Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 157




Nước Liêu, Thượng Kinh Lâm Hoàng phủ.

Quân báo từ phủ Đại Đồng được gửi hỏa tốc về hoàng cung.

Vua Liêu hôn mê bất tỉnh vì bị thương lúc đi săn, sự vụ lớn nhỏ trong triều đều do Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca và Vương tử Thái sư Gia Luật Định giải quyết. Quân báo khẩn cấp nhanh chóng rơi vào tay Gia Luật Xá Ca. Vừa mở ra đọc, y đã nổi giận đùng đùng: “Dám phá hiệp ước ư? Bọn Tống khinh Đại Liêu ta chết hết rồi à! Ngươi đọc quân báo mà xem.”

Gia Luật Cần tái mặt, nhận lấy quân báo. Xem xong, ông ta cả giận: “Đại Liêu ta chưa thèm động binh đao mà quân Tống nhãi nhép đã cả gan vuốt râu hùm. Điện hạ cứ yên tâm, chỉ cần thiết kỵ Đại Liêu ta Nam tiến, lũ ngu xuẩn ấy sẽ nếm mùi đau thương.”

Gia Luật Xá Ca trầm ngâm một thoáng, khoát tay: “Không, có khi đây lại là cơ hội tốt.”

Gia Luật Cần ngây người: “Điện hạ?”

Vẻ bí hiểm bao trùm lên gương mặt mĩ miều của Gia Luật Xá Ca. Y nói rất nhanh: “Trước giờ ta luôn được lòng phụ hoàng, nhẽ ra quyền định đoạt triều chính trong lúc người hôn mê phải thuộc về ta mới đúng. Chỉ hiềm Vương tử Thái sư quyền thế nghiêng trời, bắt lão nhượng bộ có khác nào bảo hổ lột da? Chưa biết chừng phen này quân Tống xâm lăng sẽ mang cơ hội đến cho chúng ta. Phụ hoàng càng lâu tỉnh, tình thế phe ta càng nguy ngập.

Gia Luật Cần đảo mắt một cái rồi cũng hiểu ra, chắp tay nói: “Hạ quan sẽ sai người đưa quân báo khẩn sang phủ Vương tử Thái sư.”

Gia Luật Xá Ca nhếch môi cười, gật đầu nhè nhẹ.

Cùng lúc đó ở Thịnh Kinh, Đại Tống.

Được phép thúc ngựa hết tốc lực trên đường quan, thám báo giơ cao tin chiến trận, phi ngựa chiến một mạch vào hoàng cung.

Triệu Phụ đang húp canh sâm trong điện Thùy Củng.

Ông nhón viên đan màu đen bỏ vào miệng, rồi chiêu canh sâm để nuốt linh đan. Vừa uống xong thì Đại thái giám Quý Phúc rảo bước đi tới, kính cẩn thi lễ: “Quan gia, có tin từ chiến trường Tây Bắc.”

Tin quân hệ trọng bằng trời. Chẳng cần chờ Triệu Phụ cho gọi, người thám báo đưa tin đã vào quỳ trong điện Thùy Củng. Trên đôi bàn tay giơ cao quá đầu của anh ta là một ống gỗ nho nhỏ đợi hoàng đế mở.

Đôi mắt Triệu Phụ từ từ căng ra. Ông ngồi thần người trên ngai rồng suốt mà không trấn tĩnh nổi.

Thế rồi Triệu Phụ lấy hết sức bình sinh chống hai tay vịn, lảo đảo đứng dậy khỏi ngai vàng. Quý Phúc nhanh mắt, cuống quýt chạy sang đỡ tay phải của hoàng đế. Triệu Phụ đứng giữa điện Thùy Củng, chiếc ống gỗ chỉ cách ông đúng hai trượng, vậy mà ông không thể cất bước.

Bọn cung nhân, thái giám thị hầu và các Khởi cư lang, Khởi cư xá nhân túc trực trong điện đều chẳng hiểu mô tê gì.

Quý Phúc đang đỡ Triệu Phụ cũng không rõ hoàng đế bị làm sao.

Ngay đến thám báo đưa tin cũng không hề hay biết thứ trên tay mình không chỉ đơn thuần là mẩu tin chiến trận, mà là đất đai Đại Tống trải khắp ba châu!

Triệu Phụ bất thần bước xăm xăm về phía trước khiến Quý Phúc cơ hồ không đuổi theo kịp. Ông lấy chiếc ống, mở tin báo chiến trường ra đọc. Hoảng hốt, lo âu, thấp thỏm, mừng rỡ, hết cảm xúc này đến cảm xúc khác ánh lên trong đôi mắt đục ngầu tuổi tác của Triệu Phụ. Sau một đỗi thì ông cũng bình tĩnh trở lại. Đặt tin quân lên bàn, Triệ Phụ ra lệnh cho Quý Phúc: “Triệu Từ Bí, Vương Thuyên, Trần Lăng Hải,… Chu Phảng, Vương Trăn vào cung.”

Quý Phúc thót tim, thế là xảy ra chuyện lớn rồi. Lão ngước lên trộm nhìn Triệu Phụ, ấy vậy mà Triệu Phụ chỉ lãnh đạm dõi mắt về phía trước, bình tâm như giếng xưa phẳng lặng.

Nửa canh giờ sau, toàn bộ đại thần nhất phẩm trong triều đều có mặt ở điện Thùy Củng.

Một canh giờ sau, bọn họ lần lượt ra ngoài.

Nhóm quyền thần mỗi người một thái độ. Người cuối cùng rời khỏi điện Thùy Củng là Tả tướng Từ Bí. Từ Bí đã sắp sang tuổi cổ lai hi1, mái tóc hoa râm lưa thưa, tấm áo bào quan tròng lên thân thể còm cõi thành ra rộng thùng thình. Giây phút ông ra khỏi điện Thùy Củng cũng là lúc mặt trời xế bóng. Bước ra đến quảng trường trước điện, Từ Bí bất giác dừng chân.

[1] 70 tuổi.

Chỉ phút chốc thôi, ông buông tiếng thở dài rồi lại tiến bước.

Trong điện Thùy Củng, Triệu Phụ đi tới đi lui những mấy chục lần. Lâu lắm rồi ông mới có cảm giác tràn trề sinh lực như thế, hết bàn bạc việc quân Tây Bắc với các quan nhất phẩm, lại thảo luận đối sách với cả nhóm đại thần, cắt đặt đâu ra đó. Đáng lẽ bây giờ ông phải mệt lử mới đúng, vậy mà chẳng hiểu sao Triệu Phụ thấy phấn khởi không gì bằng.

Triệu Phụ đi hết một vòng nữa thì đột nhiên quay đầu gọi: “Quý Phúc.”

Hoàng đế đi quanh điện, Quý Phúc dẫu chẳng hiểu cũng phải lẽo đẽo theo sau. Lúc này Triệu Phụ đã dừng bước, Quý Phúc bèn nhanh nhảu đáp: “Có nô tài.”

Triệu Phụ: “Ngươi thấy bức chân dung người ta vẽ cho trẫm năm ngoái có đẹp không?”

Hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật của Triệu Phụ, các họa sĩ cung đình sẽ vẽ cho ông một bức chân dung. Quý Phúc cười: “Tranh vẽ bệ hạ khuôn trời2 kì vĩ, mũi rồng đỉnh non3, có thần lắm ạ.”

[2] 天表: thiên biểu – chỉ mặt vua. [3] Xưa có Hán Cao Tổ Lưu Bang được tả là có mũi cao như chóp núi, có tướng làm vua.

Triệu Phụ: “Trẫm cảm thấy vẽ chưa đạt.”

Quý Phúc ngây người.

“Bay đâu, triệu họa sĩ cung đình vào đây vẽ thêm cho trẫm một bức!”

Hoàng đế nổi hứng khiến ai nấy trong cung quýnh cả lên. Thấy hoàng đế hồ hởi, tự đáy lòng Quý Phúc cũng mừng cho ông.

Binh tình Tây Bắc được công bố cho cả triều đình ngay trong buổi chầu hôm sau.

Toàn thể quần thần sững sờ trước tin tức ấy.

Làm đến chức Hữu thị lang bộ Công hàm tam phẩm, Đường Thận đã lường trước rằng chiến tranh Tây Bắc sớm muộn cũng nổ ra. Điều khiến cậu bất ngờ là Tô Ôn Duẫn và Lý Cảnh Đức ra tay nhanh đến thế! Vì sao họ phải hành động gấp rút vậy nhỉ? Việc can qua giữa hai nước là chuyện hệ trọng cần dấu ấn ngự của hoàng đế cơ mà, ngay cả Chu Thái sư cũng không dám tùy tiện phát động chiến tranh.

Trong lúc Đường Thận cúi đầu ngẫm nghĩ, các quan trên điện Tử Thần đã tranh cãi om sòm cả lên. Nhưng suy cho cùng thì cuộc đại chiến đã nổ ra rồi. Bá quan nhốn nháo một thôi một hồi, rồi cũng im phăng phắc khi Triệu Phụ phất tay lên. Ông cất tiếng nói vững như chuông rền: “Người Liêu hiếp đáp nước ta đã lâu, ba châu ấy đâu đâu cũng là đất đai Thần lục. Cứ nghĩ đến chuyện này là ruột trẫm đau như cắt, trằn trọc trắng đêm!”

Bá quan đồng thanh: “Thần nguyện san sẻ nỗi lo của bệ hạ.”

Ánh mắt Triệu Phụ điểm mặt từng viên quan. Lát sau, ông quả quyết tuyên bố: “Trẫm quyết định tăng viện mười vạn quân cho chiến trường Tây Bắc!”

Đến nước này thì cả phe chủ hòa trong triều cũng phải nghiến răng hô vang: “Tuân lệnh bệ hạ!”

Tin chiến tranh giữa hai nước chẳng mấy chốc đã lan khắp thành Thịnh Kinh.

Các quan ai nấy bận tối mặt tối mũi. Đánh giặc nào phải chuyện nhàn, lương thảo đi trước, người ngựa theo sau, cho nên Bộ Hộ và bộ Công phải bắt tay ngay vào việc vận chuyển quân nhu tới U Châu. Trong khi đó, điều động từ đâu cho đủ mười vạn quân hoàng đế yêu cầu lại là bài toán hóc búa dành cho bộ Binh và bộ Lại.

Trong phủ Tả tướng, các trụ cột của Từ đảng tranh luận không ngớt.

“Hai mươi sáu năm nay Tống với Liêu vẫn chung sống yên ổn, thế mà đùng một cái chiến tranh nổ ra, lại còn do Đại Tống ta khởi xướng, đúng là hoang đường quá thể!”

“Nói là kí kết hòa ước nhưng có năm nào người Liêu không xâm phạm cương thổ nước ta đâu? Bây giờ chẳng qua mình ăn miếng trả miếng thôi.”

“Ông nói nhẹ như lông hồng ấy nhỉ? Lưu đại nhân này, chúng ta đang đối đầu với nước Liêu, nước Liêu với ba mươi ngàn quân thiết kị đấy! Thắng thế nào được! Đánh nước Liêu là lấy trứng chọi đá, chuốc họa vào thân.”

“Ông…”

“Cộp…”

Tiếng chén trà gõ lên mặt bàn rắn đanh. Các quan đang lời qua tiếng lại lập tức câm như hến, quay sang nhìn Từ Bí ở ghế trên.

Một nửa gương mặt Từ tướng chìm khuất trong bóng tối, trông thật mơ hồ. Ông nói bằng giọng khoan thai: “Dù muốn hay không thì trận chiến đã bắt đầu rồi. Bàn cãi lắm phỏng có ích chi? Chuyện này chưa hẳn đã là tai họa đâu, mà đúng ra là trong họa có phúc đấy!” Từ Bí quay sang nhìn người học trò, cười bảo: “Hiến Chi, cuối cùng thì cơ hội của con cũng đến rồi.”

Ba ngày sau, triều đình tập kết mười vạn đại quân, lấy Phiêu kỵ tướng quân Ngụy Suất làm Đốc quan, lấy Hình bộ Thượng thư Dư Triều Sinh làm Giám sát sứ. Đoàn quân nhằm hướng Tây thẳng tiến về U Châu.

Đường Thận nghe tin Dư Triều Sinh được điều lên Tây Bắc thì hết sức ngỡ ngàng. Lúc về phủ Thượng thư tối đó, cậu hỏi Vương Trăn: “Sao huynh lại để Dư Triều Sinh đi khỏi Thịnh Kinh?”

Vương Trăn đang nhâm nhi trà, nghe thế bèn nghiêng đầu hỏi cậu: “Làm sao em biết?”

Đường Thận: “Sao mà không biết được? Cả triều đình đã biết hết trong chiều nay rồi còn gì!”

Vương Trăn cười: “Hoàng đế điều anh ta lên Tây Bắc làm Giám sát sứ ba quân thì liên quan gì đến ta.”

Đường Thận: “…”

“Đại lý tự và bộ Hình chưa điều tra xong án Hình châu mà Dư Triều Sinh đã đi rồi, sư huynh vẫn muốn hãm hại người trung lương ấy hay sao?”

Vương Trăn phì cười: “Tay Dư Triều Sinh đó là trung lương trong lòng em cơ đấy?”

Đường Thận hỏi ngược: “Chẳng nhẽ không phải à?”

“Chắc gì.” Vương Trăn buông một câu nhẹ tênh, rồi chàng bỗng nổi hứng, nghiêng mình sang nhìn Đường Thận: “Ta trong lòng tiểu sư đệ cũng là bậc trung lương chứ nhỉ?”

Đường Thận: “…”

Cậu chẳng nói chẳng rằng, đứng dậy hôn lên má Vương Trăn: “Trong lòng ta, sư huynh dĩ nhiên là người hết lòng vì nước rồi.”

Vương Trăn sung sướng cười giòn tan.

Chiến tranh Tây Bắc đã trở thành sự kiện trọng đại mà cả thành Thịnh Kinh quan tâm.

Ba ngày sau, họa sĩ hoàn thành bức chân dung của Triệu Phụ. Triệu Phụ hài lòng và thích đến nỗi không nỡ rời tay, ngắm nghía từ sáng chí tối. Ông cho treo bức họa ngay trong điện Thùy Củng để tiện nhìn thấy mỗi ngày.

Hoàng đế đẹp lòng thì lũ thái giám, cung nữ cũng hưởng phúc theo.

Quý Phúc độ này thảnh thơi lắm. Chiến sư Tây Bắc là việc các quan lớn chứ chẳng tới lượt lão lo. Lão chỉ biết, hoàng đế phấn khởi thế kia tức là mọi việc phải suôn sẻ rồi.

Ngoài điện Thùy Củng, Quý Phúc cảm khái với đứa con nuôi: “Sống thế này càng lúc càng nhàn nhỉ.”

Chỉ vừa mới nói xong và dặn dò Tạ Bảo mấy câu, Quý Phúc đã trông thấy một viên quan thám báo nhanh nhẹn tiến vào từ cổng cung. Mắt lão sáng bừng, lần trước sau khi đọc tin chiến trường Tây Bắc, hoàng đế phấn chấn suốt mười ngày liền. Hôm nay quân báo lại về, chắc hẳn là tin tốt lành đây.

Quý Phúc hí hửng dẫn ngay thám báo vào điện Thùy Củng.

Triệu Phụ: “Quân báo của đại doanh Tây Bắc đấy à?”

Thám báo quỳ xuống giơ cao mật thư: “Muôn tâu bệ hạ, đây là mật thư tiểu đích nhận được từ phủ Nhị hoàng tử, không phải quân báo.”

Triệu Phụ hơi ngạc nhiên, bèn lệnh cho Quý Phúc dâng thư lên. Đọc xong lá thư, nét mặt ông sa sầm liền. Hai tay ông siết chặt như thể muốn vò vụn tờ giấy mỏng manh.

“Quân ăn hại!”

Triệu Phụ bất thình lình quát ầm lên khiến mọi người trong điện giật bắn.

Lát sau, ông nhắm nghiền mắt rồi hốt nhiên ngã vật ra. Quý Phúc hốt hoảng nhào tới làm đệm thịt cho hoàng đế khỏi ngã xuống đất. Lão kêu oai oái vì đau, đoạn ngẩng lên giục giã: “Đứng đực ra đấy làm gì, mời ngự y, mời ngự y mau lên!”

May mắn thay, lần này Triệu Phụ tức giận đến nỗi nghẹn thở nên mới ngất đi chứ không tái phát bệnh đau đầu. Đến tối hôm đó thì ông lặng lẽ tỉnh lại. Tất cả thái giám cung nga trong cung Phúc Ninh đều phải hứng chịu ánh nhìn chòng chọc rét buốt của vị hoàng đế tính khí thất thường. Ánh mắt ấy khiến chúng sợ vỡ cả mật, chỉ dám thở khe khẽ.

Dễ đến cả khắc sau ông ta mới cất ánh mắt lạnh tanh ấy đi và đứng dậy. Quý Phúc vội vàng khoác áo cho hoàng đế.

“Quan gia.”

Triệu Phụ không nói năng gì mà chỉ lẳng lặng đi đến án thư, nhấc bút viết thánh chỉ rồi đóng ấn ngự.

Xong xuôi, ông hờ hững bảo: “Ngày mai nhà ngươi hãy đi tuyên chỉ đi.”

Quý Phúc giật mình đỡ thánh chỉ, dè dặt đáp: “Vâng, nô tỳ lĩnh chỉ.”

Triệu Phụ: “Đến phủ Tứ hoàng tử trước, rồi sang phủ Ngũ hoàng tử.”

Quý Phúc sững sờ, không sao bình tĩnh nổi: “… Vâng.”