Siêu Thị Của Tôi Thông Kim Cổ

Chương 177




Tình cảnh của Hoàng Cù thực khiến người ta thấy không đành lòng. Thấy cậu thích Hamburger giống như bọn trẻ ở hiện đại, Vân Sơ đã gói cho cậu hai cái bánh Hamburger và hai cái đùi gà chiên để cậu mang về hâm nóng lên ăn. Trên thực tế, thời tiết bây giờ đã khá nóng, Hamburger và gà rán này coi như ăn nguội thì hương vị của nó cũng chỉ hơi kém đi chút. Nhưng nếu so với những đồ ăn Hoàng Cù đã ăn trước đây thì nó mỹ vị hơn nhiều.

Chỗ đồ ăn còn lại thì để Will đóng gói mang đi hết. Dù sao cả Vân Sơ và Trạm Vân Tiêu đều đang ở hiện đại, nếu muốn ăn cái gì thì đều có thể lên phần mềm gọi món rồi ngồi chờ mấy chục phút là người ta sẽ giao tới, nên không cần thiết cùng tranh với hai người họ.

Will ôm đống đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh và đồ uống vui vẻ rời đi. Còn Hoàng Cù sau khi cảm ơn hai người một lần nữa, cũng đứng dậy mở cửa gỗ và đi ra ngoài. Sau khi tiễn các vị khách hôm nay rời đi hết, Vân Sơ và Trạm Vân Tiêu liếc nhau một cái, không hẹn cùng thở dài một hơi.

Vân Sơ đặt cái thùng rác mới đổi được từ chỗ Will xuống đất, lại chỉ vào đống thức ăn trên quầy thu ngân ra hiệu cho Trạm Vân Tiêu quét dọn còn bản thân thì vừa ngáp vừa lên lầu ngủ bù. Trạm Vân Tiêu ở lại dưới tầng ném hết tất cả rác vào thùng rác, lại cẩn thận lấy khăn lau lau sạch vệt mỡ trên mặt bàn một lần rồi mới ném khăn lau đi đi lên tầng.

- -- -------

Hoàng Cù lặng yên không tiếng động trở lại căn phòng củi thuộc về mình, hắn ở trong bóng tối sờ soạng nằm trở lại trên giường nhưng đầu óc lại rất tỉnh táo không có lấy chút buồn ngủ nào. Nằm trên giường, hắn một lần nữa xác định lại tất cả những chuyện tối nay đều là thật chứ không phải do chính mình tưởng tượng ra, Hoàng Cù liền vội vã rời giường.

Hắn từ trên góc áo xé xuống một mảnh vải rách trên và cẩn thận bọc lại hai thỏi bạc đang cất trong ngực. Sau khi gói kỹ lại thì dùng tay đào một cái hố sâu ở trong góc tường và nhét chỗ bạc vào bên trong, rồi vun đất lấp kỹ hố lại. Chưa yên tâm lắm, Hoàng Cù còn ở trên chỗ mình giấu bạc đạp hai cái thật mạnh ép chặt lớp đất xuống.

Hai thỏi bạc lớn thì Hoàng Cù giấu đi, còn mấy viên bạc vụn thì hắn cất cẩn thận lại vào trong ngực. Tính toán đợi đến khi trời sáng sẽ ra ngoài nghe ngóng tình huống. Hoàng Cù rất yên tâm về hai thỏi bạc đang giấu ở phòng củi, bởi vì phòng củi này là nơi đổ nát nhất trong nhà. Bình thường ngoại trừ hắn ra thì những người khác trong nhà căn bản sẽ không đến chỗ này.

Chỉ là nhiều bạc như vậy cứ thế đặt ở trong phòng, Hoàng Cù cả nửa đêm này không thể ngủ ngon giấc. Chốc chốc hắn lại tới chỗ giấu bạc kiểm tra một lần. Bởi vì trong lòng có chuyện nên Hoàng Cù không thể ngủ ngon được. Cũng may hiện tại hắn còn niên thiếu, một đêm có không ngủ cũng không ảnh hưởng gì nhiều.

Trời vừa sáng, hắn lập tức đứng dậy ra sông gánh nước. Công việc gánh nước trong nhà luôn luôn là hắn phụ trách. Hôm nay vì muốn ra ngoài thăm dò tin tức nên hắn phải làm thật tốt công việc trong tay của mình, như vậy kế mẫu sẽ không vì chuyện không thấy hắn ở nhà mà chạy khắp thôn tìm hắn.

Hôm nay Hoàng phụ như thường lệ phải lên trấn làm công ngắn hạn. Sau khi rời giường uống một bát cháo loãng, lại lấy thêm một cái bánh bột ngô làm bữa trưa thì liền đứng dậy đi ra ngoài. Trượng phu vừa ra cửa, Lưu thị theo thói quen tay bưng bát cơm bắt đầu gọi Hoàng Cù, vừa hay Hoàng Cù vừa gánh một gánh nước trở về.

Thấy hắn không ngủ đến thẳng cẳng mà là ra sông gánh nước, thần sắc của Lưu thị có chút nhạt đi. Trong mắt nàng, Hoàng Cù làm như vậy là nên. Thấy trên trán hắn mướt mồ hôi nàng không hề thấy có chút đau lòng nào, chỉ dùng muôi xúc lấy nửa muôi nước cháo.

Từ khi Lưu thị gả vào cửa, cơm canh trong nhà đều do một tay nàng ta phụ trách phân phối. Một nửa muôi nước cháo nàng múc này chính là bữa sáng hôm nay của Hoàng Cù. Hoàng Cù đã quen với việc này từ lâu, lúc đầu hắn còn thấy không phục mà cùng Lưu thị tranh luận vài câu. Kết quả cuối cùng lại là nửa nuôi nước cháo cũng không có để uống, dần dà tới sau này hắn liền thỏa hiệp.

Nếu là trước đây, nửa muôi nước cháo chắc chắn sẽ không đủ cho Hoàng Cù ăn. Mỗi lần thấy đói quá hắn sẽ lang thang ở bên ngoài tự tìm cái ăn, hôm nào vận may tốt thì có thể bắt được một hai con cá ở trong sông, hoặc không chính là tìm được một hai quả trứng chim ở trên núi.

Những thứ này đều là vật cải thiện sinh hoạt của Hoàng Cù. Chẳng qua, trẻ con trong thôn rất nhiều, mặc kệ là trứng chim trên núi hay là tôm cá trong sông đều sẽ có rất nhiều người nhớ thương tới. Bởi vậy thu hoạch chân chính của Hoàng Cù rất ít, thường phải vài ngày mới gặp được một lần. Chỉ là hôm nay Hoàng Cù có Hamburger và gà rán hôm qua Vân Sơ cho, vậy nên hôm nay hắn không cần lo lắng chuyện ra ngoài tìm dã vật ăn.

Bởi vì tâm tình tốt nên nửa muôi nước cháo hôm nay Hoàng Cù uống thấy rất ngon. Hắn thầm tính toán trong lòng, đợi lát nữa ra cửa sẽ mang theo một cái Hamburger, như vậy lúc đói có thể lấy ra ăn lót dạ. Tuy rằng hắn chưa từng ăn qua nhiều đồ ngon nhưng cũng biết Hamburger là dùng thịt gà và bột mì để làm ra. Hai vật này đều thứ tốt đấy. Với loại tình huống trong nhà Hoàng Cù bây giờ, một năm chưa chắc đã ăn được một lần thịt gà. Bột mì thì cũng giống thế. Bình thường nhà hắn ăn đều là thô lương, thứ tinh quý như bột mì nhà nông gia bình thường chẳng mấy ai bỏ được mua về ăn.

Lo sợ Lưu thị sẽ khó xử mình, Hoàng Cù chỉ cúi gằm đầu yên lặng uống nước cháo. Ăn sáng xong thì vội vã đi gánh nước về đổ đầy chum, sau đó nhân lúc Lưu thị không chú ý, hắn vụng trộm trở về kho củi lấy Hamburger và bạc vụn giấu vào người rồi lặng yên không tiếng động rời thôn.

Liễu Thụ thôn chỉ có một thợ mộc. Nhưng trong nhà hắn ta lại có nhiều tử tôn nên tay nghề đều trực tiếp dạy cho nhi tử và cháu trai của mình, vì vậy hắn ta chắc chắn sẽ không nhận một ngoại nhân đến làm học đồ. Nếu Hoàng Cù muốn tìm người học nghệ vậy chỉ có thể đi tới các thôn khác để nghe ngóng.

Hắn thường có rất ít cơ hội rời thôn nên không quen đường đến các thôn khác cho lắm. Nhưng hắn được cái khá thông minh lại thêm trước kia từng lên An Dương trấn một lần nên biết An Dương trấn đi như thế nào, vậy nên một đường này hắn cứ đi dọc theo đường lớn lên An Dương trấn mà đi, hễ thấy có thôn thì sẽ ghé vào nghe ngóng.

Tìm suốt ba bốn cái thôn cũng không gặp được công tượng nào đang chiêu học đồ, Hoàng Cù rốt cuộc vẫn còn là một đứa trẻ nên trong lòng cũng thấy có chút chán nản. Nhưng nghĩ lại, thợ thủ công ở nông thôn vốn không nhiều, xem như họ muốn tìm học đồ vậy cũng sẽ ưu tiên cân nhắc đến thân thích hoặc tộc nhân nhà mình trước.

Dù sao thợ thủ công đều là người có tay nghề, làm nông trồng trọt bây giờ chưa chắc đã có thể ăn cơm no. Nhưng những thợ thủ công như thợ mộc, thợ đan tre nứa hay thợ giày thì khẳng định sẽ không lo không có cơm ăn. Nông dân luôn nhìn thợ thủ công rất cao, bởi chỉ cần bọn hắn có một môn tay nghề thì bất luận bọn hắn đi tới chỗ nào, chỉ cần còn có thể làm việc thì không lo không kiếm được một miếng cơm ăn.

Vậy nên thôn dân rất nguyện ý đưa tiểu bối nhà mình đi bái người ta làm sư phó học một môn tay nghề sống tạm. Nhưng loại thôn nhân đến từ bên ngoài như Hoàng Cù nếu muốn người ta nhận làm học đồ, khả năng có thể nói là cực kỳ bé nhỏ.

Hoàng Cù chạy ở bên ngoài suốt nửa buổi sáng, nước cháo mà hắn ăn vào bụng buổi sáng đã sớm tiêu hóa hết. Hắn uể oải tìm một góc đường kín ngồi xuống nghỉ ngơi, lại lấy Hamburger cất trong ngực ra lang thôn hổ yết năm ba ngụm đã ăn hết sạch.

Còn nhớ rõ lời dặn dò trước đó của Vân Sơ, Hoàng Cù tìm cái nhánh cây đào một cái hố sâu ở trên mặt đất. Kế tiếp xé nhỏ giấy gói ngoài của Hamburger và vứt chúng vào trong hố, sau lại dùng nhánh cây lấp hố lại. Xong xuôi tất cả, hắn đứng dậy vỗ vỗ phủi đi lớp bụi đất và cỏ dính trên quần áo.

Hoàng Cù đứng ở ngã tư đường trù trừ một lát, cuối cùng ý nghĩ muốn tìm một công việc đã chiếm thượng phong. Hắn quyết định đi tới An Dương trấn thử thời vận xem sao. Đương nhiên, việc Hoàng Cù làm ra quyết định này cũng không phải do hắn nhất thời đầu óc phát sốt. Mà do việc bái sư học nghệ liên tiếp gặp thất bại, trong lòng hắn không khỏi nghĩ đến những phương pháp khác.

An Dương trấn là một trấn lớn, ở đó có bến đò, bến tàu. Công việc trên trấn cũng khá nhiều, hầu như người của mười dặm tám thôn quanh đây hễ tới thời điểm nông nhàn là đều sẽ lên trấn tìm chút công nhật làm. Tráng lao lực giống như Hoàng phụ thường sẽ đến bến tàu giúp người ta chuyển hàng, một ngày có thể kiếm được ba mươi văn tiền công.

Con số này là của khi mẫu thân Hoàng Cù còn sống.

Hoàng Cù còn nhớ rõ, trước kia khi mẫu thân còn sống phụ thân hắn rất sủng ái hắn. Thỉnh thoảng ông từ trấn trở về sẽ mua cho hắn một miếng đường mạch nha ngậm cho ngọt miệng. Chẳng qua từ sau khi mẫu thân qua đời, tiếp đó Lưu thị gả vào cửa thì đã không còn nữa. Mặc dù Hoàng phụ ngẫu nhiên cũng sẽ mua ít đường mạch nha trở về, nhưng hắn không nằm trong danh sách những người được chia đường của Lưu thị.

Hương vị của đường mạch nha trong trí nhớ hắn, hắn đã không còn nhớ rõ nữa rồi.

Trở lại chuyện chính, sở dĩ Hoàng Cù nảy ra ý định lên trấn tìm việc làm là vì hắn nhớ đại nhi tử nhà Vương đại thúc sát vách đang làm việc ở một tửu lâu trên trấn. Hoàng Cù đã nghĩ kỹ rồi, tuổi hắn bây giờ còn nhỏ lại thêm sức lực không nhiều nên chuyện đến bến tàu khuân chuyển hàng hóa khẳng định không thể làm được. Hơn nữa, người ta chắc chắn cũng sẽ không không thuê hắn.

Nhưng nơi như tửu lâu hay quán ăn thì lại khác. Hoàng đại ca đã nói công việc của hắn thường ngày là chào hỏi khách nhân và bưng thức ăn lên cho khách. Loại công việc này không cần nhiều thể lực, Hoàng Cù cảm thấy bản thân mình hoàn toàn có thể đảm nhiệm được nên mới nghĩ đến việc tới tửu lâu trên trấn để thử thời vận.

Hắn đã suy nghĩ kỹ, tửu lâu nơi Hoàng đại ca làm có bao ăn ở. Nếu chưởng quỹ ghét bỏ hắn còn nhỏ vậy hắn có thể không cần tiền công chỉ cần có chỗ để ở là được, và thêm mỗi ngày có thể ăn được lửng dạ thì hắn đã thấy rất thỏa mãn rồi.

Vân Sơ có cho hắn mười lượng bạc và mấy thỏi bạc vụn, chỗ bạc đó đủ cho hắn dùng rất lâu.....rất lâu.....rất lâu.

Hoàng Cù chân ngắn nên cước trình cũng chậm. Đoạn đường người lớn đi một canh giờ là có thể đến nơi thì hắn lại đi tới giữa trưa mới đến. Tuy rằng ban đầu hắn vì ghé qua mấy thôn để nghe ngóng tình huống nên khiến thời gian chậm trễ hơn, nhưng dù thế vẫn nhiều gấp đôi thời gian người khác đi lên trấn.

Trước khi đến tửu lâu, Hoàng Cù cúi đầu nhìn lại bộ quần áo mình đang mặc trên người. Bộ quần áo hắn đang mặc không chỉ ngắn mà còn rách rất nhiều chỗ. Lưu thị không chịu may vá quần áo cho hắn, mà chính hắn cũng nghĩ muốn vá lại nhưng khổ nỗi bản thân không có kim khâu nên chỉ đành mặc kệ mỗi ngày nó lại rách to hơn một chút.

Hắn nhớ rõ mình lên trấn là để tìm việc làm, và cũng nhớ rõ Hoàng đại ca nói tửu lâu của bọn họ là tửu lâu lớn nhất trên trấn. Người tới đó ăn cơm đều là người có mặt mũi, nên nếu hắn ăn mặc rách rưới như vậy đến tìm việc vậy người ta khẳng định chẳng thèm suy nghĩ đã đuổi hắn ra ngoài.

Đưa tay sờ lên chỗ bạc vụn đang cất trong ngực, Hoàng Cù hơi do dự một lát cuối cùng vẫn xoay người đi tới Tú Y phương ở trên trấn. Lúc trước khi Hoàng phụ dẫn Hoàng Cù lên trấn có từng dẫn hắn tới Tú Y phương mua vải lẻ.

Vải lẻ này là vải còn thừa lại sau khi cửa hàng cắt quần áo cho người ta, đối với người nông dân đây đều là thứ tốt. Các phụ nhân khéo tay thường hay mua vải lẻ về dùng, lớn một chút thì dùng làm khăn tay hoặc làm hầu bao, nhỏ một chút thì có thể dùng vá quần áo bị rách, nhỏ nữa thì kết thành sợi dây vải để buộc vào giày hoặc thắt ở trên gùi, sọt làm dây quai đeo. Lúc mẫu thân Hoàng Cù còn sống, bà cũng thường dùng vẻ lẻ nhỏ cùng màu vá lại chỗ quần áo bị rách cho nhi tử.

Khi Hoàng Cù bước vào cửa hàng vải trong bộ quần áo rách rưới, hỏa kế trong tiệm nhìn qua thấy hắn không giống người sẽ mua được vải bố liền muốn lên tiếng đuổi hắn ra ngoài. Vẫn là nữ chưởng quỹ của bố phường thấy dáng dấp của Hoàng Cù trông đáng yêu, nên mở miệng trước khi hỏa kế lên tiếng đuổi người: "Tiểu ca, ngươi tới mua vải à?".

Dù là vải bày trên quầy hay vải treo trên tường, đối với Hoàng Cù trước đây là nghĩ cũng không dám nghĩ tới. Nhưng nghĩ đến mục đích lên trấn hôm nay của mình, bàn tay đang nắm chặt mấy viên bạc vụn bởi vì dùng quá sức khiến cho khớp xương cũng hiện cả lên. Hắn lấy hơi nhắm mắt nhắm mũi nói một cách khó khăn: "Lão bản, ta muốn mua một bộ quần áo".