Sủng Thê Của Nịnh Thần

Chương 27: Không giận tự uy




Từ hôm qua Mai thị đã chuẩn bị sẵn để xem vở kịch hay của vị Hầu phu nhân mới vào cổng này rồi.

Nàng ta ngẫm lại, chuyện hôm mình rắc hạt kê vào Liêu lăng hồi môn của Mạnh Nguyên quả thật không quá sáng suốt.

Tuy vậy, dựa vào kinh nghiệm trước đây của mình, về hậu quả dẫn đến khi chuyện xảy ra, nàng ta sẽ cứ khư khư không chịu bồi thường là xong.

Đầu tiên, dù hôm đó nàng ta đã đến phố phòng của Mạnh phủ và khen ngợi Liêu lăng nhưng toàn bộ quá trình nàng ta không hề chạm tay vào chất vải hay rương đồ, và vú già phụ trách trông chừng đồ cưới của Mạnh gia lúc ấy cũng không phát hiện được bất kỳ điều gì khác thường. Đợi chim tước mới mổ hư vải thì nàng ta đã đi sau đó rồi. Dù lúc ấy người của Mạnh gia hoài nghi do chính tay nàng ta làm, cũng không lấy ra được chứng cứ cụ thể nào, vả lại họ càng không thể đổ cho nàng ta là hung thủ chỉ vì nàng ta đã từng một lần qua xem tấm vải đó được.

Đây chính là điều khiến Mai thị không mảy may hoảng sợ, ngoài ra cũng xem như nàng ta đang đào cái hố thứ hai cho Mạnh Nguyên.

Suy đoán theo lẽ thường, nếu tân phụ phát hiện vải may quý giá nhất bị hư hại trước hôn lễ, hốt nhiên phải tìm cách đền bù hoặc cố bấm bụng âm thầm tìm Liêu lăng mới khoả lấp vào, nhằm tránh việc danh mục quà biếu sẽ bị người ta bắt thóp và bêu xấu vào ngày công khai đồ cưới hôm hôn lễ; hoặc có lẽ họ sẽ không tìm được thứ khác để thay thế, đành phải hô lên và nói rõ nguyên do hồi môn bị thiếu sót, đoạn tìm người chủ sự trong nhà để lùng bắt hung thủ và trừng trị hắn.

Đến lúc đó hôn sự chưa xong mà đã náo loạn đến mức người chết ngựa đổ, dù Mai thị phải gánh chút trách nhiệm nhưng nàng ta vẫn rất vui vẻ nếu chứng kiến việc đó xảy ra.

Thậm chí, nàng ta còn suy đoán, nếu vú già trông giữ hồi môn của Mạnh phủ chỉ đích danh Mai thị, nhưng miễn nàng ta cắn chết không thừa nhận, thì dù Mạnh Nguyên có thân phận Cáo mệnh nhị phẩm phu nhân cũng không thể nào vô lễ với chị dâu đồng tông được. Nếu quả thật làm lớn chuyện này lên, Mai thị chỉ là một kẻ chẳng có gì nên đâu sợ thiên hạ đàm tiếu, trái lại Đông phủ bị ảnh hưởng lớn nhất, vì không biết có bao nhiêu cặp mắt ở phòng ngoài đang dòm ngó. Một khi chuyện xấu này vỡ lở ra, đoan chắc tin đồn sẽ được lan truyền lung tung khắp nơi, và Mạnh Nguyên - đại phụ của Hầu phủ - vừa trở thành người bị hại, sau này ra ngoài chắc hẳn vừa sẽ bị người đời chỉ trỏ. Mai thị tin rằng chỉ cần Mạnh Nguyên có lý trí, nàng sẽ không ngu xuẩn đến mức làm to chuyện trước mặt mọi người, rồi cuối cùng phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Nói đi cũng phải nói lại, nếu Mạnh Nguyên thật sự xúc động làm ra chuyện ngu ngốc, vì muốn hả giận nên phải cố tìm kiếm và tra ra mọi chuyện dẫn đến cá chết lưới rách, đến lúc đó không những đắc tội với Tây phủ mà ngay cả Cố thị và Mộ hầu cũng sẽ không dung thứ cho nàng - một kẻ mới vào nhà mà đã gây chuyện sinh sự làm náo loạn nhà cửa, mặc kệ nàng có lý hay không, dù là ai cũng không ưa thích nổi.

Không chừng qua lần này, di mẫu thái phu nhân Phù thị vốn không được chào đón có thể cá muối lật mình (*), tiện thể đè đầu tân phụ, từ đó dễ dàng mượn gió tạo đà rồi thay đổi Càn Khôn. Còn Mai thị sẽ trút được cơn giận và chắc hẳn nàng ta sẽ nhận được rất nhiều lợi ích sau khi nâng di mẫu thượng vị...

(*) cá muối lật mình: Đề cập đến một người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, hoặc một người đang trong hoàn cảnh kinh tế tồi tệ, và đột ngột chuyển sang hướng tốt hơn.

Mai thị tính toán rất kỹ lưỡng, chỉ chờ Đông phủ tạo ra chút động tĩnh gì đó thì nàng ta sẽ ngư ông đắc lợi. Thế nhưng hai ngày trôi qua, trong Đông phủ chẳng hề lọt ra bất cứ tin đồn gì về hồi môn của tân phụ, danh sách hồi môn cũng được kiểm tra và không có chỗ nào khác biệt, thay vào đó lại là tin Mộ hầu cả đêm không về trong đêm động phòng tân hôn.

Mai thị những tưởng Mạnh Nguyên đã chọn cách im hơi lặng tiếng, âm thầm thay thế Liêu lăng bị hư hại, bất giác nàng ta đắc ý trong lòng lắm.

Là Hầu phủ phu nhân thì sao, còn không phải bị mình đùa giỡn trong tay à.

Mai thị sảng khoái tới buổi ra mặt thân thích, vốn rất đắc chí và vừa lòng, nhưng đúng lúc này nàng ta thấy mình nhận được quạt tròn chế từ Liêu lăng, thì gần như biết ngay nó được làm từ vải Liêu lăng dư mà nàng ta đã phá hủy hôm đó.

Mạnh thị có ý gì đây?

Đang cảnh cáo mình qua chiếc quạt tròn này chăng?

Nàng ta chưa kịp khép hộp lễ lại thì Mộ Phương bên cạnh chợt bóc trần: “Lục thẩm nương thiên vị quá, tại sao của bọn con đều là hàng dệt thêu tầm thường, còn cái của tam thẩm nương lại là quạt tròn được làm từ Liêu lăng thế ạ?”

Mai thị ngẩng đầu nhìn thấy Mạnh Nguyên đang tỏ vẻ vô cùng ung dung, dường như chỉ chờ có người hỏi câu đó.

Nàng ta toan giải thích nhưng không biết Mạnh Nguyên có âm mưu gì đằng sau, nên cuối cùng chỉ im lặng không nói gì.

Mạnh Nguyên nghe Mộ Phương xoi mói bèn mỉm cười.

“Ta tình cờ nghe vú già kể hôm đó tam tẩu có tới phố phòng nương gia ta ở Đông phủ, còn khen hoa văn và chất vải của Liêu lăng của nhà ta nữa. Ta nghĩ tam tẩu là họ hàng với bà mẫu ta, thường thay ta hiếu phụng bao lâu nay, luôn ở bên tán gẫu và giãi bày, thế nên lúc ấy ta mới thay thế thành lễ vật khác, không ngờ Phương tỉ nhi cũng thích Liêu lăng, là ta suy xét không chu đáo rồi... Liêu lăng chỉ đắt vì nó hiếm, thật ra kiểu dáng không có gì quá nổi bật, để ta về lấy thêm nửa cuộn đưa đến Tây phủ là được mà.”

Chu thị không vui khi nghe nữ nhi mình tỏ thái độ như thể chưa từng chứng kiến sự đời: “Trẻ con thôi mà, hay thích nói đùa lắm. Lục đệ muội đừng nghe nó, tránh làm hư tính cách của con bé.”

Mạnh Nguyên chớp mắt vài cái: “Từ lâu ta đã nghe nói gia phong của đại tẩu rất đoan chính, trọng lễ thủ tiết, không nuông chiều cho con cái hoang phí, em dâu tự cảm thấy khó bề bì kịp. Tuy vậy ta còn sót lại chút ít vải Liêu lăng, để đó cũng chẳng có tác dụng gì, hay cứ cho bọn nhỏ cầm đi thêu hoa đi ạ, đến lúc đó buộc quanh khung trúc làm thành mặt quạt, cũng xem như một thú vui tao nhã mà.”

Chu thị còn chưa tỏ thái độ thì Ngũ tẩu Lâm thị đã kinh ngạc trước tiên: “Ta nghe trưởng tỷ muội nói năm nay xưởng thêu nhà muội chỉ làm tổng cộng hai cuộn Liêu lăng, hôm qua ta đã thấy một cuộn trong hồi môn của muội ở chính viện rồi, chưa mở ra nữa mà, sao lại có vải dư?”

Mạnh Nguyên như ra chiều bực mình: “Còn không phải do thị tì khinh suất đó của muội không phát hiện được có hạt kê trong rương hồi môn sao, chẳng những thế chỉ có Liêu lăng bị hư hại, cả cuộn bị chim tước mổ thủng hơn mười lỗ đến mức không còn chỗ nào để sửa luôn... Sau khi mẫu thân muội biết thì xót muội mới xuất môn nên đành phải đưa cho muội cuộn còn lại trong nhà vốn để dành tặng người ta, vì vậy muội mới có thêm một cuộn nữa.”

Xung quanh yên lặng, tất cả họ đều đang mải suy nghĩ về bí ẩn trong tặng vật lần này của Mạnh Nguyên.

Chỉ có Mai thị nghe được thì gương mặt lúc đỏ lúc trắng.

Mạnh Nguyên đề cập đến hạt kê, đến chim tước và cả việc nàng ta đến xem đồ cưới và ca tụng chất vải, nhưng không hề nói mình nghi ngờ nàng ta hạ độc thủ làm hỏng Liêu lăng.

Nhưng mọi người ở đây, mười người thì hết tám kẻ có lòng dạ chín cua mười tám khúc (*) rồi. Dù lúc đầu không nghĩ ra nhưng hôm nay chỉ cần nhìn lễ ra mắt của tân phụ và chiếc quạt tròn được chế từ vải Liêu lăng còn sót lại trong tay nàng ta, thì có gì không hiểu nữa chứ?

(*) ý nói cong cong quẹo quẹo, suy nghĩ rất sâu xa.

Rương đồ cưới của Mạnh gia được đặt đàng hoàng trong sân nhưng chỉ có Liêu lăng bị người ta rải hạt kê dụ chim tước đến, mà người đến xem gần đây nhất chỉ có một mình Mai thị, nếu chuyện này bị mang ra công đường thì chưa chắc chứng minh được gì, tuy vậy trong phòng này có ai không nghĩ ra đâu.

Mạnh Nguyên không vạch trần nên Mai thị cũng không có cơ hội để vặn lại. Hơn nữa, nàng ta còn phải chịu đựng ánh mắt khó lường và gần như đã lật tẩy được trò hề này của nàng ta từ mọi người xung quanh.

Thấy cháu gái ruột bị người ta ám chỉ gièm pha, Phù thị là người đầu tiên không nén được cơn giận. Bà ta vờ như không nghe hiểu, chợt quay sang trách cứ Mạnh Nguyên: “Tam tẩu của ngươi thích Liêu lăng thì ngươi phải về mang thêm đến đưa cho con bé chứ, hôm nay chỉ có một cái quạt thôi mà muốn xua đuổi người ta khiến chúng ta có vẻ hơi hẹp hòi rồi đấy.”

Cố thị nghe và hiểu rõ từ đầu đến cuối, vì thế bà biết Mai thị âm thầm giở trò, muốn mượn chuyện đồ cưới bị hủy làm tân phụ mất thể diện, nhưng sao nàng ta không thử nghĩ xem nếu thật sự xảy ra sai sót, đến lúc đó đâu chỉ có Mạnh gia mất mặt? Chẳng lẽ Mộ gia - mở cửa lo liệu hỉ sự - sáng mặt ra được à?

Trái lại, tuy chịu thiệt thòi nhưng cháu dâu không làm ầm lên mà lựa chọn dàn xếp ổn thoả, hiện tại chỉ mượn quạt tròn Liêu lăng để cảnh cáo Mai thị một phen, vậy mà hai dì cháu đó lại còn dám gây thêm sóng gió!

Cố thị vừa thầm hận Mai thị âm hiểm và Phù thị vô sỉ, vừa thương xót cho Mạnh Nguyên hiểu chuyện và chu đáo.

Bà biết hôm nay là ngày đầu tiên Mạnh Nguyên ra mắt họ hàng nên không muốn làm trái với tấm lòng mong mọi sự hòa thuận, chuyện lớn hóa nhỏ của nàng. Song khi thấy Phù thị vô liêm sỉ đến nhường ấy, bà không nhịn nổi nữa và định sẽ trừng phạt bà ta.

“Gần đây e là nhà lão Tam dính phải thứ gì không sạch, ta thấy sắc mặt hiện giờ của nó tối tăm và mắt đỏ lên quái dị, có lẽ không phải là điềm lành. Tặng một vật phẩm tốt như Liêu lăng cho nó cũng không làm nên trò trống gì đâu, thôi thì đừng lãng phí.”

Bà đã nói rõ Mai thị gây ra chuyện xấu, không xứng được dùng Liêu lăng, thậm chí không xứng đứng ở hạ đường Đông phủ.

Lúc này không chỉ có Mai thị, mọi người trong Tây phủ đều biến sắc, vì bao nhiêu năm qua họ chưa từng thấy Cố lão phong quân đích thân chỉ trích người khác...

Phù thị còn muốn bào chữa giúp cháu ngoại gái vài câu nhưng đã bị Cố thị xoay chuyển chủ đề, đoạn bà nhắm thẳng vào Phù thị: “Ta nhớ hai năm trước Hoài ca nhi được trong cung ban thưởng hai cuộn Nghê Quang Hà, lúc ấy ta ngại chất vải này quá nhẹ và mỏng nên đã bảo ngươi nhận trước. Thế nhưng hôm nay Nguyên nương vào nhà rồi, làm bà mẫu thì ngươi cũng đừng quá hẹp hòi, sao không nhân lúc nhận thân hôm nay mà quay về lấy đồ tốt ra tặng cho con dâu đi, nếu không mấy hôm nữa con bé chưởng quản nhà cửa, xem nó có đưa đồ mặn qua nhà các ngươi không đây.”

Đầu óc Phù thị bỗng trống rỗng, bà ta cố chịu khổ dưới quyền Cố thị mười mấy năm qua chỉ vì mong chờ trăm năm sau Cố thị sẽ giao quyền quản gia cho mình, để bà ta được nếm thử cảm giác từ dâu thành bà là như thế nào, ai ngờ rằng khi tân phụ mới vào cổng, tôn đại Phật trên đầu này lại nói muốn giao quyền? Mà còn giao cho một đứa tiểu bối miệng còn hôi sữa đó nữa!

Vậy sau này, bà ta còn có đất đặt chân ở Đông phủ sao?

“Lão tổ tông, tân phụ mới về nhà, chưa từng kinh qua chuyện to tát nào, để con bé tiếp quản việc bếp núc khổng lồ của Hầu phủ như thế thì có phải quá vội vàng rồi không? Nếu bây giờ ngài mệt mỏi thì còn có con dâu giúp ngài san sẻ mà.”

Cố thị cười khẽ: “Nếu ngươi có thể quản lý tốt thì đến cái tuổi này rồi sao ta còn phải phiền lòng vì mấy chuyện vặt vãnh trong phủ này hả? Có thời gian rảnh rỗi thì đi xử lý sạch sẽ mấy cái kiến hay hoa cỏ trong viện đi, coi chừng có ngày phạm vào đại kỵ đấy.”

Chỉ câu này thôi khiến Phù thị xấu hổ đến mức không dám nói tiếp ý sau nữa.

“Con dâu hiểu rồi, sau này, sau này con sẽ nghe theo sự an bài của lão nhân gia và Hầu phu nhân.”

Tác giả có lời muốn nói: Ngày mai cho cẩu nhi tử thức tỉnh thì có sớm quá không nhỉ?