[Quyển 3] Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện - Tình Nhi Nữ

Chương 43: Kim Thiền Thoát Xác






Bấy giờ là giờ Hợi.

Trời khuya gió lộng từng cơn, một cơn gió bổ tách hai cánh cửa sổ của thư phòng thân vương phủ làm đôi.

Ánh trăng nhờ vậy rọi vào bên trong phòng.

Từ căn phòng vẳng ra những tiếng thở dài não nuột.

Não Đại, Sách Ni, Trương Anh, Đồ Ngạn Đột, Đông Quốc Duy và Ngạch Đức ngồi quanh chiếc bàn đặt ở giữa phòng sách, đưa mắt nhìn tấm bản đồ đang trải rộng trên bàn, sắc diện ai nấy cũng đều uể oải.

Chả là một khắc trước đó mấy người Sách Ni mang tấm bản đồ da dê của núi Mộc Lan tỉnh Nhiệt Hà tới thân vương phủ tìm Não Đại.

Sách Ni đã dùng ngón tay khoanh một vòng tròn trên sơn đồ, chậm rãi bảo Não Đại:
“Sáng ngày mốt chúng ta sẽ men theo con đường này đến Chiêu Tây Lăng, hai bên đường đều là núi non trùng điệp.

Bọn Huyết Trích Tử chắc chắn sẽ dùng hai đỉnh núi này để tập kích xa giá.

Chỉ cần bọn chúng đứng ở nơi này trông xuống là có thể nhìn rõ chuyển động của chúng ta trong vòng một trăm trượng.


Ngạch Đức chau mày:
“Đường tới nơi an táng thái hoàng thái hậu chỉ có con đường này, mà hạ quan tin rằng lần này Ngao Bái nhất định tự mình lâm trận.


Ngạch Đức và Sách Ni chẳng cần nói thêm, Não Đại cũng hiểu ý hai người, rằng Khang Hi nên ở lại kinh thành, không đi đưa tang Hiếu Trang.

Nhưng Não Đại không đồng ý với Ngạch Đức và Sách Ni, bởi vì dẫu sao Khang Hi cũng là đứa cháu trai được Hiếu Trang thương yêu nhất, nên vì tình vì nghĩa phải nên đi đưa tang.

Ngạch Đức thở dài:

“Nhưng mà vương già à, chúng ta không đủ người, mặc dù có đủ người hộ giá hoàng thượng cũng không người nào đánh lại Ngao Bái, ngoài gã còn có bọn Huyết Trích Tử cực kỳ khó đối phó, nhất là Liên Hoa Sát Thủ.

Trong đám chúng ta Định Viễn đại tướng quân võ công cao cường nhất, Ngao Bái sẽ cho Liên Hoa Sát Thủ cầm chân ngài ấy, còn gã và bọn Huyết Trích Tử sẽ dốc hết sức lực nhập thu tiển trận.

”  
Ngạch Đức dứt lời bầu không khí ảm đạm nặng nề như đè lên vai mọi người, những toan tính, căng thẳng!   Mọi thứ thật là khó xử, quá gay go! Nỗi lo, sự chờ đợi…  Áp lực càng lúc như càng nặng nề, nhiều lúc làm họ muốn nghẹt thở!
Các quan còn chưa nghĩ ra cách nào để bảo vệ Khang Hi thì bên ngoài thư phòng có tiếng gõ cửa, rồi tiếng quản gia vang lên nói có Tế Độ và Sách Ngạch Đồ đang chờ bên ngoài.

Não Đại nói vọng ra bảo quản gia mời khách vào phòng.

Kẹt một tiếng, hai cánh cửa thư phòng mở ra.

Tế Độ và Sách Ngạch Đồ bước vào, hai người vừa đặt chân qua ngưỡng cửa liền thấy không gian tứ bề vẻ như chết chóc quạnh vắng đang bao bọc.

Căn phòng sách này hằng ngày vốn dĩ rộng rãi, nay bỗng trở nên chật hẹp khó thở.

Sau khi cúi mình chào mọi người, Sách Ngạch Đồ vừa ngồi vào bàn vừa nói:
- Lúc nãy trên đường đến đây hạ quan nghe người dân bàn tán xôn xao về hai bài văn.

Không biết các vị có nghe rồi chưa?  Ngao Bái ép các cống sinh trong Quốc Tử Giám sáng tác hai bài văn.

Một là phó cáo của hoàng thượng, hai là phó cáo của gã.

Đại khái lời đồn nói là nếu mà lần này hoàng thượng đi Chiêu Tây Lăng, nhất cử thành công, Ngao Bái sẽ lấy bài phó cáo của gã truyền bá khắp thiên hạ, còn nếu hoàng thượng nhất cử thành nhân gã sẽ lấy bản mộ chiếu của hoàng thượng khắc lên bia mộ ngài.

Đông Quốc Duy nghe Sách Ngạch Đồ nói đập tay lên bàn đánh chát một tiếng quát lớn:
- Tên họ Ngao này thật là càng lúc càng quá đáng!
Đồ Ngạn Đột cũng lắc đầu:
- Hắn không giữ cho hoàng thượng một chút thể diện nào cả.

Khi này quản gia mang hai tách trà vào cho Tế Độ và Sách Ngạch Đồ.

Quản gia họ Lâm, tên Chí Tuất, tuổi khoảng ngũ tuần, đỉnh đầu cạo nhẵn bóng, mặt tròn trịa, mắt hai mí lớn, mũi to, đầu mũi tròn, hai cánh mũi đầy, môi đầy đặn.

Tế Độ và Sách Ngạch Đồ nói cám ơn Lâm Chí Tuất, rồi hai người đưa mắt nhìn tấm bản đồ.

Lâm Chí Tuất trở ra ngoài.

Trương Anh quan sát thần sắc Tế Độ từ khi Tế Độ bước vào phòng.

Trương Anh thấy mặt mày Tế Độ tĩnh lặng, cả mừng nghĩ chắc có lẽ Tế Độ đã tìm ra cách hộ giá Khang Hi rồi nên mới bình thản như vậy.

Trương Anh nhìn Tế Độ, hỏi:
- Không biết Định Viễn đại tướng quân ngài đã nghĩ ra cách gì để hộ giá cho hoàng thượng vào sáng ngày mốt hay chưa, có thể chia sẻ với mọi người để mọi người cùng thương lượng chăng?
Ngờ đâu Trương Anh nói xong, gương mặt bình thản của Tế Độ chuyển sang bối rối.

Tế Độ không trả lời câu hỏi của Trương Anh mà bưng tách trà lên uống một ngụm, sau đó vẫn không nói gì hết.

Sách Ngạch Đồ ngồi cạnh Tế Độ, nghĩ chung quy cũng không thể lảng tránh được tình thế trước mắt đành hạ giọng nói:
- Hạ quan và Định Viễn đại tướng quân có một hạ sách!
Nhưng Sách Ngạch Đồ cũng chỉ có thể nói bấy nhiêu, rồi không nói gì thêm nữa.

Sách Ngạch Đồ cũng như Tế Độ bưng tách trà lên nhưng khác với Tế Độ ở chỗ là Sách Ngạch Đồ không uống trà, mà chỉ giở nắp tách trà ra nhìn làn khói bay lượn lờ trong nước.

Sách Ni đã từng cùng Tế Độ cầm quân Nam chinh Bắc chiến, thừa biết con người Tế Độ ít khi vòng vo, tối nay Tế Độ ngập ngừng như vậy và để cho Sách Ngạch Đồ lên tiếng thay chàng, Sách Ni biết hẳn nhiên trong lòng Tế Độ có ẩn khuất, nhìn Tế Độ, nói:
- Hai người có gì đừng ngại cứ nói, dù cho lão phu có phải mất mạng ta cũng sẽ một lòng trung thành với hoàng thượng, không để gã họ Ngao hoàn thành đại nghiệp!
Tế Độ vẫn im lặng không thốt nên lời được.

Sách Ngạch Đồ bèn lên tiếng đáp lời Sách Ni, dầu gì đây cũng là chủ ý của chàng nghĩ ra nên Sách Ngạch Đồ nhìn các quan, cất giọng nặng nề:

- Suốt ba hôm liền, hạ quan suy đi nghĩ lại, cũng có thương lượng với Định Viễn đại tướng quân và hai người tướng của ngài.

Nhóm tam mệnh đại thần luôn muốn ám sát hoàng thượng mà sáng ngày mốt là cơ hội tốt nhất để bọn chúng ra tay, chúng ta lại không có chính sách gì phòng ngự.

Nếu hạ thủ thành công, mai này những gì bá tánh phải chịu đựng mọi người đều biết cả rồi.

Cho nên, theo hạ quan nghĩ, hoàng thượng nhất định phải đi Chiêu Tây Lăng an táng thái hoàng thái hậu nhưng thay vì đi cùng chúng ta ngài sẽ đến đó trước hơn dự định, còn chúng ta thì vẫn làm theo lịch trình đã sắp sẵn, vào giờ Mão ngày mốt khởi hành cùng một đứa trẻ khác, người tướng của Định Viễn đại tướng quân sẽ dịch dung đứa trẻ đó thành hoàng thượng.

Não Đại, Sách Ni, Trương Anh, Đồ Ngạn Đột, Đông Quốc Duy và Ngạch Đức nhìn nhau suy nghĩ lời này.

Sách Ngạch Đồ tiếp:
- Hạ quan đã bàn với Nhạc Thăng Long tướng quân, Nhạc tướng quân sẽ âm thầm hộ tống thánh giá lên đường trong đêm nay.

Sách Ngạch Đồ nói đoạn thở ra một hơi dài thườn thượt, thêm lời:
- Đó là cách duy nhất, ngoài ra hạ quan thật sự không nghĩ thêm được cách nào khác nữa.

Hoàng thượng là rồng trong thế gian, ngài nhất định phải bình an vô sự.

Não Đại, Sách Ni, Trương Anh, Đồ Ngạn Đột, Đông Quốc Duy và Ngạch Đức gật gù, nghe nhẹ cả người.

Gì chứ thuật dịch dung của Kiều Tam Thể là số một trên đời.

Nhưng mà, họ phải tìm đứa trẻ chết thay cho Khang Hi.

Các quan cảm thấy thật bất nhẫn.

Trương Anh bèn lên tiếng nói về lo ngại đó.

Sách Ngạch Đồ lắc đầu thở dài.

Các quan cũng nhìn nhau thở dài.

Chỉ có Não Đại là không nói không rằng, đứng lên khỏi ghế.

Não Đại chắp hai tay ra sau lưng đi đến bên cửa sổ, hướng mắt trông ra ngoài hoa viên phía trước phòng sách.

Tế Độ nhìn dáng đứng xụi vai của Não Đại, biết trong đầu Não Đại nghĩ gì!   
Trên trời bấy giờ trăng ẩn trong mây, bầu trời u tối như tâm trạng trong lòng Não Đại.

- Nhân sinh tự cổ thùy vô tử.

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Các quan nghe tiếng Não Đại vang lên bên cửa sổ.

Nhắc chuyện năm xưa, Văn Thiên Tường là nhà thơ nổi tiếng vào những năm cuối Nam Tống.

Thời ấy, quân Mông Nguyên xâm lược, tình hình chính quyền triều đại Nam Tống bất ổn định.

Văn Thiên Tường là một vị quan văn, nhưng vì phản đối Mông Nguyên xâm lược, bảo vệ đất nước nên ông đã dũng cảm ra chiến trường.

Ông nói với mọi người rằng: “Cứu nước như cứu cha mẹ.

Cha mẹ có bệnh, cho dù là bệnh khó chữa trị thì con cái vẫn phải toàn lực cứu chữa!”  Năm 1278, Văn Thiên Tường bị bắt làm tù binh.

Trên đường bị áp giải đến Yên Kinh, Văn Thiên Tường đã viết: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?  Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

”  Nghĩa là “xưa nay hỏi có ai không chết?  Hãy để lòng son chiếu sử xanh.


”  Câu thơ này đã trở thành một áng thơ ca bất hủ nghìn đời.

Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt đã dùng quan to lộc hậu để dụ Văn Thiên Tường chiêu hàng nhưng ông thà chết không chịu khuất phục.

Ngàn đời sau, tinh thần ái quốc của Văn Thiên Tường đã đời đời tương truyền, trở thành tài phú tinh thần trong lòng người người.

Lại nói tiếp chuyện trong thân vương phủ, mọi người trong phòng nghe Não Đại đọc hai câu thơ của Văn Thiên Tường lập tức lên tiếng phản đối nhưng Não Đại quay mình lại nghiêm mặt nói:
- Bản vương gia và gia quyến của ta ăn bổng lộc triều đình bấy nhiêu năm, nay thấy hoàng thượng lâm nguy đương nhiên phải lộ kiến bất bình hoạt đầu tương trợ, đó mới chính là đạo nghĩa của kẻ làm quân tử.

Tuy giọng nói của Não Đại cương quyết nhưng sâu hoắm bên trong lại mơ hồ ẩn chứa vẻ đau xót.

Sách Ni, Trương Anh, Ngạch Đức, Đồ Ngạn Đột nhìn nhau, đều biết Não Đại xưa nay là một người rất dứt khoát, lại hiểu rõ Não Đại trung quân, nên khi Não Đại đưa ra quyết định này sẽ nhất nhật giữ vững ý định, không dao động trước bất kỳ trở lực nào.

Quả thật Não Đại dứt lời không nhìn gió nhìn mây bên ngoài cửa sổ nữa, đi lại ngồi trở vào ghế cao giọng gọi quản gia đi tìm con trai mình dẫn vào thư phòng.

Đông Quốc Duy dùng ánh mắt cảm phục nhìn Não Đại.

Đông Quốc Duy nghĩ đến đứa con trai năm tuổi của mình ở nhà, trong lòng đau xót khôn cùng.

Đông Quốc Duy tự nhiên cảm thấy đạo trung quân thật sự rất bất công, hễ một người thân là thần tử, sống chết không bao giờ nằm trong tay người đó được.

Hoàng thượng là trên hết, cho nên cho dù là hài tử của một bậc vương gia quyền quý vẫn vậy, bất luận là ai, có thể trong nháy mắt là bị sa đẩy vào hiểm cảnh để bảo tồn sự an nguy cho hoàng thượng.

- Phải vậy thôi – Tiếng Não Đại tiếp tục vang lên bên tai Đông Quốc Duy - Lần này Ngao Bái đích thân lâm trận, nếu chúng ta không tráo người hoàng thượng chắc chắn sẽ bị gã giết hại, hoàng thượng mà chết rồi thì chuyện gã làm đương triều nhất phẩm sẽ vững như bàn thạch.

Não Đại nói tới đây một đứa bé trai khoảng chín mười tuổi giống Não Đại như khuôn đúc theo quản gia bước vào thư phòng, cúi đầu chào mọi người.

Não Đại bảo thằng bé lại gần bên bàn, dịu giọng hỏi:
- Con trai, cha hay dạy con câu nói nào của Khổng Tử con hãy nói các vị đại nhân nghe đi.

Đứa bé đáp:
- Dạ thưa a mã, người hay dạy con đạo lý trung thần, Khổng Tử nói nhi tử nghe lời phụ thân là hiếu tử, hạ thần tuân lệnh của quân chủ là trung thần.

Đông Quốc Duy thấy đứa bé giương cặp mắt ngây thơ chưa hiểu sự đời nhìn Não Đại, lại nghe nó nhắc đạo lý Khổng Tử một cách rành rọt, Đông Quốc Duy quay mặt đi giấu hai giọt nước mắt sắp sửa trào ra.

Mặc dù Đông Quốc Duy biết chuyện này đã từng xảy ra trong bao nhiêu triều đại.

Bản thân Đông Quốc Duy khi nghe Sách Ngạch Đồ hiến kế kim thiền thoát xác cũng đã nghĩ tới.

Nhưng mà "nghĩ" và "làm" là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

"Nghĩ" không quá khó, còn "làm" thực sự khó khăn vô cùng.

Thử hỏi trên đời này có ai nỡ nào cắt bỏ núm ruột do mình tạo ra để đi bảo vệ con người khác?  Ta có thể làm được chuyện đó không?  Đông Quốc Duy tự hỏi, và trong đầu nhanh chóng có câu trả lời.

Không!  Không thể nào!  Không thể nào làm được chuyện đó!
(còn tiếp).