Quyền Lực Thứ Tư

Chương 7




Báo

THE TIMES

Ngày 22 tháng Mười một, 1940

HUNGARY BỊ LÔI KÉO VÀO KHỐI TRỤC: BENTROP HUYÊNH HOANG "NHỮNG NƯỚC KHÁC SẼ NOI THEO "

Lubji nằm co quắp trên sân, tay ôm cằm. Tên lính vẫn chĩa lưỡi lê vào mặt cậu, hất hàm ra ý bảo phải cùng đám người leo lên những chiếc xe tải đang đợi.

Lubji tiếp tục phản đối bằng tiếng Hung, nhưng cậu biết là đã quá muộn. "Câm mồm đi, thằng Do thái", tên lính quát. "Nếu không, tao sẽ làm cho nó ngậm lại ngay tức khắc". Lưỡi lê cứa rách quần, rạch một đường khá sâu trên đùi phải của cậu. Lubji vội vàng khập khễnh chạy ra xe, nhập vào đoàn người ngơ ngác đáng thương chỉ giống nhau ở một điểm: họ bị nghi là người Do thái. Ông bà Ceranis bị ném lên xe ngay trước khi đoàn xe chầm chậm ra khỏi thành phố. Một giờ sau, họ đến sân nhà tù địa phương. Lubji và những người cùng đoàn bị xua vào chẳng khác gì súc vật.

Đàn ông phải xếp hàng, rồi được lùa qua sân vào một phòng rộng tường đá. Mấy phút sau, một thượng sĩ SS bước vào cùng hơn chục tên lính Đức. Hắn ra lệnh bằng tiếng Đức nghe như tiếng chó sủa. "Hắn bảo chúng ta phải cởi bỏ quần áo", Lubji thì thầm dịch ra tiếng Hung.

Mọi người cởi quần áo, sau đó bọn lính lùa những con người trần truồng ấy vào hàng. Người nào cũng run bần bật, một số thút thít khóc. Lubji đảo mắt nhìn quanh, cố xem có cách nào trốn được không. Chỉ có một cửa ra vào có lính đứng gác và ba cửa sổ nhỏ xíu mãi tít trên cao.

Mấy phút sau, một sĩ quan SS ăn mặc chỉnh tề bước vào, miệng ngậm điếu xì gà nhỏ. Hắn đứng giữa phòng và sau mấy câu chiếu lệ, thông báo mọi người hiện là tù binh. "Heil Hitler!", hắn hô rồi xoay người bước ra ngoài.

Lubji bước lên một bước, mỉm cười khi viên sĩ quan đi ngang. "Chào ngài", cậu nói. Viên sĩ quan dừng lại, nhìn chàng thanh niên với vẻ ghê tởm. Lubji bắt đầu giải thích bằng thứ tiếng Đức giả cầy là họ đã phạm một sai lầm chết người, sau đó mở lòng bàn tay để lộ ra xấp tiền pengốt của Hung.

Viên sĩ quan mỉm cười với Lubji, cầm tiền, rồi dùng điếu xì gà đốt luôn. Những tờ tiền giấy bắt lửa cháy cho đến khi hắn không còn cầm được nữa mới vất xuống chân Lubji và bỏ đi. Lubji chỉ còn nghĩ đến việc phải mất bao nhiêu tháng trời cậu mới dành dụm được số tiền đó.

Hàng người đứng run rẩy trong căn phòng đá. Lính gác không ngó ngàng tới họ; một vài thằng hút thuốc, những tên khác nói chuyện phiếm, tựa như những người trần truồng kia không tồn tại. Phải một tiếng sau mới có một nhóm người mặc áo choàng trắng, tay đeo găng cao su bước vào. Chúng đi ngược đi xuôi dọc theo hàng người, chỉ dừng lại vài giây kiểm tra dương v*t từng tù nhân. Ba người được lệnh mặc quần áo và được bảo có thể về nhà. Bằng chứng chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Lubji tự hỏi với đàn bà, không biết họ kiểm tra thế nào.

Sau khi đám người bận áo choàng trắng ra khỏi, tù nhân được lệnh mặc quần áo, rồi được dẫn ra khỏi phòng. Khi đi ngang sân, Lubji ngó nghiêng tìm đường trốn, nhưng chỗ nào cũng có lính gác lưỡi lê tuốt trần đứng cách đoàn người chỉ vài bước. Họ được dẫn vào một hành lang dài, rồi bị lùa xuống những bậc thang bằng đá leo lét vài ngọn đèn ga. Cả hai phía là những phòng nhỏ lèn chặt người. Lubji nghe tiếng khóc lóc, nài xin bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, đến mức cậu không dám quay lại nhìn. Rồi bỗng nhiên cửa một phòng giam bật mở, cậu bị nắm cổ áo quẳng vào trong. Đầu cậu chắc sẽ đập xuống nền đá nếu cậu không rơi trên một đống người.

Cậu nằm im một lúc, rồi nhỏm dậy, cố nhìn những người xung quanh. Nhưng vì phòng chỉ có một cửa sổ nhỏ có song sắt, phải mất một lúc cậu mới nhìn rõ mặt người.

Một vị giáo sĩ đang đọc lời cầu nguyện, nhưng không có ai đọc theo. Lubji cố tránh sang bên vì một ông già nôn mửa hết lên người cậu. Cậu tránh chỗ bẩn, nhưng lại va ngay vào một người khác đang ngồi tụt quần. Cậu ngồi qua một góc, lưng quay vào tường để không bị bất ngờ nếu có ai túm cậu.

Khi cửa lại mở, Lubji không có cách nào biết mình đã ở trong phòng giam hôi hám đó bao lâu. Một tốp lính bước vào, soi đèn vào những cặp mắt đang chớp chớp. Nếu mắt họ không chớp, họ bị lôi ra hành lang và không ai còn gặp lại họ. Đó là lần cuối cùng cậu thấy ông Ceranis.

Ngoài việc nhìn ánh sáng, rồi bóng đêm qua cửa sổ nhỏ trên tường, chia nhau đồ ăn vất cho tù nhân, không còn cách nào để tính ngày tháng. Cứ vài giờ bọn lính lại đến mang người chết đi, cho tới khi chúng nghĩ chỉ còn những người khoẻ nhất sống sót. Lubji tin rồi cũng đến lượt cậu phải chết, vì đó là cách duy nhất thoát khỏi nhà tù nhỏ này. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày quần cậu lại lỏng thêm, và cậu phải thắt dần dây lưng lại mới chặt.

Một buổi sáng, bất ngờ đám lính ùa vào phòng giam, dồn tất cả những người còn sống ra ngoài. Họ được lệnh đi dọc hành lang, ngược cầu thang đá dẫn qua sân. Khi Lubji bước ra ánh nắng mặt trời, cậu phải lấy tay che mặt. Cậu đã ở trong phòng giam đó mười, mười lăm, mà có thể là hai mươi ngày, và mắc chứng mà những tù nhân khác gọi là "mắt mèo" - sợ ánh sáng.

Rồi cậu nghe tiếng búa nện thình thình. Cậu quay đầu nhìn sang trái: một toán lính đang dựng giá gỗ. Cậu đếm được tám chiếc thòng lọng. Cậu buồn nôn, nhưng trong bụng không có gì mà nôn. Lưỡi lê thúc vào hông, cậu vội vàng theo đám tù nhân đứng vào hàng, chờ lên những chiếc xe tải đã chật ních người.

Trên đường xe vào thành phố, một tên lính vừa cười vừa bảo chúng sẽ cho họ vinh dự được ra toà trước khi trở lại nhà tù và sẽ bị treo cổ từng người một. Hy vọng biến thành tuyệt vọng, vì một lần nữa Lubji nghĩ mình sắp chết. Lần đầu tiên trong đời, cậu không biết là mình còn quan tâm đến chuyện đó nữa hay không.

Những chiếc xe tải đỗ lại ngoài phòng xử án, tù nhân được dẫn vào bên trong. Lubji nhận thấy không còn lưỡi lê, và bọn lính đứng ngoài xa. Vào đến bên trong, tù nhân được phép ngồi trên những ghế băng bằng gỗ dọc theo hành lang sáng ánh đèn và được mấy lát bánh mỳ để trên khay sắt tây. Lubji bắt đầu nghi ngờ, lắng nghe bọn lính đang kháo chuyện nhau. Từ những câu nghe được, cậu biết bọn Đức đang tìm cách chứng minh tất cả dân Do thái đều là tội phạm, vì một quan sát viên của Hội chữ thập đỏ từ Giơnevơ tới đang có mặt trong phòng. Chắc chắn vị đó sẽ thấy không phải ngẫu nhiên tất cả tù nhân đều là người Do thái, Lubji nghĩ. Trước khi cậu có thể nghĩ ra cách tận dụng mẩu tin này, một tên hạ sĩ túm tay cậu lôi vào phòng.

Lubji bị điệu ra trước vành móng ngựa, trước mặt một quan toà già đang ngồi trên chiếc ghế cao. Phiên toà, nếu có thể gọi như vậy, chỉ kéo dài vài phút. Trước khi quan toà tuyên án tử hình, một quan chức còn phải yêu cầu Lubji cho chúng biết tên.

Cậu thanh niên cao gầy nhìn vị đại diện Hội chữ thập đỏ đang ngồi phía bên phải mình. Ông ta đăm đăm nhìn xuống mặt sàn, rõ ràng là mệt mỏi, và chỉ ngước lên khi án tử hình được tuyên.

Một tên lính khác túm tay Lubji, bắt đầu lôi cậu đi để lấy chỗ cho người sau. Đột nhiên vị đại diện Hội chữ thập đỏ đứng dậy hỏi quan toà một câu bằng thứ tiếng mà Lubji không hiểu.

Quan toà nhíu mày và quay lại nhìn người tù đang đứng trước vành móng ngựa.

"Bao nhiêu tuổi?" Ông ta hỏi bằng tiếng Hung.

"Mười bảy", Lubji trả lời. Tay công tố viên bước lại, nói thầm điều gì đó với quan toà.

Quan toà nhìn Lubji, nhăn mặt nói: "Giảm mức án xuống chung thân". Ông ta dừng lại mỉm cười rồi tiếp: "Mưòi hai tháng sau sẽ xử lại". Vị đại diện có vẻ hài lòng với công việc của ông ta trong buổi sáng hôm đó, nên gật gù tán thành.

Tên lính rõ ràng cảm thấy Lubji đã được khoan hồng quá mức liền bước tới, túm vai cậu lôi ra hành lang. Cậu bị còng tay, đẩy ra sân rồi quăng lên xe. Những tù nhân khác ngồi im lặng đợi cậu, tựa như cậu là vị khách cuối cùng lên xe buýt.

Cửa sau xe đóng lại và mấy phút sau, xe bắt đầu lao đi. Lubji không giữ được thăng bằng, ngã lăn xuống sàn.

Cậu vẫn còn quỳ, đảo mắt nhìn quanh. Có hai tên lính ngồi đối diện nhau ở cuối xe. Cả hai tay súng lăm lăm, nhưng một tên bị cụt tay phải. Trông hắn cũng buồn rầu như những tù nhân khác trên xe.

Lubji bò về phía cuối xe, ngồi vào chỗ gần ngay tên lính còn đủ hai tay. Cậu cúi đầu, cố tập trung suy nghĩ. Đoạn đường trở lại nhà tù mất khoảng bốn mươi phút, và cậu tin đây là cơ hội cuối cùng nếu như cậu không muốn cùng những ngưòi khác lên giá treo cổ. Nhưng làm sao thoát được đây, cậu đang nghĩ, thì chiếc xe chậm lại chuẩn bị chui vào đoạn đường hầm. Khi xe ra khỏi đường hầm, Lubji cố nhớ xem giữa nhà tù và phòng án có bao nhiêu đoạn đường hầm. Ba, mà có thể là bốn, cậu không dám chắc.

Mấy phút sau, khi chiếc xe lại chui vào một đường hầm khác, cậu bắt đầu đếm. "Một, hai, ba". Chiếc xe chìm trong bóng tối trong khoảng bốn giây. Cậu có lợi thế so với hai tên lính: sau ba tuần bị giam trong phòng kín, cậu nhìn trong bóng tối giỏi hơn. Thế nhưng cậu lại phải đối phó với hai tên. Cậu nhìn sang phía tên lính kia. À, một tên rưỡi.

Lubji nhìn về phía trước, cố ghi nhớ địa hình. Cậu suy tính có lẽ xe đã đi được nửa đoạn đường từ toà án về nhà tù. Sát bên đường là dòng sông. Nếu không phải là không thể thì cũng là khó mà vượt qua vì cậu không biết nông sâu thế nào. Phía bên kia là cánh đồng chạy dài về phía rừng mà cậu tính khoảng từ ba tới bốn trăm mét.

Cậu cần bao nhiêu thời gian để chạy qua đoạn ba trăm mét đó khi tay bị còng? Cậu ngoảnh mặt xem đã đến đoạn hầm nào chưa, nhưng không thấy. Lubji bắt đầu lo có thể xe đã qua đường hầm cuối cùng trước khi đến nhà tù. Cậu có dám chạy trốn giữa ban ngày không? Cậu đi tới kết luận là không còn cách nào khác, nếu không còn đường hầm nào trong khoảng hai ba dặm đường còn lại.

Xe chạy thêm một dặm, và Lubji nghĩ khi vào đoạn cua trước mặt, cậu sẽ phải quyết định. Cậu bắt đầu co người, để hai tay bị còng lên gốĩ. Cậu ngồi thẳng người, dựa lưng vào thành xe, dồn hết sức lực lên đầu ngón chân.

Lubji nhìn xuống đường khi chiếc xe chạy vào đoạn đường cong. Cậu suýt nữa kêu "Mazeltov" khi thấy đường hầm khoảng năm trăm mét trước mặt. Từ khoảng sáng nhỏ xíu phía bên kia đường hầm, cậu đoán xe phải chạy trong đó khoảng bốn giây.

Cậu vẫn ngồi trên đầu ngón chân, cứng người trong tư thế chuẩn bị nhảy. Cậu có thể nghe tiếng tim mình đập mạnh đến mức hai tên lính chắc cũng phải biết điều nguy hiểm sắp xảy ra. Cậu nhìn tên lính còn đủ hai tay; tên này thò tay vào túi lấy thuốc, rồi uể oải đưa thuốc lên miệng và bắt đầu tìm diêm. Lubji quay nhìn về phía đường hầm, lúc này chỉ còn cách khoảng một trăm mét. Cậu biết một khi đã vào đường hầm tối đen, cậu chỉ có khoảng bốn giây để hành động.

Năm mươi.... bốn mươi..., ba mươi..., hai mươi... mười. Lubji hít một hơi thật sâu, đếm "một" rồi đứng vụt dậy, thò đôi tay mang còng vào cổ họng tên lính hai tay bóp mạnh đến nỗi hắn ngã lăn sang một bên, hét toáng lên khi rơi xuống đường.

Chiếc xe phanh gấp khi ra khỏi cửa đường hầm phía bên kia. Lubji nhảy xuống, chạy ngược vào trong bóng tối của đoạn đường hầm. Hai ba người tù khác chạy theo. Rời khỏi đường hầm, cậu chạy một mạch ra cánh đồng. Được khoảng một trăm mét thì cậu nghe tiếng đạn réo sát trên đầu. Cậu vẫn giữ nguyên tốc độ chạy đoạn một trăm mét thứ hai, nhưng mỗi bước lại nghe hàng loạt đạn bắn theo. Cậu chạy ngoằn nghoèo. Ngoảnh lại, cậu đang thấy một người tù cùng nhảy khỏi xe với cậu nằm bất động trên mặt đất, trong khi người thứ hai vẫn mải miết chạy sau cậu vài bước. Lubji cầu mong những viên đạn bắn đuổi đó là của tên lính cụt tay.

Trước mặt cậu là hàng cây, cách khoảng một trăm mét nữa thôi. Mỗi loạt đạn là mỗi tiếng súng lệnh thôi thúc cậu chạy nhanh hơn. Rồi cậu nghe tiếng kêu. Lần này cậu không nhìn lại. Khi còn khoảng năm mươi mét, cậu bỗng nhớ một người tù nói rằng súng trường Đức có tầm bắn là ba trăm mét, do vậy cậu đoán chỉ năm sáu giây nữa là cậu có thể an toàn. Nhưng một viên đạn xuyên vào vai cậu. Sức mạnh của nó làm cậu lao về phía trước vài bước, rồi ngã vật ra, đầu lao xuống bùn. Cậu cố bò, nhưng chỉ được vài mét thì gục hẳn. Cậu nằm đó, đành lòng chờ chết.

Một lát sau, cậu cảm thấy một đôi tay thô ráp nắm lấy vai cậu. Đôi tay khác cầm cổ chân cậu nhấc lên. Ý nghĩ duy nhất của Lubji lúc đó là tại sao bọn Đức lại có thể đến nhanh thế được. Giá cậu không ngất đi thì sẽ hiểu tại sao.

Khi tỉnh dậy, Lubji không biết là mấy giờ. Vì trời tối đen, cậu chỉ có thể nghĩ rằng mình đã bị đưa trở lại phòng giam chờ hành quyết. Rồi cậu thấy vai đau khủng khiếp. Cậu chống tay định ngồi dậy, nhưng không được. Cậu thử co tay, và ngạc nhiên phát hiện ít ra chúng cũng đã được tháo khỏi còng.

Cậu chớp mắt, cố lên tiếng nhưng chỉ là thầm thào, nghe như tiếng con thú bị thương. Một lần nữa cậu lại cố nhỏm dậy, nhưng vẫn không được. Cậu chớp chớp mắt, không thể tin những gì mình nhìn thấy. Một cô gái đang quỳ, dùng chiếc khăn thô ướt lau mặt cho cậu. Cậu nói với cô ta bằng mấy thứ tiếng, nhưng cô ta chỉ lắc đầu. Cuối cùng, khi cô ta nói, thì cậu lại không hiểu được gì. Sau đó cô mỉm cười, chỉ vào mình và bảo: "Mari".

Lubij lăn ra ngủ. Khi cậu tỉnh dậy, mặt trời đã chiếu thẳng vào mắt. Nhưng lần này cậu đã nhúc nhích được đầu. Xung quanh toàn là cây cao. Cậu nhìn về bên trái thì thấy một đoàn xe sơn nhiều màu, trên chất đủ thứ. Cạnh đó là mấy con ngựa đang gặm cỏ dưới một gốc cây to. Cậu nhìn sang hướng khác, bắt gặp cô gái đang đứng cách đó vài bước, nói chuyện với một người đàn ông vai mang súng. Lần đầu tiên cậu nhận thấy cô ta vô cùng xinh đẹp.

Khi Lubij lên tiếng gọi, cả hai cùng quay lại. Người đàn ông bước nhanh tới chào cậu bằng chính thứ tiếng của cậu. "Tên tôi là Rudi", anh ta nói, rồi giải thích bằng cách nào đoàn xe của anh trốn qua biên giới của Tiệp cách đó từ mấy tháng, vẫn thấy bọn Đức đang cố đuổi theo. Họ phải đi tiếp vì giống nòi ưu việt kia coi những ngưòi Di gan còn tồi tệ hơn dân Do thái.

Lubji bắt đầu hỏi tới tấp. "Anh là ai? Tôi đang ở đâu?" Và quan trọng nhất là, "Bọn Đức đang ở đâu?". Cậu chỉ dừng khi Mari, mà Rudi cho biết là em gái anh ta trở lại, tay bưng một tô nước canh nóng và một xấp bánh mỳ. Cô quỳ xuống bón cho cậu từng thìa một. Cứ sau vài thìa, cô lại đút cho một mẩu bánh mỳ, trong khi anh trai cô tiếp tục kể cho Lubji nghe họ đã gặp cậu như thế nào. Rudi nghe tiếng súng, vội chạy ra bìa rừng vì nghĩ bọn Đức đã phát hiện ra đoàn xe, thì thấy mấy người tù đang chạy như bay về phía anh. Cả mấy người đều trúng đạn, nhưng vì Lubji gần bìa rừng nhất cho nên người của anh ra cứu được.

Bọn Đức không đuổi theo khi thấy cậu đã được mang vào rừng. "Có thể chúng sợ, nhưng thực ra chín người chúng tôi chỉ có hai khẩu súng trường, một súng lục và những thứ vũ khí như chiếc cào cỏ hoặc con dao chém cá", Rudi nói rồi cười phá lên. "Tôi nghĩ chúng sợ mấy người kia chạy mất nếu chúng đuổi theo cậu. Nhưng có điều chắc chắn là khi mặt trời mọc, chúng sẽ kéo tới đây đông hơn. Vì vậy tôi đã ra lệnh khi lấy được viên đạn ra khỏi vai cậu, chúng tôi phải lên đường và sẽ mang cậu cùng đi".

"Làm sao tôi có thể trả ơn các anh được ?" Lubji lẩm bẩm.

Khi Mari cho cậu ăn uống xong, hai người Di gan nhẹ nhàng khiêng Lubji lên xe, và đoàn xe lăn bánh sâu vào rừng. Họ đi, đi mãi, tránh các làng mạc, thậm chí cả những con đường lớn. Ngày này qua ngày khác, Mari chăm sóc Lubji, cho đến khi cậu có thể ngồi dậy. Cô có vẻ vui khi thấy cậu nhanh chóng học được tiếng của cô. Có lúc cậu tập đi tập lại mấy giờ liền một câu muốn nói với cô, Tối đó, khi Mari đến, cậu nói bằng tiếng Rumany, rằng cô là cô gái đẹp nhất mà cậu đã từng gặp. Cô đỏ mặt, bỏ chạy mãi đến bữa sáng hôm sau mới gặp lại.

Do được Mari thường xuyên chăm sóc, Lubji nhanh chóng hồi phục và chẳng bao lâu đã có thể cùng vui với những ân nhân của mình bên bếp lửa. Ngày chuyển thành tuần, không những cậu cảm thấy hoàn toàn bình phục, mà còn bắt đầu phải nới lỏng dây lưng.

Một buổi tối, sau khi đi săn với Rudi về, Lubji nói rằng không lâu nữa cậu sẽ phải ra đi. "Tôi cần tìm đến bến cảng nào đó, tránh bọn Đức càng xa càng tốt", cậu giải thích. Rudi gật đầu, cùng chia nhau con thỏ bên bếp lửa. Không ai để ý đến ánh mắt buồn rầu của Mari.

Tối đó khi Lubji trở về xe, cậu đã thấy Mari ở đó chờ sẵn. Cậu trèo vào xe, cố giải thích rằng vì vết thương đã gần lành, cậu không còn phải nhờ cô cởi giúp quần áo nữa. Mari mỉm cười, nhẹ nhàng cởi áo cho cậu, tháo bỏ gạc và lau vết thương. Cô nhìn vào trong túi vải, nhíu mày, ngập ngừng một lát rồi bắt đầu xé áo của mình, dùng nó làm băng buộc lại vết thương.

Lubji nhìn đăm đăm vào đôi chân dài rám nắng của Mari trong khi cô từ từ vuốt từ ngực cậu xuống đến lưng quần. Cô mỉm cười nhìn lên, bắt đầu cởi nó ra. Cậu đặt bàn tay giá lạnh lên đùi cô, tái mặt khi cô cởi áo, bên trong Mari không mặc gì nữa.

Mari chờ đợi tay cậu di chuyển, nhưng cậu vẫn trố mắt nhìn. Cô cúi xuống, kéo quần cậu ra, sau đó nhẹ nhàng ngồi lên người cậu. Cậu nằm bất động như lúc bị trúng đạn, cho đến khi cô lắc lư người, đầu ngửa ra phía sau. Cô cầm tay cậu để lên ngực mình, rùng mình khi cậu xoa nhẹ cặp vú ấm áp, thấy nhịp độ của cô mỗi lúc một nhanh hơn. Đúng khi cô sắp sửa thét lên, cậu vội vàng kéo xuống, áp lên người mình và hôn vào môi cô. Mấy giây sau, cậu nằm thỏa mãn, tự hỏi không biết có làm cô đau không, cho đến khi cậu mở mắt, và thấy nét mặt của cô. Cô gục đầu lên vai cậu, rồi lăn qua một bên ngủ say sưa.

Cậu vẫn nằm thao thức, nghĩ rằng lẽ ra cậu đã chết mà không được biết đến thứ lạc thú này. Mấy tiếng sau, cậu đánh thức cô dậy. Lần này, cậu không để yên chân tay; ve vuốt hết chỗ này đến chỗ khác trên người cô, và cậu phát hiện ra rằng thích thú hơn hẳn lần trước. Sau đó cả hai lăn ra ngủ.

Ngày hôm sau, khi đoàn xe tiếp tục lên đường, Rudi bảo cậu rằng đêm trước họ đã qua biên giới một nước khác, và bây giờ đang ở Nam Tư.

"Những ngọn đồi tuyết phủ trắng kia tên là gì?" Lubji hỏi.

"Nhìn từ xa chúng giống như những ngọn đồi. nhưng đó là rặng Dinaric đầy bất trắc", Rudi trả lời. "Đoàn xe chúng tôi không hy vọng vượt qua được dãy núi đó để ra biển". Anh im lặng một lúc lâu, rồi thêm. "Nhưng có quyết tâm thì vượt được".

Ba ngày tiếp theo họ vẫn đi, mỗi đêm chỉ nghỉ vài tiếng, cố tránh các thị trấn và làng mạc, cho đến khi đến được chân núi.

Tối đó, Lubji nằm thao thức trong khi Mari ngủ gục trên vai. Cậu nghĩ đến cuộc sống sắp tới và những tuần hạnh phúc mà cậu vừa trải qua, tự hỏi không biết mình có thực sự muốn rời bỏ đoàn xe này mà ra đi hay không. Nhưng cậu quyết định, nếu muốn thoát khỏi nanh vuốt của bọn Đức, thì phải đến được phía bên kia núi, tìm một chiếc thuyền và đi càng xa càng tốt. Sáng hôm sau, cậu mặc xong áo quần thì Mari mới thức dậy. Sau khi ăn sáng, cậu đi quanh trại, bắt tay chào từ biệt mọi người, cuối cùng là Rudi.

Mari đợi cho đến lúc Lubij về xe. Cậu cúi người, ôm hôn cô lần cuối. Cô như không muốn buông cậu ra nữa. Cuối cùng, cô đưa cho cậu bọc đồ ăn lớn. Cậu mỉm cười, rồi bước nhanh ra khỏi trại về phía chân núi. Mặc dù nghe tiếng chân cô đang bước đằng sau, cậu không ngoảnh lại.

Lubji leo mãi không nghỉ, cho đến khi sập tối không còn nhìn thấy gì nữa. Cậu chọn một tảng đá to làm nơi tránh ngọn gió rét buốt, nhưng cho dù xoay trở cách nào, người cậu vẫn lạnh cứng. Suốt đêm không ngủ, cậu dùng chỗ đồ ăn Mari đưa cho và nghĩ đến cơ thể ấm áp của cô.

Vào cuối ngày thứ ba, cậu hết sạch đồ ăn, nhưng nhìn hướng nào cũng vẫn chỉ thấy núi cao. Cậu bắt đầu tự hỏi tại sao mình lại từ biệt Rudi và đoàn xe Di gan đó.

Sang ngày thứ tư, cậu như không còn nhấc nổi chân. Có lẽ cái đói sẽ hoàn thành phần việc mà bọn Đức chịu thua. Tới ngày thứ năm, khi đang đi mà không biết là đi đâu, hầu như phó mặc cho số mệnh thì cậu nghĩ là nhìn thấy làn khói phía xa. Nhưng phải mất một đêm lạnh cóng nữa trước khi ánh lửa lập loè khẳng định cái mà mắt cậu thấy. Trước mặt cậu là một làng nhỏ, và cậu nhìn thấy biển phía sau làng.

Xuống núi có vẻ dễ hơn khi lên, nhưng không kém phần nguy hiểm. Cậu ngã mấy lần, mãi tới lúc mặt trời lặn mới đến được cánh đồng bằng phẳng xanh rờn. Tới lúc ấy, mặt trăng đã xuất hiện, lấp ló sau những áng mây, soi tỏ những bước đi chậm chạp của cậu.

Khi Lubij đến được rìa làng, hầu hết đèn trong các nhà đã tắt. Nhưng cậu vẫn bước tiếp, hy vọng ai đó còn thức. Lúc đến được ngôi nhà trông như nằm trong một trang trại, cậu định gõ cửa, nhưng lại ngại ngần vì không thấy còn ánh đèn. Rồi cậu nhìn thấy một túp lều ở cuối sân. Cậu lê chân tới đó. Những con gà xổng chuồng nhảy khỏi đường cậu đi, kêu toáng lên, và suýt nữa cậu đâm vào một con bò đen không có ý định nhường đường khách lạ. Cánh cửa túp lều khép hờ. Cậu bò vào trong, lăn ra đám cỏ khô, ngủ mê mệt.

Sáng hôm sau tỉnh dậy. cậu thấy mình không thể nhúc nhích nổi bởi đã bị cột chặt xuống đất. Rồi cậu thấy một người to béo đang nhìn mình trừng trừng, vừa ghì chặt chiếc cào cỏ dài, đó là lý do tại sao cậu không thể cựa được.

Người nông phu hét lên mấy tiếng bằng thứ ngôn ngữ khác lạ. Lubji cả mừng : đó không phải là tiếng Đức. Cậu ngước mắt nhìn trời, cám ơn những người thầy đã dạy cậu nhiều điều. Lubji nói với người đang giữ chiếc cào cỏ rằng cậu từ phía bên kia núi sang, sau khi thoát khỏi tay bọn Đức. Ông ta có vẻ không tin cho đến khi xem kỹ vết sẹo viên đạn để lại trên vai cậu. Cha ông trước đây là chủ trang trại, và cụ chưa bao giờ nói với ông là đã thấy ai vượt được dãy núi này.

Ông ta dẫn Lubji vào nhà, tay vẫn cầm chiếc cào cỏ. Bữa ăn sáng có thịt muối, trứng ốp và những lát bánh mỳ dầy. Vừa ăn, Lubji vừa kể, bằng tay hơn là bằng lời, những gì cậu đã trải qua trong mấy tháng vừa rồi. Bà chủ nhà có vẻ thông cảm, liên tục múc thêm thức ăn vào đĩa cậu. Ông chủ không nói gì, vẻ mặt vẫn chưa hết nghi ngờ.

Khi Lubji kể xong, chủ nhà cảnh báo cậu rằng mặc dù Titô, lãnh tụ du kích, đã nói những lời đầy dũng khí, ông vẫn nghĩ không lâu nữa quân Đức sẽ tiến vào Nam Tư. Lubji bắt đầu tự hỏi liệu còn nơi nào trên trái đất này có thể an toàn trước những tham vọng của Hitler? Có lẽ suốt quãng dời còn lại, cậu sẽ phải liên tục trốn chạy hắn chăng.

"Tôi phải ra biển", cậu nói. "Và nếu tôi kiếm được thuyền..."

"Đi đâu không quan trọng; vấn đề là phải đi càng xa cuộc chiến tranh này càng tốt", ông ta nói, ngoạm một miếng táo. "Nếu chúng tóm được lần nữa, thì cậu đừng hòng thoát. Hãy kiếm một chiếc tàu, tàu nào cũng được. Hãy sang Mỹ, Mexico, Tây Ấn, thậm chí châu Phi cũng được".

"Làm sao cháu tìm được một cảng gần nhất?".

"Dubrovnik, phía đông nam, cách đây khoảng hai trăm cây", ông ta vừa châm tẩu thuốc vừa nói, "ở đó cậu có thể tìm được nhiều tầu bè đang muốn tránh xa cuộc chiến”.

"Vậy thì cháu phải đi ngay”, Lubji định nhảy khỏi ghế.

"Không cần phải vội thế, chàng trai". Ông ta nhả khói mù mịt. "Còn lâu bọn Đức mới vượt qua được ngọn núi này". Lubji lại ngồi xuống và bà chủ lại gọt vỏ chiếc bánh mỳ thứ hai, tưới nước xốt lên và đặt trước mặt cậu.

Khi Lubji đứng dậy theo ông chủ ra khỏi bếp, chiếc đĩa ăn của cậu chỉ còn lại chút bánh vụn. Bà chủ nhồi vào túi cậu nào táo, pho mát, nào bánh mỳ trước khi cậu nhảy lên ngồi phía sau chiếc máy kéo để chồng bà đưa tới rìa làng. Cuối cùng, ông cho cậu xuống cạnh con đường mà ông bảo đảm sẽ đưa cậu ra bờ biển.

Lubji đi theo con đường đó, mỗi khi có xe đến gần cậu lại chìa ngón cái ra ý xin đi nhờ. Nhưng suốt hai tiếng đồng hồ, tất cả các xe chạy qua dù nhanh hay chậm đều phớt lờ. Mãi đến cuối buổi chiều, một chiếc Tatra cũ kỹ mới dừng lại cách cậu vài mét.

Cậu chạy lại phía người lái xe, lúc này đang hạ kính xuống.

"Cậu đi đâu?" Người lái xe hỏi.

"Dubrovnik", Lubji mỉm cười trả lời. Người đó nhún vai, kéo kính lên và chạy thẳng, không nói gì thêm.

Vài chiếc máy kéo, hai ô tô và một xe tải chạy qua trước khi một chiếc xe khác dừng lại. Cùng một câu hỏi, và cùng một câu trả lời.

"Tôi không tới đó, nhưng có thể cho cậu đi nhờ một đoạn", người lái xe nói.

Một chiếc ô tô, hai xe tải, ba xe ngựa và vô khối xe máy đã giúp Lubji hoàn thành chuyến đi ba ngày tới Dubrovnik. Tới lúc đó, Lubji đã ăn hết chỗ đồ ăn mà vợ ông nông dân cho và cũng biết thêm làm thế nào để kiếm được tàu ở Dubrovnik giúp cậu thoát khỏi bọn Đức.

Xuống xe ở vùng ngoại vi cảng biển tấp nập, Lubij chỉ cần vài phút cũng thấy ngay những lo sợ của ông nông dân là hoàn toàn chính xác. Nhìn chỗ nào cậu cũng thấy người ta đang cuống cuồng trước cuộc xâm lược hiển nhiên của bọn Đức. Lubji không có ý định chờ đón chúng lần thứ hai, ở thành phố nước ngoài này.

Đây là thành phố mà cậu không định bị bắt khi còn đang ngủ.

Thẹo lời khuyên của bác nông dân, cậu đi đi lại lại trên cầu tầu hai tiếng liền, cố đoán xem tàu nào từ cảng nào đến và chúng sẽ đi tiếp đâu. Cuối cùng cậu thu lại trong ba chiếc, nhưng vẫn không có cách nào biết được khi nào nó rời bến và sẽ đi đâu. Mỗi khi nhác thấy bóng người mặc quân phục, cậu biến nhanh vào những ngõ hẻm chạy dọc theo bến, và có lần chui cả vào một quán rượu đông nghịt mặc dù không có xu nào trong túi.

Cậu lẻn vào một góc khuất nhất trong quán, hy vọng không ai nhìn thấy và bắt đầu nghe lỏm những câu chuyện bằng đủ các thứ tiếng của những người ngồi quanh. Cậu nghe được những tin như kiếm gái ở đâu, tàu nào trả lương cho thợ đốt lò cao nhất, thậm chí cả việc muốn xăm hình Neptune giá hạ thì đến chỗ nào. Nhưng trong tất cả những tiếng ồn ào ấy, cậu biết được chiếc tàu vừa cặp bến tên là tàu Arridin, bốc xong hàng nó sẽ rời bến ngay. Nhưng cậu không biết nó sẽ đến nước nào.

Một thuỷ thủ cứ nhắc đi nhắc lại hai tiếng "Ai Cập" và Lubji nghĩ ngay đến thánh Moise cùng miền đất hứa.

Cậu luồn ra ngoài, trở lại cầu tầu. Lần này cậu cẩn thận kiểm tra từng tàu một, cho đến khi gặp một nhóm người đang bốc hàng lên một tàu chở hàng nhỏ chạy bằng hơi nước, bên mạn có ghi chữ Arridin. Lubji nhìn lá cờ rũ xuống trên đỉnh tầu. Vì không có gió nên cậu không biết được tầu của nước nào. Nhưng cậu biết chắc một điều: lá cờ không có hình chữ thập ngoặc của bọn Quốc xã.

Lubji đứng né sang bên nhìn những ngưòi phu khuân vác còng lưng mang những bao tải nặng trên vai, đi qua tấm ván dùng làm cầu, rồi vứt những bao đó qua một lỗ hổng ở giữa sàn tầu. Người đốc công đứng ngay đầu cầu ván, mỗi chuyến hàng qua lại gạch một cái vào sổ. Thỉnh thoảng hàng người lại có khoảng trống vì họ đi nhanh chậm khác nhau. Lubji kiên nhẫn chờ đến đúng lúc cậu có thể luồn vào hàng mà không bị phát hiện. Cậu thong thả bước tới, giả vờ như người qua đường, rồi đột nhiên cúi xuống, xốc một bao tải lên vai đi về phía tàu, giấu mặt sau bao hàng khi qua chỗ người đốc công. Lên đến sàn tầu, cậu ném bao hàng xuống lỗ.

Lưbji làm lại vài lần, mỗi lần đi cậu lại biết thêm một chút về cách bố trí trên tầu. Một ý nghĩ bắt đầu thành hình trong đầu. Sau khoảng hơn chục lần mang vác như thế, cậu thấy mình có thể đi nhanh lên sát ngay sau ngưòi đi trước và cách người đi sau khá xa. Khi đống hàng trên bến vơi dần, Lubji hiểu rằng cậu không còn nhiều cơ hội. Phải chọn đúng thời điểm.

Cậu xốc một bao nữa lên vai. Lát sau cậu đã đuổi kịp người đi trước; người này vất bao tải vào lỗ rồi trở lại cầu ván. Khi đến sàn tầu, cậu ném bao tải xuống lỗ, rồi không nhìn lại, ngay lập tức nhảy theo xuống, rơi người trên một đống bao. Cậu phóng vội vào góc xa nhất, phập phồng lo sợ có ai đó kêu lên rồi nhảy theo cứu cậu. Nhưng chuyện ấy đã không xảy ra.

Lubji tìm một vị trí khuất để nếu có ai ngó vào không thấy được cậu, đồng thời để tránh bao tải rơi vào đầu. Song nếu cứ như vậy thì chắc là sẽ chết ngạt, vì vậy cứ sau mỗi bao tải ném xuống, cậu lại ngoi đầu lên thở. Đến chiếc bao cuối cùng, Lubji không những thâm tím hết cả mình mẩy, mà còn ngáp liên tục bởi hụt hơi.

Khi nắp hầm sập xuống, Lubji cuống cuồng tìm đường trèo lên đỉnh đống bao tải để có thể ghé miệng vào cái khe nhỏ của tấm nắp mà thở.

Cậu nghe thấy tiếng máy tầu ở khoang dưới bắt đầu hoạt động. Mấy phút sau, cậu thấy con tàu lắc lư dịch chuyển. Cậu nghe tiếng người trên boong và thỉnh thoảng là tiếng chân bước ngang trên đầu. Khi con tầu đã ra khỏi cảng, nó không còn lắc lư nhè nhẹ mà nghiêng ngả mạnh hơn. Lubji ngồi lọt giữa hai bao tải, mỗi tay bám chắc một bên để khỏi bị quăng đi quật lại.

Cả cậu lẫn đống bao cứ chạy từ bên nọ sang bên kia trong hầm tầu, đến nỗi cậu chỉ những muốn hét lên kêu cứu, nhưng lúc này trời đã tối, cậu nghĩ có kêu cũng chẳng ai nghe thấy.

Cậu không biết tầu đã chạy bao ngày khi thấy tiếng xích neo chạy rèn rẹt. Rồi cậu thấy nắp hầm mở ra, ánh sáng ùa vào cùng nhiều thứ tiếng nói lạ hoắc. Cậu nghĩ chắc là tiếng Ai Cập và tạ ơn Chúa bởi nó không phải là tiếng Đức. Cuối cùng nắp hầm được nhấc lên, hai người lực lưỡng ghé mắt nhìn xuống.

"Trời ơi! Cái gì thế này?” Một người hét lên khi thấy Lubji giơ cao hai tay lên trời.

"Gián điệp Đức chứ không sai", người kia cười hô hố, nói tiếp rồi nắm cánh tay Lubji kéo lên như kéo một túi hàng. Lubji ngồi trước mặt họ, chân duỗi dài, miệng thở dốc, chờ đợi bị tống vào nhà giam ở một nước nào đó.

Cậu ngước nhìn mặt trời buổi sáng, mắt chớp chớp. "Tôi đang ở đâu thế này?" Cậu hỏi bằng tiếng Tiệp. Nhưng đám phu khuân vác tỏ ra không hiểu. Cậu thử bằng tiếng Hung, tiếng Nga và miễn cưỡng dùng cả tiếng Đức, nhưng họ vẫn chỉ nhún vai cười. Cuối cùng họ nhấc bổng cậu lên, điệu dọc theo tàu, không cố hỏi han cậu bằng thứ tiếng nào nữa.

Chân Lubji chưa kịp chạm đất thì họ đã đưa cậu lên bến. Sau đó họ đưa cậu về phía ngôi nhà trắng ở phía bên kia bãi hàng. Phía trên cửa là hàng chữ in chẳng có nghĩa gì đối với cậu bé nhập cư trái phép : Cảnh sát cảng Liverpool, Anh.