Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 008




HỒI 8

Vương tư đồ khéo dụng liên hoàn kế;

Đổng thừa tướng náo động Phụng Nghi Đình.

Khoái Lương nói với Lưu Biểu rằng:

- Ngày nay Tôn Kiên đã chết, các con còn bé cả, nên thừa kế tiến quân nhanh lên, chỉ đánh một trận là lấy được Giang Đông. Nếu chúa công trả thây Tôn Kiên và bãi binh về, để cho kẻ thù nuôi dưỡng sức khỏe, đó là cái vạ của Kinh Châu về sau vậy!

Biểu nói:

- Ta còn có Hoàng Tổ ở bên ấy, sao nỡ bỏ được?

Lương nói:

- Bỏ một anh Hoàng Tổ vô mưu, mà lấy được cả Giang Đông, việc gì còn phải cân nhắc?

Biểu lại nói:

- Ta với Hoàng Tổ là bạn tâm phúc với nhau, bỏ y là trái nghĩa.

Biểu cho Hoàn Khải về, hẹn rằng hễ bên ấy tha Hoàng Tổ, thì bên này cho đem xác Tôn Kiên về.

Tôn Sách tha Hoàng Tổ, rồi sang rước linh cữu bố về, rút quân về Giang Đông, táng cha ở gò Khúc A.

Việc tang xong. Tôn Sách dẫn quân về Giang Đông, vời người hiền, dùng kẻ sĩ; khéo nhún mình trọng người; hào kiệt bốn phương dần dần kéo đến theo Tôn Sách cả. Trong khi ấy, Đổng Trác ở Trường An được tin Tôn Kiên đã chết, mừng mà nói rằng:

- Ta trừ được một mối lo lớn trong lòng!

Trác hỏi con Kiên bao nhiêu tuổi, có người thưa mười bảy tuổi. Trác không cho vào đâu; từ bấy giờ lại càng kiêu căng tự xưng là thượng phụ, khi ra khi vào dùng toàn nghi vệ thiên tử. Trác lại phong em là Đổng Mẫn làm tả tướng quân, tước vu hầu; cháu là Đổng Hoành làm trị trung, coi cả quan cấm binh. Tôn tộc họ Đổng chẳng cứ già trẻ, ai cũng được phong tước hầu cả.

Các Trường An hai trăm năm mươi dặm, Trác sai đắp một cái thành gọi là thành My Ổ, bắt hai mươi nhăm vạn dân đắp cao, dày, theo y như kiểu thành Trường An. Trong thành lại làm những cung thất kho tàng, chứa được đủ lương ăn trong hai mươi năm; lại kéo gái thanh tân tám trăm người chứa trong ấy; vàng, ngọc, gấm, vóc, trân châu vào không biết bao nhiêu mà kể. Họ hàng Trác đều được đem vào cả trong thành.

Trác thì đi đi về về Trường An, khi nửa tháng một lần, khi một tháng một lần. Công khanh đưa đón thường phải đứng trực ở ngoài cửa Hoành Môn.

Trác nhiều khi đặt trướng ở dọc đường, cùng với công khanh ăn tiệc.

Một hôm Trác ra ngoài cửa Hoành Môn các quan đi tiễn, Trác mời các quan ở lại uống rượu, đoạn cho gọi mấy trăm hàng binh vừa dụ được ở đất bắc đến. Trác sai đem ra trước chỗ ăn tiệc, đứa thì đem chặt chân chặt tay, đứa thì đem khoét mắt xẻo mũi, đứa thì đem cắt lưỡi, đứa thì đem bỏ vạc dầu đun. Tiếng kêu khóc vang lừng trời đất.

Các quan đang ăn tiệc, thấy thế người nào người nấy đều run cầm cập, đánh rơi cả đũa. Trác vừa uống rượu vừa cười nói như không.

Lại một hôm khác, Trác ở sảnh đài, hội cả bách quan ngồi sẵn ra hai hàng. Rượu uống được độ vài tuần, thì Lã Bố đi tắt vào, ghé vào tai Đổng Trác nói thầm mấy câu, rồi thấy Trác cười mà nói rằng:

- À ra thế!

Nói rồi sai Lã Bố lôi quan tư không, tên là Trương Ôn, đang ngồi dự tiệc, đem xuống nhà dưới. Các quan không biết đầu đuôi thế nào đều thất sắc. Một lát thấy quân hầu bưng lên một cái mâm đỏ, giữa để đầu lâu Trương Ôn. Các quan đều sợ mất vía. Đổng Trác cười nói:

- Các quan đừng sợ. Trương Ôn liên kết với Viên Thuật, toan hại ta. Nhân hai đứa gửi thư cho nhau, đưa nhầm cho con ta là Lã Ôn Hầu, nên ta mới đem chém. Các quan không có việc gì, đừng sợ.

Các quan dạ dạ rồi về.

Quan tư đồ Vương Doãn, hôm ấy về đến phủ, nghĩ đến những việc trông thấy ở trong bữa tiệc, ngồi đứng không yên. Đến đêm khuya, trăng sáng vằng vặc, Doãn chống gậy đi ra vườn sau, đứng bên cạnh bụi đồ mi, ngẩng mặt lên trời, mà khóc.

Chợt nghe có tiếng người thở dài ở cạnh đình mẫu Đơn. Doãn rón rén lại nhìn xem ai thì là một con hát trong phủ, tên là Điêu Thuyền.

Điêu Thuyền từ thuở nhỏ được kéo vào phủ, học múa học hát, bấy giờ mới mười sáu tuổi, đủ cả tài sắc, Doãn thương yêu như con đẻ. Doãn đứng nghe một hồi lâu, mắng rằng:

- Con này đã có tư tình gì đây?

Thuyền quỳ xuống thưa rằng:

- Lạy cha, con đâu dám có tư tình.

Doãn hỏi:

- Không có tư tình thì việc gì canh khuya lại ra đứng đây mà thở vắn than dài?

Thuyền nói:

- Lạy cha! Xin cho con bày tỏ nỗi lòng.

Doãn nói:

- Con không được giấu giếm, phải nói cho thực.

Thuyền nói:

- Con nhờ ơn cha nuôi nấng, dạy bảo múa hát, lại được hậu đãi, dù thịt nát xương tan, cũng không báo được muôn một. Gần đây con thấy cha mặt thảm mày chau, tất cha có lo việc lớn gì trong nước, con vẫn không dám hỏi. Nhân chiều hôm nay con thấy cha đứng ngồi không yên, cho nên con cũng buồn rầu mà thở dài, không ngờ cha nghe thấy. Nếu cha có việc gì cần sai bảo đến con, dù có chết con cũng không ngại.

Doãn đập gậy xuống đất nói rằng:

- Ai ngờ cơ đồ nhà Hán lại ở trong tay con! Hãy theo cha đến nhà gác cha bảo!

Doãn đến đó, đuổi hết tì thiếp ra, dắt Điêu Thuyền ngồi lên trên sập, rồi thụp xuống lạy.

Điêu Thuyền sợ hãi, cúi rạp xuống đất, thưa rằng:

- Sao cha lại làm thế?

Doãn nói:

- Con hãy thương lấy sinh linh nhà Hán!

Nói rồi khóc như nước suối chảy. Thuyền thưa:

- Vừa rồi con đã thưa, cha có việc gì sai khiến, dẫu chết con cũng không từ.

Doãn lại quỳ xuống nói:

- Hiện nay trăm họ như bị treo ngược, vua tôi ngất ngưởng như trứng chồng, thật nguy cấp, phi con không ai cứu được. Tặc thần Đổng Trác sắp cướp ngôi vua, Văn Vũ trong triều không ai nghĩ được kế gì. Đổng Trác có một thằng con nuôi là Lã Bố, sức khỏe lạ thường. Ta xem hai đứa ấy cũng là tuồng hiếu sắc. Nay ta muốn dùng một kế liên hoàn: Trước đem con gả cho Lã Bố, sau lại đem con dâng Đổng Trác. Con ở trong, tùy cơ lập kế, li gián hai bố con nó, xui khiến thế nào cho Lã Bố giết Đổng Trác để trừ kẻ đại ác, giữ yên xã tắc, dựng lại giang sơn. Đó là nhờ ở sức con, con nghĩ thế nào?

Thuyền thưa:

- Con xin thưa, dẫu chết con cũng không từ. Xin đem ngay con dâng cho nó, con sẽ lập mưu ở trong.

Doãn nói:

- Việc này nếu tiết lộ họ nhà ta sẽ chết hết!

Thuyền thưa rằng:

- Xin cha chớ lo. Nếu con không báo đền được nghĩa lớn, con sẽ chết ở dưới muôn vàn ngọn giáo.

Doãn lạy tạ.

Hôm sau Doãn sai người đem ngọc minh châu, xưa nay vẫn cất kĩ một nơi, gọi thợ khéo, làm một cỗ mũ vàng, mật sai người đem biếu Lã Bố.

Bố mừng rỡ, thân đến nhà Doãn tạ ơn.

Doãn làm sẵn của ngon vật lạ đợi Bố đến. Doãn ra cửa đón rước vào hậu đường, mời ngồi lên trên.

Bố nói:

- Tôi là một tiểu tướng ở trong phủ, tư đồ là một vị đại thần trong triều, sao lại quá tôn kính như vậy?

Doãn nói:

- Nay thiên hạ không có ai là anh hùng, tôi chỉ thấy duy có tướng quân mà thôi. Tôi tỏ lòng tôn kính, không phải là tôn kính cái chức của tướng quân mà là tôn kính cái tài của tướng quân đó.

Bố mừng lắm, Doãn khẩn khoản mời rượu, khen lấy khen để mãi cái đức Đổng thái sư và cái tài Lã Bố.

Bố cười vang và uống rượu thỏa thích. Bấy giờ Doãn mới đuổi đầy tớ lùi ra, chỉ để vài người tì thiếp đứng hầu rượu. Khi Bố ngà ngà say, Doãn nói truyền rằng:

- Gọi con em nó ra đây!

Một lát hai thị tì đỡ Điêu Thuyền trang điểm thật lộng lẫy bước ra. Lã Bố trông thấy giật mình, hỏi:

- Người nào vậy?

Doãn nói:

- Đó là con gái nhỏ lão, tên là Điêu Thuyền. Lão nay được ơn tướng quân có lòng hạ cố mà coi như chỗ chí thân, nên lão sai nó ra để chào tướng quân.

Liền sai Điêu Thuyền bưng chén rượu mời.

Thuyền nâng chén rượu mời Bố. Hai bên nhìn nhau, đầu mày cuối mắt...

Vương Doãn giả tảng say, nói:

- Con cố mời tướng quân uống vài chén con nhé! Cả nhà ta đều trông nhờ vào tướng quân đấy.

Bố mời Thuyền ngồi. Thuyền giả cách thẹn thùng, muốn lui vào, Doãn nói:

- Tướng quân là bạn chí thân với ta, con cứ ngồi đừng ngại.

Thuyền khép nép, ngồi bên cạnh Doãn.

Lã Bố nhìn Thuyền chòng chọc, không chớp mắt, lại uống thêm vài chén.

Doãn mới trỏ tay vào Thuyền mà bảo Lã Bố rằng:

- Lão vẫn có ý cho nó hầu hạ tướng quân làm tì thiếp, chưa biết tướng quân có bụng hạ cố thương đến không?

Bố nghe nói vội vàng đứng dậy, ra ngoài chiếu, tạ mà nói rằng:

- Nếu được như thế, tôi xin một đời làm khuyển mã để báo đáp ơn sâu.

Doãn nói:

- Nay mai xin chọn ngày lành tháng tốt, đưa nó đến phủ tướng quân.

Lã Bố mừng hớn hở, đưa mắt nhìn Điêu Thuyền. Điêu Thuyền cũng liếc mắt đưa tình đáp lại.

Một chốc tiệc tan, Doãn nói:

- Lão phu muốn mời tướng quân nghỉ lại đây chơi, nhưng sợ thái sư sinh nghi.

Bố hai ba lần tạ đi tạ lại, rồi lui về.

Được vài hôm, Vương Doãn ở trong triều gặp Đổng Trác, nhân thể không có Lã Bố ở đấy, bèn thụp xuống đất lạy, nói rằng:

- Tôi muốn rước thái sư quá bước lại nhà tôi xơi chén rượu, nhưng không biết thái sư có lòng hạ cố chăng?

Trác nói:

- Được quan tư đồ mời, tôi xin đến ngay.

Doãn lạy tạ, về nhà, trang hoàng nhà cửa lịch sự, bày đủ các món sơn hào hải vị, giữa gian sảnh, kê một cái sạp; gấm vóc rải cả xuống đất; trong ngoài trướng rủ màn che.

Buổi trưa hôm sau, Đổng Trác đến, Doãn mặc áo đại trào ra đón, lạy hai lạy rồi mời vào. Trác xuống xe, tả hữu hơn một trăm người vác kích đi thẳng vào nhà, đứng xếp thành hai hàng. Doãn xuống dưới thềm lạy hai lạy, Trác sai người dắt Doãn lên ngồi bên cạnh.

Doãn nói:

- Công đức thái sư to lắm! Y Doãn, Chu Công ngày xưa cũng không bằng!

Trác mừng lắm. Doãn sai tấu nhạc và dâng rượu, rất là cung kính. Đến chiều Trác uống rượu đã say, Doãn mời Trác vào nhà trong. Trác quát giáp sĩ lui ra. Doãn bưng một chén rượu, mừng Trác rằng:

- Chúng tôi thuở nhỏ có học thiên văn, đêm xem tượng trời, thấy khí số nhà Hán đã hết. Thái sư công đức đã vang lừng cả thiên hạ. Ngày xưa, vua Thuấn nối ngôi vua Nghiêu, vua Vũ nối ngôi cho vua Thuấn. Thế là hợp lòng trời và lòng người lắm.

Trác nói:

- Ta có đâu dám mong như thế!

Doãn nói:

- Xưa nay người có đạo thay người vô đạo, người không có đức nhường người có đức, có gì là không đúng.

Trác cười và nói rằng:

- Nếu mệnh trời về ta, tư đồ phải làm nguyên huân.

Doãn lạy tạ.

Bấy giờ đèn nến đốt sáng choang, chỉ có mấy đứa hầu gái đứng hầu rượu và dâng đồ ăn.

Doãn nói:

- Phường nhạc không đáng đem ra cung phụng thái sư. Nay có một con hát của nhà, xin thái sư cho phép được gọi ra hầu.

Trác nói:

- Hay lắm!

Doãn mới sai kéo bức màn ra, đàn sáo vang lừng, Điêu Thuyền đứng ở ngoài mành lượn múa dịu dàng, ở ngoài trông vào thực là ngoạn mục.

Có bài ca khen Điêu Thuyền như sau:

Người ở cung Chiêu Dương đó nhỉ

Cánh hồng bay phớn phở trên tay

Động Đình chừng đã qua bay,

Lương Châu vỗ nhịp nhẹ giày gót sen.

Một cành gió lá hoa mềm,

Mùi hương ngào ngạt dày thềm vẻ xuân.

Lại có một bài thơ nữa khen rằng:

Én liệng la đà nhịp phách ngà.

Mây bay một áng diễu thềm hoa.

Mày ngài gợi khách sầu man mác.

Vẻ ngọc xui người dạ thiết tha.

Hô dễ nghìn vàng mua được miệng.

Lọ dùng trăm báu xức vào da?

Rèm cao múa đoạn ai nhìn trộm.

Nào biết Tương vương mấy kẻ là!

Điêu Thuyền múa xong, Trác gọi lại gần.

Điêu Thuyền ở ngoài thềm đi vào, lạy hai lạy.

Trác thấy Điêu Thuyền dung nhan xinh đẹp bèn hỏi Doãn:

- Con bé này là thế nào?

Vương Doãn thưa:

- Bẩm, nó là con hát ở phủ, tên là Điêu Thuyền.

Trác hỏi:

- Biết hát không?

Doãn sai Điêu Thuyền gõ nhịp hát một bài.

Thật là:

Môi son hé nở cánh đào tân.

Ngọc trắng hai hàng nhả “Ánh xuân”

Đầu lưỡi đinh hương đường kiếm sắc.

Rắp toan chém cổ kẻ gian tham!

Đổng Trác khen nức nở.

Doãn sai Thuyền dâng rượu.

Trác cầm lấy chén rượu hỏi rằng:

- Xuân xanh năm nay bao nhiêu?

Thuyền thưa:

- Tuổi tiện thiếp vừa đôi tám.

Trác cười nói rằng:

- Thật là người chốn thần tiên!

Doãn đứng dậy thưa rằng:

- Chúng tôi có ý muốn đem dâng lên thái sư, không biết thái sư có nhận cho không?

Đổng Trác nói:

- Ơn ấy ta biết lấy gì báo lại.

Doãn nói:

- Nếu nó được hầu hạ thái sư thì thực phúc to cho tôi lắm.

Trác cám ơn hai ba lần. Doãn lập tức sai đưa Điêu Thuyền đến tướng phủ. Trác đứng dậy cáo từ. Doãn đi tiễn Trác đến tận phủ rồi mới về.

Doãn cưỡi ngựa đến nửa đường, trông thấy hai bên đường có đèn đỏ, ở giữa là Lã Bố, cưỡi ngựa cầm kích đi lại. Lúc Vương Doãn đến, Bố dừng ngựa, một tay nắm lấy áo Vương Doãn rồi hỏi to rằng:

- Tư đồ đã gả Điêu Thuyền cho ta, nay lại đem Điêu Thuyền dâng thái sư, sao lại đùa như thế?

Doãn vội vàng ngăn Lã Bố, nói rằng:

- Nói chuyện ở đây không tiện, xin ngài hãy quá bước lại nhà lão phu.

Bố theo Doãn về. Hai người dắt nhau vào nhà trong. Chào hỏi xong. Doãn nói:

- Sao tướng quân lại trách lão?

Bố nói:

- Có người nói với ta rằng tư đồ dùng xe đưa Điêu Thuyền vào tận tướng phủ, là cớ làm sao?

Doãn thưa:

- Rõ khổ, tướng quân không biết! Hôm qua ở triều thái sư bảo tôi rằng: “Ta có một việc phải đến nhà ngươi.” Vậy tôi có sửa soạn tiệc nhỏ đón tiếp. Trong khi uống rượu, thái sư hỏi: “Ta nghe ngươi có con gái tên là Điêu Thuyền, đã gả cho con ta là Lã Phụng Tiên. Có thực không? Đem con lão ra đây cho ta coi!” Tôi không dám không vâng lệnh, phải gọi Điêu Thuyền ra lạy bố chồng. Thái sư lại truyền rằng: “Hôm nay tốt ngày, để ta đem Điêu Thuyền về cho Phụng Tiên!” Tướng quân thử nghĩ xem, thái sư thân hành đến nơi truyền bảo, lão phu sao dám gàn trở!

Lã Bố nói:

- Quan tư đồ không có lỗi gì, tôi trót nghĩ lầm. Ngày mai tôi xin mang roi đến chịu tội.

Doãn lại nói:

- Con tôi có ít nhiều đồ nữ trang. Khi nào nó về phủ tướng quân, tôi sẽ mang đến.

Lã Bố tạ, rồi về.

Sáng hôm sau, Bố ở nhà nghe ngóng, chẳng thấy tin tức gì, bèn sang tướng phủ, vào thẳng nhà trong hỏi tin những người hầu.

Một người thưa:

- Đêm qua thái sư cùng nghỉ với người hầu mới, bây giờ chưa dậy.

Bố giận lắm, lẻn vào sau buồng nằm của Đổng Trác để dò xem.

Bấy giờ Điêu Thuyền đã dậy rồi đang ngồi trong cửa sổ chải đầu, chợt trông xuống ao trước cửa sổ thấy bóng người cao lớn, đầu đội mũ bịt tóc, biết ngay là Lã Bố, Điêu Thuyền cố ý chau ngay đôi mày làm ra dáng buồn bã, tay cầm khăn thỉnh thoảng nâng lên lau nước mắt.

Lã Bố đứng nhìn hồi lâu rồi trở ra, một lát sau lại vào. Đổng Trác ngồi ở trung đường, thấy Bố đến, hỏi rằng:

- Ở ngoài không có việc gì chứ?

Bố thưa:

- Không.

Rồi đứng hầu một bên. Trác ăn cơm, Bố liếc mắt nhìn dòm trộm, thấy trong rèm có người con gái đi đi lại lại, hơi thò nửa mặt ngoảnh ra ngoài, liếc mắt đưa tình. Trác nhìn thấy dáng điệu của Bố như vậy, trong lòng nghi hoặc liền hỏi rằng:

- Phụng Tiên không có việc gì, hãy lui ra!

Lã Bố bực tức trở ra.

Trác từ khi được Điêu Thuyền, hơn một tháng trời không coi gì đến việc quan. Một bữa Trác hơi khó ở, Điêu Thuyền hết lòng hầu hạ, mặc áo không lúc nào cởi đai, cố ý chiều chuộng, Trác lại càng yêu quý hơn nữa.

Một hôm Lã Bố vào hỏi thăm, gặp lúc Đổng Trác đang ngủ, Điêu Thuyền đứng ở sau giường thò nửa người ra, trông thấy Bố, lấy tay trỏ vào tim mình rồi lại trỏ vào Đổng Trác, và luôn luôn gạt nước mắt.

Bố cảm thấy ruột như nát ra.

Trác nằm hai mắt lim dim, thấy Lã Bố nhìn chòng chọc về phía sau chỗ mình nằm, quay lại thì thấy Điêu Thuyền đứng ở sau giường. Trác nổi giận mắng Bố rằng:

- Mày ghẹo vợ yêu của ta à?

Bèn sai tả hữu đuổi Lã Bố ra và cấm từ nay không được vào nhà trong nữa.

Lã Bố tức giận trở về, đi đường gặp Lý Nho, kể lại đầu đuôi.

Nho lập tức vào ra mắt Đổng Trác, nói rằng:

- Thái sư muốn lấy thiên hạ, sao lại vì một việc nhỏ mọn mà trách mắng Lã Ôn Hầu. Nếu y thay lòng đổi dạ, việc lớn hỏng mất.

Trác hỏi:

- Bây giờ nên làm thế nào?

Nho nói:

- Sớm mai gọi y vào, cho vàng lụa, dùng lời ngọt ngào an ủi y, thì sẽ không có việc gì xảy ra nữa.

Trác nghe lời, hôm sau cho gọi Lã Bố vào nhà trong, bảo rằng:

- Hôm qua trong cơn đau yếu, tinh thần hoảng hốt, ta có nói mấy câu, nhà ngươi đừng để bụng.

Nói rồi, sai đưa cho Lã Bố mười cân vàng và hai mươi tấm gấm.

Bố lạy tạ rồi về, nhưng từ lúc ấy tuy đứng hầu ở bên Đổng Trác, mà ruột gan lúc nào cũng vơ vẩn chung quanh Điêu Thuyền.

Khi Trác đã khỏi bệnh, vào triều bàn việc, Bố vẫn cầm kích đi theo.

Một bữa, Trác đang ngồi bàn tiệc với vua Hiến Đế, Bố vác kích lẻn ra cửa sau, lên ngựa chạy đến tướng phủ, buộc ngựa ở cửa phủ, cầm kích vào thẳng hậu đường, để tìm Điêu Thuyền.

Thuyền bảo:

- Hãy ra vườn sau bên đình Phượng Nghi đợi thiếp!

Bố vác kích đi trước, đứng bên bao lơn ở dưới đình chờ một hồi lâu, thấy Điêu Thuyền rẽ hoa gạt liễu đi đến, chẳng khác gì tiên trên cung trăng.

Thuyền sụt sùi khóc bảo Bố rằng:

- Tiện thiếp tuy không phải Vương tư đồ sinh ra, nhưng tư đồ coi thiếp như con đẻ. Từ khi gặp tướng quân, được nhận cho làm kẻ nâng khăn sửa túi thiếp đã lấy làm mãn nguyện lắm. Ngờ đâu thái sư đem lòng bất lương, làm ô nhục thiếp, thiếp giận không chết ngay được, chỉ vì chưa gặp được tướng quân để từ giã lần cuối cùng, cho nên còn nhịn nhục sống đến bây giờ. Nay may được gặp nhau, thế là hả rồi. Tấm thân đã nhơ nhuốc này không xứng đáng thờ người anh hùng, thiếp xin chết ở trước mặt chàng để tỏ rõ lòng thiếp!

Điêu Thuyền nói xong, tay vịn bao lơn, mắt nhìn ra ao sen, định nhảy xuống.

Lã Bố vội vàng ôm ngay lấy Điêu Thuyền, khóc nói rằng:

- Lòng nàng tôi biết đã lâu, chỉ hiềm chưa được nói với nhau đấy thôi!

Điêu Thuyền gạt tay Lã Bố ra nói rằng:

- Kiếp này thiếp không được làm vợ chàng, xin hẹn để kiếp sau!

Lã Bố nói:

- Nếu kiếp này không lấy được nàng, tôi không phải là người anh hùng nữa.

Điêu Thuyền nói:

- Thiếp coi một ngày dài bằng một năm, xin chàng thương mà cứu vớt.

Bố nói:

- Tôi lên đến đây, sợ thằng giặc già nó nghi, tôi phải đi ngay.

Thuyền lôi vạt áo Lã Bố lại nói rằng:

- Chàng còn sợ thằng giặc già như thế, thiếp này không còn mong có ngày nào được trông thấy trời và đất nữa!

Bố đứng lại nói rằng:

- Đừng vội vàng, để tôi nghĩ cách đã.

Nói rồi vác kích định ra.

Điêu Thuyền níu lại nói rằng:

- Khi tôi ở chốn buồng the đã được nghe tiếng tướng quân, lừng lẫy như sấm rót vào tai, tưởng rằng ở đời này chỉ có một người như thế chớ không có hai. Ai ngờ tướng quân lại chịu dưới quyền áp chế của người khác!

Nói rồi, nước mắt chảy xuống như mưa.

Lã Bố thẹn đỏ cả mặt, dựa kích vào một chỗ, quay lại ôm lấy Điêu Thuyền, dỗ dành an ủi. Hai người quấn quấn quýt quýt không nỡ buông nhau ra.

Đổng Trác ở trên điện, bỗng ngoảnh lại không thấy Lã Bố trong bụng nghi ngay, vội vàng xin cáo từ lên xe về phủ thấy ngựa của Bố buộc trước cửa phủ, Trác bèn hỏi lính canh cửa. Lính canh nói:

- Ôn hầu vào nhà sau.

Trác mắng quân canh cửa, đi thẳng ngay vào hậu đường, không thấy Lã Bố. Trác gọi Điêu Thuyền cũng không thấy thưa. Trác hỏi người hầu gái. Người hầu gái thưa: Điêu Thuyền ở trong vườn sau ngắm hoa.

Trác vào vườn sau tìm, thấy Lã Bố và Điêu Thuyền đang nói chuyện với nhau ở bên Đình Phượng Nghi, họa kích dựng một bên.

Trác giận quát to một tiếng.

Bố thấy Trác đến, cả sợ, quay đầu chạy.

Trác vớ ngay lấy ngọn họa kích đuổi theo. Bố chạy mau, Trác béo phục phịch, đuổi không kịp, bèn cầm kích ném theo Lã Bố. Bố gạt rơi xuống đất, Trác nhặt kích lại đuổi, nhưng Bố đã chạy xa. Trác đuổi ra tận cửa vườn, thì một người xăm xăm chạy đến, đâm sầm ngay vào Đổng Trác. Trác ngã quỵ xuống đất.

Thế rõ thực là:

Khi căm xông thắng trên mây tía

Mình béo lăn kềnh đến đất đen.

Chưa biết người ấy là ai, xem hồi sau mới rõ.