Trước khi rời khỏi đại lao, Cửu Dương nhìn Dương Tiêu Phong ái ngại hỏi:
- Ngươi có hối hận không?
Dương Tiêu Phong không ngần ngại lắc đầu.
Thật sự ra thì ban đầu, chàng vốn nghĩ từ bỏ thương yêu dành cho nàng để có thể tìm được thanh thản, nhưng khi từ bỏ rồi lòng lại càng sinh ra
quyến luyến nhiều hơn, vì tình yêu dành cho nàng tha thiết quá cho nên
cuối cùng chỉ thấy tấc lòng xáo loạn không lúc nào yên được.
Tay siết chặt thân diều, Cửu Dương tiếp tục hỏi:
- Ngươi còn lời gì muốn nhắn lại với sư muội không?
Dương Tiêu Phong nghe hỏi vậy tim lập tức nhói lên, chỉ còn lại hai
ngày, hai ngày ngắn ngủi nữa thôi chàng sẽ vĩnh viễn biến mất trên cõi
đời này, ấy vậy mà mệnh lệnh của Khang Hi vẫn chưa được ân xá, không ai
có thể vào đại lao thăm chàng được ngoài trừ Cửu Dương.
Dương Tiêu Phong muốn nói với Nữ Thần Y nhiều lắm, song chủ yếu là nói với nàng một câu, nên gật đầu.
Cửu Dương sai một tên lính cai ngục:
- Đem giấy và bút mực tới đây.
- Dạ!
Dương Tiêu Phong ngồi trong căn ngục yên lặng suy nghĩ. Cửu Dương đứng
bên ngoài song sắt cũng yên lặng chờ. Lát sau, Dương Tiêu Phong cầm bút bắt đầu viết, ngừng rồi lại viết, viết rồi lại ngừng, hơn một canh giờ
mới xong.
Nét bút nghiêng nghiêng, dòng chữ ẩn hiện, dường như có lại dường như
không, nét nét tràn ngập tương tư, chữ chữ chứa chan tình ý, chàng đem
hết cõi lòng chàng, mang hết toàn bộ niềm thương nhớ triền miên gửi vào
đầu bút. Dương Tiêu Phong viết xong đọc đi đọc lại bức thư mấy lần, đến khi ưng ý rồi mới phong lại đề mấy chữ ngoài rồi đưa cho Cửu Dương nhờ
trao Nữ Thần Y.
---oo0oo---
Trên con đường trở về phủ thừa tướng mưa trút rất lớn, Cửu Dương đến
phòng ngủ của sư muội tìm mà không thấy nàng đâu, hỏi quản gia mới biết
nàng đã rời khỏi kinh thành nhưng ông ấy không rõ nàng đi đâu.
Cửu Dương nghe tin nàng bỏ đi rồi, nhìn xuống phong thư trong tay chàng, cảm thấy trước mắt chàng cũng chỉ còn lại một màn sương mù giăng ngang.
Toàn thân tỏa ra khí lạnh khiến chàng run rẩy, Cửu Dương không nấn ná
trong căn phòng âm u tối tăm ấy nữa, nhanh chóng bảo quản gia đi chuẩn
bị ngựa và dù.
---oo0oo---
Cỗ xe dừng lại trước cánh cổng uy nga của một lâm viên tọa lạc ở huyện Thừa Đức tỉnh Hà Bắc.
Cửu Dương đoán nàng tới Tị Thử Sơn Trang tìm hoàng thượng.
Quả thật khi Cửu Dương tới đó bắt gặp Nữ Thần Y quỳ trước cổng lâm viên, nơi Khang Hi nói rằng sẽ đi tránh lạnh trong mùa đông năm này nhưng lý
do chính thức chính là để lánh mặt nhóm nghị chánh đại thần. Khang Hi
không muốn nghe họ cũng như nhìn thấy họ đến cầu xin ngài ân xá tội tình cho ai nữa.
Trời mưa tầm tã, cổng đóng chặt.
Nữ Thần Y quỳ ở đó không rõ bao lâu rồi. Mưa rơi nặng hạt trên vai nàng.
Cửu Dương ngồi trong xe ngựa vén rèm nhìn màn mưa trút nước ào ào, nhìn
toàn thân nàng bất động như một pho tượng tạc trong màn đêm lạnh lùng,
nước mưa theo gió tạt vào người chàng, dần dần nửa thân trên y phục cũng ướt đẫm.
Sốt ruột không yên, Cửu Dương xuống xe đi đến cạnh nàng, chàng mang dù
đến che cho sư muội dưới gió mưa vần vũ, nhỏ giọng khuyên can vài lần,
Nữ Thần Y chẳng ừ hữ lấy một lời.
Cửu Dương đứng sững thật lâu, dằn vặt miên man, trong đầu chỉ nghe ong
ong một câu duy nhất “sư muội, muội thật tình muốn dùng khổ nhục kế này
để mềm hóa lòng hoàng đế sao? Thật là phí công vô ích!”
Hồi lâu sau Cửu Dương lặp lại câu nói:
- Tây Hồ à, muội theo huynh trở về nhà đi, hoàng thượng sẽ không gặp ai
đâu. Hơn nữa muội đang có mang, phải biết nghĩ cho đứa bé trong bụng
chứ!
Nữ Thần Y lắc đầu nói:
- Không có Tiêu Phong muội cũng không muốn sống nữa!
Vừa nói nàng vừa nhớ lại ngày chàng vì nàng chịu một ngàn đòn roi từ Lâm Tố Đình. Khoảnh khắc chàng vì nàng lấy chính lưng mình làm bia để cho
Lâm Tố Đình trút giận nàng đã biết rằng cả đời này chẳng thể quên chàng
được. Sau dù có bao nhiêu dùng dằng dây dưa cũng chỉ là càng lún càng
sâu, vốn dĩ không có cách chi thoát được.
Cửu Dương thở dài một hơi, thấy sư muội vì yêu mà khờ, vì yêu mà chấp.
“Vậy công sức hắn làm món quà đó thật là uổng phí rồi!” Cửu Dương tự
nhủ, tiếp tục thở dài thườn thượt, sau đó lấy phong thư màu vàng nhạt ra trao cho nàng:
- Đây, thư hắn gởi cho muội đây, muội xem đi.
Nữ Thần Y nhìn phong thư có đề tên nàng, nét chữ quen thuộc đập vào mắt
làm gương mặt vốn dĩ đã lắm xanh xao lập tức tối sầm lại, thân thể lảo
đảo. Cửu Dương vội vàng đỡ lấy thân hình mảnh mai của sư muội.
Nữ Thần Y mở tờ giấy ra đọc, nước mưa tạt tới tấp làm nét chữ nhòe đi.
“Cảm ơn muội đã cho huynh một mối tình, mặc dù không đủ dài nhưng đủ sâu đậm. Tình yêu đâu phải đo bằng năm, bằng tháng, mà đo bằng chiều sâu
của cảm xúc có phải không?”
Lá thư mở đầu bằng dòng chữ này. Nữ Thần Y xem qua tưởng chừng như từng con chữ thi nhau nhảy múa trên trang giấy trắng, hai mắt nàng cũng nhòe theo màn mưa rơi. Lệ tuông xuống đôi gò má vốn đã gầy đi nhiều vì
nhung nhớ.
Trong thư Dương Tiêu Phong khẳng định không bao giờ hối hận vì đã yêu
nàng. Vì yêu không có nghĩa là chỉ nếm trải những cảm giác hạnh phúc, mà đôi khi còn là cả những đớn đau.
Đâu phải đến giờ này chàng mới biết mình khờ khạo khi yêu nàng. Thái
hoàng thái hậu, Tân Nguyên cách cách và rất nhiều người đã cảnh báo
chàng ngay từ đầu khi nảy sinh tình ý với nàng. Một nữ tử giống như cây xương rồng, người ta thích thú ngắm nhìn nhưng không muốn chạm tay vào
vì sẽ tự làm mình đau. Nhưng chàng liều lĩnh yêu nàng, không hiểu tại
vì sao nữa?
Nữ Thần Y đọc tới nửa thư khóc nấc lên, nàng biết chứ! Chàng bất chấp
đã từng bỏ lại sau lưng biết bao nữ nhân tài giỏi xinh đẹp hơn nàng. Yêu nàng, có nghĩa là chàng dám chấp nhận một ngày nào đó chuyện thế này sẽ xảy ra.
“Nhưng tất cả đều là vì yêu!” Dương Tiêu Phong viết “có yêu thương có
hạnh phúc thì cũng có nỗi đau, có chờ mong thì có hụt hẫng, có vui vẻ
thì cũng có buồn bã, có bên nhau rồi cũng có ngày xa nhau. Nhưng huynh
trân trọng tất cả, những cảm giác đó, dù cho mối tình của hai chúng ta
vô cùng ngắn ngủi! Huynh chưa bao giờ cảm thấy đau khổ khi yêu muội.
Bởi lẽ ngay từ đầu huynh đã lựa chọn tình yêu này, đã chuẩn bị mọi tâm
lí để bước vào một cuộc tình mà một ngày không xa huynh sẽ nhận về những vết xước trong tim…”
Vì có sự chuẩn bị đó nên chàng đón nhận kết cuộc thật nhẹ nhàng. Chàng
tự cho phép bản thân chàng phiêu du với những cảm xúc mãnh liệt nhất khi bên nàng, và bỏ mặc phía sau những lo lắng về một ngày nào đó Lâm Tố
Đình sẽ tới tìm chàng để trả mối thù xưa.
“Từ khi gặp muội huynh mới bắt đầu học cách yêu, và biết chữ yêu có
nghĩa là gì. Huynh đã đón nhận được rất nhiều niềm hạnh phúc trong cuộc tình với muội. Huynh không thấy thiệt thòi, mất mát, khi yêu một người mà trước đó đã từng có một mối tình sâu đậm khác…”
Chàng nói chàng không phải là người đầu tiên nàng trao trọn trái tim,
nhưng đối với chàng, nàng chính là mối tình đầu tiên, cuối cùng, và cũng là mối tình duy nhất. Nàng đã mang tới cho chàng một mối tình đầu trọn vẹn theo một cách nào đó. Nó trọn vẹn bởi vì chàng được yêu thương,
được hờn ghen, được giận dỗi, được ngờ vực và được nếm mùi đớn đau…
Thư còn viết dài nữa.
Cửu Dương yên lặng đứng chờ Nữ Thần Y đọc cho đến hết, không chỉ riêng
mình nàng, lòng chàng cũng xốn xang, tâm thần cũng âu sầu ảo não theo.
Dưới màn mưa dầm dề, khí trời lạnh gió, Nữ Thần Y bỗng cảm thấy muốn gặp Dương Tiêu Phong hơn bao giờ hết, muốn được hai cánh tay chàng dang
rộng ra ôm chặt lấy nàng, muốn nói với chàng rằng, người trong lòng nàng mãi mãi về sau này không có nguyên soái, không có tướng quân, cũng
chẳng có vương gia, nhất nhất chỉ có một người, là Tiêu Phong mà thôi!
Chiều hôm sau. Khang Hi thắp nhang ở miếu Phổ Đà Thừa Chi, một trong tám
ngôi miếu của Ngoại Bát Miếu nằm phía bắc Tị Thử sơn trang. Theo ngài
là Ung công công và ba người tướng đáng tin cậy nhất lúc bấy giờ, Mã Tề, Trương Đình Ngọc, Long Khoa Đa.
Khang Hi sau khi hành lễ bái phật bà Quan Âm rồi rời khỏi sảnh chùa.
Ung công công cùng ba người tướng hộ tống ngài ra khỏi cửa.
Năm người chậm rãi bước đi trên hành lang dẫn đến tháp chuông.
Khang Hi nói:
- Bọn phản tặc Hồng Hoa hội càn quét nhiều hơn sự tưởng tượng của trẫm,
nghe mật thám biên thư về báo bọn chúng đi gây sự ở khắp nơi, và còn
viết văn viết thơ gì đó đề cao Hồng Hoa hội là một tổ chức cách mạng
toàn do những nhà ái quốc có bản lãnh nghiêng trời cầm đầu, mười hai
người đường chủ của hội đều là những người hiệp nghĩa. Mấy bài thơ này
lan khắp trong nhân giang, với mục đích kêu gọi bá tánh hưởng ứng phong
trào phản Thanh phục Minh.
Long Khoa Đa cúi đầu cung kính nói:
- Dạ bẩm hoàng thượng, chuyện này hạ thần cũng có nghe qua. Hạ thần xin mạng phép đề nghị chúng ta dùng đến trọng binh ra tay trừ khử bọn nó.
Nghe Long Khoa Đa nói vậy, Khang Hi gật gù tỏ vẻ tán đồng, đoạn gọi:
- Mã Tề.
Mã Tề nghe hoàng đế kêu tên mình liền lên tiếng đáp lời:
- Dạ bẩm hoàng thượng, thần cũng vừa mới nhận được thêm một mật báo, có
phi điểu truyền tấu nói rằng gần đây xảy ra một sự kiện rất kỳ lạ, cả
ngàn thương gia từ Thiên Tân và Thượng Hải tự dưng ùng ùng kéo đến kinh
thành, thật không tầm thường. Thần e sợ loạn đảng Hồng Hoa hội nhân dịp này theo chân các thương gia trà trộn vào kinh thành nổi dậy làm loạn.
Khang Hi khi này đi gần tới cầu thang dẫn lên tháp chuông, nhưng không
tiếp tục bước đi nữa, ngài dừng chân lại, tai nghe Mã Tề bẩm cáo vậy
trong bụng giật thon thót. Chợt nghĩ tới việc hữu tướng của ngài hôm
bữa thả hổ về rừng mà cặp chân mày Khang Hi chau lại tạo thành một đường thẳng, lòng tự nhủ chỉ vì một người con gái mà hắn dám làm trái thánh
chỉ!
Không khỏi nhuốm lấy phiền não, miệng thở dài một hơi, Khang Hi nói bằng giọng thăng trầm:
- Năm xưa đối mặt nhau tại miếu Quan Âm ở Tây Sơn, thế lực của bọn
nghịch tặc đã làm cho trẫm kinh ngạc. Bây giờ ở trong kinh thành bọn nó là hư hay thực thật rất khó biết. Nếu như thẳng tay càn quét, có lẽ sẽ đuổi chó vào đường cùng, vả lại, chỉ cần chúng ta ra tay bắt được tổng
đà chủ của bọn nó, xử trảm người thủ lĩnh của nhóm nghịch tặc thì cũng
đủ để tuyên truyền thiên uy. Vậy cho nên, chúng ta cần phải triệt để
bắt được tên đầu đảng của Hồng Hoa hội này, đem hắn ra hành quyết để răn lê dân bá tánh.
- Hoàng thượng anh minh!
- Còn nữa, Trương Đình Ngọc! Ông đi hạ lệnh của trẫm, bảo binh lính dán cáo thị khắp kinh thành nghiêm cấm tất cả những người có ý định rủ nhau tới xem pháp trường vào giờ Ngọ ngày mai.
- Dạ!
Trương Đình Ngọc hô một tiếng, làm động tác cúi chào, vâng mệnh rời đi.
Khang Hi dặn dò Trương Đình Ngọc xong nâng long bào cất bước lên bục
cấp, đứng trên lầu ngắm mái ngói Tử Cấm Thành một màu đỏ rực như một
vòng lửa thiêu đốt khoảng trời chiều.
Hồi lâu sau, Khang Hi hỏi:
- Tô Khất hiện thời đang ở đâu?
Mã Tề nói:
- Dạ, từ hôm được lệnh, Tô tướng quân đã mang binh mã đến đóng ở biên thùy.
- Tốt! – Khang Hi khẽ gật đầu nói - Trẫm chỉ e Tô Khất lại giống như chủ soái của hắn tự ý rời bỏ quân ngũ quay trở về kinh thành.
Nói đoạn Khang Hi quay sang bảo Long Khoa Đa:
- Ái khanh làm theo lời trẫm, đi thông báo với phủ Thuận Thi, điều động
nhân mã, kể từ bây giờ cho tới tối ngày mai nếu trong thành có chuyện
hỗn loạn gì thì lập tức đàn áp.
- Dạ!
Long Khoa Đa cũng như Trương Đình Ngọc bái chào rời đi.
Còn lại Mã Tề và Ung công công.
Khang Hi đứng chắp tay sau lưng, mắt hướng lên cao, thấy không trung
nhuộm một màu xanh biên biếc, ngay cả một cụm mây chiều cũng không có.
Khi này đang là mùa đông, khí trời Bắc Kinh nhiệt độ rất khắc nghiệt,
Khang Hi nghe thông thiên giám bảo tối nay sẽ có một trận mưa đá.
Khang Hi lại nhớ tới những khuôn mặt của nhóm nghị chánh đại thần, trong đó có Sách Ngạch Đồ võ nghệ rất cao cường, Ngạch Nhĩ Thái và Dương Diệm khá tinh thông binh pháp, Mộc Đình Quý rất biết cách ăn nói, năm xưa họ đã từng giúp ngài chiêu binh mãi võ, còn có thêm Tô Khất, và Cửu Môn đề đốc thành Bắc Kinh Nhạc Chung Kỳ… hoàng đế không khỏi than thầm.
Rốt cuộc Khang Hi nhìn Mã Tề nói:
- Mã Tề.
- Dạ có thần.
- Ngày mai khanh phụ trách việc giám trảm, trên đường từ đại lao đến
pháp trường phải có ngự lâm quân cẩn thận áp giải trọng phạm. Ngoài ra ở ba phía đông nam bắc pháp trường mỗi chỗ đặt hai trăm binh sĩ tích cực
mai phục, địch không động ta không động, trừ phi ai đó có ý muốn liều
mạng cướp pháp trường cứu người. Nếu có ai tấn công ba phía, bắt được
thì bắt, còn bắt không được thì giết.
- Dạ!
- Ngoài ra, căn cứ theo con đường địch sẽ rút lui ra khỏi kinh thành,
khanh phải tìm cách bố binh ngăng chặn, không để một ai chạy thoát.
- Dạ!
- Chúng ta bao vây cả ba phía, địch sẽ chỉ còn một đường là chạy vô cánh rừng ở phía Tây Bắc pháp trường.
- Xin hoàng thượng đừng quá bận tâm, ở đó hạ thần đã sớm cho người chôn
giấu hỏa dược, chỉ cần một mồi lửa là sẽ tức khắc bùng nổ.
- Tốt! Ái khanh làm hay lắm. Rất hợp ý trẫm!
Khang Hi căn dặn Mã Tề tỉ mỉ tới đây, bụng vẫn chưa được yên, im lìm phút chốc lại tiếp tục nói:
- Ái khanh cũng nên dẫn theo ngự tiền thị vệ, cùng năm trăm binh mã vào
trong ven rừng mai phục sẵn ở đó, nếu có ai dám đến, và may mắn thoát
khỏi được trận hỏa dược thì chúng ta sẽ bắt cá trong rọ.
- Dạ! Thần tuân chỉ, thần đi làm ngay đây!
Khang Hi khẽ gật đầu.
Mã Tề đi rồi, chỉ còn lại một mình người thái giám trung thành bên cạnh
Khang Hi, Ung công công theo Khang Hi từ khi ngài vừa mới lọt lòng mẹ
tính tới nay cũng gần hai mươi năm. Ung công công đứng yên cúi mình
không dám hé răng nhưng trong mắt đã cho thấy sự sợ hãi.
Khang Hi đứng ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống kinh thành, trăng non dần
lên cao, tự dựng nhớ đến một người. Ngài đương nhiên biết trong lòng
nàng ấy đang suy nghĩ những gì, và ngài quyết không chấp nhận, bất quá
thấy người nữ nhân đó dáng dấp thật xinh đẹp khả ái. Lại nữa nàng đã
từng cực nhọc biết bao khi chăm sóc ngài lớn khôn.
Ngài không thể nào quên cảnh nàng quỳ dưới trời mưa tầm tã, vì lạnh mà
thu người lại, mắt liếc nhìn phía đông cung của Tị Thử sơn trang, bất
giác Khang Hi cầm lòng không đặng buông một tiếng thở dài.
Giờ Tuất. Tị Thử sơn trang.
Khang Hi ngồi đánh cờ vây một mình trong cung Tùng Hạc Trai.
- Mời hoàng thượng - Ung công công vừa nói vừa làm động tác khom mình dâng chung rượu qua khỏi đầu.
Khang Hi cầm lấy nâng lên miệng nhấp một ngụm, gật gù khen ngon, đoạn
hỏi là loại rượu nào? Ung công công nói đấy chính là Nguyên Hồng Tửu
được cất từ thời Đại Tống của hiệu rượu Thiệu Hưng, huyện Tùng Giang,
phủ Tô Châu. Khang Hi lại gật gù, tiếp tục nâng chung lên uống cạn.
Bấy giờ rượu vàng Thiệu Hưng rất được giới hoàng gia ưa chuộng, và năm
nay, Nguyên Hồng Tửu chính là cống phẩm ưa thích nhất được gởi đến từ Tô Châu. Trong câu thơ của Lục Du thi nhân thời Nam Tống không ít đều bộc lộ ra tình cảm ca ngợi loại rượu này. Thanh đại là thời kỳ toàn thịnh
của hiệu rượu Thiệu Hưng, quy mô nấu rượu ở toàn quốc có thể gọi là đệ
nhất.
Hồng tô thủ,
Hoàng đằng tửu,
Mãn thành xuân sắc cung tường liễu.
Đông phong ác,
Hoan tình bạc
Nhất hoài sầu tự kỷ niên ly tác!
Thác! Thác! Thác!
Xuân như cựu,
Nhân không sấu,
Lệ ngân hồng ấp giao tiêu thấu.
Đào hoa lạc,
Gian trì các
Sơn minh tuy tại cẩm thư nan thác.
Mạc! Mạc! Mạc!
Ung công công ngó thấy hoàng đế chỉ tâm tình sảng khoái khi uống Nguyên
Hồng Tửu, đến khi chung cạn rồi thì nét mặt trở lại buồn bã như vừa nãy, liền hỏi:
- Hoàng thượng, nô tài cả gan xin hỏi tối nay tại làm sao hoàng thượng
lại buồn bực vậy? Có thể nào để cho nô tài được phân ưu với ngài hay
không?
Khang Hi cúi đầu chú tâm vào bàn cờ vây, hờ hững đáp:
- Sáng ngày mai trẫm sẽ giết chết một người mà trẫm rất là ngưỡng mộ…
Ngài nói đoạn bỏ lửng.
Ung công công nhìn nét mặt tuy còn rất trẻ mà đã chứa đầy đường nét ưu
tư của Khang Hi, ngập ngừng một lúc mới lấy hết can đảm nói:
- Nô tài đã biết, nhưng muôn tội muôn lỗi cũng là do đám phản tặc Hồng
Hoa hội tự làm ra, cung thân vương bất đắc dĩ lắm mới phải làm vậy. Nô
tài hiểu được sự khổ tâm của ngài.
Khang Hi nghe Ung công công nói thế đặt quân cờ đang cầm trong tay trở
lại vào bát cờ, ngẩng đầu lên nhìn người thuộc hạ của ngài, thấy trước
mặt là một ông già khiêm cung lễ độ, lại nữa đã theo ngài bao năm, trong lòng rất có thiện cảm.
Đây cũng là lần đầu tiên trong suốt một canh giờ qua Khang Hi rời mắt ra khỏi bàn cờ, nhìn Ung công công nghiêm trang hỏi:
- Hắn ngoại trừ có tài ba hơn người, trong mình còn có lòng nghĩa hiệp. Công công, ông nói có phải vậy không?
Ung công công không dám đáp lời, một mặt cúi xuống giả vờ bận bịu rót
rượu vô chung, một mặt hé miệng cười giả lả. Hay cho cái gọi là thánh
ý, Khang Hi hỏi ông một câu như vậy chắc đã sớm đoán được lòng ông. Vậy ra, ông trả lời hay không trả lời cũng có khác gì nhau? Có điều, khi
phải tiếp lời ông lại không còn cách nào khác là gật đầu đồng ý, vì vua
là con trời, mà bản thân ông chỉ thuộc hàng tôi tớ. Ý định ban đầu của
ông đó, trong buổi dâng rượu này khẳng định chính là muốn xin Khang Hi
xá tội chết cho Dương Tiêu Phong, nhưng khi mới vừa lấp lửng đưa ra ý
nguyện của mình thì ông đã bị Khang Hi chưa gì bác bỏ, Khang Hi liền tỏ
vẻ không hợp ý ngay, với mà ông phải sắp sửa chịu trách mắng.
Ung công công xác định lần này ông vốn không có khả năng xin tội cho ai
rồi, nếu không muốn làm Khang Hi mất vui, hẳn chỉ có thể đạo quang ẩn
hối ẩn tàng chính kiến.
Khang Hi thấy Ung công công tắt lời thầm cười trong bụng.
Ngờ đâu Ung công công sau hồi im bặt thì hạ giọng nói:
- Dạ bẩm hoàng thượng, lúc xưa vương gia đã từng cứu mạng nô tài.
Ung công công đem chuyện về cuộc đời ông từ đầu tới đuôi thuật hết một
lần, những chuyện từ trước khi vào cung làm thái giám, rồi bị nhóm người thuộc bè đảng của tam mệnh đại thần bắt nạt ra sao, bị đánh bị phạt,
khi đó Phủ Viễn tướng quân đã tìm cách cứu ông thế nào, cũng đại khái
lập lại hết một lần.
Khang Hi nghe qua nghĩ chung quy cũng không thể phủ nhận hết công lao của Dương Tiêu Phong được, nên nói:
- Hắn cũng từng cứu mạng trẫm.
Ngừng một lúc, Khang Hi tiếp:
- Nhưng ơn cứu mạng này công công ông sẽ không khi nào báo đáp được nữa
rồi. Trẫm biết tâm ý của ông, ông mắc ơn nên muốn trả, nhưng thật đáng
tiếc…
Không khí bấy giờ giống như vẻ chết chóc quạnh vắng đang ngưng đọng lại, Ung công công đờ đẫn nhìn Khang Hi. Sau một lúc thật lâu Khang Hi nói
tiếp:
- Mà này, tối nay trẫm không muốn nghe chuyện quốc sự gì nữa, công công ông đừng nói thêm, hãy uống với ta một ly đi.
Ung công công vẫn còn thẩn thờ nhìn về phía Khang Hi, đối diện với ánh
mắt như nhìn thấu mọi thứ của hoàng đế, lại vội vàng cúi xuống, lặng im
một hồi mới quỳ xuống trả lời:
- Nô tài không dám.
Khang Hi khẽ thở dài một hơi:
- Đứng lên đi – Ngài bảo, giọng ân cần.
Ung công công dập đầu đứng dậy. Khang Hi ôn hòa bảo:
- Ông cùng với nữ tử thần y đã cực khổ trăm bề chăm sóc trẫm bao năm, coi như đây là lời cám ơn của ta đối với ông.
- Tạ hoàng thượng.
Khi này bên ngoài cung Tùng Hạc Trai có một người thị vệ đi vào bẩm báo
có thừa tướng đại nhân đến thăm. Khang Hi nói cho hắn vào.
Lát sau thấy Cửu Dương xuất hiện, trên mặt Khang Hi thoáng lộ nét bất ngờ nên hỏi:
- Ái khanh đêm tối ghé thăm không biết là có chuyện gì trọng yếu?
Nói xong bảo Ung công công kéo ghế mời Cửu Dương ngồi.
Cửu Dương cúi mình thi lễ tạ ơn, ngồi xuống, định lên tiếng nói gì đó
nhưng thanh âm chưa thoát khỏi cửa miệng đã bị Khang Hi chặn lại. Khang Hi bảo Ung công công rót rượu vàng ra thêm một chung nữa đưa Cửu Dương.
Cửu Dương khẽ nhấp một ngụm rượu, tự nhủ như vầy cũng tốt, đầu tiên phải nên cho chàng có thêm chút ít thời gian để cân nhắc lời sắp nói một lúc đã.
- Đố ái khanh biết đấy là loại rượu gì?
- Khởi bẩm hoàng thượng, nếu hạ thần không nhầm lẫn thì đây chính là
Nguyên Hồng Tửu, thời xưa gọi là Tráng Hồng Tửu, do ở ngoài thành vò bôi màu đỏ tươi mà được tên, là chủng loại đại diện và sản phẩm Đại Tống
của hiệu rượu Thiệu Hưng.
Khang Hi quay sang Ung công công ra ý hỏi, Ung công công mỉm cười:
- Thừa tướng đại nhân quả thật là một người sành rượu, đã nói trúng hết.
Cửu Dương cũng cười:
- Rượu này lên men hoàn toàn, chứa lượng đường rất ít, sắc nước vàng cam trong suốt, có riêng vị thơm ngọt sảng khoái nhưng nếu để ý kỹ một chút thì sẽ thấy hơi đắng. Trong ngọt có vị đắng, trong đắng có vị ngọt.
Thật khá đúng với tâm trạng của hoàng thượng lúc này.
Lòng còn đang buồn bực, Khang Hi hướng về phía Cửu Dương đang ngồi hỏi:
- Ý của khanh là?
Ung công công bụng giật thon thót, dùng cặp mắt già nua khẽ liếc nhìn
Cửu Dương, thấy Cửu Dương nói một câu đầy ngụ ý xong mà thần sắc ung
dung không hề thay đổi.
Quả nhiên Cửu Dương vẫn tươi cười chậm rãi nói:
- Bẩm hoàng thượng, theo hạ thần thì giờ phút này hoàng thượng nên uống
một loại rượu khác cũng được pha chế từ lò rượu Thiệu Hưng, tên là Trúc
Diệp Thanh. Loại rượu này được làm từ hơn năm mươi loại thảo dược quý
hiếm, như dã sơn sâm, lão phục linh, cam thảo, quế thanh và gạo nếp. Tất cả được lên men xong chiết xuất qua hệ thống chưng cất cổ điển. Rượu
được ủ ở nhiệt độ ổn định, và chưng hai lần để cho ra những giọt rượu
tinh khiết, thấm đẫm với dược thảo. Trúc Diệp Thanh không những có hương vị làm say lòng người mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, đặc biệt đem
đến giấc ngủ an lành cho người sử dụng.
Cửu Dương nói xong kể một câu chuyện trước thời Bắc Tống. “Tương truyền năm xưa, ở nước Hán có một loại rượu ngon được rất nhiều kẻ sĩ dùng để
thù tạc trong cuộc rong ruổi trên giang hồ. Rượu say túy lúy, hào khí
ngất trời, men kết thành thi ca, hương kết tình bằng hữu. Giang hồ tôn
thờ thần men thành đạo.
Miên Thành tự Thanh Trúc chân nhân là kẻ sĩ thời ấy, cũng học chế biến
và tiêu dao với loại rượu danh tiếng này. Nhưng một ngày kia, ông cảm
thấy cách làm rượu mà ông biết lâu nay chưa thật hoàn hảo, nên ông quyết định khăn gói đi khắp thế gian để tìm. Trên đường vạn lý, ông đã học
thêm rất nhiều cách ủ men, chắt lọc lấy rượu tinh chất, tuy nhiên rượu
làm ra vẫn không thể trong như nước ngũ hồ, không thể ngọt mát như thạch huyết trong sơn động. Ông vẫn không nản chí.
Nhân một giấc mộng giữa núi rừng, ông như được thần nhân mách bảo. Vượt
qua hết rặng núi phía trước, qua khỏi rừng lá trúc, gặp con suối kết hợp từ nguyên khí trời đất. Dùng nước đó chang rượu và dùng các loại củ của bốn loại cây ven suối để làm men, năm loại cốc mọc trên vùng thung lũng ấy làm cốt rượu. Khi men đã ăn đủ một tiết trời thì đào đất lên chôn
chum rượu xuống bên suối ba tuần trăng. Ông dùng lá trúc khô đốt lò,
dùng ống trúc tươi ngâm vào nước làm ống dẫn. Thế là một loại rượu mà
thế gian chưa từng có đã ra đời. Ông đặt tên rượu là Trúc Diệp Thanh,
nghĩa là sự kết hợp giữa con người và vạn vật trong thiên hạ. Nhân tri
sơ tính bổn thiện. Rượu Trúc Diệp Thanh tinh khiết như tâm hồn con
người chưa một lần vẩn đục. Chuyện ngon dở thế nào đã có thế gian luận
bàn, riêng ông, ông đã trao lại cho người đời sau theo đúng triết lý chữ “thiện…”
Cửu Dương kể cho Khang Hi nghe về sự tích rượu Trúc Diệp Thanh tới đây xong trầm giọng kết luận:
- Chỉ có uống loại rượu này vào hoàng thượng mới có được một giấc ngủ an lành!
Khang Hi ngồi yên đối diện Cửu Dương chăm chú lắng nghe.
Rồi bằng giọng trầm trồ Khang Hi xuýt xoa nói:
- Thật không ngờ ái khanh có học vấn uyên bác đến vậy, kiến thức về rượu của khanh thật làm trẫm đây ngưỡng mộ.
Cửu Dương vòng ta xá một cái tạ ơn, kính cẩn nói:
- Thần đa tạ hoàng thượng đã khen. Có dịp, hạ thần nhất định sẽ cất rượu mời ngài hưởng dụng.
Khang Hi vui vẻ gật đầu:
- Được!
Đoạn nhớ tới những buổi giảng giải nho giáo trong Hắc Viện học đường,
quân tử dĩ văn hội hữu, Cửu Dương lặp lại lời nói của Mã Lương lão nhân:
- Bậc quân tử lấy văn chương để kết bạn, còn những người trong giang hồ thường mượn chén rượu kết bạn với nhau. Trong tình bằng hữu hay trong
tình yêu nam nữ chén rượu vẫn giữ vững vai trò của cơ duyên hội ngộ…
Khang Hi gật đầu, Cửu Dương tiếp lời:
- Hạ thần cũng còn biết thêm nhiều thứ lặt vặt nữa, có dịp sẽ hầu chuyện với ngài.
- Vậy sao? – Khang Hi cảm thấy mỗi lần được đàm luận với Cửu Dương dù là về vấn đề gì cũng rất thú vị, nên nói – Sẵn tiện trẫm đang muốn được
thư giãn, lại thích nghe chuyện đời xưa, ái khanh kể thêm một câu chuyện gì đó cho trẫm nghe đi.
Cửu Dương chỉ chờ có vậy, trống ngực như đập rộn lên, nhưng cố nén tâm tình xung động xuống từ tốn hỏi:
- Không biết hoàng thượng có thích xem truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa hay không?
- Lúc còn bé trẫm rất thích nghe thái hoàng thái hậu kể truyện này,
trong đó các nhân vật dầu nam dầu nữ mỗi người đều có đặt điểm riêng,
hào khí phi thường, là gương mẫu cho người đời học tập.
- Vậy xin để hạ thần hỏi hoàng thượng, trong truyện Tam Quốc có một nhân vật nào khiến ngài thưởng thức nhất không?
- À... trẫm...
Trong khi Khang Hi nhíu mày suy nghĩ, Cửu Dương lặng lẽ quan sát, sau đó thấy Khang Hi định mở miệng lên tiếng trả lời, Cửu Dương nói:
- Khoan đã! Xin để hạ thần đoán thử xem.
Khang Hi dễ dãi:
- Ái khanh cứ nói.
- Hạ thần đoán hoàng thượng trọng tình trọng nghĩa, người mà hoàng
thượng thưởng thức chắc là Quan Vũ, Quan Vân Trường, có phải không?
- Đúng rồi! Tại sao khanh lại biết vậy?
Cửu Dương cười nói:
- Bởi vì con người của hoàng thượng rất trọng tình nghĩa. Thần nhớ khi
quan Công gặp nạn, Tào Tháo đã cứu mạng ông ta, do đó sau này ở trên
đường do nhân đạo và lòng chính nghĩa quan Công tha mạng Tào Tháo, trả
lại ân nợ này. Đó mới là anh hùng, thần vô cùng thưởng thức.
Lời của Cửu Dương phát ra tuy nhẹ nhàng nhưng sâu trong đó chứa đầy hàm ý trách cứ. Khang Hi vốn không phải là một người có trí tuệ tầm thường,
nghe qua thì đã hiểu ngay, giật mình nhìn Cửu Dương, thấy Cửu Dương thản nhiên nhìn lại ngài. Thoáng phút hổ thẹn, Khang Hi ngưng mắt nhìn
xuống các quân cờ trắng đen.
Ung công công tay đang cầm bình rượu, cũng ngớ người ra, lát sau mới có phản ứng trở lại, tiếp tục rót rượu.
Cửu Dương thừa biết Khang Hi ngượng ngùng song vẫn giả vờ vô tâm thao thao nói tiếp:
- Trong các dũng tướng tham chiến phe Lưu Bị, quan Vũ lấy nghĩa mà nổi
danh, Trương Phi lấy dũng mà nổi danh, Triệu Vân lấy trí mà nổi danh.
Như vậy hoàng thượng đây là một người trọng tình trọng nghĩa, chọn
Trương Phi hữu dũng vô mưu không được, Triệu Vân cẩn thận cơ trí quá lại càng không xong. Chỉ có quan Vũ, người lấy nghĩa mà nổi danh là thích
hợp nhất. Lấy cớ là trả ơn Tào Tháo khi ở Hứa Đô, tha mạng cho Tào Tháo là chả ai nói gì được cả. Bởi vì nếu bắt Tào Tháo chết sẽ đẩy quan Vũ
vào thế bất nghĩa!
Cửu Dương nói tới đây thì im tiếng. Khang Hi cũng ngồi lặng một hồi, sau đó đột nhiên nói:
- Phải rồi, đoạn đó miêu tả thật là hấp dẫn.
Cửu Dương gật đầu, tiếp tục kể về sự kiện Tào Tháo rời giá về Hứa Đô, đoạn ngừng một chút, rồi lại cười nói bổ sung:
- Vậy tối đêm nay hoàng thượng nếu có về cung mất ngủ hãy đọc lại đoạn tiểu thuyết này, sẽ càng hiểu biết thêm sâu nữa!