Phượng Nghiên Trấn Quốc

Chương 25: Yến tiệc tẩy trần [3]




Yến tiệc lần này được tổ chức ở Ngự Hoa viên. Ngự Hoa viên trăm hoa đua nở, nở rộ nhất vào tiết trời mùa thu này chính là hoa Cúc. Cúc dân gian có, Cúc được tiến cống cũng có. Đủ mọi màu sắc, đủ mọi loài quý hiếm. Ngoài ra, còn có Ngu Mỹ Nhân, Vô Ưu hoa, Mẫu Đơn vương,.... Cả khu vườn nhìn vào tràn ngập màu sắc.

Đám người Tô Tịch được cung nữ Tĩnh Tú dẫn đường đến Ngự Hoa viên, được sắp xếp chỗ ngồi đầy chu đáo. Chúng phụ nhân và tiểu thư ngồi bên tay phải chủ vị, bên còn lại là các vị quan lại và nam tử.

Gần ghế chủ vị nhất là chỗ toạ của các vương gia và công chúa, sau đó đến công hầu bá tước, rồi mới đến quan lại tứ phẩm trở lên. 

Luận về chỗ ngồi, phủ Quốc công vốn phải ngồi cao hơn Tô gia, nhưng vì Tô gia nhận được hoàng ân, Hoàng đế ban cho vinh dự chỉ cần ngồi dưới hoàng thân quốc thích, được phép trên cả công hầu bá tước. Nên rốt cuộc, Trác thị và Diệp thị cùng hai vị tiểu thư Tô gia vẫn là ngồi trên Tô Tịch, Trầm Thư Kính và Trầm Ánh Nguyệt một bàn. 

Khi đám người Tô Tịch ngồi xuống, những người khác cũng lục đục tiến vào chỗ ngồi. Ngồi dưới Tô Tịch là Triệu gia. 

Triệu gia Triệu quận công Triệu Bạch Ma là cháu trai ruột của Hoàng hậu nương nương đương triều. Nghe nói Triệu thái quân (cha của Triệu Bạch Ma) trên chiến trường có công cứu giá, vì thánh thượng hy sinh thân mình, nên Sùng Kha đế mới lập muội muội của Triệu thái quân là Triệu Phương Linh lên làm Hoàng hậu, lại ban cho trưởng tử của Triệu thái quân là Triệu Bạch Ma chức Quận công, để cho Triệu gia hưởng cả đời vinh sủng và bổng lộc.

Vì có công cứu giá nên Triệu gia cũng rất được Hoàng thượng ân sủng, trong hậu cung lại có Chính vị Hoàng hậu, có thể nói tuy thế lực đơn bạc, song Triệu gia vẫn là một trong ngũ đại gia tộc. Hứa hẹn vẫn sẽ sừng sững không ngã.

Triệu quận công phu nhân là Giả Bích Ngân- Đích trưởng nữ phủ Giả thừa tướng. Phu nhân Triệu thống lĩnh- đệ đệ Triệu quận công là Giả Bích Ngọc- cũng là Nhị tiểu thư Giả thừa tướng phủ.

Cùng ngồi với hai người là tiểu thư duy nhất của Triệu gia- Triệu Mộ Như. Triệu Mộ Như năm nay mười sáu tuổi, năm trước đã tổ chức lễ cập kê, Trầm Thư Kính cũng được mời. Thế nhưng đã qua một năm vẫn chưa nghe Triệu gia thông tri gì về hôn sự của nàng (Triệu Mộ Như).

Trầm Thư Kính nhìn Triệu Mộ Như xinh đẹp trong váy dài màu lục thêu cỏ Ngu Mĩ (Ngu Mĩ Nhân), trên búi tóc Song Loa cắm hờ hai cây trâm bạc không quá nổi trội. Chỉ có vị tiểu thư Triệu phủ này mới có thể ở nơi vinh quang hiển quý này, ăn mặc đạm bạc như thế mà thôi.

Sự giản dị và thanh cao dường như đã nằm sâu trong cốt tuỷ Triệu Mộ Như, đến cả nhan sắc của nàng tuy không quá mỹ lệ như Trầm Thư Kính, nhưng lại rất dịu dàng, nét đẹp nhu mì, còn nhẹ nhàng hơn cả Trầm Ánh Nguyệt. Quả thật không hổ danh "Tam đại mỹ nhân" Đế thành.

Trầm Thư Kính chăm chú nhìn Triệu Mộ Như, đến khi Triệu Mộ Như bắt gặp ánh mắt của nàng, mới cười nhẹ hỏi:

"Trầm Thư Kính muội muội, mặt của ta dính thứ gì sao? Sao muội lại nhìn ta như thế?".

Lúc này Trầm Thư Kính mới phát hiện bản thân thất lễ, vội cười nói:

"Không có, muội chỉ là cảm thấy Triệu tỷ quả nhiên là khả ái, một thân y phục đơn giản như vậy mà được tỷ mặc lên người vẫn đẹp vô cùng".

Trong lúc hai người cười nói, mọi người cũng dần có mặt đông đủ. Nhưng Trầm Thư Kính cùng Triệu Mộ Như không biết, bên phía nam tử, Trầm Ngôn vẫn luôn nhìn về phía này. 

Mọi người nhỏ giọng cười nói qua lại, cho đến khi thanh âm Lý công công vang lên mới yên tĩnh lại:

"Hoàng thượng giá lâm. Hoàng hậu nương nương giá lâm. Nhu phi nương nương, An phi nương nương đến".

Lý công công vừa dứt lời, mọi người liền quỳ rạp xuống hành lễ:

"Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế. Hoàng hậu nương nương thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế. Nhị vị nương nương bách tuế, bách tuế, bách bách tuế".

Sùng Kha đế phất phất tay ngồi lên chủ vị, bên trái bỏ trống, bên phải là Hoàng hậu ngồi, dưới Hoàng hậu là Nhu phi cùng An phi.

Lúc này thanh âm Lý công công lại vang lên:

"Thái tử điện hạ, Trấn Quốc vương gia đến. Tây vương gia, Cảnh vương gia, Kỳ vương gia, Đông vương gia, Tịnh vương gia đến. Tam công chúa, Tứ công chúa, Ngũ công chúa đến".

Mọi người lại một lần nữa đồng loạt hành lễ, Trầm Thư Kính nghĩ trong đầu liệu có phải làm lễ đến rụng cả đầu gối luôn hay không a.

Thái tử Trác Thiếu Khanh ngồi vào vị trí tay trái Sùng Kha đế, tiếp đến là Trấn Quốc vương gia Trác Thiếu Hằng, dưới hắn là Đông Tây vương, dưới nữa là Cảnh vương, Kỳ vương và Tịnh vương Trác Thiếu Kình.

Ba vị công chúa thì được an bài ngồi dưới Nhu phi và An phi.

Đợi mọi người ngồi vào chỗ đông đủ, Sùng Kha đế mới lên tiếng:

"Nếu mọi người cũng đã đến đủ thì yến tiệc cũng bắt đầu được rồi. Các ái khanh cứ tự nhiên, đừng câu nệ cung quy quá. Lần này là tiệc tẩy trần cho Thái tử và Trấn Quốc vương, lại là tiệc ăn mừng chiến công của đại quân toàn thắng. Mọi người hãy cứ tự nhiên, trẫm sẽ không trách phạt".

Tuy mọi người đều nói "Vâng", song há có ai mà thật sự tự nhiên như ở trong phủ của chính mình.  

Lần yến tiệc này quả thật đông đúc. Tam đại mỹ nhân Đế thành tất cả đều có mặt.

Tam đại mỹ nhân chính là ba đoá hoa xinh đẹp và tài giỏi nhất Bình Tây quốc. Đoá hoa thứ nhất là Tô Yên Vân- Vãn An huyện chủ- Nhị tiểu thư Tô gia, không diễm lệ nhưng thanh lãnh như hoa sen. Đoá hoa thứ hai là Giả Bích Châu- Tam tiểu thư Giả thừa tướng phủ, mỹ mạo sắc xảo lại gai góc như Mân Côi hoa có gai. Đoá hoa thứ ba là Triệu Mộ Như- quý tiểu thư Triệu quận công phủ, giản dị trong sạch như hoa mai trắng. 

Cả ba nàng đều là những người xinh đẹp và tài hoa, mỗi năm đều có rất nhiều nữ tử muốn gia nhập Tam đại mỹ nhân, song chưa ai có thể quật ngã được ba người này. 

Trầm Ánh Nguyệt vốn cũng được danh xưng là đại mỹ nhân thứ tư, nhưng vì thân phận chỉ là thứ nữ, làm sao có thể dễ dàng biến mình thành "một trong Tứ đại mỹ nhân". Nói đi cũng phải nói lại, đời trước Trầm Ánh Nguyệt cũng đã có được danh hiệu đó, song đó là khi nàng ta được hứa gả cho Trác Thiếu Kình, Trác Thiếu Kình thương tiếc nên ép Trầm Tường cho Dung di nương- mẹ đẻ nàng ta lên làm bình thê, cũng nâng luôn thân phận của nàng ta lên thành đích nữ. Từ đó danh chính ngôn thuận mặc lấy danh hiệu Tứ đại mỹ nhân.

Cũng thuận lý thành chương ngồi lên ngôi vị Hoàng hậu.

Trầm Thư Kính nhếch cao khoé môi. Trầm Ánh Nguyệt a Trầm Ánh Nguyệt, đời trước là do ta ngu ngốc mới để ngươi chiếm tiện nghi, đời này danh hiệu đó nhất định phải là của Trầm Thư Kính ta.

Đời trước sau khi chính mình bị huỷ dung, Trầm Ánh Nguyệt luôn ở bên tai nàng đặt điều nói xấu Trầm Ánh Cầm cười nhạo nàng, khi đó nàng thống khổ biết bao, lại càng thêm căm hận Trầm Ánh Cầm. Cuối cùng đích thân ra tay độc chết Trầm Ánh Cầm, nàng cứ nghĩ là trừ đi một mối hậu hoạn cho bản thân, nào ngờ thật ra là đang giúp Trầm Ánh Nguyệt dọn đường. 

Tâm tư tinh tế tỉ mỉ lại độc ác như thế, vậy mà trên khuôn mặt vẫn tỏ vẻ ngây thơ thánh thiện, quả thật là giả tạo vô cùng.