Quan Cư Nhất Phẩm

Chương 765-1: Đại hạn (1)




Về sau mới biết hai tên tiểu quỷ khiến người ta đau đầu kia lại so kè với nhau.

Có điều lần này không phải so kẻ nào gây họa to hơn, mà so ai hiếu thuận nghe lời hơn.

Hình như sau một đêm hai đứa tiểu quỷ đã hiểu chuyện hơn rất nhiều, mỗi ngày chẳng cần ai thúc giục, nghiêm túc viết chữ đọc sách, ít ra ngoài quậy phá mà ở nhà bồi tiếp hai người mẹ giải sầu.

Thẩm Mặc hỏi, có phải là chuyện y kể trong thư có tác dụng không? Nếu thế có thể tính tới chuyện xuất bản, nhất định đắt khách.

Ai ngờ bị hai thằng quỷ trào phúng :" Cha coi bọn con là trẻ nít hay sao mà kể truyện? Bọn con là người lớn rồi, cha ở đó không biết khi nào mới ra, bọn con phải chiếu cố mẹ và nhị nương, và cả đệ đệ muội muội." Làm Thẩm Mặc đọc mà chảy nước mắt, vội lau đi nói với Chu Thập Tam:
- Cát vào mắt, Bắc Kinh gió cát to quá.

Thời gian trôi qua thật nhanh, trời mỗi ngày một nóng, thoáng cái đã tới ngày đình thôi đại học sĩ nội các.

Sáng hôm đó Dương Bác dậy rất sớm, tắm rửa ăn mặc chỉnh tề rồi lên kiệu.

Khi tới trước Tây Uyển, các đại thần tham gia đình thôi đã tới khá đông, Dương Bác bắt chuyện chào hỏi bọn họ, rồi cùng đồng liêu tới cung Thánh Thọ.

Ông ta vốn cao lớn, tướng mạo đường đường, lại thêm khí độ phi phàm tu luyện bao năm, làn người ta nhìn sinh lòng tự ti.

Người xung quanh đều nói:
- Dương công lần này khẳng định sẽ nhập các, nếu không chẳng còn thiên lý nữa.

Dương Bác bề ngoài khiêm tốt nhưng trong lòng cũng nghĩ thế.

Tới trước cung Thánh Thọ tập trung xong, có ti trị lang tới đếm nhân số, lần đình thôi này tiến cử nội các đại học sĩ, quy cách tất nhiên cao nhất, quan viên trên tam phẩm ở kinh thành nếu có thể đến được thì đều đến.

Qua giờ Mão, tổng cộng có 27 viên quan lớn xuất hiện.

- Thủ phụ đại nhân tới.
Cùng với tiếng hô kéo dài, Từ Giai từ sau bình phong đi ra :
- Nói với mọi người một tin tức cực tốt, sáng sớm hôm nay thánh thượng tỉnh lại rồi.

Mọi người quỳ xuống hướng tẩm cung khấu đầu tung hô vạn tuế.

Đợi mọi người đứng dậy, Từ Giai nói:
- Thánh thượng rất quan tâm tới lần đình thôi này, đặc biệt ban thánh dụ.

Mọi người đành quỳ xuống, nghe thánh chỉ, chẳng qua là phải công tâm, tiến cử hiền tài cho đất nước, không được mang lòng riêng kéo bè kết đáng.

Lần nào trước đình thôi cũng bằng đấy lời, chẳng biết có ai nghe vào tai không?

Sau đó Từ Giai tuyên chỉ lệnh binh bộ thượng thư Dương Bác làm thị học sĩ viện hàn lâm ... Dương Bác không xuất thân hàn lâm viện, thứ cát sĩ, cho nên lệnh này của Gia Tĩnh đế là vì loại trừ chướng ngại tư cách nhập các của ông ta.

Trừ Dương Bác ra lần này còn có Cao Củng, Quách Phác, Lý Xuân Phương được tiến cử vào nội các, cuối cùng là một cái tên làm người ta bất ngờ Trương Cư Chính.

Nhìn thấy cái tên Trương Cư Chính cũng xuất hiện, Dương Bác cau mày, ông ta đoán chừng lần này ngoài mình Cao Củng và Quách Phác thì người khác căn bản không tranh được.

Lý Xuân Phương và Trương Cư Chính đều là hậu bối khoa cử năm Gia Tĩnh thứ 26, tư cách kém quá xa.
Đương nhiên Lý Xuân Phương là trạng nguyên, điều này tăng thêm phân lượng của hắn không ít. Nhưng Trương Cư Chính có tư cách gì?

Vấn đề là Dương Bác hiểu Trương Cư Chính, người này mặc dù tuổi không cao nhưng thâm trầm mưu lược, không thể làm chuyện không tự lượng sức này, vậy vì sao hắn tự tới chuốc nhục vào thân?

Nhưng nghĩ lại thì chẳng có gì mà lạ.

Dù sao hắn là ái đồ của Từ Giai, đối đãi còn thân hơn thân thích.
Đệ đệ của Từ Giai và Trương Cư Chính cùng đỗ đạt một năm, nhưng hai mươi năm qua, Từ Giai không hề có chút chiếu cố nào, tời nay vẫn làm chức nhàn ở Nam Kinh, với trưởng tử Từ Phan cũng chẳng có ưu đãi nào, về sau Gia Tĩnh đế mới ban cho Từ Phan làm công bộ thị lang, Từ Giai đã có lời trước, chức này chỉ để tiện xây dựng hai cung, sau khi công trình xong phải lập tức từ chức, khiến nhi tử ông ta suốt ngày buồn bã.

Nhưng với Trương Cư Chính lại là thái độ hoàn toàn khác, không chỉ ra sức bồi dưỡng, mà còn dùng thái độ gà mái bảo vệ con, bất kể đấu tranh quyết liệt ra sao đều không để hắn tham gia.

Điều này ai cũng thấy, chẳng trách có người ở bên xì xầm nói họ Trương là con tư sinh thất tán nhiều năm của Từ Giai...

Cho nên mọi người đều nghĩ tới, Từ các lão lại thiên vị môn sinh của mình rồi, nên chẳng lấy làm lạ nữa.

Khi mọi người chuẩn bị chấp nhận nhân tuyển này thì đột nhiên có người lên tiếng:
- Chư vị đại nhân, ti chức có điều dị nghị.

Mọi người nhìn lại, thấy một quan viên thất phẩm nhưng không ai dám coi thường hắn, vì người này là một cấp sự trung, có quyền lực giám sát cả quá trình xem có hợp pháp hay không.

Từ Giai nhận ra đó là Tôn Uẩn, hỏi:
- Có dị nghị gì?

- Bẩm nguyên phụ, hộ bộ tả thị lang Trương Cư Chính đang bị điều tra.
Tôn Uẩn đi ra nói:
- Theo Đại Minh luật, quan viên đang bị điều tra không được phép luận thăng tiến, cho nên theo ti chức, Trương đại nhân phải tránh đi mới đúng.

Khuôn mặt luôn bình thản của Trương Cư Chính trở nên rất khó coi:

- Có chuyện này sao?
Từ Giai cau mày:
- Vì sao không báo cho nội các.

- Vì chuyện này quan hệ trọng đại, khoa trưởng quyết định điều tra rõ mới báo lên, nhưng sau đó khoa trưởng vào chiếu ngục, cho nên điều tra đình trệ, mấy ngày trước mới hoàn thành, ti chức đã biết xong báo cáo, định sau khi đình thôi xong mới báo lên nội các.
Rồi Tôn Uẩn lấy từ trong ống tay áo ra một bản tấu.

Từ Giai hết nhìn bản tấu lại nhìn Trương Cư Chính, trở nên trầm ngâm.

Trương Cư Chính khôi phục lại nét mặt bình thường đi ra nói:
- Các lão minh giám, theo luật hạ quan đúng là nên tránh, xin bỏ tên cả hạ quan.

Từ Giai một lúc sau mới gật đầu, nói với Tôn Uẩn:
- Hạ triều đem bản tấu tới nội các.

- Vâng.

Sau đó tên của Trương Cư Chính bị bỏ đi, đình thôi diễn ra theo đúng trình tự.

Qua bỏ phiếu kết quả không có gì bất ngờ Dương Bác đứng đầu, Cao Củng thứ hai, Quách Phác thứ ba, cuối cùng là Lý Xuân Phương.

Lần này sẽ tuyển ba đại học sĩ nhập các, cho nên ba người đầu là chính, Lý Xuân Phương là phụ, tên bốn người được viết vào gửi cho hoàng đế, gọi là "tất cả ân ủy trong tay chủ thượng." Nhưng trừ khi hoàng đế cực ghét một trong ba người kia, nếu không đã không có khả năng tuyển Lý Xuân Phương vào, nếu không đình thôi còn ý nghĩa gì nữa.

Cho nên gần như có thể khẳng định ba người kia sắp thành đại học sĩ rồi.

Bất kể trong lòng nghĩ thế nào mọi người đều đi tới chúc mừng ba người, kể cả Từ Giai cũng thế, nhưng ông ta là thủ phụ phải giữ chừng mực:
- Thánh thượng long thể bất an không nên ăn mừng, tránh lời dị nghị.

Ba người vội cung kính tuân lời.

- Các vị lui trước đi, ta đi bẩm báo với hoàng thượng.

Ba người cáo lui, mấy hảo hữu liền tới chúc mừng Dương Bác muốn tổ chức rượu mừng, ông ta thỏa tâm nguyện nhiều năm, vứt béng lời Từ Giai sau lưng, vui vẻ nhận lời, còn không quên mời hai người Cao Quách.

Cao Củng chẳng trà lời, Quách Phác uyển chuyển từ chối.

Đợi Dương Bác đi xa, sắc mặt Cao Củng hoàn toàn trầm xuống:
- Lão thất phu dám giỡn mặt bọn ta.

Hai người vốn chỉ đồng ý nhập các nếu Từ Giai có cách chặn Dương Bác bên ngoài, ai ngờ để ông ta trúng phiếu cao.

- Lão tử muốn cáo bệnh.
Cao Củng rít lên:
- Dù sao ân tình đã trả, ngày mai ta tìm lão thất phu xin nghỉ, xem lão ta có mặt dày từ chối không.

Quách Phác không ngờ lão ca hết cách giở trò lưu manh, dở khóc dở cười:
- Ta thì sao? Xin nghỉ cả thì quá trùng hợp.

- Huynh ở lại pha trà rót nước cho lão ta.
Tính Cao Củng là thế, không nể nang ai cả, phất tay bỏ đi.

Quách đại nhân cười khổ, ông ta không tán đồng phản ứng của Cao Củng, dù sao nhập các là mộng tưởng của người đọc sách trong thiên hạ, có đi làm nha hoàn cũng là nhập các, coi như nhân sinh có thành tựu, cho nên Quách Phác vẫn rất vui vẻ.

Đó là khác biệt về mục tiêu, thường thường dẫn tới chênh lệch về nhân sinh..