Quan Cư Nhất Phẩm

Chương 356: Nghị triều




Chuyện vừa nhiều vừa rối, mỗi ngày tấu chương các bộ dâng lên, ít nhất cũng có trăm cái. Những tấu chương này chuyển cho mấy các lão là xong, kiến nghị của các lão sẽ viết lên giấy dán trên tấu chương, gọi là "nghĩ".

Thẩm Mặc liền đem tấu chương có dán nghĩ đưa tới cung Thánh Thọ cho ho thượng ngự lãm. Mà Gia Tĩnh lại là hoàng đế dục vọng quyền lực cực kỳ mãnh liệt, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng quản, thế là hoàng đế mở miệng, tiểu binh chạy rã cẳng. Thẩm Mặc như đèn kéo quân chạy khắp chỗ hoàng đế các lão lục bộ tới đại lý tự. Chiếc giày lính chỉ chạy hơn một tháng là không dùng được nữa, vừa về tới nhà là mệt không bò dậy nổi, cả sức cởi giày cũng không có.

Ấy đừng có coi thường cái chân chạy vặt này, bên trong đó có nhiều học vấn lắm. Ví dụ như có hai nha môn kiện cáo nhau, hoàng đế sai Thẩm Mặc đi hỏi từng nha môn, khi trở về trả lời, khi Thẩm Mặc trả lời phải nói nha môn nào trước không thể sai được. Vào trước là chủ, đến sau là khách, đạo lý này các vị đại nhân thành tinh ai cũng biết cả.

Đó là một ví dụ thôi, song đủ nói rõ mấu chốt rồi. Cho nên bất kể là là ai, muốn yên ổn làm quan, cho dù có chuyện hay không, cũng phải vội đi lấy lòng y, để lưu lại đường lui sau này. Nói chung bất kể là lúc y đi làm hay y về nhà, bên cạnh lúc nào cũng có một đám quan viên nói nhiều không nhiều, nói ít chẳng ít xum xít xung quanh. Cái gì mà sinh con, nạp thiếp, xây nhà, trúng lộc ...v...v..v.. Nói chung là nghĩ ra đủ mọi cái cớ để mời y đi "dự tiệc".

Lễ vật tặng cho y càng không sao đếm hết được, từ văn phong tứ bảo, sách họa bảo ngọc .. Chẳng thiếu một thể loại nào. Thẩm Mặc từng làm quan, biết nếu mình không nhận, sẽ khiến cho đối phương bất na, mặc dù logic trái khoáy nhưng sự thực chết tiệt như vậy đấy.

Chớp mắt một cái đã tới tháng sáu. Có câu : Tháng sáu trời như đổ lửa, đây là thời điểm nóng nhất trong năm. Kinh thành bốn mùa chênh lệch cực lớn, mùa đông nước đóng băng, mùa hè nóng tới chảy mỡ. Nhất là vào tháng sáu, nóng tới không thở nổi.

Trong phòng mấy vị các lão còn có đá để giảm nhiệt, nên dễ chịu một chút. Còn trong gian phòng Thẩm Mặc và đám Trương Tứ Duy dùng chung này, không chỉ kín mít chẳng có lấy chút gió nào, hơn nữa một cục đá làm mát cũng chẳng có, Thẩm Mặc vừa vào liền cảm giác như vào trong lồng hấp.

Lại nhìn đám Trương Tứ Duy bên trong đang viết chữ, không chỉ mỗi người một cái quạt, không ngờ cởi sạch quan phục rồi, ai lịch sự một chút còn để lại cái áo cộc, người buông thả hơn thì chơi mình trần luôn. Thấy Thẩm Mặc đi vào, Trương Tứ Duy lịch sự một chút, cười xấu hổ:
- Thử thục quân tử.
Ý nói quân tử phải chú trọng y phục chỉnh tề, giữa hè cũng không thể ở trần, nếu không bị người ta nhạo báng.

Thẩm Mặc tu ừng ực một cốc trà đặc rồi dùng hành động thực tế trả lời Trương Tứ Duy, y cởi quan phục ra, rồi cởi cả áo cộc ướt đẫm mồ hôi, để mình trần luôn.

Y vừa lấy nước lau mình vừa kêu ca:
- Sao cái thành Bắc Kinh này mùa đông lạnh hơn phương nam, mùa hè lại cũng nóng hơn phương nam chứ?
Nói rồi nhìn Trương Tứ Duy nói:
- Mọi người cởi hết rồi, huynh cũng cởi ra đi.

Trương Tứ Duy vừa phẩy quạt vừa cười khổ:
- Tối hôm qua ta không ngủ được, phát hiện ra trong vườn có chút gió mát, liền trải chiếu ra ngoài ngủ, ai dè thiếu chút nữa bị muỗi nó làm thịt.
Nói rồi kéo ống tay áo lên:
- Huynh xem đi toàn là nốt đỏ, sao dám làm nhục thị giác của các vị.

Thẩm Mặc lắc đầu không nói, hất bát nước đi, lau khô người rồi mặc một cái áo cộc, nghe Trương Tứ Duy hỏi:
- Sao huynh đến muộn thế? Có chuyện gì à?

Thẩm Mặc ngồi xuống ghế đáp:
- Ngày mai nghị triều.

- Hả?
Mọi người đều ngẩng đầu nhìn Thẩm Mặc, giật mình nói:
- Lâu lắm không nghị triều rồi, lần này có chuyện gì thế?
Nghị triều là phương thức cuối cùng triều đình quyết định việc lớn, do đại học sĩ và lục bộ cửu khanh tham gia, trước thời Gia Tĩnh, kết quả của nghị triều ngay cả hoàng đế cũng không thể lật ngược. Đương nhiên, bản triều dưới sự "anh dũng" của Gia Tĩnh đế, chẳng có gì là không thể lật lại được.

- Có hai việc.
Thẩm Mặc mâm mê chòm râu ngắn dưới cằm, vì Nhược Hạm nói để râu trông chững chạc trầm ổn hơn, cho nên y liền để râu:
- Dương Nghi đã rời chức, nhân tuyển tổng đốc đông nam đã cãi nhau mấy trận, hai bên giằng co không xong, nên đưa lên nghị triều quyết định. Chuyện thứ hai là vấn đề cấm biển càng cãi nhau lâu hơn, cũng đưa lên nghị triều quyết định.

Trương Tứ Duy thở dài:
- Ài, hi vọng lần này có được kết quả tốt.

- Mong là như thế.

~~~~~~~~~~~~

Sáng sớm hôm sau, cửa cung mở ra, bốn vị nội các học sĩ, thượng thư thị lang lục bộ, tả hữu đô ngự sử đô sát viện, thông chính ti sử, đại lý tự khanh. Hơn hai mươi vị quan lớn đi vào Tử Quang các, chia làm hai hàng trái phải, quỳ xuống với long ỷ vẫn trống ở phía bắc.

Hành lễ xong, thái giám mang ghế gấm tới cho Nghiêm các lão, còn các viên quan lớn khác chỉ có phận đứng mà thôi.

Nghiêm Tung chuyển ánh mắt vào sau tấm rèm phía tây đại điện, ánh mắt mọi người cũng chuyển sang đó.

Bên trong liền vang lên tiếng ngọc trong trẻo.

Như nghe thấy tín hiệu, tất cả thái giám đều đi khẽ như mèo lui đi từ cửa nhỏ hai bên, sau đó đóng cửa điện lại. Đem luôn cơn gió hiếm hoi chắn ở bên ngoài, bên trong đại điện tức thì trở nên ngột ngạt nóng nực.

Kỳ thực Gia Tĩnh đế cố ý làm thế, chính là muốn để đám gia hỏa sống an nhàn sung sướng này chịu không nổi, nhanh nhanh thảo luận xong rồi cuốn xéo.

Sau rèm lại vang lên tiếng ngọc nữa, Nghiêm Tung liền nói:
- Bắt đầu nghị sự đi, năm nay nhiều chuyện, đông nam giặc Oa, phương bắc Yêm Đáp, lại gặp động đất, Hoàng Hà cũng bắt đầu ngập lũ, mấy tỉnh liền bị thủy tai rồi. Nói thực nửa năm sau không biết ra sao đây.

Lão quét ánh mắt qua các đại thần một lượt, nói:
- Hoàng thượng mang đức độ của trời, không thèm so đó với chúng ta, nhưng đám đại thần chúng ta đây, nếu còn không có cách giải quyết, lo chỗ này hỏng chỗ kia, e rằng phải thỉnh tội từ chức thôi.
Lão ta thong thả đưa ra phán định, sau đó hỏi Từ Giai:
- Từ các lão nói đi, cái mớ bòng bong này chúng ta phải bắt đầu từ đâu đây?

- Hồi bẩm các lão.
Từ Giai chắp tay nói:
- Theo ngu kiến của hạ quan, vấn đề là ở chữ "tiền", không có tiền, biên quân thiếu lương, không kháng cự được Yêm Đáp; không có tiền, cứu tế không nổi; không có tiền, đê Hoàng Hà bị nứt không được tu sửa, cho nên mới thành thủy tai.

"Cheng" một tiếng ngọc êm tai vang lên, Từ Giai như được cổ vũ, giọng hơi cao lên:
- Vì sao triều đình không có tiền? Vì tám phần quốc khố tới từ các tỉnh đông nam đang bị giặc Oa tàn phá, tự lo cho mình chưa xong, cho nên khiến cho thu nhập triều đình sụt giảm mạnh. Khiến cho nhiều việc thành ra giật gấu vá vai. Cho nên chuyện cấp bách hiện nay là khôi phục ổn định của đông nam.
Ông ta dừng lại một chút, nhìn khắp lượt các đại thần rồi nói:
- Đông nam yên, thiên hạ yên, đông nam loạn, thiên hạ tắc loạt.

Lại một tiếng ngọc nữa, Từ Giai càng tự tin nói:
- Cho nên nhân tuyển tổng đốc đông nam cần phải được xác định hôm nay, các vị có nhân tuyển gì thì đề xuất đi.

Lý Mặc nói rất dứt khoát:
- Lại bộ tiến cử Vương Cáo, ngự sử đô sát viện, kiêm tào vận tổng đốc, chứ vị có ý kiến không?

Triệu Văn Hoa liền đứng ra:
- Bản quan tiến cử Hồ Tôn Hiến thiêm đô ngự sử, Chiết Giang tuần phủ. Ông ta là nhân tuyển thích hợp nhất.

Lý Mặc trầm giọng nói:
- Vương Cáo là tiến sĩ năm Gia Tĩnh thứ hai, khi làm lang trung hộ bộ, đã dẹp yên binh biến Đại Đồng, binh bộ ghi công; sau làm tuần phủ Cam Túc, luyện binh mã, giữ Tăng Thành, bảo vệ biên cương, chính tính hiển hách, được trăm lời ngợi ca. Tới nay làm qua hơn ba mươi năm, là tường thành của đất nước.
Rồi ông ta cười lạnh:
- Theo bản quan biết, Hồ Tôn Hiến là tiễn sĩ năm Gia Tĩnh thứ mười bảy, hơn mười năm qua loanh quanh ở chức tuần án tri huyện, hai năm trước đột nhiên vọt lên tuần phủ, cũng nhờ Triệu đại nhân hỗ trợ không ít phải không?