Sau Khi Chết, Tranh Của Tôi Nổi Tiếng Khắp Thế Giới

Chương 100




Cả ngày đều vẽ tranh bên hồ, bữa trưa cũng chỉ tùy tiện ăn một chút. Buổi tối họ trở về khách sạn, cất đồ đạc rồi đến nhà hàng đối diện ăn tối, sau khi ăn xong, một nhóm người quay lại sảnh khách sạn và tập trung ở đó, bây giờ là lúc bắt đầu nhận xét tranh. Tranh của mọi người lần lượt đặt trên mặt đất, giáo viên nhận xét từng người một, các sinh viên ngồi xếp thành hình tròn. Vì Lâm Lạc và Mao Tuấn đang ngồi cùng nhau nên các bức tranh cũng được đặt cùng nhau.

Đầu tiên là Hạ Văn Thu.

Giáo viên nhìn tranh của Hạ Văn Thu liền chân thành nở nụ cười: “Em vẽ rất tốt, so với năm ngoái đã tiến bộ hơn rất nhiều.”

“Nhưng bức tranh có hơi buồn.” Giáo viên nhìn Hạ Văn Thu, “Em có tâm sự sao?”

Bức tranh có thể biểu đạt nỗi lòng của họa sĩ, điều này cũng không phải là giả. Ánh mắt của mọi người lập tức tập trung vào cậu.

Hạ Văn Thu không quen bị nhiều người như vậy theo dõi, bỗng nhiên mặt đỏ bừng, cậu xua xua tay: "Không, em không có."

Giáo viên nữ cười nói: "Nếu có chuyện gì, các em có thể nói với cô, nếu không tiện nói cho cô thì có thể nói với thầy đây."

Cô chỉ sang giáo viên nam bên cạnh.

"Tất nhiên, nếu các em không muốn nói với giáo viên, vậy thì trò chuyện với bạn cùng lớp cũng không sao, có chuyện gì cũng đừng giấu một mình."

Hạ Văn Thu quẫn bách gật đầu: “Cảm ơn cô, em đã biết.”

Lâm Lạc, Mao Tuấn và những người khác cũng nhìn Hạ Văn Thu. Học kỳ này, Hạ Văn Thu dường như không mấy khi nhắc đến bạn trai của mình. Cậu rất chăm chỉ vẽ tranh - mặc dù trước đây cũng luôn chăm chỉ, nhưng học kỳ này còn chăm hơn. Có chuyện buồn cũng chỉ giấu kín trong lòng.

Lâm Lạc và Mao Tuấn nhìn nhau, quyết định tối nay sẽ hỏi chuyện Hạ Văn Thu.

Sau đó đến tranh của Chu Tích Duyệt. Chu Tích Duyệt vẫn giữ phong cách cá nhân rất cá tính của mình. Trong lớp này, nếu Lâm Lạc đứng hạng nhất thì Chu Tích Duyệt cũng chỉ đứng sau mỗi mình cậu thôi. Hơn nữa vẻ ngoài của cô cũng rất ưa nhìn, lại dễ mến, là bảo bối trong lòng các thầy cô.

Như thường lệ, giáo viên khen ngợi và tán dương bức tranh của Chu Tích Duyệt, sau cùng còn chỉ ra một vài vấn đề để cô tự cải thiện. Mao Tuấn ở bên cạnh lắng nghe, vẻ mặt tự hào như thể bản thân được khen vậy. Nhưng chờ đến khi nhận xét đến tranh của mình, cậu ta liền lúng túng.

Giáo viên vừa thấy tranh của Mao Tuấn đã cười. Các bạn khác trong lớp cũng cười theo. Vì trong tranh của Mao Tuấn, các tòa nhà cổ kính, cây liễu, hồ nước, vịt, đều chỉ làm nền. Nhân vật chính trong bức tranh của cậu ta chỉ có một, đó là cô gái buộc tóc đuôi ngựa ăn mặc theo phong cách JK.

Mái tóc đen dày của cô gái được buộc thành hai đuôi ngựa, mỗi bên cài một chiếc nơ. Áo sơ mi trắng, áo khoác xanh nước biển, váy kẻ sọc và thắt nơ, chân đi tất trắng và một đôi giày da Nhật mũi tròn nhỏ dưới chân.

Bộ dáng trông giống như một nữ sinh trung học vậy. Trên gương mặt vẫn tràn đầy collagen, đôi mắt to lấp lánh. Giáo viên nhìn Chu Tích Duyệt, phát hiện Chu Tích Duyệt cũng đang thích thú nhìn bản thân mình trong tranh.

Giáo viên hỏi: “Mao Tuấn, sao em lại trộm vẽ nữ sinh nhà người ta như vậy?”

Chu Tích Duyệt nghe vậy cũng nhìn về phía Mao Tuấn. Mao Tuấn cao to như vậy mà bị cô liếc một cái liền đỏ mặt không nói nên lời. Giáo viên cũng chỉ muốn gợi ý, không định can thiệp vào chuyện của hai đứa trẻ.

Cô vẫn như bình thường nhận xét tranh của Mao Tuấn. Vốn dĩ Mao Tuấn vẽ khá đẹp, nhưng ai bảo ngay sau cậu ta là Lâm Lạc chứ.

Khi bức tranh của Lâm Lạc được đưa ra để nhận xét, giáo viên đã nhìn chằm chằm vào bức tranh một lúc lâu và thốt lên:

"Các bạn học, tôi không có gì để nhận xét về bức tranh này cả."

“Tranh tôi vẽ còn chưa bán nổi với giá 2 triệu.”

Cả lớp cười ồ lên. Họ không coi Lâm Lạc như một sinh viên ở lứa tuổi của họ nữa, đó là một vị thần vĩ đại mà họ không thể với tới. Vì vậy giáo viên dứt khoát đổi nhận xét thành cả lớp cùng học hỏi theo tranh của Lâm Lạc. Các bạn học nghị luận sôi nổi, thảo luận đến khí thế ngất trời.

Là đương sự, tuy Lâm Lạc không phải lần đầu tiên trải qua loại chuyện này nhưng vẫn có hơi không thoải mái và ngượng ngùng. Vì thế được nửa thời gian cậu liền trốn ra ngoài đi dạo với Tỉnh Ngộ.

Thôn Giang Nguyên có thể được chọn làm địa điểm để phác thảo lần này, phong cảnh ở đây tự nhiên rất đẹp. Là kiểu đẹp tự nhiên, không có dấu vết tác động của con người. Những con đường trong thôn ngập tràn sắc hoa đỏ, vàng, hồng, tím…..đủ loại.

Bây giờ đang là mùa xuân, mùa đẹp nhất ở thành phố Vân Hải. Làn gió chiều đưa hương hoa thoang thoảng, hoàng hôn bao trùm trên cánh đồng, bầu trời đêm xanh thẫm lấp lánh những vì sao, và ánh trăng soi mình trong nước.

Lâm Lạc và Tỉnh Ngộ tay trong tay đi dạo trên con đường rộng rãi. Sinh hoạt buổi tối trong thôn kết thúc rất sớm, tuy rằng mới tám giờ, nhưng trên đường cũng không có mấy người đi lại.

Trên quảng trường văn hóa của thôn có một nhóm bác gái đang nhảy quảng trường, tiếng nhạc chói tai làm cho bọn họ phì cười, phải trốn đi chỗ khác, kẻo tiếng nhạc phá hỏng bầu không khí ngọt ngào của họ.

Họ cứ tùy ý đi dạo dọc theo con đường nhỏ trong thôn. Lâm Lạc đột nhiên cảm thấy nơi này có chút quen thuộc. Cậu nhớ hình như kiếp trước mình đã từng tới đây ở một khoảng thời gian. Vì thế cậu đi theo trí nhớ của mình, chợt nhìn thấy một phòng tranh nhỏ. Lâm Lạc hơi kinh ngạc, tại sao ở đây lại có phòng tranh?

Hai người tiến đến xem xét, phát hiện phòng tranh này còn viết rõ là lập nên để tưởng nhớ Lâm Lạc.

Lâm Lạc nhìn thấy lời này, chợt cảm thấy quái quái.

Trong phòng tranh còn có người. Hai người gõ cửa rồi đứng đợi, một lúc sau, cửa kẽo kẹt mở ra.

Bên trong là một bà lão ngoài bảy mươi tuổi, tóc bạc, dáng người nhỏ nhắn, cúi người hỏi:

“Ai vậy?”

Lâm Lạc há hốc mồm, cảm thấy giọng bà lão có chút quen tai.

Tỉnh Ngộ vội nói: “Chào bà, chúng cháu tới đây chơi, thấy nơi này có phòng tranh liền muốn vào xem.”

“Không biết bây giờ có tiện không ạ?”

Giờ cũng tương đối muộn rồi.

“Xem tranh?” Bà lão nhìn hai người họ từ trên xuống dưới, thấy trên tay Lâm Lạc vẫn còn sót lại sơn màu, biết cậu là một họa sĩ, bà quay lưng, nói: “Mời vào.”

Phòng trưng bày thực sự rất nhỏ, chỉ 70 hoặc 80 mét vuông, dường như cũng là nơi bà lão sinh sống. Hai người đẩy cửa bước vào, thấy trong phòng có hai bà lão đang ngồi nói chuyện, trên tay còn cầm một bức tranh, nhìn một lúc lại thấy hóa ra là bức “Mẹ” của Lâm Lạc. Lâm Lạc có chút dở khóc dở cười, không ngờ tới đây cũng có thể thấy tranh của mình.

"Các cậu có thể xem tranh ở đây, nhưng đừng chạm vào cũng đừng làm hỏng chúng. Nếu các cậu muốn mua thì cũng có thể."

“Nhưng những bức tranh này không bán.”

Bà lão chỉ vào những bức tranh được treo ở vị trí dễ thấy nhất.

Nhìn thấy những bức tranh này, Lâm Lạc đột nhiên sửng sốt, cậu rốt cuộc cũng nhớ ra tại sao lại có cảm giác bà lão này rất quen thuộc.

Kiếp trước cậu đã từng ở thôn này một khoảng thời gian. Khi đó kinh tế của thôn Giang Nguyên còn khó khăn hơn bây giờ. Có một bà lão không biết chữ muốn cậu giúp xin tiền sinh hoạt phí. Nơi đây kinh tế lạc hậu, thanh niên đã ra ngoài làm ăn, trong thôn còn nhiều cụ già, phụ nữ, cuộc sống còn rất khó khăn.

Lâm Lạc quyết định dạy họ vẽ tranh để họ có thể dùng tranh bán lấy tiền. Cũng thông qua các mối quan hệ của mình - chẳng hạn như Cảnh Vân – để giúp họ mở rộng danh tiếng rồi bán tranh.

Sau đó, Lâm Lạc đã rời khỏi nơi này và không bao giờ quay lại nữa. Hình như đó là khoảng thời gian một năm trước khi cậu qua đời.

Lâm Lạc nhìn kỹ bà lão đã hơn bảy mươi tuổi, phát hiện đối phương có vẻ là một trong những người đầu tiên mà hồi đó cậu đã dạy vẽ. Vẽ tranh không cần bằng cấp, không cần trình độ học vấn, không cần biết chữ, chỉ cần trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Tranh của những cụ già tràn đầy sức sống, tràn đầy sự vui thú điền viên, rất được thị trường ưa chuộng, có những người có thể bán được với giá hàng chục nghìn một bức. Điều này đã cải thiện cuộc sống của họ rất nhiều. Sau khi Lâm Lạc chết, thông qua các cán bộ trong thôn, những bà lão này mới biết họ đã được một họa sĩ vĩ đại như vậy dạy vẽ.

Để tưởng nhớ Lâm Lạc, phòng tranh này đã được xây dựng trong thôn để trưng bày một số bức tranh mà Lâm Lạc để lại và bán những bức tranh của chính những bà lão này. Dưới sự giới thiệu của bà, cả hai cùng thưởng thức những bức tranh mà Lâm Lạc để lại. Nhìn vào chữ ký và ngày tháng trên đó, Lâm Lạc cảm thấy có chút xúc động.

Thì ra đã nhiều năm như vậy rồi.

Cậu đột nhiên quay đầu hỏi bà lão: "Bà Từ học vẽ đầu tiên giờ đang ở đâu vậy bà? Bà ấy còn ở đó không?"

Cậu chưa gặp lại bà lão đó.

Ai ngờ, bà lão này nghe xong, trên mặt liền lộ vẻ buồn bã: “Bà ấy đã mất cách đây mấy năm”.

“Đã qua đời?” Lâm Lạc có hơi giật mình, chợt lại hiểu được.

Thời gian cậu ở đây là mười mấy năm về trước, khi đó bà Từ đã hơn 70 tuổi rồi.

"Bà ấy đã già, sức khỏe kém, lại bị bệnh tim, ban đêm đang ngủ thì mất, sáng hôm sau dân làng mới phát hiện ra", bà lão giải thích.

Tỉnh Ngộ liếc nhìn Lâm Lạc, có chút nghi hoặc.

Vừa lúc bà lão cũng hỏi ra những nghi ngờ của Tỉnh Ngộ: "Làm sao cậu biết bà ấy?"

Lâm Lạc suy nghĩ một chút, cười nói: "Có người nói cho cháu."

Bà cụ có hơi khó hiểu, nhưng Lâm Lạc không nói thêm gì nữa. Cậu chọn mua một bức trong số tranh của các bà, rồi nói hôm sau sẽ đến lấy.

Rồi để lại tên của mình: Lâm Nặc.

Chỉ khác có một chữ so với Lâm Lạc.

Bước ra khỏi phòng tranh, Lâm Lạc nhìn lại những bức tranh trên tường mà bản thân đã vẽ trong kiếp trước, trong lòng thầm nói lời từ biệt với quá khứ.

Rồi cậu quay đầu lại, nhìn lên người đàn ông bên cạnh mình, cười hỏi:

“Có phải anh muốn hỏi là ai nói cho em không?”

Tỉnh Ngộ: “Là Lâm Lạc sao?”

Lâm Lạc lắc đầu, sau đó lại gật đầu.

Tỉnh Ngộ bị cậu làm cho buồn cười: “Rốt cuộc là có hay không?”

Lâm Lạc giẫm lên bóng mình dưới trăng, động tác nhẹ nhàng lại tung tăng, cậu nói:

“Phải, mà cũng không phải.”

“Anh có biết tại sao không?”

“Anh không biết.” Tỉnh Ngộ cười nhìn Lâm Lạc, dường như càng ở lâu, hai người càng thân thiết, anh càng cảm thấy Lâm Lạc giống như một đứa trẻ thật sự.

Trước kia cậu nhỏ mà lanh, nhưng trong ánh mắt luôn có sự chán nản và thiếu kiên nhẫn với thế giới xung quanh. Còn bây giờ, đôi mắt cậu luôn tràn ngập niềm vui và sức sống.

“Tại sao?” Anh rất biết phối hợp mà hỏi cậu, “Có phải có điều gì mà trước đây em còn chưa nói với anh không?”

Trực giác của người đàn ông này đáng sợ thật đó.

Lâm Lạc mỉm cười gật đầu, hỏi Tỉnh Ngộ:

"Lần đầu tiên anh nhìn thấy em, anh cảm thấy em giống ai?"

“Lâm Lạc?” Tỉnh Ngộ đáp mà không cần suy nghĩ.

Lâm Lạc nói: "Không phải giống, đó chính là em."