Qua Cửa

Quyển 1 - Chương 6: Sóng ngầm




Ngô Đào ban ngày ở trong lớp hay chơi với tụi Từ Tây Lâm, quan hệ không tệ lắm. Nhà hắn khá xa nên thỉnh thoảng Từ Tây Lâm sẽ mang ít thức ăn đến phòng cho hắn cải thiện cuộc sống, dần dà đều nhẵn mặt đám học sinh năng khiếu đó. Đám đó đối với Từ Tây Lâm đều rất khách sáo, gặp mặt chào hỏi, lúc không phải huấn luyện, thi thoảng sẽ bị Ngô Đào kéo tới chơi bóng cho đủ số, cũng từng cùng ra ngoài ăn uống.

Nhưng nhìn chung thì Từ Tây Lâm không thân thiết cũng chẳng có xung đột với tụi nó, nước giếng không phạm nước sông.

Gã quả thật từng nghe nói bên phía khu ký túc xá truyền ra một số tin đồn, nhưng dù sao vẫn chưa tận mắt chứng kiến, cũng không tiện lo chuyện bao đồng đi hỏi Ngô Đào.

Từ Tây Lâm quay đầu lại nhìn bàn Đậu Tầm một cái. Do đồ đạc quá nhiều quá nặng, thế nên chỉ cần không phải nghỉ đông, nghỉ hè hoặc thi cử, mọi người đều chỉ chọn thứ cần dùng mang về nhà, còn phần lớn sách vở vật phẩm vẫn bỏ lại lớp, riêng mỗi bàn Đậu Tầm là trống trơn, đến cả một mẩu giấy cũng chẳng để lại, như chưa từng có ai dùng vậy.

Mỗi ngày vác cái cặp hơn năm kí… đúng là bệnh ra ý tưởng rồi.

Chẳng lẽ còn ai thèm động tới cái đống phế phẩm của hắn?

Từ Tây Lâm thuận miệng hỏi: “Trị thế nào? Đánh nó một trận à?”

Ngô Đào cười nhẹ, như một siêu nhân che giấu bí mật. Hắn bình thường ở bên rìa lớp học quen rồi, mà giờ phút này, những “bên rìa” đó giống như đều tự động tìm được nguyên do hợp tình hợp lý, hết thảy được mỹ hóa thành “hơn người”.

“Đánh một trận thì quá hời cho nó.” Ngô Đào hơn người bâng quơ nói.

Từ Tây Lâm bỗng hơi ghét vẻ mặt này của Ngô Đào, nhất thời không lên tiếng, nghĩ bụng: “Mày lợi hại như vậy, mà lúc trước tụi cho vay nặng lãi chặn đường Thái Kính, cũng không thấy mày ra mặt.”

Nhưng nghĩ thì nghĩ, Từ Tây Lâm cũng không làm mất mặt Ngô Đào, chỉ nói: “Tao thấy thôi đi, mày không biết đâu, hôm nay ở văn phòng trên lầu ba, Thơm Bảy Dặm chuyên môn nhằm vào mình tao – tao thấy thằng chó đó bây giờ là cục cưng của bả rồi, đừng gây chuyện nữa.”

Ngô Đào không cam lòng, liếc mắt cố ý khích bác Từ Tây Lâm: “Thơm Bảy Dặm? Bà đó là cái đếch gì – không phải tao nói chứ, anh em, nếu việc này mà mày cũng nhịn được, thì mày cũng tốt tính thật đấy.”

Sắc mặt Từ Tây Lâm sầm đi.

Gã đã nhận ra, Ngô Đào đơn giản là muốn gây chuyện, song không tiện vô cớ sinh sự, nên mới lấy gã làm lý do. Gã quả thật rất ghét Đậu Tầm, nhưng việc nào ra việc đó, Từ Tây Lâm không muốn làm súng cho cái đám ở trọ ăn no rửng mỡ đi khắp nơi kiếm chuyện. Hơn nữa, cho dù muốn trị Đậu Tầm thật, gã có cần kẻ khác trút giận giúp không?

“Tao không tự trị được nó, phải khóc lóc nhờ người khác giúp đỡ chắc?” Từ Tây Lâm như cười như không mà nhìn Ngô Đào một cái, “Đào ca, bình thường tao tốt với mày như vậy, mà mày khi không đi tranh phần tao hả?”

Gã nói với giọng điệu đùa giỡn, nhưng ẩn giấu một cây đinh không cứng không mềm, tuy chừa lại đường lui cho cả hai, song vẫn để người ta nhận ra là gã hơi giận rồi.

Ngô Đào biến sắc, mấy nam sinh khác xung quanh cũng nhìn nhau mà yên lặng.

Nhưng Từ Tây Lâm kế đó lại đứng dậy, điềm nhiên như không ôm cổ Ngô Đào, tự làm dịu bầu không khí: “Cuối tuần vui vẻ, tự dưng cứ nhắc tới đứa gây mất hứng làm gì – mẹ tao tuần này đi công tác ở phương Nam quay về, có mang về ít trái cây, mày muốn ăn xoài hay măng cụt?”

Trong lòng Ngô Đào cực kỳ khó chịu, nhưng Từ Tây Lâm đã bắc sẵn thang cho, hắn hơi cân nhắc qua, cảm thấy vì chút khó chịu tẹo teo này mà mâu thuẫn với Từ Tây Lâm thì không đáng, thế là nhăn nhó bước xuống: “… Xoài đi, măng cụt phiền lắm.”

“Được, thế thứ Hai tao mang một va li tới ký túc xá cho tụi bay,” Từ Tây Lâm sờ tóc Ngô Đào, “Tắm sạch nằm trên giường chờ tao.”

Ngô Đào chửi nhỏ một tiếng: “Đậu má, kiểu tóc của tao!”

Hai người xem như bỏ qua chuyện này.

Dù rằng ban ngày đánh nhau, buổi tối lại có chút va chạm với Ngô Đào, nhưng Từ Tây Lâm thứ Sáu về nhà tâm trạng vẫn rất tốt, bởi vì mẹ gã đi công tác đã về.

Từ Tây Lâm kỳ thực theo họ mẹ, nhà có một mẹ, một bà ngoại, một dì Đỗ và một con chó tên Đậu Đậu, ngoại trừ bản thân gã thuộc giống đực thì cả nhà đến chó cũng là cái.

Cha mẹ gã chia tay lâu lắm rồi, vì sao mà chia, thì mẹ chưa từng nói rõ cho gã biết, chỉ hời hợt bảo là “Ba con không muốn sống với chúng ta”.

Trước khi Từ Tây Lâm có trí nhớ rõ nét, “cha” đã biến mất khỏi cuộc đời gã.

Hồi đó “ly dị” còn là một việc khá kinh động xóm làng, Từ Tây Lâm nhớ lúc ấy trong tiểu khu có rất nhiều bà tám cấp chuyên gia, khi không cứ thích vuốt cái đầu chó của gã, phun ra một tràng châm chọc tràn đầy “cảm thông” cho nhà họ – đây đều là chuyện từ hồi gã ba bốn tuổi, trẻ con tuổi ấy ký ức không trọn vẹn, nên kỳ thực ngay cả cha ruột mặt ngang mũi dọc ra sao Từ Tây Lâm cũng chẳng nhớ, nhưng kỳ lạ là gã lại nhớ rõ mặt mũi và những lời mà mấy người đó nói.

Những lời đó lúc ấy quả thật gã không hiểu nội dung, nhưng ác ý trong đó không cần dùng não để hiểu, mũi đã ngửi thấy trước.

Có một lần mấy lời nói xấu sau lưng bị mẹ Từ Tây Lâm nghe thấy, bà lập tức giẫm đôi guốc tám centimet xông lên, không chửi tục cũng chẳng lặp lại mà khẩu chiến với đám bà tám, trở thành một đoạn truyền kỳ đấu võ mồm lấy ít thắng nhiều.

Mẹ Từ Tây Lâm vốn tên “Từ Hiểu Huệ”, sau khi ly dị tự đổi thành “Từ Tiến”, ngày trước là một luật sư.

Bà có vóc người trung bình, tính mạnh mẽ, sau trận võ mồm giành được toàn thắng, liền dứt khoát ném thằng con cục nợ cho mẹ nuôi, bản thân xin nghỉ ở sở luật, xắn tay áo đi phấn đấu.

Phu nhân Từ Tiến sớm nhìn thấu, con không cha không bị coi thường, con có cha nghèo mới bị.

Sau khi nghỉ việc, bà nhờ vào các mối quan hệ tích lũy dần qua nhiều năm, tập hợp một nhóm người chuyên nghiệp trong các lĩnh vực, tự mình mở một công ty, chuyên cung cấp tư vấn pháp vụ và thiết kế phương án liên quan cho việc xuất nhập khẩu, suốt ngày đi khắp các nơi trên thế giới.

Mà theo công ty làm ăn tốt hơn, điều kiện trong nhà cũng không ngừng được cải thiện, dọn khỏi tiểu khu cũ nát ba con chuột bốn con mắt ngày trước. Hiện giờ hoàn cảnh nhà họ rất tốt, hàng xóm đều rất lịch sự, hơn nữa biết giữ khoảng cách, Từ Tây Lâm không còn bị ai chỉ trỏ nữa.

Đối với Từ Tây Lâm mà nói, bà ngoại nuôi nấng gã từ nhỏ là người thân thiết nhất, chiều gã nhất, thế nhưng thiếu niên nhi đồng trời sinh biết hâm mộ cái mạnh, Từ Tiến mạnh mẽ có ảnh hưởng sâu hơn với gã.

Từ Tây Lâm về đến nhà thì Từ Tiến vừa gọi điện thoại xong, vẫy tay kêu gã tới.

Từ Tây Lâm: “Gì vậy người đẹp?”

“Nói với mày chuyện này…” Từ Tiến thấy rõ mặt gã liền dừng lại, nâng cằm gã lên hỏi, “Cái này là sao đây, đánh nhau hả?”

“Ối mẹ, móng tay mẹ nhọn quá!” Từ Tây Lâm cằn nhằn, “Yên tâm đi, con giải quyết xong rồi, Thơm Bảy Dặm sẽ không làm phiền mẹ đâu… Á!”

Từ Tiến bóp mạnh vết bầm trên cằm gã: “Còn nghe mày đặt biệt danh cho giáo viên, là mẹ sẽ…”

Từ Tây Lâm vẫy đuôi cười đểu: “Đánh con ạ?”

Từ Tiến ngắm thằng ôn con cao to này, cảm thấy đánh gã chỉ tổ đau tay, thế là nói: “Mẹ sẽ ghi âm lại cho cô chủ nhiệm của mày nghe.”

Từ Tây Lâm: “…”

Không hổ là xuất thân làm luật sư.

Từ Tiến nói: “Chanh Tử mẹ nuôi của mày về nước rồi, gần đây đang đòi ly dị chồng, nhà lúc nào cũng om sòm, nên muốn đưa con đến ở nhà ta vài ngày, được không?”

“Cứ ở đi, tội nghiệp thật.” Từ Tây Lâm bỏ cặp xuống, đồng ý luôn, không ý kiến gì.

“Chanh Tử” là nhũ danh, tên thật là “Chúc Tiểu Trình”, là con gái nuôi của bà Từ, mẹ nuôi của Từ Tây Lâm.

Hai gia đình thân nhau từ đời ông nội, ngày trước quan hệ rất tốt – lúc Chúc Tiểu Trình còn nhỏ, cha mẹ do công việc mà không tiện nuôi, đã trực tiếp cho con đến ở nhà Từ Tiến hơn một năm.

Sau đó hai gia đình mỗi bên một đường, hai vùng xa cách, thêm ngày xưa giao thông không tiện lắm, nên dần dần ít liên lạc, mãi đến ba bốn năm gần đây mới thân nhau lại.

Chúc Tiểu Trình là một đại mỹ nhân, xinh đẹp như hoa, qua tuổi bốn mươi rồi, mà tỉ lệ ngoái nhìn không kém năm đó.

Chỉ tiếc người này bề ngoài vàng ngọc, bên trong thối rữa, trừ nũng nịu với đỏm dáng ra thì chẳng còn sở trường nào khác, ngay cả số cũng chẳng ra sao, gả cho một tay nhà giàu, mà tay nhà giàu này lại là hạng cặn bã.

Chúc Tiểu Trình không bỏ được thân phận phu nhân, đành phải duy trì cuộc hôn nhân ngắc ngoải, duy trì đến khi thật sự không sống nổi nữa, liền làm một việc rất kỳ khôi – đồng chí Chúc Tiểu Trình bỏ lại nhà cửa công việc, cầm thẻ tín dụng của ông chồng cặn bã, chạy sang Mỹ lễ Phật, không nhìn thấy cho nhẹ lòng!

… Nói tới việc này, bất luận thời gian địa điểm hay nhân vật đều rất hài và ly kỳ, trừ Chúc Tiểu Trình ra thì chẳng người bình thường nào làm được.

Bà ta đã qua trung niên, vậy mà không quan tâm sự nghiệp, cũng chẳng thích chăm sóc gia đình, dần dần mất đi tiếng nói chung với bạn bè cùng lứa tuổi xung quanh, không khỏi cô độc buồn khổ, thành thử càng coi Từ Tiến là cái hốc cây (1) độc nhất của mình – bởi vì tự nhận là thất bại về mặt hôn nhân, bà với Từ Tiến cùng bệnh thương nhau.

Mỗi lần Chúc Tiểu Trình về nước, cho dù không về nhà mình, cũng phải túm Từ Tiến mà thổ lộ sự cô khổ trong lòng trước.

Từ Tiến thèm vào cùng bệnh thương nhau với bà này, kỳ thực từ nhỏ bà đã rất phiền Chúc Tiểu Trình, mỗi lần tiếp người này, phu nhân Từ Tiến bình thường giỏi ăn nói đều biến thành cái hồ lô không miệng, không phải “ừ ừ ừ” thì là “được được được”, hơn nữa bình quân ba giây là đổi tư thế ngồi một lần, như là mót tè vậy.

Tiếc thay, bản thân bà phiền cũng chẳng ích chi, vì mẹ ruột và con ruột đều thích Chúc Tiểu Trình cả.

Chúc Tiểu Trình hồi nhỏ ngọt ngào ngoan ngoãn, so với Từ Tiến thời kỳ nổi loạn đặc biệt dài, là một “tấm áo bông tri kỷ” chân chính, bà Từ từng nuôi Chúc Tiểu Trình hơn một năm, coi như con ruột, thương yêu vô cùng.

Về phần Từ Tây Lâm, nguyên nhân gã thích Chúc Tiểu Trình rất đơn giản: thứ nhất, bà là một đại mỹ nhân, thứ hai, đại mỹ nhân chưa lần nào đến tay không, giày thể thao số lượng giới hạn, đồng hồ, sản phẩm điện tử… thích cái gì là mua cho cái đấy.

Làm mẹ ruột người ta, Chúc Tiểu Trình chẳng ra gì, nhưng làm mẹ nuôi lại lên đến một trăm hai mươi phần trăm – dù sao thì Từ Tây Lâm cầm quà chạy luôn, ở lại nghe khóc lóc tụng kinh chính là Từ Tiến mẹ gã.

“Đúng rồi, mẹ,” Từ Tây Lâm thuận miệng hỏi, “Đứa trẻ nhà Chanh Tử bao lớn rồi? Trai hay gái?”

Từ Tiến nhất thời không trả lời được: “… Đúng vậy, mẹ thế mà không biết, mà cũng tại cổ chưa từng đề cập cơ.”

Hóa ra Chúc Tiểu Trình mỗi lần khóc lóc kể lể cả tràng, lại có thể từ đầu đến cuối không lạc đề, không chịu hơi rời sự cô khổ của bản thân, chưa từng nhắc một câu tới đứa con!

Từ Tây Lâm lắc đầu, cảm thấy đứa nào đầu thai làm con Chúc Tiểu Trình, nhất định đời trước phải tội ác tày trời, nên đời này mới xui tận mạng như vậy.

Đang nghĩ thì di động đổ chuông, là số bàn vùng này.

Từ Tây Lâm nghe máy: “A lô?”

“Tôi đây,” Giọng Thái Kính vang lên ở bên kia, hạ rất thấp, “Tôi gọi bằng điện thoại công cộng, tôi có chuyện này muốn nói với ông.”

Từ Tây Lâm nghe thấy giọng Thái Kính liền rất vui, nét cười hiện rõ trên mắt, hỏi: “Sao hôm nay cũng muốn nói ‘chuyện’ với tao, chuyện gì vậy?”

Thái Kính: “Lão Hoàng kêu tôi lúc rảnh đến giúp sắp xếp vài thứ, ông biết chứ?”

“Lão Hoàng” là giáo viên ngữ văn lớp họ, là một cụ ông đã nghỉ hưu được mời lại, cực kỳ hiền từ, rất quý tài hoa của Thái Kính, sau khi biết tình hình nhà cậu ta, liền luôn nghĩ cách giúp tìm chút việc kiếm được tiền, thường xuyên kêu Thái Kính hỗ trợ mình sửa bản thảo xếp sách vở, nhiệm vụ đều không nặng nhưng tiền công rất hậu hĩnh.

Từ Tây Lâm: “Ừ, sao vậy?”

“Tôi ở trong phòng làm việc của Lão Hoàng một lúc, trước khi đi lại nhớ ra có quyển sách toán để quên trong lớp, bèn quay lại một chuyến,” Thái Kính nói, “Đi tới hành lang thì nghe thấy Đào ca và cái đứa to con lớp Sáu…”

“Lý Bác Chí của đội điền kinh?” Bước chân Từ Tây Lâm đang lên lầu khựng lại, Lý Bác Chí này có tiếng xấu, học kỳ trước còn nảy sinh xung đột với đứa ở lại lớp, đánh nhau ngoài trường rồi bị phạt, “Nói gì?”

“Hình như là muốn trị Đậu Tầm, còn nhắc tới ông nữa.” Thái Kính nhỏ giọng nói, “Tôi thấy hôm nay lúc nó đề cập việc này ông rất không vui, bèn nói một tiếng cho ông biết.”

  1. Hốc cây là tiếng lóng, bắt nguồn từ câu chuyện cổ tích “Hoàng đế có tai lừa”. Câu chuyện kể về một ông vua mọc đôi tai lừa, mỗi một người cắt tóc cho ông ta đều không nhịn được nói với người khác, do đó mà bị chém đầu. Có một ông thợ cắt tóc nọ giấu bí mật này quá vất vả, rốt cuộc khi sắp hết nhịn nổi, đã quay vào một hốc cây trên núi nói ra bí mật này. Kết quả là từ đó về sau chỉ cần để lên môi thổi thì lá trên cây này sẽ phát ra câu “quốc vương có tai lừa”.
Từ này đại khái ám chỉ một bí mật không thể cho ai biết, song nó lại khiến người ta rất rất muốn nói ra, giữ trong lòng như có lửa đốt, bức bối khó chịu. Tương tự như câu chuyện kia, mọi người ai cũng cần một hốc cây, một nơi để trút hết ra.