Đường gia bỗng dưng có án thủ tú tài, hoàn toàn không phải chuyện nhỏ, tức khắc đã đến tai Đường cử nhân.
Đường cử nhân mời Đường Thận đến nhà họ Đường dự tiệc. Ông mở hẳn một bữa tiệc hoành tráng với ba chục mâm cỗ, linh đình suốt ba ngày ba đêm, đãi toàn thể bà con láng giềng ở Cô Tô để hoan hô tân án thủ. Đường Thận không từ chối lời mời này. Quan hệ giữa cậu với Đường gia tuy không thân thiết như người một nhà, nhưng đã hợp tác với nhau rồi thì hai mà như một.
Đêm tiệc thứ nhất kết thúc, nha hoàn Hải Đường mời Đường Thận đến thiên viện của Đường phủ, Đường phu nhân đã đợi cậu từ lâu.
Thấy cậu đến, phu nhân cười nói: “Nhớ lúc bác cháu mình mới gặp nhau, bác không ngờ cháu tài giỏi đến vậy, đỗ đầu cả huyện Ngô lẫn phủ Cô Tô.”
Đường Thận chắp tay khiêm tốn: “Đại bá mẫu quá khen rồi, chỉ là án thủ tú tài thôi ạ.”
Đường phu nhân: “Cháu khiêm tốn quá, anh họ cháu hơn cháu mấy tuổi mà lần này chẳng đậu nổi tú tài. Ôi, bác buồn nẫu cả ruột. Được rồi, hôm nay không nói về cái thằng ngốc đó nữa, không cháu lại mất vui. Thận nhi này, mấy hôm trước đại chưởng quỹ Phương của Cẩm Tú Các bên Kim Lăng tới phủ Cô Tô, muốn đặt hàng từ Trân Bảo Các của chúng ta.”
Đường Thận mắt sáng ngời: “Họ đặt xà phòng ạ?”
Đường phu nhân lắc đầu: “Xà phòng, xà phòng thơm và tinh dầu, đại chưởng quỹ Phương lấy tất!”
Đường Thận: “Duyệt!”
Đường phu nhân: “Duyệt!”
Hai bác cháu nhìn nhau cười.
Xà phòng đã lên kệ được ba tháng, đúng như Đường Thận nói, đây là con át chủ bài của cậu.
Công dụng giống y như xà phòng thơm, kiểu dáng không khác biệt, lại rẻ hơn bao nhiêu. Người cổ đại không phải là không có mặt hàng thay thế, chính là di tử, được nghiền từ tụy heo rồi thêm đường cát và tro than. Nguyên liệu chính là tụy heo nên sản phẩm vẫn ám mùi tanh, màu sắc thì xám đen, sờ vào dinh dính. Trước khi có xà phòng, di tử vẫn là chất tẩy rửa để giặt quần áo của dân Cô Tô, nhưng từ khi có xà phòng, vừa bền hơn, vừa sạch sẽ đẹp đẽ hơn, người dân Cô Tô vô cùng yêu thích mặt hàng này. Có thể nói là hiện giờ dân Cô Tô thiếu trà thiếu rượu thì được, nhưng nhất định trong nhà phải có muối và xà phòng.
Phủ Cô Tô và phủ Kim Lăng gần nhau, Đường Thận đã dự đoán được sẽ nhanh chóng có người phát hiện ra xà phòng, nhưng không ngờ là nhanh đến thế.
Xà phòng là mặt hàng dễ làm, dễ bán thì đi một nhẽ, nhưng cả xà phòng thơm và tinh dầu cũng được để ý thì Đường Thận hơi ngạc nhiên.
Đường phu nhân nói: “Chắc cháu không biết Cẩm Tú Các buôn bán gì đâu nhỉ? Cẩm Tú Các là cửa hàng son phấn lớn nhất phủ Kim Lăng. Ở Kim Lăng ấy, tửu lâu lớn nhất chính là lầu Cẩm Tú, phường thêu lớn nhất là Cẩm Tú phường, quán rượu to nhất chính là tửu phường Cẩm Tú. Ông chủ của Cẩm Tú Các là nhà họ Trịnh xứ Kim Lăng, cũng là cự phú số một Giang Nam đấy.”
Đường Thận ồ lên: “Thì ra là thế.”
Lái buôn bình thường tới phủ Cô Tô, thấy hàng hóa trong Trân Bảo Các, nhất định rất thích xà phòng. Xà phòng thơm và tinh dầu tuy cũng bán tốt, nhưng so với xà phòng thì đầu ra nhỏ hơn hẳn. Chỉ có ông lớn mới dám độc quyền xà phòng thơm và tinh dầu. Thế nhưng chỗ chống lưng của Cẩm Tú Các là nhà họ Trịnh, gia tộc giàu có nhất phủ Kim Lăng, giàu có nhất toàn vùng Giang Nam!
Phải tầm cỡ như Trịnh gia mới có gan thầu cả xà phòng thơm lẫn tinh dầu, mua về bán lại.
Đường phu nhân: “Có một điều hôm nay bác hơi do dự, Thận nhi, chúng ta nên hợp tác với Cẩm Tú Các thế nào đây? Việc kinh doanh một nửa vẫn là của cháu, ý cháu thế nào, nói bác nghe xem?”
Đường Thận: “Đại bá mẫu hẳn đã có ý tưởng rồi chứ ạ.”
Đường phu nhân mỉm cười: “Đúng là không gạt cháu được. Thận nhi, Đường gia chúng ta ở phủ Cô Tô có chút thế lực, nhưng ở Kim Lăng thì chẳng khác nào bịt mắt đi đêm. Phủ Kim Lăng là địa bàn của Trịnh gia, không hợp tác với họ, chúng ta không có cách nào buôn bán ở Kim Lăng hết cả, dù cố làm thì cũng khó mà thu hồi vốn. Vì lí do đó nên bác mới muốn hợp tác cùng họ. Nhưng sản xuất hàng thế nào thì bác vẫn phân vân hai phương án. Một là chúng ta sản xuất ở Cô Tô, rồi vận chuyển đến Kim Lăng thông qua Đại Vận Hà. Hai là chúng ta mở xưởng sản xuất ở ngay Kim Lăng.”
Đường Thận nói: “Phương án hai là một vốn bốn lời đấy ạ. Giai đoạn đầu phải đầu tư hơi nhiều thôi, nhưng về sau thì thu lợi trực tiếp. Phương án thứ nhất thì mỗi lần vận chuyển lại bị đội chi phí lên, tốn kém hơn nhiều so với biện pháp thứ hai ạ.”
Đường phu nhân: “Nhưng mà…”
Đường Thận: “Nhưng mà phương án hai đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đặt xưởng ở tận phủ Kim Lăng xa xôi. Theo lời đại bá mẫu nói, phủ Kim Lăng chính là sân nhà của Trịnh gia, nếu mở xưởng ở bên đó, có chuyện gì xảy ra cũng chẳng ai biết. Đại bá mẫu chọn phương án nào ạ?”
“Phương án thứ nhất.”
“Cháu cũng thấy như vậy là hợp lí.”
Đường Thận vẫn biết ở phía Tây thành Cô Tô giáp với Đại Vận Hà, được xây dựng từ các triều đại trước. Kênh đào này bắt đầu ở Thịnh Kinh, kết thúc ở Tiền Đường1. Hàng hóa từ Nam ra Bắc, phần lớn đều được vận chuyển trên con kênh Đại Vận Hà, nhưng cậu chưa từng được chứng kiến công trình thủy lợi vĩ đại này.
Sau khi thỏa thuận thành công vụ làm ăn này với Cẩm Tú Các, Đường Thận và Diêu Tam cùng nhau đi ra bờ Đại Vận Hà.
Kênh đào rộng mênh mông, trên mặt sông có đến hàng nghìn cánh buồm chen chúc, dòng thuyền, dòng người di chuyển ồ ạt như thủy triều. Ngay bến cảng đã có hơn mười con thuyền khổng lồ đang bốc dỡ hàng hóa. Lá trà và tơ lụa Cô Tô là đệ nhất thiên hạ. Mỗi ngày từ bến cảng này vận chuyển lượng tơ lụa và lá trà trị giá hàng vạn lạng bạc đi khắp vùng miền Đại Tống.
Diêu Tam nói: “Làng quê tôi cũng tiếp giáp với một nhánh con của Đại Vận Hà, nhưng so với mạch chính ở phủ Cô Tô thì kém lắm, mỗi ngày tối đa chỉ có mười thuyền cập bến thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng lân la ra bến trò chuyện với thủy thủ, nghe họ kể truyện trời Nam đất Bắc.”
Đường Thận: “Diêu đại ca, anh còn am hiểu vận chuyển đường thủy nữa à?”
Diêu Tam gãi đầu gãi tai: “Tiểu đông gia đánh giá tôi cao quá, tôi có biết gì đâu. Chỉ là nghe thủy thủ kể lại, khi giao hàng bọn họ có một quy tắc, gọi là nguyên tắc Sa Bang, hoặc quy tắc Sa Thuyền. Giả sử, ở phủ Cô Tô, nhà họ Đường, nhà họ Vương và nhà họ Tôn đều muốn vận hàng đến Thịnh Kinh, đường xá xa xôi, trên đường rất có thể sẽ gặp bão táp, giặc cướp. Ba nhà sẽ hợp tác chế tạo ba chiếc thuyền, mỗi thuyền chất một phần ba hàng hóa, cuối cùng bất luận là thuyền nhà ai đến Thịnh Kinh, cả ba nhà sẽ chia đều hàng hóa trên thuyền. Tổn thất từ các thuyền chìm cũng là ba nhà cùng chịu.”
Đường Thận cảm thán: “Người xưa khôn ngoan quá!”
Mười ngày sau, Đường Thận và Đường phu nhân thỏa thuận xong chuyện giao hàng đến Kim Lăng. Cậu về đến nhà thì Diêu đại nương đang nấu cơm.
“Tiểu đông gia đã về đấy à? Khéo quá, Kế toán Lâm đến được nửa canh giờ rồi đấy. Không phải cậu bảo sáng nay có việc muốn nói với ông ấy sao, ông ấy chờ cậu lâu lắm rồi đấy.”
Đường Thận: “Bác ấy tới sao? Bác ấy đang ngồi đâu thế ạ?”
Diêu đại nương từ trong bếp đi ra, ngó nghiêng xung quanh: “Hay là vào phòng A Hoàng nhỉ?”
Đường Thận nhíu mày.
Kế toán Lâm là đàn ông, vào phòng A Hoàng làm gì? Đường Thận đi tới trước cửa phòng Đường Hoàng, phát hiện ban ngày ban mặt mà phòng con bé đóng kín mít. Đường Thận không nóng nảy, đứng ghé vào cửa sổ nghe ngóng bên trong. Tiếng nói chuyện trong phòng khe khẽ, cậu chỉ nghe được đôi câu “đừng đọc cái này”, với “bác viết lại cho cháu xem nào”.
Đường Thận lấy làm lạ, không gõ cửa mà đẩy thẳng cửa ra.
Đường Hoàng giật mình la oai oái, cuống quýt vơ hết đồ trên bàn giấu ra sau lưng. Kế toán Lâm cũng hốt hoảng, đứng lên không được mà ngồi xuống chẳng xong. Ông dè dặt đi tới trước mặt Đường Thận, hỏi: “Tiểu đông gia, cậu về từ khi nào thế, tôi không biết đấy.”
Đường Hoàng: “Anh! Sao anh vào phòng mà không gõ cửa? Chính anh dạy em rằng người lịch sự trước khi vào phòng phải gõ cửa còn gì!”
Đường Thận nhướng mày: “Nếu anh gõ cửa thì chắc là khỏi cần biết hai người bọn em lén lút làm cái gì trong lúc anh đi vắng hả? Đường Hoàng, em giấu cái gì sau lưng, lấy ra.”
Cô bé con khư khư giấu mấy thứ đồ sau lưng, môi mím chặt, mặt tái mét, lùi sát vào tường.
Đường Thận rất nghi ngờ, bước tới bảo: “Đưa cho anh.”
“Em không đưa!”
Đường Thận không ép con bé, quay ra hỏi: “Kế toán Lâm, hai bác cháu làm gì trong phòng mà không nói được?”
Kế toán Lâm do dự đôi chút, đành bảo: “A Hoàng, cháu đưa cho tiểu đông gia đi.”
Đường Hoàng tủi thân, rơm rớm nước mắt, miễn cưỡng lấy những thứ giấu sau lưng ra cho anh xem. Đường Thận chăm chú nhìn, phát hiện đúng là một quyển “Thiên gia thi2” và một tờ giấy Tuyên, trên giấy cũng không có gì nhiều nhặn lắm, mới được vài con chữ nguệch ngoạc. Xem xong là Đường Thận biết tỏng: “Em nhờ kế toán Lâm lén dạy em đọc sách hả?”
Kế toán Lâm vội đỡ lời: “Tiểu đông gia đừng trách tiểu thư A Hoàng, chỉ dạy nhận mặt chữ thôi ạ, lỗi tại tôi cả.”
Đường Thận: “Bác dạy em ấy đọc sách thôi, có gì mà phải giấu giấu giếm giếm, đóng cửa kéo rèm?”
Đường Hoàng với Kế toán Lâm ngớ cả người.
“Tiểu đông gia?”
Đường Hoàng tròn mắt, một giọt nước mắt ứa ra, lăn dài trên má em. Cô bé nghẹn ngào hỏi: “Anh ơi, em đọc sách, anh không giận ạ?”
Đường Thận thản nhiên như không: “Em đọc sách thì sao anh phải cáu? Nhưng đúng là có chuyện đáng bực thật.” Đường Thận nhìn chữ trên tờ giấy, hỏi: “Kế toán Lâm, bác gia sư cho con bé đọc sách viết chữ được bao lâu rồi?”
“Hơn ba tháng.”
“Hơn ba tháng? Thế là trước khi cháu thi huyện thì bắt đầu dạy. Đường Hoàng, em thử nhìn xem em viết chữ kiểu gì đây? Lương tiên sinh đã từng chê, mặt mũi anh rõ đẹp trai, nhưng chữ thì như gà bới. Nửa năm trước, chữ của anh còn xấu hơn cả chữ em. Nhưng sau nửa năm, chữ anh đã được tiên sinh khen nức nở, còn hai lần đỗ án thủ kia!”
Đường Hoàng ngơ ngác mãi mới phản ứng kịp: “Anh ơi, anh đang tự khen mình đẹp trai đấy à?”
Đường Thận: “Anh không nói thế nhé!”
Đường Hoàng: “Anh có!”
“Ờ, thì anh cũng đâu có nói sai. Em nhìn chữ em mà xem, luyện chữ ba tháng mà viết lách thế này hử?!”
Đường Hoàng ấm ức ơi là ấm ức: “Em có dám luyện chữ đâu, toàn phải chờ lúc anh, Diêu đại nương với Diêu đại ca không có nhà để lén tập viết, viết được thế là giỏi lắm rồi.”
Đường Thận: “Không lí do lí trấu nhé! Đã thế anh cho em thêm ba tháng nữa, để xem em viết được đến đâu!”
“Anh ơi… anh đồng ý cho em học đọc, học viết thật ạ?” Cô bé dè dặt hỏi, thấp thỏm khi anh trai bỗng dưng tử tế đến lạ.
“Sao anh phải phản đối chứ?”
“Lúc cha còn sống luôn bảo con gái không có tài mới là đức, cấm em với mẹ dính dáng tới sách vở, cũng cấm em và mẹ bước vào thư phòng của cha…”
Đường Thận lúc này mới sực nhớ ra hình như Đường tú tài từng nói như thế, chỉ là cậu không ngờ việc này ảnh hưởng đến Đường Hoàng sâu sắc như vậy.
Đường Thận áy náy lắm, vội an ủi cô bé: “Lỗi tại anh sơ ý. Em muốn làm gì, anh tuyệt đối không cấm cản. Đương nhiên, trừ việc giết người phóng hỏa ra, nếu em dám làm thì quân pháp bất vị thân! Chỉ là đọc sách thôi mà, sao em lại không được học đọc chứ? Kế toán Lâm, đằng nào hôm nay bác cũng đến nhà cháu rồi, không biết bác có bằng lòng nhận Đường Hoàng làm học trò, làm gia sư3 cho nhà cháu không?”
Đường Hoàng mừng quýnh: “Anh!”
Kế toán Lâm cười nói: “Tiểu đông gia đã có lời, tôi nào dám từ chối.”
“Anh đúng là anh trai tốt nhất trần đời!”
Đường Thận được em gái nịnh nọt tung hô suốt cả ngày. Đường Hoàng như thể muốn xông ra giữa Toái Cẩm nhai loan báo cho tất cả mọi người biết rằng anh trai nhà mình tử tế cỡ nào. Đến bữa cơm tối, kế toán Lâm được mời lại dùng cơm với cả nhà. Ông nói: “Tiểu đông gia và A Hoàng trông hơi giống nhau nhỉ.”
Diêu Tam: “Đúng đó, dù sao cũng là anh em ruột, đôi mắt hai người khá giống nhau.”
Đường Thận hơi ngạc nhiên, nhưng cậu chưa kịp nói, Đường Hoàng đã mau miệng: “Mắt của cháu với mắt anh có giống nhau đâu, mắt cháu to hơn nhiều.”
Đường Thận: “Ờ, nói khoác không biết ngượng, em có trợn lồi mắt ra cũng chỉ bằng mắt anh lúc bình thường thôi.”
Cả nhà cười phá lên.
(Bản edit phi lợi nhuận chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy mua chương cho tác giả trên Tấn Giang nếu có thể.)
Ba ngày sau, Đường Thận và kế toán Lâm lên thuyền hàng của Đường gia đi Kim Lăng.
Suốt một năm kể từ khi đến đây, đây là lần đầu tiên Đường Thận rời khỏi Cô Tô. Thoạt tiên cậu hăng hái lắm, đứng mũi thuyền ngắm nghía phong cảnh. Nhưng ngắm mãi cũng chán, cậu bèn vào trong buồng nhỏ trên tàu chờ. Chạng vạng thì cả đoàn tới Kim Lăng. Đường Thận không đến Cẩm Tú Các cùng đại chưởng quỹ của Trân Bảo Các mà đi dạo quanh phủ Kim Lăng với kế toán Lâm.
Cố đô trăm năm, Tần Hoài mười dặm. Gió xuân phe phẩy má đào, Kim Lăng nhi nữ anh hào một phương.
Hai bác cháu đi dạo khắp những con phố xa hoa náo nhiệt nhất ở Kim Lăng, rồi ghé thăm Giang Nam cống viện.
Kế toán Lâm nói: “Đây chính là trường thi của tiểu đông gia sau này đấy. Nếu cậu thi đỗ…” Ông ngừng lời, “Úi chà, tôi nói gì thế này, sai quá, phỉ phui cái mồm. Tiểu đông gia đương nhiên là sẽ đỗ cử nhân rồi. Sau khi đỗ cử nhân, cậu có thể tới cống viện để học tập, không đến cũng được, nhưng ít nhất nên ghi tên vào học tịch.”
Cống viện Giang Nam là cấm địa của quan phủ, ngoại trừ những lúc tổ chức khoa thi, còn lại chỉ có các cử nhân theo học ở đây mới được ra vào.
Đường Thận ngắm nghía, thấy nơi này và học viện Tử Dương cũng không khác nhau là mấy.
Hai bác cháu ghé qua miếu Phu Tử, hẻm Ô Y tham quan một lượt.
Đường Thận cảm khái:
Bên cầu, cỏ dại hoa đồng,
Ô Y ngõ cũ nằm trong nắng chiều.
Én lầu Vương Tạ thuở nào,
Bây giờ lưu lạc bay vào nhà dân*
Ra là hẻm Ô Y này đây!”
[*] Bài Hẻm Ô Y của nhà thơ Lưu Tích Vũ. Dịch giả: Nhà thơ Ngô Văn Phú
Kế toán Lâm ngạc nhiên: “Tiểu đông gia nói gì thế?”
Đường Thận lờ đi: “Không có gì đâu ạ, thơ cháu tình cờ nghe được, tiện mồm ngâm nga ý mà.”
Kế toán Lâm nói: “Không biết Tiểu đông gia nghe thơ này từ đâu, nhưng đừng đọc lung tung nhé. ‘Én lầu Vương Tạ thuở nào, bây giờ lưu lạc bay vào nhà dân.’ Nhà họ Tạ thì thôi, giờ sa sút nhiều rồi, khó mà khôi phục được sự thịnh vượng năm xưa. Nhưng Lang Gia Vương thị4 là thế gia đại tộc chính hiệu đấy! Nhà họ dòng dõi trâm anh, cơ man là của ăn của để. Lỡ có ai nghe thấy cậu rủa hai nhà Vương, Tạ lụn bại thì gay go to!”
“… Hơ?”
Kế toán Lâm nói: “Tiểu đông gia chớ có đọc nữa nhé.”
Đường Thận gật đầu lia lịa: “Vâng vâng vâng, cháu không đọc nữa.”
Té ra là ở thế giới này, hai nhà Vương, Tạ vẫn chưa phá sản!
Hai bác cháu dạo chơi chán chê suốt một canh giờ, đến lúc ngọc thiềm5 lơ lửng trên bầu trời thì ngày đã sang đêm. Đường Thận định tìm một chỗ nghỉ ngơi thì Kế toán Lâm ngập ngừng nói: “Chỗ này khá gần sông Tần Hoài nhỉ.”
[5] Ngọc thiềm là con cóc ngọc. Theo truyền thuyết Trung Hoa thì trên cung trăng có con cóc ba chân nên “ngọc thiềm” cũng là cách gọi mặt trăng. Mình rất thích cách gọi này nên không muốn edit khác đi ^^
Đường Thận ngơ ngác: “Dạ?”
“Tiểu đông gia… bữa nay đích thân tới Kim Lăng, phải chăng là muốn thưởng thức đặc sản Kim Lăng, thương nữ trên sông Tần Hoài?”
Đường Thận đần mặt ra, mãi mới hiểu “thương nữ” là ý gì.
Ô hay, trong mắt người khác cậu háo sắc thế à?
Đường Thận đằng hắng, nhắc nhở kế toán Lâm: “Kế toán Lâm, cháu mới mười bốn tuổi thôi ạ.”
“Nhớ năm mười bốn tuổi, tôi đã đính hôn với phu nhân từ lâu rồi.”
“…”
Thế này thì nói chuyện kiểu quái nào được!
Đường Thận đương nhiên không muốn ghé thăm sông Tần Hoài, trên thực tế cậu đến Kim Lăng chủ yếu là để khảo sát thị trường. Tình hình sinh hoạt của bách tính phủ Kim Lăng, người buôn kẻ bán ở Kim Lăng, đều là các đối tượng cậu muốn quan sát. Đồng thời cậu cũng định ngày mai sẽ đến Cẩm Tú Các một chuyến. Phủ Kim Lăng quả thực là giàu có, nhưng muốn bán tinh dầu và xà phòng thơm thật hiệu quả thì không phải cứ đập tiền vào là được.
Đường Thận dự định đến Cẩm Tú Các, giúp đại chưởng quỹ Phương thiết kế khu vực bày bán tinh dầu và xà phòng thơm, giống như cách cậu đã làm ở phủ Cô Tô vậy.
Nhưng mà đến tận đây rồi…
Đường Thận nói: “Bác muốn xem thử chút không ạ?”
“Nào ta đi.” Mặt kế toán Lâm rõ mồn một vẻ ông biết tỏng là cậu muốn đi rồi.
Đường Thận: “…”
Giờ quay về có kịp không vậy?
Đỗ Mục từng viết một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt:
Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa**
[**] Bạc Tần Hoài. Dịch giả: Trần Trọng San
Đại Tống quốc thái dân an, các thương nữ hiện giờ đương nhiên không hát bài ca vong quốc mà hát khúc ca thái bình. Trong màn đêm trên sông Tần Hoài, thuyền hoa dập dìu trên làn nước gợn sóng, ánh đèn lung linh, tiếng mái chèo khua lãng đãng. Đường Thận không lên thuyền hoa, chỉ đi dạo dọc theo bờ sông, chiêm ngưỡng cảnh tượng thịnh thế.
Tiếng tì bà của các thu nương6, tiếng đàn cầm, réo rắt lẫn trong tiếng nước ì oạp của dòng Tần Hoài.
Đường Thận chợt thốt lên: “Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát! Hay quá, chính là Kim Lăng này đây!”
Kế toán Lâm chẳng hiểu gì cả.
Ngày hôm sau, Đường Thận đến Cẩm Tú Các. Đại chưởng quỹ Phương đã biết trước là cậu sẽ tới, ra tận cửa đón. Đường Thận miêu tả tổng quát ý tưởng thiết kế cho mặt tiền cửa hàng. Đại chưởng quỹ Phương ngạc nhiên lắm, nhắc lại: “Yên lung hàn thủy…nguyệt lung sa?”
“Phải.”
“Câu này là Đường công tử sáng tác ư?”
“Không phải, tôi nghe được từ người khác đấy.”
“Câu này đúng là thiên cổ giai cú, đáng lưu truyền nghìn năm. Đường công tử cứ yên trí đi, tôi sẽ cho người chuẩn nước và cát trắng y lời cậu, cậu chỉ phải lo bài trí lại cửa hàng thôi. Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa. Chỉ cần câu thơ này thôi, tôi đảm bảo tinh dầu sẽ thắng lớn ở Kim Lăng.”
Nửa tháng sau, xà phòng, xà phòng thơm và tinh dầu đã được bày bán hết ở phủ Kim Lăng.
Lần này Cẩm Tú Các không bắt chước Trân Bảo Các, ém xà phòng bán sau. Lí do là phủ Kim Lăng gần phủ Cô Tô, người dân Kim Lăng đã nghe đến xà phòng rồi, thậm chí còn mua xà phòng từ Cô Tô nữa. Cẩm Tú Các tung cả ba mặt hàng cùng một lúc, đồng thời dựa vào quan hệ của nhà họ Trịnh, nhờ một người trong Lang Gia Vương thị đề chữ để trưng bày trong cửa hàng Cẩm Tú Các.
『 Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa』
Lạc khoản: Vương Tử Phong.
Đại chưởng quỹ Phương cầm bức thư pháp lên, giật nảy mình: “Đông gia, sao ngài mời được Vương tướng công viết tặng vậy?”
Ông chủ Cẩm Tú Các, gia chủ họ Trịnh – Trịnh Hạo cũng cảm thấy kì quặc: “Vốn ta định nhờ Vương nhị công tử viết tặng ấy chứ! Với quan hệ họ Trịnh nhà ta với họ Vương bọn họ thì chỉ là chuyện nhỏ. Tình cờ thế nào đúng dịp Vương đại công tử về thăm nhà, chẳng biết câu thơ này truyền đến tai anh ta lúc nào, anh ta bảo hay quá, trước khi về Thịnh Kinh đã viết bảy chữ này, đưa cho nhị công tử.”
Đại chưởng quỹ Phương nói: “Tuyệt vời, quá tuyệt vời! Đông gia, chúng ta tuy không có thư pháp do Lương đại nho tự tay tặng cho ‘Hoàng Kim Lũ’, nhưng bức thư pháp này của Vương tướng công, ở Kim Lăng, cũng sánh ngang với chữ của Lương đại nho vậy!”
Chẳng cứ ở phủ Kim Lăng đâu, đại chưởng quỹ Phương nghĩ bụng: Kể cả treo ở Thịnh Kinh, bức thư pháp này cũng xứng đáng là biển hiệu vàng ấy chứ!
Việc này Đường Thận đương nhiên không biết tí ti gì. Cậu chỉ phụ trách việc chỉnh sửa mặt tiền cửa hàng, chẳng hay đại chưởng quỹ Phương, không hổ là thương nhân, khôn như rận, ngay cả chiêu trò marketing nhờ Lương Tụng tặng chữ ở Trân Bảo Các của cậu cũng bắt chước được. Kết quả còn không thua kém gì.
Trở lại phủ Cô Tô rồi, thời gian đến lúc thi viện chỉ còn hơn một tháng, Đường Thận bắt đầu hăng hái ôn tập.
Hậu thế thường nói đề tên bảng vàng, ai cũng biết đến Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, nhưng không rõ lắm về cử nhân, tú tài và các cuộc thi bậc thấp hơn, cũng không hiểu sự phức tạp của ba trường thi đồng sinh. Trường thứ nhất là thi huyện, đỗ trường này mới là đồng sinh; trường thứ hai là thi phủ, đỗ trường này mới lên tú tài.
Nhưng không phải cứ đỗ tú tài sẽ có cơ hội thi lên cử nhân, bằng không Giang Nam Cống viện chỉ có bằng đấy phòng, ai ai cũng đi thi thì có mà vỡ trận. Tú tài muốn thi lên cử nhân, ngoại trừ một số trường hợp đặc cách, còn không tất cả đều phải thi viện, đỗ thi viện mới được thi Hương, tức là thi lên cử nhân.
Đường Thận vẫn chăm chỉ viết hai bài chế nghệ, một bài thí thiếp mỗi ngày. Nếu như Lương Tụng ở phủ Cô Tô, hàng ngày cậu sẽ đem bài sang cho tiên sinh chấm. Nếu Lương Tụng không ở Cô Tô, cậu sẽ để bài lại, chờ Lương Tụng về.
Cứ như vậy đến một ngày trước khi thi viện, vì hôm sau phải dậy sớm đến trường thi, Đường Thận đi ngủ từ giờ Dậu. Giờ Tuất ba khắc, chợt có người đập cửa. Diêu Tam giật mình tỉnh giấc, ra mở cổng, thấy một người áo quần bụi bặm, mặt mũi phờ phạc vì bôn ba đường dài đứng trước cửa. Anh ta mặc một chiếc áo choàng, giấu mặt, nhỏ giọng hỏi: “Có phải nhà Đường Thận không?”
Diêu Tam cảnh giác: “Đúng rồi, anh là ai, từ đâu tới?”
Đường Thận bị đánh thức, không kịp mặc quần áo đã ra khỏi phòng.
Người bí ẩn kia nói: “Tôi là Từ Tuệ, cháu họ của Lương đại nhân. Anh nói với Đường Thận, cậu ấy sẽ biết.”
“Anh Ngu Chi?”
Từ Tuệ ngẩng đầu, thấy Đường Thận.
Đường Thận: “Anh vào nhà đã, có gì rồi mình nói bên trong.”
Từ Tuệ vào trong phòng, nét mặt căng thẳng, mãi không có ý định mở lời. Đường Thận hiểu ý anh ta, nói: “Diêu đại ca, anh cứ ra ngoài đi. Đây là Từ Ngu Chi, cháu họ của tiên sinh, hẳn là tiên sinh có việc tìm tôi.”
Diêu Tam gật đầu, rời khỏi phòng.
Đường Thận hỏi: “Lẽ nào Lương tiên sinh xảy ra chuyện?”
Từ Tuệ lắc đầu: “Không. Đại nhân hẵng còn bên Kim Lăng, sợ là mấy ngày nữa mới về được.”
“?”
Từ Tuệ do dự giây lát, nói: “Đại nhân chưa về, nhưng có việc này, anh không đợi được. Đường Thận, e rằng em không biết, nửa năm nay đại nhân vẫn đi đi về về bên Kim Lăng, là để cứu một cố nhân. Người bạn cũ của đại nhân bị giam trong thiên lao hai mươi lăm năm rồi, nửa năm trước, không hiểu vì sao, đại nhân nhận được tin, hình như có người muốn mưu hại người bạn đấy.”
Đường Thận nghĩ thầm, chẳng phải ấy là Chung Nguy, Chung đại nho hay sao.
Cậu làm bộ như chưa biết gì: “Ai lại muốn hại bạn tốt của tiên sinh vậy?”
“Anh cũng không rõ. Thế nhưng sáng sớm hôm nay, có một người từ Thịnh Kinh về phủ Cô Tô gấp để chịu tang người thân. Hắn ta chỉ ở lại đúng hai ngày, anh không kịp báo cho đại nhân, e là đại nhân cũng không có biện pháp ứng phó kịp.” Ngập ngừng giây lát, Từ Tuệ nói: “Đường Thận, anh phải nói trước với em, người này có dính dáng đến Thánh thượng. Thiên hạ đều biết, thánh thượng si mê tu tiên, độc sủng yêu đạo Lý Tiêu Nhân. Anh tìm hiểu được rằng, người về phủ Cô Tô chính là tục gia đệ tử của Lý Tiêu Nhân. Nếu muốn nghe được tin tức từ Thịnh Kinh, thăm dò thánh ý, người đó chính là phương tiện tốt nhất.”
Đường Thận cau mày: “Anh muốn em giúp anh tìm hiểu tin tức?”
Từ Tuệ thở dài: “Anh cùng đường rồi em ạ. Đại nhân là người thanh bần, đừng thấy ngài là phủ doãn phủ Cô Tô, thế lực và quan hệ của ngài ở đây e là kém xa nhà họ Đường của em. Sở dĩ anh chỉ có thể tới nhờ em giúp, là muốn em nhờ Đường cử nhân thử xem.”
Đường Thận trầm ngâm giây lát: “Gấp lắm hả anh?”
“Chiều tối mai là người ấy đi rồi!”
“Được, vậy anh đi theo em.”
Đường Thận đổi quần áo, dẫn Từ Tuệ ra cửa. Từ Tuệ tưởng cậu dẫn mình đến Đường phủ, ai ngờ Đường Thận và Diêu Tam đi tuốt luốt tận đâu, đương nhiên là không đến Đường phủ, mà sang một đại viện.
Diêu Tam đập cửa, một người đàn ông trung niên lực lưỡng, dáng vẻ nhanh nhẹn đi ra, thấy họ liền chào: “Tiểu đông gia, Diêu huynh đệ.”
Đường Thận: “Lưu đại ca, tôi nhớ không nhầm, việc hậu cần ở khu hẻm Đồng Đức là do anh quản lí phải không?”
Lưu Hào Tử nói: “Phải. Tiểu đông gia có việc gì sai bảo?”
Việc làm ăn của Hậu cầu Đường thị từ lâu đã đi vào quỹ đạo. Ba tháng trước, Đường Thận cố ý đề bạt một số nhân viên tháo vát lên làm quản lí, để họ phụ trách việc hậu cần ở một phường hoặc một phố. Lưu Hào Tử chính là một trong số đó.
Đường Thận: “Nếu tôi muốn nhờ anh tìm hiểu về một nhà này thì anh có làm được không? Gia đình đó ở hẻm Đồng Đức.”
“Ba ngày nữa tôi sẽ có tin tức cho tiểu đông gia, hôm ấy người đó mặc nội sam màu gì?”
“Nếu chỉ có một ngày thì sao?”
Lưu Hào Tử sửng sốt: “Thế thì tôi sẽ cố hết sức.”
“Ừ, vậy ngày mai anh cứ nghe vị tiên sinh này chỉ dẫn, anh ta bảo gì thì anh làm nấy.” Đường Thận giới thiệu Từ Tuệ cho Lưu Hào Tử.
Lưu Hào Tử vâng vâng dạ dạ.
Từ Tuệ cảm kích vô cùng, chắp tay bái Đường Thận.
Đường Thận và Diêu Tam cùng nhau ra về.
Đúng vậy, ngay từ đầu, Đường Thận quyết định làm hậu cần chính là để tạo cơ sở thông tin ngầm cho mình ở phủ Cô Tô. Kiếp trước cậu có đọc một cuốn sách về dòng họ Rothschild nổi danh. Vào thế kỉ thứ 19, dựa vào mạng lưới tin tức khổng lồ, nhà Rothschild là những người đầu tiên nắm được tin về kết cục của trận chiến Waterloo. Tận dụng thời gian trước khi tin tức lan ra, nhà Rothschild đã kiếm được một khoản lời khổng lồ, từ đó trở thành một trong những dòng họ giàu có nhất thế giới.
Tin tức, chính là công cụ kiếm tiền vô địch thiên hạ.
Sáng sớm hôm sau, Đường Thận cắp hộp sách tai dài vào trường thi. Cậu ngồi ngay ngắn trước án thư, thần sắc bình tĩnh, tựa như đêm qua không có ai ghé đến làm phiền, kể chuyện chính biến trong triều đình hơn hai mươi năm trước. Đường Thận khí định thần nhàn mở bài thi, Cổ Lượng Sinh ngồi ngay trước mặt, nhìn cậu bằng ánh mắt kì vọng.
Cái danh tiểu tam nguyên Đồng thí vừa là vinh quang cho Đường Thận, vừa là tiếng thơm cho Cổ Lượng Sinh. Ngay năm đầu tiên nhậm chức huyện lệnh ở Cô Tô đã có một tiểu tam nguyên, ấy chắc chắn là điềm lành. Để Đường Thận không viết lạc đề, thi viện lần này anh ta cố ý ra ba đề mục rất đơn giản.
Đường Thận à, nhóc chắc hẳn sẽ không phạm sai lầm nhỉ?
Đường Thận mở quyển, đọc đề mục, ngơ ngẩn.
Đề thứ nhất: “Học phải đi đôi với hành7.”
Đường Thận ngơ ngẩn một lát, bất giác mở đề thứ hai.
Đề số hai: “Biết thì nói là biết7.”
[7] Đều thuộc Luận ngữ
Đường Thận: “….”
Được lắm, khỏi cần đọc đề số ba cũng biết là đề mục rất quen thuộc, tuyệt đối không thể viết lạc đề!
Đường Thận lén lút ngẩng đầu, chạm mắt với Cổ Lượng Sinh.
Cổ Lượng Sinh nhìn cậu tha thiết: Viết tốt nhé, chỉ cần không viết sai, nhóc sẽ là án thủ ngay!
Đường Thận: “…”
Quy tắc ngầm ở trường thi cổ đại đúng là hại người! Cậu rõ ràng không muốn làm án thủ, tại sao lại có người cứ dúi cho cậu làm án thủ thế nhỉ? Hầy, đành miễn cưỡng nhận vậy.
Đường Thận cúi đầu bắt đầu viết, tự vả miệng một cái rồi lại nhếch mép cười.
Hà hà…
Há há há há!
Trường thi đầu tiên kết thúc, Đường Thận nộp quyển, Cổ Lượng Sinh không kịp chờ, vội vàng mở bài thi của cậu ra đọc. Anh ta tỉ mỉ đọc một lượt hai bài chế nghệ và một bài thơ thí thiếp, gật gù suốt.
Đường Thận cũng thở phào nhẹ nhõm, nếu không có gì bất ngờ xảy ra, lần thi viện này chắc cậu lại đậu án thủ.
“Mình quả nhiên là thiên tài!” Đường Thận nghĩ thầm.
Buổi tối về đến nhà, Đường Thận cũng không giấu niềm vui, cậu nói thẳng với Diêu Tam: “Rủ cả nhà kế toán Lâm sang đây, chúng ta ăn mừng.”
Diêu Tam: “Chúc mừng gì thế?”
Đường Thận cười: “Mừng tôi đỗ thi viện.”
Diêu Tam hoàn toàn không ngờ mới thi xong ngày đầu tiên, còn bốn buổi nữa, Đường Thận đã chắc như đinh đóng cột là mình đỗ thi viện rồi. Anh vô cùng tin tưởng Đường Thận, hớn hở mời cả nhà kế toán Lâm sang ăn cơm.
Kế toán Lâm từng có kinh nghiệm, ông vê râu mép, nói: “Xem ra tiểu đông gia rất tự tin, hẳn là hôm nay làm bài tốt lắm.”
Đường Thận cười không nói gì.
Diêu đại nương nấu một bàn ê hề thức ăn, mọi người cùng ăn mừng. Diêu Tam và kế toán Lâm cạn chén. Lúc kế toán Lâm đã ngà ngà say, ông liền bảo Đường Hoàng đọc ba bài thơ mới học lên. Cô bé chẳng hề xấu hổ, ưỡn ngực ngâm liền tù tì ba bài thơ.
Đêm khuya, Đường Thận rời bàn tiệc, lặng lẽ ra mở cổng.
Ngoài cổng là Lưu Hào Tử, hai người im lặng nhìn nhau.
Đường Thận hỏi: “Tin mà Từ Ngu Chi nhờ anh tìm kiếm, anh đã lần ra được chưa?”
Lưu Hào Tử nói: “Tiểu nhân tìm hiểu rất nhiều rồi, nhưng vẫn không biết đã đúng là người ngài ấy cần tìm chưa. Song Từ đại nhân bảo không sao, nói là đã nắm được thông tin cần thiết rồi ạ.”
“Anh đã nói gì với anh ấy, kể tôi nghe xem.”
Lưu Hào Tử kể lại tin tức mình dò la được cho Đường Thận nghe.
“… Gã đạo sĩ họ Hoa đó là một đạo sĩ, nhưng cưới đến ba vợ, nhà cũng thuộc hạng sang ở hẻm Đồng Đức. Hôm qua gã ta về nhà có nói với phu nhân rằng, phải tìm cách bỏ Thịnh Kinh mà về Cô Tô thôi. Lí do là từ đêm có sao chổi rơi nửa năm về trước, hai người sư huynh của gã vào cung hầu hạ đã mất tích luôn.”
Đường Thận: “Đêm có sao chổi… Ồ, là đêm đó ư?”
Lưu Hào Tử hỏi: “Tiểu đông gia còn việc gì nữa ạ?”
“Không có gì. Anh về đi, nhớ rằng chuyện hôm nay tôi nhờ anh phải giữ kín, không được nói cho ai.”
“Dạ.”
Đóng cổng nhà, Đường Thận ngẫm thấy vẫn chưa ổn, bèn gọi Diêu Tam: “Anh lấy năm mươi lạng bạc đưa cho Lưu Hào Tử, bảo anh ta rời khỏi phủ Cô Tô ngay tức khắc, đừng quay về nữa.”
Diêu Tam phỏng đoán có liên quan đến sự việc tối qua, gật đầu đồng ý, gom bạc rồi ra khỏi nhà.
Mười ngày sau, yết bảng thi viện.
Tôn Nhạc và Đường Thận cùng nhau đến trước cổng học viện, có hơn nửa các bạn học ở học viện Tử Dương cũng đến đây đợi kết quả.
Trời tờ mờ sáng, trên trời lãng đãng vài ánh sao. Đường Thận hơi ngái ngủ, ngáp mấy lần liền, Tôn Nhạc hết sức hồi hộp, cứ dán mắt nhìn về phía cổng chính học viện.
Đường Thận: “Nhắm qua nổi không?”
Tôn Nhạc: “Không chắc, nhưng hên xui. Lần này đề dễ thế, viết xuất sắc thì khó, nhưng không viết hỏng được. Cậu nghĩ mấy ông tú tài già ở trường mà xem, văn thái của họ tuy hơn tớ, nhưng cho đề ‘học nhi thời tập chi’, chưa chắc đã viết tốt hơn tớ đâu. Nội dung đấy thì tớ viết ngon ơ!”
Đường Thận mỉm cười, ung dung nói: “Chúc cậu đứng nhất từ dưới đếm lên nhé!”
Tôn Nhạc chẳng bực tức chút nào: “Hạng nhất từ dưới đếm lên thì quá tốt ấy chứ. Bét bảng cũng là đỗ, đỗ là thành cống sinh rồi, có thể ghi danh ở cống viện Giang Nam, năm sau có cơ hội thi Hương!”
“Chả có tí tiền đồ nào cả!”
Đường Thận chọc ghẹo thế thôi, nhưng trong lòng rất mong Tôn Nhạc thi đỗ. Chú béo tưởng chừng là người xuề xòa, nhưng học hành rất nghiêm chỉnh. Mỗi ngày chú ta đều cần mẫn hoàn thành hết bài tập thầy giáo giao, không bỏ sót gì cả. Trong đám con em nhà giàu ở học viện Tử Dương, chú ta là người dụng công học hành nhất. Ngay cả Đường Thận cũng thấy hơi thẹn… dù sao cậu thường phân tâm lo việc kinh doanh của Trân Bảo Các và Hậu cần Đường thị nữa.
Đỗ đầu hay đỗ vớt thi viện thì cũng không khác gì nhau, đều là cống sinh, đều có thể tham gia thi Hương. Nếu không phải đã là án thủ hai lần, Đường Thận cũng chẳng đếm xỉa cái danh án thủ thứ ba. Án thủ có vắt ra được tiền không? Năm nào chả có ba người đỗ!
Cuối cùng, đến giờ Dần, hai sai nha và một học chính bưng bảng vàng tới trước cổng học viện.
Bảng vàng từ từ mở ra, có người khóc thét, có người sướng phát điên. Cảnh tượng rộn rã này trên đất Hoa Hạ đã xuất hiện và tiếp diễn suốt nghìn năm, chưa từng gián đoạn. Chế độ khoa cử tuy có chỗ cổ hủ quá quắt, cách thức thi chế nghệ bát cổ bóp nghẹt tư tưởng của thí sinh, trói buộc họ với Tứ thư Ngũ Kinh, nhưng đây là chế độ công bằng nhất cổ nhân có thể nghĩ ra rồi!
Dù phú quý hay bần hàn, mọi người đều có thể tham gia thi cử.
Đây là con đường đổi đời tốt nhất, mở ra cơ hội làm quan cho dân thường. Dẫu nó bào mòn tuổi xuân, nhưng không ai muốn bỏ lỡ cả.
Chốc lát thôi đã có người báo tin mừng cho Đường Thận.
“Chúc mừng, Đường tiểu tam nguyên!”
“Đường Thận, chúc mừng, chúc mừng!”
“Đường tiểu tam nguyên, phải khao một bữa ở lầu Thiên Thu đấy nhé!”
Đường Thận chắp tay cười: “Cảm ơn các bạn học rất nhiều, xin hẹn mọi người trưa mai ở lầu Thiên Thu.”
Một lát sau, Đường Thận mới phát hiện là không thấy chú béo Tôn đâu. Cậu tìm mãi mới thấy Tôn Nhạc trong đám đông.
“Thế nào, có đỗ không Tôn Nhạc?”
Chú béo từ từ quay mặt ra, Đường Thận hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra chú ta nước mắt nước mũi tèm lem. Tôn Nhạc kích động quá, ôm chầm lấy Đường Thận, tấm thân mỡ màng suýt chút nữa thì xô Đường Thận ngã dập mặt: “Đứng nhất từ dưới lên, đứng thứ nhất từ dưới lên!” Đường Thận, cái miệng cậu đúng là miệng vàng lời ngọc mà. Lần sau nhất định cậu phải bảo tớ đỗ Cử nhân nhé, đỗ bét bảng là được rồi! Ôi làng nước ơi, mai cậu muốn mời mọi người ăn ở lầu Thiên Thu hả? Tớ không cho đâu! Các bạn học, trưa mai Tôn Nhạc này sẽ thết đãi các bạn ở lầu Thiên Thu, đích thân tôi sẽ đãi các bạn!”
Đường Thận dở khóc dở cười.
Có kết quả thi viện xong, Đường Thận nói chuyện với các bạn học một lúc rồi về nhà. Ở nhà đã có một vị khách bất ngờ.
Đường Thận hết sức ngạc nhiên, vội vàng đi tới: “Sao tiên sinh lại sang chơi thế ạ?”
Lương Tụng ngồi trên chiếc ghế gỗ giữa sân, cười hỏi: “Đây là em gái con hả?”
Đường Thận liếc Đường Hoàng: “Vâng ạ, em con tên là Đường Hoàng, năm nay mười tuổi.”
“Đường Hoàng, là chữ ‘hoàng’ nào thế?”
Cô bé nhanh nhảu: “Hoàng của màu ‘vàng’ ạ.”
Đường Thận: “Là ‘hoàng’ trong ngọc ‘Hoàng’. Sách Chu Dịch, thiên Đại Tông Bá có nói, lấy ngọc Hoàng đen8, lễ phương Bắc. Thưa tiên sinh, là chữ ‘hoàng’ này cơ ạ.”
Đường Hoàng há hốc miệng nhìn anh trai.
Lương Tụng thấy phản ứng của hai huynh muội, vuốt râu nói: “Hoàng là mỹ ngọc, tên này hay lắm.”
Đường Hoàng ngẩn người ra hồi lâu, chợt phấn khích chạy tọt vào trong bếp, vừa chạy vừa la lên: “Diêu đại nương ơi con có tên rồi. Đường Hoàng, không phải là ‘hoàng’ trong màu vàng, là ngọc ‘Hoàng’! Lương đại nho còn khen tên hay…”
Đường Thận chỉ biết ôm mặt, có mỗi cái tên thôi mà cô nhóc nhặng hết cả lên, xấu hổ trước tiên sinh quá!
Lương Tụng đứng lên, gọi: “Đường tiểu tam nguyên?”
“A, tiên sinh đã biết tin rồi.”
“Ừ, biết trước con từ đêm qua đấy. Nào, Đường tiểu tam nguyên, thầy trò mình đi dạo một lúc.”
“Vâng ạ.”
Hai người ra khỏi cửa, đi dọc con phố.
Đường Thận thuê nhà ở cạnh một con sông nhỏ, ở thành Cô Tô chỗ nào cũng có những nhánh sông. Thầy trò hai người cứ men theo bờ sông tản bộ.
Lương Tụng hỏi: “Mấy hôm trước Ngu Chi tìm con hả?”
Đường Thận chần chừ giây lát, thú thật: “Thưa vâng.”