Trong lúc chăn bò, Hứa Nam Hành đã chụp rất nhiều ảnh bằng máy ảnh chụp lấy liền, nhưng khả năng bắt chuyển động của máy không tốt lắm, thường bị mờ, có vài tấm ảnh bị nhòe, vài tấm còn tạm được.
Sau đó, anh lại dùng điện thoại để chụp thêm vài bức.
Trên cánh đồng cỏ khô, còn nhiều mảng tuyết chưa tan, tuyết rất sạch, trắng tinh, khi móng ngựa đạp lên để lại những vết lõm.
Cánh đồng cỏ mênh mông nối liền với dãy núi nhấp nhô, chỗ tiếp giáp với chân núi có sự thay đổi màu sắc rất rõ rệt, nhưng giờ đã bị tuyết che phủ hoàn toàn, trông như một tấm thảm lông khổng lồ.
Vừa mới giơ điện thoại lên định chụp, thầy Hứa đột nhiên nghe thấy tiếng “hú” vọng từ đầu cánh đồng, như thể bị gió đưa tới.
Là một người thành phố, tiếng hú của loài thú hoang này đối với anh vừa lạ lẫm vừa gây ấn tượng mạnh, anh ngồi trên lưng ngựa suýt nữa không giữ nổi điện thoại.
Gần đó nhất là Khúc Trân nói: “Là tiếng sói hú đấy thầy, không sao đâu, ở xa lắm.”
Đúng là rất xa, phải nói là cực kỳ xa, thậm chí đến khi Hứa Nam Hành nghe thấy, bầy sói đã hú xong rồi.
Vùng thảo nguyên bao la của Nam Tây Tạng không có các tòa nhà cắt ngang ngăn chặn âm thanh, tiếng hú của thú dữ vang lên rền rĩ, tiếng chim ưng xé toạc bầu trời, và ở phía đầu đồng cỏ, là tiếng kêu của những con kền kền từ trên cao nhìn xuống.
Nhìn theo ánh mắt của thầy Hứa, Khúc Trân nói thêm: “Ở đằng kia có một đài thiên táng, nên có rất nhiều kền kền và đại bàng.”
“Thì ra là vậy.” Hứa Nam Hành biết về tục thiên táng của người Tạng.
Phật giáo Tây Tạng tin vào sự luân hồi của sự sống, con người hôm nay không thấy mặt trời ngày mai, nhưng ai cũng hiểu rằng, ngày mai nhất định sẽ có mặt trời.
Đây là một ví dụ đơn giản nhất, nếu bạn tin rằng mặt trời và mặt trăng luân chuyển, thì tại sao lại không tin rằng cuộc sống cũng có sự luân hồi.
Nói ra thì đây là những thứ mang tính “tâm linh”, lần đầu nghe về sự đối chiếu này, thầy Hứa nghĩ rằng mặt trời và mặt trăng luân chuyển là do trái đất đang quay, nhưng vào lúc này, nhìn lên những con kền kền trên trời, anh tự hỏi rằng liệu có phải sự luân chuyển của mặt trời và mặt trăng là do con người hiểu rõ nguyên lý của nó, vậy thì biết đâu một ngày nào đó con người cũng sẽ hiểu được nguyên lý của sự sống.
Ai mà biết được chứ.
Trời đất vô biên, gió của cao nguyên Nam Tây Tạng thổi đi bay xa hàng nghìn dặm.
Ai mà biết được chứ.
Thời gian dần bước vào giữa tháng Mười Một.
Mỗi lần tới phiên trực của bác sĩ Phương tại bệnh viện huyện, hắn đều cảm thấy thời gian trôi quá chậm, chỉ mong sao có thể bấm nút tăng tốc.
Nhưng thầy Hứa lại muốn tìm nơi nào đó để có thể sống chậm lại 0.5 lần, lật giở từng trang sách, học không kịp, ôn tập cũng không kịp.
Tại phòng ký túc xá tầng hai, chiếc máy sưởi nhỏ dưới bàn đang sưởi ấm cho đôi chân và bắp chân của thầy giáo Hứa.
Theo truyền thống của người Trung Quốc, chỉ cần đôi chân và phần bắp chân được ấm áp thì cả cơ thể cũng sẽ thấy ấm.
Quả thực là vậy, miễn là không mất điện, Hứa Nam Hành vẫn cảm thấy rất thoải mái.
Có lẽ là do thần phật che chở, từ tháng Mười Một đến giờ làng thật sự không mất điện nhiều lần.
Thầy Thứ Nhân nói mấy năm trước không như thế này, năm nay chắc là Bồ Tát biết bọn trẻ đang học lớp 9, nên ban phước lành.
Hứa Nam Hành nghe vậy cũng gật đầu, thế nào cũng được, miễn là để anh bình an dẫn dắt hết khóa này.
Ít nhất...!ít nhất là có một người thi đỗ đến Lhasa, thêm ba bốn người đỗ vào Sơn Nam, như vậy là anh đã mãn nguyện rồi.
Vào một ngày thứ Sáu cuối tháng Mười Một, hiệu trưởng Tác Lãng phải tổ chức một buổi họp phụ huynh.
Ý thức về giáo dục của các bậc phụ huynh ở đây còn hạn chế, nên buổi họp phụ huynh là để thông báo cho họ về con đường tiếp theo của con em mình.
Những người thi đỗ vào trường trung học phổ thông, những người không thi đỗ.
Thi đỗ rồi thì làm sao để ở ký túc xá, làm sao để xin trợ cấp gia đình khó khăn, nếu không thi đỗ thì đi học nghề hay là như thế nào.
Chiều tối thứ Năm, khi học sinh ăn tối, các thầy cô cũng dùng bánh bao và bánh mì để tạm thời ăn lót dạ, vừa ăn vừa họp trong văn phòng để thảo luận.
Hiện tại, trong hai lớp chỉ có Đạt Tang Khúc Trân là có triển vọng thi đỗ vào Lhasa, nền tảng của Đạt Tang Khúc Trân tốt hơn hẳn so với mọi người.
Hiệu trưởng Tác Lãng nói rằng vì Khúc Trân rất chăm chỉ học tập, trong khi mọi người tự do lười biếng vào những năm đầu cấp, chỉ có Khúc Trân tự học, thường xuyên chạy đến hỏi bài hiệu trưởng Tác Lãng.
Thầy Hứa cảm nhận được thái độ học tập chăm chỉ của Đạt Tang Khúc Trân, có một cảm giác khao khát học hỏi mãnh liệt.
Không phải là vì muốn thoát khỏi nghèo khó, mà đơn giản là muốn học những thứ mà cô bé ấy chưa hiểu.
Trong cuộc họp, thầy cô đã thảo luận về những điều cần nói trong buổi họp phụ huynh, truyền đạt cho phụ huynh về tương lai của con em họ, cũng như thông báo kế hoạch giảng dạy sắp tới.
Vì một số phụ huynh chỉ hiểu được tiếng Tạng, buổi họp phụ huynh của lớp thầy Hứa không chỉ có phụ huynh mà tất cả học sinh cũng tham gia, những phụ huynh không hiểu tiếng Hán sẽ được học sinh dịch lại nhẹ nhàng.
Buổi họp phụ huynh lần này không đông đủ, nhiều phụ huynh đi làm xa, ở nhà chỉ có ông bà.
Lúc buổi họp phụ huynh bắt đầu, nhiều phụ huynh cảm thấy khá lúng túng, vì ai cũng biết đây là thầy giáo từ Bắc Kinh đến.
Một người trẻ tuổi, học giỏi, mang theo phong thái của thủ đô, tự nhiên tạo ra một cảm giác tự ti từ thấp nhìn lên cao.
Hứa Nam Hành đã lường trước tình huống này, anh không nói những lời sáo rỗng mà dùng giọng điệu bình tĩnh và thái độ báo cáo để mở đầu buổi họp phụ huynh.
Trước tiên, anh tự giới thiệu, giống như ngày đầu khai giảng.
“Chào các bậc phụ huynh, tôi họ Hứa, tên là Hứa Nam Hành.” Anh đứng trên bục giảng, lịch sự gật nhẹ đầu, rồi nói tiếp, “Do thời gian eo hẹp, chúng ta sẽ nói ngắn gọn.
Có một số việc cần sự phối hợp của các phụ huynh...”
Hứa Nam Hành mong các phụ huynh vào buổi tối có thể dành thời gian giúp các học sinh ôn tập bằng cách nghe và viết chính tả.
Đừng nói là Bắc Kinh, thậm chí ở các thành phố cấp bốn, cấp năm, hầu hết phụ huynh đều có thể làm được.
Nhưng ở đây thì khác, có một số phụ huynh không biết hết các chữ Hán.
Tuy nhiên, Hứa Nam Hành đã nghĩ ra một cách.
Trên bục giảng, anh có hai chồng giấy A4, khoảng trăm tờ, anh nhờ các nhóm trưởng phát cho từng tờ cho phụ huynh.
Hứa Nam Hành nói: “Là như thế này, để đảm bảo hiệu quả, trên mỗi tờ giấy có các ký hiệu, phụ huynh sẽ đọc từng ký hiệu, tương ứng với đề bài nghe viết của học sinh.
Trong đó có từ tiếng Anh và thơ văn cổ.
Trong quá trình nghe viết, phụ huynh phải đảm bảo học sinh không nhìn vào sách giáo khoa, sau khi nghe viết xong, học sinh tự kiểm tra lỗi.”
Thầy Hứa tiếp tục: “Những gia đình mà phụ huynh không có ở nhà, hoặc ông bà không thể đọc được bài nghe viết, sau giờ học có thể đến bệnh viện nhỏ nhờ các y tá hoặc bác sĩ rảnh rỗi giúp đỡ.”
Điều này Hứa Nam Hành đã thảo luận với bệnh viện nhỏ, sẽ không có nhiều học sinh, và phía bệnh viện rất sẵn lòng giúp đỡ.
Đây là việc không thể làm khác, thầy Hứa không thể tự mình quán xuyến hết mọi việc.
Trong cuộc họp giáo viên ở văn phòng, quyết định này đã được thông qua.
Bởi vì Hứa Nam Hành còn có công việc quan trọng hơn, anh phải đẩy nhanh tiến độ.
Đẩy nhanh tiến độ giảng dạy là điều tàn nhẫn, nhưng cũng là điều cần thiết phải thực hiện.
Họ không thể tiếp tục giảng dạy chậm rãi, để cuối cùng kéo lùi bởi những học sinh như Đạt Tang Khúc Trân, cả lớp sẽ không thể thi đỗ.
“Cuối cùng...” Hứa Nam Hành hắng giọng, “có lẽ mọi người không rõ về khái niệm “thi đỗ”, cũng cảm thấy rằng thi đỗ là một việc rất khó, nhưng tôi...!tôi có một đồng nghiệp, cũng là giáo viên ở Bắc Kinh, năm nay cũng đi dạy ở vùng khó khăn, họ Đàm.
Thầy Đàm năm nay dạy ở Đại Lương Sơn.”
“Nói ra thì cũng thú vị, thầy Đàm vốn là người ở một làng nhỏ trong Đại Lương Sơn, coi như là về quê bằng cách đi dạy.”
Nghe đến đây, có một số tiếng cười vang lên.
Hứa Nam Hành cũng mỉm cười, sau đó tiếp tục nói: “Thầy Đàm chính là từ Đại Lương Sơn thi đỗ đến Bắc Kinh.”
“Từ một ngôi làng giống như chỗ chúng ta đây, thầy đã làm được, thi đỗ đại học ở Bắc Kinh, sau đó đỗ vào biên chế giáo viên ở Bắc Kinh, có công việc ổn định và dùng tiền trợ cấp thuê nhà để thuê một căn nhà nhỏ.”
Hứa Nam Hành nhìn tất cả mọi người dưới bục giảng, gồm cả phụ huynh và học sinh, nói: “Thầy Đàm đã làm được, con đường này thầy Đàm đã đi qua, chứng tỏ rằng con đường này là khả thi, chúng ta chỉ cần cố gắng là được.”
Nói xong, Hứa Nam Hành gật đầu: “Chỉ có vậy thôi, rất cảm ơn mọi người đã dành thời gian, xin mời các phụ huynh lần lượt ra về, các em học sinh ngồi lại vị trí, chúng ta sẽ học bài mới.”
Hứa Nam Hành không để lại thời gian để mọi người suy ngẫm về những lời này, không để mọi người suy nghĩ về ý nghĩa của ví dụ cuối cùng.
Anh không muốn lãng phí thêm một giây phút nào, anh không thích sự sáo rỗng và cảm động, ví dụ về thầy Đàm là minh chứng thực tế và phù hợp nhất mà anh có thể đưa ra.
Dù là Đại Lương Sơn hay dãy Himalaya, chỉ cần muốn, chúng ta đều có thể làm được.
Chỉ cần dốc hết sức mình, những ngọn núi này cũng không quá cao.
Tuần này Phương Thức Du trở về để trực, hai người đã cùng nhau ăn tối vào thứ Hai và thứ Ba, nhưng cả hai đều rất bận rộn.
Các công nhân sửa hầm gần như mỗi ngày đều có người bị thương, bị xước, bị sắt đá cắt vào thịt.
Hứa Nam Hành không cần phải nói, thấy tháng Mười Hai sắp đến, Tết Dương lịch sẽ bắt đầu nghỉ đông, trong khoảng thời gian này anh liên tục ra đề thi.
Chiều thứ Tư, Hứa Nam Hành vội vã chạy vào bệnh viện nhỏ, vừa đúng lúc Phương Thức Du đang mặc áo blouse trắng từ phòng xử lý vết thương đi ra, thấy anh hối hả, bèn hỏi anh có chuyện gì.
Hứa Nam Hành ôm một đống lớn bài thi: “Bận không?”
Phương Thức Du tháo khẩu trang và găng tay: “Vừa xong việc.”
“Đây.” Hứa Nam Hanh chỉ tay về phía sau, theo sau anh là sáu bảy học sinh, nói với Phương Thức Du, “Nhờ anh, tìm vài y tá và bác sĩ đang rảnh, giúp em kiểm tra nghe viết một kèm một, hôm nay là ba tiết từ vựng tiếng Anh và dịch cổ văn.”
Phương Thức Du gật đầu: “Tất cả đều ở quầy y tá, họ đang chờ đấy, cứ qua đó đi.”
Y tá và bác sĩ ở bệnh viện nhỏ này đều khá quen thuộc với các gia đình trong làng, mọi người thường xuyên giúp đỡ nhau, vì vậy các em học sinh đến luyện nghe viết, mọi người đều rất sẵn lòng giúp đỡ.
Sáu bảy em này là những em không có người lớn ở nhà, học sinh lớp của thầy Thứ Nhân sẽ đến vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và tiết tự học cuối cùng vào chiều thứ Sáu.
“Đi nào, qua đó nhớ chào hỏi đàng hoàng nhé.” Hứa Nam Hành dặn dò, sau đó trao đổi ánh mắt với Đạt Tang Khúc Trân và Lạc Tang Lạp Mỗ.
Mọi người lần lượt đi tới quầy y tá, Hứa Nam Hành bước lên trước vài bước, tiến tới trước mặt Phương Thức Du, nói nhỏ: “Anh giúp đọc tiếng Anh cho hai cô bé này, cố gắng nói nhanh một chút, câu chữ liền mạch.”
“Như là nghe hiểu trong kỳ thi đại học ấy à?” Phương Thức Du hỏi.
“Đúng rồi.” Hứa Nam Hanh mím môi, nuốt nước bọt, “Để các em ấy quen dần.”
Phương Thức Du đại khái hiểu được, Khúc Trân là ngọn lửa hy vọng lớn nhất trong lớp của Hứa Nam Hành.
Hắn gật đầu đáp: “Hôm nay anh không phải trực đêm, buổi tối sẽ ở phòng khám đọc một vài bài báo.
Em thì sao?”
Phương Thức Du cúi nhìn tập bài thi mà Hứa Nam Hành đang ôm, hỏi: “Chấm bài à?”
“Ừ.” Hứa Nam Hành gật đầu, “Cái máy sưởi nhỏ trong phòng của thầy Thứ Nhân bị hỏng rồi, em đã đưa cho thầy ấy cái của em, nên em qua phòng nghỉ của anh để chấm bài.”
“Qua phòng khám mà chấm.” Phương Thức Du nói, “Phòng khám có hệ thống sưởi ấm tốt hơn.”
Hứa Nam Hành nghĩ ngợi một chút, nhân tiện cũng có thể trông chừng hai đứa nhỏ.
Dù Khúc Trân và Lạp Mỗ đều ngoan ngoãn nhưng hai chị em ngồi cùng nhau thì khó tránh khỏi thì thầm to nhỏ, ở tuổi này đều như vậy.
Vì thế anh gật đầu đồng ý.
Trong phòng khám của Phương Thức Du có một bàn làm việc, hắn ngồi ở bên phía máy tính, Hứa Nam Hành ngồi ở bên cạnh bàn, chỗ thường dành cho bệnh nhân.
Hai học sinh ngồi đối diện với Phương Thức Du, ở giữa là một cái máy in.
Hứa Nam Hành ngồi chếch về phía bên trái, trước mặt là Phương Thức Du, bên phải là Khúc Trân và Lạp Mỗ.
Anh đang chấm bài thi, Phương Thức Du thỉnh thoảng ngắt quãng việc đọc báo để đọc nghe viết cho hai đứa nhỏ.
Phương Thức Du phát âm tiếng Anh nghe rất dễ chịu, khi người ta nói một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ thì sẽ luôn có một cảm giác khác lạ, như dây thanh quản khoác lên một bộ áo mới, khiến người ta cảm thấy mới mẻ, khiến thầy Hứa thỉnh thoảng ngước mắt lên nhìn trộm hắn.
“Bác sĩ Phương, anh có thể đọc chậm hơn một chút được không ạ...” Khúc Trân cuối cùng không chịu nổi nữa, rụt rè nói.
Hứa Nam Hành bắn qua một ánh mắt sắc lẹm, Khúc Trân ngẩng đầu lên rồi cúi xuống không dám nói gì thêm.
Phương Thức Du im lặng nhìn thầy Hứa, dường như đang xin ý kiến, Hứa Nam Hành đáp lại bằng một ánh mắt “tiếp tục đi“.
Phương Thức Du: “Okay......go on.”
Vừa đọc bài báo vừa đọc tiếng Anh nghe viết, bác sĩ Phương không thể ngay lập tức chuyển về ngôn ngữ mẹ đẻ, ho nhẹ một tiếng rồi tiếp tục đọc.
Giọng tiếng Anh của bác sĩ Phương thực sự khiến thầy Hứa bị mê hoặc, khiến tốc độ chấm bài của anh cũng không được như bình thường.
Anh lặng lẽ đứng lên, ngón tay gõ nhẹ vào cạnh máy tính của bác sĩ Phương, hỏi: “Có tai nghe không?”
Bác sĩ Phương lấy từ trong túi ra một cái tai nghe bluetooth đưa cho anh, vì lười kết nối lại với điện thoại của mình, anh dùng điện thoại của Phương Thức Du để mở nhạc.
Anh bất ngờ phát hiện danh sách nhạc của Phương Thức Du và mình trùng khá nhiều.
Trong lúc đó, có một bác sĩ khác bước vào mang theo một tấm phim X-quang để Phương Thức Du xem.
Phương Thức Du đã từng ngồi hỗ trợ chẩn đoán cho chuyên gia khoa chỉnh hình khi còn ở Bắc Kinh, có thể đọc được phim cột sống.
Hắn kẹp phim vào đèn chiếu, bật đèn lên.
“Thế này không ổn rồi.” Phương Thức Du uống một ngụm trà đặc để làm dịu cổ họng, rồi dùng bút chì trên bàn chỉ vào tấm phim, “Nhìn này, đốt sống lưng bị trượt đẩy đĩa đệm ra ngoài, cần phải phẫu thuật.”
“Ồ...” Bác sĩ kia gật đầu, lại gãi đầu, “Vậy để tôi đi hỏi xem ở huyện có ai làm được không.”
Bác sĩ kia nhìn sang hai đứa trẻ đang ngồi viết tiếng Anh, cười nói: “Ôi, bác sĩ Phương, anh trông như đang chăm sóc hai cô con gái ấy.”
Phương Thức Du cũng cười và đáp lại: “Đừng nói vậy, hai đứa này làm thầy Hứa lo chết đi được.”
Nói xong, cảm thấy không đúng lắm, cứ như thể hai đứa nhóc này là con gái của Hứa Nam Hành và hắn.
Tuy nhiên, bác sĩ kia hoàn toàn không để ý gì khác, chỉ cười vài tiếng rồi nói: “Thôi, anh cứ làm việc tiếp đi.” Trước khi đi, bác sĩ đó còn gật đầu chào Hứa Nam Hành, Hứa Nam Hành giơ tay chào tạm biệt.
Cuối cùng, ba tiết học từ vựng và dịch cổ văn cũng hoàn thành.
Hứa Nam Hành bên này vừa nghe nhạc vừa chấm bài thi, tốc độ chấm bài cũng tăng lên, chấm xong bài thi thì lấy giấy nghe viết của hai đứa nhỏ ra để chấm luôn.
“Đạt Tang Khúc Trân, tuần trước em viết từ “graduate” nhưng lại thiếu chữ “u” ở giữa, nào đọc lại cho thầy Hứa này, graduate.” Hứa Nam Hành nhìn thẳng vào mắt cô bé.
Phương Thức Du lặng lẽ chuyển tầm nhìn lại bài báo của mình, không bao giờ nên chọc giận một giáo viên đang giận dữ.
Đạt Tang Khúc Trân hơi ngập ngừng, khó khăn đọc lại từ graduate.
Trẻ con ở nông thôn không có môi trường nói tiếng Anh, nên khi nói tiếng Anh không tự tin, nói rất nhỏ, sợ mình đọc sai.
“Đọc đúng rồi mà!” Hứa Nam Hành cố tình nói lớn tiếng, để Đạt Tang Khúc Trân biết rằng cô bé đọc đúng.
Hứa Nam Hành tiếp tục: “Khi em đọc đến chữ gradu mà thiếu chữ u, làm sao nối nối với “ate” ở phía sau? Tại sao tuần trước đã viết sai, tuần này lại quên nữa.”
“Và cả em nữa.” Hứa Nam Hanh nhìn sang Lạp Mỗ.
Trong ba phút ngắn ngủi hỏi han, Phương Thức Du ngồi thẳng lưng, không dám nhúc nhích, thậm chí vì phòng khám quá yên tĩnh, hắn còn cố gắng giảm âm thanh khi nhấn vào bàn di chuột trên máy tính.
Cuối cùng, khi Hứa Nam Hành giải thích xong vấn đề của hai học sinh, Phương Thức Du gần như thở phào nhẹ nhõm cùng lúc với hai cô bé đối diện.
“Được rồi, hai em về đi.” Hứa Nam Hành đứng dậy, “Trời tối rồi, đi chậm thôi nhé.”
Hai chị em nhanh chóng nhét giấy bút vào ba lô, đeo lên rồi chạy vọt đi.
Phương Thức Du không nhịn được mà cười.
“Cười gì thế.” Hứa Nam Hành gom các bài kiểm tra lại thành một chồng.
“Dọa chết anh rồi, thầy Hứa ạ, cứ cảm giác xong bọn nhỏ là đến lượt anh bị ăn mắng.”
“Em nào dám chứ.” Hứa Nam Hành đi tới bên cạnh hắn, tâm trạng tốt hơn hẳn, “Mắng anh rồi Tết này em làm gì có mì mà ăn nữa.”
Phương Thức Du ngước mắt lên: “Chà, anh chỉ có giá trị thế thôi sao.”
“Anh còn phải giúp hai cô con gái kia nghe viết nữa mà.” Hứa Nam Hành khẽ cúi người, bàn tay lướt qua má của hắn như đang trêu đùa, “Giá trị của anh lớn lắm đấy, bác sĩ Phương ạ.”
Phương Thức Du bị trêu ghẹo, cố ý đùa lại: “Vậy em định báo đáp anh thế nào đây? Hay là thầy Hứa sinh cho anh hai cô con gái nhé.”
“Em sinh cho anh ba đứa luôn.” Hứa Nam Hành cười tươi, vỗ nhẹ vào mặt hắn.
Nụ cười đẹp đến mê người, khiến ai nhìn cũng phải say đắm..