Sơn Quỷ

Chương 21: Tam quỷ tranh thủ vị - Song tiên hí ác ma




Tám ngày sau thì họ đến Nam Dương. Nơi ẩn cư của Độc Thiên Vương là một tòa thảo xá trên núi Phương Sơn, ngoại thành Nam Dương. Nó mộc mạc nhỏ bé nên chẳng có chỗ chiêu đãi một lúc ba chục người. Vì vậy, Cốc lão đưa cả đoàn vào thành dùng bữa trưa.

Khi đi đến Thiên Hỷ Đại Tửu Lâu, bọn Thiên Cơ ngỡ ngàng vì thấy nơi này đã bị quân Cẩm Y Thị Vệ canh phòng nghiêm mật, không cho bất cứ ai vào.

Nhan Tranh giật mình nói nhỏ :

- Công tử! Cỗ xe đậu trước tửu lâu chính là cỗ loan xa của nhị Công chúa.

Độc Hồ Điệp kéo áo Thiên Cơ :

- Tướng công. Chúng ta cứ vào quán đối diện ăn uống và bàn tính.

Lát sau, cả đoàn đã có mặt trên tầng hai của Mỹ Vị đại phạn điếm. Từ đây, đôi mắt chim ưng của Thiên Cơ có thể nhìn rõ cảnh tượng bên kia đường. Tiểu công chúa đang giận dữ quát mắng bọn cung nữ, thái giám và chẳng chịu ăn uống.

Độc Thiên Vương cau mày nói :

- Xem tình hình thì đúng là thánh thượng đã cho người đến triệu Công chúa về cung. Nhưng Hách Nhân Bình đang lăm le bắt sống Bảo Châu, chỉ e nấy trăm tên thị vệ này không chống lại nổi.

Cốc Dao Trì thắc mắc :

- Hài nhi không hiểu vì sao Phi Điểu hội lại muốn bắt Tiểu công chúa?

Cốc lão lắc đầu tỏ ý không biết nhưng Tần Lĩnh Quái Khách Nhan Tranh lại lên tiếng :

- Bẩm thiếu phu nhân. Trước khi rời Bắc Kinh, thuộc ha có nghe phong phanh việc Hoàng tử nước Quý Tư đi sứ Trung Hoa. Gã này mới mười bảy tuổi, sinh lòng ái mộ Bảo Châu Công chúa, xin cưới nàng mà bị Minh Đế từ chối. Có lẽ nước Qúy Tư đã mướn Phi Điểu hội bắt cóc Tiểu công chúa.

Thiên Cơ chậm rãi nói :

- Phi Điểu hội có tai mắt trong triều nên mới biết việc Bảo Châu rời Đế đô mà chặn đường để cướp Hồng Ngọc Mẫu Đơn. Nay chắc chắn họ cùng biết thánh thượng triệu nàng về kinh, tất không bỏ qua cơ hội. Chúng ta phải đi theo bảo vệ nàng mới được.

Tiểu La Hán nghe nói đi Bắc Kinh, phấn khởi tán thành ngay :

- Sư huynh bàn chí phải. Nghe nói cảnh vật Đế đô rất đẹp.

Bất Bão hí hửng chen ngang :

- Cả các vị tiểu cô nương trong kỹ viện cùng vậy.

Nói xong, gã mới nhớ ra sự có mặt của Nhị Tú Tiêu Khởi Nguyệt, lòng vô cùng hối hận, bối rối.

Độc Thiên Vương tủm tỉm cười :

- Chúng ta sẽ chia làm hai toán tiền hậu để đề phòng mai phục. Toán trước gồm vợ chồng Thiên Cơ, Nhất Tú, Nhị Tú, Nhan Tranh và mười tay kiếm. Toán sau do lão phu chỉ huy.

Ăn xong, Thiên Cơ và Độc Hồ Điệp đưa thủ hạ đi sớm một bước đến cánh rừng cửa Bắc chờ đợi. Hơn khắc sau, khi thấy đoàn thị vệ và loan xa xuất hiện, họ mới khởi hành, giữ khoảng cách một dặm. Xế chiều hôm sau, toán của Thiên Cơ chỉ còn cách trục chính Bắc Nam đi Trịnh Châu độ năm chục dặm. Đoạn quan đạo này đi qua một vùng đất khô cằn, hai bên đường ngổn ngang gò đống, đá tảng và lau sậy cao quá đầu người. Xa xa là cánh rừng già âm u, xanh tốt nhờ những cơn mưa mùa hạ.

Cốc Dao Trì cân nhắc :

- Nếu thiếp là Hồng bang thì sẽ đặt mai phục ở chốn này.

Thiên Cơ hiểu ý, quay lại ra lệnh :

- Các ngươi xuống ngựa, vào lục soát vùng lau sậy hai bên đường. Nhớ cẩn thận đấy.

Chàng cố tình nói rất lớn để đánh động đối phương. Quả nhiên hơn trăm gã bịt mặt áo đen đứng lên, nhất tề phóng tụ tiễn. Loại ám khí này hình mũi tên bằng thép ròng và đuôi xà bốn cánh, khá nặng nề, có thể ném xa.

Nhưng phe Thiên Cơ toàn là những tay kiên dũng, múa kiếm đánh bạt làn mưa ám khí, chỉ vài con ngựa trúng tên. Cốc Dao Trì tung liền hai trái Cửu Tuyền Độc Châu lên đầu hàng ngũ đối phương. Trăm tên vòng ngoài gục ngã nhưng lực lượng phía sau tiếp tục xông lên.

Thiên Cơ gầm vang :

- Quay lại.

Mười lãm người nhất tề tung mình chạy ngược về hướng toán thị vệ. Bọn này đã tỏa ra, vây quanh ba cỗ xe ngựa. Nhưng bọn hắc y đã ùn ùn vây chặt, quân số không dưới hai trăm. Tuy lực lượng ngang nhau nhưng ưu thế lại thuộc về phe mai phục vì bản lãnh mỗi tên áo đen lợi hại bằng hai thị vệ. Chúng lại thiện sử dụng ám khí nên sát địch rất nhanh.

Thiên Cơ đã nhảy lên cỗ loan xa, vén rèm gọi :

- Bảo Châu! Ta đây!

Tiểu công chúa đang nằm áp sát sàn xe, nghe tiếng tình quân liền nhổm dậy òa khóc.

Thiên Cơ thò tay kéo nàng ôm vào lòng rồi nói :

- Nàng phải bình tĩnh ra lệnh cho anh em thị vệ tiến lên, rời nhanh khu vực hiểm ác này. Mọi việc đã có ta.

Bảo Châu gật đầu, trèo lên lưng Thiên Cơ để chàng đưa lên nóc xe. Bảo Châu cố sức hét thật lớn.

- Ba quân tiến lên.

Làm gì có đủ ba thứ quân nhưng lúc cấp bách, Tiểu công chúa nói đại thế thôi.

Đang như rắn mất đầu, thấy Công chúa ra mặt chỉ huy, bọn thị vệ hứng chí cố sức phá vây. Đôi hung thần Bất Bão, Tiểu La Hán đã lên đến nơi, đi trước mở đường máu. Các cao thủ còn lại chạy quanh để hỗ trữ bọn thị vệ và bao vệ ba cỗ xe.

Độc Hồ Điệp đã trút hết ám khí trong cây Huyền Cơ Thiết Địch nên nhảy lên mui xe và nói :

- Tướng công hãy giao Bảo Châu cho thiếp.

Thiên Cơ gật đầu :

- Bảo Châu hãy vào trong xe, Trì muội cầm cương và bảo vệ phía ngoài.

Chàng tung mình nhảy xuống đầu bọn Hắc Y. Bảo kiếm loang loáng dưới ánh tà dương, rải xác chết khắp nơi. Bọn Hồng bang bịt mặt và không sử dụng bầy chim dữ là để tránh họa sát thân nếu lỡ có thất bại. Tội mạo phạm Công chúa đương triều chẳng phải là nhẹ.

Nhưng sự có mặt của bọn Thiên Cơ đã đảo lộn kế hoạch của Hách Nhân Bình.

Tuy đội quân thị vệ đã chết gần nửa số nhưng ba cỗ xe đã tiến lên rất nhanh. Nếu để họ đến được thành Lăng Châu cách đây mười tám dặm thì cuộc phục kích sẽ thất bại.

Do vậy, tên đầu lĩnh của toán hắc y đã quyết định lật ngửa quân cờ.

Lão cao giọng ê a một bài ca gồm những âm thanh vô nghĩa và quái dị. Lập tức bọn hắc y đồng thanh xướng theo. Tác dụng của Ma Âm khiến lòng người hoang mang, hồi hộp, mất cả chí chiến đấu, chỉ muốn buông vũ khí mà quy hàng. Ngay bậc đại cao thủ như Độc Thiên Vương còn bị ảnh hướng thì nói gì đến những người khác?

Thiên Cơ kinh hãi lộn người trở lại mui xe, vận công rú lên lảnh lót những giai điệu sát phạt của loài Sơn Quỷ. Hành động cầu may này chỉ có tác dụng nhất thời. Lát sau đã bị bọn Hồng Liên giáo át giọng.

Độc Thiên Vương quát vang :

- Cơ nhi và Trì nhi hãy đưa Bảo Châu rời khỏi nơi này.

Thiên Cơ vội chạy vào thùng xe cõng Tiểu công chúa, cùng Dao Trì thoát đi. Có Độc Hồ Điệp bảo vệ phía sau, Thiên Cơ vững tâm hợp lực với Bất Bão và Tiểu La Hán phá vây. Hai gã hộ pháp này đã thọ thương đầy người, đang ngoác họng la hét um sùm để chống lại mê âm.

Phía sau, Độc Thiên Vương cùng những người khác cũng đã bỏ ba cỗ xe, tiến theo Thiên Cơ. Cốc lão đi giữa sưự bảo vệ của bọn Nhất Tú, dồn công lực hơn hoa giáp vào nhưng tiếng quát vang rền. Nhờ vậy tình hình có khá hơn.

Thiên Cơ phăng phăng đưa đoàn người tiến bước rất nhanh. Không tên Hắc Y nào chịu nổi những đòn như ánh chớp của thanh Vô Tình kim kiếm. Nhưng bọn hắc y không chịu buông tha, bỏ đám thị vệ, tập trung bắt mục tiêu chính là Tiểu công chúa.

Bọn Thiên Cơ chạy được hơn dặm thì đến một đoạn đường hẹp, hai bên là vách đá dựng đứng. Chàng trao Bảo Châu cho Cốc Dao Trì rồi quay lại phía sau đoạn hậu.

Với địa thế này, chỉ cần một người cũng đủ chặn đứng một đoàn quân.

Chàng bảo Độc Thiên Vương :

- Nhạc phụ hãy đưa mọi người thoát đi, đề phòng phía trước còn có mai phục.

Tiểu tế không sợ ma âm sẽ đi sau.

Cốc lão vừa tung độc chưởng vừa cười :

- Ngươi có bản năng rừng rú, không ngờ lại đắc dụng.

Quả thực tâm hồn mộc mạc, nguyên sơ của Thiên Cơ không có tì vết để ma âm quấy nhiễu. Do cuộc sống hoang dã, tâm lý chàng giữ được nét thiện chân, trong sáng của trẻ thơ. Chàng không có những toan tính, tham vọng như những kẻ sống nhiều bằng lý trí. Chính sự hồn nhiên đã bảo vệ Thiên Cơ.

Độc Thiên Vương đi rồi, Thiên Cơ hiển lộng thần oai đẩy lùi những đợt tấn công của bọn áo đen. Xác người gục ngã chất thành đống khiến phe đối phương nản chí.

Nửa canh giờ sau, biết rằng Tiểu công chúa đã đến được thành Lăng Châu, Thiên Cơ phi thân bỏ đi. Bọn hắc y không đuổi theo khiến chàng yên tâm lướt nhanh.

Mặt trời đã lặn hẳn cuối trời Tây, chỉ sót lại vài tia hồng le lói. Chim trời rộn rã bay về tổ, từng đàn bay qua đầu Thiên Cơ. Cũng như chúng, chàng mải miết bôn hành, tìm về phía người thân ở Lăng Giang, không biết rằng hiểm họa đang lơ lửng trên đầu.

Con đường trước mặt mỗi lúc một cao hơn vì đi men theo sườn núi Lăng Sơn. Mé hữu là vách núi cao vời vợi, mé tả dốc ngược xuống một thung lũng có cánh rừng lá bản rộng đang chìm trong sương chiều mù mịt.

Nghe tiếng chim đập cánh trên cao, Thiên Cơ nghĩ rằng đàn quạ nào đó cũng trễ nải như mình. Nhưng bản năng sinh tồn đã lên tiếng cảnh báo, chàng quay mình ngoảnh lại, thanh Vô Tình kim kiếm rời khỏi vỏ để chận những mũi ám khí của bọn Điểu Sứ trên lưng lũ đại bàng có sải cánh rộng hơn trượng. Động tác muộn màng của Thiên Cơ đã bảo vệ được đầu và thân trên nhưng hai chân bị trúng bốn mũi tụ tiễn đau thấu xương.

Giọng nói quen thuộc của Hách Nhân Bình vang lên :

- Mục Thiên Cơ. Ngươi đã đến lúc tận số rồi đấy.

Mười hai con chim ưng chia nhau hạ cánh ở hai đầu, bít chặt đường tiến thoái của Thiên Cơ. Còn Phi Điểu hội chủ Hách Nhân Bình từ trên lưng chim nhảy xuống tấn công ngay. Rõ ràng lão sử dụng chiêu “Nguyệt Minh Hải Dạ” trong Nam Hải kiếm pháp mà Thiên Cơ đã thuộc lòng. Kiếm pháp càng ảo diệu thì càng ít sơ hở. Mỗi chiêu trong Vô Tình kiếm pháp đều có đến sáu bảy nhược điểm nhưng Nam Hải kiếm pháp chỉ có hai ba. Nay họ Hách lại phổ luồng chân khí Địa Hỏa thần công vào lưỡi kiếm, khiến ánh hồng quang làm hoa mắt đối phương.

Nhưng Thiên Cơ là người đại dũng, biết cách tìm cái sống trong cái chết. Chàng đã sớm rút Thiết hoàn bảo vệ tâm thất, rồi lặng lẽ thọc mũi Kim kiếm vào màn lưới thép đỏ rực kia. Nhát kiếm như tia chớp xuyên màn kiếm quang đâm thủng sườn Hách Nhân Bình.

Ngược lại, Thiên Cơ trúng bốn kiếm vào tay trái và ngực phải. Thương tích của Thiên Cơ không nặng vì tay chàng dài hơn đối phương. Sau khi mũi kiếm đâm thủng mục tiêu, chàng đã mau chân nhảy lùi. Nhưng Thiên Cơ quên tính đến lực đạo của mũi kiếm Bắc Đẩu khi chạm vào Thiết hoàn. Ở thức cuối cùng, công lực trăm năm của họ Hách đã đẩy chàng văng khỏi vệ đường, rơi xuống thung lũng đầy sương trắng. Hách Nhân Bình đắc ý cười vang rồi nhăn mặt vì vết thương nơi sườn trái. Lão cùng Thập Nhị Điểu Sứ lên lưng chim bay mất.

Hơn tháng sau, Tổng đàn Hồng bang ở Kiều Sơn bị hai vạn quan quân Hà Nam vây chặt. Cuộc chiến được khởi đầu bằng trận tấn công của bốn mươi con chim phượng.

Những nàng con gái cỡi chim đều mặc áo trắng. Họ rải xuống sào huyệt đối phương bằng những trái Cửu Tuyền Độc Châu. Những kẻ sống sót chạy xuống núi liền rơi vào tay quân triều đình và bị giết ngay bởi những người mặc áo tang hung dữ.

Đến chiều thì toàn bộ bảy trăm ba mươi sáu cao thủ Hồng bang đều chết sạch.

Đội quân Bạch Y lục soát từng tất đất để tìm Thiên Cơ, nhưng chẳng thấy đâu. Tiếng khóc ai oán khiến lòng người xúc động. Đoàn quân kéo về Tổng đàn võ lâm thì Hách Nhân Bình và mười hai Điểu Sứ lên lưng chim đào tẩu. Bon Độc Hồ Điệp lại khóc vùi khi không thấy Thiên Cơ. Những giải khăn tang được chít lên mái đầu xanh.

Biến cố này khiến cả võ lâm mừng như mở hội. Họ còn mừng hơn khi triều đình đã tước chức Minh chủ của Hách Nhân Bình.

Nguyên do của hai sự kiện này chính là cái chết của Phò mã đương triều Trầm Thiên Cơ, người đã từng giương danh bằng họ Mục.

Hách Nhân Bình dẫn thủ hạ rời Tổng đàn võ lâm bỏ đi mất dạng. Lão cay đắng nhìn sự nghiệp tan tành vì tính sai một nước cờ. Lão đâu ngờ rằng Thiên Cơ lại là rể đông sàng của Minh Đế nên triều đình đã phản ứng rất quyết liệt. May mà không ai biết việc lão đã tự tay giết Thiên Cơ.

Đồng minh của Hách Nhân Bình là Quan Thái Bảo Trình Bạch đã không biết gì về cuộc trừng phạt Kiều Sơn để thông báo trước. Nếu không thì Hồng bang đã kịp rút vào bí mật, sau này tái xuất bằng chiêu bài khác.

Nhưng có một người không tin rằng Thiên Cơ đã chết, hoặc giả nàng muốn tìm cho được thi thể của người mình yêu mới cam lòng. Người ấy là Cung chủ Tử Phượng cung Hân Thiếu Phụng. Sáng ngày mười sáu tháng bảy, sau khi biết chắc rằng Thiên Cơ không bị giam giữ ở Tổng đàn võ lâm, Thiếu Phụng lặng lẽ lên lưng chim, bay về hướng Lăng Sơn.

Trước tiên, nàng hạ cánh xuống đoạn đường hẹp mà Thiên Cơ đã trấn giữ, rồi tiến dần lên. Địa hình của dốc núi Lăng Sơn đã khiến Thiếu Phụng nghi ngờ rằng chỉ có ở nơi hiểm ác này thì Hồng bang mới vây nổi Thiên Cơ. Nàng đoán rằng vào phút cuối, lực lượng tiếp viện của Phi Điểu hội đã đến và bắt kịp Thiên Cơ ở đây.

Nhờ sự kiên nhẫn phi thường, Thiếu Phụng đã xem xét kỹ lưỡng khu vực này và tìm ra một mũi tụ tiễn cắm vào vách đá bên hữu. Đấy chính là một trong những mũi ám khí đã bị Thiên Cơ đánh bạt đi.

Thiếu Phụng bồi hồi nhìn xuống thung lũng sâu hun hút bên đường, tính toán lực đạo và phương hướng của những cơn gió xoáy thường có ở triền núi cao.

Lát sau, Thiếu Phụng lên lưng chim, là đà bay đến ở độ sâu hơn trăm trượng kia.

Dẫu đang giữa trưa mà sương mờ vẫn lãng vãng để đến chiều bốc lên mù mịt. Khi vượt qua lớp sương khói mỏng manh ấy, Thiếu Phụng phát hiện ra dưới chân mình không phải là rừng cây mà là một miệng hố khổng lồ, đường kính rộng đến hai mươi trượng.

Vách đá dựng đứng đầy rêu và dưới đáy mọc một loại thủy thảo kỳ lạ. Lá giống lá sen nhưng vươn cao đến gần trượng và rộng bằng mảnh chiếu lớn. Lá này xen lá kia thành một tấm thảm dày vững chắc.

Thiếu Phụng cho linh điểu đáp trên một chiếc lá, mừng rỡ nhận ra nó chịu đựng được trọng lượng của cả nàng và con chim. Nhờ vậy, Thiên Cơ rơi xuống đây thì không thể chết được, trừ phi chàng đã bị trọng thương. Thiếu Phụng cao giọng gọi vang và lướt quanh tìm kiếm. Khi đến mé bắc của hồ sen, nàng xúc động nhận ra một xác người đang nằm sóng xoài trên một chiếc lá khổng lồ. Gần đấy là một thân cây đầy lá úa vàng, nằm đè lên và làm gãy nát cả chục mảnh lá sen kỳ dị.

Thiếu Phụng nhảy một bước dài, thận trọng hạ thân cạnh trượng phu. Nàng mừng đến ứa nước mắt vì không nghe mùi hôi thối. Chàng vẫn còn sống. Thiếu Phụng nức nở lật ngửa Thiên Cơ, hôn lên gương mặt gầy trơ xương và tái mét kia. Nàng bắt mạch và khóc lớn vì biết chàng sắp tuyệt khí.

Thiếu Phụng nén đau thương, dồn nội lực của mình vào cơ thể Thiên Cơ, cố thúc đẩy luồng chân khí của chàng lưu chuyển. Nhưng sau hơn tháng trời chỉ ăn toàn lá của loài sen khổng lồ, Thiên Cơ hoàn toàn kiệt sức. Chàng sống được đến giờ đã là kỳ tích hiếm có rồi.

Phép truyền công trị thương trong võ học chỉ là cho mượn chân khí để chấn chỉnh, đả thông những vùng kinh mạch bị tắt nghẽn. Người trị thương chỉ mệt mỏi chứ không hề mất tu vi. Nay khí huyết Thiên Cơ đã sắp khô kiệt nên Thiếu Phụng không sao giúp chàng được. Nữ nhân thất vọng khóc vùi. Bỗng nàng ngẩng đầu lẩm bẩm :

- Tướng công! Thiếp sẽ thử liều một phen, may ra cứu được chàng. Bằng không thì cả hai cùng xuống suối vàng.

Nàng mím môi cởi áo Thiên Cơ, điểm vào hai mươi mốt huyệt đạo trên thân rồi đặt chàng ngồi dựa vào lòng mình. Thiếu Phụng tự điểm vào bảy huyệt trên ngực mình rồi áp tay hữu vào mệnh môn phu tướng, trút chân khí vào.

Đây là phép Sinh Tử Di Nguyên của Tử Phượng cung, Thiếu Phụng chưa sử dụng lần nào nên rất hồi hộp. Cái tên của công phu này có ý nói rằng người cho công lực chắc chắn sẽ phải chết. Luồng chân nguyên năm mươi năm của Thiếu Phụng sẽ sang cả người Thiên Cơ, không cách nào dừng lại hay thu hồi được nữa. Sự hy sinh to lớn của Thiếu Phụng đã có kết quả vì nó có giá trị hơn cả kỳ trân như Thiên Niên Tuyết Linh Chi.

Trước tiên, chân khí của Thiếu Phụng tự lưu chuyển trong kinh mạch của Thiên Cơ và dần dần quy tụ luồng nội lực của bản thân chàng hùa vào làm một.

Nửa canh giờ sau, Thiên Cơ mở mắt ngạc nhiên, quay lại thì thấy Thiếu Phụng đang nằm chết lịm sau lưng mình. Lần này, người sắp tuyệt khí lại là Thiếu Phụng.

Thiên Cơ nghe nội lực sung mãn, biết ngay Thiếu Phụng đã cứu mình. Chàng vội thăm mạch, phát hiện đan điền của Thiếu Phụng chẳng còn chút nội lực nào cả.

Chàng ứa nước mắt truyền lại chân khí cho nàng. Thiếu Phụng hồi tỉnh, mỉm cười thều thào nói :

- May mà… thiếp đã cứu được tướng công. Xin hẹn… kiếp… lai sinh.

Nói xong, nàng nhắm mắt tuy tim vẫn còn đập nhưng kỳ thực là đang đi vào cõi chết. Thiên Cơ ôm xác ái thê khóc vùi. Tiếng khóc vang vọng cả vùng hồ sen và khu rừng lá bản trong thung lũng. Con chim Phượng cũng lượn quanh cất tiếng kêu bi thiết như biết chủ nhân sắp qua đời.

Thiên Cơ khóc mãi và chỉ mơ màng nhận ra có tiếng ai đó hỏi :

- Ngươi là nam nhân mà sao lại nhiều nước mắt như vậy?

Chàng ngơ ngác ngẩng lên nhìn, giật mình vì sự xuất hiện của hai người áo đỏ, một nam, một nữ. Gương mặt họ xấu xí vì ngũ quan lệch lạc nhưng ánh mắt rất hiền hòa. Xem tuổi của dung mạo thì chỉ độ bốn mươi nhưng tóc họ bạc trắng cả.

Thiên Cơ vì quá đau khổ nên lạnh lùng đáp :

- Vợ chết thì chồng khóc, có gì là lạ?

Phu nhân kia quay sang nũng nịu trách chồng :

- Thế mà ông bảo rằng ngày nào lão thân chết đi thì sẽ chẳng thèm khóc đến một câu. Ông tệ quá.

Bà lại bảo Thiên Cơ :

- Tiểu hài tử. Vì sao vợ chồng ngươi rơi xuống chỗ này?

Giọng bà thanh tao, dịu đàng khiến Thiên Cơ không dám thất lễ. Chàng rầu rĩ đáp :

- Vãn bối bị kẻ thù đẩy rơi xuống trước. Chuyết thê cỡi chim phượng xuống tìm, trút hết chân nguyên cho vãn bối nên mới phải vong mạng.

Bà lão tủm tỉm hỏi :

- Nếu lão thân cứu được nàng thì ngươi tính sao?

Thiên Cơ mừng đến lạc giọng :

- Vãn bối nguyện thi hành bất cứ yêu cầu nào của tiền bối.

Bà lão gật gù, lướt đến như áng mây trôi, cúi xuống nhét vào miệng Thiếu Phụng một viên đan dược màu xanh biếc.

Thiên Cơ vội truyền chân khí giúp sức thuốc tan nhanh. Lát sau, Thiếu Phụng mở mắt, ngơ ngát hỏi :

- Tướng công. Thiếp vẫn chưa chết sao?

Thiên Cơ nuốt lệ nói :

- Nàng mau quỳ lên tạ ơn cứu tử của nhị vị tiền bối đây.

Thiếu Phụng nhìn lên, thấy hai người áo đỏ, lờ mờ hiểu ra sự việc, cùng Thiên Cơ quỳ xuống tạ ơn.

Bà lão cười bảo trượng phu :

- Đến lượt ông ra điều kiện đấy.

Lão nhân gật gù, vuốt râu suy nghĩ rồi chậm rãi nói :

- Vợ chồng lão phu thành tiên đã gần trăm năm, nay gặp hai ngươi cũng là bởi chữ duyên. Lão phu muốn mượn dung mạo của hai ngươi để đi Đông Hải dự hội Long Hoa, một năm sau sẽ trả lại. trong thời gian ấy, hai ngươi sẽ mang gương mặt của vợ chồng lão phu và xưng tên là Hoàng Sơn song tiên, không được để lộ lai lịch thực. Nếu hai ngươi sai lời sẽ chẳng bao giờ gặp lại chúng ta nữa.

Bà lão đỡ lời chồng :

- Lão thân Tôn Diệp Cao Cẩn còn ông ấy là Quan Thạch Điền. Lão thân cũng mượn luôn con chim Phụng kia. Ý hai ngươi thế nào?

Thiên Cơ chẳng hiểu gì cả nhưng vẫn khẳng khái đáp :

- Tùy sự xếp đặt của nhị vị tiền bối. Phu thê vãn bối xin phụng ý thi hành.

Lão nhân xấu xí kia liền ném cho Thiên Cơ hai viên thuốc màu trắng và bảo :

- Hai ngươi nuốt đi!

Chàng và Thiếu Phụng nhìn nhau âu yếm rồi cùng nuốt thuốc. Hai người mơ màng ngã lăn trên thảm lá sen. Lúc họ tỉnh lại thì phát hiện trời đã về chiều và mình thì đang nằm trên đỉnh dốc Lăng Sơn. Thiên Cơ bàng hoàng nhìn gương mặt xấu xí thô kệch của người đàn bà áo xanh, tóc đen, luống tuổi đang ngồi cạnh mình. Người này mặc y phục của Thiếu Phụng vì vạt áo có thêu con chim phụng nhỏ. Trong khi chàng lại mặc trường bào màu hồng của Tiên Ông Quan Thạch Điền. Chàng ấp úng hỏi :

- Có phải Phụng muội đấy không?

Bà ta gật đầu, vuốt ve khuôn mặt già nua của Thiên Cơ rồi lẩm bẩm :

- Té ra chuyện chúng ta cho Hoàng Sơn song tiên mượn dung nhan là có thật.

Tướng công chỉ thiếu tóc bạc và râu nữa thôi.

Chợt nàng sợ hãi sờ mặt mình và hỏi :

- Trông thiếp có xấu lắm không?

Thiên Cơ vội ôm nàng, hôn lên gò má sần sùi và an ủi :

- Không đến nỗi xấu như họ đâu. Nàng vẫn giữ được đôi mắt đẹp và bờ môi đỏ thắm.

Thiếu Phụng cũng là cao thủ trong nghề dịch dung nên bật thốt :

- Hay là họ cho chúng ta mang mặt nạ?

Nàng cào thử lên mặt, thấy đau và chẳng có gì tróc ra cả.

Thiên Cơ mỉm cười :

- Có lẽ chúng ta gặp tiên thực đấy. Chứ trên đời làm gì có thủ pháp hóa trang siêu việt thế này?

Thiếu Phụng cũng bó tay, chẳng nghĩ thêm cho mệt óc. Nàng vui vẻ nói :

- Tướng công. Chàng phải cõng thiếp thôi.

Thiên Cơ bình thản nói :

- Ta sẵn sàng cõng nàng suốt đời.

Đêm ấy, hai người nghỉ trọ trong một khách điếm ven đường, cách núi Lăng Sơn mười lăm dặm về hướng Nam. Tắm gội xong, hai người lấy gương đồng trong phòng soi thử mặt mũi. Lần đầu thấy được dung mạo mới, Thiếu Phụng gượng cười :

- May mà họ chỉ mượn có đúng một năm thôi.

Thiên Cơ bật cười :

- Sao lúc trước nàng dám hủy dung để theo ta?

Thiếu Phụng bẽn lẽn nguýt chàng tình tứ, giả đò che miệng ngáp, bước đến cởi áo Thiên Cơ. Nàng ngơ ngác lạ lẫm :

- Lạ thực. Trưa nay người chàng gầy trơ xương, sao giờ lại đầy đặn thế này?

Thiếu Phụng cảnh giác lùi lại và hốt hoảng hỏi :

- Ngươi là ai?

Thiên Cơ ngơ ngác :

- Ta đây mà.

Thiếu Phụng bèn nói ra lý do khiến nàng nghi ngờ. Thiên Cơ bối rối, không biết làm sao để chứng minh thân phận. Chàng bực bội cởi hết y phục chỉ cho Thiếu Phụng xem từng vết sẹo, từng nốt ruồi quen thuộc trên người.

Thiếu Phụng bán tín bán nghi, bật khóc :

- Thiếp không còn tin vào mắt mình nữa.

Thiên Cơ rầu rĩ mặc lại quần dài, bước đến song cửa nhìn ra ngoài suy nghĩ. Đã sang canh hai, trời trong vắt và ngàn sao lấp lánh. Một ý niệm lóe lên, chàng quay lại hỏi :

- Phụng muội. Lúc chiều nàng bảo hôm nay Ià ngày mấy?

Thiếu Phụng sụt sùi :

- Mười sáu tháng bảy.

Thiên Cơ liền nói :

- Không phải. Trời rất đẹp nhưng không hề có trăng.

Thiếu Phụng mở cửa sau, bước ra vườn nhìn thử rồi chạy đi tìm chưởng quỹ. Nghe nàng hỏi, lão phì cười đáp :

- Phu nhân thật lẩn thẩn. Hôm nay là ngày bốn tháng tám, làm gì có trăng được.

Thiếu Phụng đã hiểu ra, về phòng ôm lấy Thiên Cơ, ríu rít nói :

- Tướng công, Hoàng Sơn song tiên đã làm chúng ta mê man suốt hai mươi ngày.

Hôm nay đã là đầu tháng tám rồi.

Hai vợ chồng ôm nhau cười ngất. Thiên Cơ cảm nhận được mùi da thịt của thân hình thon gầy, quen thuộc. Chàng mỉm cười, thì thầm :

- Bây giờ đến lượt ta kiểm tra xem nàng có phải là Thiếu Phụng hay không?

Dung mạo già nua đi nhưng thân xác vẫn trẻ trung như ngày cũ, hiến dâng cho nhau nồng thắm. Sáng ra, hai người tìm mua một cỗ xe độc mã và y phục cho Thiên Cơ.

Chàng đánh xe đưa Thiếu Phụng xuôi nam, trở về Nghi Xương. Tuy không có quyền tiết lộ lai lịch nhưng họ sẽ tìm cách an ủi người thân. Vả lại, họ cũng chẳng có nơi nào để về cả.

Chiều hôm sau, hai người đến Nam Dương. Lúc đi ngang qua Thiên Hỉ đại tửu lâu và Mỹ Vị đại phạn điếm, Thiên Cơ ngạc nhiên khi thấy cả hai đầy ắp khách giang hồ.

Có tiếng người oang oang vọng ra :

- Theo tai hạ dược biết thì trong tang lễ này, các phái võ lâm sẽ truy tặng danh hiệu cố Minh chủ võ lâm cho Trầm đại hiệp.

Người kia tiếp lời :

- Sau tang lễ là lễ khai đàn của Bắc Đẩu môn. Không biết ai sẽ là Môn chủ nhỉ?

Thiên Cơ nghe đến đấy, lập tức dừng cương, đưa Thiếu Phụng vào tửu lâu. May thay, tiểu nhị đã dàn xếp cho vợ chồng chàng ngồi chung với một lão già mặc võ phục đen. Lúc ngước lên, Thiên Cơ mừng rỡ nhận ra Du Lâm Kim Đao Tần Quan Tái. Mừng thì mừng thế thôi chứ chẳng thể nhìn người quen được. Thiên Cơ vòng tay nói :

- Tần đại hiệp, cảm tạ tôn giá đã cho phép chung bàn.

Họ Tần cau mày :

- Các hạ là ai mà nhận ra được lão phu?

Thiên Cơ mỉm cười đáp :

- Năm xưa tại hạ có lần đến chơi Du Lâm, được thấy qua tôn nhan. Tại hạ là Quan Thạch Điền còn chuyết thê tên gọi Diệp Cao Cẩn.

Tần lão hờ hững gật đầu rồi thản nhiên nâng chén rượu nhâm nhi, mắt dõi nhìn qua song cửa, vẻ mặt cực kỳ sầu khổ. Chờ tiểu nhị dọn xong cơm rượu, Thiên Cơ mời Tần lão một chung rồi hỏi :

- Chẳng hay Tần đại hiệp xuôi Nam vì việc gì?

Họ Tần thở dài đáp :

- Lão phu đến Nghi Xương dự tang lễ của Trầm thiếu hiệp. Sau trận càn quét Tổng đàn võ lâm, Tử Phượng cung chủ Hân Thiếu Phụng đột nhiên biến mất. Điểu ông cỡi chim đi tìm thì lại phát hiện di hài của Trầm thiếu hiệp ở trên đỉnh vách đá gần Lăng Sơn.

Thiên Cơ ngơ ngác nhìn Thiếu Phụng rồi cố bình tâm nghe tiếp. Lúc này giọng của Tần lão đầy vẻ đớn đau :

- Tội nghiệp cho một bậc anh hùng cái thế phải chết thảm thương. Thi thể chàng ta đã bị diều quạ xâu xé, ăn sạch hết thịt da, chỉ còn lại bộ xương. Nếu không có Thiết Hoàn thì chẳng ai biết được lai lịch mà mang về tống táng.

Thiên Cơ bàng hoàng như người trong mộng. Chàng đã đánh rơi mất bảo kiếm và vòng sắt khi rơi xuống thung lũng, sao giờ lại nằm cạnh một bộ xương.

Thiếu Phụng cũng biết việc này, tần ngần hỏi :

- Ngoài Thiết Hoàn thì còn gì để minh chứng thân phận của bộ xương kia không?

Tần Quan Tái gật đầu :

- Bào đệ của lão phu chính là thủ hạ của Trầm công tử. Gã viết thư kể rằng mảnh vải còn sót lại đúng là loại gấm thượng hạng, đắt như vàng, giới giang hồ chẳng ai mặc cả.

Thiếu Phụng khẽ rú lên, kề tai Thiên Cơ thì thầm :

- Tướng công. Đây chính là thủ đoạn của Hoàng Sơn song tiên.

Thiên Cơ cũng nghĩ như vậy nên gật đầu và nói với Du Lâm Kim Đao :

- Phu thê tại hạ cũng ngưỡng mộ thanh danh của Trầm thiếu hiệp từ lâu. Mong Tần huynh cho phép tháp tùng đến Nghi Xương dự lễ tang.

Gương mặt chàng xấu xí với sống mũi lệch và chiếc miệng hơi méo nhưng ánh mắt và giọng nói rất hòa nhã, ôn tồn khiến họ Tần thấy mến. Ông có cảm giác như đã quen với gã họ Quan này từ lâu rồi. Ông gật đầu đáp :

- Nhị vị đã có lòng, lão phu rất hoan nghênh. Tang lễ sẽ cứ hành vào ngày rằm tháng tám này. Sáng mai, chúng ta phải đi sớm mới kịp.

Ba người rời tửu lâu, tìm khách điếm qua đêm. Hai phòng không gần nhau nên Thiên Cơ tự do bàn luận. Họ không sao tìm ra động cơ bí ẩn của Hoàng Sơn song tiên khi muốn cả võ lâm tin rằng Thiên Cơ đã chết thực.

Mờ sáng, ba người khởi hành đi theo với đoàn hào khánh phương Bắc. Đoàn người càng lúc càng đông vì thu nạp thêm những người cùng mục đích. Dọc đường, phu thê Thiên Cơ đối xử với Tần Quan Tái rất lễ độ và chân tình nên lão xúc động, nhận họ là em kết nghĩa.

Trưa ngày mười ba, ba người đã có mặt ở Mục gia trang. Nhưng những hào kiệt khác thì ghé vào Tổng đàn Bắc Đẩu môn vì tang lễ sẽ cử hành ở đây. Linh cữu quàng tại Mục gia trang và sẽ được đưa đến đất của nhà họ Trầm làm lễ và mai táng. Cơ sở chế tạo vũ khí của Dịch Cổn Đài đã dọn ra mảnh đất cạnh bờ sông từ lâu.

Tần Quan Tái là bào huynh của Nhan Tranh nên được xem như người nhà. Nhờ vậy, vợ chồng Quan Thạch Điền và Diệp Cao Cẩn cũng được thơm lây.

Quan tài đặt trong khách sảnh, đang được mấy chục tăng lữ Thiếu Lâm tự tụng niệm, cầu siêu. Do vậy, khách được đưa vào hậu viện. Ngoài những người thân của Thiên Cơ còn có mặt của Chưởng môn các phái. Đang là bữa cơm trưa nên cả nhà đều hiện diện.

Thiên Cơ nhìn những gương mặt đau khổ, hốc hác kia, chỉ muốn thét lên rằng mình vẫn còn sống. Nhưng chàng đã hứa với Song tiên nên không thể nuốt lời được.

Khi nghe Nhan Tranh giới thiệu, Mục Tử Phát là chủ nhà nên lên tiếng trước :

- Lão phu từng nghe Cơ nhi kể về Tần túc hạ. Xin mời an tọa.

Trí Nang Tú Sĩ bỗng hỏi :

- Tần lão đệ. Thế hai vị kia là ai vậy?

Họ Tần vội đáp :

- Họ là nghĩa đệ, nghĩa muội của lão phu, cũng đến đây dự tang lễ. Nam tên Quan Thạch Điền còn nữ là Diệp Cao Cẩn.

Có bốn người cùng giật mình, là Tú sĩ, Độc Thiên Vương, Điểu Ông và Bốc Thần.

Dường như họ nhận ra hai người khách lạ này.

Tú sĩ trầm giọng hỏi :

- Chẳng hay nhị vị có danh hiệu là gì?

Thiên Cơ rầu rĩ đáp :

- Hoàng Sơn song tiên.

Độc Thiên Vương nhảy nhổm hỏi liền :

- Thế niên kỷ nhị vị bao nhiêu?

Thiên Cơ nói đại :

- Tại hạ bốn mươi hai còn chuyết thê ba mươi tám.

Bốc Thần cười nhạt :

- Nhị vị có biết hơn trăm năm trước đây, võ lâm đã từng xuất hiện Hoàng Sơn song tiên hay không?

Thiên Cơ lúng túng biện bạch :

- Vợ chồng tại hạ là đời thứ hai.

Bang chủ Cái bang Đại Phúc Cái cười hô hố :

- Võ công nhị vị được bao nhiêu mà dám lấy danh hiệu của tiền nhân?

Thiên Cơ lạnh lùng đáp :

- Có lẽ vừa đủ để giết Hách Nhân Bình.

Ai nấy đều lộ vẻ nghi hoặc nhưng không hỏi nữa.

Thiếu Phụng dịu giọng :

- Chư vị yên tâm. Phu thê chúng tôi đến đây với lòng thành ai điếu, và sẽ sát cánh với Bắc Đẩu môn để tiêu diệt Hách Nhân Bình.

Lan Quỳnh đứng lên nghiêng buồn rầu nói :

- Tiện nữ xin thay mặt chị em quả phụ của Trầm gia cảm ơn nhị vị.

Gương mặt nàng giờ đây gầy gò, trắng bệch như không còn chút máu. Đôi mắt nhung huyền trũng xuống và thâm quầng. Bỗng nàng lảo đảo như sắp ngã, Trại Chiêu Quân Dịch Xuân Nghi vội đỡ lấy và nói :

- Đại thư phải nghỉ ngơi để không hại đến bào thai. Việc tang lễ cứ để bọn tiểu muội chầu hầu.

Xuân Nghi dìu Lan Quỳnh đi vào. Thiếu Phụng biết Thiên Cơ không dám hỏi nên mở lời thay :

- Phải chăng Trầm gia đã có người thừa kế?

Mục Tử Phát nở nụ cười hiếm hoi :

- Nhờ ơn Hoàng Thiên nên cả Quỳnh nhi lẫn Trì nhi đều có hỉ tín.

Thiên Cơ vui mừng khôn xiết nhưng lại càng tức tối, không biết làm sao để an ủi mọi người. Bỗng Bất Bão Vũ Sĩ chạy vào, vẻ mặt rất kỳ quái :

- Bẩm Mục lão gia. Có một lão nhân tự xưng là Mẫu Đơn cốc chủ đến điếu. Lão dắt theo một nữ nhân mặt sẹo, bụng to. Nàng ta đang khóc lóc thảm thiết trước quan tài, gọi công tử là tướng công.

Quái sự này khiến cả nhà rảo bước ra xem.

Trí Nang Tú Sĩ bối rối hỏi :

- Thẩm cốc chủ. Nàng này là ai?

Thẩm Sĩ Doanh ngửa cổ cười dài. Tiếng cười chất chứa niềm căm phận lẫn bi thương. Lão lanh lùng nói :

- Con bé ngu dại này là cháu ruột của lão phu, tên gọi Thẩm Tường Vy. Nó thọ ơn cứu mạng của Thiên Cơ nên đã hai lần che giấu, giúp đỡ cho y. Một lần trộm lệnh phù, lần sau giết Cung chủ Nguyệt Quý thánh cung. Khi bụng Tường Vy to ra, lão phu mới biết mình bị lừa. Nay lão phu đem nó trả cho họTrầm đấy.

Tiểu công chúa nóng nảy chạy đến bên Tường Vy hỏi :

- Này nàng kia. Có đúng là nàng đang mang giọt máu của tướng công ta trong bụng hay không?

Tường Vy vừa khóc vừa gật đầu. Cả nhà hoang mang, chẳng hiểu thực hư như thế nào. Bốc Thần thở dài :

- Có lẽ đây đúng là người vợ thứ bảy của Thiên Cơ. Lão phu đã từng đoán trước rồi mà.

Mẫu Đơn cốc chủ cười lạt :

- Nếu chư vị không nhận dâu và cháu thì lão phu sẽ giết quách Vy nhi cho khỏi nhục nhã.

Mục phu nhân vội nói :

- Không! Không! Lão thân xin nhận Tường Vy.

Bà chạy đến đỡ Tường Vy và an ủi :

- Con hãy vào trong thay y phục để chịu tang.

Mục Tử Phát nhìn vẻ mặt đau khổ, thê lương của Tường Vy, biết rằng nàng không hề đóng kịch.

Lão nghiêm giọng :

- Mời Cốc chủ vào trong đàm đạo.

Mọi người trở lại hậu viện. Thẩm Sĩ Doanh nghe giới thiệu đến Bốc Thần Tề Lạc Nguyệt liền cười nhạt :

- Các hạ tinh thông thiên văn mà cũng tin rằng Thiên Cơ đã chết sao? Đêm qua lão phu còn thấy tướng tinh của y thoáng sắc kim. Chưa chắc cái xác kia là của y đâu.

Mọi người giật mình, không ngờ Thẩm Sĩ Doanh lại dám khẳng định như vậy.

Bốc Thần nhăn nhó :

- Thẩm túc hạ quả là bậc kỳ nhân. Lão phu cũng nhận ra hiện tượng ấy và gieo quẻ nhiều lần để xác định lại. Nhưng tượng quẻ cực kỳ u ám và tang tóc khiến lão phu phải tin rằng cái xác kia là của Cơ nhi.

Thẩm lão nghiêm giọng :

- Chỉ cần xem xét hàm răng là rõ, không ai giống ai cả.

Điểu Ông ngượng ngùng ứng tiếng :

- Khốn nỗi bộ xương này mất đầu, răng đâu mà xem. Có lẽ diều quạ đã tha đi đâu mất rồi.

Thiếu Phụng thầm nghĩ :

- Song tiên cấm mình không được lộ lai lịch nhưng không cấm việc phủ nhận cái chết của Thiên Cơ.

Nàng liền lên tiếng :

- Tiện thiếp cũng được học qua thiên văn, đêm qua đã quan sát chòm sao Đại Hùng và cũng đồng ý với Thẩm tiền bối. Nếu nói sai xin tự sát để tạ tội.

Nghe giọng kiên quyết của nàng, cả nhà hoan hỉ phi thường. Nhưng họ lại phải đối phó với một vấn đề nan giải khác.

Phương trượng chùa Thiếu Lâm nghiêm giọng nói :

- A Di Đà Phật. Nếu thế thì chúng ta nên nêu tên ai vào tang lễ ngày mai?

Trí Nang Tú Sĩ bàn rằng :

- Dẫu sao thì hào kiệt bốn phương đã vượt ngàn dặm đến ai điếu. Chúng ta không thể vì một điều mơ hồ mà phủ nhận cái chết của Thiên Cơ được. Sau này nếu y trở về thì cả võ lâm được một phen vui mừng chứ sao.

Tối hôm ấy, bọn quả phụ nhà họ Mục xúm xít quanh Hoàng Sơn Tiên Nương Diệp Cao Cẩn, bắt bà phải nhiều lần khẳng định lại ý kiến của mình. Độc Hồ Điệp lòng nghi hoặc, quan sát thật kỹ gương mặt của Tiên nương, và lén lấy thuốc tẩy hóa trang tẩm vào khăn, đưa cho bà ta lau mặt nhưng không có kết quả. Tuy nhiên niềm vui đã trở lại với Mục gia trang.

Sáng ngày rằm, linh cữu được chuyển từ Mục gia trang qua Tổng đàn Bắc Đẩu môn. Tiếng đàn, sáo, kèn, trống bi ai khiến đám nữ nhân mất cả niềm tin, bật khóc nức nở. Bất Bão và Tiểu La Hán lớn giọng nhất nhưng nhìn kỹ thì chẳng có giọt nước mắt nào cả. Sau lời tuyên bố của Mẫu Đơn cốc chủ và Hoàng Sơn Tiên Nương, chúng tin chắc rằng Thiên Cơ còn sống.

Linh cữu được đặt trên thềm trước cửa Tổng đàn. Khắp sân che lụa dầy để che mưa nắng cho khách đến điếu. Đến trưa hôm sau thì hơn ngàn hào kiệt mới thắp nhang hết lượt. Họ ở lại cho đến lúc hạ huyệt sáng mười bảy. Họ quây quần quanh bàn tiệc thưởng thức rượu ngon thịt béo, luôn miệng tán dương người chết và bàn chuyện giang hồ.

Cuối giờ Mùi, toàn trường rúng động vì lời xướng của Nhất Tứ Thường Y Bố :

Phi Điểu hội chủ Hách Nhân Bình lai điếu.

Kẻ sát nhân đến điếu nạn nhân thì quả là chuyện mạo hiểm.

Điểu ông cau mày :

- Nhân Bình xảo quyệt và thận trọng nhất thiên hạ. Nếu không có chỗ sở cậy sẽ chẳng dám đến đây.

Trí Nang Tú Sĩ giật mình nói :

- Nguy rồi. Quỳnh nhi yếu ớt nên đã ở lại Mục gia trang.

Lão gọi Nhị Tú :

- Ngươi mau dẫn quân về Mục gia trang xem tình hình Mục tiểu thư. Nếu nàng an toàn thì ở lại bảo vệ và cho người thông báo với lão phu.

Khởi Nguyệt mau chóng kéo trăm cao thủ đi ngay. Dù Mục gia trang cũng có người bảo vệ nhưng quá ít.

Hách Nhân Bình cùng Thập Nhị Điểu Sứ hiên ngang bước đi giữa những ánh mắt thù hận của mọi người. Hách Nhân Bình và bọn Điểu Sứ đều mặc Bạch y, không mang vũ khí đúng thẹo qui củ. Họ thản nhiên bước đến trước quan tài thắp hương và nghiêng mình vái. Thiên Cơ cùng Thiếu Phụng tiến lên sát khu tang lễ, chờ xem diễn biến. Với công lực hiện nay, chàng chỉ cần một đòn tập kích cũng đủ giết được họ Hách. Nhưng trước khi biết rõ mục đích của lão, chàng chưa muốn ra tay.

Đám quả phụ không ai đáp lễ Hách Nhân Bình cả. Tiểu công chúa còn gào lên :

- Lão cẩu tặc khốn kiếp kia. Hôm nay bổn Công chúa sẽ xé xác lão.

Nếu Cốc Dao Trì không ôm lấy thì Bảo Châu đã xông ra rồi.

Hách Nhân Bình thản nhiên khấn :

- Các hạ đã may mắn được chết dưới cái tên giả là Trầm Thiên Cơ. Được cả võ lâm đến ai điếu, xem ra cũng là tốt số.

Lão đã vận công khi nói nên toàn trường đều nghe rõ. Họ bàng hoàng không hiểu gì cả. Nhân Bình rời chiếu tế, bước ra ngoài cao giọng :

- Kính cáo đồng đạo võ lâm. Lão phu không hề giết chết Trầm Thiên Cơ. Y vẫn còn sống và đã cùng Tử Phượng cung chủ đến núi Ly Sơn tấn công lão phu cách nay bảy ngày. Y không đánh lại lão phu, bị rơi kiếm và bỏ chạy.

Quần hùng ồ lên kinh ngạc khi Hách Nhân Bình rú vang, gọi chim ưng xuống.

Linh điểu thả một bọc vải vào tay lão rồi bốc lên. Nhân Bình ung dung mở bọc, lấy ra hai thanh bảo kiếm. Lão dắt thanh Bắc Đẩu thần kiếm vào dây lưng và trao thanh kia cho Trí Nang Tú Sĩ.

Tang Đình Bạch xem kiếm rồi cười nhạt :

- Đây đúng là kiếm của Thiên Cơ nhưng biết đâu lão giết y để đoạt lấy rồi dựng lên chuyện này?

Quần hào tán thành lập luận của Tú sĩ. Nhưng Hách Nhân Bình đã cười vang :

- Lão phu quên chưa kể rằng đã bắt được Hân Thiếu Phụng, và Thiên Cơ phải viết văn tự nghị hòa để chuộc ái thê. Y hẹn lão phu tái đấu ở Ngọc Nữ Phong vào ngày rằm tháng chín này.

Nhân Bình lấy trong thắt lưng ra một mảnh hoa tiên trao cho Tú sĩ. Nét chữ thô cứng trên giấy đúng là của Thiên Cơ. Tang lão bối rối chuyền cho Mục Tử Phát xem.

Mục trang chủ mừng rỡ gật đầu :

- Té ra Cơ nhi còn sống.

Lời xác nhận này khiến tang gia hoan hỉ và khách cũng vậy. Một gã hiếu sự nào đó đã hô vang :

- Chúng ta giết lão họ Hách xong rồi mở tiệc ăn mừng.

Hàng ngàn người đồng thanh khen phải, và Hiểu Mẫn bước ra, chỉ mặt Nhân Bình quát :

- Hách cẩu tặc. Bổn cô nương sẽ lấy đầu lão tế cờ Bắc Đẩu môn.

Nhân Bình và Thập Nhị Điểu Sứ nhất tề giơ cao một trái cầu đen thui, lớn bằng quả cam. Lão cao giọng :

- Mười ba trái Địa Chấn Thần Lôi này đủ sức san bằng núi Thái Sơn. Nếu không thì bọn lão phu đã chẳng đến đây.

Toàn trường chết lặng, không ngờ Hách Nhân Bình lại tìm được loại vũ khí thất truyền này.

Vân Quang thiền sư, Phương trượng Thiếu Lâm lên tiếng :

- A Di Đà Phật. Vậy ý của Hách thí chủ thế nào, xin cứ nói ra.

Nhân Bình cười nhạt :

- Lão phu đến đây để chứng minh mình vốn không giết hại Trầm phò mã và đòi lại chức Minh chủ võ lâm. Lão phu thề sẽ trở thành một Minh chủ tốt, hết lòng vì chính khí giang hồ chứ không tư lợi như trước.

Điểu Ông phá lên cười :

- Thúi quá. Thúi quá. Ngươi hãm hại cả lão phu là người nuôi dạy thế mà đòi làm người tốt, ai mà tin nổi?

Nhân Bình hờ hững đáp :

- Không tin cùng không được.

Nãy giờ Thiên Cơ và Thiếu Phụng cứ như người trong mộng, không hiểu mục đích của Hoàng Sơn song tiên. Chính họ đã dựng nên vở kịch này không lẽ chỉ để mua vui?

Thiên Cơ bàn với ái thê và quyết định hành động.

Chàng bước ra, ung dung vòng tay nói :

- Kính cáo đồng đạo. Tại hạ là Quan Thạch Điền ở Hoàng Sơn, xin có vài lời. Nay Hách lão vô tội và có lòng hướng thiện thì chúng ta cũng nên rộng lượng, chờ đến rằm tháng chín. Nếu Trầm công tử xuất hiện và không địch lại họ Hách thì võ lâm sẽ khôi phục chức Minh chủ cho lão ta.

Nhà họ Mục nhìn Thiên Cơ với ánh mắt nghi ngờ, không hiểu chàng là bạn hay là thù. Trí Nang Tú Sĩ cơ trí tuyệt luân, biết lợi dụng mọi tình thế, lão vui vẻ tán thành :

- Quan các hạ quả là cao kiến. Nhưng Hách Nhân Bình phải chứng tỏ thiện ý bằng cách giao hết Địa Chấn Thần Lôi cho Phương trượng Thiếu Lâm tự.

Lão là túi khôn của các phái nên họ đồng ý ngay. Huyền Hạc chân nhân Chưởng môn Võ Đang lên tiếng :

- Bần đạo cho rằng đấy là phương pháp tốt nhất.

Hách Nhân Bình gằn giọng :

- Được. Dù không có Thần Lôi cũng chẳng ai cầm chân nổi lão phu.

Lão và thủ hạ liền trao những trái cầu chết chóc cho Trí Nang Tú Sĩ. Thiên Cơ hết lòng bái phục cơ trí của Tang lão, yên tâm tiến hành kế hoạch. Chàng bước hẳn ra, đứng đối diện với Nhân Binh, hòa nhã nói :

- Hách minh chủ. Tại hạ ẩn cư chốn thâm sơn, không có dịp tham gia đại hội võ lâm, lòng rất ấm ức. Nay được hội ngộ bậc cao thủ số một võ lâm, tại hạ muốn ấn chứng vài chiêu cho thỏa lòng. Mong Minh chủ khai ân thành toàn cho.

Được xem tỷ võ là khát vọng của người giang hồ nên quần hùng đồng thanh đốc thúc khiến họ Hách chẳng thể chối từ.

Lão lạnh lùng nói :

- Lão phu chỉ sợ lỡ tay mà hại đến mạng túc hạ thôi.

Thiếu Phụng lộ vẻ sợ hãi, ngỏ lời can ngăn :

- Tướng công đừng vì chút hư danh mà uổng mạng. Chàng có mệnh hệ gì thì thiếp chết mất.

Thiên Cơ nạt liền :

- Quan mỗ luyện võ ba mươi năm, chẳng lẽ chỉ để đuổi gà cho nàng? Bậc trượng phu không có danh vọng trong trời đất thì sống cũng uổng.

Thiếu Phụng chẳng chắc Thiên Cơ thắng hay bại nên lòng lo lắng thực sự, bất giác khóc ròng. Thiên Cơ chẳng lý đến, vòng tay dõng dạc nói :

- Hách minh chủ. Tại hạ xin phép được xuất thủ trước.

Nhân Bình ngạo nghễ gật đầu, lòng thầm khinh thường kẻ háo danh. Nhưng khi đối phương xuất chiêu thì lão mới biết mình lầm. Thiên Cơ không để kẻ thù kịp rút kiếm, lướt đến nhanh như chớp, liên tục đẩy ra những đạo chưởng kình lạnh lẽo trắng mờ như sương sớm. Chàng thi triển cách không chưởng nên trong chiêu thức không có những thế trảo hay xà chùy quen thuộc của Long Hổ thần thức, khiến mọi người không nhận ra. Hách Nhân Bình vội giở pho Phi Điểu chưởng và phối hợp với khinh công “Thần Điểu Ngự Phong”, bốc lên cao để chiếm ưu thế.

Nhưng gã Quan Thạch Điền kia cũng không chịu kém, đề khí tung mình lên không trung, trực diện đón chiêu. Chưởng kình chạm nhau nổ vang rền, song phương rơi xuống, trao đổi vài chiêu rồi lại bay lên.

Điểu Ông vò đầu bứt tóc :

- Lạ thực. Dường như gã họ Quan kia cũng tinh thông thân pháp “Thiên Điểu Ngự Phong” của lão phu.

Độc Thiên Vương cười đắc ý :

- Hắn có thể là Thiên Cơ đấy.

Trí Nang Tú Sĩ gật đầu :

- Lão phu đoán rằng Thiên Cơ và Thiếu Phụng đã gặp Hoàng Sơn song tiên. Hai vị kỳ nhân ấy thích hí lộng nhân gian nên bày ra trò này. Mục đích của họ là dụ cho Hách Nhân Bình đến đây đền mạng.

Mẫu Đơn cốc chủ cũng nói :

- Lão phu để ý thấy y nói cười chẳng bao giờ lộ hàm răng. Nghe nói Thiên Cơ có hai chiếc răng nanh rất nhọn.

Cuộc đàm đạo bị cắt ngang bởi tiếng chưởng kình chạm da thịt, hòa với tiếng rên đau đớn. Quan Thạch Điền đã đánh trúng Nhân Bình bốn chưởng và nhận lại hai đòn.

Quần hùng vỗ tay nhiệt liệt khi thấy khóe miệng họ Hách rỉ máu.

Thiên Cơ vẫn lầm lì tấn công như bão táp, chỉ biết tiến chứ không lùi. Long Hổ thần thức ảo diệu tuyệt luân, hơn hẳn pho Phi Điểu chưởng nên chàng chiếm thượng phong. Nhân Bình có đến trăm năm công lực, thâm hậu hơn Thiên Cơ một bậc nên sức chịu đòn rất dẻo dai. Lão kiên cường chống cự, dẫu trúng hai đòn cũng trả lại được một.

Nhưng khi đã chịu đến chưởng thứ mười chín, lão đột ngột tung mình lên không trung, rút kiếm xuất chiêu Hải Thượng Cô Hồng, hóa thành trái cầu lửa bay về phía đối thủ.

Chiêu này chỉ có hai chỗ sơ hở và được Võ Lâm Chi Vương dồn xuống vị trí ít nghiêm trọng là đùi trái và đầu gối chân phải. Như vậy, dẫu Thiền Cơ có đánh trúng hai chỗ ấy cũng không chặn được đà tiến của chiêu ngự kiếm. Chàng biết rõ điều ấy nên đảo bộ nhảy sang tả hai trượng mà tránh đòn.

Hách Nhân Bình bị mất mục tiêu, hạ thân xuống đất, hậm hực ra chiêu Thái Châu Vân Đoạn. Thiên Cơ lại bỏ chạy khiến quần hùng chê cười :

- Đánh không lại thì nhận bại đi thôi, sao cứ cong đuôi chạy mãi thế.

Hách Nhân Bình đắc ý xuất tiếp chiêu “Thiên Nhai Sầu Lữ”. Lần này, Thiên Cơ nhún chân bốc lên cao ba trượng để tránh đòn. Họ Hách mừng rỡ xuất chiêu “Trùng Dương Nhật Xuất”, bay lên giăng lưới kiếm hứng trọn thân hình gã họ Quan đáng ghét.

Qua ánh kiếm rực hồng, lão thoáng nhận ra đối phương mỉm cười, và đó là hình ảnh cuối cùng mà lão còn nhìn thấy trong đời. Thiên Cơ lộn chúc đầu xuống, chĩa thẳng song thủ, búng một lượt hai đạo chỉ phong. Chỉ kình xuyên qua kiếm ảnh, phá nát nhãn cầu của Hách Nhân Bình và khoét vào não bộ.

Chiêu “Trùng Dương Nhật Xuất” này cũng có hai nhược điểm rất nhỏ, đó là vị trí tương ứng với đôi mắt. Nhưng Long Hổ thần chỉ của Thiên Cơ mảnh mai và rất chính xác. Não bộ là chỗ nhạy cảm nhất cơ thể nên chiêu kiếm của Nhân Bình lập tức bị gián đoạn. Lão rơi xuống như tảng đá, ôm mặt gào thét, co giật rất lâu mới chết hẳn.

Quần hùng hò hét nhảy múa như điên cuồng, vui mừng trước sự đền tội của lão đại ác ma. Thập Nhị Điểu Sứ run bắn người khi thấy Quan Thạch Điền bước đến nhặt thanh Bắc Đẩu thần kiếm và lạnh lùng bảo họ :

- Chư vị trợ trụ vi nghịch, theo Hách Nhân Bình khuynh đảo võ lâm. Tội ấy khó dung tha.

Điểu Ông bước ra can gián :

- Họ cũng là học trò của ta, vì bị Hách Nhân Bình dùng độc dược khống chế nên phải phục tùng. Cơ nhi hãy tha mạng cho, chỉ phế võ công là đủ?

Mười hai Điểu Sứ quì xuống khóc :

- Bọn đồ nhi cảm tạ lòng đại lượng của ân sư. Nhưng nay Hách đại sư huynh đã chết thì bọn đồ nhi cũng phải chết theo vì không có giải dược. Nguyện kiếp sau tái thế hầu hạ sư phụ.

Độc Thiên Vương cười rộ :

- Nói bậy. Chỉ cần các ngươi thành tâm hối cải thì chuyện giải độc nào có khó gì.

Đám Điểu Sứ mừng rỡ ôm chân Điểu ông mà thề thốt. Dương Nghi Chiếu phì cười :

- Thôi đứng lên đi. Lão phu nể tình thầy trò mà tha cho lũ ngươi.

Đám quả phụ ùa ra vây chặt Thiên Cơ mà khóc lóc. Tiểu công chúa giật áo chàng trách móc :

- Sao tướng công chưa chịu bỏ cái mặt nạ xấu xí ấy đi?

Thiên Cơ nhớ đến lời hứa với Song tiên, rầu rĩ đứng lặng người, chẳng biết nói sao. Bỗng từ ngoài cổng trang có tiếng người cười vang :

- Các nàng lầm rồi. Ta mới là Trầm Thiên Cơ.

Mọi người ngơ ngác nhìn ra, thấy Thiên Cơ và Hân Thiếu Phụng đi vào, chỉ hơi lạ ở chỗ là họ đều mặc áo đỏ.

Trí Nang Tú Sĩ cười ha hả :

- Hoàng Sơn song tiên tuổi đã trăm tuổi mà vẫn còn thích đùa, đáng gọi là giai thoại võ lâm. Xin nhị vị khôi phục dung mạo cho hai đứa trẻ này.

Lúc ấy, quần hùng mới biết cặp tài tử giai nhân vừa xuất hiện là do hai vị tiên núi Hoàng Sơn giả ra. Song tiên vào đến nơi, bọn Điểu Ông kính cẩn thi lễ. Song tiên có hai vế ngang với sư phụ họ. Hoàng Sơn Tiên Ông cười khanh khách :

- Hai đứa bé kia đã hứa cho vợ chồng ta mượn dung mạo đúng một năm. Giờ chưa thể trả được.

Bọn Cốc Dao Trì vội quì xuống khẩn cầu.

Quan Thạch Điền xua tay, gật gù :

- Thôi được. Nếu các nàng giải được câu đố của lão phu thì sẽ toại nguyện.

Lão hắng giọng hỏi :

- Trên thế gian này, cái gì rất mỏng manh, dễ tan vỡ nhưng đôi lúc bền chắc đến nỗi thời gian cũng không hủy hoại được.

Sáu nàng xúm nhau bàn bạc, cố tìm ra lời giải đáp, nhưng gần khắc sau vẫn chưa dám trả lời. Bỗng từ ngoài cổng trang có cỗ xe độc mã đi vào. Xà ích chính là Nhị Tú Tiêu Khởi Nguyệt. Nàng vén rèm xe, đỡ Lan Quỳnh xuống. Bọn Độc Hồ Điệp chạy đến kể câu chuyện và đọc lại câu đố.

Lan Quỳnh mỉm cười, bước ra vòng tay nói :

- Tiện nữ Mục Lan Quỳnh xin được trả lời.

Hoàng Sơn Tiên ông gật đầu :

- Nếu sai thì không được nói lại đâu đấy nhé.

Lan Quỳnh tự tin đáp :

- Bẩm lão tiền bối. Theo thiển ý của tiện nữ thì đấy chính là tình yêu đôi lứa.

Toàn trường im phăng phắc chờ sự xác nhận của Tiên Ông.

Lão thở dài thườn thượt :

- Thế mà lão phu phải mất đến trăm năm mới tìm ra đáp án.

Mọi người thở phào, hoan hỉ reo vang, và cười dài khi Tiểu La Hán oang oang :

- Thế thì Tiên Ông ngốc thực. Hồ mỗ cũng biết nhưng không nói ra đấy thôi.

HẾT