Trans: Tú Anh
Cũng thật trùng hợp, bà Hạ vốn dĩ sống ở quê nhà, hôm nay đến là để thăm con của đứa con trai cả, kết quả vừa mới đến vào buổi sáng đã nhận được điện thoại của cục cảnh sát báo rằng bố Hạ đã nhập viện.
Những chuyện đã xảy ra trong gia đình này không thể nào nói hết được trong một vài câu, bà lão nghe xong chỉ cảm thấy là do mẹ Hạ không tốt lành gì, làm cho con trai của mình phải nhập viện, còn báo cảnh sát gây ra tranh cãi xôn xao, tất cả mọi người đều biết, đúng là làm cho nhà họ Hạ bọn họ mất hết cả mặt mũi!
“Thục Nhã, đồ xui xẻo đó đâu rồi, kêu cô ta ra đây, tôi phải tính sổ rõ ràng với cô ta!”
Thục Nhã là tên của mẹ Hạ, bà lão cũng không quan tâm chỗ này có phải là bệnh viện hay không, mở miệng chửi ầm ĩ ngay trên hành lang.
Dư Thính nghe mà tức ấm ức, đứng ra nói: “Con trai bà đánh người, bà có biết hay không hả?!”
“Con nhỏ không có giáo dục này ở đâu ra thế, lại dám nói chuyện với tao như thế?” Bà lão hoàn toàn không để cô vào mắt, lời lẽ quá đáng như muốn xé cô ra bất cứ lúc nào.
Dư Thính đang định nổi giận thì bị Yến Từ giữ lại.
Một vài người đi vòng qua bọn họ để vào phòng bệnh, phòng bệnh tổng cộng có 5 chiếc giường, Hạ Thất Thất và mẹ Hạ ở giường trong cùng, ở giữa là bố Hạ. Ba người họ đã trải qua quá trình trị liệu khác nhau, trong đó bố Hạ và Hạ Thất Thất vẫn chưa có dấu hiệu tỉnh lại.
Bà lão chẳng thèm nhìn hai mẹ con bị thương lấy một cái, lao thẳng đến bên cạnh bố Hạ đau khổ than khóc: “Đứa con trai mệnh khổ của tôi! Cái gì đã hại con thành như thế này vậy chứ!”
Bà ta khóc cực kỳ đau khổ, đồng chí cảnh sát phụ trách việc ghi lại biên bản không nhịn nổi nữa mới nói: “Con trai của bà uống nhiều rượu quá dẫn đến ngộ độc, là bản thân anh ta tự làm.”
Bà lão nghe xong lại càng thêm tức giận, lại nghiến răng nghiến lợi chửi bới mẹ Hạ một cách thậm tệ: “Tôi biết ngay mà, Cường Tử cưới cô chính là cưới một mối tai họa, nó uống đến như thế này, cô cũng không thèm quản nó, cô thành tâm muốn nó không sống nổi đúng không? Ban đầu đáng lẽ tôi không nên để cho cô bước vào nhà!”
Mẹ Hạ vừa mới tỉnh lại sau hôn mê, không có sức lực để phản bác lại, nhắm mắt để mặc bà ấy mắng gì thì mắng.
Dư Thính càng nghe càng tức giận, cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi vòng tay của Yến Từ rồi phun ra một tràng: “Bà già bà có biết nói lý lẽ không thế hả? Con trai bà đã hơn 30 tuổi rồi, đâu phải là đứa bé ba tuổi, bà thực sự cho rằng ông ta là đứa trẻ 100kg vẫn cần đến vợ quản trời quản đất, quản luôn cả chuyện phải đi ỉa ở đâu à? Vậy ông ta bạo lực gia đình đánh đập người khác, tại sao bà không nói?!”
“Mày là ai? Mày lại dám cãi lại tao!”
“Bà thì là ai chứ? Tôi dựa vào đâu mà không dám cãi lại bà?!”
“Mày…”
“Mày cái gì mà mày, bà thật sự cho rằng bản thân mình sống nhiều hơn người khác mấy chục năm thì giỏi lắm sao. Tuổi tác lớn như vậy rồi còn văng tục chửi thề vô đạo đức, bà không thấy xấu hổ tôi còn thấy xấu hổ thay bà!”
Khí thế hừng hực của Dư Thính đã áp đảo được bà lão, không khí im lìm bao trùm cả căn phòng trong một lúc.
Yến Từ không ngăn cản nữa, âm thầm rút tay về.
Dư Thính không bỏ qua: “Tôi kính bà một tiếng trưởng bối, những lời nói khó nghe cũng không muốn nói nữa, để tránh cho bà mất hết mặt mũi. Nhưng tôi nói cho bà biết, cảnh sát vẫn còn ở đây đấy, con trai bà bạo lực gia đình như thế nào, đánh người khác như thế nào, bọn họ đều ghi lại vô cùng rõ ràng. Bây giờ là xã hội pháp trị, không đến lượt mấy người ở đây thay nhau khóc lóc om sòm đâu!”
Câu “xã hội pháp trị” đó đã khiến cho Quý Thời Ngộ ở phía sau phải nhíu lông mày.
Anh ta đến mơ cũng chẳng dám mơ rằng Dư Thính có thể nói ra những lời như vậy, những chuyện vi phạm pháp luật và phá vỡ các quy tắc cô đã làm không ít, tại sao đột nhiên lại… tuân thủ kỷ luật như vậy chứ?
Dư Thính trước mặt khiến cho Quý Thời Ngộ cảm thấy xa lạ, mà hướng đi hoàn toàn không giống với kiếp trước lại khiến cho anh ta sinh ra vài phần mơ hồ.
Lẽ nào anh ta đã trùng sinh đến không gian và thời gian song song?
Hoặc đó đơn thuần chỉ là hiệu ứng cánh bướm???
Quý Thời Ngộ đánh giá Dư Thính với gương mặt không biểu cảm.
Sự ngạo nghễ trên người cô trước nay chưa từng thay đổi, có điều lại có thêm vài phần tinh thần chính nghĩa. Ánh mắt cô hoàn toàn không chút sợ hãi lại còn sáng ngời, trước đây khi Dư Thính hung dữ với anh ta đều sẽ trừng lên như vậy…
Đúng là không sao mà nói rõ được.
Rõ ràng là thoát khỏi khó khăn, nhưng anh ta lại luôn nhớ đến đóa hoa hồng khiến anh ta lún sâu vào khó khăn ấy.
[Đàn ông chính là những kẻ không biết tự trọng, thứ không có được luôn luôn là thứ tốt nhất.]
Những câu nói trên diễn đàn lại thoáng hiện lên trong đầu, Quý Thời Ngộ thẫn thờ ngẩn ngơ, cho đến khi anh ta nhìn thấy ánh mắt của Yến Từ thì mới tỉnh táo lại.
Ánh mắt anh có cảnh cáo, có lạnh nhạt, thứ nhiều nhất là sự chiếm giữ.
Đáy lòng của Quý Thời Ngộ nổi lên một cảm giác ớn lạnh, khi anh ta sắp chết vì bệnh tật, Yến Từ đã dùng ánh mắt này để nhìn anh ta.
Yến Từ đã thu ánh mắt của mình lại, nghiêng người che phía trước Dư Thính, đồng thời cũng che cả ánh mắt dò xét không thể kiểm soát của Quý Thời Ngộ.
Giây tiếp theo, anh giơ tay lên, nhẹ nhàng khoác lên vai của Dư Thính.
Hành động này khiến cho hô hấp của Quý Thời Ngộ trở nên đau nhức, sự tức giận tràn ngập trong tâm trí, chỉ hận là không thể đấm một phát vào mặt của Yến Từ.
Những lời nói đó của Dư Thính đã thành công khiến cho bà lão kinh sợ.
Dù sao bà ta cùng là một người cuốc đất làm ruộng, mặc dù không biết chữ, đạo đức không cao, nhưng cũng cực kỳ sợ những thân phận áp chế, đặc biệt là cảnh sát.
Cuối cùng bà lão cũng chú ý đến đỉnh đầu của mẹ Hạ đang quấn băng gạc, bà bị đánh đến mức bầm tím cả mặt mày, xương cổ tay cũng bị nứt nhẹ, đó là những vết thương vì bảo vệ con gái.
Bà cụ cố nặn ra một nụ cười trên mặt, giọng điệu ôn hòa hơn nhiều: “Thục Nhã, đây là do Cường Tử đánh sao?”
Mẹ Hạ không nói gì, xem như ngầm thừa nhận.
Bà lão nắm lấy tay của bà: “Vợ chồng chớp mắt đã là mười mấy năm rồi, đầu giường đánh nhau cuối giường làm hòa, điều đó rất bình thường mà. Hơn nữa nó cũng đã uống say rồi, cũng không phải là cố ý, cô hãy nghĩ đến lợi ích của con trẻ, đừng tính toán nữa.”
Hạ Thất Thất vẫn chưa tỉnh lại, nếu không khi nghe thấy những lời nói này sẽ lại ngất đi mất.
Cảnh sát thu lại giấy bút: “Mấy người nên bàn bạc kỹ càng với nhau nên xử lý như thế nào, chúng tôi đi trước đây.”
“Được ạ,được ạ. Các cậu từ từ đi nhé.”
Người vừa đi, cửa vừa đóng, bà lão đã thở pháo một tiếng nhẹ nhõm.
Bà lại tiếp tục hòa giải: “Khi còn trẻ tuổi, mỗi ngày tôi đều để cho bố của Cường Tử đánh đấy thôi, vẫn sống ổn như thường. Cô nói xem hai người đã kết hôn nhiều năm như vậy rồi, lại nỡ để nó vào tù ư?”
Dư Thính nghe được những lời đó thì thấy không vui, cướp lời của bà lão: “Dì à, bạo lực gia đình chỉ có không lần và vô số lần, trừ phi dì ly hôn, nếu không ông ta vẫn sẽ đánh dì thôi.” Nói xong, Dư Thính hung dữ trừng Quý Thời Ngộ.
“Đây là chuyện gia đình tôi, không đến lượt con nhóc mày quản.”
Bà Hạ muốn đẩy Dư Thính ra, nhưng lại bị biểu cảm lạnh lùng Yến Từ đánh lui.
“Dì à, chỉ cần dì đồng ý ly hôn, con sẽ tìm luật sư cho dì, về phương diện cuộc sống Dì cũng không phải nhọc lòng nữa.”
Những lời nói đó đã khiến mẹ Hạ phần nào thả lỏng, rõ ràng là đã bị thuyết phục rồi.
Khi còn trẻ bà học rất giỏi, vốn dĩ có thể thi được vào một trường đại học tốt, nhưng lại bị bố mẹ vừa dỗ dành vừa lừa gạt gả cho bố Hạ, lúc kết hôn bà còn chưa đến 20 tuổi. Trong gần 20 năm kết hôn, mỗi ngày mẹ Hạ đều phải đối mặt với củi gạo dầu muối, nhà ngoại ghét bỏ, chồng đánh đập, nếu nói đến điều tốt đẹp thì chỉ có mỗi Hạ Thất Thất.
— Con gái chính là ánh sáng duy nhất trong cuộc đời của bà.
Nhớ năm đó khi sinh Hạ Thất Thất, nắm đấm của chồng đã làm bà mắc lại bệnh cũ, từ đó bà không thể sinh con được nữa, bạo lực gia đình cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi khi mẹ Hạ muốn từ bỏ, hàng xóm, bạn bè thân thiết đều sẽ khuyên bà rằng: “Làm gì có thằng đàn ông nào không đánh vợ, nhịn một chút là được rồi, còn con còn cái nữa.”
Đúng vậy, vẫn còn con cái nữa.
“Dì à, dì cảm thấy thế nào?”
Dư Thính hỏi lại bà.
Mẹ Hạ ngân ngấn nước mắt, đúng vào lúc bà định gật đầu, anh lớn Hạ đột nhiên kéo viên cảnh sát vào: “Đồng chí cảnh sát, chúng tôi muốn thương lượng riêng với em dâu một chút, suy cho cùng cũng là chuyện gia đình, người ngoài nghe được cũng không tiện lắm, đồng chí có thể đưa những đứa nhóc này ra ngoài được không?”
Viên cảnh sát đồng ý, đưa Dư Thính ra ngoài.
Cô không chịu đi, liên tục giãy dụa: “Đây không phải chuyện gia đình gì cả, các người đừng kéo tôi, để chính miệng dì nói cho tôi!”
Sức lực của cô không bằng, không cam lòng mà hét lên: “Dì à, dì nhất định phải ly hôn! Sống cùng loại người này sẽ không có được ngày nào tốt đẹp đâu! Đừng nghe họ nói! Nếu họ dám làm gì, con nhất định sẽ giúp dì!!”
Rầm!
Cùng với tiếng đóng cửa nặng nề, Dư Thính bị những người vô tình nhốt bên ngoài.
Cô không can tâm, nắm chặt tay tức giận đấm lên cửa một cái.
Dư Thính nghĩ không thông, rõ ràng là một vụ án hình sự cố ý làm tổn thương người khác, dựa vào đâu lại xử lý như chuyện gia đình? Tại sao người phụ nữ một khi kết hôn rồi lại trở thành món đồ phụ thuộc? Chịu đánh chịu mắng mà không có ai làm chủ?
— Không có đạo lí!
Cuộc tranh cãi trong phòng bệnh người ngoài đều nhìn thấy, nhiều bà cụ xung quanh nhìn thấy Dư Thính vô cùng căm giận, bất đắc dĩ lắc đầu nói: “Cô bé, tôi khuyên cô vẫn là không nên quản chuyện gia đình của người khác.”
“Đây không phải là chuyện gia đình nữa, ông ta đánh người là sai rồi.”
Xung quanh có người cười, đoán chừng là cười cô quá ngây thơ.
“Người xưa có câu rằng có lòng tốt lại làm hỏng chuyện, hai người bọn họ có cãi cọ thế nào thì cũng là người một nhà, cháu xen vào như vậy chính là lo chuyện bao đồng rồi. Bây giờ hai vợ chồng họ cãi nhau đến mức anh sống tôi chết, lòng tốt của cháu không phải là giả, nhưng cháu có từng nghĩ, nếu như nhà người ta làm hòa rồi thì cháu làm sao? Đến khi đó người trong cuộc hay ngoài cuộc gì thì cháu vẫn là người sai.”
“Hôn nhân không phải là hai người sống qua ngày, là hai gia đình sống qua ngày, hai chữ ly hôn nói ra thì rất dễ dàng, nhưng người trong cuộc cần phải suy xét đến tài sản, nhà cửa, con cái, bố mẹ. Ly hôn đâu dễ dàng như vậy, cô gái nhỏ, nghĩ quá đơn giản rồi…”
Bà cụ giảng giải một lúc rồi lắc đầu bỏ đi. Dư Thính nghĩ lại thấy giận, nhưng không cách nào phản bác lại được.
Cô ghét cay ghét đắng bố Hạ, chán ghét ông ta đánh người, muốn để mẹ Hạ ly hôn với ông ta. Nhưng nếu như mẹ Hạ không đồng ý, cô cũng không thể lấy dao ra ép bà ly hôn được, giống như những gì bà cụ nói, dù sao cũng là hai vợ chồng họ cùng sống qua ngày, người ngoài không thể xen vào.
Đến nay ngoài việc chán ghét bố Hạ, đối với mẹ Hạ, Dư Thính còn hận không thể rèn sắt thành thép.
Chuyện này nếu mà rơi xuống đầu cô, cô nhất định sẽ lột da róc xương người đàn ông đó.
Sau một hồi lo lắng chờ đợi, quả nhiên mẹ Hạ chọn cách hòa giải.
Viên cảnh sát không thấy lạ gì đối với chuyện này, đưa họ đến đồn công an lập một biên bản rồi để họ rời đi, trong quá trình cũng không tính toán gì đến việc Yến Từ làm người khác bị thương.
Khi đi từ đồn công an ra, Dư Thính vẫn không vui.
Khuôn mặt cô khó coi: “Sau này chồng tôi mà dám đánh tôi, tôi sẽ lột da rút xương gã rồi ném ra ngoài cho chó sói ăn.”
Yến Từ đột ngột dừng bước, ánh mắt lóe lên, giọng điệu nhẹ nhàng nói: “Sẽ không.”
Dư Thính nhìn anh: “Cậu sẽ không gì cơ?”
Yến Từ tránh việc bốn mắt tiếp xúc, không trả lời, hơi thở của anh rõ ràng đã chậm hơn nhiều.
Dư Thính không đợi được câu trả lời, lại đợi được Quý Thời Ngộ từ phía sau đi đến.
Biểu cảm lạnh hơn, Dư Thính chặn một chiếc xe lại kéo Yến Từ ngồi lên xe.
Điều hòa trong xe dễ chịu làm tan đi cái nóng, Dư Thính có thể thả lỏng cơ thể rồi.
Cô liếc nhìn Yến Từ, lúc này mới chú ý đến phần móng tay bị nứt. Vừa hay đi qua một tiệm thuốc Tây, Dư Thính vội vàng kêu tài xế dừng xe lại bên đường, đưa Yến Từ vào mua thuốc.
Anh không thích người lạ đụng vào mình, Dư Thính chỉ có thể học cách bôi thuốc từ chị bán hàng trong hiệu thuốc, sau đó ngồi trên chiếc ghế dài ở bên ngoài giúp anh bôi thuốc.
Tay của Yến Từ rất đẹp.
Mười ngón tay thon dài, những đốt ngón tay đều tinh tế và rõ ràng, lòng bàn tay rất lớn, một tay có thể ôm trọn lấy hai tay của cô.
Thế nhưng bàn tay đẹp như vậy mà lại bị thương, các khớp xương sưng đỏ, mặc dù móng tay đã không còn chảy máu nhưng nhìn thôi cũng thấy đau.
Dư Thính là một người rất sợ đau, cho dù lớn rồi nhưng vẫn sợ, bị xước hay bị đụng cũng sẽ tìm dì Tô mà làm nũng khóc lóc. Thế nên cho dù bản thân không bị thương như Yến Từ, cô vẫn có thể cảm nhận được nỗi đau của anh.
Cô đột nhiên rất buồn, khuôn mặt nhỏ nhắn ngước lên: “Yến Từ, cậu có đau không?” Đến cả giọng nói cũng nhẹ nhàng thương xót.
Mí mắt của Yến Từ cụp xuống, sự ấm áp tràn ra từ khóe mắt, giọng điệu lướt qua tai cô một cách bình tĩnh: “Có hơi.”
“Có hơi là bao nhiêu chứ?”
Yến Từ suy nghĩ, dùng hai ngón tay so một khoảng cách rất nhỏ: “Như này này.”
“Vậy tôi giúp cậu thổi, thổi rồi sẽ không đau nữa.”
Dư Thính cẩn thận từng li từng tí nâng tay của anh lên, chu miệng và thổi vào bên ngoài vết thương.
Hành động rất trẻ con, cô làm lại càng thêm đáng yêu.
Gió mùa Hạ lướt qua tai, lần đầu tiên trong đời Yến Từ nhìn thấy được độ ấm của ánh sáng.
“Thính Thính, cậu sẽ sợ tôi sao?”
Yến Từ đột nhiên hỏi, bên dưới hàng mi dài là đôi mắt đang bối rối, giấu diếm một tia hèn nhát.
*Tác giả có lời muốn nói:
Yến Từ: Tôi hung dữ như vậy, cô ấy sẽ sợ tôi sao?
Sau đó—
Yến Từ: “Dáng vẻ sợ đến phát khóc của cậu thật sự rất đáng yêu.”