Say Mộng Giang Sơn

Chương 45: Sơn thủy hữu tương phùng




Thiên Ái Nô bị người ta nói như vậy thì ngượng ngùng, hai má đỏ bừng như hoa đào, vô cùng xinh đẹp yêu kiều, nhưng ánh mắt quyến rũ nóng bỏng của nàng thì lại nhìn Liễu Quân Phan như thật sự có tình ý với gã.

Liễu Quân Phan thấy nếu uống chén rượu này của nàng, chắc chắn Diêu phu nhân càng không hài lòng, nhưng mỹ nhân tình ý dạt dào, các nam nhân khác thì thở dài tiếc nuối khiến lòng gã lâng lâng, lời cự tuyệt không uống thật sự không thốt ra lời, lập tức quyết định nhận lấy chén rượu, hạ thấp người xuống, nói:

- Đa tạ tiểu nương tử.

Dứt lời hơi ngửa đầu uống một hơi cạn sạch ly rượu nho ủ.

Thiên Ái Nô cười như hoa nói:

- Lang quân thật sự là tửu lượng giỏi, tính tình cũng vô cùng sảng khoái, ta...thật vui!

Những lời này nói rất nhanh, lại nhìn gã cười rạng rỡ như xấu hổ như vui sướng, rồi Thiên Ái Nô nhấc váy xoay người chạy về.

Liễu Quân Phan nghe vậy lòng xao động không ngừng, lại nhìn dáng người động lòng kia, trái tim rung động, trong lòng thầm nghĩ: “Nữ tử Đại Đường ta xưa nay thẳng thắn, nữ tử Đôn Hoàng còn thẳng thắn hơn, một tiểu nữ tử như vậy quả nhiên rất thú vị.”

Mùi hương quanh quất khiến Liễu Quân Phan ngây dại nhìn theo bóng hình xinh đẹp kia. Khi gã xoay người sang thì lại thấy Diêu phu nhân, tức thì ý rượu bừng tỉnh, thầm kêu: “Khổ rồi!

Lúc này, gương mặt Diêu phu nhân giống như là một chiếc bánh nướng đen thui.

...

Trên xe, Thiên Ái Nô dựa vào đệm hơi nhắm hai mắt lại.

Hũ rượu kia quả thật là nặng.

Thân phận của nàng vốn rất đặc biệt, trước kia nàng không tâm sự với ai nhưng khi sắp chia tay với Dương Phàm, rất có thể kiếp này sẽ khó mà gặp lại được thiếu niên xa lạ trước mặt này, nàng không cần phải chôn sâu mọi tâm sự trong lòng, chỉ cần không bại lộ thân phận hiện tại của nàng là được rồi.

Nàng càng không cần phải che giấu tính cách của mình đi, muốn khóc sẽ khóc, muốn cười thì cười, điều này khiến nàng thấy nhẹ nhõm, nên đã đem cảm xúc dồn nén đã lâu bộc lộ hết ra ngoài. Nàng chưa bao giờ uống nhiều rượu như vậy, lại trải qua màn múa sôi nổi vừa rồi, lúc này rượu đã ngấm, nàng thật sự hơi say, nhưng cảm giác say này thật là rất tuyệt.

Dương Phàm nhìn hai má nàng đỏ hồng, liền lấy đệm từ sau lưng mình nhẹ nhàng áp vào bờ vai của nàng, để nàng dựa vào, cho nàng thoải mái hơn một chút, lúc này mới khẽ trách cứ:

- Ngươi muốn tiếp cận hắn thì giả vờ say là được, cần gì phải uống thật nhiều như vậy.

Thiên Ái Nô nhắm mắt lại, gió nhẹ bên ngoài cửa sổ thổi vào làm tóc mai nàng rũ xuống má khẽ lay động làm vành tai nàng ẩn hiện. Nghe Dương Phàm nói vậy, Thiên Ái Nô không mở mắt, chỉ nói nhỏ:

- Ta uống rượu, không phải bởi vì hắn.

Dương Phàm hỏi:

- Vậy vì cái gì?

Thiên Ái Nô lắc lắc đầu, không trả lời.

Bánh xe lộc cộc, đập vào tai nghe có chút nặng nề, Thiên Ái Nô dựa vào góc xe như đã ngủ. Dương Phàm không hỏi nàng nữa, hắn khẽ dựa lưng nhắm mắt lại.

Qua sau một lúc lâu, Thiên Ái Nô mới nhẹ nhàng nói:

- Ta uống rượu, ta thích nhạc, ta học nấu ăn ngon nhất, học may vá xiêm y giỏi nhất, là muốn mình vui vẻ. Hết thảy đều đơn giản là ...ta không muốn mình chịu thiệt thòi...

Dương Phàm nhẹ nhàng mở mắt, nhìn về phía nàng.

Thiên Ái Nô dựa vào góc xe, dường như nàng vẫn đang ngủ say như thường, nàng không mở mắt, thanh âm vẫn thì thầm như trong mộng, khóe mắt nàng mơ hồ có giọt lệ, nàng khẽ nói:

- Bởi vì, ta đem mỗi một ngày trở thành ngày cuối cùng của mình!

Dương Phàm chăm chú nhìn nàng, rất lâu. Một thiếu nữ xinh như hoa tại sao lại có cảm xúc như thế, tại sao lại có ý nghĩ như vậy? Trong lòng nàng, rốt cuộc có bí mật gì, rốt cuộc nàng đã phải chịu những áp lực gì? Dương Phàm rất muốn hỏi năm xưa người cứu nàng từ trong dân đói là ai, nhưng hắn chỉ nhìn mà không hỏi gì cả.

Thanh âm lộc cộc dần dần nhỏ đi, khinh xe rời khỏi đường thập tự lát đá xanh, rẽ vào ngõ nhỏ bằng đất dài hẹp âm u...

***

Sơn thủy có ngày gặp lại.

Núi không rời bỏ nước, nước rời bỏ núi.

Chỉ cần có lòng thì sẽ gặp nhau.

Liễu Quân Phan nén nỗi ức hận trong lòng, cứ luôn mãi lấy lòng, làm nũng, khoe mẽ, chỉ thiếu nước giở hết vốn liếng ở trên giường ra, cuối cùng cũng dỗ dành được Diêu phu nhân đổi giận thành vui, không còn oán giận nữa, lúc này Liễu Quân Phan mới yên lòng.

Vì dỗ dành Diêu phu nhân được vui, vài ngày sau gã thu xếp mời Diêu phu nhân cùng với vài vị quý phu nhân có quan hệ cá nhân thân thiết với ả đi du ngoạn. Địa điểm du ngoạn cũng không quá xa, ngay bên cạnh Lạc Thủy.

Tin tức rất nhanh được thủ hạ của Sở Cuồng Ca nhận được, vì thế “Hạ Hầu Anh” cũng tới.

Lạc Thủy có rất nhiều truyền thuyết thần kỳ.

Như truyền thuyết Hà Đồ Lạc Thư, như là Tần Thủy Hoàng tuần du Lạc Dương, hiến tế Lạc Thủy, chợt có “Hắc đầu công” từ trong nước hiện ra, hướng về phía ông ta hô to: “Đến nhận báu vật của trời”, kích động Tần Thủy Hoàng khua tay múa chân, hát vang: “Nước Lạc Dương, mầu bạc phơ. Đầm lầy hiến tế, bỗng có Nam Lâm...”

Võ Tắc Thiên sao có thể khiến Thủy Hoàng đế giành tên đẹp riêng trước chứ?

Vì thế, năm ngoái trong Lạc Dương đột nhiên có một người vớt ra được một tảng đá, trên đó có khắc: “Thánh mẫu lâm nhân, Vĩnh Xương thịnh đế nghiệp”, Lạc Thủy lại có điềm lành rồi.

Võ Tắc Thiên mừng rỡ, lập tức phong tảng đá này làm “Thiên Thụ Thánh đồ”, phong thần Lạc Thủy làm “Hiển Thánh hầu”, phong Lạc Thủy làm “Vĩnh Xương Lạc Thủy”. Quốc hiệu cũng theo đó mà đổi thành nguyên niên Vĩnh Xương.

Bề ngoài giống như câu chuyện từ xưa cũ, mọi người đã từng nghe rất nhiều rồi, chẳng lẽ đã qua rất nhiều năm rồi sao?

Cũng không phải.

Đơn giản là vì Võ Tắc Thiên thích sửa niên hiệu.

Phụ nữ mà, cho dù là từ cổ chí kim, nữ hoàng đế duy nhất cũng là phụ nữ, nên cũng khó tránh khỏi thích thay đổi.

Hôm nay sao sáng, Võ hậu rất vui vẻ, muốn sửa niên hiệu; ngày mai mưa khá to, Võ hậu không vui, bà cũng muốn sửa niên hiệu; ngày kia Võ hậu long ra một cái răng mới, Võ hậu lại vui vẻ, bà lại muốn sửa niên hiệu.

Cứ như thế, triều chính dưới quyền Võ hậu một năm sửa niên hiệu hai lần, thậm chí ba lần, đến nỗi nguyên niên vô số, chỉ riêng niên hiệu Quang Tòng mà nói, rất nhiều người Đường nghĩ muốn nói đến việc nào đó của người nào đó của tháng năm nào đó cũng phải nghĩ nửa ngày mới mới biết năm ấy rốt cuộc là năm nào.

Ông trời đã trọn trúng Võ Mị Nương khiến thần Lạc Thủy hiện ra thần tích, nhằm duy trì kéo dài sự nghiệp to lớn của Tần Thủy Hoàng, nhưng đối với lão bách tính mà nói cũng không quan trọng, bọn họ chỉ để ý bụng mình có ăn no không thôi.

Mà “Thần tích” Lạc Thủy xuất hiện khiến Võ hậu rất vui mừng, có qua có lại mới toại lòng nhau, bởi vậy liền hạ lệnh cấm câu cá ở Lạc Thủy, điều này khiến ngư dân sống gần Lạc Thủy đời này qua đời khác lấy nghiệp bắt cá mà sống đành phải từ bỏ nghề đó hoặc là phải rời khỏi đó đến nơi khác bắt cá để kiếm sống.

Các hộ ngư dân hoặc là dời đi số lượng lớn hoặc là chuyển sang nghề khác khiến cho hai bên bờ sông Lạc Thủy trở nên hiu quạnh vắng vẻ, trở thành một nơi giải sầu cho những quan lại, nhà quyền quý.

Lạc Thủy lúc này vẫn là con sông lớn mênh mông bát ngát, tàu thủy vận tải tấp nập, chạy qua lại ở giữa sông, cột buồm san sát, che khuất bầu trời. Bờ sông thì cỏ cây um tùm.

Nối thẳng cửa chính hoàng cũng là một cây cầu vắt ngàng trên sông Lạc Thủy, người trên cầu qua lại nhộn nhịp. Câu cầu có tên gọi là “Thiên Tân Kiều”, bởi vì tiếp nối với cửa chính hoàng thành, mỗi sáng sớm ánh trăng vẫn còn treo trên không trung, trên cầu ngựa xe như nước, bởi vậy cảnh đó ở Lạc Dương được gọi là “Thiên Tân Hiểu Nguyệt”.

Bên bờ Lạc Thủy yên tĩnh vắng vẻ.

Bờ sông trống trải, dùng gậy trúc cắm xuống đất, dùng tấm vải bố quấn vòng quanh làm thành lều vải, một mặt hướng ra sông để ngắm cảnh, bên trong tấm vải có tiếng khèn khất lật, đàn không, tiếng nhạc mơ hồ truyền ra, xem ra đúng là những gia đình giàu có đến đây du ngoạn.

(Kèn khất lật: một loại kèn từ Tây Vực truyền sang Trung Quốc, vào thời Hán.

Đàn Không: loại đàn thời xưa, ít nhất có năm dây, nhiều nhất có hai mươi lăm dây)

Một nơi khác ngoài trăm trượng cũng được vây tròn bằng vải bố, tuy nhiên cách bờ sông vài chục bước có một số gia nhân tôi tớ đang đốt lửa chưng luộc nấu ở bên ngoài, điều chế các loại mỹ vị, mùi thịt bay theo gió đến lều vải trên mảnh đất trống kia, có hai lực sĩ đang đô vật, trong trướng chính là nhóm người Diêu phu nhân.

Lúc này lại có một đám người đến, y phục hoa lệ cưỡi bảo mã, vừa nhìn là biết không phú thì quý.

Một đám người hầu tráng kiện uy phong, đi giữa là một đôi thiếu niên nam nữ cũng cưỡi ngựa Đại Thực hùng tuấn.

Mà đôi thiếu niên nam nữ này đội mũ gấm, mặc áo cổ lật tay hẹp, đi đôi giày đen da hươu nhỏ, vô cùng có phong độ.

Thiếu niên vóc người thon dài, eo nhỏ tay dài, mắt sáng như sao, mũi cao, khi cười lộ ra hai lúm đồng tiên, vô cùng thanh tú nhưng cũng đầy hào khí anh tuấn.

Thiếu nữ thấp hơn hắn một chút, dáng người nhỏ xinh, mắt sáng răng trắng tinh, bởi vì mặc nam trang nên càng thêm tuấn tú.

Đôi nam nữ thiếu niên này là Dương Phàm và Thiên Ái Nô.

Đi bên cạnh họ còn có một con ngựa cao lớn, trên lưng ngựa là một con báo gấm đang nằm, tuần thú sư thì theo sát bên con báo gấm.

Bọn họ đến bên bờ Lạc Thủy thì dừng lại, bộ dạng lúc này như cũng muốn ngắm phong cảnh, ăn uống dã ngoại.

Bọn họ chọn thời điểm thật khéo, đúng vị trí ở giữa hai lều vải kia.