Quỹ Đạo Đơn Phương

Chương 23: Thích mèo con (4)




Đợi Tống Kỳ Thanh hát xong, thầy Dương Kỳ Tiến bước đến trêu cậu chàng: “Thi tiếng Anh thì điểm đến là èo uột còn hát tiếng Anh thì nghe trôi chảy ra phết đấy nhỉ.”

Tống Kỳ Thanh cười đáp: “Thầy ơi, cái này đâu có giống nhau, hai chuyện này hoàn toàn khác nhau cơ mà.”

Dương Kỳ Tiến hỏi tiếp: “Biết tại sao thầy lại xếp em ngồi cùng bàn với Thư Niệm không?”

Tống Kỳ Thanh hiểu chứ, anh gật gật đầu: “Biết ạ biết ạ.”

“Em đã hỏi bạn cùng bàn bất cứ câu tiếng Anh nào mình không biết chưa?” Thầy Dương lại hỏi.

Tống Kỳ Thanh nhất thời không biết nên trả lời thế nào mới phải.

Đề tiếng Anh không biết đương nhiên là có, cũng đã nghĩ đến chuyện hỏi Thư Niệm.

Nhưng anh cứ sợ làm phiền cô, ảnh hưởng đến chuyện học hành của cô.

“Nắm bắt cơ hội, nhanh chóng hỏi bài người ta, qua kỳ thi giữa kỳ thầy sẽ đổi chỗ tiếp, hai người các em cũng sẽ không ngồi chung với nhau nữa, bỏ lỡ cơ hội thì đừng có mà hối hận đấy nhá.” Thầy chủ nhiệm nhắc nhở Tống Kỳ Thanh.

Tống Kỳ Thanh nghe thầy mình nói thế thì lòng chợt man mác buồn.

Qua kỳ thi giữa kỳ sẽ đổi chỗ tiếp, nghĩa là đến chừng ấy họ sẽ không còn ngồi cùng nhau nữa.

Anh khảy đàn ghi-ta, giọng điệu hơi lơ đễnh: “Vâng thưa thầy.”



Hơn ba giờ chiều, lúc đài phun nước âm nhạc mở, thầy chủ nhiệm mang theo một túi tiền xu đầy ắp, chia đều cho từng học sinh một xu để mọi người có thể có cơ hội cầu cho ước nguyện của bản thân thành hiện thực.

Tống Kỳ Thanh vừa đến gần đài phun đã vô tình nghe thấy một cô bạn nói với bạn trai mình: “Em nghe nói nếu tung đồng xu cùng lúc với người mình thích thì sẽ thành đôi đó.”

Thế là, trong lúc mọi người bận cầu nguyện, Tống Kỳ Thanh vẫn luôn âm thầm ngó Thư Niệm.

Anh nhìn thấy cô nhắm mắt lại, vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc.

Một lát sau, khi cô mở mắt định ném đồng xu, anh cũng đã chớp lấy cơ hội tung đồng xu trong tay ra cùng một lúc.

Anh quên nhắm mắt tự ước một điều.

Nhưng đã thực hiện “nghi thức” để một ước nguyện khác thành sự thật.



Hôm nay là thứ hai, trời mưa tầm tã.

Đến giờ tan học chiều hôm mưa mới tạnh hẳn nhưng trên nước đọng thành từng bãi nước suốt dọc đường về.

Lúc Tống Kỳ Thanh bước ra khỏi khu giảng dạy đã nhìn thấy Thư Niệm xắn ống quần thận trọng bước qua vùng nước đọng.

Cô vừa đi vừa dùng cán ô dò đường phía trước.

Tống Kỳ Thanh kéo bừa ống quần cho cao lên rồi bước thẳng xuống chỗ nước đọng.

Anh vẫn luôn duy trì khoảng cách hai mét tròn phía sau cô.

Một lúc sau, Tống Kỳ Thanh nhìn thấy Thư Niệm mất thăng bằng, chới với sắp ngã.

Anh lập tức chạy đến, đưa tay đỡ cô.

Nhưng anh quá nhát gan, chẳng hề dám nắm lấy cổ tay cô mà cuối cùng chỉ túm chặt lấy ô của cô.

Tống Kỳ Thanh dùng sức kéo ô về phía mình nên nhờ thế Thư Niệm cũng mượn lực ấy lấy lại thăng bằng, không còn chới với nữa.

Cô ngẩng mặt, vẻ hoảng hốt trong giọng nói hãy còn chưa tan, nhỏ nhẹ nói với anh: “Cảm ơn…”

Tống Kỳ Thanh vờ bình tĩnh đáp: “Không cần.”

Sau đó nhanh chóng buông bàn tay đang nắm ô của người ta ra.

Thư Niệm tiếp tục đi về phía trước, Tống Kỳ Thanh đi song song cách cô một khoảng ngắn.

Anh rất muốn nói gì đó, gì cũng được.

Nhưng lại thật sự không đủ can đảm chủ động bắt chuyện với cô.

Hai người im im lặng lặng đi qua đoạn trũng nước, thấy cô sắp đến cổng trường thì cuối cùng cũng “gom” đủ can đảm, chợt lên tiếng hỏi: “Cậu có đề vật lý nào không biết làm không?”

Thư Niệm quay mặt sang nhìn anh, Tống Kỳ Thanh lại tiếp tục ra vẻ thản nhiên nhìn thẳng vào mắt người ta, có điều ngay sau đó đã “ăn ý” ngoảnh mặt đi cùng một lúc.

Cô chắc chắn sẽ không nói dối, thành thật trả lời anh: Có, nhiều lắm.”

Không hiểu sao Tống Kỳ Thanh nghe hai chữ “nhiều lắm” này của cô mà thấy đáng yêu đến lạ.

Anh không nhịn được nhếch miệng cười, tâm trạng vốn đang căng thẳng cũng được thả lỏng đôi chút, thế là hỏi tiếp: “Vậy sao không chịu hỏi tớ?”

Thư Niệm im ru, bầu không khí trở về tình trạng lặng ngắt như tờ còn Tống Kỳ Thanh lại bắt đầu lo lắng hơn hẳn, thậm chí trong phút chốc còn tự hỏi có phải bản thân đã nói hớ gì rồi không.

Anh vội vã nói bù vào hòng hòa hoãn bầu không khí, cố mà gồng lên tỏ vẻ bình thản nói cho tự nhiên nhất có thể: “Thấy cậu ngày nào cũng cúi đầu học, đi học lo học tan học cũng học, cậu không hỏi tớ đề vật lý nên tớ cũng ngại mở miệng hỏi cậu đề tiếng Anh.”

Cô nhẹ giọng nghiêm túc nói: “Không sao mà, không biết cứ hỏi tớ. Tớ không thấy phiền”

“Được,” Tống Kỳ Thanh thiếu điều nhảy cẫng lên vì sung sướng trong lòng khi câu trả lời khẳng định như thế từ cô, đến cả giọng nghe cũng dõng dạc hơn trước, cười nói: “Thế mai tớ sẽ hỏi cậu bài.”

Bấy giờ hai người vừa ra khỏi khuôn viên trường.

Tống Kỳ Thanh vừa ngước lên nhìn đã thấy chuyến xe buýt số 52 mà Thư Niệm định bắt đang lăn bánh đến đây.

Anh bèn nhắc Thư Niệm: “Xe tới rồi.”

Thư Niệm quay đầu nhìn sau đó vừa chạy về phía xe buýt vừa cuống quít vẫy tay chào Tống Kỳ Thanh, mau mắn nói: “Tạm biệt.”

Tống Kỳ Thanh đứng trước cổng trường, nhìn dáng vẻ chạy vội của cô mà như thể đang tận mắt nhìn thấy bộ dạng chạy vội theo bài vở của cô nàng dạo gần đây vậy.

Tống Kỳ Thanh cảm thấy thế nào kỳ thi tháng sắp tới Thư Niệm cũng tiến bộ nữa cho mà xem.

Vì không hôm nào Thư Niệm bỏ bê chuyện học hành bài vở hết.



Hôm sau, Tống Kỳ Thanh đến nhà vệ sinh trong giờ ra chơi.

Lúc về lớp thì bước đến cạnh bàn Thư Niệm, gõ nhẹ tay lên mép bàn cô.

Như là đang gửi tín hiệu bí mật gì đó cho người ta vậy.

Thư Niệm hiểu ý, đứng dậy nhường đường để anh vào bàn trong.

Đây là cách giao tiếp khi người ngồi trong muốn ra hay muốn vào gì đó giữa hai người dạo gần đây.

Tống Kỳ Thanh vẫn nhớ hôm qua Thư Niệm đã đồng ý giảng đề tiếng Anh cho mình.

Vì thế nên, vừa ngồi ngay ngắn trên ghế Tống Kỳ Thanh đã lôi bài kiểm tra tiếng Anh mình tự đánh dấu lại những câu sai rồi nói với Thư Niệm đang vừa ngồi trở lại chỗ: “Giờ được không? Giảng giúp tớ mấy câu tiếng anh trong bài.”

Thư Niệm gật đầu đáp: “Được chứ.”

Tống Kỳ Thanh đẩy đẩy bài kiểm tra về phía cô, tiện tay trỏ đại vào câu nào đó mình đã tự khoanh bằng bút đỏ, hỏi: “Cái này, sao lại chọn of mà không phải for hay to?”

Vừa hỏi xong anh mới sực nhớ, lúc trước bản thân đã tra đáp án câu này rồi, là cụm từ cố định, không có công thức, cứ nhớ cả cụm là được.

Sau đó Thư Niệm cũng nói: “Này là cụm cố định, cậu học thuộc là được.”

Tống Kỳ Thanh chỉ có thể tiếp tục giả vờ có cô giải thích mình mới biết, đáp: “Ừ biết rồi.”

Mắt anh liếc ngang liếc dọc một mặt bài kiểm ra, trỏ vào một câu khác, “Vậy cái này thì sao?” 

Này thì không biết đáp án thật.

Thư Niệm đọc đề rồi nghiêm túc dịch lại, giảng đề và giải thích cặn kẽ tại sao C mới là đáp án đúng.

Một lúc sau Tống Kỳ Thanh cũng “ngốn” hết đống kiến thức tiếng Anh mình không biết dẫn đến làm sai đề, anh cất bài kiểm tra của mình vào, nói với Thư Niệm: “Cậu không hiểu câu vật lý nào có thể hỏi tớ.”

Thư Niệm rút một cuốn sổ ra từ chồng sách bên bàn, chỉ vào một câu đề sơ đồ mạch điện cô không biết làm mà đã khoanh lại, giọng nghe hơi sầu não: “Câu này, tớ không hiểu gì hết.”

Tống Kỳ Thanh lấy cuốn sổ từ bên bàn cô qua, nhìn thấy cô viết các bước giải lẫn công thức cần lưu ý rất cẩn thận, thế là không kiềm được cố nắn nót vẽ lại sơ đồ mạch điện trông dễ nhìn nhất có thể rồi bắt đầu giảng bài.

Kể từ hôm ấy, Tống Kỳ Thanh cuối cùng cũng nói chuyện với Thư Niệm nhiều hơn chút. Dù hầu hết những chuyện họ nói đều là bài sai cần được giảng hoặc không biết câu trả lời gì gì đó và cần hỏi đối phương.

Song cũng đủ làm Tống Kỳ Thanh mãn nguyện lắm rồi.

Ít nhất, họ đã không còn xa lạ với nhau như trước nữa.



Đầu tháng mười một, hai ngày thi giữa kỳ kết thúc.

Trên đường về lại lớp từ phòng thi, Tống Kỳ Thanh đột nhiên nhớ đến chuyện lúc trước thầy chủ nhiệm nói sau kỳ thi giữa kỳ sẽ đổi chỗ ngồi lại cho mọi người.

Vừa nhớ lại đã rầu rĩ trong lòng ngay tức thì.

Anh muốn được ngồi cùng bàn với Thư Niệm suốt ba năm trung học biết chừng nào.

Nhưng đó là chuyện không thể nào xảy ra.

Lúc Tống Kỳ Thanh về lớp thì lớp vẫn khá ít người.

Anh kéo bàn mình lại chỗ cũ, đứng đực ra một lát rồi bước đến gần đó dọn bàn học của Thư Niệm về lại cùng một chỗ với bàn mình.

Chỉ lần này thôi.

Cũng chỉ có thể vô tư dọn bàn giúp cô được mỗi lần này.

Vì giờ họ vẫn là bạn cùng bàn nên anh làm thế cũng không khác thường gì.

Dọn xong bàn, Tống Kỳ Thanh lại ra hành lang dọn sách vở vào, lúc thu dọn hòm hòm thì vào nhà vệ sinh rửa tay.

Mà thật ra Tống Kỳ Thanh vẫn còn mấy quyển sách đặt ngoài hành lang lớp.

Anh cũng không vội vã làm gì mấy.

Mãi đến khi bóng dáng Thư Niệm xuất hiện ngoài lớp, anh mới lững thững bước tới lấy mấy quyển sách còn lại của mình.

Mắt thì vẫn chăm chăm “dán” rịt lên từng động tác của Thư Niệm.

Ban đầu, cô cố nhấc cả chồng sách lên nhưng không đủ sức, chắc một phần là vì sách để trên đất nên khom người nhấc lên khó hơn lúc đặt xuống nhiều.

Thế là, cô gái này bèn lẳng lặng đặt lại chồng sách xuống đất, định đi hai ba bận chuyển sách vào từ từ.

Tống Kỳ Thanh ôm dăm ba quyển sách đi đến sát phía sau cô, thấp tha thấp thỏm mở miệng hỏi: “Có cần tớ giúp không?”

Thư Niệm nghe thấy giọng anh thì quay đầu lại nhìn.

Tống Kỳ Thanh sợ cô từ chối nên tranh thủ cướp lời: “Thôi để tớ giúp cậu.”

Anh nói, đặt mấy quyển sách của mình vào tay cô, để cô đứng sang một bên.

Cứ vậy, Tống Kỳ Thanh dọn sách vào lớp cho Thư Niệm.

Sau khi vào lớp, anh đặt chồng sách lên bàn cô, Thư Niệm trả sách lại cho anh rồi nhỏ nhẹ lẩm bẩm: “Cảm ơn cậu nhiều.”

Tống Kỳ Thanh cúi đầu nhìn cô, chỉ cười chứ không nói thêm gì.

May mà trước khi không thể ngồi chung bàn nữa, anh đã được một việc cho cô.

Ba ngày sau, bảng điểm giữa kỳ “ra lò”.

Sơ đồ chỗ ngồi mới cũng đến tay mọi người.

Quả thật, Tống Kỳ Thanh và Thư Niệm không còn ngồi chung nữa.

Người ngồi cùng bàn với Thư Niệm lại là Tư Ngưng, còn anh ngồi bàn cuối sát cửa sau với Tề Hạ.

Tống Kỳ Thanh dời bàn xong xuôi thì nói với cậu bạn Tề Hạ ngồi cạnh: “Lớp trưởng, tớ muốn xem bảng điểm lớp.”

Tề Hạ cười nói: “Cậu mà cũng muốn xem bảng điểm lớp hả? Trừ tiếng Anh ra có môn nào không đứng nhất đâu mà tò mò làm gì?”

Miệng nói ra rả là thế nhưng lại vừa nói vừa chìa bảng điểm lớp cho Tống Kỳ Thanh xem.

Tống Kỳ Thanh vừa cầm được bảng điểm đã lập tức dò tìm tên Thư Niệm.

Cuối cùng bắt gặp tên cô ở dòng số 24.

Lần trước hạng 32, lần này là hạng 24.

Vậy nghĩa là lần tới có phải cô sẽ lọt top 20 không nhỉ?

Tống Kỳ Thanh nhoẻn miệng cười, tiếp tục xem điểm từng môn.

Tuy vật lý vẫn là hố đen nhưng điểm cũng đã tiến bộ dần rồi.

Kỳ này thi được 71 điểm, vừa cán qua mức tiêu chuẩn.

Mong lần sau cô sẽ tiếp tục tiến bộ.

Tiềm năng của cô chắc chắn không chỉ dừng ở mức trung bình.

Linh cảm của Tống Kỳ Thanh chuẩn cực.

Trong kỳ thi tháng thứ hai giữa tháng 12, Thư Niệm xếp thứ 20 trong lớp.

Anh nhận ra dù cô tiến bộ chậm nhưng vẫn luôn hướng về phía trước.

Tất thảy mọi sự nỗ lực của cô đều đã được thể hiện qua thành tích cô có.

Kể cả không một ai hay thì anh vẫn biết.

Anh biết cô rất nỗ lực, cũng rất tuyệt vời.

Từ giờ đến kỳ thi đại học còn hai năm rưỡi tròn.

Với cô thì chắc hai năm rưỡi cũng đủ rồi.

Tống Kỳ Thanh tin cô gái mình thích, nhất định cuối cùng sẽ cưỡi lên chiều gió ngược mà bay cao.

Hết 23.