Sông Đông Êm Đềm

Chương 105




Buntruc vừa mở mắt ra lần đầu thì bắt gặp ngay hai con mắt đen láy của Anna long lanh sau những giọt nước mắt và trong nét cười.

Anh đã bất tỉnh và mê sảng ba tuần liền. Đã ba tuần liền, anh đi lang thang trong một thế giới khác, hư ảo, không sờ thấy được. Đến chiều ngày hai mươi tháng Chạp anh mới tỉnh lại. Anh đăm đăm nhìn mãi Anna bằng cặp mắt nghiêm nghị, mung lung như qua một lớp sương mù, cố nhớ lại tất cả những chuyện có dính dáng tới Anna, nhưng chỉ hồi tưởng được một phần. Trí nhớ của anh đã kém đi nhiều, không chịu tuân theo ý muốn của anh nữa, và vẫn còn cố chôn giấu rất nhiều điều ở một nơi nào sâu kín.

- Cho tôi uống nước… - Vẫn như trước, tiếng nói của chính anh cứ vẳng tới tai anh như từ một nơi xa xôi nào, nhưng anh thấy thế lại lấy làm thích thú. Buntruc mỉm cười.

Anna vội chạy bổ đến với anh. Một nụ cười dè dát, cố ghìm lại, làm cho toàn thân Anna như sáng bừng lên.

- Để em cầm cho anh uống, - Buntruc đờ đẫn vươn tay về phía cái ca, nhưng Anna gạt tay anh ra.

Buntruc phải cố gắng đến run cả người mới ngẩng được đầu lên, uống vài ngụm rồi mệt quá, lại nằm vật xuống gối. Anh nhìn sang bên cạnh giờ lâu, muốn nói không biết câu gì, nhưng cuối cùng sự mệt mỏi lại chiếm phần thắng, và Buntruc lại thiu thiu.

Và cũng như lần đầu, lúc tỉnh dậy điều anh nhìn thấy trước tiên vẫn là cặp mắt hốt hoảng của Anna chằm chằm nhìn mình, rồi sau đó anh mới nhìn thấy cái ánh sáng vàng như nghệ của ngọn đèn và cái vòng tròn màu trắng chiếu từ ngọn đèn lên khoảng trần nhà ghép bằng ván mộc.

- Anna, lại đây em.

Anna bước tới, nắm lấy tay anh. Buntruc nắm lại tay Anna một cách yếu ớt để trả lời.

- Anh thấy trong người thế nào?

- Lưỡi của người khác, đầu óc của người khác, hai chân cũng vậy, còn tuổi thì như đã hai trăm, - Anh cố rặn ra nói từng tiếng, lặng đi một lát rồi hỏi - Tôi bị thương hàn à?

- Vâng, thương hàn.

Buntruc đưa mắt nhìn khắp căn phòng, thều thào hỏi:

- Đây là đâu thế?

Anna hiểu ra câu hỏi, mỉm cười:

- Chúng ta đang ở Sarysin!

- Thế còn em… tại sao lại ở đây?

- Chỉ có một mình em ở lại với anh. - Rồi tựa như để bào chữa cho mình hoặc cố tránh không muốn đả động tới một ý nghĩ mà hai người chưa nói ra, Anna vội nói tiếp - Không thể nào bỏ mặc anh cho người khác trông nom được. Đồng chí Abramxon và các đồng chí khác trong đảng uỷ có bảo em trông nom cho anh… Anh xem đấy, thế là bất ngờ em có dịp được săn sóc cho anh.

Anh đưa mắt và khẽ động đậy bàn tay cám ơn Anna.

- Krutogorov đâu?

- Qua Voronez đi Lugansk rồi.

- Georgkian?

- Ôi anh tưởng tượng, được không… bị thương hàn chết mất rồi.

- Chao ôi!

Hai người lặng đi một lát như để tưởng nhớ người đã khuất.

- Em đã lo cho anh quá. Vì anh ốm quá nặng, - Anna khẽ nói.

- Còn Bogovoi?

- Tất cả các đồng chí, em chẳng còn gặp ai nữa. Một số đã đi Kamenskaia. Nhưng thôi, anh hãy nghe em, anh nói quá nhiều có hại không? Mà anh có muốn ăn sữa không?

Buntruc lắc đầu ra ý không muốn. Anh phải cố gắng lắm mới điều khiển nổi cái lưỡi để hỏi thêm:

- Abramxon đâu?

- Đã đi Voronez từ tuần trước rồi.

Buntruc cựa quậy rất khó khăn, đầu óc anh quay lộn, máu dồn lên hai con mắt đến là nhức. Cảm thấy trên trán mình có một bàn tay mát mát, anh mở mắt ra. Một câu hỏi làm tình làm tội anh: trong lúc mê man chẳng biết gì như thế, ai đã giúp mình trong lúc ỉa đái bẩn thỉu? Chẳng nhẽ chính là Anna? Má anh hơi ửng đỏ, anh hỏi:

- Chỉ có một mình em trông nom cho tôi thôi à?

- Vâng, một mình em.

Buntruc quay mặt vào trong tường lẩm bẩm:

- Nhục nhã cho chúng nó… Cái bọn khốn kiếp! Mặc cho một mình em chịu đựng.

Di chứng của bệnh thương hàn đã ảnh hưởng đến thính giác: Buntruc trở nên nghễnh ngãng. Bác sĩ do Ban chấp hành Đảng bộ Sarysin cử đến bảo Anna rằng chỉ khi nào bệnh khỏi hẳn mới có thể bắt đầu chữa tai cho anh được. Buntruc lấy lại sức khoẻ rất chậm chạp. Anh trở nên phàm ăn một cách lạ lùng nhưng Anna rất nghiêm khắc giữ đúng mức ăn qui định. Chỉ vì thế mà giữa hai người đã xảy ra những sự va chạm.

- Cho tôi ít sữa nữa đi. - Buntruc cố nài.

- Không thể thêm được nữa.

- Tôi van em đấy, lấy ra đi Anna! Sao lại thế, em muốn tôi chết đói à?

- Anh Ilia, tất nhiên tự anh cũng biết rằng em không thể nào cho anh ăn quá mức qui định được.

Buntruc giận quá không nói gì nữa, chỉ quay mặt vào tường thở dài, giờ lâu cứ im như thóc; Anna rất thương Buntruc, rất đau khổ, nhưng vẫn phải cương quyết không nhượng bộ. Một lát sau anh quay lại van lơn, mặt mày nhăn nhó, vì thế nom càng đáng thương:

- Không cho tôi được ít bắp cải muối à? Thôi, em Anna yêu quý, cho tôi ăn đi! Em cũng phải nể tôi một chút chứ! Có hại ấy à? Bọn bác sĩ nói xằng đấy thôi?

Trước thái độ cương quyết từ chối của Anna, có lần Buntruc nói rất tệ, xúc phạm cả Anna:

- Cô không có quyền làm tình làm tội tôi như thế? Tôi sẽ tự gọi lấy bà chủ nhà, sẽ xin bà ấy vậy? Cô là một người phụ nữ không có lương tâm, một con người đáng ghét! Thật đấy, tôi đã bắt đầu căm ghét cô rồi.

- Em làm con sen con đòi, chịu cực chịu khổ để hầu hạ anh, anh đền bù lại như thế là tốt nhất rồi phải không? - Anna không nhịn được nữa.

- Tôi có xin cô ở lại với tôi đâu? Cô trách mắng tôi về chuyện nầy thì thật là tội. Cô lợi dụng ưu thế của cô. Thôi cũng được… Không cần cho tôi ăn gì nữa? Cứ mặc cho tôi chết… Lòng thương của cô quả là vĩ đại!

Môi Anna đã run lên, nhưng Anna vẫn nhẫn nhục, không nói gì nữa. Anna tha thứ cho Buntruc, cố chịu đựng hết thảy.

Chỉ một lần, sau một trận đấu khẩu đặc biệt gay gắt vì Anna từ chối không cho Buntruc ăn thêm một miếng bánh nướng, Buntruc quay ngoắt đi, Anna cảm thấy tim mình thắt lại vì kịp nhìn thấy một giọt nước mắt long lanh trong mắt anh:

- Anh thật là con nít! - Anna kêu lên.

Nói xong Anna chạy vào bếp, mang ra cả một đĩa bánh đầy.

- Thôi anh ăn đi, ăn nữa đi, Ilia, anh yêu quí! Thôi được rồi, anh đừng bực mình nữa nhé! Anh cầm lấy miếng nầy đi, vừa chín tới đấy! Anna run run nhét miếng bánh vào tay Buntruc.

Buntruc cảm thấy rất đau khổ, đã định thôi không ăn nữa, nhưng cuối cùng không nhịn được, bèn chùi nước mắt, ngồi dậy cầm lấy chiếc bánh. Một nụ cười nhận lỗi thoáng hiện trên khuôn mặt gầy rộc, lổm xổm bộ râu mềm loăn xoăn. Anh vừa đưa mắt vẻ như xin lỗi, vừa nói:

- Tôi còn tệ hơn cả đứa con nít nữa là khác… Em xem: chỉ thiếu chút nữa là tôi khóc oà lên…

Anna nhìn cái cổ ngẩng ra một cách lạ lùng, nhìn bộ ngực hom hem sâu hõm giữa hai tà áo sơ- mi mở phanh, nhìn hai bàn tay chỉ có da bọc xương của Buntruc, rồi một niềm yêu thương thắm thiết chưa từng cảm thấy bao giờ bất thần làm rung động cả tâm hồn Anna, và lần đầu tiên Anna đặt lên cái trán vàng khô của Buntruc một cái hôn giản dị và âu yếm.

Mãi hai tuần sau Buntruc mới có thể đi lại trong phòng mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác, nhưng hai chân khẳng khiu như cây sậy chỉ muốn gãy gập xuống. Buntruc tập đi lần thứ hai.

- Xem nầy, Anna, tôi đi được đây nầy! - Buntruc thử đi nhanh một cách thoải mái, nhưng hai chân không đương nồi sức nặng của thân thể, sàn nhà dưới hai bàn chân như muốn trượt đi đâu mất.

Buntruc nhìn thấy chỗ nào gần nhất có cái gì vịn được là phải nắm ngay lấy, miệng cười toe ra như ông già, làn da trên hai gò má xanh bóng chỗ thì căng ra, chỗ thì nhăn nhúm lại. Anh cười một thôi một hồi, tiếng cười già nua run run, cuối cùng cười mãi mệt lử, lại nằm vật ra giường.

Chỗ hai người ở rất gần bến tàu. Đứng trong cửa sổ nhìn ra có thể trông thấy mặt sông Vonga trải rộng, đầy tuyết, khu rừng xám xám hình bán nguyệt rộng bát ngát bên kia sông và những nét mềm mại của cánh đồng gợn sóng đằng xa. Anna đứng rất lâu bên cửa sổ suy nghĩ về cuộc sống kỳ dị của mình, một cuộc sống vừa trải qua một bước ngoặt lớn. Bệnh tật của Buntruc đã làm cho hai người trở nên thân thiết lạ lùng.

Đầu tiên, khi mới đưa Buntruc vượt được một chặng đường vừa dài vừa gian khổ đến được Sarysin, Anna đã cảm thấy nặng nề, cay đắng đến phát khóc. Lần đầu tiên trong đời Anna phải nhìn thẳng vào mặt trái của sự tiếp xúc với một người thân yêu một cách sát sạt và trần truồng như thế. Nàng nghiến răng thay đồ lót cho Buntruc, chải chấy trên cái đầu nóng như lửa, vần cái thân nặng như đá và rùng mình lén nhìn với cả một niềm kinh tởm cái thân hình đàn ông trần truồng và gầy rộc của anh. Nhìn cái vỏ đùm bên ngoài một sinh mệnh yêu quí lúc nầy chỉ còn thoi thóp chút hơi nóng. Ruột gan Anna nôn nao cả lên, Anna thấy tởm lợm quá, nhưng sự bẩn thỉu bên ngoài không làm hoen ố chút nào cái tình cảm vẫn còn giữ được rất sâu sắc, rất bền vững của Anna. Theo mệnh lệnh không thể cưỡng lại được của tình cảm ấy, Anna đã học được cách vượt qua đau khổ và do dự. Và Anna đã vượt qua. Cuối cùng chỉ còn lòng thương và nguồn tình yêu nằm ở một chỗ rất sâu trong lòng thấm đần ra ngoài rồi bật lên sôi sục.

Có một lần tự nhiên Buntruc hỏi:

- Sau tất cả những chuyện vừa qua em thấy tôi đáng ghét lắm… có phải không?

- Đó là một sự thử thách.

- Thử thách gì? Sức chịu đựng à?

- Không, tình cảm.

Buntruc quay đi và mãi không thể giữ nổi cho môi mình khỏi run.

Hai người không nói thêm gì về chuyện ấy nữa. Bất cứ lời nào cũng thừa và nhạt nhẽo.

Đến giữa tháng Giêng hai người từ Sarysin đi Voronez.