" Rầm....Rập "
Chú Đại lao ra khỏi phòng rồi chạy vội ra bên ngoài trước sự hốt hoảng của mọi người, không biết mẹ chú Đại vừa gọi điện báo thông tin gì nhưng chú Đại có phần hớt hải lắm. Chạy va vào cả một cô nhân viên đang bê một tập hồ sơ khiến cô ta làm rơi hết tất cả nhưng chú Đại cũng chỉ quay lại nói nhanh:
- - Tôi xin lỗi....
Ra đến sảnh thì chú Đại gặp Long, nhìn dáng vẻ hấp tấp của chú Đại, Long vội hỏi:
- - Anh tính đi đâu mà vội vàng vậy..?
Chú Đại nói như sắp rơi nước mắt:
- - Long....Long ơi, vợ anh....vợ anh.....chị Thúy....vừa cử động được rồi....Giờ anh phải đến bệnh viện gấp.
Nhìn đồng hồ cũng đã đến giờ nghỉ trưa, Long vui mừng nói:
- - Đi, em lái xe đưa anh đi...Cũng đến giờ cơm trưa rồi. Nhanh nào anh...
Chú Đại gật đầu, ban nãy mẹ chú Đại gọi đến báo tin:
" Con ơi, cái Thúy...cái Thúy nó vừa khẽ cử động ngón tay....Mẹ gọi bác sỹ rồi, con đến đây nhanh đi....Hu...hu....Nhanh lên con nhé. "
2 năm, đã 2 năm trôi qua kể từ ngày cô Thúy bị tai nạn rồi sống đời sống thực vật. Từ đó đến nay, mặc dù vẫn còn thở nhưng chưa bao giờ cô Thúy có dấu hiệu sẽ tỉnh lại. Chú Đại và gia đình đã tìm mọi cách có thể chỉ mong cô Thúy có thể mở mắt ra để nhìn ngắm mọi thứ một lần nữa, để được gặp cô con gái đáng yêu của mình, cô con gái bé bỏng mà cô Thúy đã đánh đổi tất cả để nuôi nấng. Hai năm đằng đẵng, đã có lúc chú Đại cảm thấy vô vọng khi nhìn người yêu mình nằm đó, sống nhờ vào những ống nhựa, bằng những loại máy móc, mỗi lần đưa con gái vào thăm vợ là chú Đại quặn đau thắt cả ruột gan. Nhất là khi con bé nhìn mẹ mình nằm đó bằng ánh mắt hồn nhiên, nó còn quá nhỏ để có thể hiểu được mẹ nó đang gặp phải chuyện gì. Nhưng nhìn con mà chú Đại càng thấy mình đã mắc lỗi với cô Thúy rất nhiều.
Ngày hôm nay, sau khi nghe được tin cô Thúy đã cử động được ngón tay, chú Đại vui mừng đến khóc thành tiếng. Nếp nhăn trên đôi mắt người đàn ông nhỏ bé ấy khẽ nheo lại, những giọt nước mắt hạnh phúc khẽ rơi xuống, bởi niềm tin, niềm hi vọng tưởng chừng như đã nguội lạnh thì nay đã khơi gợi lại tận bên trong sâu thẳm đáy lòng của người đàn ông đáng thương.
Chú Đại chạy thẳng lên phòng bệnh mà cô Thúy đang nằm, bác sỹ cũng đang ở đó cùng với mẹ của chú Đại. Nhìn thấy con, mẹ chú Đại bước vội ra đón, bà mếu máo:
- - Con đến rồi à..?
Chú Đại hỏi mẹ:
- - Có thật là Thúy đã cử động được không mẹ..?
Mẹ chú Đại đáp:
- - Thật mà, lúc sớm mẹ ngồi lau mặt cho con bé, mẹ kể cho nó nghe chuyện Kim Anh nó ngoan ngoãn thế nào, mẹ mong con sớm tỉnh lại để được nghe tiếng con gái nói những từ đầu tiên. Thì khi định lau bàn tay của Thúy, mẹ khẽ thấy Thúy nó cử động ngón tay.....Thế là mẹ gọi điện cho con ngay đó.
Bác sỹ vẫn đang thăm khám, xem lại tình trạng của cô Thúy. Chú Đại cùng mẹ đứng đằng sau chờ đợi. Một lát sau bác sỹ nói:
- - Qua kiểm tra sơ bộ, đúng là tình trạng của bệnh nhân đã biến chuyển tốt hơn. Những ca như thế này thường thường có tỉnh lại hay không còn dựa rất nhiều vào ý chí của chính người bệnh. Công nghệ hiện đại cũng chỉ góp phần giữ lại tính mạng của con người, đôi khi cũng cần thêm một chút nghị lực và may mắn nữa.....Nhưng với nỗ lực của gia đình suốt hai năm ròng rã tôi nghĩ, cô ấy cũng đang cố gắng để có thể tỉnh dậy. Có thể bệnh nhân chưa tỉnh ngay được, nhưng đâu đó bệnh nhân vẫn có thể nghe được, cảm nhận được những người ở bên cạnh chăm sóc cho mình. Mọi người cố gắng chú ý đến cô ấy nhiều hơn, kể cho cô ấy nghe những câu chuyện diễn ra thường ngày của những người quan trọng đối với cô ấy....Sau khi kiểm tra lại tôi sẽ thông báo với gia đình sau. Có dấu hiệu như vậy là đáng mừng rồi....Mọi người cùng cố gắng nhé.
Cảm ơn bác sỹ, chú Đại tiến lại sát giường bệnh rồi khẽ ngồi xuống nắm lấy tay cô Thúy, chú Đại khẽ nói:
- - Nếu em nghe được lời anh nói thì anh chỉ muốn nói rằng, anh và gia đình, và con sẽ luôn ở bên cạnh em, chờ ngày em tỉnh lại. Mỗi ngày anh và con sẽ đến đây thăm em, đừng bỏ anh, đừng bỏ con em nhé....Anh...xin...lỗi...
Vừa nói chú Đại vừa cúi mặt xuống, giọt nước mắt khẽ rơi trên mu bàn tay người đàn ông nhỏ bé. Long vỗ vai chú Đại an ủi:
- - Anh đừng buồn nữa, bác sỹ cũng đã nói có biến chuyển tốt. Em tin chắc chị Thúy sẽ tỉnh lại thôi. Lúc này lẽ ra anh phải kể những câu chuyện vui vẻ giữa hai người chứ, anh mà buồn thì sao chị ấy có nghị lực để mà chống chọi lại bệnh tật.
Mẹ chú Đại cũng vội lau nước mắt, bà nói:
- - Long nó nói đúng đấy con ạ, đời người ai cũng phải có sai lầm. Nhưng con người ta hơn nhau ở chỗ có biết sửa sai hay lại càng cố chấp sai thêm. Mẹ cũng rất buồn khi để sự việc thành ra thế này, những năm qua mẹ chưa bao giờ thôi cảm thấy có lỗi với con bé. Nhưng mẹ tin, cái Thúy nó là người mạnh mẽ, hôm nay đã có thể cử động thì biết đâu ngày mai, tuần sau, thang sau nó sẽ tỉnh lại....Nó rất yêu cái Kim Anh, hơn ai hết, tình cảm của người mẹ dành cho con cái là thiêng liêng nhất. Thúy nó sẽ không để Kim Anh lớn lên mà thiếu vắng tình thương của mẹ đâu. Con giờ đây là trụ cột của gia đình, con phải mạnh mẽ và vững vàng lên mới phải chứ.
Chú Đại khẽ gật đầu, chú Đại cảm thấy mình may mắn khi mà bên cạnh vẫn luôn có những người thân như bố mẹ, như Long, những người luôn sát cánh, cho chú Đại nghị lực để quyết tâm gồng ghánh mọi chuyện. Đúng vậy, điều bây giờ chú Đại cần chính là niềm tin và hi vọng.....Nhìn khuôn mặt người mà mình yêu thương có phần đã hốc hác, xanh xao và gầy đi trông thấy, chú Đại đưa hai tay nắm lấy bàn tay của cô Thúy rồi khẽ đưa lên mặt mình, áp nhẹ má vào tay cô Thúy để cảm nhận chút hơi ấm từ người mình thương yêu, chú Đại nghẹn ngào:
- - Anh sẽ đợi em, dù có lâu đến thế nào đi nữa.
[......]
Đã gần 2h chiều, cơn mưa cũng đã tạnh ráo, nhưng từ lúc Nam đến khu nhà trọ tới bây giờ đã là hơn 3 tiếng đồng hồ. Mẹ con chị Chi vẫn ở đây, nhưng Huy Trâu vẫn chưa thấy quay trở lại. Chị Chi khẽ bước tới hỏi Nam:
- - Liệu anh ta có xảy ra chuyện gì không...?
Nam trả lời:
- - Chị đừng lo, anh Huy không phải dạng dễ chết đâu. Chỉ có điều như chị nói, anh Huy mà tiền bạc để hết lại cho chị, khu vực mà em nhận được cuộc điện thoại cũng cách nơi này khá xa. Không tiền, không điện thoại, chắc có lẽ anh Huy đang tìm cách để quay về đây thôi. Bởi dù có như thế nào, em nghĩ anh Huy cũng không phải là người bỏ rơi người từng có ơn cứu mình đâu. Mà chị với hai cháu nhớ đừng đi đâu ra ngoài thời diểm này nhé. Chuyện xảy ra ở khu ổ chuột em nghĩ vẫn chưa xong đâu, nhất là hiện giờ đám người đó biết anh Huy vẫn còn sống....Chị không phải người ở đây, vậy quê chị ở đâu..?
Chị Chi khẽ thở dài:
- - Cảm ơn cậu đã cứu chúng tôi, tôi là người Hà Giang, chồng tôi mất khi tôi mang bầu đứa thứ 2...Bố mẹ cũng không còn, một thân một mình không có nơi nương tựa, sau khi sinh thằng bé xong, ba mẹ con đành bế nhau lang thang khắp nơi, làm đủ mọi việc để sống....Vậy mà cũng đã được 4 năm rồi, khi đến đây cũng may mắn được một người trong khu ổ chuột giúp đỡ, cũng toàn cảnh dân lang thang, cô ấy thương tôi một nách hai con nên đưa tôi về đấy, rồi tất cả mọi người chung tay dựng cho cái lán, sáng thì tôi đi nhặt ống lon, đồ nhựa...Còn tối ra bãi bồi sông phụ việc cho tàu thuyền. Được cái hai chị em nó cũng biết tự trông nhau cho mẹ đi làm, con chị lớn hơn, nhiều hôm cả hai chị em cũng đi nhặt nhựa, rồi ống lon giúp đỡ cho mẹ. Chúng nó nhìn khổ sở, nghèo đói vậy thôi nhưng ngoan và tình cảm lắm.
Khẽ quay lại nhìn hai đứa trẻ đang ôm nhau ngủ, Nam mỉm cười:
- - Đúng là bọn trẻ rất tình cảm, anh Huy thì quê gốc ở Thái Bình, bố mẹ cũng không còn....Anh ấy ở đây chắc có lẽ từ khi còn là thiếu niên, tuy không về quê nhưng anh ấy vẫn xây sửa lại nhà cũ, nhờ họ hàng chăm lo hương khói cho bố mẹ. Cũng lớn tuổi rồi nhưng chưa vợ con gì, cuộc đời lang bạt giang hồ mà....Bản thân anh Huy cũng không phải người xấu như những gì chị nhìn thấy đâu. Anh ta là một người có ơn báo ơn, có oán báo oán....Rạch ròi, thô lỗ nhưng cũng tình cảm lắm, chỉ có điều người như anh ta không biết bày tỏ thế nào mà thôi. Nhìn ánh mắt của anh ấy với chị và hai cháu em nghĩ mọi người gặp nhau thế này đều là do duyên số. Rổ rá cạp lại cũng có thể dùng tốt. Cuộc đời của anh Huy đến bây giờ có thể coi như đã mất trắng, chị nghĩ sao nếu như hai người ở bên nhau..?
Chị Chi ngượng ngùng đáp ấp úng:
- - Sao cậu lại nói vậy....Dù...dù...sao đi nữa....tôi cũng là gái đã lỡ thì....hơn nữa tôi và các con cũng chỉ là dân lang thang, nay đây mai đó....Sao...sao..có thể được.
Nam nói tiếp:
- - Cuộc sống luôn đem đến cho chúng ta những điều bất ngờ, con người ta gặp nhau cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Có những thứ không để đem giá trị vật chất, cũng như sang giàu, thấp kém ra so sánh được. Tuy hai người mới gặp nhau, còn chưa biết gì về nhau nhưng giữa hai người đã tồn tại một thứ đó là ân tình, làm người thì chữ tình mới là quan trọng nhất. Khó khăn luôn luôn xuất hiện, nhưng nếu cố gắng thì sẽ vượt qua được hết. Em mừng cho chị, mừng cho cả hai đứa trẻ, bởi dù hoàn cảnh có như thế nào, gia đình chị vẫn luôn luôn bên cạnh nhau......Những thứ mà có người nằm mơ cũng không thấy được.
Chị Chi nhìn Nam, cậu thanh niên tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại nói ra được những câu như một người từng trải, chị Chi hỏi:
- - Dường như cậu đã phải trải qua rất nhiều chuyện đau buồn...?
Nam im lặng không nói, bên ngoài cổng vừa có tiếng động. Nam ra hiệu cho chị Chi lui vào trong, còn mình thì khẽ di chuyển nép sát bờ tường......Người đang khẽ mở cổng đi vào chính là Huy Trâu.....Cuối cùng thì Huy Trâu cũng đã trở về, nhìn Huy Trâu thất thểu, quần áo ướt sũng, khuôn mặt bơ phờ, tuy nhiên Nam thoáng thấy, trước khi vào nhà, Huy Trâu cố gắng chỉnh sửa lại quần áo, cố làm cho khuôn mặt tươi tỉnh hơn. Bởi vì Huy không muốn, những người trong nhà kia cảm thấy hoang mang, lo lắng......Nam khẽ mỉm cười, Nam thầm nghĩ:
" Đã đến lúc dừng lại được rồi. "