Quốc Sắc Sinh Kiêu

Chương 528: Mai phục trong rừng đá




Khỉ La đang ở bên cạnh, Sở Hoan cũng không tranh cãi nữa, dẫn hai người tiếp tục đi về hướng Bắc.

Hắn hiện tại cũng không biết sứ đoàn đã ra khỏi sa mạc hay chưa, hắn hy vọng ra khỏi sa mạc có thể nhìn thấy bóng dáng con người. Sứ đoàn nước Tần đông đảo, nếu đi ra khỏi sa mạc, các vùng đất phụ cận thế nào cũng có người thấy, đến lúc đó, hỏi thăm tình hình cũng sẽ dễ dàng tìm gặp nhau hơn.

Tuy không chắc chắn sứ đoàn ra khỏi sa mạc trước mình hay không, nhưng Sở Hoan khẳng định nếu sứ đoàn ra khỏi sa mạc trước, cho dù không ở lại hết, nhất định sẽ lưu một vài người ở lại đợi hắn.

Nhắc tới cũng lạ, trong sa mạc nóng cháy không chịu nổi, nhưng sau khi vào sa mạc, bầu trời tuy rằng vẫn còn vầng thái dương nhưng nhiệt độ không khí thấp hơn không ít. Ở Tần quốc lúc này khoảng vào tháng sáu tháng bảy, thời tiết cực oi bức, nhưng sau khi tiến vào sa mạc thuộc lãnh thổ Tây Lương, khí hậu tựa như mùa thu vậy, cũng không quá nóng bức.

Khắp sa mạc đất đai nứt nẻ, mênh mông bát ngát, nhìn về xa xa, như thấy cả chân trời sâu hút, không gian tĩnh lặng không tiếng động, cứ như thể, cả đất trời chỉ còn có ba người bọn họ tồn tại.

Sở Hoan không biết sa mạc rộng bao nhiêu, phải đi bao lâu nữa mới ra khỏi, hỏi Khỉ La, Khỉ La cũng mờ mịt:

- Lúc ta tiến vào sa mạc, không phải từ nơi này, ta cũng không biết phải đi bao lâu nữa.

Khỉ La mặc dù là người Tây Lương nhưng hiển nhiên đối với địa hình sa mạc cũng không rành. Sở Hoan biết không thể trông cậy vào nàng, chỉ có thể tiếp tục đi về hướng bắc.

Từ xế chiều đi thẳng đến đêm, lại phát hiện trên sa mạc bằng phẳng xuất hiện một rừng đá (vùng đất đá nhiều như rừng). Có những tảng đá lớn giống như mê cung, lại có những cột đá đã khô nứt, hiển nhiên là đã có “tuổi”.

Ba người Sở Hoan ngồi nghỉ ngay bên ngoài rừng đá, không dám vào sâu, để tránh sau khi vào gặp phải khó khăn, đợi sáng mai sẽ vượt qua bãi đá này.

Dùng qua thức ăn thức uống, hiện giờ ba người đều đã có y phục đủ ấm lấy từ người quân Tây Lương, nên không cần ôm nhau ngủ nữa. Sở Hoan ăn uống qua loa, rồi đi đến một bên, tựa vào một cột đá, ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm. Hắn nghĩ bụng trong sa mạc tìm được đường sống từ cõi chết, ông trời xem ra cũng không quá mức vô tình.

Thoát khỏi hiểm cảnh, Sở Hoan bắt đầu nghĩ về chuyện đến Thanh La thành của Tây Lương quốc.

Chuyến đi này ngoài mục đích đón công chúa Tây Lương, Hoàng đế Bệ hạ còn có mật chỉ, chẳng những phải tìm hiểu rõ kết cấu quy mô của vương thành Thanh La mà còn phải tìm hiểu cả tình hình chính trị quốc nội Tây Lương. Số tài vật lần này mang đến, không chỉ hoàn toàn là dùng làm đồ sính lễ, trong đó còn có số lượng lớn dùng để kết giao với đại thần quý tộc Tây Lương. Kỳ thật là muốn thông qua quan hệ với bọn họ mà lấy thông tin tình báo, nếu như có thể mua chuộc một số quý tộc Tây Lương ham tài vật để sử dụng làm nội gián thì còn gì bằng.

Ngoài ra, Hoàng đế Bệ hạ cũng muốn biết hệ thống đường đi ngầm trong sa mạc rộng lớn, nhưng trước mắt chưa hề có được tin tức nào, hắn nghĩ bụng chỉ còn cách chờ đến khi vào thành Thanh La, lấy thông tin từ miệng quý tộc Tây Lương mà thôi.

Sở Hoan cũng biết mua chuộc quý tộc Tây Lương không quá khó. Bất kể người ở đâu cũng có kẻ tham tiền. Mà sứ đoàn nước Tần lần này đến Tây Lương mang theo nhiều tài vật, hy vọng có thể đổi lấy những tin tức thám báo hữu dụng.

Sở Hoan đối với Tây Lương quốc cũng có hứng thú, đơn giản là trong trí nhớ của hắn, cố nhiên không chỉ có Tần quốc, mà còn có một quốc gia khác, như Tây Lương tồn tại bên cạnh.

Đối với người Tần mà nói, Tây Lương quốc là một quốc gia mười phần thần bí. Sở Hoan chỉ biết Tây Lương kiến quốc cũng áng chừng trên trăm năm. Nghe nói trên lãnh thổ nước này trước đây có nhiều tiểu quốc. Tây Lương quốc chỉ là một trong số đó. Khi đó các nước Tây Vực và Trung Nguyên qua lại chặt chẽ, hai bên duy trì quan hệ bang giao thường xuyên. Nghe nói, Tây Lương quốc cũng từng hướng vương triều Trung Nguyên xưng thần, thậm chí từng có người Tây Lương sang Trung Nguyên học tập, đối với văn hóa Hán hết sức coi trọng.

Bên trong các nước Tây Vực, phong tục tập quán không giống nhau, ngay cả ngôn ngữ cũng đủ loại. Trong các nước Tây Vực, nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Nguyên sâu rộng nhất là Tây Lương tiểu quốc. Bọn họ có lần còn du nhập chế độ chính trị của vương triều Trung Nguyên, thậm chí còn có cả chữ viết Trung Nguyên. Khi đó người Tây Lương ngoài thổ ngữ của mình ra, phần lớn nói Hán ngữ, ngoài ra, các thương nhân Trung Nguyên đi qua sa mạc cũng đều thuê người Tây Lương làm phiên dịch.

Hơn trăm năm trước, Tây Lương quốc dần cường thịnh, bọn họ đã có quân đội hùng mạnh. Bởi vì mậu dịch Trung Nguyên đặt trung tâm ngay tại cảnh nội Tây Lương, cũng làm cho kinh tế Tây Lương nhanh chóng phát triển. Bọn họ dựa vào đó mà khuếch trương thanh thế, cũng chính từ lúc đó, bang giao giữa các nước Tây Vực và Trung Nguyên bị phong tỏa. Mà Tây Lương cũng dần thay đổi thái độ đối với Trung Nguyên, từ chỗ khiêm tốn học tập trở nên cứng rắn, mạnh mẽ. Sau khi xảy ra vài vụ tàn sát thương nhân Trung Nguyên, giao thương giữa Trung Nguyên và Tây Vực liền đóng cửa. Đại sa mạc Kim Cổ Lan từng một thời người ngựa qua lại náo nhiệt cũng bắt đầu lạnh lẽo, vắng vẻ.

Cũng chính vì ngăn cách bởi sa mạc Kim Cổ Lan, vương triều Trung Nguyên cũng không phát động binh đao với Tây Vực, chỉ phong tỏa trạm kiểm soát, đoạn tuyệt mậu dịch với Tây Vực.

Trung Nguyên và mậu dịch nước ngoài từng chia thành ba đường. Một đường là đông bắc Triều Tiên, một đường là bộ lạc man di thảo nguyên phương bắc, và cuối cùng là các nước Tây Vực. Ba nhánh mậu dịch này, trước khi Tây Lương quốc xưng bá ở Tây Vực, thì mậu dịch Tây Vực dĩ nhiên phát triển nhất. Cũng là trọng tâm buôn bán ngoại bang của Trung Nguyên. Nhưng sau khi Tây Lương bành trướng Tây Vực, tuyến mậu dịch này nhanh chóng giảm sút, ngược lại, mậu dịch với bộ lạc man di đại thảo nguyên phương bắc trở thành trọng tâm của đế quốc.

Cũng không biết là Tây Lương e dè vương triều Trung Nguyên sẽ nhúng tay vào Tây Vực hay bởi vì nguyên nhân khác, mà Tây Lương quốc khi tiến hành chiến tranh, đã chặt đứt liên hệ với Trung Nguyên. Rồi đến khi cấm hẳn người Trung Nguyên vào cảnh nội Tây Vực, từ đó đến mấy chục năm sau, hai bên gần như không có quan hệ qua lại gì nữa.

Vương triều Trung Nguyên chỉ biết là Tây Vực có một quốc gia tên Tây Lương đang phát triển, Tây Vực bị cuốn vào thời loạn, đối với chuyện xảy ra ở Tây Vực, vương triều Trung Nguyên đương nhiên không bận tâm mà cứ thế đóng cửa biên quan lại.

Đến một ngày, một đám kỵ binh Tây Lương cưỡi chiến mã giơ dao bầu đi vào biên quan, bất ngờ đột nhập quan nội, giết người đốt nhà cướp của, lúc này Trung Nguyên mới nhớ tới, loạn thế Tây Vực đã kết thúc. Bọn họ cũng rất nhanh hiểu ra rằng, đất nước nho nhỏ Tây Lương tại Tây Vực, trải qua nhiều năm tranh quyền đoạt đất, không ngờ, đã trở thành cường quốc lớn nhất Tây Vực, thâu tóm nhiều tiểu quốc.

Thù hận hai bên, kể từ đó bắt đầu hình thành. Tây Lương luôn có tiểu kỵ binh xuyên qua sa mạc Kim Cổ Lann thẳng tiến vào quan nội cướp bóc phá phách. Nhưng cũng không dám xâm nhập quá sâu. Mà vương triều Trung Nguyên kể từ khi đó cũng bắt đầu hao tổn nhân lực tài lực, củng cố quan ải Bàn Long lĩnh, thiết lập trạm gác, tăng quân lên quan ải, tạo thành tuyến phòng ngự ở phương bắc. Người Tây Lương muốn ngênh ngang vào quan nội đã trở thành chuyện hão huyền.

Hai nước cũng không biết tự khi nào, khôi phục mậu dịch dân gian (dạng tiểu ngạch, buôn bán lẻ, chui) đã bị đứt quãng. Nhưng triều đình hai nước vẫn không tiến hành bang giao, đối với tình hình đối phương có thể nói biết rất ít. Tuy nhiên có lẽ là mậu dịch hai bên đã mang lại lợi ích thật lớn nên triều đình mắt nhắm mắt mở, thậm chí còn âm thầm tiến hành bảo hộ, điều này tạo cho hai nước một mối quan hệ quỷ dị. Dân đến quan không đến.

Mậu dịch dân gian đứt quãng, mậu dịch thương lúc này mới biểu hiện thái độ hợp tác. Nhưng ở góc độ triều chính, vẫn không giao lưu. Mà trên phương diện quân sự còn tương đối tranh phong. Tây Lương gần như chưa từng từ bỏ việc công kích quân sự đối với Trung Nguyên. Tuy nhiên, trước khi Tiếu Thiên Vấn công phá Nhạn Môn quan, thì thật ra, Tây Lương chưa bao giờ hình thành nên uy hiếp quân sự đáng kể đối với Trung Nguyên.

Người Tây Lương diện tích quốc thổ và dân cư thống trị, so với Tần quốc tự nhiên là khác xa. Nhưng ở Tây Vực, Tây Lương tuyệt đối là một cường quốc. Hơn nữa, người Tây Lương, bất kể là nam hay nữ, cũng có thể cưỡi ngựa bắn cung, lúc nguy nan, ngay cả thiếu nữ hay trẻ em cũng có thể trở thành chiến binh. Bọn họ còn có giống ngựa dũng mãnh nhất thiên hạ. So sánh thực lực quân sự và rèn luyện chiến đấu, người Tây Lương không hề thua kém người Tần quốc.

Người Tây Lương tuy rằng có thổ ngữ, nhưng từ khi kiến quốc, Tây Lương quốc lại hạ lệnh, dân chúng bản địa bắt buộc phải học Hán ngữ, cho nên người Tây Lương và Trung Nguyên mặc dù phong thổ khác nhau, nhưng văn tự và ngôn ngữ thì na ná nhau, nên kết nối văn hóa cũng hết sức dễ dàng.

Ít nhất, khi người Trung Nguyên tiến vào Tây Lương, hoặc khi người Tây Lương sang Trung Nguyên căn bản không gặp phải trở ngại vì bất đồng ngôn ngữ.

Sở Hoan chìm trong suy tư, còn phải nghĩ cách xử lý Mị Nương như thế nào nữa. Trải qua hoạn nạn, nếu nói không có chút tình cảm với nàng thì là lừa mình dối người. Nhưng trận tuyến của hai người khác nhau, khiến Sở Hoan rất sầu muộn. Hắn hai mắt vốn vẫn đang nhìn mặt đất, đột nhiên hai hàng lông mày dựng lên, trong mắt hiện ra tia nhìn cảnh giác. Một bàn tay nắm chặt Huyết Ẩm đao.

Hắn lúc này đã nhìn thấy, trên mặt đất bên cạnh mình xuất hiện quầng sáng. Một chút ánh sáng nhỏ nhoi kỳ thật rất khó thấy, nhưng Sở Hoan vô cùng cảnh giác, vì hắn phát hiện ra, ánh sáng đó không phải là từ sao trời, mà là hàn quang bắn ra từ thân ảnh. Nếu phán đoán không nhầm, ngay sau cột đá hắn đang dựa vào, có người cầm đao chuẩn bị xông tới.

Sở Hoan bất động thanh sắc, nheo mắt lại. Trước đó hắn đúng là không hề phát hiện ra, trong rừng đá này vẫn còn có người ẩn thân. Hơn nữa, lúc này hắn đoán, sau cột đá, cũng không chỉ có một người, nhìn ánh sáng chớp động trên mặt đất, cũng có thể thấy có ít nhất hai ba người.

Đúng vào lúc này, đã nghe Mị Nương khẽ gọi:

- Hoan ca, nơi này có mai phục.

Đồng thời, từ sau cột đá kình phong đánh úp tới. Sở Hoan sớm đã chuẩn bị, một chân quét qua, phịch một tiếng, quét ngang đùi người nọ. Người đó ôi một tiếng, té trên mặt đất, một cây đao khác đã từ sau lưng Sở Hoan bổ tới.