Quo Vadis

Chương 44




Quầng lửa của thành phố đang rực cháy lan khắp bầu trời rộng đến hết tầm mắt nhìn. Từ sau những ngọn đồi, vầng trăng rằm tròn ửng to tướng nhô lên, dường như bị ánh lửa hun nóng, nhuốm màu đồng nung và hình như ngơ ngác nhìn cái thành đô bá chủ thế giới đang bị thiêu huỷ. Trên khoảng mênh mông nhuốm hồng của bầu trời, long lanh những vì sao cũng màu hồng, song ngược với những đêm thông thường, đêm nay đất sáng hơn trời. Mang hình một đống lửa khổng lồ rực cháy, Roma soi sáng cả vùng Kampania. Trong ánh lửa đỏ bầm nhìn rõ cả những ngọn đồi xa hơn nữa của thành phố, những toà biệt thự, những thần miếu, những pho tượng và những đường máng dẫn nước từ những ngọn núi lân cận hướng về thành phố; trên những đường máng nước ấy nghìn nghịt những người là người. Họ đang tìm chỗ náu thân ở đó hoặc đến đó để nhìn đám cháy.

Trong khi đó, hung thần lửa kinh khủng mỗi lúc lại chiếm lĩnh thêm những khu phố mới. Không còn nghi ngờ gì nữa, có những bàn tay tội ác nào đó đã đốt cháy thành phố, và mỗi lúc lại có thêm những đám cháy mới bùng lên ở những địa điểm cách trung tâm đám cháy chính rất xa. Từ những ngọn đồi, trên đó thành Roma được dựng lên, ngọn lửa như những làn sóng biển tràn xuống các vùng thung lũng, nơi dày sít những ngôi nhà năm sáu tầng, đầy nghẹt những nhà gỗ, những lều quán, những khán đài lưu động bằng gỗ được dựng lên cho thích ứng với những trò chơi đủ loại, và rốt cuộc là những kho chứa gỗ, dầu ô liu, ngũ cốc, hồ đào, quả thông mà hạt được dùng để nuôi sống đám dân nghèo, cùng những kho quần áo mà thảng hoặc khi các vị Hoàng đế muốn ban ơn, người ta lại đem phân phát cho đám tiện dân sinh sống trong các ngõ hẻm chật chội. Chính ở đó, ngọn lửa tìm được đủ chất cháy để biến thành hàng tràng tiếng nổ gần như liên tiếp, và với một tốc độ chưa từng thấy, nó ngốn trọn từng đường phố một. Những người đang hạ trại ở ngoại thành hoặc đang đứng trên các máng dẫn nước dựa theo màu lửa mà đoán được đang cháy thứ gì. Chốc chốc, hơi gió điên cuồng lại mang từ biển lửa, rừng rực tung lên cao hàng nghìn hàng triệu những quả hồ đào hạnh nhân đang cháy đỏ, chúng vọt lên trời như một đàn bướm rực rỡ đông không tính xuể, và vỡ toác ra với những tiếng kêu giòn giã trong không khí, hay cuốn theo chiều gió để rồi rơi xuống những khu phố mới, những đường máng nước hay những cánh đồng vây quanh thành phố. Mọi ý định cứu hoả đều có vẻ vô vọng, trong khi đó sự xao động mỗi lúc một tăng thêm, vì một bên đám thị dân đang chạy trốn cố vượt tất cả các cổng thành để ra ngoài, còn một bên thì đám cháy lại thu hút hàng nghìn người từ những vùng lân cận, những cư dân của những thị trấn nhỏ, những nông dân cùng các mục dân nửa phần hoang dã của vùng đồng bằng Kampania, bọn này thậm chí còn hi vọng cướp của nữa.

Tiếng kêu la: “Roma đang tận số!” không rời khỏi miệng đám đông, mà sự tận số của thành đô, vào thời ấy, cũng đồng thời là sự tận số của quyền thống trị, sự tháo cởi của tất thẩy những giềng mối cho đến nay vẫn ràng buộc dân chúng thành một khối. Đám tiện dân, mà đa số là nô lệ và người tứ xứ kéo đến, không có lợi lộc gì trong sự thống trị của đế quốc La Mã, sự sụp đổ của nó đối với họ lại là sự giải thoát khỏi xiềng xích, nên đây đó họ trở thành mối đe doạ. Bạo lực và cướp bóc bắt đầu lan tràn. Dường như duy nhất chỉ còn cảnh thành phố bị thiêu huỷ là có thể thu hút sự chú ý của mọi người và có thể kìm hãm chưa thể nổ ra cuộc tàn sát, sẽ nổ ra ngay lập tức sau khi thành phố chỉ còn là đống tro tàn. Hàng trăm nghìn nô lệ chợt quên đi rằng ngoài các thần miếu và những bức tường thành La Mã còn hàng chục chiến đoàn đóng tại mọi vùng thế giới - dường như họ chỉ chờ có khẩu lệnh và thủ lĩnh là ra tay. Người ta nhắc đến tuổi Xpactakux. Xpactakux còn đâu nữa, các vị công dân bắt đầu tập họp và tự vũ trang bằng tất cả những gì họ kiếm được. Những tin tức kinh khủng nhất loan truyền khắp các cổng thành. Một số người khăng khăng bảo rằng chính thần Vunkan theo lệnh của thần vương Jupiter đang triệt phá thành phố bằng ngọn lửa lấy dưới âm ty; kẻ khác lại nói rằng đó là nữ thần Vexta trả thù về chuyện ni cô đồng trinh Rubria. Những người tin vào chuyện đó không muốn cứu chữa gì hết, họ chỉ vây quanh các thần miếu cầu xin các vị thần linh thương xót. Song loan truyền rộng rãi hơn cả là dư luận cho rằng chính Hoàng đế đã ra lệnh đốt cháy Roma để thoát khỏi mùi xú uế bay lên từ khu Xubura và để có thể dựng nên một thành đô mới mang tên Norônia. Ý nghĩ này khiến dân chúng sôi lên sùng sục. Vinixius nghĩ rằng, nếu như có lãnh tụ nào lợi dụng sự bùng nổ lòng căm thù này, thì giờ tận số của Nerô sẽ điểm sớm hơn nhiều năm.

Người ta cũng đồn rằng Hoàng đế đã phát điên, ra lệnh cho lính cấm vệ và bọn đấu sĩ đánh vào quần chúng, tàn sát tất cả. Một số người viện cả thần thánh ra thề rằng theo lệnh của gã Râu Đỏ, thú dữ đã được thả sổng ra khỏi tất cả các chuồng thú. Người ta đã nhìn thấy trên phố những con sư tử với cái bờm rực cháy và những con voi điên, những con bò tót dày xéo lên dân chúng. Trong những điều đó cũng có một phần sự thật, vì tại một số nơi, trước cảnh đám cháy đang lan lại gần, lũ voi phá tan chuồng thú thoát ra ngoài và kinh hoàng chạy thục mạng về hướng ngược với ngọn lửa, như một cơn bão tàn phá tất cả mọi thứ dọc đường. Những tin tức công khai nói rằng hàng chục người chết cháy trong lửa. Quả thực người chết rất nhiều. Có những người mất toàn bộ gia sản hoặc mất hết những sinh linh thân yêu nhất, tuyệt vọng tự lao mình vào ngọn lửa. Những kẻ khác bị khói làm chết sặc. Ở trung tâm thành phố, một bên là đồi Kapiton, một bên là các ngọn đồi Quirynan, Viminan và Exquilin, cũng như vùng nằm giữa Palatyn và đồi Caelius, nơi có những đường phố sầm uất nhất, đám cháy bùng ra cùng một lúc tại nhiều địa điểm, đến nỗi hàng đám người chạy trốn lửa về một phía nào đấy bất ngờ gặp phải một bức tường lửa lan từ phía ngược lại, đành chịu chết kinh hoàng trong biển lửa.

Trong nỗi kinh hoàng, hoang mang và lộn xộn, rốt cuộc người ta không còn biết phải chạy đi đâu. Đường nghẽn đầy đồ đạc, tại những chỗ vốn hẹp, đường hoàn toàn tắc nghẽn. Những người trốn lửa tại bãi chợ và những quảng trường, nơi về sau này sẽ xây dựng nhà hát Flavian, gần miếu thờ thần Đất, gần hàng hiên Livia và phía trên cao hơn nữa, chung quanh thần miếu Innon và Luxyna, cũng như giữa Clivux Vibriux và cổng thành Exquilin cũ, bị hàng rào biển lửa vây kín chung quanh đều bị chết hết vì nóng. Về sau, ngay tại những chỗ mà ngọn lửa không lan đến, người ta tìm thấy xác hàng trăm người bị hoá thành than, mặc dù đây đó những kẻ bất hạnh ấy đã nhổ bật các phiến đá hoặc tự chôn đến nửa người xuống đất để tránh cái nóng. Gần như không một gia đình nào ở trung tâm thành phố được cứu thoát hoàn toàn, vì vậy dọc theo các tường thành và bên tất cả mọi cổng thành, trên mọi nẻo đường đi, đều vang lên tiếng gào thét tuyệt vọng của đàn bà gọi tên những người thân yêu bị chết mất xác trong đám đông hay ngọn lửa.

Và cứ thế, trong khi một số người cầu xin lòng thương hại của các vị thần thì những kẻ khác lại nhục mạ các thần trước thảm hoạ khủng khiếp này. Người ta thấy những cụ già quay về phía thần miếu Jupiter Xtator vung tay thét lên: “Người là đấng độ thế, hãy cứu vớt lấy bàn thờ của Người và thành đô đi!” Tuy nhiên, nỗi tuyệt vọng chủ yếu quay ngược trở lại chống các vị thần La Mã cổ xưa, những vị mà theo người ta quan niệm phải có trách nhiệm chăm lo chu đáo hơn đến thành phố so với các thần khác. Họ đã tỏ ra bất lực nên phải bị người ta nguyền rủa. Ngược lại, khi trên đường phố Via Arinavia xuất hiện một đoàn các tăng lữ Ai Cập rước pho tượng nữ thần Izyđa mà người ta cứu được trong cái thần miếu nằm cạnh Porta Caelimontan, thì dân chúng liền nhập vào đám rước, bám vào xe và đẩy nó đến tận cổng thành Appia, rồi nhấc tượng ra, rước vào đặt trong thần miếu thờ thần Marx, đồng thời nện cho các vị tăng lữ thờ thần Marx một trận khi họ định cưỡng lại. Tại những nơi khác người ta gọi tên các thần Xerapix, Baan hoặc Jehova. Đám tín đồ của các vị thần này sống đầy rẫy trong các ngõ hẻm thuộc địa hạt khu Xubura và Zatybre, khiến cho những cánh đồng nằm cạnh tường thành vang rền tiếng gào, tiếng kêu. Song trong những tiếng kêu ấy hình như vang lên thanh âm thắng lợi, nên khi có một đám người góp giọng vào dàn đồng ca ngợi ca vinh quang của đấng “Chúa tể thế gian” thì những người khác bực mình vì sự ồn ào vui vẻ kia liền dùng sức mạnh dập tắt nó đi. Đây đó vang lên những bài ca kỳ lạ và trang trọng do những người đàn ông tráng niên, đàn bà, trẻ con và những cụ già hát, người ta không hiểu được ý nghĩa của những bài ca đó cứ chốc chốc lại lặp lại những lời “Đang đến kìa vị quan toà trong cái ngày giận dữ và thảm thương”. Làn sóng người sôi động và không ngủ, như mặt biển nối sóng cồn, cứ thế quay cuồng mãi quanh cái thành phố đang cháy.

Song không gì cứu vãn nổi, cả những lời thoá mạ, nỗi tuyệt vọng lẫn những bài ca. Thảm hoạ này dường như Định Mệnh, không sao cưỡng nổi, không thể van xin, một thảm hoạ hoàn toàn. Gần nhà hát Pompeius bốc cháy những kho chứa gai và dây chão mà người ta cần dùng rất nhiều cho các hý trường, các đấu trường và tất thẩy mọi loại máy móc được sử dụng trong các trò vui thế vận, bốc cháy cả những toà nhà lân cận, nơi chứa các thùng nhựa dùng để bôi trơn các dây chão kia. Suốt mấy giờ liền, toàn bộ phần thành phố nằm cạnh cánh đồng thần Marx được một ngọn lửa vàng tươi rực rỡ chiếu sáng, đến nỗi suốt một hồi lâu, những người xem nửa mê nửa tỉnh vì kinh hoàng ngỡ rằng trong cơn hoạn nạn chung này, ngay cả trật tự ngày đêm cũng bị đảo lộn, họ ngỡ như đang nhìn thấy ánh mặt trời. Song sau đó, một ánh sáng đỏ bầm màu máu đã át tất cả những màu lửa khác. Dường như có những vòi lửa và những cột lửa khổng lồ vọt lên bầu trời đã bị nung nóng bỏng, xoè rộng trên cao thành những chùm lông và hoa lửa, gió xé chúng ra biến thành những sợi chỉ vàng và những sợi tóc lửa, rồi mang mãi đi xa bên trên vùng đồng bằng Kampania, đến tận dẫy núi Anban. Đêm mỗi lúc một sáng thêm, ngay cả không khí không những chỉ chứa đầy ánh lửa mà thậm chí đầy những ngọn lửa. Sông Tyber chảy trôi đi như một dòng lửa sống động. Thành phố bất hạnh biến thành một địa ngục. Đám cháy mỗi lúc một chiếm lĩnh những khoảng không gian rộng lớn hơn, tấn công những ngọn đồi, tràn ngập vùng đồng bằng, nhận chìm các thung lũng, điên cuồng, gào thét và thiêu huỷ