Phần 5/10
48.
Tôi hít sâu một hơi, có cảm giác nhẹ nhõm lạ thường.
Tuy nhiên loại nhẹ nhõm này không hề chân thực.
Như kiểu tôi đang tự lừa phỉnh bản thân vậy.
Có lẽ mọi người cảm thấy tôi hơi làm quá, nhưng dù sao tôi cũng theo đuổi vụ này ba năm ròng rồi, tôi nghĩ mình còn hiểu Hũ Nút hơn chính bản thân cậu ấy.
Chỉ là mua bán bằng cấp thôi thì sao có thể khiến cậu ấy nảy ra ý định tự sát được?
Chẳng lẽ cậu ấy thật sự tự sát vì bệnh trầm cảm?
Nếu vậy thì cậu ấy gửi giấy nhắn nói chỗ giấu thẻ ngân hàng và mật khẩu cho tôi làm gì?
Đáng lẽ nên chuyển thẳng cho bố mẹ chứ?
Tôi nghĩ chân tướng có lẽ vẫn còn ẩn sâu trong bóng tối.
49.
Nói thật, chỉ dựa vào số tài khoản này thì tôi chỉ có thể xác định cái chết của Hũ Nút có liên quan đến đường dây mua bán bằng cấp chứ chưa thể chứng minh hiệu trưởng có nhúng tay vào không.
Bởi vì số tài khoản không đi kèm tên chủ sở hữu nên cũng khó nói liệu có đúng là hiệu trưởng đứng tên không.
Cho nên tôi giả vờ bản thân là sinh viên có nhu cầu mua bằng, gọi vào số điện thoại kia.
Nhưng máy bận, có người từ chối nhận cuộc gọi.
Sau đó tôi nhận ngay được một tin nhắn gửi từ số ấy.
[Đừng gọi, liên hệ qua tin nhắn. Khoa truyền thông 100 ngàn, khoa tài chính và kinh tế 150 ngàn, khoa luật 200 ngàn. Đặt cọc trước 10 ngàn rồi sẽ có người liên lạc lại.]
Một đoạn văn bản ngắn, thời gian gửi nhanh đến mức như kiểu sao chép - dán vậy.
Mua cái bằng thôi mà tốn tận 100 ngàn, dù không có tiền như vậy, nhưng tôi có cách của riêng mình.
50.
Tôi đến trước cửa phòng làm việc của hiệu trưởng. Tôi biết hội nghị thường kỳ của trường sẽ diễn ra trong nửa giờ nữa, trước khi hội nghị bắt đầu, hiệu trưởng sẽ có mặt trong phòng làm việc.
Cho nên tôi gõ cửa.
"Vào đi."
Tôi đẩy cửa vào.
Hiệu trưởng ngẩng đầu, thấy tôi thì hơi ngạc nhiên.
"Em là... Thầy nhớ mang máng, em là..."
Tôi thong thả nói: "Em là bạn cùng phòng của Hũ Nút."
Vừa nhắc tới Hũ Nút, trên khuôn mặt hiệu trưởng có phản ứng giật mình rất rõ ràng.
Tôi nghĩ mình bắt đúng mạch rồi.
Hiệu trưởng đẩy mắt kính, hỏi: "Đúng đúng đúng, thầy nhớ ra rồi. Em tìm thầy có chuyện gì đấy?"
Tôi vừa giả bộ nói chuyện vừa xỏ tay vào túi, nhấn nút call đã chuẩn bị sẵn.
"À thì, em sắp phải đi thực tập rồi, mong thầy có thể giới thiệu giúp em vài công ty tốt được không ạ?"
Trong lúc tôi nói, có tiếng điện thoại rung phát ra từ bàn làm việc của ông ta.
Tôi liếc nhìn, không phải cái điện thoại trên bàn.
Ông ta mở ngăn kéo, móc ra một cái điện thoại khác, nhấn nút tắt.
Ngay lập tức, cuộc gọi đi từ điện thoại trong túi tôi cũng bị ngắt.
Ôm tâm lý thử lại lần nữa cho chắc, tôi lại ấn quay số.
Quả nhiên cái điện thoại hiệu trưởng vừa bỏ vào ngăn kéo lại rung lên.
Ông ta cáu bẳn tắt, cuộc gọi đang thực hiện từ điện thoại trong túi tôi bị từ chối.
Lần này, tôi xác định được rồi.
51.
Nhưng xác định rồi cũng chưa nói lên được cái gì, mới chỉ có thể chắc chắn một điều là hiệu trưởng thật sự đang tham gia đường dây mua bán bằng cấp.
......
Thế còn tài khoản gửi tiền cho Hũ Nút mỗi tuần kia liệu có phải của ông ta không?
Hiệu trưởng bỏ di động vào ngăn bàn sau đó nói với tôi:
"Thầy không tiện hỗ trợ tìm việc, nếu sinh viên nào cũng tìm hiệu trưởng đòi giới thiệu việc làm thì còn gì là quyền uy của hiệu trưởng nữa? Về sau thầy cũng khó công tác."
Nghe xong, tôi cười giả lả, nói:
"Cũng đúng nhỉ. Em xin lỗi đã quấy rầy thầy ạ."
Tôi khom lưng chào.
Tầm mắt vừa vặn rơi vào khung ảnh hiệu trưởng trưng trên bàn.
Đó là hình ảnh gia đình hạnh phúc của ông ta.
Hiệu trưởng, vợ, con trai lớn và con gái út.
Em gái này và em gái mà Hũ Nút dạy thêm tại nhà…
… giống y như đúc.
52.
Sợ mình nhận lầm, tôi còn tìm ra ảnh chụp màn hình lịch sử trò chuyện năm đó.
Bất kể quan sát bao nhiêu lần thì em gái trên ảnh gia đình của hiệu trưởng và em học sinh Hũ Nút dạy gia sư vẫn là cùng một người.
Lúc này, tôi bỗng ngộ ra, kỳ thực em gái này mới là nhân vật giúp tôi nhìn thấu chân tướng.
Sau ba năm, tôi lại đăng nhập tài khoản Wechat của Hũ Nút lần nữa.
Tìm tên người được ghi chú là ‘XX- Gia sư’ kia, tôi gửi đi một tin nhắn:
[Có đây không?]
Em gái bên kia hẳn là bị dọa hết hồn, cô bé ấy trăm phần trăm biết Hũ Nút đã chết, con gái hiệu trưởng cơ mà.
Một vị gia sư đã qua đời thế mà vẫn gửi tin nhắn cho mình được, chuyện này kinh dị cỡ nào?
Chắc cỡ nửa đêm có ác quỷ đến đòi mạng.
Phần đỉnh khung hội thoại không ngừng chuyển đổi từ hiển thị ‘XX’ sang ‘đang soạn tin’ và ngược lại.
Tôi biết mình dọa cô bé bạt vía rồi.
53.
Em gái trù trừ rất lâu, cuối cùng gửi lại một tin nhắn: [Chính chủ à?]
Tôi đáp: [Anh là bạn học của cậu ấy.]
Gửi tin này xong, tôi còn lo con bé vẫn hãi nên lại gửi thêm một tin nhắn thoại:
"Anh là bạn học của Hũ Nút, tìm em muốn hỏi chút chuyện."
Nghe được giọng người em gái mới yên lòng.
[Anh muốn hỏi cái gì?]
[Anh muốn biết hồi trước có phải Hũ Nút là gia sư của em đúng không?]
[Đúng ạ.]
[Hàng tuần học lúc nào thế?]
[Anh hỏi cái này để làm gì?]
[Anh đang tìm sự thực về cái chết của Hũ Nút.]
Cô bé chắc hẳn đang lưỡng lự, rất lâu sau hỏi một câu:
[Thầy ấy không phải thắt cổ tự vẫn vì bệnh trầm cảm à?]
[Anh nghĩ chuyện không đơn giản vậy nên mới muốn hỏi em một chút, cậu ấy dạy em vào lúc nào, ở đâu?]
Lần này em gái trầm tư còn lâu hơn, cuối cùng không trả lời tin nhắn của tôi luôn.
54.
Sau đó, tôi lo sợ tột cùng.
Tôi bỗng nhận ra mình đã quá bồng bột.
Cô bé đó rất có thể sẽ kể chuyện này cho hiệu trưởng, lại thêm hành động khác thường của tôi hôm nay, hiệu trưởng khả năng cao sẽ để mắt tới tôi.
Liên lụy đến cả mua bán bằng cấp, vòng xoáy khó hiểu đằng sau chuyện này khiến tôi thấy bản thân đang rơi vào tình cảnh hết sức nguy hiểm.
Tôi về phòng ký túc thu dọn đồ đạc, quyết định hôm nay chuyển luôn khỏi trường.
Nhưng trong lúc tôi đang sắp đồ, cô bé gửi cho tôi một chuỗi tin nhắn rất dài.
[Tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, từ bảy giờ đến chín giờ.]
[Địa điểm tại khu dân cư Tân Giang, không thể nói chi tiết hơn.]
[Dạy sáu tiếng một tuần, mỗi giờ 50 tệ, tổng cộng 300 tệ trả theo tuần.]
[Em không biết anh vì nguyên nhân gì mà điều tra những thứ này, nhưng em cũng không tin thầy ấy sẽ tuỳ tiện tự sát.]
[Khi dạy em, thầy ấy rất tích cực lạc quan, còn động viên em dũng cảm đối mặt với những đề khó nhằn.]
[Em không tin người như thầy ấy sẽ tự sát.]
[Nếu tra được chân tướng, xin anh hãy báo cho em nữa.]
Tôi đọc những tin nhắn này, linh cảm mách bảo rằng đây là một người tốt, cô bé chắc hẳn sẽ không kể chuyện hôm nay cho hiệu trưởng.
Nhưng tôi vẫn cẩn thận gửi một tin nhắn đi:
[Đừng nói cho bố em chuyện này.]
[Được.]
Ngẫm nghĩ, tôi lại hỏi:
[Cậu ấy có dạy quá giờ không?]
Cô bé đáp:
[Không, cứ chín giờ là tan học, rất đúng giờ.]
[Nhưng sau giờ làm thêm cậu ấy thường xuyên không về ký túc xá.]
[Không về ký túc xá? Không thể nào, lần nào bố em cũng lái xe đưa thầy ấy về trường mà, bảo là sợ về muộn quá giờ khóa cổng.]
[Hiệu trưởng lái xe đưa cậu ấy về?]
[Vâng, lần nào cũng thế.]
Tôi ngây ngẩn cả người. Nếu mỗi lần tan lớp hiệu trưởng đều lái xe đưa cậu ấy về, mà lại không về ký túc xá, vậy thì đi đâu?
55.
Tôi đến khu dân cư Tân Giang, nhớ đến tin nhắn của cô bé.
Nếu không về ký túc xá thì cậu ấy đi đâu được?
Khoản 5000 tệ mỗi tuần là hiệu trưởng dùng tài khoản bí mật gửi cho Hũ Nút.
Hũ Nút là gia sư của con gái hiệu trưởng.
Hết giờ học cũng là hiệu trưởng lái xe đưa Hũ Nút về ký túc xá.
Tất cả manh mối đều chỉ đến hiệu trưởng. Nói thật, trong lòng tôi nảy ra một đáp án phỏng đoán chủ quan, chưa dám khẳng định.
Tôi chầu chực đến tận đêm mới thấy hiệu trưởng lái xe vào khu nhà.
Sau đó ông ta không lái xe ra nữa.
Đêm đã khuya, tôi không đợi thêm mà yên lặng về trường.
56.
Trở lại ký túc xá, nằm trên giường, tôi linh cảm phỏng đoán của tôi chính là những gì đã thực sự xảy ra, nhưng tôi không có chứng cứ, cũng không có cách nào tìm được chứng cứ.
Chân tướng mà tôi phỏng đoán trong đầu khiến chính bản thân tôi cũng phải run sợ.
Qua một đêm thức trắng, tôi trăn trở mãi, cuối cùng quyết định: đến đây thôi, không điều tra tiếp nữa.
57.
Nếu mọi người vẫn đang chờ phần còn lại của câu chuyện thì không cần lãng phí thời gian.
Bởi vì sau đó, tôi đúng là không tiếp tục điều tra nữa thật.
Tới bây giờ, chuyện đã qua rất nhiều năm rồi, tôi không muốn miệt mài theo đuổi những thứ ngoài tầm với.
Tin chắc rất nhiều người cũng đã đoán được chân tướng mà tôi phỏng đoán.
Mỗi cuối tuần Hũ Nút sẽ đi dạy kèm con gái hiệu trưởng từ bảy giờ đến chín giờ tối.
Sau khi tan học, hiệu trưởng sẽ đích thân lái xe đưa Hũ Nút về.
Nhưng Hũ Nút bình thường phải đến tận sáng thứ hai mới về ký túc xá.
Mỗi tuần tài khoản ngân hàng của cậu ấy sẽ nhận được 5000 tệ hiệu trưởng gửi từ tài khoản bí mật.
Người vốn nên về ký túc xá lại ở cạnh hiệu trưởng mấy đêm liền, ngoại trừ giao dịch thể xác thì thực sự tôi không nghĩ ra được khả năng nào khác.
Cái này cũng có thể chính là nguyên nhân Hũ Nút tự sát.
Đến đây thôi, nói thế là mọi người đủ hiểu rồi.
Hãy để câu chuyện kết thúc ở đây đi, đây chính là phiên bản thứ hai mà tôi muốn kể cho mọi người.
Xin đừng cất công tra xét gốc gác.
58.
Có người nhắn tin riêng hỏi tôi, áo gối của tôi là loại kéo khóa hay là loại bọc trùm.
Tôi biết người hỏi vấn đề này đến cùng muốn hỏi cái gì.
Nếu bạn đã hỏi thì tôi cũng không ngại trả lời.
Áo gối của tôi là loại kéo khóa, áo gối của cả phòng chúng tôi đều là loại ấy.
Đúng vậy.
Đêm Hũ Nút quyên sinh, cậu ấy không chọn riêng tôi mà là trong ba người thì chỉ mỗi áo gối của tôi có đầu khóa hướng ra ngoài.
Cậu ấy kéo mở khóa rồi nhét tờ giấy vào.
Cuối cùng, có người hỏi tôi vì sao lại cố chấp điều tra chân tướng cái chết của Hũ Nút như vậy, thậm chí gần như đã biến thành chấp niệm.
Tôi sẽ thú nhận cho mọi người biết, bởi vì đêm đó, khi cậu ấy bỏ tờ giấy vào trong gối tôi, tôi đang nửa tỉnh nửa mê.
Nói thật, lúc ấy tôi bị tiếng kéo khóa đánh thức.
Nhưng tôi không tỉnh hẳn mà vẫn mơ màng.
Trong cơn mơ màng, tôi nghe thấy Hũ Nút phát ra tiếng kêu kỳ lạ.
Nhưng tôi không để ý, cứ vậy thiếp đi.
Rõ ràng là biết cậu ấy đã về, thậm chí còn nghe ra cậu ấy kêu lên những thanh âm lạ lùng, đáng lẽ tôi có thể cản cậu ấy đi tìm cái chết.
Nhưng tôi ngủ.
Hôm sau, khi xem được video giám sát, nhìn thấy cậu ấy du đãng trên hành lang như cô hồn dã quỷ, tôi không tưởng tượng nổi lúc ấy Hũ Nút phải tuyệt vọng đến cỡ nào.
Đồng thời, tôi cũng tự thấy xấu hổ.
Nếu đêm đó tôi rời giường hỏi cậu ấy một câu, dù chỉ là một câu thôi, thì có lẽ cậu ấy sẽ không tự sát thành công, có lẽ hiện tại cậu ấy cũng sắp tốt nghiệp, khổ tận cam lai.
Cho nên tôi đặt mình vào vị trí của cậu ấy, thử cảm nhận những gì Hũ Nút cảm nhận.
Cậu ấy đi dạy kèm cho cô bé vào thứ sáu.
Cậu ấy tự sát cũng vào thứ sáu.
Cậu ấy phải sợ hãi thứ sáu đến mức nào.
Sau khi dạy kèm cho cô bé, Hũ Nút sẽ phải đối mặt với chuyện cậu ấy ghét nhất.
Một đứa con trai.
Một sinh viên nam.
Một sinh viên nam nhà nghèo.
Một sinh viên nam nhà nghèo lại còn mắc bệnh trầm cảm.
Một sinh viên nam nhà nghèo lại còn mắc bệnh trầm cảm gặp chuyện như vậy suốt hơn hai tháng trời, không thể mở miệng nói ra, không tài nào phản kháng, không thể từ chối.
Tôi nghĩ, ngày thứ sáu hôm ấy, chắc hẳn cậu ấy phải khó chịu lắm.
Nhất định cậu ấy uống cả một vỉ thuốc là để tự làm tê liệt chính mình.
Nhưng không có tác dụng, cảm xúc tiêu cực vẫn nuốt sống cậu ấy, cậu ấy không trốn tránh nổi mà lại không dám đối mặt.
Đoán chừng sự tra tấn liên tục không biết bao giờ mới chấm dứt này đã đẩy cậu ấy đứng lên bệ cửa sổ hết lần này đến lần khác.
Tôi áy náy vô cùng, thành ra muốn đi điều tra chân tướng.
Nhưng như mọi người thấy đấy, cái chân tướng này quá tàn khốc, có lẽ không tìm ra thì tốt hơn.
Nhiều năm trôi qua, khi vô tình thấy tin trường bổ nhiệm hiệu trưởng mới, tôi bỗng dưng xốc nổi quyết định nhân dịp này ẩn danh kể câu chuyện này cho mọi người.
Như đã nói từ đầu, xin đừng tra xét đến cùng.