Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 2: Đám con vua cháu chúa của tôi




Phải sống, gạt nước mắt, vượt qua quá khứ, phía trước là bầu trời rộng bao la.

Trước đây, tôi chỉ cần nhỏ ra vài giọt nước mắt – vũ khí kết liễu thì cả bọn anh họ nội ngoại đều buông khí giới đầu hàng mặc tôi xâu xé, nhưng xưa đâu bằng nay, khoác lên bộ mặt bà già này, tôi chẳng thể bổ nhào vào lòng ai mà than thở rằng ‘Con nhớ hai người lắm bố mẹ ơi, hu hu…’ được; nên sau một tháng dây dưa cùng chiếc giường, cuối cùng tôi phải bình phục.

Khoảng thời gian đó, tôi đã xem xét cân nhắc tình hình; trong cung, tôi là chị đại cầm đầu đám phụ nữ này, bọn họ luôn phải nhìn sắc mặt tôi mà làm việc, không cần lo lắng. Còn đàn ông à? Ầy, cứ lập mưu tốt một tý, chẳng chừng còn có thể ăn chút đậu hũ, hưởng chút phúc lợi.

Nói về đàn ông trong cung, nhiều nhất ấy chính là thái giám, một bầy đàn ông chả phải đàn ông, đành rằng không nên kỳ thị khiếm khuyết trên cơ thể người khác, khổ nỗi tôi tôn thờ chủ nghĩa duy vật, bấy giờ, Vi Tiểu Bảo phỏng chừng vẫn còn bé, ý định trông mai giải khát cứ thế mà vứt thôi! Rồi thì nhìn đến đám A ca kia, đứa lớn nhất mới tám tuổi, nhỏ nhất vừa cai sữa, con đường trưởng thành còn xa, xa mãi…, tôi lại chẳng có hứng thú gì với việc giảng giải chuyện chăn gối, bỏ qua! Sau này, vì Thuận Trị tin Phật, thỉnh thoảng sẽ có vài tên hòa thượng tiến cung, đây lại là một đám đàn ông vứt bỏ công dụng của bản thân, còn tôi á, không dám ‘bá hậu ngạnh thượng cung’ đâu, thôi pass! Về phần thị vệ ngoài cung, với tôi, họ chỉ như vài bộ áo giáp được trang hoàng theo phong cách cổ phương Tây, mặt mũi từng người mờ nhạt, vả lại khoảng cách quá xa, cấu kết chung thì tốn sức lắm, chả đáng tính vào. Còn mỗi ông lớn – Hoàng đế Thuận Trị, giờ mới khoảng hai mươi, vẫn đang độ sung mãn, nghe đồn rằng ‘Thân tựa thần linh, vẻ như mặt trời, dung mạo rồng phượng, bộ dáng tao nhã’, tôi không hứng thú với loạn luân, nhưng để dành ngắm dưỡng mắt cũng ổn, thế nên, sau khi suy đi nghĩ lại, tôi bắt đầu mong chờ người đàn ông “tại chức” duy nhất trong cung, vị con trai đương nhiệm tên Phúc Lâm này đến thỉnh an.

Cứ ngắm sao thưởng trăng nhàn rỗi như vậy, cuối cùng cũng đến ngày tôi ‘diện kiến’ Phúc Lâm – kẻ được ca tụng là Thiên tử trong tâm mang Phật, tôi lại phải than trời trách đất ôi sao số mình khổ quá, quái gì vậy, sao có thể thốt ra ngàn vạn lời ca tụng cái thứ ‘phân’ này chứ? Có lẽ trước đây anh ta đẹp trai thật, nhưng bây giờ á, tôi chỉ nhìn thấy một người da bọc xương khô quắt queo thôi; tôi cũng chả phải học khoa giám nghiệm pháp y, chẳng thể căn cứ vào khung xương khôi phục nguyên trạng. Thế là thất vọng, cực kỳ thất vọng. Hơn nữa, thần sắc anh ta ảm đạm, xương gò má nhô cao, mày nhọn hoắt, sự tàn độc lóe lên trong mắt, vừa nhìn đã biết tính tình cực kỳ xấu, chả trách người ta thường nói ‘Gần vua như gần cọp’. Lần này xong rồi, ngay cả ý nghĩ dâm loạn cũng biến tướng thành nhiệm vụ bất khả thi, khổ quá… (Xin đọc câu này bằng giọng kinh kịch)* (kinh kịch cũng gần giống cải lương ở nước mình đấy…)

Anh ta vừa đến liền hành lễ, dùng ngữ điệu lạnh tanh, đặc sệt lý tính thưa với tôi: “Cung thỉnh Hoàng ngạch nương thánh an…” Tôi trộm thở hắt ra một hơi, may quá, vẫn chưa trực tiếp gọi tôi là ‘nương’ hoặc ‘mẹ"; ôi, đây đúng là thử thách tâm hồn còn ghê hơn cả đứa con chính mình dứt ruột đẻ ra mà, thôi chẳng thèm so đo với thái độ của anh ta nữa. Tôi chả biết nên tự xưng là “ai gia”, “bổn cung” hay “ta”, đành phải ậm à ậm ờ, cho anh ta đứng dậy. Lại sợ ‘bộ xương’ này gãy vụn ra, tôi vội bảo Tô Mạt Nhi dọn chỗ. Anh ta ngồi xuống, ánh mắt bắn thẳng về phía tôi, ôi mẹ ơi, lạnh như này chả giống như đang nhìn mẹ mình tí nào, giống miệt thị kẻ thù hơn. Tôi sợ đến run cầm cập, bất giác rụt người; bỗng nhớ ra bây giờ mình là Hiếu Trang, chẳng cần phải ‘cáo mượn oai hùm’, tôi cũng có da hổ vậy, sợ gì anh ta chứ? Thế là vội thẳng lưng lại, hung hăng lườm đáp trả; hờ, may mà giờ đương bệnh, ai cũng cho rằng tôi đang suy nhược, không thì lộ mất rồi. Anh ta thấy tôi nanh ác lên thì sụt khí thế xuống, phỏng chừng Hiếu Trang vẫn thường chiếm thế thượng phong, tôi lại an tâm hơn một chút, thứ mà bà đây dư thừa nhất chính là kiêu ngạo. Anh ta bắt đầu ân cần thăm hỏi tình trạng sức khỏe của tôi, sợ nhiều lời thì lòi đuôi, tôi đáp qua loa hai câu, lấy cớ thân thể vẫn còn hư nhược, cho anh ta “Quy an” xong tống cổ về; cũng bởi lo cho sức khỏe anh ta, tôi dặn sau này chả cần đến đây nữa; chịu thôi, thị giác bị kích thích mạnh mẽ quá mà, dù gì thì tôi cũng có phải mẹ anh ta đâu, chả thể thực sự xem anh ta như con mình để diễn như thật được.

Sau này tôi mới biết, mẹ con nhà này đã có hiềm khích từ lâu, từ khi Thuận Trị lên ngôi đến lúc tự mình chấp chính, cả hai đều chia cung mà ở, vài tháng mới gặp mặt một lần, tất nhiên không hề thân thiết. Về sau, Hiếu Trang vì củng cố địa vị của Phúc Lâm mà lấy Đa Nhĩ Cổn, lại khiến Thuận Trị bất mãn. Sau nữa, Phúc Lâm muốn phế hậu tôn Đổng Ngạc phi – người anh ta yêu nhất lên, mâu thuẫn giữa mẹ con họ càng sâu thêm. Năm Thuận Trị thứ mười bốn, không lâu sau khi Đổng Ngạc phi sinh hạ Hoàng tứ tử, Hoàng thái hậu bỗng “thánh thể không hòa hợp”, dụ lệnh phi tần hậu cung cùng toàn thể thân vương đại thần đến Nam Uyển ngoại thành vấn an thăm viếng, bao gồm cả sản phụ Đổng Ngạc phi; khi ấy đang độ đông giá, Đổng Ngạc phi ngồi xe kiệu* hơn hai mươi dặm đường, lại bị hạ độc vào thuốc tẩm bổ, cuối cùng dung nhan tiều tụy, thân hình gầy ốm, yếu ớt mảnh dẻ. Ba tháng sau, Hoàng tứ tử chết không rõ nguyên nhân, đồn rằng Thái hậu bị tình nghi nhiều nhất, vì thế mà Đổng Ngạc phi bệnh liệt giường. Thuận Trị một thân phẫn hận, như nước lửa với mẹ mình. Thế nên khi tôi bệnh, anh ta chỉ đến hai lần cho có lệ, một trong số đó là vào lúc bà ta hoặc tôi còn hôn mê.

Ôi thật là, sao bà già kia nỡ bỏ lại cho tôi cục diện rối rắm như vậy, hủy hoại con dâu, hại chết cháu trai, kết thù oán với con mình, đá tôi vào cái hố cung đấu nước sôi lửa bỏng đến nhường này chứ? Tôi lại khóc than cho số phận truân chuyên của mình. Vì thế, không lâu sau khi gặp Phúc Lâm, vào một ngày mưa dông, tôi đến nơi ở của bọn tạp vụ, đứng trước hiên trỏ tay lên trời mắng: “Mẹ nó, giáng sét mạnh mạnh tí đi! Tốt nhất là có thể khiến bà mày sướng ấy! Đưa bà về! Tiên sư mày!” Kết quả “ầm ầm” – một đạo chớp bổ xuống bồn hoa cạnh chân, tôi “vụt” một phát lủi vào phòng, xác định luôn mình là loại người tham sống sợ chết.

Thôi đành nghĩ theo hướng tốt vậy, như này kể cũng đỡ hơn xuyên vào người Giang tỷ hoặc bị sét đánh nát vụt, bạn bảo tôi hèn nhát à? Ừm thì hèn nhát, xin lỗi lịch sử, nếu không hèn thì thật có lỗi với bản thân. Tuy Hiếu Trang hơi già chút nhưng dù gì cũng thuộc tầng lớp đặc quyền – đỉnh cao nhất của kim tự tháp, là giai cấp bóc lột; nhớ lại Lâm Tử Thanh tôi – một công dân bình thường ở thời hiện đại – nằm dưới đáy kim tự tháp, có lết hơn vài chục lần hai mươi năm cũng chả bò nổi lên đỉnh, mà cho dù có với tới đỉnh rồi ấy, sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, muốn bóc lột kẻ khác phải bí mật tiến hành, không để ý một tý liền bị chuẩn mực xã hội cán nát đôi người ngay, và tôi thì trước giờ khinh nhất cái kiểu đứng đường đến phường thờ* (mèo khóc chuột) này. Còn ở đây, bà đây muốn cưỡng đoạt trai nhà lành, muốn vơ vét của cai nhân dân, muốn tàn sát quần chúng thì cứ mặc sức tùy ý; nghĩ lại, cuộc giao dịch này xem như cũng không lỗ vốn lắm.

Tôi quyết định tiếp nhận số phận, nếu không thể nở rộ rực rỡ như hướng dương đầu hạ, thôi thì khô héo mĩ lệ tựa lá phong cuối độ thu về, tôi vẫn thích chết già trên giường mà.

Chả trông cậy được con mình, tôi đành phải chuyển sang ngóng đợi cháu trai, lập kế hoạch nuôi dưỡng mỹ thiếu niên, vì chính mình mà mua sẵn bảo hiểm, mưu cầu hạnh phúc cho tương lai. Tôi đã gặp Phúc Toàn, Huyền Diệp, và cả Thường Ninh – ba cháu trai của mình. Phúc Toàn lớn nhất, là một đứa trẻ xinh xắn giản dị, rất giống em họ tôi, lòng tôi thoáng chốc đã nghiêng về phía nó, dù sao cũng là gương mặt quen thuộc, cứ xem như níu giữ lại chút bóng hình mờ nhạt của kiếp trước vậy. Huyền Diệp tuổi mụ là sáu, trông cũng tốt mã, mặt vuông tai dài, chỉ tiếc da mặt có rỗ hơi mất cảm tình, là một đứa trẻ nghiêm túc đứng đắn, cẩn thận tỉ mỉ dập đầu thỉnh an như một người máy nhỏ bé được lập trình sẵn; tuy vậy, tôi biết tương lai rộng dài sẽ trải sẵn trước mắt nó nên tỏ ra thân mật nồng nhiệt hơn, cậu bé hơi có vẻ choáng ngợp cùng thụ sủng nhược kinh, chả biết trước kia đã bị bà già này trêu chọc như nào nữa. Thường Ninh vẫn chưa lên ba, người mập núc ních, dễ thương nhất chính là lúc này, còn ai đáng yêu hơn bé chứ!

Đám phụ nữ trong cung ngày ngày đến thỉnh an. Trong đó, hoàng hậu – theo bối phận là cháu đằng xa, em gái Thục Huệ phi của cô ta, cháu ruột Phế hậu Tĩnh phi đều là họ hàng gần của tôi, đây đã phạm luật hôn nhân ở hiện đại, may mà bọn họ vẫn chưa có con, nếu không, chả biết sẽ sinh ra thứ quái thai gì nữa. Cũng chẳng rõ họ tính bối phận như nào, tôi chả phải cô thì là bà, còn bọn họ – bác và cháu gái thờ chung một chồng, rối rắm đến độ quấy đầu tôi thành một cục hồ đặc sệt. Huyết thống hoàng gia loạn như này mà lại được ca tụng là dòng máu cao quý, cổ nhân thật hạn hẹp, đến lai giống ưu thế cũng chả biết, thật đáng khinh bỉ, dù bây giờ tôi cũng là một trong số bọn cổ nhân này.

Cả hai chị Hoàng hậu đều rất thật thà, nghe đồn Phế hậu trước kia rất kiêu ngạo ngang ngược, bây giờ chắc nhận được bài học kinh nghiệm thực tế rồi nên sa sút tinh thần; ôi, đều là những người đáng thương bị vùi dập bởi lễ giáo phong kiến. Tôi thấy Đồng phi – mẹ của Huyền Diệp có bộ dạng rất đáng thương, vẻ mặt như có khổ đại thù thâm* (thù hận sâu nặng), giống một cọng cải xanh yếu ớt vật vờ; trước giờ tôi ghét nhất cái loại khiến đàn ông phải thương xót này nên đối xử lãnh đạm với cô ta. Còn Đổng Ngạc phi độc sủng hậu cung kia cũng là một nhân vật lớn, chỉ tiếc giống ngọn nến trước gió, thổi qua liền phụt tắt. Tuy cô ta đau bệnh nhưng vẫn phát ra khí chất đoan chính trời sinh, trong mềm mại lại chứa cương nghị, chẳng chút đắc sủng mà kiêu, thái độ khiêm tốn đúng mực, tiến lùi hợp lẽ, chả hiểu sao Hiếu Trang lại tàn nhẫn với cô như thế? Tôi cười hiền hậu, cô ta rõ ràng sợ run cầm cập, ôi đúng là một đứa bé bị chỉnh đến nỗi chim sợ cành cong. Tôi không đành lòng hù dọa nữa, liền dặn dò cô ấy dưỡng bệnh thật tốt, không cần mỗi ngày đều đến thỉnh an. Sau đấy hậu phi cùng nhau trò chuyện rôm rả, không có gì đáng kể.

Bọn cung tỳ trước mặt tôi đều rất thận trọng dè dặt, chẳng biết bình thường bà già này hung ác đến mức nào nữa? Người duy nhất dám bày tỏ ý kiến là Tô Mạt Nhi, cô ta từng hỏi dò tại sao tính cách tôi lại thay đổi, tôi bảo ngã một lần liền biết sinh mệnh rất mỏng manh, đã thông suốt tất cả, đã biết phải bắt đầu tận hưởng lạc thú trước mắt. Cũng may cô ta sùng bái Hiếu Trang đến mù quáng, thêm nữa, bề ngoài tôi chả có gì đáng nghi, cứ ba hoa một hồi là qua ải, hơn nữa còn gắng sức yểm trợ cho tôi mỗi khi bị lộ sơ hở. Tôi rất yêu thích cô ta, quả là một cấp dưới vô cùng xuất sắc, luôn có thể tự điều chỉnh bước chân chậm hơn tôi nửa nhịp; bất luận tôi làm gì, cô ta đều mặt không biến sắc mà dọn dẹp mớ lộn xộn hộ tôi; cuộc sống của Hiếu Trang hiện tại, trên cơ bản đều do một tay cô thu xếp; có thể xem như đây là món quà tốt nhất mà bà già kia để lại tặng tôi.