Edit: Thịnh Ái Tư Tư
Thú thật tuy hôm nay học trò luôn lải nhải về teen nhưng cũng chưa đứa nào rõ tuổi đó bắt đầu và kết thúc ở bao nhiêu.
Nhưng nếu như nhiều phần chắc chắn bắt đầu từ Ki Ki, sẽ không kết thúc ở thầy dạy Sử.
Trên đường đi, tôi đã đoán Thầy sẽ hỏi câu chuyện bên trong phòng Hiệu trưởng diễn biến ra sao. Vì chắc mọi giáo viên đều biết tôi sẽ bị hỏi. Nhưng Ki Ki nhầm. Thầy chẳng hề đả động tới chuyện đó, như không có trên đời.
Sau khi múc một thìa kem, câu hỏi của Thầy hoàn toàn khác:
-Ki Ki này, em thấy Thầy dạy môn Lịch sử ra sao?
Tôi ngập ngừng:
-Dạ, không giống ai hết.
-Thầy biết không giống ai. Nhưng em có thích vậy không?
Tôi đáp ngay:
-Thích ạ.
Còn gì hay hơn nữa hả các bồ? Khi ta học Lịch sử qua phim, qua việc ăn bánh bao và đi chụp hình ở nhà thờ Đức bà.
Thầy reo:
-Như thế được rồi.
-Vậy thưa Thầy, các lớp khác thì sao?
-Lớp khác tôi dạy theo cách thông thường. Nghĩa là theo sách giáo khoa.
Ly Cún ngạc nhiên quá:
-Sao lại như thế, thưa Thầy?
-Tại vì lớp khác không có Ki Ki.
Một câu trả lời gây choáng váng. Từ khi quen Thầy, tôi đã bị choáng rất nhiều. Vì vậy, chả khi nào nghĩ còn khả năng choáng váng hơn lên. A ha, nhờ có Ki Ki mà lịch sử đã sang trang.
Xưa nay, Ly Cún chưa từng nghe ai ca tụng mình. Mẹ ở nhà thì bảo nó là con ngốc, bạn bè chê nó là con khùng, bà Ngoại nói nó là con trai, còn Ba thỉnh thoảng kêu nó như con lật đật.
Đọc sách giáo khoa, tôi cũng biết chỉ vài nhân vật vĩ đại mới có khả năng làm lịch sử khác đi. Chưa khi nào Ki Ki dám mơ rằng mình cũng nằm trong số đó.
Như đoán được ý tôi, Thầy giái thích:
-Ki Ki ạ, lịch sử có lúc ngàn năm chẳng hề thay đổi. Cứ lù lù đứng yên như hòn đá xanh rêu. Nhưng cũng có thời điểm như ánh chớp rọi vào, nó bừng lên khác hẳn.
Hôm em nói về khủng hoảng nước Mỹ qua phim “Gatsby vĩ đại”, Thầy bỗng thấy tia chớp ấy lóe lên. Thầy bỗng dưng muốn dạy khác hoàn toàn.
Tuyệt làm sao. Tôi vô cùng mê mệt bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc”, nhưng chưa hề nghĩ mình đã làm cho Thầy “Bống dưng muốn khác” một cách đột ngột như vậy.
Anh phục vụ bỗng dưng tới gần hỏi một câu cực kì duyên dáng:
-Hai bạn có ăn thêm kem không?
Thầy gật đầu. Còn tôi tê tái vì sướng.
Nghe thấy chưa? Hai bạn! Nghĩa là nhìn bên ngoài Ki Ki và Thầy hoàn toàn không chênh lệch, là bạn của nhau.
Người ta xưa nay cứ đồn con gái và con trai có tình bạn rất tốt. Thú thật Ly Cún không tin như thế. Ly Cún luôn luôn có cảm giác khi mình quá thân với trai nào đó, sẽ đôi chút yêu yêu. Chỉ đôi chút thôi, nhưng hấp dẫn vô cùng.
Các bài hát sến thường lải nhải “Yêu là đắng cay” nhưng tôi hay tủm tỉm cười và nghĩ đắng cay chính là hạt tiêu, phải rắc một chút thì đời mới trở nên thơm phức.
Kem được bưng thêm ra. Tại sao trai Teen và gái Teen hay ăn kem? Tại vì kem không dính răng, ngồi với bồ nhỡ có gì dính răng quê chết mất, và do kem có thể ăn mãi không no.
Một bản nhạc trong quán đột nhiên được bật lên, ca sĩ Bằng Kiều cất tiếng cao vút:
“Ta quen nhau đã bao lâu rồi hỡi đêm, đêm có hay,
Mà giọt buồn hoài vương trên môi mặn đắng,
Ta quen nhau đã bao lâu rồi hỡi đêm, sao vẫn mãi đêm dài,
Để mình ta vẫn con tim khô cằn giá băng.”
Trời ơi, sao có thể bắt đầu tình yêu với mật đắng, với giá băng dại khờ như vậy? Sao không bắt đầu từ lịch sử như Ki Ki? Hả chú Bằng Kiều tội nghiệp?
Ly Cún quay đầu nhìn ra bên ngoài, chả phải do muốn xem phố phường, có gì, kệ phố phường chứ, kệ cả bầu trời, kệ cả bóng cây chứ. Ly Cún nhìn vì biết lúc đó thầy sẽ nhìn nó trông nghiêng. Mà trông nghiêng Ly Cún đẹp tuyệt trần do cái mũi thẳng băng.
Các bạn gái của tôi đừng tin những kẻ bảo cuộc đời đáng quý. Phần lớn đời chúng mình diễn ra vui chơi, nhưng đáng quý nhất phải là những giây phút ngồi bên trai đẹp, do trai đẹp luôn ít, nên những giây phút đó không nhiều.
Bởi vậy, khi có dịp ngồi phải tận dụng từng giây từng phút. Ta phải suy tính cẩn thận, phải “đẹp đến từng nửa cm”. Chẳng hạn, ai có cái miệng xinh hãy nâng ly sinh tố lên và uống bằng ống hút trước mắt chàng, vẻ đẹp đôi môi mới ló ra toàn diện. Ai có các tai hồng hồng hãy xoay tay về phía chàng mỗi khi chàng nói, và ai có cái mũi thẳng tắp hãy ngó ra cửa sổ, mơ màng cho sự thẳng tắp ấy thấm vào chàng đến tận tim, rồi lan ra xuống mắt cá chân.
Bài hát vẫn vang lên. Anh Bằng Kiều đang cao trào. Nghi phút ấy anh ấy vừa hát vừa khóc.
“Đêm hôm qua bỗng nhiên em nhìn thấy anh trong giấc mơ,
Mình ngồi cạnh thật lâu bên nhau lặng lẽ,...
Này mùa đông ơi xin hãy làm tuyết rơi, để chắn lối em anh về,
Này mùa đông ơi xin hãy làm tuyết rơi, để em biết anh cần em,
Và thời gian ơi xin hãy ngừng chốn đây, để những dấu yêu đong đầy.
Một vòng tay em khao khát một giấc mơ, em đã yêu anh người ơi.”
Nhưng Ki Ki ơi, đây đâu phải anh, đây là Thầy cơ mà.
Có một câu hát khiến Ly Cún rưng rưng:
“Mình ngồi cạnh thật lâu bên nhau lặng lẽ.”
Trời ơi, tại sao khi yêu các bạn cứ phải đuổi bắt, cứ phải khóc òa, và cứ phải cùng nhau chui vô bếp nấu mấy món ăn? Chỉ cần lặng lẽ ăn kem là ngọt ngào lắm rồi. Anh Bằng Kiều hát hay quá,, nhưng không cần đứng trên sân khấu, chỉ ngồi như Ki Ki lúc này chắc chắn anh còn hát hay hơn.
Thầy bống nói:
-Mình đi nào, Ki Ki.
-Dạ, đi đâu Thầy?
-Ra hiệu sách. Đi bộ thôi, gần mà.
Thầy trả tiền, và cầm tay tôi kéo lên. Và ra đến vỉa hè vẫn nắm tay như thế, chúng tôi đi.
Ly Cún thường nghe nói Sài Gòn có hơn 8 triệu dân. Nhưng chắc chắn giờ phút này chỉ một cô bé 17 tuổi nắm tay Thầy giáo 22 tuổi bước trên vỉa hè đường Nguyễn Huệ.
Họ sẽ đi bên nhau mãi mãi. Họ sẽ đi về phía mặt trời, đi lên cung trăng hay đi lên các thiên hà. Các nhà văn chắc chắn sẽ viết thế, để bán trong chợ sách. Các nhạc sĩ chắc chắn sẽ viết thế, để Bảo Thy, Miu Lê, hay Đông Nhi hát. Riêng Ki Ki chả hề nghĩ như thế, chỉ cần vui sướng tràn ngập trong lòng.
Cái quán kem đó, cái bàn hôm đó Ki Ki sẽ không bao giờ quên. Có những di tích lịch sử của thế giới như Kim Tự Tháp. Có những di tích lịch sử của quốc gia như chùa Thiên Mụ. Có những di tích lịch sử của thành phố, như Nhà bưu điện. Và có những di tích lịch sử của riêng Ly Cún như quán kem dâu. Xin các bạn teen qua quán đó hãy nghiêng mình.
Chắc các bạn điều biết nhà sách Nguyễn Huệ.
Các bạn nào chưa từng vô đó, Ly Cún chả còn biết nói làm sao. Vừa rồi thành phố có chợ sách. Dân teen nhà mình đi lại tấp nập, nhưng Ly Cún nghi quá, có vẻ ngó sách thì ít, ngó nhau thì nhiều.
Ly Cún không phải con mọt sách. Khi một cô gái là mọt phim, mọt quà vặt, mọt bơi và mọt trai đẹp thì không thể còn sức lực để mọt sách bao nhiêu. Vả lại, như đã nói tư đầu, Ly không hề có ý định trở thành nhà văn, nhà văn không được mặc quần áo đẹp, không được chụp hình đăng lên báo và không giàu có, không được đi chơi. Nhà văn mặc áo gì chả ai bình phẩm và yêu ai, bỏ ai chả báo nào đăng. Nhưng vẫn có những cuốn sách của nhà văn ta nên đọc.
-Em có hay tới đây không?
-Dạ thưa Thầy, cũng vừa vừa.
-Vậy em thích loại truyện gì?
-Dạ, lung tung lắm ạ. Nhưng em rất sợ chuyện kinh dị. Chuyện ma.
Câu trả lời đó hoàn toàn thật lòng. Tôi vô cùng khiếp sợ khi xem phim rùng rợn thấy một cô gái bị chặt ra làm ba khúc vẫn nhảy múa, và một anh chàng không đầu vẫn ca hát. Kinh. Thêm một phần nhàm chán nữa là ma luôn giống nhau, ma nữ luôn luôn mặc áo trắng tả tơi, có vết máu. Còn ma nam bao giờ cũng có răng nhọn, mắt đỏ ngầu. Rõ ràng đó là bọn ma ngốc, ma khờ. Ma chính cống, ma thông minh phải đẹp trai thì mới dễ hại người.
Hai thầy trò đi từ từ quanh nhà sách.
Dừng lại
Các bạn có công nhận với tôi không, dù mình có hư hỏng tới mấy, quậy phá tới mấy, trâu bò đến bao nhiêu thì bước vô cổng chùa cũng phải trở nên nhũn nhặn.
Vì trong chùa không khí tĩnh lặng, tượng Phật uy nghiêm, hương khói ngào ngạt, thoang thoảng, bà con thành kính sì sụp, chưa kể tượng hai ông hộ pháp vác hai dao to đùng, mặt hầm hầm nhìn ta không chớp, ai dám ho he.
Cho nên, hễ bước vào chùa là ta mềm nhũn, đi đứng rón rén, nói năng thì thầm, tác phong nhỏ nhẹ, chả ai dám giẫm lên một con ruồi. Vả lại, cũng lấy đâu ra ruồi mà giẫm.
Rất lạ lùng, khi bước vô nhà sách cũng thế.
Nhà sách không hề có hương khói nghi ngút, không hề có ai đang quỳ lạy trong tiếng chuông thánh thót boong boong. Cũng chả có tượng ông nào cầm dao to, dao bé trợn mắt canh chừng. Tuy nhiên, đứng trước những cuốn sách im phăng phắc, đủ kích cỡ, đủ thể loại chăm chú nhìn ta từ trên kệ, ta bỗng hoảng sợ thấy mình nhỏ bé, bủn rủn chân tay.
Do vậy, có đứa nào dám ăn quà trong nhà sách không? Không! Có đứa nào dám đua xe trong nhà sách không? Không! Và có đứa nào dám cười hí hí, hát vang vang trong nhà sách không? Cũng có, nhưng ít vô cùng.
Có nên, bảo nhà sách là chùa được không? Được!
Thế chùa ấy do thần nào cai quản? Hồi nhỏ, Ly Cún tin chắc đấy là “Aladin và cây đén thần”. Chắc hôm nay cũng thế. Thần đèn vẫn quanh quẩn đâu đây.
Nhưng Ki Ki khác rồi. Hồi bé, Ki Ki đi nhà sách với ba. Bớt bé hơn Ki Ki đi nhà sách một mình, còn phút này, Ki Ki đi nhà sách với trai đẹp.
Sách ơi, sách hãy coi chừng.
Thêm một sự giống nhau nữa, nếu các bạn để ý, là dân đi chùa nhiều mục đích khác nhau, dân đi nhà sách cũng y chang.
Kẻ thành tâm bước vô chùa chỉ nhìn tượng Phật. Kẻ yêu văn học bước vô tiệm sách chỉ nhìn sách.
Nhưng cũng có đứa vô cho người ta nhìn mình, hoặc tự dối mình là cũng tâm linh. Mắt chúng thường dáo dác.
Khi vô nhà sách, những đứa đó cũng chẳng quan tâm tới văn chương mà luôn nhìn sang quầy bán đủ thứ xanh xanh đỏ đỏ. Nếu chúng có cầm lên cuốn nào, thì cuốn đó thường to đùng nhằm mục đích làm bà con chết khiếp.
Tiếp tục
Ly Cún và Thầy, một trai yêu Sử tha thiết và một gái yêu văn nhẹ nhàng, bước vô hiệu sách của thành phố trong một chiều mùa xuân.
Các bạn chắc được nhắc buổi sáng mùa xuân rất đẹp. Vâng, Ly Cún không phản đối, nhưng buổi trưa mùa xuân, buổi chiều mùa xuân, buổi tối mùa xuân và đêm khuya mùa xuân không đẹp hay sao? Có khi còn đẹp hơn là khác. Vậy mà chả ai chịu ca ngợi? Tiếc vô cùng.
Ly Cún nhìn sách. Sách nhìn Ly cún. Cả hai đều kính trọng lẫn nhau. Còn gì nữa. Một bên là gái teen 17. Xinh xắn, biết bơi. Một bên là văn học ngàn đời. Biết đủ thứ ngọt ngào cay đắng.
Thầy nói:
-Ki Ki chọn đi. Thầy muốn mua tặng em một cuốn sách.
Thôi chết, một thử thách quá bất ngờ.
Nếu trai đẹp tặng ta gấu bông, thỏ bông, chó bông hoặc cả một vườn thú bông, ta có thể từ chối.
Nếu trai đẹp tặng ta bánh kẹo, túi xách, nước hoa, ta cũng có thể từ chối.
Đặc biệt, khi trai đẹp tặng mình vàng bạc, châu báu, kim cương, mình không nên từ chối vội vàng.
Nhưng trai đẹp tặng ta sách ta không nhận, ta sẽ thành con bé nhạt phèo, chả biết gì về nội tâm phong phú. Tuy nhiên nhận sách nào đây?
Nấu ăn ư? Thêu thùa ư? Giả dối. Như đã từng tiết lộ, tôi chỉ biết nấu cơm bằng nồi cơm điện. Còn thêu, nếu tôi thêu tặng bạn nào con chim họa mi, chắc chắn bạn ấy sẽ nhận ra con quạ.
Hay sách dạy làm người? Kiểu như “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” hoặc kì dị hơn “Dạy con làm giàu”?
Lo lắng thỉnh thoảng Ly Cún thỉnh thoảng cũng có, nhưng chưa tới một gánh, chỉ vài miếng là cùng. Không lẽ quẳng ra đường như quăng rác? Còn giàu, mình chưa có, lấy đâu ra dạy con mình?
Hay mua sách về sức khỏe, ví dụ như “Phòng và trị bệnh viêm gan”. Không, Ki Ki chưa viêm gan mà to gan vì dám yêu Thầy. Gan to không hề là bệnh.
Thôi, mua sách văn chương là đúng nhất. Tôi kéo Thầy ra chỗ đó, và suýt toát mồ hôi. Văn chương sao toàn tên gọi rợn người “Thiên thần và ác quỷ”, “Góa phụ áo đen”, “Cô gái chọc tổ ong bầu”, “Chuột cống ở thiên đường”. Không được, không được, phải đến nơi văn học tuổi teen thôi. Nhưng khổ thân tôi chưa, nhục nhã cho tôi chưa, ê hề cho tôi chưa, sao tựa đề sách teen toàn sến sẩm thế này “Phượng tím sân trường”, “Bước khẽ bên thềm”, “Thu về kỉ niệm”,... Khiếp. Nếu Ly Cún mà viết văn, chắc chắn tác phẩm không yếu mềm chảy nước ra như thế, mà ít nhất cũng phải mang tên “Yêu hay là chết”, “Tôi ơi đừng chạy”, “Bom trong cặp sách” hoặc ít ra “Hoàng hậu Ki Ki”. Như thế mới cá tính, như thế mới là teen hiện đại. Thầy teen dâu, trò ít ra cũng teen măng cụt, bên ngoài chát, bên trong ngọt như đường.
Tôi bèn kéo Thầy tới một nơi, cầm một cuốn sách lên:
-Dạ, Thầy tặng em cuốn này nhé.
Thầy giáo nhìn kĩ. Nó có tựa đề “Những tên cướp biển lừng danh lịch sử”.
Thầy phá lên cười:
-Biết ngay mà. Thế mới Ki Ki.
Cho đến phút này tôi vẫn miên man về câu nói đấy. “Thế mới Ki Ki” là sao?
Thực ra, tôi chọn cuốn cướp biển không phải vô tình. Bạn nào đã xem “Cướp biển Caribbean” đều mê mẩn vì cướp biển trong đó vừa đẹp trai, vừa oai hùng, vừa có tình yêu lãng mạn.
Cướp như thế, xem chỉ muốn khóc òa lên, mong cho nó cướp mình.
Tôi nhận sách rồi nói:
-Thưa Thầy, em cũng muốn mua tặng Thầy một cuốn.
-Cám ơn, Ki Ki. Thầy chọn cuốn này.
Các bạn đoán ra không. Đó là một cuốn truyện Tintin.
Ly kì chưa? Khác lạ chưa? Thầy giáo oai hùng đọc Tintin. Nữ sinh mộng mơ đọc cướp biển?
Thế giới hôm nay quả khác rồi.
-Mình về thôi, Ki Ki.
Buồn quá, phải về rồi. Tôi lại nắm tay Thầy. Hai người lại đi trên vỉa hè. Một câu thơ nổi tiếng viết:
“Có những phút trên đường đời tấp nập,
Ta vô tình đi lướt qua nhau”.
Ki Ki ơi, Ki Ki không lướt, Ki Ki đi cạnh cơ mà.
Thầy chở tôi về trên xe SH. Xe dừng trước cổng, tôi nhảy xuống.
-Em cám ơn Thầy.
-Chào Ki Ki. Mai gặp nhé.
Mai có tiết Sử. Hôm nào không có tiết Sử. Hôm đó cuộc sống vô hồn. Nói như vậy có sến không nhỉ?
Ly Cún không biết thầy giáo có nhìn theo không vì chả dám quay đầu lại. Mặc dù rất muốn. Quay đầu như thế có vẻ quá xi nê.
Trong xi nê, trai gái sẽ quay đầu, rồi sẽ hét lên, chạy ngược lại, nắm tay hoặc ôm chằm lấy nhau. Nhưng lúc này là trong đời, hai người đành cố gắng bước đi.
Mẹ đứng ở cửa sổ trên lầu nhìn xuống thấy tất cả. Vừa bước vào nhà, tôi đã thấy Mẹ gọi ra nghiêm nghị:
-Ly, ai đưa con về thế?
Nhân tiện tôi dặn nhé, bạn gái nào được bạn trai đưa về nhà bằng xe thì khôn ra hãy đậu xe xa xa. Đậu ở gần, thế nào mẹ cha cũng thấy. Tại sao thấy, chúng ta sẽ không bao giờ biết được.
Tôi quyết định nói thật:
-Dạ, Thầy giáo con mà.
Mẹ ngạc nhiên:
-Sao Thầy trẻ vậy? Thầy dạy môn gì?
-Dạ, môn Toán.
Chả hiểu ma xui quỷ giục thế nào Ly Cún buộc miệng nói ra câu đó. Chẳng qua linh cảm Toán khô khan, thầy dạy Toán trang nghiêm hơn bất cứ dạy môn nào.
-Đừng có làm phiền Thầy như thế, không nên.
Mẹ tôi lịch sự, nên chỉ nói tới đó. Nhưng bên trong có một cảnh báo xa xôi. Hễ nữ sinh sẽ hiểu điều này.
Chắc chắn trời sẽ sập xuống nếu như Ly Cún lăn vào lòng Mẹ, reo lên:
-Con đâu làm phiền Thầy. Con thích Thầy.
Phải chăng như thế, Mẹ sẽ ngã lăn ra.