Sau Khi Trở Thành Bạo Quân

Quyển 1 - Chương 66




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Edit | Beta: Wis

Xiềng xích nặng nề như núi, nhưng vẫn luôn có người bất khuất gào lên từ trong khe hở.

- --

Năm nay đã sắp kết thúc.

Chỉ còn vài ngày nữa là sang tháng 12, trong mấy ngày nay khi quốc vương đang trấn thủ ở Đông Nam thì bóng đen dịch bệnh bao phủ thành Kossoya đang dần bị xua tan. Mà khi thành phố đang được dọn dẹp thì dân thành thị đang háo hức chuẩn bị cho lễ giáng sinh dưới sự chủ trì của các quan chức thành phố.

Chính trong bầu không khí đó, Gracq dưới sự dẫn dắt của người hầu bước vào dinh thự nơi quốc vương tạm trú.

Cuộc sống lang thang nhiều năm khiến anh quá đỗi gầy gò, mà những ngày đêm chạy đua với thời gian để vẽ tranh đã gần như vắt kiệt toàn bộ sinh lực của chàng họa sĩ không một xu dính túi này. Nếu không phải ánh mắt của anh quá mức sáng ngời, hệt như đốt lên cả sinh mệnh thì chẳng khác nào xác chết.

Anh vốn là học trò của một bậc thầy nổi tiếng của trường phái hội họa Eyck, nhưng anh đã bị giáo viên đuổi vì nghi ngờ chất vấn về lý thuyết hội họa Eyck cổ điển. Sau đó lại vì say rượu rồi lỡ nói ra "hội họa là một nghệ thuật biểu đạt tình cảm và tư tưởng, không nên chỉ giới hạn ở đề tài tôn giáo" trong quán rượu mà bị báo cáo.

Will là "thành phố nghệ thuật" nơi anh ở khi đó cách thành phố có Thánh Đình rất gần, nếu không phải có một người bạn mạo hiểm nhắc nhở anh thì chỉ sợ cơ hội chạy trốn cũng không có mà bị ném thẳng lên giàn thiêu sống.

Gracq đã phải ẩn danh và vượt qua eo biển Abyss để đến Legrand, nơi mà sức ảnh hưởng của Thánh Đình ít hơn các quốc gia khác và trở thành một họa sĩ lang thang vô danh.

Hôm nay là hành động mạo hiểm nhất của anh.

Ông chủ quán rượu nghĩ anh điên rồi —— một họa sĩ không có danh tiếng như anh lại muốn mời quốc vương xem tranh của mình!

Gracq đã đứng trước chỗ ở của quốc vương mấy ngày nay.

Người chạy đến đây kiện cáo quá nhiều nên một họa sĩ lang thang không hề có cảm giác tồn tại. Khi chủ quán rượu muốn ép anh quay lại thì mọi việc bỗng có chuyển biến tốt. Tướng quân Skien tuần tra trở về thì tình cờ thấy bức tranh của anh, vị kỵ sĩ tướng quân cao quý kia đã hứa sẽ nhắc đến nó trước mặt quốc vương.

Vì thế mới có chuyện hôm nay.

Hô hấp của Gracq có chút dồn dập, bàn tay vững chắc cầm cọ vẽ của anh run lên không kiểm soát được.

—— anh có một nguyện vọng, anh hy vọng cách vẽ và khái niệm hội họa mới của mình có thể truyền bá ra, quả thực điều này không có khả năng đối với người đã rời khỏi thủ đô nghệ thuật.

Nhưng, hôm nay anh cảm thấy đây là cơ hội duy nhất để anh có thể thực hiện nguyện vọng của mình.

Anh có thể ư.

Quân vương Legrand có thể ban cho anh thứ anh muốn chăng?

Anh không biết.

Cửa thư phòng của quốc vương đã ở ngay trước mắt, sau khi được cho phép người hầu đẩy cửa ra.

...

Quốc vương quan sát người họa sĩ đứng trước mặt.

Có thể nhìn ra anh đã cố trau chuốt cho mình trước khi đến đây, nhưng điều kiện kinh tế khó khăn khiến anh không thể thay đổi quá nhiều. Chiếc áo khoác của anh đã cũ, cổ tay áo ren lộ ngoài bị bẩn bởi nhiều loại sơn không thể rửa sạch. Khí chất của anh làm quốc vương nhớ đến những quý ngài của viện khoa học tâm thần.

Phải chăng thiên tài bao giờ cũng mang theo mùi thần kinh?

Theo sau chàng họa sĩ là ông chủ quán rượu tạm thời làm trợ thủ của anh.

"Các ngài cứ bĩnh tình." Quốc vương thu lại ánh mắt dò xét: "Ngài có thể nói những gì ngài muốn."

Cậu nói câu này phần lớn là với ông chủ quán rượu đang kích động và căng thẳng sắp ngất đi kia, song điều khiến người ta lo lắng hơn là chàng họa sĩ trông mệt mỏi đến mức có thể đột tử bất cứ lúc nào.

—— mà chuyện này có liên quan đến quốc vương.

Một mặt là cảm hứng tuôn trào nên vẽ tranh không khỏi quá mức quên mất bản thân. Mặt khác, họa sĩ không biết quốc vương sẽ ở lại Kossoya bao lâu, anh biết một khi quốc vương rời khỏi Kossoya thì muốn gặp quốc vương sẽ khó như lên trời. Cộng cả hai lại với nhau, gần như anh đã bạt mạng hoàn thành bức tranh này.

"Thần muốn tặng ngài một bức tranh."

Gracq bình tĩnh lại rồi nói.

Sau khi ông chủ được cho phép đã giúp họa sĩ lang thang trưng bày bức tranh trước mặt quốc vương.

Trong phòng ngoài quốc vương còn có tổng quản nội vụ, ông Charles và mấy quan chức thành thị khác. Nhưng sau khi bức tranh được dựng lên, hầu như ánh mắt của mọi người đều bị bức tranh đó hấp dẫn.

Nó hoàn toàn khác với mọi bức tranh trước đây, không có dấu vết tôn giáo nào trên bức tranh.

Thời gian bỗng quay ngược, trận đại dịch tháng 12 đột nhiên bày ra trước mặt mọi người.

Bầu không khí ảm đạm trong bức tranh hòa quyện với ánh sáng rực rỡ. Mây đen đang ập xuống trên những con phố lớn nhỏ của thành Kossoya, trong bóng tối che giấu vô số bệnh nhân đang rền rĩ, ký ức của mọi người về thảm họa đó lại bị đánh thức, những đau thương và cái chết cứ hiện ra trước mặt họ.

Nhưng cái chết và sự tuyệt vọng không phải chủ đề chính của bức tranh này.

Những bệnh nhân vùng vẫy trong bóng tối đang ngẩng đầu lên, những người hầu cận của quốc vương đứng trên đường phân phát những tiền xu tường vi cho mọi người, trên tòa nhà cao lớn của trụ sở Thương hội Tự do, một đàn quạ tung cánh bay đi. Trên bầu trời, trong những đám mây đen dày đặc đó, ánh sáng rực rỡ xuyên qua những đám mây rồi lan ra khắp thành phố.

Ánh sáng rơi xuống khuôn mặt của những bệnh nhân đang ngẩng đầu, lên những quạ đen bay đi khắp nơi, lên những kỵ sĩ mặc giáp... Ánh sáng và bóng tối, cái chết và sự sống, mọi cảm xúc mạnh mẽ làm cho người ta run rẩy trào ra khỏi bức tranh.

Đây là bức tranh không có thần, nhưng lại gợi lên sự kính sợ.

Các quan chức thành thị run rẩy nhìn nó, không hiểu sự kính sợ này của mình đến từ đâu, sao một bức tranh lại khiến người ta cảm thấy trong nét vẽ ẩn chứa thứ sức mạnh đáng sợ nào đó?

Thậm chí họ còn không hiểu sức mạnh đó là gì.

Sự im lặng như đọng lại khiến cho mồ hôi lạnh lăn dài trên trán ông chủ quán rượu. Ông sẽ đi với Gracq, một mặt là vì có quan hệ tốt với Gracq, một mặt là vì ông cảm thấy bức tranh này tốt thật, dù ông không nói ra được tốt ở đâu, vậy nên đến đây thử với tâm tính đánh bạc.

Nhưng im lặng trước mắt không khỏi làm ông nảy ra hoài nghi.

"Ta để ý thấy bức tranh này của anh không phải được vẽ theo phong cách hội họa Eyck, mà là kỹ thuật mới của anh sao?"

Trong không khí yên tĩnh đó, quốc vương phá vỡ im lặng.

Gracq hơi ngạc nhiên trước ánh mắt bén nhạy của quốc vương.

Anh trả lời: "Đúng vậy, thần không vẽ bằng cách vẽ sơn dầu."

Trường phái Eyck đã quen dùng màu sơn trong suốt phủ từng lớp lên vải bạt để vẽ. Nhưng cách này thường phải chờ từng lớp vẽ khô rồi mới có thể phủ thêm lớp tiếp theo. Đây là phương pháp vẽ được các họa sĩ ngày nay sử dụng, nó có thể làm cho bức tranh trông chân thật hơn.

Khi Gracq học vẽ ở Will đã từng thử chỉ ra rằng phương pháp vẽ này, ngoài khuyết điểm là màu sắc đôi khi còn thiếu tính liên kết và khó đổ bóng, còn dễ làm cứng tư duy hội họa, không dễ diễn đạt linh hoạt.

Nhưng lúc ấy đề nghị của anh không được công nhận mà lại còn chọc giận thầy.

Hội họa là dùng để ca ngợi thần linh phải cư xử nghiêm túc. Ở thành Will gần Thánh Đình, kiểu tư tưởng này của Gracq có thể nói là phản nghịch. Vậy nên anh bị đuổi khỏi trường phái Eyck rồi bị truy nã vì tội "lời dị đoan".

Trong cuộc sống lang thang phiêu bạt ở Legrand, Gracq thường phải đối mặt với vấn đề phải vẽ xong sớm một bức tranh, trong quá trình này, anh đã tìm ra một cách vẽ khác với cách vẽ tranh sơn dầu.

"Quốc vương và thành phố của người" đã áp dụng phương pháp vẽ tranh trực tiếp này.

"Thần gọi nó là "phương pháp vẽ trực tiếp". Đôi mắt của họa sĩ gầy gò sáng lên, giọng điệu có chút kích động. Ngoài việc có thể hoàn thành được nhanh chóng thì quan trọng nhất là nó thể hiện được cảm xúc tốt hơn, hội họa không chỉ để khắc họa những bức tượng thiêng liêng đó! Người phàm cũng có thể được miêu tả bằng cọ vẽ."

Ông chủ quán rượu suýt nữa lịm luôn.

Đúng là ông muốn đánh cược vào cái miệng của Gracq, nhưng sao tên này vừa nhắc tới ý tưởng của mình lại như biến thành người khác vậy!

Ngau lúc ông chủ quán rượu đang run sợ toát mồ hôi hột thì có người khẽ vỗ tay.

Là quốc vương.

Cậu nhìn chăm chú bức tranh và vỗ tay cho nó.

Sát theo đó tiếng vỗ tay vang lên trong phòng, mọi người vỗ tay cho bức tranh này.

"Ngài nói đúng, người phàm cũng nên được cọ vẽ vẽ ra."

Quốc vương đưa ra đánh giá.

Rốt cuộc căng thẳng trong lòng Gracg cũng buông lơi.

Niềm vui đong đầy làm anh không khỏi nở một nụ cười rạng rỡ.

Vì lý tưởng mà hôn thê đã rời bỏ anh, còn anh thì lưu lạc đến một đất nước xa lạ, thiên tài trẻ tuổi ở thủ đô nghệ thuật đã trở thành một kẻ vô danh chuyên vẽ chân dung cho mọi người.

Hơn mười năm gặp trắc trở, hơn mười năm ảo tưởng, hơn mười năm không một ai hiểu... Trong tiếng vỗ tay này, người từng bị chế nhạo, bị coi thường, bị chối bỏ xưa kia cuối cùng cũng được đền đáp. Những lý tưởng bị coi là "không thực tế" của anh cuối cùng cũng đã nhận được tràng pháo tay xứng đáng.

Anh muốn cất tiếng cười to cũng muốn cất tiếng khóc lớn.

"Hãy cho ngài họa sĩ kiệt xuất của chúng ta một chỗ ngồi."

Quốc vương mỉm cười nói với tổng quản nội vụ.

Tổng quản nội vụ vừa mới thực hiện mệnh lệnh của quốc vương bèn thấy họa sĩ vừa mới phát biểu đó, không hề báo trước ngã xuống sàn nhà.

Mọi người trong phòng đều bị biến cố này làm cho hoảng sợ.

Tổng quản nội vụ vội vàng chạy tới, lật chàng họa sĩ lại. Ông đưa tay ra, sau đó ngẩng đầu dở khóc dở cười nhìn quốc vương: "Ngài ấy ngủ rồi."

—— dây thần kinh căng thẳng giãn ra, cộng thêm việc vẽ tranh với cường độ cao suốt mấy ngày, đáng lẽ ra anh chàng này đã nằm xuống từ lâu nhưng do ý chí đã giúp anh gắng gượng nói cho xong những tư tưởng của mình trước quốc vương.

"Ừ."

Quốc vương đành bất đắc dĩ nhìn chàng họa sĩ đang nằm trên sàn nhà rồi chìm vào giấc ngủ say.

Cậu không có ý trách móc hành vi vô lễ của Gracq, vậy nên phân phó một câu cho tổng quản nội vụ: "Đưa ngài họa sĩ của chúng ta xuống nghỉ ngơi, bộ dạng này của anh ta chỉ sợ sẽ khiến người ta cho rằng Legrand to lớn thế mà ngay cả một họa sĩ cung đình cũng nuôi không nổi."

Ông chủ quán rượu có quan hệ tốt với Gracq, cuối cùng cũng buông xuống trái tim đang treo cao mấy ngày nay.

Những người hầu nhanh chóng bước vào rồi nâng dậy chàng họa sĩ sa cơ đang ngủ ngon lành trước mặt quốc vương.

Các quan chức thành phố cùng chủ quán rượu lui ra ngoài, trong phòng chỉ còn lại quốc vương và cha đỡ đầu của cậu.

"William cũng thích tài trợ cho những họa sĩ có hoàn cảnh khó khăn."

Charles như nhớ tới điều gì, ông cười bảo với quốc vương.

"Ta đâu có tài trợ cho họa sĩ có hoàn cảnh khó khăn." Quốc vương trả lời: "Đây chính là ánh sáng văn nghệ mà ta muốn."

Dưới bóng thần quyền, âm thanh của chính người phàm, ánh sáng mà họ cố gắng tìm kiếm. Theo quốc vương, điều này còn hơn cả sự trợ giúp từ địa ngục.

Xiềng xích nặng nề như núi, nhưng vẫn luôn có người bất khuất gào lên từ trong khe hở.

________________________________

Edit: Phương pháp vẽ sơn dầu đã được Theophilus nhắc tới từ thế kỉ 12, nhưng chỉ có Jan van Eyck mới nâng nó lên một tầm cao mới, đến mức có nhiều người lầm tưởng ông đã sáng tạo ra tranh sơn dầu. Đặc điểm của chất liệu sơn dầu là khô lâu hơn màu keo truyền thống. Dưới bàn tay của Jan van Eyck, những lớp sơn dầu trong suốt, mỏng dính được đắp lên nhau hoặc tỉa tót bằng đầu bút lông cực nhỏ, tạo hiệu ứng ba chiều óng ánh.

Jan van Eyck có khả năng khiến người xem cảm thấy như lạc vào thế giới trong tranh, bởi người và cảnh tượng trong tranh quá giống thật, tạo nên hiệu ứng illusionism.

Nguồn: jennyartblog