Tâm Lý Học

Chương 28: C28: 28. Những Vụ Án Giết Người Vì Phim Ảnh




Những tiếng thét

Trong bộ phim Scream (Tiếng thét) của đạo diễn Wes Craven có một nhân vật mang mặt nạ trắng dài với đôi mắt rỗng và áo choàng đen, rất phổ biến trong những dịp hóa trang Halloween. Được công chiếu vào năm 1996, bộ phim châm biếm rất nhiều phim kinh dị đâm chém trong quá khứ, với nội dung xoay quanh một cô gái thiếu niên trở thành mục tiêu của một kẻ giết người điên loạn (Ghostface), cô phải tìm hiểu những bí mật trong thị trấn nơi mình ở để giải cứu bản thân. Nhưng ngay cả hình thức châm biếm cũng có thể kích thích những tâm hồn lệch lạc bắt chước theo. Mọi hành động đều được thể hiện trên phim.

Scream mở đường cho hai bộ phim phần tiếp theo rất ăn khách, và cũng khơi nguồn cảm hứng cho tội phạm. Trong vòng ba đến bốn năm sau khi bộ phim được công chiếu, rất nhiều thanh thiếu niên được truyền cảm hứng giết người: một cậu trai và em họ của cậu ở Los Angeles bị ám ảnh bởi bộ phim và đã giết chết mẹ của mình với 45 nhát đâm, một người đàn ông đeo mặt nạ bắn chết một phụ nữ ở Florida, một cậu bé ở Pháp đã giết ba mẹ của mình khi đang đóng giả Ghostface, và ở Anh, hai bé trai liên tục đâm một bé trai khác, bảo rằng bộ phim đã thôi thúc chúng làm điều này.

Kết quả hình ảnh cho ghostface

Daniel Gill, 14 tuổi, và Robert Fuller, 15 tuổi, đến từ Bắc Yorkshire, bị kết tội vào ngày 22 tháng 10 năm 1999 vì tội cố ý giết Ashley Murray và bị xử phạt ở trại cải tạo trong sáu năm. Chúng đâm Murray mười tám lần và bỏ mặc cho nạn nhân chết, nhưng một ngày rưỡi sau đó có một người đàn ông dắt chó đi dạo tìm thấy cậu và cậu đã được bình phục.

Ngay trước cuộc tấn công, hai cậu bé đã xem phim Scream ở nhà của một tay buôn ma túy, người đã cho chúng xem những món đồ liên quan đến tâm linh và vũ khí, và nằng nặc bảo rằng thần linh muốn Murray chết. Hai cậu bé được bào chữa rằng điều này đã làm mờ đi ranh giới giữa hư và thực, cũng như ranh giới giữa đúng và sai. Theo BBC, trong sách học của một trong hai cậu bé có những hình vẽ Ghostface và những con dao.

Nhưng chúng là bạn của Murray, và ngay cả cậu bé cũng thừa nhận rằng bộ phim đã điều khiển hành vi của chúng. Đó là lời khai cậu bé trình bày với cảnh sát. Cậu kể rằng chúng dụ cậu đến một chỗ hoang vắng, rồi Gill liên tục đâm vào má và đầu của cậu. Fuller giữ người cậu và đâm vào tay. Chỉ khi Murray giả vờ chết thì hai đứa bé kia mới bỏ đi, nhưng lúc ấy cậu bé cũng bị thương quá nặng nên không thể tự mình đến bệnh viện.

Fuller tố cáo Gill mới là kẻ đầu têu, trong khi Gill ban đầu không chịu thừa nhận điều mà sau này cậu mới chịu khai là tên buôn ma túy đã cho cậu bé dùng ma túy và xúi giục cậu giết Murray. Cậu đã tin đó là một mệnh lệnh siêu nhiên.

Dù có vẻ đúng là một số người đắm chìm vào phim ảnh kinh dị sẽ cảm thấy bị kích thích thực hiện hành vi phạm tội tàn nhẫn mà họ vừa xem, nhưng trên thực tế vẫn không có chứng cứ xác thực về nguyên nhân dẫn đến điều này, và có hàng triệu người khác cũng xem những bộ phim ấy mà không bị ảnh hưởng. Một số người chuyển hóa những hình ảnh bên ngoài thành những hành vi công kích, số khác cảm thấy hưng phấn, và vẫn có một số khác không hề bị ảnh hưởng gì. Một số ít còn trở thành nhà sản xuất phim kinh dị hay nhà văn. Không dễ để biết một bộ phim có thể gây ra ảnh hưởng gì. Dù kết quả có ra sao, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vấn đề nằm ở người xem nhiều hơn là ở bộ phim.

Bạo lực và não bộ

Trong ấn phẩm tháng 12 năm 2006 của Scientific American Mind, Daniel Strueber, Monica Luek và Gerhard Roth viết về dự án mới nhất của các nhà nghiên cứu não bộ về chủ đề bạo lực. Họ tập trung chủ yếu vào những kẻ tâm thần không có chút trắc ẩn với nạn nhân hay hối hận sau khi gây án. Họ vạch kế hoạch và giết người mà không theo trình tự nào cả. Kết quả là "bạo lực không bao giờ phát sinh từ một nguyên do", mà là từ nhiều yếu tố rủi ro kết hợp lại.

Debra Niehoff, nhà thần kinh học, có nhắc đến điều này trong quyển sách của mình, The Biology of Violence (Bạo lực dưới góc nhìn sinh học), xuất bản năm 1999, sau hai mươi năm nghiên cứu. Cụ thể, bà muốn biết liệu bạo lực có phải là kết quả của các gen hay chủ yếu là do ảnh hưởng bởi môi trường. Theo quan niệm của bà, cả những yếu tố sinh học lẫn môi trường đều có liên quan, và chúng tương tác lẫn nhau khiến việc giải quyết một tình huống theo hướng bao lực ở mỗi người mỗi khác. Nói cách khác, một dạng kích thích giống như phim ảnh sẽ không khơi mào bạo lực với tất cả những người xem. Cùng xem một bộ phim, người này có thể có phản ứng, nhưng người kia có thể hoàn toàn không bị ảnh hưởng.


Lý giải cho điều này, Niehoff nói, rằng não bộ lưu giữ những trải nghiệm thông qua những bộ mã hóa học. Khi ta tương tác với một người ta chưa gặp bao giờ, ta sẽ có một sơ lược phác thảo về người đó dưới dạng hóa học thần kinh, dựa trên thái độ của bản thân ta đối với việc thế giới có an toàn hay không, con người có đáng tin hay không, và ta có tin vào trực giác hay không. Cách ta cảm nhận về những điều này tạo ra phản ứng cảm xúc nhất định và phản ứng hóa học của những cảm xúc ấy được chuyển thành phản ứng của chính chúng ta. "Và rồi người đó phản ứng lại chúng ta," Niehoff nói, "và phản ứng cảm xúc của chúng ta cũng sẽ phần nào thay đổi phản ứng hóa học não bộ. Vậy nên sau mỗi lần tương tác, chúng ta cập nhật lại phác thảo hóa thần kinh về thế giới."

Kết quả hình ảnh cho violence and brain

Theo đó, Strueber và đồng nghiệp tập trung vào những trải nghiệm tiêu cực mà con người ta có. Những yếu tố rủi ro bao gồm khuynh hướng di truyền, tuổi thơ bất hạnh, và những kỷ niệm tiêu cực khác, khi chúng tương tác thì sẽ càng trở nên trầm trọng. Là nam giới cũng là một yếu tố rủi ro, vì nam giới có hình mẫu bạo lực và ở vỏ não trước có những dị biệt làm tăng xung lực. Những người có mức rủi ro cao còn có thể ít có khả năng chịu đựng đả kích và không thể học được những nguyên tắc xã hội. Ở nam giới, nồng độ testosterone cao cũng có liên hệ đến bạo lực. (Một nghiên cứu cho thấy ở phụ nữ bạo lực cũng có đặc điểm này.) Thêm vào đó, một số chấn thương đầu có thể khiến con người trở nên bạo lực.

Có một nghiên cứu khác thú vị hơn nhưng với số lượng nhỏ và chỉ trên nam giới được thực hiện bởi Tiến sĩ Adrian Raine và đồng nghiệp tại Đại học Nam California, so sánh 23 kẻ giết người tâm thần đã bị bắt với 13 kẻ giết người tâm thần vẫn còn tự do. Với giả thuyết đặt ra là những kẻ chưa bị bắt giỏi lên kế hoạch giết người hơn, quét MRI cho thấy "những kẻ giết người thành công" có nhiều chất xám ở vỏ não trước hơn những kẻ đã bị bắt. Ngoài ra, những kẻ giết người không thành công có hồi hải mã không đối xứng. Một số nhà nghiên cứu khác chỉ ra những dị thường ở hạch hạnh nhân cũng có liên quan đến khả năng cảm nhận được (hoặc không cảm nhận được) lòng trắc ẩn ở người. Sự cân bằng hóa học thần kinh cũng có vai trò trong vấn đề này, và bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp giữa di truyền và môi trường.

Có thể nói rằng trong những nền văn hóa dung túng và có khi là khuyến khích phim ảnh bạo lực, vẫn tồn tại một khuynh hướng khiến giới trẻ và những người có bệnh tâm thần bị ảnh hưởng dẫn đến việc họ thực hiện những gì mình trông thấy. Nếu những lựa chọn để giải quyết xung đột bị bó hẹp lại quanh bạo lực, họ sẽ dần dần trở nên bạo lực. Một số nhà nghiên cứu ước lượng rằng khi một đứa trẻ lên mười tám tuổi, cậu bé hay cô bé đó đã xem khoảng 100,000 hình ảnh bạo lực trên TV, phim hoặc trò chơi điện tử. Rất ngớ ngẩn nếu tin rằng chừng đó không hề có một chút ảnh hưởng nào.

Trong The cat Effect (Hiệu ứng bắt chước), Loren Coleman nói rằng bất kỳ hình thức truyền thông thị giác nào có nội dung là một vụ giết người đều có thể phát sinh ra hành vi bắt chước. Những vụ án tương tự như thế sẽ diễn ra vào một vài tuần sau đó. Chúng ta sẽ đề cập đến hành vi bắt chước ở phần sau.

Tâm thần Ma trận

Một trong những bộ phim được nhắc đến nhiều nhất trên phiên tòa án mạng những năm gần đây là The Matrix (Ma trận), công chiếu năm 1999 (với hai phần nối tiếp), nam diễn viên chính là Keanu Reeves trong vai "Neo". Nhân vật chính lạc vào một thế giới khác sau khi bị "bất tỉnh" trong một thực tế ảo được tạo bởi máy tính, và ở đây anh bị những kẻ giết người truy đuổi. Anh phải dùng đến rất nhiều món võ và bạo lực để giải cứu thế giới. Tất cả những gì anh từng tin tưởng đều trở nên sai trái khi anh được chỉ định làm người hùng và biết được siêu năng lực bí mật của mình. Những điều Neo làm phục vụ cho mục đich cao cả hơn, cũng khiến cho những bạo lực của anh trở nên đúng đắn. Nhưng đó chỉ là phim thôi.

Hay có đúng là vậy không? Một số bị cáo đã tin rằng họ đang ở trong ma trận và việc giết người là lẽ phải.

Kết quả hình ảnh cho the matrix

Nhiều người tin rằng Dylan Klebold và Eric Harris, hai kẻ giết người của trường trung học Columbine năm 1999, lấy cảm hứng từ bộ phim ấy, nhưng không như những trường hợp khác, họ không sống sót để nói rõ điều này. Nhưng có một điều là họ mặc áo khoác dài màu đen như Neo.


Một người trong nhóm Bắn tỉa vùng vành đai năm 2002, Lee Boyd Malvo, rất cuồng bộ phim này. Trong tù hắn đã ghi lại bộ phim này rất nhiều lần, và còn nằng nặc bảo rằng con người phải thoát khỏi Ma trận. Theo lời kể của Mark Shone trên Boston Globe, hắn bảo FBI xem bộ phim nếu như muốn hiểu tâm lý hắn hoạt động ra sao.

Ở San Francisco, Vadim Mieseges, 27 tuổi, đã giết và chặt chân tay của bà chủ nhà. Khi bị bắt, hắn bảo rằng mình bị "hút" vào Ma trận. Hắn là một học sinh trao đổi người Thụy Điển, đã thừa nhận lột da nạn nhân và vứt nửa thân trên của nạn nhân ở bãi rác vì hắn cảm nhận được "mùi độc ác" tỏa ra từ bà. Vì hắn được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, vụ án không được đưa ra tòa. Lời bào chữa vì chứng loạn tinh thần của hắn được chấp nhận.

Ở Ohio, Tonda Lynn Ansley cũng tấn công bà chủ nhà của mình như trong vụ án trên, nhưng lại khăng khăng rằng mình không thực sự làm điều đó: đó chỉ là một giấc mơ. Bà cũng tấn công ba người khác để giải thoát chính mình vì cho rằng họ đang điều khiển tâm trí bà. Lời bào chữa vì chứng loạn tinh thần của bà cũng được chấp nhận.

Tờ Boston Globe lên danh sách những người cho rằng The Matrix đã thôi thúc họ giết người trong năm 2003. Có một vụ án ở Virginia, Joe Cook, 19 tuổi, cho rằng hắn không nhận thức được mình đang làm gì khi ăn mặc như Neo, cầm chiếc súng săn 12 gauge (hắn mua nó vì nó trông giống cây súng trong phim), và bắn chết bố mẹ nuôi của mình. Luật sư của Cooke ban đầu muốn dùng chứng loạn thần kinh để bào chữa nhưng sau đó từ bỏ. Hắn quyết định nhận trách nhiệm.

Thế nhưng trong hồ sơ hộ sinh thì bố mẹ ruột của hắn được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng. Kiểm tra cho thấy hắn có thể bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ rằng mình đang ở trong một thế giới ảo, và yếu tố di truyền biến chúng thành nhận thức về thực tế. Thêm vào đó, thói quen chơi trò chơi điện tử bạo lực nhiều giờ liền trong một ngày cũng góp phần không nhỏ, cũng như việc hắn bị bắt nạt khi còn bé và nhiều cảm xúc dồn nén ứ đọng cho đến khi hắn nổ tung. Cuối cùng, hắn nhận mức án bốn mươi năm tù.

Nguồn cảm hứng

Có rất nhiều vụ trọng án bị ảnh hưởng bởi nội dung và cảnh quay trong phim, nhưng bộ phim tác động đến hệ thống luật pháp trên khắp cả nước, và được trình chiếu tại tòa, là Taxi Driver (Tài xế taxi), công chiếu vào năm 1976.

John Hinkley Jr bị ám ảnh bởi bộ phim, cụ thể là với nữ diễn viên trẻ đóng vai chính tên Jodie Foster. Hắn đọc tiểu thuyết và xem đi xem lại bộ phim rất nhiều lần, coi đó như lời chỉ dẫn cho những hành động của mình. Robert DeNiro đóng vai Travis Bickle, một tài xế taxi bệnh hoạn quyết định ám sát ứng viên tổng thống để thu hút sự chú ý của một nữ chính trị gia mà hắn để mắt đến. Tuy nhiên, hắn thất bại và quen biết với một gái mại dâm tên Iris (Jodie Foster). Hắn giết ba mạng người để giải cứu cô và trở thành người hùng của cô, bằng bạo lực tội phạm.

Kết quả hình ảnh cho taxi driver 1976

Hinkley, một nhạc sĩ thất bại và tơ tưởng trong đầu một cô bạn gái tưởng tượng, bị ấn tượng bởi những tình tiết này, và để thu hút sự chú ý của Jodie Foster (hắn đã bám đuôi cô đến tận Yale), hắn theo dõi Tổng thống Jimmy Carter một thời gian và rồi, sau một vài trị liệu tâm thần cho chứng trầm cảm, hắn dùng súng bắn Ronald Reagan, tổng thống kế nhiệm Carter. Vào ngày 30 tháng 3 năm 1981, bên ngoài khách sạn Hilton Washington D.C, Hinkley dùng một khẩu súng lục làm bị thương Reagan, cùng với ba người khác, trước khi bị khống chế và bắt giữ. Foster khi nghe tin đã rất khiếp sợ.

Trong phiên tòa, Hinkley bị truy tố với mười ba vụ tấn công, bác sĩ William Carpenter Jr. đã trình bày việc Hinkley tự coi mình là Travis Bickle, ăn mặc như hắn và bắt chước hắn theo nhiều cách khác nhau. Hắn cô lập bản thân và dành phần lớn thời gian sống trong thế giới ảo của mình, dần dần tin rằng mình thực sự chính là Bickle.


Kết quả hình ảnh cho john hinckley jr

Bộ phim được trình chiếu trước tòa để khiến quan tòa hiểu cách Hinkley "hóa thân" thành nhân vật này như thế nào, và hắn ngưỡng mộ người hùng của mình ra sao. Hắn ngồi xem chăm chú, tuy có vẻ hắn không chịu đựng được khi xem cảnh Iris ôm người đàn ông ma cô của mình, người sau đó bị Bickle giết chết.

Phiên tòa diễn ra trong bảy tuần. Sau khi được phán không có tội vì tâm lý không ổn định vào năm 1982, Hinkley bị giam tại bệnh viện St. Elizabeth ở Washington, D.C. Hắn tiếp tục bị ám ảnh bởi Foster trong suốt hai thập kỷ tiếp theo. Lời phán quyết này khiến cộng đồng người Mỹ phẫn nộ, vì vậy chính quyền liên bang, cùng với một số bang khác, sửa lại luật pháp liên quan đến tâm lý không ổn định. Có bốn bang bãi bỏ hình thức biện hộ này.

Tế bào não biết bắt chước

Nghiên cứu gần đây về sinh học phân tử cho thấy chúng ta được lập trình sẵn để bắt chước lẫn nhau trong quá trình tiến hóa. Sandra Blakeslee viết về vấn đề này trong tờ New York Times. Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra hiện tượng này khoảng mười lăm năm trước ở Ý. Dây điện được cấy vào não của một con khỉ để quan sát những chuyển động khi nó thực hiện thao tác với một đồ vật, và một sinh viên tốt nghiệp nhận thấy não phản ứng ngay cả khi con khỉ không làm được hành động. Tác nhân kích thích là nhìn hành vi của người khác. Trong trường hợp này, người sinh viên đang đưa cây kem lên miệng.

Giacomo Rizzolatti, nhà thần kinh học của Đại học Parma, hướng nghiên cứu đến việc tìm hiểu xem điều gì diễn ra trong não bộ khi con khỉ (cũng như con người) khi nó quan sát hành vi của người khác. Có vẻ như có cùng một loại tế bào não hoạt động cả khi quan sát hành vi lẫn thực hiện hành vi. Rizzolatti gọi loại tế bào này là "neuron gương". Qua đó, ông cho rằng một số tế bào nhất định bên trong não bắt đầu hoạt động khi con người nhìn thấy hoặc nghe thấy một hành động mà chính bản thân cơ thể họ có thể thực hiện được. Nghiên cứu này được xuất bản năm 1996.

Kết quả hình ảnh cho mirror neuron

Tuy nhiên, gần đây hơn, nghiên cứu cho thấy neuron gương ở người vừa thông minh vừa linh hoạt. Trên thực tế, theo lời Blakeslee, con người có "nhiều hệ thống phản chiếu chuyên biệt để thực hiện và hiểu cả hành động lẫn dự định, ý nghĩa xã hội của hành vi và cảm xúc của người khác". Những neuron này nắm bắt được ẩn ý đằng sau hành vi mà chúng tiếp nhận thông qua giả định trực tiếp. Một người trải nghiệm hoàn toàn hành vi của một người khác, chứ không chỉ đơn giản là quan sát. Điều này giải thích cho khả năng học hỏi của trẻ em và tại sao ở những nền văn hóa khác nhau lại có một số trải nghiệm giống nhau. Con người phản ứng lại với những gì người khác thực hiện nếu hành vi ấy là bình thường đối với họ. Điều này có thể cũng giải thích tại sao các phương tiện truyền thông bạo lực ảnh hưởng đến những người nhất định.

Một nghiên cứu xuất bản năm 2006 trên Media Psychology cho thấy neuron gương được kích hoạt ở những trẻ em xem chương trình bạo lực trên TV, và họ dự đoán là những đứa trẻ này cũng có nhiều khả năng sau đó sẽ cư xử thô bạo hơn so với những đứa trẻ không xem.

Tuy nhiên người ta cũng chứng minh được rằng neuron gương càng hoạt động tích cực, ta càng có nhiều sự thấu cảm. Điều này có thể giải thích cho trường hợp trẻ em có neuron gương bị "vỡ" hoặc hoạt động ít tích cực hơn khi xem chương trình bạo lực sẽ hành xử thô bạo vì chúng không có những ức chế hành vi đến từ sự thấu cảm. Nhưng mối liên hệ này chỉ mang tính gợi ý và chưa được nghiên cứu khoa học chứng minh.

Kết quả hình ảnh cho mirror neuron

Neuron gương xuất hiện ở rất nhiều vùng trong não bộ con người. Chúng kích hoạt trên những hành động có liên hệ đến những dự định, với những neuron khác nhau hoạt động ở những phần khác nhau trong suốt quá trình. Chúng giả định lại hành động như thể người quan sát đang thực hiện nó, cũng là cách một người hiểu được hành động và điều gì thúc đẩy hành động đó, có một dạng "khuôn mẫu" cho điều này bên trong não bộ. Việc này ảnh hưởng đến mức độ thấu cảm và khả năng tiếp nhận ngôn ngữ, cũng như khả năng dự đoán và tiên liệu. Tuy nhiên não bộ cũng có những hệ thống ức chế khiến con người không thực hiện hành động đó.

"Neuron gương cung cấp một nền tảng sinh học cho sự phát triển của văn hóa," theo lời Tiến sĩ Patricia Greenfield, nhà tâm lý học phát triển của UCLA. Nghiên cứu về bạo lực sẽ vẫn còn được tiếp diễn.


Tự sát

Bộ phim thường được lấy làm tư liệu nhất vì khơi gợi người ta tự sát chính là bộ phim The Deer Hunter (Thợ săn hươu), công chiếu vào năm 1978 với sự tham gia của các diễn viên Robert DeNiro, Meryl Streep, Christopher Walken, và John Voight. Bộ phim nói về ba người bạn đến từ Pennsylvania là Michael, Nick và Steven bị triệu tập tham chiến ở Việt Nam. Cả ba bị Việt Cộng tra tấn bằng trò chơi roulette Nga. Nick bị tổn thương tâm lý nặng nề nên đã ở lại Việt Nam, kiếm tiền bằng việc chơi trò chơi tự sát ấy. Cuối cùng, anh đã tự giết chính mình.

Kết quả hình ảnh cho the deer hunter

Nhà nghiên cứu Loren Coleman thu thập nhiều vụ án tự sát được trình báo là lấy cảm hứng từ bộ phim này, dựa trên cách nạn nhân bắt chước cảnh phim nổi tiếng khi Nick diễn lại màn tra tấn của mình. Thêm vào đó, Coleman trích dẫn từ một nghiên cứu khác về việc phim ảnh ở rạp phim, quầy băng đĩa, hoặc chương trình TV có liên quan đến những vụ tự sát.

Trẻ em bắt chước cảnh roulette Nga nhiều khả năng chỉ là tò mò, nhưng những thiếu niên lớn hơn thường là do trầm cảm hoặc làm trò ra oai. Có một cảnh sát đã thực hiện cảnh phim ấy vào năm 1979. Rất nhiều nạn nhân đã tự bắn mình trước mặt người khác, thường là bạn bè hoặc người thân. Đa phần họ đều nhắc đến việc bộ phim đã ảnh hưởng đến mình.

Ví dụ, một bài viết năm 1980 trên báo Times-Picayune ở New Orleans có viết về việc một người đàn ông hai mươi ba tuổi Mickey Culpepper nói với người bạn, "Tớ sẽ đóng vai Deer Hunter" trước khi tự bắn vào đầu mình với một khẩu súng .38.

Tệ hơn, vào ngày 8 tháng 10 năm 1980, một người đàn ông bị bắt cóc gần Trung tâm Thương mại Thế giới và bị tra tấn bởi những kẻ dự định cướp tiền ông, chúng diễn lại cảnh tra tấn của Việt Cộng.

Kết quả hình ảnh cho the deer hunter

Những vụ tự sát liên quan đến phim ảnh cũng xảy ra ở những nước khác, được ghi nhận ở Phillippines, Phần Lan, Lebanon, và một số nơi khác, ngay cả một Đặc vụ Gián điệp đã tự bắn mình khi xem bộ phim này trên HBO. Anh ta vẫn sống sót sau đó.

Thường thì những vụ án này xảy ra khi nạn nhân uống rượu hoặc ra oai với người khác, nhưng một số vụ tai nạn xảy ra khi nạn nhân chỉ muốn trình bày một điều gì đó về cảnh phim ấy. Nhưng có một vụ án rõ ràng là giết người: một cai ngục ở Rhode Island bắn một tù nhân khi họ đang bàn luận về cảnh phim đó và hắn cũng đã lôi kéo những cai ngục khác chơi trò chơi với mình. Vậy nên dù là bạo lực với bản thân hay với người khác, bộ phim rõ ràng đã gây ảnh hưởng.

Việc phim ảnh bạo lực ảnh hưởng đến một số người nhất định và thôi thúc họ hành động là khá hợp lý. Từ câu chuyện gây ảnh hưởng đến mình, họ tiếp nhận những khuôn mẫu và hướng dẫn từ bộ phim, và đôi khi xem bộ phim là kim bài để giết người. Không phải ai cũng bị ảnh hưởng, nhưng trong số những người chịu ảnh hưởng, ta có thể khẳng định rằng có một "Hiệu ứng Bắt chước" khi hình ảnh bạo lực đeo bám một người quá dai đẳng đến mức họ quyết định làm theo những chi tiết khuôn mẫu ấy. Có phải bộ phim đã khiến họ giết người? Không, nhưng nó đã gợi cho họ ý tưởng và cách thức và cả nạn nhân? Ta có thể thấy rằng chuyện như vậy đã xảy ra và rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra.



Cre: tamlyhoctoipham.com