Que Kem Nhà Tôi

Chương 3: Cuộc chiến cùng bàn bắt đầu




Ngồi cùng tôi là que kem và hai thằng con trai khác nữa. Nói chung là cái bàn gồm tôi ngồi đầu, kế đó là que kem, kế đó là Thuận và Quang, hai thằng máu mặt của lớp về trình độ cúp cua, trốn học vô quán net kế bên trường và thường xuyên gây mất trật tự trong lớp. Tại sao cô lại xếp tôi ngồi chung với tụi nó ư? Đơn giản vì cô chủ nhiệm lớp tôi “hiền” quá, nên khi xếp lớp cả đám học sinh bốn mươi đứa ùa vô lớp như cái chợ, muốn ngồi đâu thì ngồi, trừ lớp trưởng là Duy phải ngồi giữa lớp, bàn thứ tư, còn tôi lớp phó nên phải ngồi bàn chót, nhằm mục đích quản lý lớp. Mà bàn chót thì, tất nhiên là căn cứ địa lý tưởng của cái tụi đầu gấu trong lớp.

Mặc cho lớp có lớp trưởng là Duy, lớp phó học tập là tôi, lớp phó văn thể mĩ cộng với một lớp phó trật tự nữa, cái lớp vẫn vô cùng lộn xộn. Chuyển tiết thì như cái chợ, vô học thì mạnh ai nấy nói. Cho nên sổ đầu bài lúc nào cũng không có điểm mười. Cho nên, tôi và Duy thường xuyên bị cô giáo gọi lên bàn giáo viên mấy dịp sinh hoạt lớp, chỉ bảo đủ điều. Cho nên, bắt đầu từ tuần thứ năm trở đi, cái tụi lớp trưởng lớp phó tụi tui bắt đầu chiến dịch càn quét tội phạm, những thủ phạm gây mất trật tự trong lớp.

“Ba người im lặng dùm cái coi, đang học mà” – Tôi bực bội. Thầy đang say sưa giảng số học, cái môn mà lên lớp sáu tự dưng thấy khó như điên, vậy mà ba cái thằng Thành, Thuận, Quang này ngồi tám như cái chợ, khiến tôi không chịu nổi nữa.

Chẳng thấy có xi nhê gì, tôi bực bội, bắn tia nham hiểm về ba đứa tụi nó, mà người lãnh nhiều nhất, là anh xã tương lai ngồi kế bên tôi chứ ai.

Thành bực bội, chẳng chịu thua, nhướng mi trợn mắt nhìn tôi cảnh cáo, sau đó tiếp tục quay sang kế bên tám rôm rả.

Tiết học kết thúc. Điểm tám rồi. Ôi thôi. Tôi vừa chạy lên nhìn sổ đầu bài, vừa ngước xuống nhìn Duy cầu cứu, tranh thủ vẻ mặt tội nghiệp nhất, đáng thương nhất. Được rồi, tôi thừa nhận, tôi có ý định quyến rũ Duy một tí. Nhưng anh chàng nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên, kế đó là khó tin, kế đó là cười mỉm, vẻ mặt như nín nhịn cười dữ lắm. Duy gật đầu một cái, hét lên: “Im lặng !!!!!!!”. Cả lớp im phăng phắc, tôi hí hửng bước về chỗ ngồi, thấy Thành và hai thằng kia tủm tỉm cười tôi, sau đó chuyển sang ha ha. Tôi tức quá, lại dám cười tôi nữa.

Im lặng được năm giây, tình trạng như cũ tiếp tục. Duy, tôi, con Chi lớp phó trật tự lôi giấy bút ra, ghi tên từng đứa nói chuyện. Tôi cười thầm trong bụng: “Ha ha ghi ba thằng này luôn. Tụi bây chết chắc rồi”. Cả lớp thấy tụi tôi ghi chép, liền sợ, cuối cùng cũng im. Đột nhiên, tờ giấy trong tay tôi bị người kế bên giật lấy, xé thành từng mảnh nhỏ.

“Thành, bạn làm cái gì vậy?” – Tôi tức muốn xì khói. Cái thằng này, dám chống tôi hết lần này đến lần khác. Giờ lại xé giấy ghi tên của tôi, nhìn tôi vênh mặt, sau đó quay đi. Tôi tức tối, lấy tay véo Thành một cái thật là đau: “A… a…a aaa!!!”. Ha ha, nhìn Thành la lên, tôi hả dạ chút ít. Thế nhưng tôi quên mất một chuyện. Hiện đang có ba mươi mấy con mắt nhìn chầm chầm vào tôi. Trời ơi, hình tượng thục nữ của tôi bị hủy rồi. Cái thằng Thành này, được lắm.

Quyết tâm đấu với nó thì phải điều tra nghiên cứu nó. Dân gian ta có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tôi mà không áp dụng thì thực có lỗi với dân tộc Việt Nam hào hùng từng đánh đâu thắng đó.

Trưa. Gần mười hai giờ rồi. Theo kế hoạch đã định sẵn, tôi với con Thắm đạp xe theo dõi Thành. Thật là mệt chết đi được. Con gái mà, đạp sao bằng con trai. Chạy đuổi theo Thành muốn hụt hơi mới thấy Thành rẽ vô chợ. A, hóa ra nhà Thành ở trong chợ ta, cái chợ duy nhất của xã. Lát sau, núp ở góc cái sạp gạo, tôi và Thắm thấy Thành xuống xe, dẫn xe vô cái nhà lá lợp tôn cũ kỹ, tạm bợ. Là sạp bán rau nha.

Ngồi uống quán nước mía đối diện nhà Thành, tất nhiên là cái quán nước hơi xéo và khuất, để Thành không nhìn thấy tụi tôi. Nhưng mà tôi cảm thấy mình lo lắng thừa thải rồi. Thành vô nhà xong, phụ mẹ ôm rau dọn ra, dọn vô, chứ có ngồi bán đâu mà nhìn thấy tụi tôi.

Tôi không theo dõi nữa, cùng Thắm đạp xe về nhà. Dọc đường đi, Thắm hết miệng nói “Trời ơi nhà nó nghèo quá”, “Trời ơi tội nó quá” hay “Bà ơi bà có lộn không? Thấy nó hiền quá chừng, giúp mẹ như vậy mà. Nó sao lại ác với bà, liếc bà được?”. Thấy con Thắm nói vậy, tôi càng tức hơn: “Bà không biết nó đối xử tui như thế nào đâu. Nó cười tui, liếc tui, chống đối tui. Nó nhìn tui như nhìn thấu hết tâm tư tui vậy. Nó nghèo vậy đó, vậy mà còn chảnh. Giàu mà chảnh thì không nói gì. Cái này nó nghèo mà chảnh nữa, thiệt không chịu nổi. Được rồi, bà bênh vực nó chứ gì. Bà không thèm bênh bạn bà mà bênh cho nó. Hu hu”. Thắm nghe tôi ai oán ca thán như vậy, nó chẳng biết nói gì thêm. Nhưng mà tôi biết, chắc trong lòng nó đang nói tui bị hoang tưởng rồi. Thật là, bạn thân mà nó chẳng ủng hộ mình tí nào, thật tiếc cho mình hễ có cái gì cũng kể nó nghe.

Tới theo dõi Thành như vậy, tôi không biết phải dùng cách gì rêu rao Thành. Bởi chẳng lẽ rêu rao rằng nhà Thành nghèo, phải phụ mẹ dọn rau, vậy càng khiến danh tiếng tôi xấu thêm. Không lẽ cho người tới hàng rau nhà Thành phá Thành? Không được, vậy thì xã hội đen quá, tội mẹ Thành, dì đó thấy tội nghiệp quá. Thôi thì chẳng có cái gì để phá Thành, chỉ có thể phá Thành lúc Thành tới trường thôi.

Kế sách mặt lạnh, véo Thành, chống đối ba thằng cùng bàn với tôi đúng là chẳng hiệu quả gì, mà ngược lại càng làm cho bạn bè nhìn tôi bằng cặp mắt khác. Từ hồi véo Thành hôm đó, dù chỉ có một cái thôi, tôi còn tức chưa có được ăn hiếp nó miếng nào hay hơn, vậy mà tụi bạn trong lớp thấy tôi thì chẳng còn e ngại gì nữa, bởi tôi giờ đã mất đi trang nghiêm của một cán bộ lớp gương mẫu rồi. Thiệt là đau lòng mà.

Thiết nghĩ tôi vẫn nên xài cái cách là bám lấy Thành, tươi cười với nó, khiến nó bực chết chơi. Cách này chắc là hiệu quả, mà mình lại được tiếng ngoan hiền. Nhưng mà suy nghĩ kỹ lại thì, thật là khó áp dụng, bởi hai tuần rồi tuy tôi muốn làm như vậy, nhưng nhìn mặt Thành khó ưa như vậy, chống đối tôi như vậy, tôi thật không thể tươi cười với nó nổi, không thể a.

Hôm nay, tôi vô lớp sớm hơn bình thường mười phút, vậy mà Thành vẫn vô sớm trước tôi. Thấy tôi ngồi vào bàn, Thành liếc tôi một cái, sau đó giả vờ không thấy, úp mặt xuống bàn.

Hà, còn giả vờ ngủ nữa ư? Tôi lay Thành dậy. Thành không dậy. Tôi bực tức véo Thành một cái.

“A a.a…a, bạn làm cái gì vậy hả?” – Thành buộc phải tỉnh ngủ, trừng mắt nhìn tôi căm phẫn.

Tôi ho khụ một tiếng, thật nhẹ nhàng nhẹ nhàng, nở một nụ cười tươi như hoa: “Thành, bây giờ còn hai mươi lăm phút nữa với vô học, nhưng mà hôm nay bài thật là nhiều, tui với bạn dò bài nha” – Nói xong, tôi khẩn thiết nhìn Thành bằng cặp mắt hồn nhiên mong chờ tha thiết.

Thành sững người. Ha ha có tác dụng rồi. Thành đơ người nhìn tôi, nhìn không chớp mắt. Sao vậy ta? Có phải đã bị tôi hớp hồn rồi không? Cũng phải thôi, tôi cũng khá là xinh mà. Giọng nói lại nũng nịu dễ thương như vậy, có ai mà không thích cơ chứ? Hồi còn nhỏ, tôi vẫn hay xài chiêu này với cha. Thế là, vì không chịu nổi tôi nũng nịu suốt buổi, cha đành lén mẹ mua cho tôi một đống kẹo dẻo mà tôi thích, dù sau đó cha bị mẹ nổi trận lôi đình, cắt tiền tiêu xuống phân nửa luôn. Nhưng cũng tội mẹ, mẹ không biết cha có quỹ đen. Ha, mà cái quỹ này là bí mật hai cha con tôi mà. Bởi mấy lúc tôi vòi cha mua cái này mua cái kia, cha vẫn có tiền lén mua cho tôi, còn dặn tôi nói dối mẹ rằng cái này là cô giáo thưởng hay bạn tặng.

Nhìn Thành đơ người, lòng tôi thoáng chút tự hào, nhưng ráng kìm nén xuống, mình không thể vênh ra mặt được.

Tôi cười cười, quơ quơ tay trước mặt Thành. Thành giật mình, như hoàn hồn trở về, sửa lại thái độ, lạnh lùng tiếp tục tạt nước tôi: “Không cần, tui không cần bạn dò bài dùm. Tui học ở nhà rồi.”. Nói xong Thành cố lờ tôi đi, úp mặt xuống bàn, tiếp tục ngủ.

“Không thì bạn dò bài tui nha. Bạn dò bài dùm tui đi mà, đi mà”. Tôi tiếp tục sự nghiệp, ra sức lắc lắc tay Thành, khiến Thành không thể ngủ tiếp, không thể nào không ngồi dậy. Thành ngáp một cái, bộ mặt miễn cưỡng nhìn tôi: “Được rồi”.

Tôi lấy sách Ngữ văn lớp sáu tập một đưa cho Thành. Anh chẳng thèm nhìn, chỉ cầm qua loa, tiếp tục nằm dựa về tường, ngả về sau, cuốn sách anh cầm được anh úp lên trên mặt. Hóa ra tụi con trai khoái ngồi bàn chót chính là vì được cái ưu thế tựa lưng. Đúng là đồ làm biếng.

Thế là, tôi trả bài trước mặt Thành. Tôi hí hửng đọc vanh vách cái phần ghi nhớ trong sách. Đọc xong, tôi tưởng Thành ngủ rồi, định lay Thành dậy tiếp, bắt Thành phải dò từng môn từng môn cho tôi, kiếm cớ cản trở Thành ngủ. Được rồi, tôi biết cách này khá ngây thơ, nhưng mà một cô bé lớp sáu như tôi lúc đó, còn chưa biết tính kế sâu xa gì nhiều. Tôi nghĩ được vài cách khiến anh bực bội chơi là đã khá lắm rồi đó nha.

Đang lúc tôi định lay người Thành dậy, thì Thành đã lên tiếng: “Chưa thuộc, đọc lại đi”.

“A, hóa ra tên này không có ngủ” – Tôi nghĩ thầm, đột nhiên giật mình lên tiếng: “Hả? cái gì? Đọc lại sao? Tui đọc xong rồi mà. Tui thuộc rồi mà.”

“Vẫn còn chưa thuộc”

“Rõ ràng là tui thuộc rồi” – Tôi ra sức thanh minh.

“Bạn nhìn kỹ lại đi”

Tôi nhìn lại cuốn sách phần ghi nhớ qua một lượt, nói: “Rõ ràng là nó mà. Tui thuộc rồi”

Thành chẳng thèm nhìn lại ghi nhớ, nói: “Thiếu một chữ “có”, ở dòng thứ ba từ trên xuống”

Cái gì? Tôi thật không tin vào mắt mình nữa. Một chữ nhỏ xíu như vậy nằm trong đoạn văn mười dòng mà Thành cũng nhìn ra. Kinh khủng thật. Nó vừa nghe mình đọc vừa nhắm mắt mà, à không, vừa ụp cuốn sách vào mặt mà, vậy mà lại nhớ rõ từng chữ một, bắt bẻ mình như vậy.

Tôi ấm ức: “Chỉ có một chữ thôi. Coi như là tui thuộc rồi đi. Đâu có ai đi bắt bẻ một chữ nhỏ xíu vậy chứ”

Thành ra vẻ mặt lạnh, y như mấy luật sư biện hộ trong phim Hồng Kông vậy: “Bạn hiểu ý nghĩa của học thuộc lòng là gì không hả Thảo? Ý nghĩa của học thuộc lòng là phải thuộc từng chữ một. Một câu mà thiếu đi một chữ thì ý nghĩa sẽ mất hết đi. Bạn không biết chuyện đó sao?”

Tôi tức tối: “Chỉ có một chữ thôi. Trong dòng này, mất nó cũng đâu có thay đổi ý nghĩa gì. Bạn lại đi bắt bẻ tui như vậy. Bạn rốt cục muốn gì?”

Thành trừng mắt: “Là tui hỏi bạn muốn gì mới đúng. Đang yên đang lành, tại sao tự dưng đòi dò bài tui. Năm tuần qua dù là đôi bạn học tập ngồi kế nhau, bạn có bao giờ dò bài tui đâu. Rõ ràng là bạn khinh thường tui học dở, không thèm dò bài với tui. Bạn lại hay liếc mắt đưa tình với Duy, ghét cay ghét đắng ba đứa bàn này. Bây giờ thì lại còn giả vờ dò bài cái gì nữa. Rõ ràng người muốn gây sự trước là bạn, không phải tui!”.

Tui đơ người, cứng họng, nhìn Thành trân trối. Thật không ngờ, cái tên này lại hiểu tôi, nhìn thấu tôi đến thế ư? Tôi giận sôi người, tức điên lên, quát: “Tui không có liếc mắt đưa tình. Tui không có giả vờ. Tui không có, tui không có!!!!!”

Không hiểu sao lúc đó, tôi ú ớ không biết trả lời, không biết quát lại Thành. Trời ơi, sao tôi khi đó lại dễ dàng bị đánh bại như thế, chắc có lẽ vì từ trước tới giờ chưa có ai quát mắng tôi lớn tiếng như vậy. Tôi bị Thành quát mắng như thế, tự dưng cảm giác uất ức, nước mắt tuôn ra. Tôi quay người chạy ra ngoài, chạy sang lớp sáu sáu. Nhìn thấy Thắm, tôi òa khóc nức nở, khiến Thắm rất ngạc nhiên, cố gắng dỗ tôi, đưa vai cho tôi dựa vào.

Sau này khi hỏi lại anh xã tình huống ngày đó: “Que kem, có phải hôm đó anh chơi em không?”. Anh xã từ tốn trả lời: “Biết rồi còn hỏi, em lãng phí nước miếng quá”. Tôi bực bội: “Nước miếng không để nói chuyện thì để làm gì chứ?”. Anh vô sỉ trả lời: “Để em nuốt khi ngắm anh chứ sao? Để em hôn anh”. Tôi đột ngột ho sặc sụa, vừa đỏ mặt vừa thụt anh mấy cái, trong khi anh mặt dày giả bộ đau đớn lắm lắm, giả bộ nói: “Bà xã, em tha anh đi”.