Tâm Ma

Chương 5: Đường về




Đời người sướng hay khổ là do nhân tâm. Có người cả kiếp nghèo xác xơ, không vinh hoa phú quý nhưng vẫn hài lòng vui vẻ thì tạm coi là sướng, có người giàu có hiển vinh nhưng cả đời luôn theo đuổi ảo vọng thì luôn sầu khổ. Trần Gia cũng vậy. Lão cứ ngồi đó, đầu óc mông lung mê muội đến tận sáng hôm sau, vừa lo vừa sợ hãi, tiếng thét của thằng bé cứ vang vọng trong đầu, ám ảnh rợn người.

Ánh sáng ban mai vừa chiếu, Thích Tâm bước ra khỏi phòng, trông lão có vẻ mệt mỏi, Trần Thiếu đi theo sau, trông vẫn vậy. Thấy Trần Gia thẫn thờ ngồi đó, Thích Tâm khẽ trách:

- Người ngàn vạn lần không nên làm vậy. Lão nói thêm: Vết thương cần phải được chữa lành rồi mới vận động được, gợi lại nỗi đau trong quá khứ quá sớm sẽ làm “bệnh tinh” thằng bé càng thêm trầm trọng, công lao bao ngày qua sẽ đổ xuống sông bể hết

- Ta ... ta ...., Trần Gia nghe vậy hối hận vô cùng, định thanh minh vài câu nhưng lại không nói gì, thấy thằng bé có vẻ vẫn ổn, lão mới bớt lo lắng phần nào.

Lúc này, nỗi mệt mỏi mới ập xuống. Lão nhìn thằng bé, nó thấy ánh mắt lão, đáp lại rồi cúi mặt. “Tạm ổn rồi” lão thầm nghĩ.

- Người nên nghỉ ngơi đi, không còn gì đáng lo nữa. Thích Tâm nói

- Đa tạ đại sư. Trần Gia đáp.

Lão lặng lẽ bước về phòng, vừa đặt lưng xuống trõng tre, lão nhắm mắt lại xua tan mệt mỏi. Bỗng tiếng hét của thằng bé lại vang lên trong đầu lão. Dấy lên bao nỗi hoài nghi, giờ lão mới tỉnh táo hơn, sao thằng bé lại hành động như vậy? tiếng hét đó nghĩa là sao? không hiểu Thích Tâm dạy gì thằng bé cả buổi tối, là giúp nó hay chuyền cho nó thứ tà đạo ma quỷ gì? Phải tìm hiểu cho kỹ mới an tâm. Sự mệt mỏi kéo lão thiếp đi trong cơn mộng mị.

Đêm đã khuya, thằng bé đang trong mật thất với Thích Tâm, Trần Gia lục lại đống hành lý lão thu dọn vội vàng mang theo. Bộ kiếm pháp “Thất tuyệt” của một vị kiếm khách mà lão gia đối đãi rất hậu nên tặng lại trang gia. Tấm vải áo của phu nhân in dấu tay của kẻ thủ ác mà lão xé vội làm bằng chứng, miếng vải thủng đúng hình bàn tay như thể bàn tay này làm bàn sắt nung đỏ rồi dí vào chứng tỏ võ công của người này cực thịnh, kình lực khủng khiếp, một chưởng như vậy phu nhân sao chịu thấu. Nghĩ đến đó lão lại không dám tưởng tượng tiếp. Lão nhét tấm vải cẩn thận vào rồi cầm quyển kiếm pháp lên đọc. Thất Tuyệt Kiếm, Tổ kiếm Cồn Chân Tiên, theo truyền thuyết Cồn Chân Tiên ở sát chân phía Ðông Nam núi Ðọ, thuộc xã Thiệu Khánh (Thiệu Hoá-Thanh Hóa), được coi là cốt lõi mở đầu việc hình thành bộ Cửu Chân trong đất nước các Vua Hùng xa xưa chứng tỏ môn phái này xuất phát từ tổ kiếm từ rất lâu, truyền lại thành các nhánh, các chi. Cốt yếu: “Trọng kiếm chiêu, điều hòa kinh mạch, tăng kình lực”. Vậy là môn phái này chú trọng vào chiêu thức, chắc hẳn các chiêu thức ắt có phần độc đáo, cũng phù hợp với võ công hiện tại của lão. Cũng phải nói rằng, trước đây, trang chủ tuy võ công thường thường, nhưng lại rất ham mê võ nghệ, đối với các vị kiếm khách, danh gia đối đãi rất hậu. Chính vì vậy, có mời được 1 vị kiếm khách ở trang gia rất lâu, luận kiếm giảng giải cho người trong trang. Trần Gia học võ trong thời gian đó. Có nền tảng, lão tích góp thêm kiến thức từ những vị khách mà trang chủ mời về, nên hiểu biết ngày một tăng, đến lúc trong trang không ai còn là đối thủ của lão, việc này làm lão rất hãnh diện và tự tin. Thấy chút phấn chấn, lão say mê đọc tiếp.

Vừa tập luyện Thất Kiếm, Trần Gia vừa tiếp tục dạy võ công cho thằng bé, lần này trần gia thưa trước với Thích Tâm. Thích Tâm không tỏ ý bằng lòng nhưng cũng không phản đối. Lần này, việc học võ của thằng bé tiến triển rất nhanh. Rõ ràng Thích Tâm không dạy võ công cho thằng bé, nhưng khí và lực thì tăng tiến đến kinh ngạc, trí tuệ minh mẫn nhưng tuyệt nhiên không chuyện trò gì với lão. Chính vì thế, thằng bé tiếp thu võ công rất nhanh. Lão tạm yên tâm. Lão tính, vài bữa nữa sẽ thu xếp về nhà cũ điều tra sự việc từ đầu.

Tối hôm ấy, vừa ăn cơm xong, lão thưa với Thích Tâm:

- Ta xa quê đã lâu, nay nhớ nhà, muốn về cố hương vừa là thăm họ hàng, vừa đốt vài nén hương cho tổ tiên. Có điều, thằng bé còn nhỏ đưa theo không tiện, mong đại sư trông nom cho ít bữa.

Thích Tâm đáp:

- Ấy cũng là việc nên làm, người cứ yên tâm. Chẳng hay, người quê quán ở đâu? Họ hàng thân thích sum vầy cả không ?

Trần Gia thoáng nghĩ: “Ta đã không xưng tên họ thật thì quê quán cũng không cần thiết.” Lão liền nói bừa:

- Ta gốc ở đất Vụ Bản (nay thuộc Nam Định), họ hàng thân thích không còn nhiều.

Thích Tâm nói:

- Chắc người xa quê đã lâu nên ngữ âm địa phương chỉ còn phảng phất. Vùng đất này hội tụ đối đầu quyết liệt của hào khí bốn phương, đã vang danh từ lâu.

- Ta thật chẳng xứng danh với danh tiếng quê hương, chiều đã muộn, ta chuẩn bị lên đường luôn. Vì nói bừa nên sợ nói thêm lại lộ tẩy, lão lảng sang chuyện khác.

Nói đoạn, lão liền chuẩn bị hành lý quân lương rồi lên đường luôn, viện lý do đi buổi tối cho mát mẻ, tránh cái nắng mùa hè, hơn nữa buổi tối tránh gặp người quen, dễ dò la hơn. Thích Tâm tỏ ý khuyên can, đi ban đêm lắm việc nguy hiểm nhưng Trần Gia chỉ cười trừ. Thích Tâm cũng thôi không ngăn cản, chỉ đưa cho một lọ nho nhỏ, trông như bình thuốc, nói:

- Người cũng đã có tuổi, đường xa có phần mệt mỏi, lúc nào mệt uống chút thuốc của ta cho nhanh hồi phục sức khỏe.

Trần Gia cảm kích, cúi người cảm tạ, khẽ xoa đầu thằng bé rồi quay lung bước đi, lão có chút cảm thán, từ lúc gặp tai họa đến giờ lão mới lại xa thằng bé. Bỗng thằng bé chạy lại níu tay trần gia, quyến luyến. Trần gia nói: “Ta đi vài bữa lại về, ngươi ở đây nhớ nghe lời lão sư”. Thằng bé gật đầu: “Ông đi nhanh lại về”. Trần gia nhanh chân rảo bước đi, không quay đầu lại. Thích Tâm nhìn theo khẽ lắc đầu thở dài.