Thôi Lược Thương đang uống rượu.
Thời tiết nóng bức. Nóng đến mức mặt đường bốc lên một làn sương mờ mờ. Người kéo xe, người đi đường, người bán hàng, người cưỡi ngựa, người dắt lừa, người từ phương xa đến ... tất cả đều đi trong hơi nóng ngùn ngụt, tấp nập hối hả như những con sâu non đang bị phơi dưới ánh mặt trời gay gắt. Ai ai cũng chỉ muốn bước nhanh vài bước, sớm vào quán trà của dịch trạm để tránh đi cái nóng hung hãn ngoài kia.
Bên ngoài ánh nắng chói chang, nhưng bên trong quán trà lại đặc biệt mát mẻ.
Thôi Lược Thương dùng cặp mắt ngà ngà say nhìn ra ngoài một hồi, trong lòng thầm nghĩ:
“Đại địa thương sinh, có ai không thê thảm? Có ai không hèn nhát ngu si? Ai cũng đang đi trên con đường của mình. Chỉ có điều xem con đường đó có dễ đi hay không?
Cảnh vật bên đường thế nào? Mưa gió ra sao mà thôi”.
Gã lại tiếp tục uống rượu của gã.
Gã vốn là con sâu rượu, nhưng hôm nay gã không uống nhiều.
Bởi vì đi thêm ba mươi dặm nữa chính là thành Lạc Dương.
Lần này gã đi là để điều tra vụ án cái chết của Mạnh Tùy Viên. Gã phải giữ cho đầu óc tỉnh táo, vì thế gã không thể uống cho thống khoái, không thể uống say.
Kỳ thực mọi người đều say, đâu cần mình mình tỉnh? Mọi người đều tỉnh, đâu cần phải tìm say? Trong cõi nhân gian say một chút đã sao, hơi say một chút, trời đất trong mắt chỉ là chuyện tìm kiếm cái thực trong cái hư, vừa như hư vừa như thực mà thôi.
Thôi Lược Thương đã đi mười mấy ngày đường, lại vừa uống vài bầu rượu nên có chút buồn ngủ, gã định gục xuống bàn nghỉ một lát ...
Đột nhiên có tiếng vó ngựa truyền lại như sấm động.
Hai đại hán mặc áo bó chẽn, cổ áo mở banh đang thúc ngựa chạy cuốn bụi mù mịt. Dù là giữa ban ngày, trên quan đạo nhưng cũng rất ít thấy những kình kỵ, tráng hán như vậy.
Nhìn hai đại hán phóng đi như tên bắn, có thể đoán định họ sẽ không dừng lại nghỉ ngơi ở dịch trạm. Bởi vì họ thúc ngựa quá nhanh nên những người đang đi về hướng quán trà ở trên đường, bất kể là đi về hướng thành môn hay ngược lại, đều sợ hãi tránh sang hai bên đường.
Cảnh này khiến khách nhân trong quán trà đều kinh hãi nhìn ra.
Thôi Lược Thương vốn định gục đầu xuống bàn nghỉ ngơi chốc lát, lúc này cũng mở lớn cặp mắt âm trầm, nhướng mày nhìn ra bên ngoài, nhưng tư thế gục xuống bàn của gã vẫn không hề thay đổi.
Hai kỵ mã đã đến sát quán trà, người đi đường vội hò hét nhau tránh đường. Mấy con súc vật buộc cạnh quán trà cũng bị kinh động đến gõ móng liên hồi xuống đất.
Thôi Lược Thương không để ý đến hai kình trang đại hán cưỡi ngựa.
Gã phát hiện một người.
Một người đi đường.
Đó là một thanh niên thư sinh. Hắn ta mặc một chiếc áo trắng, một màu trắng thuần khiết. Từ xa nhìn lại, đúng là trắng còn hơn tuyết, áo trắng không dính bụi trần, sạch sẽ tựa như một dòng suối chảy từ thâm sơn u cốc ra vậy. Thôi Lược Thương vừa nhìn thấy hắn đã cảm thấy đây là một kẻ không bình thường.
Đây là ấn tượng đầu tiên của Thôi Lược Thương với Phương Tà Chân.
Hai con kiện mã đang phi vun vút, thì có một lão già gù lưng chầm chậm bước đi trên đường. Đúng lúc lão già sắp bị ngựa đạp phải thì bạch y thư sinh đã lao người ra nhanh như chớp. Sau đó đã thấy lão già đứng ở ven đường từ bao giờ, bên cạnh là gã bạch y thư sinh. Gã đang dìu lão đi. Lão già hết sức bình yên, bất quá trên mặt lão lộ ra thần sắc ngạc nhiên không hiểu gì hết cả.
Hai đại hán trên ngựa vì đang có việc gấp nên cũng không để ý tới chuyện vừa xảy ra trong nháy mắt.
Không ai phát hiện trong cái sát na đó, có một thư sinh dáng vẻ yếu ớt, gió thổi cũng bay thi triển một loại khinh công tuyệt thế cứu lấy một nhân mạng trước mắt cả đám đông.
Ngoại trừ Thôi Lược Thương.
Gã phát hiện bạch y thư sinh trong nháy mắt đã thi triển khinh công.
Hơn nữa còn là một loại khinh công kinh thế hãi tục.
“Vạn Cổ Vân Tiêu Nhất Vũ Mao”.
Ba mươi năm trước, nhất đại kỳ hiệp Phương Ca Ngâm đã dùng loại thân pháp tổng hòa của bảy tám loại khinh công khác nhau này để vượt qua vách núi mấy chục trượng, cứu đồng đạo võ lâm thoát khỏi cảnh dầu sôi lửa bỏng. Hôm nay, trên cổ đạo Lạc Dương, dưới ánh mặt trời chói chan, trước mắt của bao người đi đường, thân pháp ấy lại trùng hiện trên thân một bạch y thư sinh dáng vẻ yếu ớt.
Hai mắt Thôi Lược Thương sáng rực lên.
Một người say, không ai có cặp mắt sáng như vậy.
Hai gã đại hán bất thình lình dừng lại trước quán trà. Vì dừng ngựa quá gấp nên cả hai con đều đồng loạt hí vang, khách nhân trong quán đều sợ hãi run rẩy, không biết lai lịch hai con người này ra sao. Bọn tiểu nhị thấy khí thế hung hãn của hai gã đại hán, không ai dám bước ra chào mời. Một gã có lông mày và râu rậm rạp cúi thấp người lớn tiếng hỏi:
– Ê ... chưởng quầy đâu ... cho ta hỏi. Ngươi có thấy hai chiếc kiệu lớn, người đi theo giống như gia quyến của quan gia đi qua đây không?
Giọng nói của gã tuy to nhưng lời nói thì hết sức khách khí.
Chưởng quầy vội bước lên phía trước đón tiếp hai gã, bởi vì chưa biết lai lịch của đối phương thế nào nên lão cũng hết sức nhã nhặn đáp:
– Bẩm đại gia, hôm nay có tiêu cục, có thương đội, có người buôn bán nhưng không thấy quan quyến như đại gia nói đi qua đây.
Một gã đại hán khác mắt cá môi sư tử trợn mắt gầm gừ trong miệng:
– Tại sao còn chưa đến, lẽ nào ...
Đại hán lông mày rậm liền liếc mắt ngăn không cho hắn nói tiếp, đoạn chắp tay nói:
– Cám ơn, có lẽ chúng ta đã nhầm dịch trạm, làm phiền các người rồi.
Nói dứt lời, hai gã liền quát lên một tiếng, quất ngựa chạy đi. Chỉ thấy bụi đường mù mịt, trong chớp mắt đã không thấy bóng hai gã đâu nữa.
Bạch y thư sinh bước vào trong quán trà. Gã tìm một chỗ ngồi sạch sẽ nhất, ngồi xuống. Tiểu nhị đến rót trà, gã chỉ cần một chén nước. Gã uống nước rất chậm rãi, tựa hồ như đang thưởng thức dư vị vô cùng trong thứ nước đó vậy.
Thôi Lược Thương không nhịn được phải đưa mắt nhìn gã một cái.
Lần đầu tiên nhìn gã, chỉ có một cảm giác:
“Kẻ này thật tuấn tú, nhưng nét mặt đượm vẻ ưu tư”.
Mỗi cái cất tay, nhấc chân, chau mày, quay đầu của người này đều mang theo một sự ngạo mạn và u sầu không thể nói nên thành lời. Sự ngạo mạn và u sầu đó giống như tuyết trắng trên đỉnh núi cao, đời đời tồn tại nhưng luôn cô độc, và nó cũng không cần người khác cảm thông hay đồng tình.
Đặc biệt là cặp mắt của gã.
Tinh thần Thôi Lược Thưong hơi chấn động.
Gã chưa từng thấy kẻ nào ưu tư u uất đến độ vô cảm như người này.
Gã ta có một bọc đồ gói trong mảnh vải màu lam cũ kỹ. Bọc đồ này được gánh trên một vật thể dài, cũng được bọc bên ngoài một lớp vải lam đã bị bạc màu theo thời gian. Vật thể dài đó, khẳng định là kiếm.
Một thanh kiếm bọc trong lớp vải cũ.
Chợt nghe hai tiêu sư trong quán trà nói chuyện với nhau.
– Ngươi có nhìn ra lai lịch của chúng không?
– Căn bản chắc không sai, hai tên này khẳng định là đang đi thăm dò tình hình.
– Đúng rồi, ta thấy bọn chúng đi nghe ngóng trước để tránh phiền phức về sau.
Ban ngày ban mặt mà còn dám làm vậy, cái này gọi là không phải mãnh long không quá giang. Chắc hẳn bọn chúng rất có phân lượng.
– Điều này là tất nhiên rồi. Bọn chúng hỏi lộ tuyến của quan quyến, hiển nhiên đây không phải là vụ mua bán tầm thường.
– Chúng ta tránh được thì nên tránh đi. Ngũ Hoa Tiêu Cục của chúng ta không nên dây vào những chuyện thị phi này.
– Ngươi nói rất phải!
Hai tiêu sư một béo một gầy đó đang định đứng lên thanh toán, thì đột nhiên thấy ngoài quán có một vị lão nhân cao gầy, râu tóc bạc phơ nhưng tinh thần vẫn còn quắc thước bước vào. Ánh mắt sắc bén của lão vừa vào đã quét một vòng khắp tiệm. Vào giây phút đó, mỗi người trong tiệm dường như đều bị nhãn thần lạnh như băng của lão đè nén lại. Sau đó lão quay sang hỏi chưởng quầy:
– Có thấy đội ngũ của Trì công tử đi qua đây không?
Chưởng quầy cũng nhận ra tình hình có vẻ không ổn, ấp úng đáp:
– Trì công tử ...
Đột nhiên lão giật mình đánh thót một cái. Thành Lạc Dương có Tứ Đại Công Tử, đó là Tiểu Công Tử Trì Nhật Mộ, Đa Tình Công Tử Du Ngọc Già, Lão Công Tử Hồi Bách Ưng và Nữ Công Tử Cát Linh Linh. Lạc Dương Tứ Đại Công Tử người nào cũng nuôi dưỡng môn hạ trong nhà, ít thì hai ba trăm, nhiều thì cả ngàn người. Hơn nữa họ còn kết giao nhiều kỳ nhân dị sĩ, đối với nha môn quan phủ cũng có ít nhiều lai vãng, thậm chí còn có cả chỗ dựa trong triều đình. Có thể nói, bốn người này đã phú lại còn quý, danh tiếng cực cao, sức ảnh hưởng cực lớn, cho dù quan huyện hay ngự sử ... cũng phải nể họ đôi ba phần. Cả bốn đều có văn tài xuất chúng, võ nghệ tuyệt luân. Trong Tứ Đại Công Tử, Trì Nhật Mộ là kẻ được lòng người nhất. Vì thế, lão chưởng quầy vừa nghe thấy vị khách không mời mà đến này hỏi tới Trì Nhật Mộ thì tâm thần hoảng loạn, nhất thời không nói nên lời.
Lão nhân quắc thước kia đột nhiên lấy từ trong tay áo ra một miếng yêu bài, đưa nhanh trước mặt lão chưởng quầy rồi hạ giọng nói:
– Ta là bổ khoái của huyện bên, phụng mệnh tra án mà đến đây, ngươi không được lừa gạt người đang thi hành công vụ đâu đấy.
Chưởng quấy thấy lão nhân là người trong nha môn vội nói:
– Không có, không có! Trì công tử còn chưa đến, nhưng đã có người của Trì công tử đến đây từ trước dặn dò chúng tôi là đội ngũ của Trì công tử sẽ đi qua đây, chúng tôi phải chuẩn bị rượu thịt để cho bọn họ ăn uống nghỉ ngơi.
Hai mắt lão già sáng rực lên nói:
– Quả nhiên, tốt, tốt lắm!
Lúc này, chợt nghe tiếng người hò hét. Hai gã kiệu phu bắp tay cuồn cuộn đang khênh một cỗ kiệu nhỏ màu đen, tiến về phía quán trà. Lúc hai gã kiệu phu đi qua quán trà, có ngoái đầu vào nhìn, chỉ thấy lão nhân quắc thước kia khẽ gật đầu. Hai gã liền dừng kiệu dưới bóng râm của cây hoè, đưa tay lau mồ hôi trên trán.
Trời nóng như thiêu đốt, hai gã khiêng một cỗ kiệu như vậy đi cả một đoạn đường dài, vậy mà sắc mặt không hồng, khí không đoạn, chỉ là toàn thân mồ hôi đầm đìa mà thôi. Ánh mặt trời nóng bỏng chiếu lên bắp thịt cuồn cuộn của hai gã, khiến người khác cảm thấy một loại khí chất cương liệt áp bức người khác.
Cũng không biết người trong kiệu là ai. Trời nóng như đổ lửa, vậy mà y ở trong một cỗ kiệu nóng bức chật hẹp lâu như vậy, mà cũng không ra ngoài hít thở không khí trong lành.
Hai gã tiêu sư đang định rời khỏi, nhưng thấy người của quan nha đến, liền đổi ý lưu lại để xem nhiệt náo.
Bạch y thư sinh vẫn đang thưởng thức thứ nước bên trong ly, giữa hai chân mày tràn đầy vẻ ưu tư.
Thôi Lược Thương đưa mắt nhìn y thêm vài cái. Đột nhiên, bạch y thư sinh dường như có cảnh giác, chuyển động mục quang nhìn về phía Thôi Lược Thương.
Chính vào lúc này, một đội nhân mã đột nhiên hiện ra sau trong đám bụi mù mịt.
Một đội nhân mã, tổng cộng mười một người.
Bốn kỵ sĩ đi trước. Bốn kỵ sĩ đi sau. Ba kỵ sĩ ở giữa.
Trong ba kỵ sĩ ở giữa thì người bên trái là một văn sĩ, râu năm chòm dài tới ngực, mặt như Quán Ngọc. Người bên phải là một võ sĩ, khí khái dũng mãnh kiên cường, y ngồi trên lưng ngựa thật giống như một vị chiến thần.
Cả một đội ngũ này, đều như muốn nói lên một chuyện:
Bọn họ đang bảo vệ vị công tử ở giữa kia.
Người thanh niên trông giống như một vương tôn công tử kia cưỡi trên một con ngựa đen tuyền hoàn toàn không có tạp sắc, tay cầm kim tiên cẩn châu nạm ngọc. Trên ngựa còn có một chiếc lọng vàng, dùng để che chắn ánh nắng. Vị công tử trên ngựa bị chiếc lọng che mất nửa khuôn mặt, nên không nhìn rõ lắm, chỉ thấy y mặc áo gấm, dày đoạn, bội kiếm cẩn phỉ thúy trân châu, một cánh tay đặt nhẹ trên dây cương, có thể khẳng định là một người rất tuấn tú.
Gã thư sinh đang cẩn thận thưởng thức nước lọc kia chợt thấp giọng hừ nhẹ một tiếng, khẽ lắc đầu nhè nhẹ.
Mười một kỵ sĩ tiến đến gần quán trà, tốc độ cũng dần dần chậm lại. Võ sĩ cao lớn đi bên phải vị công tử nói:
– Lưu gia, người đã sắp xếp chúng ta nghỉ ngơi ở đây đúng không?
Văn sĩ kia vội nói:
– Đúng vậy, không biết ý công tử thế nào?
Vị công tử kia đáp:
– Được lắm. Trời nóng thế này cũng không cần vội vã làm gì. Chỉ cần về trước khi thành môn đóng cửa là được.
Y vừa khai khẩu đã khiến ai cũng nghĩ y là một người dễ dãi.
Văn sĩ tung mình nhảy xuống ngựa, đưa mắt quét nhanh một vòng khắp nơi, rồi mới khẽ vẫy tay. Hai đại hán phía trước liền lập tức hạ mã, chạy đến đỡ vị công tử kia xuống ngựa. Vị công tử cũng không cần bọn họ giúp đỡ, khẽ nhún mình đã hạ thân xuống đất, nhẹ nhàng như một sợi bông vậy.
Văn sĩ kia nói:
– Nơi này cách Lạc Dương ba mươi dặm đường, trước giờ Thân chúng ta có thể đến nơi được.
Lúc này người trong quán trà không ai là không để ý nhìn đoàn người này, mục quang đặc biệt tập trung vào vị công tử có khí chất cao quý kia. “Lạc Dương Tứ Công Tử” danh động thiên hạ, bất luận có phải là người trong giang hồ hay không, chưa có ai là chưa từng nghe qua danh tiếng của họ. Ai cũng muốn nhân cơ hội hiếm có này nhìn y thêm vài cái.
Chỉ nghe gã tiêu sư đeo túi tên sau lưng thấp giọng nói:
– Người ta nói Lạc Dương Trì công tử là nhân trung long phụng, lời này quả chẳng sai chút nào. Ngươi nhìn y kìa, mi thanh mục tú, ngọc thụ lâm phong, người tầm thường làm sao bì được?
Tên tiêu sư đeo túi phi tiêu ở lưng lại nói:
– Ngươi thử nhìn Văn Đảm Võ Tướng bên cạnh y xem, thật không tầm thường, quả không hổ là người được chọn ra từ hơn một ngàn năm trăm thực khách.
Gã tiêu sư đeo tên sau lưng lại nói:
– Người để râu dài, phe phẩy quạt Khổng Minh kia chính là Văn Đảm Lưu Thị Chi à? Người này chỉ dựa vào tài trí kế sách đã khiến ba đạo ác phỉ ở Yến Kê tất cả đều quy phục Trì công tử, kiến công quả không nhỏ ...
Gã tiêu sư kia vội thấp giọng nói:
– Bé miệng thôi, Võ Tướng Hồng Tam Nhiệt đang nhìn kìa. Y là lão tổ tông của những kẻ sống trên đầu đao mũi kiếm như chúng ta, tốt nhất là không nên đụng vào.
Lúc này, hai kỵ mã vừa đi khỏi lúc nãy lại quay trở lại, tiếng vó ngựa đã đến sát quán trà. Lần này người trên ngựa hình như muốn dừng chân, nên không thúc ngựa chạy tiếp.
Văn Đảm Lưu Thị Chi và Võ Tướng Hồng Tam Nhiệt một tả một hữu, hộ vệ Trì Nhật Mộ tìm một chiếc bàn sạch sẽ nhất. Họ đang định ngồi xuống thì Hồng Tam Nhiệt chợt liếc nhìn thấy chiếc bàn mà bạch y thư sinh đang ngồi, tựa hồ như còn sạch hơn một chút. Y liền sải bước đi tới. Thân hình Hồng Tam Nhiệt khôi vĩ, vừa bước tới thì cả tấm thân hộ pháp đã như muốn nuốt chửng lấy thân hình nhỏ bé gầy gò của bạch y thư sinh.
– Ê, tránh ra!
Bạch y thư sinh tựa hồ không chú ý đến lời nói của y.
Cặp lông mày thô của Hồng Tam Nhiệt khẽ chau lại:
– Ê, ta nói với ngươi đó, ngươi có nghe hay không?
Bạch y thư sinh thần thái an nhiên, miệng vẫn đang ngâm nga một khúc nhạc.
Thôi Lược Thương phát hiện thấy gã khẽ nhướng mày lên, mang theo một chút thần tình khinh thường, không coi Hồng Tam Nhiệt vào đâu.
Hồng Tam Nhiệt tức giận, đưa tay đẩy mạnh vai bạch y thư sinh, đồng thời quát lớn:
– Ngươi điếc à?
Đúng vào sát na bàn tay Hồng Tam Nhiệt tiếp xúc với bờ vai bạch y thư sinh thì Trì công tử chợt lớn giọng nói:
– Hồng tổng quản, ngươi định làm gì vậy?
Tuy là lời nói trách móc, song thanh âm vẫn thập phần ôn hòa dễ nghe.
Hồng Tam Nhiệt lập tức thu thế, quay đầu cung tay lại đáp:
– Bẩm công tử, chiếc bàn này sạch hơn một chút, bỉ chức nghĩ ...
Trì công tử nghểnh cổ nhìn bạch y thư sinh một lượt, chiếc cổ của y vừa trắng vừa thanh, cho dù là một tư thế không đẹp, song vẫn thập phần ưu nhã. Chỉ nghe y nói:
– Bất tất! Người ta đến trước, chỗ ngồi đưong nhiên là do y chiếm dụng. Chỗ này cũng đâu có bẩn, không cần làm phiền người ta làm gì.
Hồng Tam Nhiệt đáp:
– Dạ!
Đoạn quay người đi về chỗ ngồi.
Bạch y thư sinh cũng không đáp tạ, chỉ khe khẽ ngâm nga khúc nhạc của y.
Thôi Lược Thương lắng nghe, cảm thấy đây là một bài ca tịch mịch, thê lương mà u mỹ.
Đột nhiên lão chưởng quầy nói:
– Vị quan sai này, người không phải tìm Trì công tử sao? Vị này chính là ...
Đột nhiên, lời của lão bị cắt đoạn.
Tại trường phát sinh ra những biến hóa kinh thiên động địa.
Tất cả biến hóa đều diễn ra trong một sát na thời gian. Vừa rồi vẫn còn là những người đang ngồi uống trà giải khát tránh nắng, chớp mắt đã biến thành một đống máu thịt bầy nhầy.
Thôi Lược Thương sớm đã dự liệu sẽ có chuyện xảy ra.
Nhưng gã quyết chẳng thể ngờ sự việc lại diễn ra mãnh liệt, kịch liệt, tráng liệt và thảm liệt đến như vậy.
Giọt máu đầu tiên là từ lão chưởng quầy kia chảy ra.
Lão chưởng quầy vừa lên tiếng, Trì công tử, Lưu Thị Chi, Hồng Tam Nhiệt đều không hẹn mà cùng quay đầu sang nhìn lão nhân quắc thước.
Lão nhân đó vốn đang đứng cạnh lão chưởng quầy.
Đột nhiên lão xuất đao.
Đao của lão giấu trong tay áo.
Lão không giống như bạt đao, mà chỉ như vung một sợi dây bạc, một tấm vải trắng lên. Cổ họng lão chưởng quầy liền bị cắt đoạn.
Vì lão xuất đao quá nhanh nên bất kỳ ai cũng không kịp cứu vãn hoặc giả ngăn cản.
Ngay cả bạch y thư sinh cũng khẽ chau mày.