Sơn Nam Hải Bắc

Chương 24




Sáng sớm mùa hè, gió mát nhẹ nhàng phả vào mặt mang tới cảm giác sảng khoái dễ chịu.

Trần Dật đứng chờ trước quầy bánh bao.

Chủ quán là một đôi vợ chồng trung niên, sáng nào cũng đẩy xe ba bánh rao khắp phố. Bánh bao của họ vị rất ngon nên chưa đi hết phố đã hết sạch. Vì thế mà thi thoảng quầy bánh đỗ trước cửa viện được xem như điều hiếm thấy.

Trước Trần Dật có ba người đang xếp hàng, trong đó một người là đồng nghiệp của cô. Hôm nay nghỉ làm, đoán chừng nghe thấy tiếng rao, không kịp thay áo, xỏ dép lê chạy vội ra, tóc tai ẩu thả ngái ngủ.

Trần Dật mua cả phần của chị Lý. Lúc cầm đồ ăn sáng trở về, bắt gặp hai người một lớn một nhỏ đi trên đường.

Cô thả chậm bước chân, nhìn họ đến gần, hơi khom người, nói với Đồng Đồng: “Buổi sáng tốt lành nhé Đồng Đồng”.

Con bé mặc chiếc váy liền màu hồng vui vẻ nhìn Trần Dật.

“Cô đi mua đồ ăn sáng à?”. Tiết Sơn hỏi.

“Vâng”. Trần Dật đáp: “Sao anh tới đây sớm thế? Không phải đi chụp X quang ạ?”.

Các phòng ban trong bệnh viện làm việc lúc 8 rưỡi, riêng phòng chụp X quang phải 9h mới tới ca. Giờ chưa đến 8 giờ, hai bố con đúng là tới hơi sớm.

Tiết Sơn nói: “Hôm nay phải dẫn Đồng Đồng đi gặp bác sĩ tâm lý nên đến đây chờ, đợi lát nữa kiểm tra luôn”.

Bữa trước anh có bảo, hàng tháng đều phải đưa Đồng Đồng đến trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em.

Trần Dật gật đầu, ba người cùng đi về phía trung tâm sức khỏe cộng đồng.

Lúc chia tay, đi chưa được hai bước, Trần Dật bỗng hô to: “Tiết Sơn”.

Tiết Sơn dắt Đồng Đồng, quay đầu lại.

Trần Dật hỏi: “Anh có kịp về uống thuốc không?”.

Từ thôn Nhã Lý vào trong nội thành phải chuyển hai lần xe khách, vừa đi vừa về mất gần 6 tiếng. Thông thường thời gian anh uống thuốc là 5 giờ chiều.

Thấy ánh mắt Trần Dật hiện vẻ lo lắng, trái tim Tiết Sơn xiết chặt: “Tôi sẽ cố gắng về trước 8 giờ”.

Trần Dật gật đầu: “Vậy hai bố con đi đường cẩn thận, có việc gì thì có thể gọi điện cho tôi”.

Ánh mắt Tiết Sơn hơi rủ xuống, rơi vào đôi giày màu trắng của Trần Dật, thấp giọng nói: “Được”.

+++

Trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em không đông người, Tiết Sơn dẫn Đồng Đồng vào, đi một mạch lên tầng ba, tìm bác sĩ Tiếu, người vẫn khám cho Đồng Đồng từ trước tới nay.

Trong phòng khám, con bé ngồi trên chiếc sofa màu hồng nhạt, trước mặt đặt mấy cuốn sách, đồ chơi và thẻ gỗ.

Toàn bộ căn phòng rất ấm áp, bốn bức tường dán rất nhiều tranh hoạt hình.

Tiết Sơn đứng bên ngoài phòng đợi, nhìn xuyên qua ô cửa sổ kính, theo dõi nhất cử nhất động bên trong.

Bác sĩ Tiếu ngồi đối diện con bé, vừa mỉm cười vừa nói gì đó. Con bé vừa gật vừa lắc, thi thoảng lại nở nụ cười.

Nửa giờ sau, nữ bác sĩ ra trước, để con bé lại một mình hoàn thành nhiệm vụ ghép hình.

Tiết Sơn đi tới, gật đầu ra dấu, sau đó hỏi luôn: “Bác sĩ Tiếu, hôm nay Đồng Đồng biểu hiện như thế nào?”.

Nữ bác sĩ nâng mắt kính, để lộ ý cười: “Đừng sốt ruột, biểu hiện hôm nay của Đồng Đồng khiến tôi ngạc nhiên, cũng vô cùng vui mừng”.

Cô nói: “Tôi cảm nhận thấy, gần đây Đồng Đồng đã trở nên cởi mở hơn. Trong quá trình nói chuyện với tôi, con bé có khả năng biểu đạt ngôn ngữ cơ thể tốt hơn tháng trước rất nhiều. Quan trọng nhất là, lúc tôi vừa mới cầm miếng ghép hướng dẫn con bé phát âm, con bé không hề chống đối mà bắt chước tôi, cố gắng mở miệng nói chuyện”.

Bác sĩ Tiếu tổng kết: “Tuy chưa thành công phát ra âm thanh nhưng đây là một khởi đầu rất tốt”.

Cô hỏi Tiết Sơn gần đây con bé có gặp chuyện gì hoặc ai đó đặc biệt hay không? Cô cảm thấy sự thay đổi của Đồng Đồng, cuộc sống và môi trường xung quanh có liên quan mật thiết tới con bé.

Tiết Sơn kể sơ tai nạn vừa qua. Bác sĩ Tiếu nghe xong giật mình. Phân tích ra thì thảm họa này có khả năng đã ảnh hưởng đến Đồng Đồng. Trong phòng khám, Đồng Đồng cũng đã hoàn thành xong nhiệm vụ cô bác sĩ yêu cầu.

Con bé giơ bức tranh đã được ghép hoàn chỉnh lên, vẻ mặt tươi cười ra hiệu với Tiết Sơn đứng bên ngoài cửa kính.

Trong bức tranh, là hình ảnh một người đàn ông và một bé gái, phía trên viết chữ: “Bố và con”.

Đây là bức tranh lần trước Đồng Đồng đến khám, bác sĩ Tiếu đã bảo con bé vẽ ra.

Tiết Sơn nhìn con bé hươ hươ bức tranh ghép về phía mình, hốc mắt đột nhiên đỏ lựng.

Bác sĩ Tiếu khẽ an ủi: “Anh hãy dành thời gian cho Đồng Đồng, con bé rất thông minh và hiểu chuyện. Nhất định con bé sẽ còn khá hơn thế này. Với tư cách là phụ huynh, tâm trạng của anh cũng phải điều chỉnh thật tốt mới đúng”.

Tiết Sơn cảm ơn.

Rời khỏi trung tâm tư vấn, đã gần 3 giờ chiều. Tiết Sơn dắt Đồng Đồng đi về phía trạm xe buýt.

Trong lúc chờ xe, Tiết Sơn rút di động nhìn giờ, phát hiện hơn một tiếng trước Trần Dật đã gửi tin nhắn tới nhưng anh không để ý.

Sau ngày lưu số điện thoại mới, hai người chưa từng liên lạc lại.

Tiết Sơn ấn mở tin nhắn chưa đọc.

“Thứ bảy, 4 giờ chiều tôi tan làm. Thời điểm đó có phù hợp không? Tình hình Đồng Đồng hôm nay đi gặp bác sĩ thể nào?”.

Chiếc điện thoại này anh mới mua, sử dụng chưa thạo, gõ được mấy chữ mất hơn nửa ngày. Anh quyết định xóa hết, nhấn số gọi lại.

Nhưng vừa chuyển số, anh kịp nhớ ra giờ này Trần Dật đang làm việc, làm phiền cô như vậy không hay lắm nên anh lại lập tức cúp điện thoại.

Anh dắt Đồng Đồng, tiếp tục gõ chữ bằng một tay.

Gõ chưa được mấy chữ, Trần Dật gọi đến.

Anh sửng sốt, ngón tay cứng ngắc dừng giữa màn hình, nhận không được, ngắt không xong.

Chiếc điện thoại rung ì ì, Đồng Đồng nghe thấy tiếng động, ngước nhìn chiếc di động trong tay Tiết Sơn, tưởng anh chưa phát hiện ra có người gọi đến, liền giơ ngón tay chỉ vào chiếc điện thoại nhắc nhở anh.

Tiết Sơn đành nối máy, vừa ‘alo’ một tiếng, đầu kia đã vang lên giọng nói căng thẳng của Trần Dật: “Xảy ra chuyện gì vậy?”.

Anh sững người vì bị hỏi, suy nghĩ một lúc mới nhớ Trần Dật từng nói, có việc gì thì cứ gọi cho cô.

Tiết Sơn khẽ cười, lắc đầu trả lời: “Không có việc gì đâu, cô đừng lo”.

“Vậy sao anh lại gọi cho tôi?”.

“Tôi định trả lời tin nhắn nhưng gõ chữ hơi chậm”.

Đầu kia, cô thở dài một hơi: “Vậy à? Không việc gì là tốt rồi”.

Tiết Sơn hỏi: “Cô đang làm việc đấy à? Gọi điện không tiện…”.

Trần Dật khẽ cắt ngang lời anh: “Không sao, hiện tại không có bệnh nhân”.

Ngay sau đó, cô thấp giọng bổ sung: “…Vẫn nói chuyện được”.

Giọng cô đều đều, mang chút lạnh lùng trong trẻo cùng cường độ âm thanh hơi yếu truyền ra từ điện thoại, khiến người ta cảm thấy mơ hồ.

Có chiếc xe buýt lái vào bến, Tiết Sơn nhìn lướt qua, không phải chuyến đi ngoại thành. Anh thu hồi ánh mắt, nhìn dải phân cách phía trước.

Ánh mặt trời rất ấm, bầu trời rất xanh.

Giọng anh trầm thấp, lọt từng chữ vào trong tai Trần Dật: “Thời điểm đó rất phù hợp. Bác sĩ tâm lý nói tính cách của Đồng Đồng đã cởi mở hơn nhiều, dần dần có dấu hiệu chuyển biến rất tích cực”.

Bên kia, cô thở phào nhẹ nhõm: “Vậy thì tốt rồi”.

Im lặng chốc lát, Trần Dật khẽ hỏi: “Hai bố con đang trên đường về ạ?”.

“Tôi đang chờ ở bến xe. Không quấy rầy cô làm việc nữa, lát gặp lại”.

“Vâng, anh đi đường cẩn thận, lát gặp lại”.

Cúp điện thoại, ánh mắt Tiết Sơn vẫn lưu trên nhật ký cuộc gọi, trong đó là một dãy số và tên của Trần Dật.

Anh cảm thấy rất kỳ diệu.

Một dãy số lạnh như băng, một cái tên vô cùng bình thường nhưng có thể mang tới sự ấm áp và thỏa mãn đến như vậy.

Một chiếc xe ô tô màu đen chầm chậm đỗ trước cổng bến. Hình ảnh của anh và con bé chiếu rõ trên gương chiếu hậu của chiếc xe.

Xe buýt đã đến, Tiết Sơn cất điện thoại, chuẩn bị sẵn tiền lẻ.

Đồng Đồng lên xe trước, Tiết Sơn theo sát phía sau, ngay khi chân phải của anh bước lên bậc cửa, như có linh cảm, anh quay phắt đầu lại, nhìn lướt qua chiếc xe con đỗ cách đó không xa.

+++

Trần Dật đợi Tiết Sơn đến gần 7 giờ tối.

Sau khi anh vào, Trần Dật chú ý tới một cái bóng nho nhỏ phía sau anh.

Đồng Đồng liếc mắt liền thấy Trần Dật trong phòng khám, nhìn cô cười rạng rỡ.

Trần Dật hơi bất ngờ vì Tiết Sơn dẫn Đồng Đồng cùng vào. Nhưng nghĩ lại, cô dường như có thể lý giải được cách làm của anh.

Con bé ngoan ngoãn ngồi bên cạnh đợi, nhìn bố uống xong cốc nước “trái cây” màu xanh nhạt, chào tạm biệt cô bác sĩ rồi mới đi.

Hai bố con họ đi rồi, chị Lý nhịn không được cảm thán sau lưng: “Cái cậu Tiết Sơn này, chị thấy được đấy. Chẳng phải cậu ấy tới đây cũng lâu rồi sao? Em xem đứa con gái ngoan chưa kìa, trông đáng yêu thế chứ. Cũng mong cậu ấy cai nghiện thành công”.