Đối với các vị quan lão gia quen với tác phong tản mác, thì thực sự là khó chịu. Dậy quá sớm, trời lại rét run cầm cập.
"Hắt xì" đêm qua lại có mưa, mặc dù mặc áo ấm, nhưng bị gió thu thổi qua, Thẩm Mặc vẫn bị hắt hơi.
Thực ra y có thể không tới tảo triều, nhưng hiện giờ có mục tiêu rõ ràng, đương nhiên phải tỏ ra chăm chỉ một chút. Vì thế cố ý dậy thật sớm, ngồi kiệu tới Đông Trường An, ở đây không cho ngồi kiệu cho nên y xuống đi bộ ...
Luật này đã gần như bị phế bỏ dưới triều Gia Tĩnh rồi, nhưng giờ là triều mới, Thẩm Mặc chẳng dại mạo hiểm có cớ cho đám ngự sử đàn hặc.
Nói ra thật khéo, mới đi đượng một đoạn đã gặp Trương Cư Chính.
Trương Cư Chính vẻ mặt nặng nề như đang suy nghĩ việc gì, gọi mấy tiếng mới quay lại mỉm cười:
- Lâu lắm không gặp Chuyết Ngôn huynh rồi.
- Đúng là lâu lắm rồi không gặp.
Trương Cư Chính chưa đủ tư cách nhập cung thủ hiếu, nên hai người giờ mới gặp nhau.
Trương Cư Chính nhìn Thẩm Mặc, thấy y để râu, vỗ tay nói:
- Ta bảo sao huynh thay đổi lớn, té ra là do chòm râu, phong tư này đúng là làm người ta khuynh đảo.
Người xưa chú trọng ba mươi nuôi râu, Thẩm Mặc năm nay vừa tròn ba mươi, để râu năm chỏm, phối hợp với phong cách văn nhã, phiêu dật mang cho người ta cảm giác là kẻ có thể thành đại sự.
Thẩm Mặc cười lớn:
- Nói thế chẳng hóa Thái Nhạc huynh khuynh quốc khuynh thành rồi sao?
Trương Cư Chính có chòm râu dài rất đẹp, nhìn đạo mạo hiên ngang, khiến người ta tự ti không thôi.
- Đừng khen nhau mãi nữa, đi nhanh nào, nơi này không phải chỗ nói chuyện.
Hai người tới Ngọ môn, chưa tới giờ nên cửa cung chưa mở, bên cạnh tuy có trị phòng để đợi vào triều, nhưng Trương Cư Chính không có ý vào, Thẩm Mặc đành đứng ngoài.
Rất lâu sau Trương Cư Chính mới nói nhỏ:
- Cuối cùng cũng tới tảo triều, ngày này đợi quá lâu rồi.
Thẩm Mặc chỉ gật đầu không bình luận gì, vì y không thích, thậm chí ghét tảo triều.
Vì trên lịch sử có mỗi Đại Minh là ngày nào cũng lên triều, hơn nữa chuyện to nhỏ gì cũng tấu. Phải biết triều trước một tháng mới lên triều vài ngày, phải là quốc gia đại sự mới nghị luận. Còn Đại Minh thay đổi lớn chẳng qua Chu Nguyên Chương thích nắm trọn đại quyền nên mới thế.
Nhưng con cháu ông ta ăn sung mặc sướng, chưa từng chăn trâu, ăn mày, làm sao chịu nổi khổ? Tổ chế lại chẳng thể sửa, cho nên sau này tảo triều đi vào kết cục tồn tại trên danh nghĩa.
Triều hội không thay đổi, Thẩm Mặc chẳng cho rằng nó có thể đem lại tác dụng gì, đương nhiên nếu có vị quân vương mạnh mẽ, có thể lợi dụng cơ hội này nắm chặt quyền trong tay.
Vấn đề là Long Khánh có tinh thần phấn đấu đó không? Thẩm Mặc thấy không đáng tin, có điều không thể trông mặt mà bắt hình dong được.
So ra thì Trương Cư Chính kỳ vọng nhiều vào tảo triều, thậm chí còn viết sẵn tấu sớ, để thể hiện tài năng định quốc an bang của mình với Long Khánh đế.
Lúc này quan viên bên cạnh mỗi lúc một nhiều, hai người liền không nói chuyện nữa.
Đến giờ, đợi thái giám tuyên triệu, bách quan xếp hàng, lục tục tiến vào vô cực điện, lại tiếp tục chia trái phải đứng thành hàng, đợi bệ hạ lâm triều.
Long Khánh đế mặc long bào, ngồi trên long ỷ, lẩm bẩm:
- Làm theo lệ cũ, người khác, đưa lên ..
Thái giám bên cạnh nghe một lúc mới hiểu ra, hoàng đế đang tập dượt lát nữa lên triều.
Tuy tập dượt mấy ngày rồi nhưng vẫn sợ lát nữa bêu xấu trước mặt mọi người, Long Khánh đế tính rút lui, nói với tả hữu:
- Hay là hôm nay thôi đi vậy ... Bảo các đại thần về đã, trẫm luyện xong hẵng hay.
Đám thái giám trố mắt ra.
"Ài" Cũng biết yêu cầu này không thể, Long Khánh đành chấp nhận số mệnh:
- Đi thì đi, chẳng qua là một đống củ cải.
"Củ cải?" Đám thái giám từ thời tiềm đế còn đỡ, Hoàng Cẩm và Mã Toàn thì đưa mặt nhìn nhau :" Đây mà là nhi tử của tiên đế à? Sao chênh lệch lớn thế?" Bọn họ còn nhớ năm Gia Tĩnh 20 tuổi đã trầm mặc khó lường, hiện giờ Long Khánh đã hơn 30, sao còn nhát gan sợ chuyện như vậy?
Nhưng bất kể thế nào Long Khánh đế vẫn phải bày giá Hoàng Cực điện, mở cuộc tảo triều lần đầu trong đời hắn, là lần đầu của Đại Minh trong 30 năm qua.
Khi Long Khánh tới Hoàng Cực điện, giáo úy vung roi quân lên, động tác này có ý thiên tử ngự bách quan, càng ẩn chứa hàm ý hoàng quyền kinh miệt thần tử.
Nghe tiếng roi, lễ quan hô:
- Quỳ bái.
Bách quan lập tức chuyển hàng dọc thành hàng ngang, tức thì loạn lên, thậm chí có người bị đẩy khỏi hàng, có người chưa vào hàng đã quỳ xuống.
May là tiếng tung hô " Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế " vẫn cứ chỉnh tề, trong đó còn nghe thấy tiếng nghẹn ngào xúc động...
Thần tử Đại Minh yêu cầu với hoàng đế thật đơn giản, chỉ hình thức chấp hành chức trách hoàng đế, không làm càn làm bậy, tùy tiện chà đạp quốc pháp là được.
Nhưng yêu cầu đơn giản thế thôi mà 60 năm qua chẳng ai làm được, Vũ tông Chính Đức đế, Thế tông Gia Tĩnh đế, đều là từ đại diện cho sự hoang đường, phá hoại.
Cho nên bách quan đều hết sức coi trọng buổi triều hội này, cho rằng nó là dấu hiệu Đại Minh bước vào thời đại tới.
Sau đủ loạt nghi thức rườm rà, Long Khánh vào chỗ, ôn tồn khích lệ bách quan, rồi cho bình thân.
Lúc này lễ quan lại hô:
- Từ lục khoa cùng ngự sử, quan viên tứ phẩm trở xuống tạ ơn lui xuống.
Thế là quan viên tứ phẩm trở xuống khấu đầu bái tạ hoàng đế lần nữa, ủ rũ xoay người rời đi.
Ý nghĩa của bọn họ là khấu đầu với hoàng đế, để cảm thụ tôn nghiêm của hoàng gia, chưa có tư cách tham dự triều hội.
Quan tứ phẩm lui rồi, Mã Toàn cao giọng hô:
- Đại sự diện tấu, tiểu sự dâng tấu, không tấu bãi triều...
Thế là chính thức tiến vào triều hội.
Thẩm Mặc đứng ở phía bên phải vị trí thứ sáu, trong hàng có mười hai người, là bốn vị đại học sĩ, 5 vị thượng thư, hai vị đô ngự sử, đây là địa vị của y hiện nay trên triều đường. Đương nhiên chưa tĩnh lão gia hỏa đang đợi hồi triều.
Có điều xếp thứ mấy chẳng quan trọng, vì hiện giờ y vẫn đang "nghỉ bệnh", lên triều chỉ là biểu thị y đã bình phục, trước khi chính thức nhậm chức, im lặng là vàng.
Những vị đại nhân thân mang trọng trách kia chẳng được ung dung như y. Vì chịu tang cho tiên đế, bọn họ lỡ một tháng chính vụ, phải làm bù, cho nên mỗi người ôm cả sấp bản tấu dầy như viên gạch, đang đợi ném ra.
Theo tôn ti do thủ phủ tấu đầu tiên, lão Từ ra khỏi hàng khom người nói:
- Bệ hạ, thần có bản tấu.
- Đưa lên.
Long Khánh vì khẩn trương nên giọng hơi run run.
Đợi Mã Toàn nhận tấu đưa cho Long Khánh, Từ Giai bẩm:
- Bệ hạ kế thừa đại thống, chuyện quan trọng hàng đầu là thu phục nhân tâm, phương pháp tốt nhất là quán triệt hai chiếu. Di chiếu tiên đế đã ban được một tháng, chiếu đăng cơ của bệ hạ đã công cáo thiên hạ, hiện giờ là lúc tuân theo lời hứa, thần dân thiên hạ ắt xưng tụng bệ hạ nhân hiếu thủ tín...
Nhắc tới chuyện cụ thể, Long Khánh không còn khẩn trương nữa:
- Trước tiên là từ .. À không, khanh cho rằng nên làm thế nào?
- Theo ngu kiến của lão thần.
Từ Giai hắng giọng, nói đầy khí thế:
- Đầu tiên phóng thích phục chức người bị giam giữ, đồng thời Tam pháp ti thẩm lý đám Vương Kim, luận tội, nghiêm hình ...
Nội dung di chiếu và chiếu đăng cơ gần trung lặp nhau, Từ Giai chẳng qua xin thực thi mà thôi. Bách quan và thần dân lòng người khoan khoái, cầu mà chẳng được. Nhưng bọn họ bất an là, Long Khánh có chấp nhận hành vi bất kính với tiên đế này không?
Nhưng Từ Giai không lo, ông ta nhìn ra, Long Khánh mang oán hận với Gia Tĩnh, thậm chí còn coi đây là con đường phát tiết hiếm có.
Huống chi trong triều Gia Tĩnh, Long Khánh chẳng khác gì tù phạm, gạt ngoài triều chính, chẳng liên hệ gì với bất kỳ đại sự nào, không cần gánh trách nhiệm với triều cũ, cho nên dù phục chức quan viên cũ hay trừng phạt đám phương sĩ, hắn chẳng có chút gánh nặng tâm lý nào.