Sóng Nước Venice

Chương 3: Nessun Dorma*




(*) Nessun Dorma (Không Ai Được Ngủ) là một bản aria trong vở opera kinh điển Turando của Giaccomo Puccini. ‘Không ai được ngủ’ là mệnh lệnh công chúa Turandot ban hành, cô bắt người hầu thức trắng đêm tìm cho ra tên của vị hoàng tử thần bí (Calaf), người đã trả lời được 3 câu đố của công chúa và đố ngược lại 1 câu. Nếu tới bình minh không tìm ra được tên Calaf, tất cả người hầu sẽ bị xử tử.

Giorgio nghe thấy cô gọi tên mình, thở phào nhẹ nhõm.

Quay đầu mới nhớ bật đèn đầu giường.

Ôn Hoài Miểu bị chói bèn nhắm mắt lại, “Đừng bật.”

Trước mắt lại tối sầm, cô không nhìn rõ mặt anh mà chỉ thấy sườn mặt mơ hồ.

Giorgio lo lắng, “Cô ổn chứ?”

Anh chợt giải thích, “Tôi nghe thấy cô hét lên, đã xảy ra chuyện gì?”

“Ác mộng.”

Đôi mắt dần thích ứng với bóng đêm, bóng hình đối phương dần trở nên rõ ràng, anh mấp máy môi, giọng điệu bất an, “Cửa phòng cô mở, xin lỗi, tôi không cố ý.”

Người ngoại quốc cực kỳ coi trọng sự riêng tư, có lẽ anh cảm thấy mình chuyện bé xé ra to làm phiền Ôn Hoài Miểu.

Yết hầu anh chuyển động, “Tôi ra ngoài trước.”

Ôn Hoài Miểu giữ chặt cánh tay anh, lần này là cô mạo phạm bèn buông tay ngay, “Đợi đã.”

Đôi mắt màu xanh sẫm chứa đầy nghi hoặc.

Ôn Hoài Miểu khôi phục nhịp thở, cảm thấy mồ hôi chảy ròng ròng, tóc dính nhẹp vào má.

Trên cổ cũng nhơm nhớp mồ hồi, ban đầu cô ngỡ bản thân mất giọng, sau đó lại cảm thấy khá tốt.

Có thể là do thuốc cảm phát huy tác dụng khiến cô đổ mồ hôi, cơ thể khó chịu khiến cô gặp ác mộng trong hoàn cảnh lạ lẫm.

Giorgio vô cùng kiên nhẫn, khoanh chân ngồi dưới đất, chờ cô bình thường lại.

Ôn Hoài Miểu khẽ mở miệng, “Tôi vừa hét ư?”

Giorgio cũng hạ giọng, hai người đều nhớ phòng bên đã chìm vào giấc ngủ.

Anh có phần tự trách, “Ừ, nhưng mà tôi không hiểu tiếng Trung, sợ cô xảy ra chuyện gì.”

Ôn Hoài Miểu lắc đầu, “Cảm ơn anh, nếu không có anh, cơn ác mộng của tôi cũng không chấm dứt.”

“Vậy là tốt rồi.”

Hai người tiếp tục im lặng, cô không mở miệng, anh không rõ cô vừa mới nói đợi chút hay cô không còn việc gì cần giúp đỡ.

Ôn Hoài Miểu nhìn đèn trần lại cảm thấy chóng mặt.

“Có thể ở với tôi một lát không?”

Nói xong chính cô cũng ngẩn người.

Trái lại Giorgio không hề thấy lạ, anh nhoẻn cười, “Hồi nhỏ gặp ác mộng, tôi cũng bảo mẹ tôi ở bên.”

“Còn bây giờ?”

Giorgio nghiêng đầu suy ngẫm, “Tôi không nhớ lần cuối cùng gặp ác mộng là khi nào.”

Nhờ ánh sáng ảm đạm ngoài cửa sổ cô có thể nhìn rõ đôi mắt sáng ngời của anh.

Tựa vào mép giường, giống như Peter Pan đến tìm cô.

Cô bất giác chạm vào tay anh, không biết anh có thể dẫn cô đi đâu.

Ánh trăng là thứ khoan dung nhất, cũng dịu dàng nhất, anh nắm ngược lại tay cô.

Hai người không tính vượt qua ranh giới người xa lạ, chỉ nắm tay, không hề có một câu nói dư thừa.

Ôn Hoài Miểu nhắm mắt lại, cảnh tượng trong mơ vẫn rõ ràng như hiện ngay trước mắt.

Chẳng qua lòng bàn tay truyền đến cảm xúc chân thực khiến cô hết khó thở.

Thậm chí cô có ảo giác, bản thân rất nhanh ngủ thiếp đi và nghe được tiếng hít thở nhẹ nhàng.

Đôi mắt dim lim mở to, cô phát hiện Giorgio nằm úp ở đầu giường ngủ, anh rõ ràng là một chàng trai chưa trưởng thành nhưng đã tự lập, không bị ác mộng quấy nhiễu.

Cô sửng sốt một lát, kể từ khi bước vào tuổi 30, cuộc sống hằng ngày gần như đều rập khuôn.

Đã bao lâu không gặp người lạ, tất cả mọi người ai làm việc nấy, duy trì nề nếp sinh hoạt của bản thân, cô cũng vậy.

Thì ra khoảng cách an toàn giữa người với người lại gần đến thế.

Cô khẽ lay tỉnh người đàn ông, “Giorgio.”

Sợ anh cảm lạnh, “Anh về ngủ đi, tôi hết ác mộng rồi.”

Giorgio dụi mắt, anh đứng dậy, nghiêm túc nói, “Have a good dream.”

“You too.”

Có lẽ chính vì những lời này mà Ôn Hoài Miểu không còn gặp ác mộng, ngủ an ổn đến hừng đông.

Nói là hừng đông, cùng lắm mới 7 giờ.

Cô không ngủ được tiếp, dậy tìm dép lê. Để thuận tiện, cô đi đôi dép unisex dùng một lần.

Lúc này không thấy dẹp, cô đành bước chân trần ra khỏi phòng.

Giorgio đang ngồi trên sofa, trong tay đang chơi gì đó.

Ánh dương xuyên qua lan can ban công, chiếu rọi người anh, biến mái tóc xoăn nâu thành màu vàng xinh đẹp.

Anh thấy cô đi ra, hai người đồng thanh, “Hi”.

Giorgio cúi đầu nhấc thứ gì đó lên, “Cô đang tìm dép lê hả?”

Anh thoáng ngượng ngùng, “Tối qua tôi xỏ nhầm.”

Ôn Hoài Miểu đến gần, thấy anh đã thay ủng đi mưa, trên đùi còn rải một xấp bài.

Cô tò mò ngồi xuống cạnh anh, “Đây là gì?”

“Tarot.”

Anh tiện tay cầm một lá bài cho cô xem, trên đó là dòng chữ cô không hiểu.

Có lẽ bởi vì anh phát âm sai, nhất thời cô không nghĩ ra từ tiếng Anh này là gì, anh giải thích, “Chính là thứ dùng để tiên đoán tương lai, mỗi lá bài đều mang ý nghĩa riêng, ví dụ lá này…” Anh nhìn thoáng qua mặt lá bài, “Là Justice (Thẩm Phán).”

Anh lại cầm một lá khác, “Đây là lá The King (Quốc Vương).”

Ôn Hoài Miểu cầm lấy nhìn kĩ, lúc này mới nhận ra, cô mở miệng, “Tarot?”

“Đúng, cô biết?” Anh bắt được ý trong lời của cô.

Ôn Hoài Miểu vẫn luôn không tin những thứ này, chẳng phải cô không tin số mệnh, cô chỉ không tin bản thân có thể thay đổi vận mệnh thôi.

Chẳng hạn như thầy tướng số nói mệnh cô khuyết thủy, cô chỉ cảm thấy lúc nhỏ mình bị rơi xuống nước ngã bệnh mới là trọng điểm, cô tin mình sẽ gặp phải điều này, nhưng không thừa nhận việc đổi tên từ Ôn Hoài Miểu (温怀缈) sang Ôn Hoài Miểu (温怀淼) có tác dụng.

Thậm chí đôi khi cô cảm thấy, bản thân không khuyết thủy mà quá dư thủy.

Không có chấp niệm, không có ý định nhìn trộm vận mệnh.

Đới Yểu Yểu thì khác, trước kia thường lén mua tạp chí bị nhà trường cấm, giở phần tử vi chòm sao và Tarot bói mấy lần, đã thế còn muốn đọc cho cô nghe, nhất định muốn bói ra kết quả, dẫu cô nhẫn nại đến mấy cũng không có hứng thú tiếp cô ấy.

Nữ sinh khi ấy có thể tính được gì, đơn giản chính là tình yêu hư vô mờ mịt.

Ham muốn khống chế số phận của Đới Yểu Yểu không giống cô, hồi đó cô ấy bói ra lương duyên của mình là mắt một mí.

Đới Yểu Yểu hiên ngang lẫm liệt tỏ tình với nam sinh mắt một mí đẹp trai nhất lớp.

Ôn Hoài Miểu nhớ lại bộ dạng của ông xã Đới Yểu Yểu, rõ ràng là hai mí.

Nghĩ tới đây, cô nhìn mắt Giorgio như phản xạ có điều kiện.

Mắt hai mí, bởi vì xương mí cao nên hốc mắt trông có vẻ càng trũng, tựa hồ nước sâu.

Anh chăm chú xem cô giải thích về Tarot.

Từ khi nào bản thân lại khó chịu như vậy, ngày xưa cô đã quyết định sẽ không châm chọc số mệnh rồi.

Vốn dĩ là cô vô tình mạo phạm nhưng không ngờ người trưởng thành như Giorgio cũng tin Tarot.

Ngẫm lại Tarot vốn bắt nguồn từ nước ngoài, Giorgio tin không có gì lạ.

Cô mỉm cười trả lời, “Một người bạn của tôi thích, còn tôi không am hiểu.”

Trái lại Giorgio tò mò, “Trung Quốc cũng có sao?”

Tuy mỗi ngày anh tiếp xúc với rất nhiều du khách nhưng chưa từng trao đổi về vấn đề này.

Tín ngưỡng có đôi lúc là sự riêng tư, huống chi ở châu Âu, Tarot cũng không phải tín ngưỡng đại chúng.

Trong tiềm thức anh cảm thấy Ôn Hoài Miểu không có ý công kích, đổi lại người khác, anh đã sớm cất bài Tarot đi.

Ôn Hoài Miểu cười cười, trả lại anh hai lá bài.

“Dĩ nhiên, anh bói ra kết quả thế nào?”

Giorgio nhếch miệng, rãnh cằm càng hằn sâu.

Ôn Hoài Miểu cảm thấy không ổn, “Tôi đùa thôi, keep your secret.”

Giorgio suy tư song vẫn mở miệng, “The one.”

Dường như anh cũng có phần hoang mang, “Tôi sắp gặp được…”

“Duyên phận không thể trốn tránh.”

‘The one’ quanh quẩn trong đầu cô hai lần, cuối cùng cũng tìm được cách dịch nghĩa thích hợp.

“Anh ấy luôn nghĩ rằng anh ấy sẽ không thể hạnh phúc cho đến khi gặp người con gái của đời mình.” – Trích “500 ngày yêu”.

Bấy giờ, Ôn Hoài Miểu mới hiểu tại sao anh ngập ngừng, chắc là do xấu hổ.

Cô cũng không ngờ bản thân sẽ thảo luận chuyện khi nào gặp được tình yêu đích thực cùng một chàng trai nước ngoài.

Bọn họ thậm chí đều không thạo tiếng Anh, chỉ trao đổi bằng những từ đơn dễ hiểu nhất và câu khuyết thiếu thành phần.

Giorgio rất nhanh giãn mày, “Có điều ngụ ý của Tarot đôi khi không chỉ là hời hợt bên ngoài.”

Anh thu bài Tarot, cẩn thận cất vào túi khóa kín.

Đứng lên nói với Ôn Hoài Miểu, “Cô Wen, tôi phải đi làm, chúc cô chơi vui vẻ.”

Chênh lệch múi giờ đúng là giày vò, Ôn Hoài Miểu ăn xong bữa sáng chuẩn bị ra ngoài đi dạo thì cơn buồn ngủ ập đến.

Rất may cô vẫn chưa lên kế hoạch gì.

Lần này thật sự là ngủ say, khi tỉnh dậy phát hiện đôi tình nhân đang làm cơm trưa.

Cả ba tán gẫu một lát, đôi tình nhân hiển nhiên thao thao bất tuyệt, cầm tấm bản đồ đánh dấu rất nhiều ký hiệu giải thích với cô

Buổi chiều cô ra ngoài, tiết trời hôm nay đẹp bất ngờ.

Như thể cảnh tượng lũ lụt tối qua chỉ là ảo giác, cô trở về phòng lấy mũ chống nắng che khuất tầm mắt khiến cô vừa đi vừa cúi đầu.

Quan sát kỹ một chút, chỗ gạch lát trũng còn đọng lại vũng nước, trên bức tường trong con hẻm nhỏ quanh co xuất hiện rêu xanh và vệt nước bị bắn, những tấm thép cao nửa mét trước cửa mỗi hộ gia đình, tất cả đủ chứng minh lũ lụt ngập bụng cô là sự thật.

Nhờ cầm theo tấm bản đồ đôi tình lữ vẽ sơ lược, cô không bật chỉ đường di động mà đi một mạch theo ký hiệu.

Đi qua con phố buôn bán hôm qua đóng cửa, hóa ra náo nhiệt như vậy.

Cửa hàng dọc đường không khác gì chợ đêm trong nước, bán hoa quả, đồ ăn vặt, quà lưu niệm… thứ gì cũng có.

Cô chủ yếu đi dạo, định bụng mua đồ thì nhận ra hứng thú của bản thân cực kỳ ít ỏi.

Qua phố buôn bán, lại rẽ mấy lần, cô bắt đầu ngờ ngợ, bản đồ phác thảo đôi tình nhân đưa cô chỉ có phương hướng chung chung và các tuyến đường chính, vốn không hề cặn kẽ tỉ mỉ.

Ngõ hẻm ở Venice gần như giống hệt nhau, nhà dân xây cao trên mặt cầu, tường bong tróc loang lổ. Đôi khi không có lựa chọn, qua cầu đi dọc theo con hẻm, càng đi đường càng hẹp, quẹo một cái đường lại trở nên rộng thoáng.

Cô mở chỉ đường đang xoay vòng, đường thủy và ngõ hẻm đan xen chằng chịt khiến chỉ đường mất tác dụng.

Cô không tìm một nơi trống trải bắt sóng, thay vào đó là khóa màn hình bắt đầu đi theo trực giác.

Đoán chừng là đi lạc, cả con hẻm chỉ có mình cô, hẻm nhỏ râm mát nhưng không có cảm giác u ám, ánh mặt trời lười biếng chiếu vào người cô, in chiếc bóng không trọn vẹn đầu tường đầu.

Cô loáng thoáng nghe thấy tiếng hát, khàn khàn tựa như nhạc nền.

Cô đi theo tiếng hát, ra là một chiếc Gondola lướt qua, một người lái thuyền béo trong bộ quần áo sọc trắng đen vừa chèo thuyền vừa ngâm nga khúc nhạc dân gian của Ý. Chất giọng hồn hậu, thô mộc vọng đến, tưởng như nước biển bị rẽ sóng, bọt biển chầm chậm nổi lên, đã đi qua cầu mà tiếng ca vẫn còn văng vẳng.

Cuối cùng, Ôn Hoài Miểu hỏi người bán rong đường ra bến tàu.

Xuống tàu mới phát hiện trong khoang tàu rất đông người Trung Quốc, họ đội cùng kiểu mũ, còn có hướng dẫn viên du lịch vẫy cờ.

Hướng dẫn viên du lịch giải thích bằng tiếng Trung, “Đây là hòn đảo thứ ba chúng ta đến thăm hôm nay, đảo Burano, thực chất nó còn sở hữu cái tên dân dã hơn, đảo Cầu Vồng.”

“Được ví như bảng màu Thượng Đế đánh rơi, thích hợp chụp ảnh, lát nữa tôi sẽ dành khoảng 40 phút tự do cho mọi người chụp ảnh, bây giờ để tôi giới thiệu sơ lược.”

“Có câu, lên núi kiếm ăn xuống sông kiếm nước, như vậy người dân địa phương mưu sinh bằng cách nào, mọi người đoán thử xem?”

“Đúng, người dân ở đây sống dựa vào nghề đánh cá, cũng giống như nước chúng ta, nam cày ruộng nữ dệt vải, phụ nữ nơi đây dệt vải ren, rất nhiều người tìm đến Burano đặt voan trùm đầu cô dâu. Để tiện cho người chồng ra ngoài đánh cá, liếc mắt một cái có thể nhận ra nhà mình, họ đã sơn nhà với những màu sắc khác nhau.”

Ôn Hoài Miểu lắng nghe cảm thấy thú vị bèn đi theo đoàn khách, nghe giải thích ké.

Ban đầu còn giữ khoảng cách, về sau trong đoàn có bác gái nhìn Ôn Hoài Miểu hiền lành, lại gần bắt chuyện, nhờ cô chụp ảnh hộ.

Nói đôi ba lời, ở nước ngoài gặp được đoàn khách Trung Quốc, Ôn Hoài Miểu không chối từ.

Huống chi cô một thân một mình, có người giúp cô chụp tấm ảnh cũng tốt.

Tự do hoạt động đơn giản chỉ là chụp ảnh trước những căn nhà cầu vồng, mấy căn nhà có màu sắc êm dịu tụ tập nhiều người nhất.

Cho tới khi nghe thấy một người cách đó không bảo rằng mình bị mất trộm phong bì đựng 300 euro.

Bà cụ này tức giận, dáo dác tìm hướng dẫn viên, bạn bè trong đoàn giúp bà nhớ lại những người vừa tiếp xúc.

Hướng dẫn du lịch đến dàn xếp, đại ý là không chịu giúp họ tìm tài sản bị mất, hơn nữa giờ về không thể thay đổi.

Ôn Hoài Miểu vô thức kiểm tra túi xách của mình.

Túi cô không có gì, chỉ mang theo nước và ví tiền, ví và hộ chiếu còn để riêng.

Ví tiền vẫn còn, cô thở phào nhẹ nhòm.

Một giây sau cảm thấy không đúng bèn nhìn lại, tiền mặt trong ví rỗng tuếch.

Cô sững sờ khó tin.

Có người nhận ra sắc mặt cô không ổn, lại gần hỏi, “Cô gái, cô cũng bị trộm hả?”

Bà cụ chẳng khác nào tìm được đồng minh, lôi kéo cô lên án cùng.

“Hướng dẫn viên quá vô trách nhiệm, chúng tôi đều thấy mấy cô gái Digan mọi rợ tiếp cận chúng tôi.”

Ôn Hoài Miểu hơi mê mang, cô bắt đầu nhớ lại, khi chụp ảnh cô rất tập trung, ngồi trên mặt đất, túi buông thõng sau người, quả thật có mấy đứa bé chơi đùa bên cạnh nhưng dáng dấp chúng thế nào hay tới gần cô không, cô không hề ấn tượng.

Huống chi dám chắc là người Digan.

Cô hỏi, “Sao bà biết ạ?”

Bác cụ bị trộm khẳng định, “Có hướng dẫn viên đã nói với chúng tôi, không phải hướng dẫn đi cùng ở Venice này đâu. Ở đây nhiều trộm cắp, đều là người Digan được bồi dưỡng thành siêu trộm từ bé. Họ chuyên tìm đoàn khách du lịch để ra tay bởi vì đông người dễ phân tán sự chú ý.”

Người bên cạnh tiếp lời, “Phải đấy, chú ý như thế vẫn bị trộm, tôi thấy bà luôn ôm túi trước người mà.”

Bà cụ tức giậm chân, “Chỉ một thoáng thôi, tôi nói chụp ảnh ôm túi khó coi, tôi cũng cảm giác có người chạm vào mình nhưng chỉ nghĩ rằng đông người chen lấn.”

Có người an ủi bà, “Của đi thay người, ra ngoài khó tránh.”

Có người đàn ông không nghe nổi, “Vậy cũng không thể cổ vũ cái ác được, họ biết rõ đường sá, đoàn du lịch chỉ mất tiền không mất giấy tờ, nhất định phải ngậm bồ hòn làm ngọt.”

Ông ta hạ giọng, ánh mắt mơ hồ, “Nói không chừng họ đều cấu kết với hướng dẫn viên.”

Rồi nhìn Ôn Hoài Miểu cũng bị trộm, “Cô gái, cô nói xem có phải hay không?”

Quả thực Ôn Hoài Miểu không có ấn tượng, cô không mang nhiều tiền, cùng chung suy nghĩ với người vừa lên tiếng.

Ở ngoài, thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện, coi như của đi thay người vậy.

Sau này ra ngoài phải cẩn thận hơn, lấy đó làm bài học.

Cô khẽ lắc đầu, không muốn đắc tội với ai, “Không có, chắc cháu nhớ nhầm, ra ngoài quên mang tiền thôi.”

Nghe cô nói thế, bà cụ kia cũng bắt đầu hoài nghi, “Có khi nào tôi cũng không mang.”

Có người nhắc nhở bà, “Hôm nay bà mua mấy thứ vẫn lấy ra mà?”

Bà cụ vỗ đùi, “Ôi thật là, chắc chắn là ăn trộm, đám người Digan đáng ghét.”

Ôn Hoài Miểu đành nói cho qua chuyện, lặng lẽ đi xa.

Lúc này cô áo túi ra trước ngực, đoàn người vẫn cãi nhau song vẫn tiếp tục lên tàu.

Chẳng ai muốn lỡ dở hành trình của mình vì một người xa lạ.

Ôn Hoài Miểu nhìn họ lên chiếc tàu dập dềnh tại bến.

Rốt cuộc nhớ ra một vấn đề.

Vốn dĩ cô không mua vé chiều về, bây giờ cũng chẳng còn tiền mua vé nữa.