Sơn Nam Hải Bắc

Chương 6




Dư Sanh Sanh cúp điện thoại, quay người vào phòng điều trị.

Ngọn đèn tiết kiệm điện hắt ánh sáng trắng xuống đỉnh đầu, Trần Dật ngồi xổm, xử lý vết thương cho Tiết Hải Đồng.

Tay trái của cô nắm cổ tay con bé, tay phải nhúng miếng bông vào dung dịch cồn, cẩn thận thoa từng chút một lên miệng vết thương của Đồng Đồng.

Bị đau, con bé rụt tay lại. Trần Dật nắm cổ tay con bé, ấn nhẹ miếng bông, dịu dàng dỗ dành: “Đừng sợ, xong ngay thôi”.

Hốc mắt con bé ngập đầy nước, lặng lẽ nhỏ xuống.

Liếc thấy Dư Sanh Sanh đi vào, Trần Dật hỏi: “Thế nào, gọi được chưa?”.

Dư Sanh Sanh đáp: “Gọi được rồi, là người nhà của con bé, chắc họ đang tìm cuống lên, nghe giọng điệu lo lắng lắm, bảo sẽ tới ngay đấy”.

Trần Dật gật đầu, lấy miếng gạc sạch phủ lên vết thương, sau đó dán băng cố định vào.

Con bé ngồi trên ghế, chiếc ghế hơi cao, hai chân lắc lư trong không khí. Trần Dật ngồi xổm nên thấp hơn Đồng Đồng, cô phải ngẩng đầu lên mới thấy rõ vệt nước mắt trên mặt con bé.

Cô rút trong túi quần ra tờ khăn giấy, giơ tay lau nước mắt và vết bùn, cất giọng an ủi: “Không sao, bố mẹ sẽ đến đón cháu về nhà ngay bây giờ”.

Đồng Đồng im lặng thu cánh tay đã được băng bó để trước ngực, trong lòng vẫn ôm chặt gấu bông, khẽ khịt mũi gật đầu.

+++

Là Dư Sanh Sanh phát hiện ra con bé trước.

Trong lúc hai người nói chuyện quên trời quên đất, Dư Sanh Sanh bỗng dưng đói bụng, thèm ăn mì. Buổi tối chưa kịp ăn uống đã vội vàng lái xe tới đây.

Trời mưa to như vậy, mấy quán ăn nhỏ bên cạnh trung tâm, giờ này có lẽ đã đóng cửa. Trần Dật đề nghị nấu mì trứng cho Dư Sanh Sanh ngay trong ký túc.

Đương nhiên mì ăn liền có sức hấp dẫn hơn mì sợi, Dư Sanh Sanh thèm rỏ dãi, bụng réo òng ọc, nghĩ đến mùi thơm mà nuốt nước bọt ừng ực.

Trần Dật mặc bộ quần áo ở nhà màu xanh nhạt, đang định thay đồ đi ra ngoài cùng Dư Sanh Sanh, thì Dư Sanh Sanh đã xua tay, cất giọng hào sảng: “Không cần, không cần, để mình tự mua, không cần phiền đến cậu”.

Cô bảo Trần Dật đun nước lên trước, tiện thể chuẩn bị trần cho cô hai quả trứng. Sau đó, Dư Sanh Sanh hào hứng cầm ô đi ra ngoài.

Cô mặc chiếc váy hoa liền chít eo, thay giày cao gót bằng đôi dép lê của Trần Dật, trên vai là chiếc áo khoác lúc ra cửa Trần Dật bắt cô mặc thêm. Trần Dật bảo nhiệt độ ngày và đêm ở đây chênh nhau rất lớn, trời lại mưa, sợ cô bị cảm.

Nhưng vừa ra đến cửa, Dư Sanh Sanh vẫn phải rùng mình vì bị khí lạnh táp vào mặt.

Trong lúc co đầu rụt cổ đi qua tầng tổng hợp, cô trông thấy một bé gái.

Bé gái cầm chiếc ô to màu đen, toàn thân lọt thỏm bên trong, lững thững đi về phía tòa nhà của trung tâm.

Từ phía Dư Sanh Sanh nhìn sang, cô chỉ thấy thấp thoáng gấu quần trắng ướt đẫm, vạt áo khoác màu hồng nhạt của con bé, tay cầm một con gấu bông.

Mới đầu Dư Sanh Sanh không để ý, cô đi thẳng tới hiệu tạp hóa vẫn mở bên đường, mua vội hai gói mì trước khi bà chủ đóng cửa.

Lúc cầm túi đồ ăn quay lại, cô trông thấy con bé đang đứng trước cửa phòng điều trị methadone, nghển cổ nhìn vào trong phòng khám tối om.

Dư Sanh Sanh bước chậm dần, ánh mắt vô thức dừng trên người đứa bé.

Cô thấy đứa bé xoay người rời đi, được mấy bước lại lộn trở lại. Cuối cùng, đứng dưới mái hiên của tầng tổng hợp.

Đàn muỗi nhảy múa bu quanh ngọn đèn lờ mờ treo trên xà nhà.

Con bé tựa lưng vào vách tường, chậm rãi ngồi xổm xuống, cong người ôm chân, cằm chống đầu gối, tay cầm gấu bông không nhúc nhích.

Đêm hôm khuya khoắt, con bé trú mưa? Hay chờ ai đó?

Lòng hiếu kỳ thúc chân Dư Sanh Sanh lại gần.

Cô bước lên thềm, quan tâm hỏi thăm: “Bạn nhỏ, muộn như thế này, sao lại ngồi đây một mình?”.

Con bé cúi đầu ôm chặt gấu bông, không nhìn cô, cũng không trả lời.

Bị làm lơ, Dư Sanh Sanh không nhụt chí, bước thêm mấy bước lên bậc thềm, đến bên cạnh con bé, hỏi tiếp: “Nhà cháu ở đâu? Có muốn gọi điện cho bố mẹ tới đón không?”.

Vẫn không có câu trả lời.

Bình thường, Dư Sanh Sanh không đủ kiên nhẫn để hỏi han một đứa bé ‘bất lịch sự’ như thế. Nhưng không hiểu vì sao, cô cảm thấy đứa bé này có chút cô đơn và đáng thương.

Hỏi gì cũng không nói, chẳng lẽ con bé….không nghe được?

Dư Sanh Sanh giật mình bởi suy đoán đó. Cô đặt chiếc ô sang bên, túm váy ngồi xổm xuống, vươn người tới trước mặt đứa bé, giơ tay ra hiệu: “Này, cháu gái, cháu có nghe thấy cô nói gì không?”.

Khoa chân múa tay dường như đã có tác dụng, đứa bé từ từ ngẩng đầu lên nhìn cô, sau đó khẽ cúi đầu xuống.

Ở khoảng cách gần, cô có thể thấy rõ từng vết bùn đen trên mặt, tóc tai rối bù, cùng đôi mắt to tròn ngập nước hết sức đáng thương của con bé. Trái tim Dư Sanh Sanh như có ai đó bóp nhẹ, thoáng cảm giác khó chịu.

“Sao cháu ngồi đây? Nhà ở gần đây không?”. Cô hỏi.

Đứa bé lắc đầu.

Không ở gần đây, vậy đêm hôm khuya khoắt chạy tới trung tâm làm gì?

Trong đầu chợt lóe lên, Dư Sanh Sanh lại hỏi: “Có phải người nhà cháu làm bác sĩ ở đây không? Cháu đến tìm bố mẹ hả?”.

Mất mấy giây để tiêu hóa câu hỏi, con bé lắc đầu, sau đó lại gật đầu.

Dư Sanh Sanh ngạc nhiên, một lúc sau mới hiểu ra vấn đề: “A, cô biết rồi, cháu đến tìm bố mẹ đúng không?”.

Đứa bé lại gật đầu.

Dư Sanh Sanh có cảm giác đã tìm ra mấu chốt của vấn đề, cô quyết định làm nữ hiệp, lập tức gọi di động cho Trần Dật.

Hai phút sau, Trần Dật mặc áo khoác len chạy đến.

Sau khi nghe Dư Sanh Sanh mất nửa buổi kể lại tình hình, cô gọi điện cho bác sĩ trực đêm, hỏi thăm đêm nay có bệnh nhân nào phải nhập viện truyền dịch hay không, đầu kia đáp lại: không có.

Nhìn dáng vẻ nhếch nhác đáng thương, hỏi gì cũng không nói của con bé, Trần Dật đề nghị bác sĩ trực đêm mở cửa tầng một, nói bên ngoài trời lạnh, muốn dẫn đứa bé vào, bảo con bé ngồi đó để từ từ hỏi thăm tình hình.

Con bé do dự không chịu đi vào. Trần Dật mỉm cười, dịu dàng nói: “Đừng sợ, cô là bác sĩ ở đây, chúng ta vào tránh mưa rồi bảo bố mẹ cháu đến đón được không?”.

Con bé bán tin bán nghi bước vào trong.

Thấy trên người đứa bé toàn bùn đất, Trần Dật đoán có lẽ con bé bị ngã. Đợi con bé ngồi xuống, cô kéo ống quần của nó lên kiểm tra, phát hiện trên cánh tay có một vết xước dài hai cm, tuy máu đã ngừng nhưng vết thương hình như còn dính ít bùn.

Vị bác sĩ trung niên đang định đi ngủ thì bị gọi dậy, nhìn hai cô gái trẻ muốn vơ việc vào người, ông không nói gì, để mặc Trần Dật tùy tiện sử dụng phòng khám, lúc đi ra còn đóng cửa lại.

Trần Dật dẫn con bé vào phòng khám, mùi thuốc sát trùng ngập ngụa khiến con bé bối rối.

Trần Dật kéo ghế bế con bé ngồi lên. Cô rửa sạch tay, vừa bắt đầu cẩn thận kiểm tra miệng vết thương, vừa hỏi: “Bị ngã à?’.

Đứa bé gật đầu.

Dư Sanh Sanh đứng bên nhìn, sốt ruột, tiến lên nói nhỏ vào tai Trần Dật: “Vu Đầu, cậu xem con nhóc này có phải….có phải bị câm không? Hỏi gì cũng không nói, chỉ biết lắc đầu với gật đầu”.

Trần Dật quay sang khẽ lườm Dư Sanh Sanh. Không phải phủ nhận, mà do cô cảm thấy không nên nói chuyện này trước mặt trẻ con.

Cô vuốt ống tay áo phải của con bé xuống, nhẹ nhàng nói: “Vết thương bị dính bẩn, cô sẽ lấy ra giúp cháu, như vậy mới không đau nữa”.

Con bé sửng sốt nhìn cô.

Trần Dật vừa làm, vừa hỏi thăm hoàn cảnh của con bé.

“Cô có thể hỏi cháu năm nay mấy tuổi được không?”.

Con bé thoáng suy nghĩ, sau đó gật đầu.

Cô nhìn dáng người gầy tong teo của nó, đoán mò: “Năm tuổi?”.

Lắc đầu.

Trần Dật lại hỏi: “Hay sáu tuổi?”.

Gật đầu.

Dư Sanh Sanh đứng bên cảm thán: “Bé tí thế mà đã sáu tuổi rồi cơ à? Mình có đứa cháu trai sáu tuổi, to khỏe như trâu, lớn hơn nhóc con này cả cái đầu”.

Trần Dật mỉm cười, không trả lời cô, tiếp tục hỏi con bé: “Cháu có nhớ nhà mình ở đâu không?”.

Gật đầu.

Trần Dật hỏi thêm: “Vậy cháu có nhớ số điện thoại của bố mẹ cháu không?”.

Thời nay, có rất nhiều phụ huynh dạy con cái học thuộc số điện thoại của mình, tránh cho bọn trẻ ra ngoài bị lạc không biết cách gọi người nhà tới giúp đỡ.

Con bé suy nghĩ một lúc, sau đó đặt gấu bông ôm trong lòng nãy giờ sang một bên, vươn tay vào trong cổ như muốn lôi thứ gì đó ra.

Trần Dật nhìn động tác của con bé, ra hiệu cho Dư Sanh Sanh giúp môt tay.

Thì ra con bé định kéo sợi dây đeo trên cổ. Sau khi kéo ra, cô chỉ thấy một tấm thẻ ngoắc vào sợi dây, trên thẻ ghi ba chữ ‘Tiết Hải Đồng’, phía dưới là một dãy số điện thoại.

+++

Ngồi trên ghế đợi một lúc, bên ngoài hình như có tiếng động, Dư Sanh Sanh đứng phắt dậy, bước nhanh ra cửa nhìn.

Một người đàn ông mập lùn mặc chiếc áo mưa màu đỏ, người đầy bụi bặm, mặt mũi lộ rõ vẻ lo lắng  chạy đến.

Dư Sanh Sanh vội hỏi: “Anh là người nhà của Tiết Hải Đồng à?”.

Phương Thanh Dã sốt ruột đến độ thở không ra hơi, gật đầu liên tục: “Vâng vâng, tôi tới đón con bé, cảm ơn cô nhé”.

Anh ta quay về hiệu sửa xe tìm, trên đường cũng nhìn đi nhìn lại mấy lần nhưng vẫn không thấy bóng dáng Đồng Đồng đâu. Ngay khi anh ta lo lắng dậm chân chửi ầm ĩ thì Tiết Sơn gọi điện tới.

Anh nói, Đồng Đồng đang ở trong trung tâm sức khỏe cộng đồng thôn Nhã Lý, bảo anh ta mau chóng qua đó.

Trần Dật nghe thấy tiếng động liền dắt tay con bé ra.

Phương Thanh Dã trông thấy Đồng Đồng, hai chân mềm nhũn, thiếu chút nữa ngồi phịch xuống đất.

“May quá, may quá, tìm thấy rồi”. Anh ta lẩm bẩm, nói năng lộn xộn.

So với vẻ kích động của anh ta, con bé lại tỏ ra vô cùng bình tĩnh.

Trần Dật kéo tay con bé, hỏi: “Chú ấy là bố của cháu à?”.

Con bé nhìn Phương Thanh Dã, lắc đầu.

“Cái gì?”. Dư Sanh Sanh hai tay chống nạnh, cao giọng nói với người đàn ông trước mặt: “Anh không phải là người nhà của con bé?”.

Phương Thanh Dã đâu thèm quan tâm nhiều như vậy, anh ta tiến lên định túm lấy tay Đồng Đồng.

Trần Dật kéo con bé ra phía sau, đứng cản đằng trước.

Phương Thanh Dã dậm chân, vội vàng giải thích: “Tôi là cha nuôi. Cô em à, bố của con bé bảo tôi tới đón nó. Anh ấy đang trên đường từ thị trấn về. Biết tin con bé chạy ra ngoài, ai cũng nóng ruột. Đồng Đồng, ngoan nào, cháu nói với mấy cô này, chú là cha nuôi của cháu đi”.

Nửa câu sau là anh ta nói với đứa bé đứng sau lưng Trần Dật.

Con bé nghe vậy, thò đầu ra, buông lỏng tay Trần Dật, chậm rãi đi về phía Phương Thanh Dã.

Phương Thanh Dã nhếch môi cười, vươn tay về phía con bé: “Đúng rồi, đúng rồi, Đồng Đồng mau lại đây”.

Con bé lại gần, đặt bàn tay nhỏ bé vào trong lòng bàn tay xù xì thô ráp ấy.

Phương Thanh Dã ôm con bé vào lòng.

Đồng Đồng bị vây trong lồng ngực của người đàn ông, quay đầu liếc nhìn Trần Dật, đáp trả ánh mắt thoáng nghi ngờ của cô.

Trần Dật khẽ gật đầu với nó.

Trần Dật nhìn hai người dặn dò: “Vậy anh đưa con bé về đi. Tay cháu nó bị thương, chú ý đừng để chạm nước. Hôm sau đến trung tâm để thay băng”.

Phương Thanh Dã vội kéo tay Đồng Đồng ra xem, thấy miếng gạc dán trên cánh tay gầy teo tóp của con bé, hốc mắt anh ta đỏ lựng.

Anh ta luôn mồm nói cảm ơn, sau đó xin lưu số điện thoại để hôm sau tự mình đến nhà cảm tạ.

Dư Sanh Sanh nghe buồn cười, đúng là người trọng nghĩa.

Trần Dật trả lời: “Không cần đâu, chuyện nhỏ ấy mà. Anh đưa con bé về nhà nghỉ đi”.

+++

Cùng nhau che chung chiếc ô, Dư Sanh Sanh kéo tay Trần Dật về phía ký túc xá, cầm theo hai gói mì tôm mua nửa tiếng trước.

Nhưng lúc này, cô đã hết cảm giác thèm ăn.

Cô tự cảm thấy mình là người dễ thỏa mãn, hành hiệp trượng nghĩa, giúp người làm vui.

Cô không còn cảm thấy lạnh nữa, toàn thân giờ như có dòng nước ấm chảy qua, sôi sục nhiệt tình.

Trần Dật phát giác ra tâm trạng của Dư Sanh Sanh, liền hỏi: “Vui thế cơ à?”.

“Đương nhiên rồi”. Giọng cô không che giấu được cảm giác sung sướng: “Vu Đầu, cậu xem việc làm này của chúng ta có được tính là làm chuyện tốt không để lại danh không?”.

Trần Dật bật cười: “Nữ hiệp, cậu nói rất hay”.

Trần Dật nhìn dáng vẻ hả hê của Dư Sanh Sanh, chuyện tình cảm phức tạp lúc trước không biết đã bay biến tận đẩu tận đâu. Trần Dật nhẹ nhàng cầm tay cô, nói:

“Cậu đã làm rất tốt, nếu như hôm nay không phải do cậu lưu tâm phát hiện, không biết đứa bé đó sẽ phải ngồi bao nhiêu lâu, người nhà con bé chắc phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm thấy nó”.

“Có câu nói như thế nào ấy nhỉ. Việc thiện tuy nhỏ nhưng có thể cứu được cả một gia đình”.

Dư Sanh Sanh bật cười: “Hi hi, mẹ mình thường bảo làm chuyện tốt sẽ gặp may mắn, làm điều ác sẽ gặp ác báo. Chúng ta làm vậy có phải sẽ được trả ơn không?”.

Trần Dật tò mò: “Cậu muốn được trả ơn như thế nào?”.

Suy nghĩ vài giây, Dư Sanh Sanh trả lời: “Bảo ông trời ban cho mình một bé gái đáng yêu gấp trăm lần bé gái lúc nãy đi”.

Trần Dật không nhịn được cười: “Cậu hay thật”.

Mưa vẫn rơi, thời gian tiếp tục trôi, Trái Đất không ngừng quay, ngày đêm thay đổi.

Đau khổ và hạnh phúc, sẽ luân chuyển số phận của mỗi con người.

Giờ phút này, Trần Dật không thể ngờ. Trong đêm mưa ngày hôm nay, một việc thiện nho nhỏ đã làm thay đổi cả cuộc đời cô.