấy biết để ở đâu? Thần nhi có muốn cũng không dám!

Thái tử phi cứng lưỡi, cảm giác cây gậy của mình vừa nện vào lưng mình. Tức chết được, nói chuyện với đứa con này giống như lấy đao chém nước. Nàng giật cây quạt trong tay cung nữ, phẩy phành phạch
-Chuyện nạp thiếp không vội nhưng Thẩm Thanh mắc lỗi không thể cứ vậy bỏ qua, không dạy dỗ cẩn thận thì nàng ta sẽ không nhớ. Thương tình nàng còn nhỏ tuổi, bổn cung chỉ phạt giam Từ Ân Tự một ngày một đêm, chép một trăm lần Nữ Tắc. Hoàng tôn không có ý kiến gì chứ?
Nhan Nghiêm nhíu mày. Thái tử phi biết Thẩm Thanh sợ bóng tối và ở một mình, cũng biết nàng chưa viết rành chữ. Hình phạt nghe thì khoan hồng nhưng thật ra đang làm khó.
-Dạy vợ không tốt là lỗi của thần nhi. Thần nhi sẽ chịu phạt thay nàng. Xin mẫu phi cứ ra hình phạt.
Du Thiến Thiến đập cây quạt xuống bàn, nghiến răng nghiến lợi
-Giỏi lắm! Tóm lại người không cho ta động tới nàng chứ gì? Hay người không coi mẫu phi này ra gì nên không muốn ta dạy dỗ con dâu? Ngũ hoàng tôn tốt xấu cũng là huyết mạch Nhan gia, bổn cung làm sao dám trách phạt, kẻo Thái tử lại nói nặng nhẹ. Hừ, thấy ngươi sủng nàng như vậy thì bổn cung để ngươi toại nguyện. Qùy ở đây hai canh giờ là đủ, khỏi để người ngoài nói ta độc ác thủ đoạn.
Du Thiến Thiến cảm thấy mình nên đi, ở gần Nhan Nghiêm chẳng xơ múi được gì lại còn mang bệnh tức. Nếu không phải Thái tử kiên quyết bảo vệ hắn thì nàng có đủ cách khiến hắn biến mất khỏi thế giới này. Lá gan của Du Thiến Thiến teo lại từ khi Thi Âm mất. Dù nàng không liên can gì nhưng nàng đã đánh giá thấp tình cảm của Nhan Thiện. Thi Âm là chấp niệm duy nhất trong đời hắn. Bình thường thấy Nhan Thiện hiền lành kém uy nhưng hễ động phải cái vảy ngược là hắn sẽ liều mạng. Du Thiến Thiến xét cho cùng chỉ là một nữ nhân, nữ nhân ở trên đời không có chồng làm chỗ dựa thì mất hết tất cả. Cũng vì giữ hòa khí với Thái tử, nàng phải nhẫn nại hết sức, chờ khi thời cơ chín mùi mới có thể ra tay.
Du Thiến Thiến hít sâu, tự nói với mình trả thù ngàn năm chưa muộn. Ở trong đại điện, Nhan Nghiêm vẫn giữ nét cười khi mới bước vào. Thái tử phi chỉ phạt quỳ, chuyện gì cũng phạt quỳ, bởi nàng không dám dụng hình khác. Nhan Nghiêm không hề đắc ý, hắn nhẩm tính hoàng tổ phụ vài năm nữa dương thọ sẽ hết, hoàng phụ lên ngôi, Nhan Tấn làm thái tử, Thái tử phi làm hoàng hậu. Lúc đó cái ô dù của hắn lớn thì có lớn những không thể che hết mưa bão trên đầu. Chủ động rời đi mới là thượng sách, tìm một chút địa vị để sống dễ dàng hơn. Nhan Nghiêm chưa bao giờ đặt tâm ở kinh thành này. Nó là cái chậu mà Thẩm Thanh là con cá nhỏ. Hắn sẽ không vì lòng tham nhất thời mà giam nàng cùng bản thân trong cái lồng thép vàng nhỏ hẹp này.
Hoàng quyền là cái thá gì? Một xu cũng không đáng!
.

Hai canh giờ tuy không quá dài nhưng cũng không ngắn. Thời tiết đầu thu hơi se lạnh, sàn điện ở Đông Cung làm bằng đá tính hàn, chẳng mấy chốc đã khiến đầu gối của Nhan Nghiêm tê cóng. Cung nhân cố ý mở hết cửa lớn cửa nhỏ, gió lạnh ngấm vào y phục, từ từ cũng phát huy tác dụng. Nhan Nghiêm khép mắt chịu đựng, im lìm như pho tượng. Thế này đã là gì, những cực khổ hắn trải qua còn nhiều gấp trăm lần. Lúc Thi Âm còn sống, nàng chỉ dạy hắn cách nhẫn nhục và kiên cường. Thi Âm xuất thân hèn mọn, tài sản lớn nhất là tình yêu của Nhan Thiện. Nàng càng yêu Thái tử hơn, không muốn đem tới phiền phức khó xử cho hắn, cái gì có thể nhịn nàng đều nhịn hết, để giảm đi gánh nặng cho chồng, để nhà cửa êm ấm.
Nhan Nghiêm là cậu bé ngoan, lúc ấy không hề nghi ngờ vì sao luôn phải chịu đựng mà không được đấu tranh. Tính cách con người do sự dạy dỗ và hoàn cảnh tạo thành, Nhan Nghiêm thuở bé cũng yếu ớt như mẹ nó, là một con cún chỉ biết co mình chịu trận. Rồi một ngày, Phận Thẩm Thanh xuất hiện, tự nhiên Nhan Nghiêm hiểu ra mình không thể sống thế này mãi. Hắn đã có vợ, cô vợ cực kì ngốc nghếch, nếu hắn không bảo vệ nàng thì ai sẽ bảo vệ nàng?
Nhan Mỹ Nhan Tấn cảm thấy đứa em trai này không dễ bắt nạt nữa. Nó bỗng trở nên lì lợm và liều lĩnh hơn. Nhan Mỹ tát vào má Thẩm Thanh, Nhan Nghiêm chẳng nói chẳng rằng trả lại hai bạt tai gấp đôi như thế. Thi Âm tức giận lôi cậu bé ra phạt đòn, hỏi rằng vì sao dám hỗn láo đánh chị. Nhan Nghiêm ôm Thẩm Thanh còn đang khóc sướt mướt, vừa vỗ về nàng vừa bình thản trả lời mẹ:
-Ai dám động vào vợ của con, con sẽ không để họ yên!
Thi Âm bần thần nhìn con trai mình, nó lớn thật rồi, đã biết gánh vác. Nhan Thiện cũng vậy, bởi vì hắn luôn bảo vệ nàng nên nàng càng phải nhẫn nhục kiên cường, không thể chuyện gì cũng ép chàng ra mặt, không thể chuyện gì cũng dựa dẫm vào chàng. Người là Thái tử ở ngôi cao, nàng là ngọn cỏ lau trên mặt đất. Nhu nhược cũng có lý do, đơn giản là sự hy sinh của người phụ nữ…
Thi Âm cảm thấy lời thầy bói nói rất đúng. Thẩm Thanh rất hợp bát tự với con trai nàng. Nhan Nghiêm là một hoàng tôn, hắn khác mẹ, không thể sống như mẹ được. Nhìn thấy hai đứa trẻ quấn quýt như vậy, nàng phần nào đã yên lòng nhắm mắt. Kiếp này có được chân tình của Nhan Thiện xem như mỹ mãn rồi, nàng không thấy uất ức chút nào. Đời người ngắn ngủi, nàng chỉ đi trước một bước đợi chàng mà thôi…