Ta Không Làm Thiếp

Chương 105: Vàng mã




Trận pháo hoa này, Thẩm Lan đã đứng trong hẻm ngắm nhìn hồi lâu. Đợi đến khi pháo hoa đầy trời đã tan, đám đông tứ tán trở về nhà, Bùi Thận nhướng mày cười hỏi: “Thích chứ?”

Thẩm Lan trầm mặc một lát, cũng không đáp mà cúi đầu hỏi Triều Sinh: “Triều Sinh thích chứ?”

Triều Sinh phấn khích gật đầu. Cậu nhóc vẫn được Bùi Thận bế trong lòng, thấy Thẩm Lan liền nhoài người ra muốn nàng bế: “Mẹ ơi, ban nãy con đốt một cái pháo hoa to ơi là to đấy.”

“Triều Sinh giỏi quá đi thôi.” Thẩm Lan khen ngợi, đưa tay định đỡ lấy Triều Sinh.

Ai ngờ Bùi Thận nghiêng người tránh đi cánh tay của Thẩm Lan, nhíu mày nói: “Nàng trước nay gầy yếu, sao có thể bế nổi nó được?”

Triều Sinh là một đứa bé rất có lòng tự trọng, nghe vậy liền đỏ mặt ngọ nguậy đòi xuống. Không chịu để Thẩm Lan bế mà cũng không cho Bùi Thận bế nốt.

Bùi Thận bèn thả nó xuống đất. Chân Triều Sinh vừa chạm đất, nó liền dắt tay Thẩm Lan, hớn hở ngẩng đầu nói: “Mẹ ơi, hôm nay người ta tổ chức lễ rước thần trông đẹp lắm! Còn có người xiếc ổ khóa đá ……”

Thẩm Lan nắm tay cậu nhóc thong thả đi vào nhà, thỉnh thoảng đáp lại đôi câu: “Ngoài khoá đá thì còn gì nữa không?”

“Còn có sẻ thông nữa! Nhiều thật là nhiều sẻ thông bay tới bay lui trên trời, lại còn biết ngậm thiệp tới tặng cho con nữa.”

“Oa —— vậy Triều Sinh có thể lấy thiệp ra cho mẹ đọc chung với không?”

“Được chứ được chứ!”

Bùi Thận chậm rãi dạo bước theo sau hai người. Gió đêm nhẹ thổi, ánh trăng như nước rọi lên những khóm hoa trong đình, in bóng xuống nền đất.

Ve râm ran, ếch ồm ộp, giọng nói non nớt của Triều Sinh, tiếng Thẩm Lan dịu dàng đáp lại…… Cõi lòng Bùi Thận như đang được ngâm trong làn nước ấm, hết sức là thư giãn, thoải mái.

Vào nhà, Triều Sinh tắm gội thay quần áo rồi chui đầu vào ổ chăn.

Thẩm Lan nắm quạt tròn lục giác ép hoa màu xanh nhạt, nhẹ tay quạt cho Triều Sinh, lại tém góc chăn cho nó, rồi mới ấm giọng nói: “Hôm nay Triều Sinh chơi có vui không?”

Triều Sinh gật gật đầu: “Dạ vui.” Nó nói rồi sán lại gần Thẩm Lan như cái bánh dẻo, ngọt ngào hỏi: “Mẹ ơi, năm sau chúng ta cùng nhau đi xem hội chùa có được không?”

Thẩm Lan ngẩn ra, chỉ cười chứ không đáp lại. Năm sau, Triều Sinh có lẽ đã theo Bùi Thận đi kinh đô rồi.

“Triều Sinh có thích phụ thân không?” Thẩm Lan mềm giọng hỏi.

Triều Sinh giật mình, tựa người bên cạnh Thẩm Lan trộm nhìn nàng, dường như muốn cân nhắc nét mặt của nàng. Hồi lâu sau, nó lắc đầu: “Không thích.”

Lòng Thẩm Lan chua xót, biết nó sợ nàng giận nên mới nói như vậy.

Tình cảm Triều Sinh dành cho phụ thân tuy không sâu nặng như với Thẩm Lan, nhưng tóm lại vẫn tồn tại đôi chút chờ mong. Cho dù ngoài miệng không nhắc đến, trong lòng cũng không tránh khỏi nhớ nhung.

“Trời tối rồi, Triều Sinh nên ngủ đi thôi.” Thẩm Lan chậm rãi phe phẩy quạt, lại nhẹ nhàng vỗ về Triều Sinh.

Triều Sinh ban ngày đi học, đến tối lại chơi cả đêm, cho nên chỉ chúc xong câu ngủ ngon, nó liền nhắm mắt lại, hơi thở sâu dần.

Ru Triều Sinh ngủ rồi, Thẩm Lan đứng dậy ra khỏi phòng. Vừa đến phòng chính, chợt thấy Bùi Thận ngồi trên ghế bành thảnh thơi hớp ngụm trà Nhật Chú Tuyết Nha.

“Triều Sinh ngủ rồi?” Bùi Thận thả chén trà xuống, đứng dậy cười hỏi.

Y vốn dáng vẻ tuấn tú, tâm trạng đêm nay lại tốt đẹp, khi nở nụ cười thật lòng khiến cả khóe mắt, lông mày như cũng nhuộm nét dịu dàng.

Thẩm Lan nhìn y vài lần, rồi cụp mí mắt hỏi: “Ai cho ngài vào phòng chính?”

Bùi Thận không hề biến sắc: “Đứng ngoài sân thấy hơi lạnh.”

Thẩm Lan không để ý tới y: “Sắc trời đã tối, ngài về đi.”

Bùi Thận hôm nay tiến triển sâu sắc trong mối quan hệ với Triều Sinh, tuy hơi tiếc nuối vì không dẫn được Thẩm Lan cùng đi, rồi lại sợ mình dây dưa nhiều chọc nàng sinh ghét. Y mở miệng đáp: “Vậy ta về đây.”

Dứt lời, y lại cười nói: “Mấy ngày nữa chính là mười lăm tháng bảy, đúng vào lễ Vu Lan (1) mà đồng thời cũng là lễ mừng sinh nhật của Địa Tạng Vương Bồ Tát (2). Ta dẫn nàng và Triều Sinh cùng đi hội chùa, nàng thấy được không?”

Thẩm Lan lắc đầu: “Không được.” Nàng không muốn cùng Bùi Thận ra ngoài. Huống hồ ngày đó nàng còn có việc.

Bùi Thận cũng không tỏ ra thất vọng, mở miệng nói: “Thế thì ta dẫn Triều Sinh đi vậy.”

Thẩm Lan lên tiếng đáp lời, Bùi Thận lúc này mới bịn rịn, lưu luyến mà cáo từ rời đi.

Thất Tịch vừa qua khỏi, rất nhanh đã đến mười lăm tháng bảy.

Sáng sớm tinh mơ Bùi Thận đã tới gõ cửa hỏi han, y tới cũng vừa lúc Thẩm Lan đang cùng Triều Sinh ăn cơm.

“Đã vào thu rồi, dù trời có còn hơi nóng, nhưng cũng chớ nên suốt ngày chỉ ăn những món tính lạnh vào người như vậy.” Bùi Thận vừa vào phòng chính liền thấy hai chén cháo bích canh hạt senbách hợp trên bàn.

Thẩm Lan ngẩng đầu, vốn định hỏi “Không phải đã bảo ngài chờ ở phòng khách rồi sao”, nhưng ngẫm lại Triều Sinh còn đang ngồi bên cạnh, nàng rốt cuộc cố mà nhịn xuống.

Ai ngờ nàng càng nhịn, Bùi Thận càng được nước lấn tới: “Ta tới sớm nên chưa kịp dùng bữa sáng, chẳng hay Thẩm nương tử có thể thương tình cho ta một chén?”

Triều Sinh tròn mắt nhìn sang trái, rồi lại đảo sang phải.

Thẩm Lan tuy để ý Triều Sinh còn có mặt ở đây. Nhưng nàng đã nhịn y một lần, không có ý định nhịn thêm lần nữa. Nàng cười hờ hững: “Cháo bích canh hạt senbách hợptính lạnh, chớ nên ăn nhiều.”

Bùi Thận cười gượng hai tiếng, làm bộ không nghe thấy gì. Y quay sang lệnh cho nha hoàn đứng cạnh: “Đi múc một chén đến đây cho ta.”

Thu Diên nhìn Thẩm Lan cầu cứu, lại thấy Thẩm Lan liếc nhìn Bùi Thận, sau đó không nói gì thêm.

Thu Diên thở phào nhẹ nhõm, dặn phòng bếp mang lên thêm một chén cháo nữa.

Gạo Bích Canh thanh đạm trộn lẫn với hạt sen trắng bóc, bách hợp vàng nhạt, sau khi hầm trên lửa nhỏ tỏa ra mùi thơm nhàn nhạt.

Bùi Thận ăn đến hài lòng vô cùng. Càng khiến y thỏa mãn hơn nữa chính là vợ con đều bầu bạn cạnh bên, một nhà ba người lần đầu tiên ngồi xuống ăn cơm cùng nhau.

Cơm nước xong, Bùi Thận nói: “Hôm nay là lễ Vu Lan, Triều Sinh, cha dẫn con ra ngoài chơi.”

Triều Sinh trộm nhìn Thẩm Lan, thấy gương mặt nàng bình tĩnh, nó bèn lắc đầu: “Ta không đi.”

Thẩm Lan thầm thở dài: “Triều Sinh muốn đi thì cứ đi thôi.” Không đợi Triều Sinh từ chối, nàng lại cười nói: “Hôm nay mẹ có việc, không đi được. Triều Sinh đi hội chùa rồi mang về cho mẹ vài món gì thú vị có được không?”

Triều Sinh chớp mắt hơi do dự. Ngay sau đó, nó bị Bùi Thận bế lên, giật mình vội choàng tay vào cổ y.

“Ta đưa Triều Sinh đi chơi, buổi tối sẽ về.” Bùi Thận chừng như sợ Triều Sinh lần nữa từ chối, bây giờ đang ở trước mặt Thẩm Lan, y không tiện vừa đe dọa vừa dụ dỗ Triều Sinh, chỉ có thể ôm Triều Sinh nhanh chân rời khỏi.

Hai người vừa đi, không khí trong nhà liền yên ắng lại.

Thẩm Lan nhìn ánh dương chói chang bên ngoài, ngồi ngẩn ngơ một lát mới đứng dậy nói: “Thu Diên, em đi xuống dặn dò mọi người, bảo rằng hôm nay là lễ Vu Lan, theo lệ được nghỉ một ngày phép. Bảo các vú già, tỳ nữ cứ ra ngoài dạo chơi cho khuây khỏa.”

“Phu nhân từ bi.” Thu Diên lấy khăn bông đưa cho Thẩm Lan, lại dâng chén trà thơm lên cho nàng.

Thẩm Lan rửa tay, nhìn gương mặt phản chiếu trong tấm gương đồng, thở dài một tiếng, đang định xua tay bảo Thu Diên lui ra.

Thu Diên lại bỗng nói: “Phu nhân, hôm nay có cần đốt đèn đất, đốt vàng mã, thiêu áo lạnh không?” (3) Những việc này trước giờ phu nhân đều lo dặn dò từ sớm. Năm nay không biết sao vẫn chưa từng nhắc đến, Thu Diên đành phải chủ động hỏi.

Thẩm Lan ngẩn ra, sau đó gật đầu: “Em chuẩn bị các thứ mang đến rừng trúc ở viện sau, rồi cứ đi chơi đi. Ta sẽ tự lo phần còn lại.”

Thu Diên đáp lời rồi đi ra ngoài, giữa trưa nàng quay về bẩm rằng mọi thứ đã chuẩn bị xong.

Thẩm Lan dùng xong bữa trưa, rồi đến bữa tối. Bóng đêm dần xuống, trong phủ không còn một ai, nàng biết họ chắc hẳn đã đi xem lễ hội thả hoa đăng trên sông của những ngôi chùa lớn.

Thẩm Lan cố ý đổi một bộ áo váy lụa trắng, không phấn son, không trâm vòng, chỉ mộc mạc mà dời bước về rừng trúc ở viện sau.

Nói là rừng trúc, thực ra cũng chỉ có vài ba cây trúc mọc thẳng, cạnh bên trang trí bằng những tảng đá hình thù kì dị, cũng với những bụi chuối tây xanh mướt.

Lúc Thẩm Lan đến, đã thấy bốn ngọn nến được găm lên xiên tre cắm xuống đất, cạnh bên có một bao giấy tiền vàng mã, mấy thỏi bạc giấy, hai ba cái rương giấy cùng vài món áo váy cũ.

Thẩm Lan châm lửa lên, chờ những ngọn nến yên ắng mà bốc cháy. Sáp nến nóng chảy tí tách xuống đất, đây gọi là đốt đèn đất.

Nàng lấy ra mảnh giấy trắng đã viết sẵn để trong lòng, bên trên ghi rõ ràng hai chữ “Lục Châu”.

Thẩm Lan cười khổ. Ban đầu nàng chẳng qua chỉ là làm bộ làm tịch, đốt vàng mã cho phụ thân đã khuất kia của Triều Sinh. Thanh minh, tết Trung Nguyên, ngày giỗ, Thẩm Lan đều đến tảo mộ cúng bái không sót lần nào.

Nhưng diễn kịch đốt cho một người hư cấu lâu ngày, Thẩm Lan không khỏi cảm thấy vô nghĩa, bèn nhân đó cũng đốt một phần cho chủ nhân thực sự đã mất của thân thể này.

Bây giờ đã bị Bùi Thận phát giác, theo lý Thẩm Lan không cần tiếp tục cúng tế người chồng hư cấu kia nữa. Nhưng đã đốt cho Lục Châu sáu năm nay, Thẩm Lan cũng không muốn cứ thế mà đứt đoạn.

Nếu ngẫm cho kỹ càng, chính bản thân nàng cũng không biết vì đâu lại muốn đốt vàng mã cho Lục Châu. Có lẽ là ngóng trông nếu Thần Phật thực sự tồn tại, Lục Châu đáng thương có thể trôi qua dễ chịu hơn chút. Lại hoặc là ngóng trông Lục Châu thực ra không chết, mà là trao đổi thân thể với nàng, có thể thay nàng phụng dưỡng cha mẹ.

Thẩm Lan để tờ giấy vào trong rương chứa giấy, lại thả thêm giấy tiền vàng mã có bốn chữ “Kinh tiêu hoa bạc”, dùng ngọn nến châm lửa lên thiêu cháy. Đây là tục đốt vàng mã, đốt tiền giấy cho người đã khuất.

Tiếp đó là đưa áo lạnh. Nàng đặt mảnh giấy viết tên Lục Châu, ngày tháng năm sinh,bát tự vào quần áo cũ gói lại thật kỹ, rồi hơ lên ngọn nến.

Ngọn lửa li3m lên, quần áo cũ nhanh chóng bốc cháy. Thẩm Lan thả quần áo cháy dở vào thau đồng, nhìn lửa chậm rãi thiêu mọi thứ thành tro tàn.

Thiêu áo lạnh, thiêu áo lạnh.

Tha hương phi cố lí, du tử hàn vô y. (4)

(Tạm dịch: Tha hương nào phải đâu quê cũ, lữ khách rét lạnh tìm đâu tấm áo manh quần.)

Thẩm Lan chỉ thấy chóp mũi chua xót, nghẹn ngào muốn rơi lệ.

Lục Châu đã chết, giấy tiền vàng mã, áo quần thiêu xuống chẳng qua cũng chỉ để gửi gắm chút niềm tin mà thôi. Nhưng Thẩm Lan phiêu bạttha hương, cho dù mười năm đã qua, cũng không cách nào quên được quê cũ.

Khách tha hương, biết ngày nao được trở về nhà?

Thẩm Lan nước mắt tràn mi. Đêm đen như mực, gió lạnh căm căm, giấy tiền vàng mã thả vào thau đồng từ từ bị ngọn lửa nuốt lấy, cho đến khi cháy sạch thành tro.

Bóng đêm sâu thẳm, ngọn nến cũng sắp tàn, Thẩm Lan lúc này mới lau nước mắt, dùng gậy gộc khảy một vòng trong lòng thau đồng, rồi để ngọn lửa từ từ lụi tàn.

Nàng đang định bưng thau đồng lên dọn dẹp sạch sẽ, bỗng nhiên nghe loáng thoáng ngoài kia có tiếng Triều Sinh gân cổ gọi mẹ.

Thẩm Lan vội vàng đứng dậy, đi thẳng về phía sân trước.

“Mẹ không có trong phòng, mà nha hoàn tỳ nữ cũng chẳng còn ai.” Triều Sinh lẩm bẩm một câu, nắm tay Bùi Thận định đi về phía sương phòng.

Bùi Thận nhíu mày. Phòng khách, phòng chính, thư phòng đều không có, vậy nàng đi đâu?

Bùi Thận vừa định đi tìm, đã thấy Thẩm Lan từ xa xuyên qua cửa tròn, men theo hành lang chéo tay tiến lại gần.

“Mẹ ——” Triều Sinh lớn tiếng hô lên rồi hất tay Bùi Thận ra, lon ton chạy tới.

Thẩm Lan cười bế nó lên, hỏi: “Chơi có vui không?”

Triều Sinh ôm cổ, rúc vào lòng nàng, cười hì hì đáp: “Chơi vui ạ! Ban ngày người ta khiêng ông Thành Hoàng đi tuần, miếu Địa Tạng làm lễ đốt pháp thuyềnmở cửa ngục, rồi phát thức ăn cho người ta nữa.”

Bùi Thận vừa nghe Thẩm Lan nói chuyện với Triều Sinh, mặt khác lại không nhịn được mà sinh lòng nghi ngờ.

Thẩm Lan bình thường tuy cũng ăn mặc đơn giản, nhưng không đến mức đơn giản như hôm nay. Cả áo trên váy dưới đều màu trắng cả, vải may áo dù là màu trắng hơi ngả xanh, nhưng giặt đi giặt lại nhiều, cũng đã nghiêng hẳn sang màu trắng.

Mà trên người nàng nghe thoang thoảng mùi khói, dường như vừa đốt thứ gì đó.

Bùi Thận dù nghi hoặc nhưng chưa hề để lộ, y đường hoàng vào phòng chính ngồi xuống, chờ Thẩm Lan ru Triều Sinh ngủ trở ra.

“Mệt nhọc cả ngày rồi, Bùi đại nhân chóng về nghỉ ngơi đi.”

Trong nhà đèn đuốc sáng trưng, Bùi Thận rõ ràng trông thấy khóe mắt Thẩm Lan ửng đỏ, dường như vừa khóc xong.

Bùi Thận vờ không phát hiện, chỉ cười nói: “Ta dẫn Triều Sinh ra ngoài chơi cả ngày, giảm bớt cho nàng bao nhiêu là gánh nặng. Sao nàng đuổi ta về sớm vậy?”

Thẩm Lan cười cười nhìn y vài lần, Bùi Thận lúc này mới ngại ngùng, ra vẻ bịn rịn bồi hồi bị nàng đuổi ra.

Thấy cửa phòng chính đã khép lại, Bùi Thận vẫn chưa vội rời khỏi. Y men theo hướng ban nãy Thẩm Lan đi tới, bước lên con đường rải đá của vườn hoa.

Mới đi được mấy bước, Bùi Thận liền thấy cách đó không xa có một khối đá hình thù kì lạ lởm chởm, dưới đất có mấy xiên tre gắn nến, trong thau đồng còn sót lại tro tàn, có vẻ là tiền vàng mã bị thiêu cháy.

Theo lý thì nàng đâu còn cần cúng bái người chồng giả kia nữa. Nếu là cúng bái cho cha mẹ, vì sao phải cố tình đuổi hết người hầu, tránh ra một góc để người khác không nhìn thấy?

Nàng rốt cuộc cúng tế ai?

Ánh trăng lành lạnh, gió đêm rít gào, Bùi Thận khoanh tay đứng trong rừng trúc, lòng tràn đầy nghi hoặc.

Chú thích:

*Chú thích liên quan đến Phật giáo trong truyện dựa trên tìm hiểu của cá nhân Mạnh bà, các bạn Phật tử nếu thấy cần chỉnh sửa ở đâu thì hãy bình luận phía dưới nhé

**Tục mừng tết Trung Nguyên và đốt mã cho người đã khuất của người Việt có thể tham khảo trong cuốn Đất lề quê thói của Nhất Thanh

1 Lễ Vu Lan: là lễ lớn vào rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, tương truyền cõi âm sẽ mở cổng để những người đã khuất được về gặp gia đình, là ngày lễ quan trọng của Phật giáo Đại Thừa. Do đó vào ngày này, các chùa chiền sẽ tổ chức các buổi lễ lớn cùng những hoạt động liên quan: đọc kinh, đeo hoa, thả hoa đăng trên sông…

2 Địa Tạng Vương Bồ Tát: là một trong sáu vị Bồ tát lớn của Phật giáo Đại Thừa, nổi tiếng về lời thề “Nếu địa ngục không trống rỗng, thề không thành Phật”, do đó ngài còn được xem là Bồ tát của chúng sinh dưới địa ngục.

3 Đốt đèn đất (địa đăng), đốt giấy tiền vàng mã, đốt quần áo cũ (hàn y/ áo lạnh): tập tục cúng bái người đã khuất của Trung Quốc

4 Lấy ý từ hai câu trong bài “Đồng Xuyên Thu Tịch” của Viên Hoa (Tha hương phi cố lí, tương tri mạc hà phương./ Thương tiêu hạ mộc diệp, du tử hàn vô y.)

Lời Editor:

Vậy là Thẩm Lan xuyên qua thoắt đã mười năm, cũng là từng ấy năm trời nàng trải qua những cái Tết, những lễ Vu Lan, những mùa trung thu không có cha mẹ cạnh bên. Xin mượn lời thơ của Nguyễn Thiên Ngân gửi đến Lan cũng như an ủi tâm hồn những bạn đọc xa xứ:

“Chiều cuối năm đứng trên đường xứ lạ

Nhớ không ra một ngả để về quê

Mẹ ta đó có ngồi trông cánh quạ

Bóng chênh chao – sao chẳng thấy ta về



Ngang qua núi thấy ngập ngừng sợi khói

Bếp nhà người giờ chắc đã sôi cơm

Mảnh trăng nhạt đã từ từ trở sáng

Để nghe mình nức nở chuyện ly hương.”

(Chiều cuối năm chưa kịp về với mẹ – nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân)

Cảm ơn các nàng đã đọc đến đây, chúc các nàng một đêm an lành.