Tan học ở Quốc Tử Giám, Đường Thận đem thơ thí thiếp mới viết hôm nay đến phủ Thượng thư tìm Vương Trăn.
Vương Trăn là Thượng thư bộ Hộ, ngày nào cũng bận bịu. Đường Thận đến mười lần thì phải sáu lần anh ta vắng nhà. Vì thế, mọi ngày cậu sẽ gửi bài cho quản gia, khi nào Vương Trăn xem xong sẽ chữa bài cho cậu, rồi đến hôm sau, anh ta sẽ dành thời gian dạy cậu ở phủ. Ấy thế mà hôm nay Đường Thận nghĩ tới nghĩ lui, lại nói với quản gia rằng: “Ta có thể ở lại phủ chờ Tử Phong sư huynh về được không?”
Quản gia ngạc nhiên, nói: “Đường tiểu công tử nếu không bận, xin cứ tự nhiên.”
Quản gia mời Đường Thận vào phủ, cung kính tiếp đãi.
Vầng trăng lơ lửng trên không trung, muôn vì tinh tú giăng kín vòm trời. Vương Trăn mặc quan bào phẳng phiu màu đỏ thuần bước vào cổng. Quản gia thưa với chàng là Đường Thận đang đợi trong phủ, chàng liền dừng bước, lẩm bẩm “Thế à,” song không tỏ vẻ ngạc nhiên chút nào, dường như đã biết trước rằng hôm nay Đường Thận sẽ đợi mình.
Đường Thận đang uống trà trong phòng khách, nghe thấy tiếng bước chân thì ngó ra cửa, liền thấy Vương Trăn hẵng còn mặc nguyên quan phục đến gặp mình. Dưới ánh sáng giao hòa dịu êm của vầng trăng và những ngọn nến, gương mặt tuấn nhã của Vương Tử Phong càng dịu dàng gấp bội. Chàng cười lịch thiệp: “Tiểu sư đệ chờ lâu lắm rồi hả?”
Đường Thận: “Chỉ độ nửa canh giờ thôi ạ.”
“Ăn cơm chưa?”
“Đệ chờ sư huynh nên chưa dám ăn.”
Vương Trăn khiển trách quản gia: “Tiểu sư đệ ở trong phủ lâu như vậy, sao không mời đệ ấy dùng bữa? Rõ thất trách!”
Quản gia xin lỗi Đường Thận rối rít.
Vương Trăn nói: “Đã vậy thì đệ ăn tối với huynh nhé.”
Hai huynh đệ tới chính sảnh, Đường Thận ngồi đợi ở bàn ăn. Vương Trăn thay trường bào gấm trắng trong buồng xong thì cũng đi ra. Khi không mặc quan bào, Vương Trăn tựa như một văn nhân tuấn mỹ nho nhã, quả xứng với danh hiệu “Trạng nguyên vô song.” Đường Thận nghĩ thầm, kể cả khi mặc quan phục, vị sư huynh này của cậu cũng bật lên vẻ xuất chúng, lỗi lạc hơn hẳn các đại quan khác.
Thị nữ bày biện các món ăn lên bàn, gồm một khoanh cá tầm hầm, một tô cải thảo om với chân giò hun khói, bốn đĩa thức ăn theo mùa, kèm theo một tô canh sò điệp.
Đường Thận và Vương Trăn đều là người Giang Nam, khẩu vị tương đồng, nên phần lớn các món đều chế biến theo kiểu Giang Nam.
Thực hiện đúng châm ngôn “Ăn không nói chuyện, ngủ không nói chuyện,” hai người cơm nước xong xuôi mới vào phòng khách uống trà. Vương Trăn đọc bài thơ thí thiếp của Đường Thận vài lần. Bữa nay chàng không nhận xét cậu viết có tốt không mà hỏi: “Bảng chữ Pháp Môn luyện được bao lâu rồi?”
Đường Thận chẳng hiểu sao anh ta lại đá sang chuyện này: “Gần hai tháng rồi ạ.”
“Chữ của tiểu sư đệ tiến bộ nhanh đấy.”
“Sư huynh quá khen.” Vẻ mặt Đường Thận rất bình thản, giọng điệu khiêm tốn.
Hồi ở Cô Tô, mỗi ngày cậu đều luyện viết năm mươi đại tự. Khi tới Thịnh Kinh, cậu đã chép Bảng chữ Pháp Môn một nghìn ba trăm hai mươi mốt lần. Cậu không muốn lãng phí dù chỉ một chút thời gian. Kì thi Hương tháng tám, cậu nhất định phải đạt thứ hạng cao; ít nhất phải trong mười người đầu bảng. Chỉ có thế, đến kì thi mùa xuân1 năm sau, cậu mới không bị đuối so với các cử nhân khác.
[1] Thi Hội (Xuân Vi)
Vương Trăn cầm bài viết của Đường Thận lên, nhẹ nhàng đọc thơ: “Nguyệt kiểu liên không chiếu, tinh thùy định hải lâu…” Ngâm thơ xong, Vương Trăn ngừng lại một lát, thở dài tiếc nuối: “Bát cổ chế nghệ của tiểu sư đệ có cách tiếp cận vấn đề thông minh, độc đáo, kết cấu chặt chẽ, có lớp lang, chỉ cần không rơi vào đề hiếm thì chắc chắn là viết tốt. Có điều thơ thí thiếp của đệ, loanh quanh mãi vẫn một kiểu.”
Đường Thận cũng biết mình viết thơ muôn bài như một.
Nếu bát cổ chế nghệ đòi hỏi thí sinh phải tư duy logic, mổ xẻ vấn đề theo đúng kết cấu, thì thơ thí thiếp lại kiểm tra tài năng và học vấn của thí sinh. Dẫu Đường Thận có trí nhớ tuyệt đỉnh và khả năng thuộc lòng không sai thì cậu chẳng thể vô duyên vô cớ lột xác từ dân khoa học thành đại tài tử. Viết thơ không chỉ dựa vào kỹ năng mà còn đòi hỏi cảm hứng, sự giác ngộ và quan trọng hơn là thiên phú văn chương nữa.
Vương Trăn: “Nếu thơ thí thiếp của tiểu sư đệ có tiến bộ thì có thể lọt vào ba hạng đầu quán khóa lần này ở Quốc Tử Giám đấy.”
Tự dưng Vương Trăn lại nhắc tới quán khóa Quốc Tử Giám, ánh mắt Đường Thận lóe lên, cậu ngước nhìn chàng.
Hôm nay Đường Thận cố tình chờ Vương Trăn ở phủ không phải vì muốn gặp Vương Trăn, mà chính là vì cái vụ Thiên tử lâm Ung kia! Cậu muốn biết lí do Thiên tử đột nhiên muốn đến cung Ích Ung giảng bài, và liệu lần giảng bài này có tạo nên ảnh hưởng gì cần chú ý không.
Ngẫm nghĩ giây lát, Đường Thận nói: “Quán khóa hàng tháng ở Quốc Tử Giám, do thơ thí thiếp của đệ không có đột phá nên cứ bình bình ở hạng Ất, không bứt lên hạng Giáp được.”
Vương Trăn cười nói: “Bình thường thì không cần, nhưng nếu lọt vào ba hạng đầu lúc Thiên tử lâm Ung thì cực kì có lợi.”
Đường Thận sững người, nhìn Vương Trăn trân trối, thốt lên kinh sợ: “Sư huynh?”
Hiếm lắm mới có dịp Đường Thận bị bất ngờ đến mức này, trợn tròn mắt. Vương Trăn hào hứng hẳn, chàng chìa cây quạt trắng, khẽ nâng cằm Đường Thận lên, mỉm cười êm ru: “Tiểu sư đệ, liệu đệ có lọt nổi vào nhóm ba người xuất sắc nhất không?”
Mười ngày sau, mùng một tháng sáu, kì sát hạch quán khóa của Quốc Tử Giám bắt đầu.
Mấy trăm học sinh ngồi ngay ngắn trong giảng đường, mở đề kiểm tra lần này, ai nấy trông đều trịnh trọng hơn hẳn các kì kiểm tra trước. Đường Thận ngồi ở trung tâm Chính Ý đường, mở đề mục bát cổ chế nghệ. Đề mục cho câu: “Thiên chi cao dã”.
Trong thiên Ly Lâu, Mạnh Tử viết: “Bầu trời cao cả, các vì sao xa xôi, ví bằng đi tìm nguyên cớ của trời sao, thì cái ngày Đông chí của một ngàn năm có thể ngồi mà thấu đáo được2!” Ý rằng, tuy trời cao đất rộng, vũ trụ bát ngát vô biên, nhưng chỉ cần tìm ra được quy luật trong đó thì ngay cả tiết nhật của ngàn năm sau cũng tính được bằng quy luật3.
Đường Thận nhíu chặt đôi mày.
Đề này trông thì đơn giản đấy, chỉ cần lập luận là vạn sự, vạn vật trên đời đều có quy luật, cứ tìm ra quy luật đấy rồi dựa theo mà làm, nhất định sẽ thành công. Đây là một trong những triết lý lặp đi lặp lại trong sách Mạnh Tử. Đề cho “Thiên chi cao dã,” dẫn dắt bằng ý “sự vật trên đời có vạn hình thái phức tạp” là sát đề nhất, hoặc có thể truy nguyên, dẫn dắt từ gốc của vấn đề là “quy luật vạn vật” để vào bài. Cách mở bài thứ nhất thì rất an toàn, mở bài thứ hai thì khá rộng, rất dễ viết lạc đề hoặc viết sai.
Nhưng..lần này cậu nhất định phải lọt vào ba hạng đầu!
Đường Thận hạ quyết tâm, đặt bút: “Muốn thấu tỏ cái lớn lao của tạo hóa, ắt phải hiểu chỗ diệu kì trong luân lý. Bát quái cũng có điểm cực, vạn vật tất có lúc quy về một mối.”
Viết xong bài chế nghệ thứ nhất là tròn một canh giờ. Đường Thận kiểm tra không có lỗi sai nào, cẩn thận chép lại vào quyển thi. Sau đó cậu mở đề mục thơ thí thiếp.
Quán khóa hàng tháng ở Quốc Tử Giám chỉ thi hai bài, một bài chế nghệ và một bài thí thiếp.
Đề mục thơ thí thiếp lần này là “Tinh Đẩu phân minh”. Nguyên văn câu thơ này là “Sao Tinh sao Đẩu mỗi vì một phương4“, là thơ của một vị thi nhân triều trước sáng tác lúc lên núi ngắm sao.
[4]Tinh Đẩu phân minh tại thân bạn: Trong hệ thống Nhị thập bát tú, Sao Tinh là một trong 7 chòm sao ở phương Nam. Sao Đẩu, ngược lại, thuộc 7 chòm sao phương Bắc, nên “phân minh.”“Bạn” làven, rìa
Lên núi, ngắm sao…
Đường Thận nhíu mày suy tư, sau nửa canh giờ, cậu viết câu đầu tiên xuống nháp: “Phong khởi liên sơn nhứ, ảnh nhập tinh nguyệt ngân.”
Câu thơ này sử dụng phép đảo, tả cảnh gió thổi ào ào trên rặng núi làm cây cối ngả nghiêng, bóng trăng sao mất hút trong bóng núi. Tuy nhiên, vừa dứt bút, Đường Thận lại trầm ngâm nhìn câu thơ.
Quốc Tử Giám có tổng cộng năm trăm sáu mươi mốt học sinh, trong đó có hai học sinh trên bốn mươi tuổi, bảy mươi sáu người trên ba mươi tuổi. Những người này đã kinh qua nhiều khoa thi, văn chế nghệ của ai cũng xuất sắc. Ở Quốc Tử Giám có hai người nổi tiếng nhất, một là Lưu Phóng, năm nay ba mươi hai tuổi. Văn bát cổ chế nghệ của anh ta từng được Lâm Tế tửu nhận xét là đứng nhất toàn trường. Người thứ hai chính là người bạn chí cốt của Đường Thận, Mai Thắng Trạch, thơ thí thiếp của anh này đã đạt tới đỉnh cao, tài hoa ít ai sánh kịp.
Hai anh này coi như cầm chắc hai suất nhất nhì, như vậy ba hạng đầu chỉ còn đúng một suất.
Quốc Tử Giám là nơi tụ hội nhân tài trên toàn cõi Đại Tống. Vương Trăn đã bảo ba hạng đầu sẽ giành được lợi ích lớn, vậy thì chắc chắn là cực kì có lợi, bởi nếu không, chàng đã không để ý và cố tình bật mí cho cậu biết đường chuẩn bị.
Đường Thận trầm ngâm nhìn hai câu thơ vừa viết, thở dài một hơi, nghĩ bụng: “Thi Tiên Thanh Liên5 ơi, hôm nay đắc tội muôn phần, xin ngài xá cho.”
[5] Thanh Liên: hiệu của Lý Bạch.
Đoạn, cậu chấm mực múa bút, thoắn thoắt chép một bài thơ lên giấy.
Hết giờ, các giảng tập thu toàn bộ quyển thi của học sinh.
Quán khóa Quốc Tử Giám không phải kì thi chính thức nên không cần dán tên. Vì tầm quan trọng của kì kiểm tra lần này, Lâm Tế tửu vô cùng sát sao. Ông đích thân đến giảng đường chấm thi, yêu cầu: “Tìm quyển của Lưu Phóng và Mai Thắng Trạch đi, ta xem thử xem thế nào.”
Các giảng tập nhanh chóng tìm được quyển thi của hai thí sinh.
Lâm Tế tửu xem bài Lưu Phóng trước, càng đọc càng phấn khích, khen: “Hay! Tuy tạo hóa khó lí giải, nhưng nhờ có phép Kinh Dịch để tính toán nên không nhất thiết phải thấy tận mắt mới biết được. Chế nghệ viết xuất sắc, tiếc là thơ thí thiếp chưa toát lên được thần thái, tuy giọng thơ rất chính trực và tư duy cũng độc đáo.” Nói xong, ông lại chuyển sang xem quyển của Mai Thắng Trạch.
Lâm Tế tửu: “Lấy ‘sự phức tạp của sâm lâm vạn tượng6‘ để phá đề, khéo đấy, nhưng không mới mẻ. Điểm mạnh là kết cấu bài chặt chẽ, lý lẽ đầy đủ, cũng là một bài xuất sắc. Đến bài thơ thì không chê vào đâu được! Câu ‘Tinh dũng sơn nguyệt minh’ này mới diệu kì làm sao! Xem ra trong ba hạng đầu kì sát hạch lần này, Lưu Phóng sẽ đứng hạng nhất, Mai Thắng Trạch đứng hạng nhì.”
[6] sâm lâm vạn tượng hiểu là mọi hiện tượng trên đời
Lâm Tế tửu hắng giọng: “Chư vị đồng liêu, không dám giấu các vị, trong lần Thiên tử lâm Ung này, thánh thượng sẽ đích thân kiểm tra học vấn của ba người đứng đầu kì quán khóa.”
Mọi người trong khu chấm thi xôn xao cả lên.
Lâm Tế tửu: “Chuyện này ta cũng mới biết được từ chỗ Quý công công chiều nay. Vì lẽ ấy, mong chư vị chấm bài càng nghiêm ngặt và kĩ lưỡng hơn, tuyệt đối không được sơ suất. Bằng không…” Ông hừ một tiếng, giọng lạnh lùng: “Bằng không, chắc chắn sẽ phạt nặng! Lỗi nhỏ thì cúp lương bổng, lỗi lớn thì cách chức!”
Ông vừa dứt lời, chợt một giảng tập hô ầm lên đầy sửng sốt ngay giữa khu chấm bài.
Lâm Tế tửu nhìn về phía ấy: “Có vấn đề gì mà ồn ào thế?”
Một giảng tập râu buộc thành túm đang cầm một quyển thi, trố mắt kinh hãi, không hề ý thức được là mình vừa làm ồn. Nghe tiếng Lâm Tế tửu trách hỏi, giảng tập ấy mới vội vàng cáo lỗi: “Xin Tế tửu đại nhân thứ tội, hạ quan bắt gặp một bài bát cổ chế nghệ xuất sắc quá, mải đọc say sưa nên không nghe thấy Tế tửu đại nhân nói gì. Thế rồi đến khi hạ quan đọc thơ thí thiếp của trò này, thì quả tình là không kìm được tiếng thán phục.”
Lâm Tế tửu bước xuống chỗ người nọ: “Đâu, bài văn nào, thơ của ai?” Ông cầm quyển thi lên.
” Muốn thấu tỏ cái lớn lao của tạo hóa, ắt phải hiểu chỗ diệu kì trong luân lý. Bát quái cũng có điểm cực, vạn vật tất có lúc quy về một mối …” Lâm Tế tửu đọc xong, khen: “Đúng là một kiệt tác! Cứ tưởng cả Quốc Tử Giám này chỉ có mình Lưu Phóng có dũng khí đi ngược đám đông7, phá đề bằng quy luật vĩnh hằng của trời đất nhưng vẫn lí luận rất xác đáng, nào ngờ Quốc Tử Giám còn có một học trò khác viết xuất chúng bực này. Ủa, đây là quyển của Đường Thận à?”
[7] gốc: kiếm tẩu thiên phong
Giảng tập thưa: “Vâng, chính là quyển của Đường Thận phủ Cô Tô.”
Trong nhà chấm thi, rất nhiều giảng tập tỏ vẻ “thảo nào.”
“Thì ra là học trò của Phó đại nhân, thảo nào viết hay đến vậy, tài thật!”
Đường Thận là học trò của Phó Vị chẳng phải bí mật gì ở Quốc Tử Giám. Nhưng Lâm Tế tửu biết còn thêm một việc ngoài lề, ấy là người viết thư tiến cử Đường Thận vào Quốc Tử Giám không phải Phó Vị, mà chính là Vương Trăn! Đích thân tiến cử Đường Thận vào Quốc Tử Giám, chứng tỏ Vương Tử Phong phải vô cùng yêu thích tiểu sư đệ này.
Lâm Tế tửu nghiêm nghị mở phần thứ hai của bài thi ra. Ông nghĩ bụng, nếu đã là sư đệ của Vương Tử Phong, đồ đệ của Phó Hi Như, chế nghệ đã viết tốt thế, dù lần này thơ thí thiếp của Đường Thận một màu đến mấy, chỉ cần không đến nỗi diễn đạt lủng củng thì ông cũng tặng luôn cậu hạng ba kì thi này, coi như khiến Vương Tử Phong và Phó Hi Như mang ơn mình một lần.
Vừa mới thấy bài thơ thí thiếp, Lâm Tế tửu bỗng trợn tròn mắt, mặt đỏ gay, mãi không thốt nên lời.
Độ một chén trà nhỏ sau, ông la lên: “Hay! Hay! Quá hay! Mọi người lại đây mà đọc áng thơ phi phàm này!”
Các giảng tập hiếu kì vô cùng, vội vàng truyền tay nhau đọc thơ. Giảng tập tuy là quan viên nhưng đều là văn nhân cả. Chỉ một áng thơ ngũ ngôn tứ vận ngắn ngủi này thôi, lại khiến ai nấy tràn trề sinh lực, mặt mày rạng rỡ.
Chênh vênh trăm thước lầu cao,
Giơ tay với được trăng sao trên trời.
Dám đâu to tiếng nói cười,
Chỉ e kinh động đến người thiên cung8.